2023
Tính hiệp hành “không phải là điều sáo rỗng” nhưng là một kinh nghiệm hằng ngày
Cuộc họp báo vào thứ Hai, ngày 16/10/2023, đã giúp minh họa các chủ đề của công việc buổi sáng của Thượng hội đồng: từ công việc truyền giáo đến đối thoại liên tôn, bao gồm cả vai trò của phụ nữ trong việc phục vụ Giáo hội. Đại hội nhắc lại kỷ niệm 45 năm ngày Đức Gioan Phaolô II được bầu làm Giáo hoàng.
Trong thời gian Thượng hội đồng đang diễn ra tại Vatican, có rất nhiều chủ đề được đề cập. Ngay sáng thứ Hai tuần này, “ý nghĩa thực sự của tính hiệp hành, sự phong phú của tính đa dạng, vai trò của người được rửa tội trong Giáo hội, hoạt động truyền giáo, đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn, vai trò của phụ nữ trong viễn cảnh chức phó tế nữ, sự tiến triển kỹ thuật số, không quên những người trẻ đến từ các nước nghèo, những người hoàn toàn không được tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất ” đã được đề cập. Đó là những gì đã được cho biết trong cuộc họp báo được tổ chức chiều 16/10 với các nhà báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Xem xét các báo cáo đầu tiên
Phiên họp “mở đầu với lời cám ơn gửi đến Đức Thánh Cha vì tông huấn của ngài dành riêng cho Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được công bố ngày hôm qua”, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin, ông Paolo Ruffini, giải thích và đồng thời nhấn mạnh rằng cũng chính các tham dự viên Thượng hội đồng đã nhắc lại “với những tràng pháo tay dài, ngày kỷ niệm, rơi vào ngày hôm nay, việc bầu chọn Đức Gioan Phaolô II vào ngai tòa Phêrô và ngày kỷ niệm một số lễ thụ phong linh mục”. “Các báo cáo đầu tiên từ các nhóm nhỏ cũng đã được xem xét”, vị tổng trưởng cho biết và nói thêm rằng vào thứ Sáu vừa qua, một cuộc họp của Ủy ban thông thường của Thượng hội đồng đã đánh giá hành trình trải qua cho đến nay, nhấn mạnh “chất lượng và vẻ đẹp của việc lắng nghe”.
Tính hiệp hành không phải là một điều sáo rỗng
Từ diễn đàn, Cha Vimal Tirimanna thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, một nhà thần học người Sri Lanka, đã đưa ra một chứng từ dài về tiến trình hiệp hành được thực hiện trong Thượng hội đồng. Ngài nói : “Khi đến đây, tôi nghĩ tính hiệp hành là một điều sáo rỗng, nhưng tôi phải thay đổi quan điểm của mình. Thượng hội đồng đã bắt đầu cách đây ba tuần và tôi nhận ra rằng tính hiệp hành đã thực sự tồn tại ở đây”. Cha nhấn mạnh rằng điều này cũng được thể hiện qua cách sắp xếp các bàn ăn: “Khi bạn ngồi trong những chiếc bàn tròn, bên cạnh các Giám mục, Hồng y, phụ nữ và giáo dân, bạn nhận ra rằng mình đang ở trong một Giáo hội hiệp hành chứ không chỉ là kim tự tháp”. Cha muốn làm rõ một điều kiện, vốn không phải là ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng “hoàn toàn gợi nhớ đến Công đồng Vatican II”. Cha Tirimanna hy vọng rằng mô hình này cũng có thể được đưa ra “bên ngoài Thượng hội đồng”.
Cầu nguyện và chuẩn bị
Nữ tu Patricia Murray, thuộc Dòng Đức Trinh Nữ Maria và thư ký điều hành của Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, rất vui mừng khi thấy rằng tính hiệp hành ngày càng trở thành hiện thực. Sơ nói với các phóng viên rằng “từ hai mươi năm qua, trong cộng đoàn của tôi, tôi đã thử nghiệm tính hiệp hành bằng cách đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và lắng nghe người khác. Tôi rất vui mừng khi thấy phương pháp này đã trở thành đặc thù của Thượng hội đồng và nó đang lan rộng khắp Giáo hội”. Sơ cũng giải thích rằng trong quá trình làm việc của Thượng hội đồng, “mọi tiếng nói đều được lắng nghe một cách hoàn toàn tự do. Chúng tôi đến với các nhóm nhỏ được chuẩn bị kỹ lưỡng để nhận thức tốt hơn. Chúng tôi cũng phải tận dụng tốt thời gian cầu nguyện, một chiều kích quan trọng khi chúng tôi xem xét những câu chuyện từ các anh em đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác”.
Một ánh sáng chiếu soi bóng tối
Tông huấn mới đây về Thánh Têrêsa thành Lisieux đã làm cảm động Đức Giám mục phụ tá Praha, Đức Cha Zdenek Wasserbauer, người đã nhìn thấy trong tài liệu này một la bàn cho toàn thể Thượng hội đồng. Ngài nói với các nhà báo: “Trong quá trình làm việc này, tôi thấy rất rõ ràng rằng từ “sứ mạng” là điểm mấu chốt đối với chúng tôi. Và Thánh Thérèse Lisieux là đồng bảo trợ của các xứ truyền giáo”. Đức Cha coi tông huấn gần đây như một hướng dẫn, một ngọn hải đăng, vì hai lý do: “Lý do đầu tiên liên quan đến việc vị thánh này, khi vào Dòng Cát Minh, đã có ước muốn cứu các linh hồn. Rồi, tôi nhận ra rằng ở đây, 400 thành viên đến với nhau mỗi ngày để tìm kiếm lợi ích cho người khác, cho phần rỗi của họ. Lý do thứ hai liên quan đến đêm tối mà Thánh Thérèse thành Lisieux cảm thấy trong tâm hồn vào năm 1856. Một số người nói rằng ngay cả ngày nay, Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba cũng đang trải qua bóng tối: ở đây, Thượng hội đồng là ánh sáng chiếu soi bóng tối”.
Quan tâm đến sự đau khổ
Trả lời câu hỏi của một số nhà báo về việc liệu nỗi đau của người LGBTQ+ đã được đề cập hay không, Sơ Murray nói rằng “vấn đề về nỗi đau khổ đã được đề cập trong những nhóm nhỏ. Chúng tôi đã cố gắng hiểu làm thế nào Giáo hội, trong lĩnh vực phụng vụ và mục vụ, có thể có thể giúp hiểu rằng Giáo hội xin lỗi về nỗi đau đã gây ra. Có một nhận thức tuyệt vời.” Một phóng viên cũng hỏi liệu vấn đề chúc lành cho các cặp đồng giới có được đề cập không. Vị Tổng trưởng giải thích rằng câu hỏi này “không phải là trọng tâm” và có nhiều cuộc thảo luận hơn về đào tạo, các thừa tác vụ chức thánh, sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và về chủ nghĩa thực dân. Paolo Ruffini nói thêm rằng giáo huấn Công giáo là trọng tâm của mọi việc được thực hiện tại Thượng hội đồng.
Các Giám mục Trung Quốc
Hơn nữa, khi xác nhận tin tức rằng các Giám mục Trung Quốc có mặt tại Thượng hội đồng sẽ rời khỏi công việc vào ngày mai, chính Paolo Ruffini giải thích rằng “họ sẽ phải làm như vậy vì những lý do mục vụ kêu gọi họ trở về giáo phận của mình”.
Tý Linh
(theo Federico Piana, Vatican News)
2023
Trò chuyện với tác giả Nobel văn học 2023 – một người Công giáo Tân tòng
Ngày 05/10 vừa qua, Viện Hàn Lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel văn học năm 2023 là nhà văn, nhà biên kịch người Na Uy Jon Fosse “vì các vở kịch và áng văn xuôi của ông đã mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói ra”.
Jon Fosse đã trải qua một hành trình dài từ một người vô thần thời trai trẻ, với rất nhiều trải nghiệm, cách đặc biệt là biến cố gặp tai nạn thuở nhỏ (như một cú sốc bừng tỉnh tâm linh) và cuối cùng ông quyết định trở thành một nhà văn Công giáo vào năm 2012. Ông được coi là một nhà văn thần bí và chịu ảnh hưởng lớn bởi nhà thần bí Meister Eckhart (1260 –1328), một linh mục Dòng Đa Minh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Fosse là Septology (Bộ Bảy), được coi là kiệt tác. Thật lạ lùng, đó chỉ là một câu văn kéo dài 700 trang, không dấu chấm, chỉ có dấu phẩy! Từ nhiều năm trước ông đã được dự đoán là ứng viên sáng giá cho giải Nobel và trong lời dẫn nhập cuộc trò chuyện dưới đây cũng đã dự đoán trúng từ gần một năm trước.
Vậy, làm sao có thể hiểu được Fosse và những điều không thể nói ra ấy là gì?
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả một bài phỏng vấn tác giả Fosse, đăng trên báo Los Angeles Review of Books, ngày 31.12.2022 với tựa đề “A Second, Silent Language: A Conversation with Jon Fosse” (Một ngôn ngữ im lặng thứ hai: Cuộc trò chuyện với Jon Fosse). Hi vọng bài phỏng vấn dưới đây sẽ giải đáp phần nào cho câu hỏi trên.
MỘT NGÔN NGỮ IM LẶNG THỨ HAI: CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI JON FOSSE
NẾU chuỗi chiến thắng của những người đoạt giải Nobel của NHÀ XUẤT BẢN ANH Fitzcarraldo Editions kéo dài đến năm 2023, rất có thể chủ đề phỏng vấn của chúng ta sẽ là chủ đề tiếp theo này. Jon Fosse, sinh ra ở Na Uy vào năm 1959, vừa có Septology uy quyền – tập hợp các tiểu thuyết Tên Khác–The Other Name (2019), Tôi Là Người Khác- I Is Another (2020) và Một Tên Mới– A New Name (2021) – được xuất bản thành một tập bởi cả Fitzcarraldo và Transit Books. Bộ ba kể về câu chuyện của Asle, một họa sĩ luôn du hành từ cột mốc này đến ngọn hải đăng khác của cuộc đời mình. Hình thức của cuốn sách thật khét tiếng – một câu văn kéo dài gần 700 trang.
Fosse trả lời các câu hỏi của chúng tôi bằng một giọng khúc chiết nhưng thích thú, nghiêng người về phía trước để bước ra khỏi bóng tối của dinh thự ở Oslo. Bộ Văn hóa đã cho ông mượn căn nhà để ghi nhận những đóng góp của ông cho nền văn học Na Uy, một vinh dự mà tác giả khá lạc quan: “Bạn nhận được nó khi bạn 50 tuổi, nhưng sau đó họ mong đợi bạn sẽ chết ở tuổi 80”.
REMO VERDICKT và EMIEL ROOTHOOFT: Ba tập Septology vừa được xuất bản dưới dạng một bộ sách. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến một trải nghiệm đọc khác?
JON FOSSE: Khi tôi viết Septology, tôi coi nó là một văn bản, một tổng thể. Tôi đã đồng ý với nhà xuất bản để chia nó thành các tập riêng biệt, nhưng nó vẫn là một thể thống nhất. Những gì xảy ra sớm trong phần đầu tiên sẽ được giải đáp trong phần thứ bảy [ba cuốn sách được chia thành bảy phần]. Có những mảnh ghép được ghép nối với nhau giữa các phần khác nhau. Ví dụ: các bạn có thể chỉ đọc phần I và II hoặc thậm chí chỉ đọc hai phần cuối và bạn vẫn có thể rút ra được điều gì đó. Nhưng đối với tôi, đó là một sự thống nhất và nó cần phải nằm trong một bộ sách bao gồm tất cả.
Giống như nhiều nhân vật chính của ông, người kể chuyện của Septology, Asle, thường xuyên di chuyển. Du lịch đôi khi là một phép ẩn dụ cho sự khám phá bản thân nhưng đối lập với nó cũng là không có mục đích. Vậy, nó có ý nghĩa gì với ông ?
Khi tôi ngồi xuống và bắt đầu viết, tôi không bao giờ có ý định cho bất cứ điều gì xảy ra. Tôi lắng nghe những gì tôi đang viết và điều gì đến sẽ đến. Tất nhiên, bạn có thể giải thích nó theo nhiều cách. Công việc của tôi không phải là giải thích điều đó – tôi chỉ là một nhà văn. Cách diễn giải của tôi sẽ ít giá trị hơn cách diễn giải của các bạn. [Cười.] Nhưng tôi cảm thấy rằng nếu tôi viết tốt, sẽ có rất nhiều thứ mà tôi có thể gọi là ý nghĩa, thậm chí là một loại thông điệp. Nhưng tôi không thể diễn đạt nó bằng những từ ngữ đơn giản. Tôi chỉ có thể đoán như các bạn có thể.
Ông từng viết trong một tiểu luận rằng mình phải cố gắng vượt qua ngôn ngữ, vượt lên trên nó, để không còn sự khác biệt và người ta có thể đến được với Thiên Chúa. Có phải thực sự chỉ khi không dùng ngôn ngữ thì chúng ta mới có thể đến gần hơn với thần thánh?
Tôi rất sợ dùng từ “Thiên Chúa”. Tôi hiếm khi làm điều đó và không bao giờ nói về bài viết của chính mình. Thiên Chúa thì quá cao xa để tôi có thể nói đến. [Cười.] Khi tôi viết tốt, sẽ có ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ im lặng. Ngôn ngữ im lặng này nói lên tất cả những gì về điều đó. Đó không phải là câu chuyện, nhưng các bạn có thể nghe thấy điều gì đó đằng sau- một giọng nói im lặng vang lên. Chính điều này đã làm cho văn học có tác dụng tốt với tôi.
Bảy phần của Septology tạo nên một câu văn duy nhất. Quá trình đó ông viết như thế nào?
Mọi thứ tôi viết phải là một vũ trụ riêng, được cai trị bởi những quy luật riêng của nó. Khi viết về một vũ trụ như vậy, tôi phải hoàn toàn ở trong đó. Tất nhiên, tôi có thể nghỉ giải lao, nhưng tôi phải bám sát nội dung của những gì tôi đang viết. Có lẽ quan trọng nhất là nhịp điệu của nó. Tôi thực sự không thể giải thích ý của tôi khi nói điều đó, nhưng đó là một dòng chảy mà tôi phải tuân theo.
Vở kịch nổi tiếng nhất của tôi có tên là Ai Đó Đang Đến-Somebody Is Going to Come. Tôi tin rằng tôi đã viết điều đó trong bốn hoặc năm ngày và tôi không thay đổi bất cứ điều gì sau đó. Bài viết của tôi thường là như vậy.
Với Septology, đó lại là một câu chuyện khác. Tôi viết phần lớn cuốn sách này khi sống ngay bên ngoài Vienna, nơi vợ tôi và tôi có một căn hộ ở một thị trấn nhỏ tên là Hainburg an der Donau. Tôi viết từ đêm khuya đến sáng, từ năm đến chín giờ sáng. Sau đó tôi ngủ khoảng một tiếng. Thông thường, tôi không viết vào buổi chiều.
Tác phẩm của ông được gọi là “văn xuôi chậm”, nhưng đối với chúng tôi, rất nhiều bài viết của ông không có cảm giác chậm chút nào. Làm thế nào ông mô tả nó?
Mặc dù khởi đầu là một nhà thơ và tiểu thuyết gia, nhưng bước đột phá đến khi tôi bắt đầu viết kịch. Trong 15 năm, về cơ bản tôi chỉ viết cho sân khấu. Đó là một bất ngờ lớn đối với tôi, và lúc đầu, đó là một chút phiêu lưu. Tôi viết kịch chủ yếu vào mùa hè. Thời gian còn lại trong năm, tôi dành nhiều thời gian đi đến các rạp chiếu phim ở nước ngoài, rồi trả lời phỏng vấn, v.v.
Rồi đột nhiên tôi cảm thấy thế là đủ. Tôi ngừng đi du lịch, ngừng uống rượu, ngừng làm nhiều việc. Tôi quyết định quay trở lại nơi tôi đã xuất phát, quay lại viết văn xuôi và thơ “loại” của tôi. Sau khi hoàn thành bản văn xuôi đầu tiên Tỉnh Thức-Wakefulness [2007], tôi đã không viết gì cả trong vài năm. Tôi cảm thấy khá mong manh và không dám đi xa vì viết là một loại hành trình đi vào những điều chưa biết. Tôi phải ở vùng biên giới, điều đó chỉ ổn khi tôi khỏe mạnh, nhưng nếu tôi quá yếu đuối thì điều đó khiến tôi sợ hãi.
Nhân tiện, tôi đáng trách vì thuật ngữ “văn xuôi chậm” này. [Cười.] Tôi muốn đối chiếu nó với các vở kịch. Những vở kịch của tôi khá ngắn và tôi luôn cần một cường độ mạnh mẽ để làm việc. Bạn không thể tập trung vào mọi thứ trong thời gian dài – rạp hát không như vậy. Nhưng với văn xuôi của mình, tôi muốn dành cho từng khoảnh khắc một khoảng thời gian mà tôi cảm thấy cần thiết. Tôi muốn ngôn ngữ trôi chảy một cách hòa bình. Tôi nghĩ tôi đã làm được điều đó trong Septology.
Có một cảnh sex mà người kể chuyện của Septology đang chứng kiến – hay nói đúng hơn là tưởng tượng. Bản thân ông có bao giờ cảm thấy mình như kẻ đang nhìn trộm tâm trí mình không? Ông đã bao giờ nhìn thấy những điều trong tâm trí mình mà ông cảm thấy không nên nhìn thấy chưa?
Ồ, vâng. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng tôi cũng có khả năng này. Thật tuyệt khi viết cảnh này ở sân chơi. Tôi đã và vẫn rất hạnh phúc về điều đó. Nhân vật Asle đang nhìn thấy bản thân lúc trẻ của mình và vợ ông đang thân mật nhiều năm trước đó, nhưng ông thực sự đang ở trong sự hiện diện thể lý của họ. Sau đó, thậm chí ông còn gặp và nói chuyện với họ. Septology kết hợp các mốc thời gian này thành một – đó là tính tổng thể rất quan trọng.
Trong phần thứ năm hoặc thứ sáu, chàng trai Asle đang nhìn ra ngoài cửa sổ và nhìn thấy một chiếc ô tô đang chạy ngang qua. Đó chính là chiếc xe mà Asle lớn tuổi đang lái khi ông đến Bjorgvin với những bức tranh của mình. Đối với tôi, đó là một khoảnh khắc – toàn bộ cuốn tiểu thuyết là một khoảnh khắc.
Ông luôn viết bằng tiếng Nynorsk, chưa bao giờ viết bằng tiếng Bokmăl, ngôn ngữ Na Uy khác. Đối với ông, viết bằng Nynorsk có phải là một hành động chính trị không?
Không, đó đơn giản là ngôn ngữ của tôi. Đó là những gì tôi đã học được từ ngày đầu tiên đến trường cho đến khi ra trường, trong khoảng 12 hoặc 13 năm. Đó là ngôn ngữ thiểu số và đó chỉ là một lợi thế đối với tôi với tư cách là một nhà văn. Nó hầu như không bao giờ được sử dụng trong quảng cáo hoặc kinh doanh như trong học viện, văn học và trong nhà thờ. Vì không được sử dụng quá nhiều nên nó mang lại cảm giác tươi mát mà Bokmăl không có. Gilles Deleuze và Félix Guattari đã viết cuốn sách này có tựa đề Kafka: Hướng tới một nền văn học nhỏ [1975]. Khi đọc, tôi cảm thấy viết bằng tiếng Nynorsk rất giống hoàn cảnh của Kafka.
Trong Septology, người kể chuyện nói rất nhiều về Meister Eckhart [1] thần bí. Eckhart thường được coi là người có ảnh hưởng tới các nhà văn đương đại như Fleur Jaeggy và chính ông. Tại sao ngài lại hấp dẫn ông?
Tôi bắt đầu đọc Meister Eckhart vào giữa những năm 1980. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Sau khi học xong đại học, tôi đọc ông rất nhiều, cùng với Martin Heidegger. Tôi cảm thấy ngài giống Heidegger, nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn nhiều. Eckhart là nhà văn có ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất. Ngài có tầm nhìn hoàn toàn của riêng mình. Ở tuổi thiếu niên, tôi là một kiểu người theo chủ nghĩa Marx ngốc nghếch và vô thần – đó là điều bình thường đối với những trí thức trẻ, đầy tham vọng thời đó. Nhưng trong quá trình viết, có một điều tôi không thể hiểu được, một điều bí ẩn nào đó: nó đến từ đâu? Nó không đến từ đây [chỉ vào trái tim ông]. Không, nó từ ngoài kia.
Tôi bắt đầu tin vào Thiên Chúa như một nhân vị, theo một cách nào đó. Tôi tự gọi mình là người tin vào Chúa, như một sự hiện diện đồng thời ở ngoài kia và ngay tại đây. Nhưng giống như Eckhart, tôi không có giáo điều.
Tôi cảm thấy cần phải chia sẻ niềm tin này với ai đó, vì vậy tôi đã đến gặp các tín đồ phái Quakers. Các bạn đang ở trong một vòng tròn im lặng và nếu bạn cảm thấy mình có điều gì đó quan trọng muốn nói thì bạn hãy nói ra. Nếu không, bạn chỉ cần im lặng. Đến một lúc nào đó tôi cảm thấy không cần thiết nữa. Tôi cảm thấy rằng bài viết của chính tôi là “cuộc gặp gỡ im lặng” của chính tôi hoặc cách trở thành một tín đồ Quaker – cách cầu nguyện của tôi.
Sau đó, tôi chỉ đơn giản là một nhà văn trong nhiều năm và không có ai để chia sẻ niềm tin của mình. Vào giữa những năm 1980, tôi đến tham dự Thánh lễ tại một nhà thờ Công giáo ở Bjorgvin, và tôi thích điều đó, đến mức tôi thậm chí còn bắt đầu tham gia một khóa học để trở thành người Công giáo – vâng, ít nhiều giống như Asle. Chỉ nhiều năm sau, tôi mới quyết định chuyển sang Giáo hội Công giáo. Tôi đã không thể làm được điều đó nếu không có Meister Eckhart và cách ngài vừa là một người Công giáo vừa là một nhà thần bí.
Ông có coi mình là một nhà văn Công giáo, thần bí không?
Khía cạnh thần bí này liên quan đến lúc tôi bảy tuổi và cận tử. Đó là một tai nạn. Tôi nhìn thấy mình từ bên ngoài, trong một thứ ánh sáng lung linh, bình yên, một trạng thái rất hạnh phúc, và tôi khá chắc rằng tai nạn đó, khoảnh khắc đó, trải nghiệm cận kề cái chết đó đã hình thành nên tôi thành một nhà văn. Nếu không có biến cố đó, tôi không chắc mình thậm chí có thể trở thành một người như vậy. Nó rất cơ bản đối với tôi. Trải nghiệm này đã mở mắt cho tôi thấy về chiều hướng tâm linh của cuộc sống, nhưng là một người theo chủ nghĩa Marx, tôi đã cố gắng phủ nhận điều này hết mức có thể.
Điều làm tôi thay đổi suy nghĩ là bài viết của chính tôi. Càng lớn tôi càng cảm thấy cần phải chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Tôi cảm nhận điều đó một cách tốt đẹp và yên bình trong Thánh lễ Công giáo. Tôi thích Thánh lễ Chính thống hơn, nhưng đối với một người phương Tây, rất khó để tiếp thu tư duy Chính thống giáo – các tài liệu tham khảo thì rất khác nhau. Tôi biết rất nhiều về Giáo hội Công giáo đến nỗi tôi đã không chuyển sang Chính thống giáo.
Một số tác giả, so sánh với ông, được coi là những nhà văn viết “tiểu thuyết siêu hình”. Ông có coi mình là một trong số đó không?
Tôi đã bị gán cho rất nhiều thứ – một người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, một người theo chủ nghĩa tối giản – và tôi tự cho mình là nhà văn của “văn xuôi chậm”. Tôi không muốn gọi mình là gì cả. Tôi tự gọi mình là một Kitô hữu, nhưng điều đó thật khó khăn đối với tôi. Nó quá giản lược. Tất nhiên, theo một cách nào đó, tôi là người theo chủ nghĩa tối giản, và theo một cách khác, tôi là người theo chủ nghĩa hậu hiện đại – tôi chịu ảnh hưởng của Jacques Derrida. Vì vậy, điều đó không hẳn là sai, nhưng tôi không bao giờ có thể sử dụng khái niệm như vậy cho bài viết của mình, như muốn nói rằng “Nó là như vậy”.
Cuộc hoán cải của ông có giống với nhân vật Asle không?
Ngày nay, việc sử dụng những điều bạn đã trải nghiệm vào bài viết của mình và viết nó gần với thực tế nhất có thể là điều rất phổ biến, như Annie Ernaux đã làm. Vừa rồi tôi đọc cuốn tiểu thuyết ngắn này của [Ernaux] có tựa đề Niềm đam mê đơn giản [1991], và tôi thích nó – nó khá ổn. Nhưng đối với tôi, hoàn toàn không thể sử dụng kinh nghiệm của bản thân theo cách như vậy, bởi vì viết là tất cả về sự biến đổi. Tôi lắng nghe một vũ trụ khác với vũ trụ của tôi, và viết là một cách để trốn thoát vào vũ trụ này. Đó là điều tuyệt vời về nó. Tôi muốn thoát khỏi chính mình, không muốn thể hiện bản thân.
Tất nhiên, tôi đang sử dụng cuộc sống của chính mình. Tôi biết tôi đang nói về điều gì. Tuy nhiên, Septology chỉ là một phát minh – tôi chưa bao giờ là họa sĩ. Tôi đang sử dụng cuộc sống của chính mình và những gì tôi đã đọc làm tài liệu chứ không phải là thứ tôi muốn viết một cách thực tế. Mọi thứ đều được biến đổi. Khi tôi viết, trải nghiệm của tôi chẳng là gì cả, phẳng lặng. Những trải nghiệm của tôi không có cánh, nhưng khi tôi viết hay, tôi có thể khiến chúng bay lên. Tôi ở phía đối diện với “tự truyện” – tôi chỉ đơn giản là viết tiểu thuyết.
Ông nghĩ gì khi mọi người gọi nó là tự truyện?
Một số người đọc nó như vậy, nhưng một khi bạn biết một chút về cuộc đời tôi, bạn sẽ biết nó không phải như vậy. Nếu tôi viết về một người mẹ, nhiều người sẽ nghĩ tôi đang viết về mẹ mình, nhưng tôi chưa bao giờ làm điều đó và sẽ không bao giờ làm điều đó. Tôi không được phép làm điều đó. Tôi không thể sử dụng cuộc sống của một con người khác trong tiểu thuyết của mình. Tôi có thể sử dụng các đặc điểm, nhưng tôi phải biến đổi chúng. Có điều gì đó rất phi đạo đức về tự truyện.
Tại sao ông lại quay lại với nghề viết kịch?
Sau khi viết Septology, tôi cảm thấy rất cần phải viết lại một vở kịch. Bạn cảm thấy sự trống rỗng này khi đọc xong một cuốn sách lớn, và tôi nghĩ, tại sao không viết một vở kịch? Không phải là một bài viết đầy tham vọng, chỉ là một bài viết ngắn nên tôi đã viết một bài có tựa đề Gió Mạnh –Strong Wind. Viết xong vở kịch đó, vở kịch này dẫn đến vở kịch tiếp theo. Tôi thậm chí còn viết vở kịch thứ tư mà tôi chưa xuất bản. Nó chỉ nằm trên bàn của tôi ở đây. Trong tương lai, tôi sẽ không bao giờ quay lại viết kịch như cách tôi đã làm – chỉ thỉnh thoảng thôi.
Ông viết trong Septology, “Những gì đẹp trong cuộc sống lại trở nên xấu xí trong một bức tranh bởi vì có quá nhiều cái đẹp.” Có thể nào có cái gọi là quá nhiều vẻ đẹp trong văn học?
Vâng tôi cũng nghĩ thế. Bạn có thể viết một bài thơ hoàn hảo về mọi mặt, khi đọc thì thấy nó hay nhưng bạn có cảm giác lối viết thật khéo léo, không có hồn. Một khuôn mặt xinh đẹp có điều gì đó không ổn. Đối với tôi, những khuôn mặt cân đối trong quảng cáo này thật xấu xí. Cái đẹp nằm ở chỗ sai trái, ngay cả trong văn học và nghệ thuật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Đó là niềm hân hạnh với tôi. Và với tư cách là một người Công giáo tốt lành, tôi chúc các bạn được Pax et Bonum (Bình an và Thiện hảo)!
Đình Chẩn dịch 13.10.2023 từ: lareviewofbooks.org
Nguồn: https://www.vanthoconggiao.net/
[1] Meister Eckhart (1260 –1328): thần học gia, nhà thần bí người Đức, Linh mục tu sĩ dòng Đa Minh.
2023
Đức Phanxicô: “Có lẽ những người bạn Argentina của tôi nằm trong số những nạn nhân của Hamas”
Lời kêu gọi mới của Đức Phanxicô cho hòa bình ở Trung Đông và việc giải phóng các con tin. Trong giờ Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô lên tiếng: “Tôi đau đớn theo dõi những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine và tôi nghĩ đến nhiều người, đặc biệt là trẻ em và những người lớn tuổi. Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi thả các con tin.”
Đức Phanxicô cũng gọi điện thoại cho nhà báo người Israel gốc Palestine Henrique Cymerman, phóng viên của đài truyền hình Sic ở Lisbon, ngài lo ngại cho số phận của nhiều nạn nhân người Argentina trong cuộc tấn công của Hamas vào kibbutz ở miền nam Israel, ngài nói: “Tôi nghĩ trong số những người Argentina thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công có nhiều bạn bè của tôi”. Ngài bày tỏ mong muốn được đón nhận gia đình của khoảng 120 người bị Hamas bắt cóc ở Gaza về Vatican.
Ngài nói: “Tôi đặc biệt yêu cầu trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả người dân không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột. Luật nhân đạo phải được tôn trọng, đặc biệt là ở Gaza, nơi việc đảm bảo các hành lang nhân đạo và giúp đỡ toàn bộ người dân là điều khẩn cấp và cần thiết. Không còn máu vô tội phải đổ ở Đất Thánh, ở Ukraine hay ở bất kỳ nơi nào khác, đủ rồi, chiến tranh luôn là một thất bại.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2023
Đức Thánh Cha: Không bao giờ xem nước như một loại hàng hóa đơn thuần
Nhân ngày Lương thực Thế giới 2023, ngày 16/10, Đức Thánh Cha đã gởi sứ điệp đến ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông thế giới, và nhấn mạnh: “tiếng kêu đau khổ và tuyệt vọng của người nghèo phải đánh thức chúng ta khỏi tình trạng hôn mê đang bao trùm chúng ta và thách thức lương tâm chúng ta”.
Theo Đức Thánh Cha, nguyên nhân của tình trạng đói kém và suy dinh dưỡng là do sự tích tụ bất công và bất bình đẳng, vốn khiến nhiều người phải nằm trong hố sâu của cuộc sống, trong khi một số ít lại sống trong tình trạng phô trương và xa hoa. Điều này không chỉ áp dụng cho thực phẩm, mà còn cho tất cả các nguồn tài nguyên cơ bản. Hơn thế, việc nhiều người không thể tiếp cận được những nhu cầu cơ bản là một sự sỉ nhục đối với phẩm giá nội tại do Thiên Chúa ban cho họ.
Đặc biệt về tài nguyên nước, Đức Thánh Cha khẳng định: “Nước là sự sống vì nó đảm bảo sự sống còn; Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này đang bị đe dọa bởi những thách thức nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Ở nhiều nơi trên hành tinh, anh em chúng ta bị bệnh tật hoặc chết do thiếu hoặc khan hiếm nước uống. Hạn hán do biến đổi khí hậu đang khiến nhiều khu vực rộng lớn trở nên cằn cỗi và gây thiệt hại to lớn cho hệ sinh thái và các quần thể”. Do đó, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới ống dẫn, hệ thống vệ sinh và xử lý nước thải, đặc biệt ở những vùng nông thôn xa xôi và khó khăn nhất. Điều quan trọng nữa là phát triển các mô hình giáo dục và văn hóa nhằm nâng cao nhận thức trong xã hội để lợi ích cơ bản này được tôn trọng và bảo tồn. Không bao giờ xem nước như một loại hàng hóa đơn thuần, một sản phẩm trao đổi hoặc một vật phẩm để đầu cơ”.
Đồng thời, nước cũng là lương thực vì nước cần thiết để có được an ninh lương thực, là phương tiện sản xuất và là thành phần không thể thiếu đối với nông nghiệp. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến việc tránh thất thoát nước trong ngành nông nghiệp, và làm sao để việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ và vô cơ không gây ô nhiễm nguồn nước.
Vì vậy, Đức Thánh Cha kêu gọi “các tổ chức quốc tế, chính phủ, xã hội dân sự, doanh nghiệp, tổ chức học thuật và nghiên cứu cũng như các đơn vị khác phải chung sức, đóng góp ý tưởng để nước trở thành di sản của mọi người, được phân phối và quản lý tốt hơn theo cách phù hợp, bền vững và hợp lý”.
(CSR_4127_2023)
Theo Vatican News