2023
Loan báo Chúa Giêsu giữa những cảnh khốn cùng mới của thế giới, trên cao nguyên Antsirabe
Sơ Germana Boschetti là một trong 5 nữ tu tiên phong của Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu ở Madagascar. Sơ chia sẻ về những thay đổi trong đời sống xã hội tại vùng cao nguyên Antsirabe và những cố gắng của các nữ tu để thay đổi đời sống của người dân bằng những hoạt động giáo dục và nghề nghiệp. Loan báo Chúa Giêsu trong hoàn cảnh xã hội phức tạp, các nữ tu hy vọng dần dần thay đổi cuộc sống của người dân ở đây, giúp họ thoát khỏi những cảnh khốn cùng mới của thế giới.
Những thay đổi
Sơ Germana chia sẻ: “Chúng tôi đến Ambanja vào ngày 15 tháng 10 năm 1985, lúc đầu chúng tôi học tiếng Malagasy và sau chín tháng, chúng tôi chuyển đến Mahajanga, một thành phố cảng ở phía tây bắc đất nước. Khi chúng tôi đến vào tháng 5 năm 1986, bọn trẻ sợ chúng tôi vì chúng tôi là người da trắng và đeo tạp dề trắng”.
Với thời gian trôi qua và với sự hiện diện của mình, các nữ tu đã trở thành “người nhà”, và trong khi đó, cũng đã có nhiều điều thay đổi. “Trước đây trong nhà không có nước và bây giờ vài nơi đã có. Trong những năm đó không có tivi và bây giờ khi nó xuất hiện, những thay đổi đã bắt đầu, bắt đầu từ việc quần áo nhập khẩu đã phá hủy hoạt động buôn bán nhỏ ở địa phương. Với sự xuất hiện của các nhà máy, mọi người ngừng làm việc trên đồng ruộng, thích làm việc theo giờ và lương cố định. So với khi chúng tôi đến, giáo dục đã được cải thiện với những trường học mới. Việc Mahajanga là một thành phố cảng đã tạo nên sự khác biệt. Với một dự án được nhà độc tài Didier Ignace Ratsiraka lúc bấy giờ bắt đầu, các tàu đánh cá biển sâu đã rời đi và sau đó tiếp tục trực tiếp đến Nhật Bản để bán.”
Sau tám năm ở Mahajanga, Sơ Germana được chuyển đến vùng cao nguyên ở làng Betafo, gần Antsirabe, nơi sơ tiếp tục các hoạt động truyền giáo trong sáu năm để hỗ trợ cải thiện tình trạng của phụ nữ và trẻ em, thông qua nhiều hình thức trường học giáo dục khác nhau như thêu tay và sau đó thành lập các doanh nghiệp nhỏ. Sơ Germana chia sẻ: “Sau Betafo, tôi trở lại Mahajanga thêm 6 năm nữa rồi đến thủ đô Antananarivo, nơi tôi ở lại 12 năm, hai năm ở Fianarantsoa và bây giờ quay lại Ambanja gần ba năm.”
Sự hiện diện của dòng ở Madagascar đã bắt đầu
Trong nhiều lần di chuyển này, Sơ Germana đã có thể tận mắt chứng kiến những thay đổi to lớn. Sơ nói: “Tôi hạnh phúc khi được ở giữa mọi người, cảm nhận được sự chào đón của trẻ em và sự ấm áp của người lớn, đi chợ để có thể gặp gỡ trao đổi với họ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa nơi này và nơi khác, đặc biệt là về khía cạnh đời sống đức tin. So với vùng cao nguyên, nơi có nhiều Kitô hữu hơn, trong khi nơi chúng tôi hiện nay có nhiều người Tin Lành và nhiều người Hồi giáo nhưng chúng tôi không gặp vấn đề gì trong việc chung sống. Chính tại vùng cao nguyên Betafo và Antsirabe mà sự hiện diện của dòng bắt đầu ở Madagascar. Một sự khác biệt lớn khác có thể được tìm thấy giữa các nhóm dân tộc. Nơi tôi đang ở hiện nay có sự chia rẽ lớn, họ nói các ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ khác nhau và chấp nhận ngôn ngữ chính thức của Malagasy cũng như các ngôn ngữ địa phương miền Nam và vùng cao. Ngay cả việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, họ cũng chỉ ủng hộ những người đại diện cho dân tộc mình và tuyệt đối không muốn những người khác”.
Giúp các trẻ em sống gần gũi gắn kết với nhau
Các nữ tu đặt mục tiêu gắn kết những đứa trẻ với nhau, bất kể các em thuộc nhóm nào, để nhờ học cách yêu thương nhau khi còn nhỏ, khi lớn lên các em sẽ tiếp tục cảm nhận nhau như anh chị em. “Hy vọng của chúng tôi là từng chút một mọi thứ sẽ thực sự thay đổi.”
Giúp người dân ý thức về tầm quan trọng của công việc
Sơ Germana cũng kể lại những khó khăn to lớn mà sơ gặp phải ở Ambanja để đảm bảo rằng người dân nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công việc. “Chúng tôi cố gắng lôi kéo các phụ nữ tham gia vào các chương trình may vá, chúng tôi mang theo máy may. Nhưng thói quen thường xuyên chiếm ưu thế, khiến nhiều người trong số họ ngồi bên ngoài nhà cả ngày. Họ sống bằng nghề buôn bán nhỏ, khoai tây và hành tây, đậu và bột mì. Và đồng thời, họ còn thậm chí nhịn ăn để mua quần áo cho những dịp lễ”.
Các khủng hoảng
“Nếu ở vùng cao nguyên người ta quen làm việc chăm chỉ”, Sơ Germana nói, “thì điều này không xảy ra ở Ambanja, nơi mà hiện nay nhiều người đang hướng tới kiếm tiền dễ dàng, thường bằng việc buôn bán ma túy”. Thật không may, một loại ma túy mới lại đang lan rộng, thứ gây ảo giác đến mức phát điên bằng việc nhai những chiếc lá được xe tải chở đến từ khu rừng nơi mà loại cây này rất phổ biến. Những bó lá này được gói trong túi nylon rồi vận chuyển đi bán”.
Cuộc khủng hoảng gia đình thậm chí còn bi kịch hơn. Sơ Germana giải thích: “Các gia đình không còn tồn tại nữa. Một buổi sáng nọ, một đứa trẻ nói với tôi rằng: sáng nay, một người mẹ mới đã đến nhà con… hay: người cha thứ tư đã về nhà…”.
Hoạt động mục vụ và những thách đố
Mô tả giáo xứ nơi chào đón các Nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ ở Ambanja, Sơ Germana gợi nhớ đến các nhóm giáo xứ có mặt, cũng như 1.300 trẻ em đang theo học giáo lý. “Một trong các chị em của chúng tôi được một người phụ trách dạy giáo lý giúp đỡ và họ cùng nhau lo việc đào tạo các giáo lý viên. Khi tan học, vào chiều thứ Tư, chúng tôi di chuyển quanh khu vực lân cận, nơi có một nhà nguyện nhỏ nơi chúng tôi dạy giáo lý cho người lớn. Chúng tôi cũng có một nhà cho giới trẻ với các họa sĩ hoạt hình và nhiều bạn trẻ. Thật không may, vì đây là một thị trấn trung chuyển, đặc biệt là đảo Nosi Be nên tỷ lệ mại dâm cao, ngay cả ở trẻ em gái. Trong trường học, có rất nhiều nạn tham nhũng, tội vặt, nghiện rượu, trộm cắp, và ma túy cũng bắt đầu lan truyền từ nước ngoài về. Về đội ngũ nhân viên làm việc ở đây thì khó tìm người Công giáo, trường chúng tôi có cả những giáo viên không phải là tín hữu Công giáo”.
Theo Vatican News
2023
Nửa hành trình của Thượng Hội đồng Giám Mục kỳ thứ 16
Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 về chủ đề: “Tiến tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”, đã tiến hành được một nửa chương trình, nếu tính cả 3 ngày tĩnh tâm từ ngày đầu tháng 10. Trong hai tuần còn lại Thượng Hội đồng có 6 cuộc họp trong các nhóm nhỏ và 11 phiên họp khoáng đại. Trong phiên thứ 21 cũng là phiên cuối cùng chiều thứ Bảy 28/10/2023, các thành viên sẽ bỏ phiếu thông qua Tường trình Tổng hợp, là “Tài liệu làm việc” cho khóa họp vào tháng 10/2024.
Thánh lễ khai mạc
Sau hai năm chuẩn bị, Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 đã được khai mạc trọng thể sáng ngày 4/10, lễ thánh Phanxicô Assisi. Thánh lễ này trùng vào lễ tạ ơn của 21 Hồng Y mới với Đức Thánh Cha, nên số người tham dự càng đông đảo hơn: hơn 300 Hồng Y, Giám mục và linh mục tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục này với tư cách là thành viên, hoặc chuyên gia, cùng với hàng trăm linh mục khác, trước sự hiện diện của khoảng 20 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, nhắc đến bối cảnh bài Tin Mừng (Mt 11,25-30) đọc trong Thánh lễ: Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn, thay vì những người khôn ngoan thông thái, và Chúa mời gọi những ai mệt mỏi và bị áp bức hãy đến cùng Người để được bổ dưỡng, Đức Thánh Cha khai triển hai cái nhìn của Chúa Giêsu: cái nhìn chúc lành và cái nhìn đón tiếp để áp dụng vào cho Giáo Hội nói chung và đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám Mục này. Ngài nói:
“Anh chị em, Dân thánh của Chúa đang đứng trước những khó khăn và thách đố đang chờ đợi chúng ta, cái nhìn chúc lành và đón tiếp của Chúa Giêsu ngăn cản chúng ta đừng rơi vào những cám dỗ nguy hiểm, đó là một Giáo Hội cứng nhắc, võ trang chống lại thế giới và ngoái nhìn lại đằng sau: một Giáo Hội nguội lạnh, đầu hàng trước những thời trang của thế gian; một Giáo Hội mệt mỏi, co cụm vào mình.”
“Chúng ta hãy hiệp hành với nhau: khiêm tốn, nhiệt thành và vui tươi. Chúng ta tiến bước theo vết chân thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của khó nghèo và an bình, ‘người điên’ của Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện có những phe khác nhau, nhưng là một nơi ân phúc và hiệp thông. Và Chúa Thánh Linh thường phá tan những mong đợi của chúng ta để kiến tạo cái gì mới mẻ, vượt lên trên những tiên đoán và những thái độ tiêu cực của chúng ta. Chúng ta hãy cởi mở và khẩn cầu Chúa Thánh Linh, là vị giữ vai chính. Chúng ta hãy tiến bước với Chúa trong tín thác và vui tươi”.
Hoạt động 2 tuần qua
Trong hai tuần qua, các thành viên Thượng Hội Đồng đã cứu xét và chia sẻ về 3 phần của tài liệu làm việc: Phần A: “Tiến tới một Giáo Hội hiệp hành. Một kinh nghiệm toàn diện”, tiếp đến là phần B1: “Một sự hiệp thông lan tỏa. Làm thế nào trở thành một dấu chỉ và dụng cụ trọn vẹn hơn về sự kết hiệp với Thiên Chha và hiệp nhất nhân loại?”. Kế đến là phần B2: “Những người đồng trách nhiệm trong sứ mạng: Làm thế nào chia sẻ các hồng ân và nghĩa vụ phụng sự Tin Mừng?”
Các đề tài trên đây đã được Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám Mục, lần lượt giới thiệu trong 3 phiên khoáng đại, trước khi các tham dự viên chia thành 35 nhóm nhỏ, quây quanh những bàn tròn, bàn luận và chia sẻ. Mỗi nhóm có một tường trình viên đúc kết để trình bày trong các phiên khoáng đại sau đó. Các bản này không được phổ biến, nhưng nộp cho Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám Mục.
Hôm 5/10/2023, ngay trong cuộc họp báo đầu tiên từ khi bắt đầu Thượng Hội đồng Giám Mục thứ 16, Bộ trưởng Bộ truyền thông, ông Paolo Ruffini, cũng là Chủ tịch Ủy ban thông tin của Thượng Hội đồng Giám Mục, kêu gọi giới báo chí hãy “ăn chay” tin tức, vì Giáo Hội đang “dừng lại để lắng nghe”: giống như một tổ chức lớn, Giáo Hội dành một thời điểm thinh lặng trong đức tin, hiệp thông và cầu nguyện.
Trong khi đó, Quy luật của Thượng Hội đồng Giám Mục hiện hành là trong công nghị, các tham dự viên có thể tự do trao đổi với nhau về mọi vấn đề, nhưng để bảo vệ tự do của các tham dự viên đã phát biểu, cần phải kín đáo và không được tiết lộ nội dung các bài tham luận ra bên ngoài.
Trong hơn 10 ngày qua, công việc của Thượng Hội đồng tiến hành tương đối yên hàn, tuy rằng những vấn đề trong phần B1 của Tài liệu làm việc được coi là những “đề tài nóng” như việc đón tiếp và mục vụ, chúc lành cho những người đồng phái, những người ly dị tái hôn, vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, kể cả vấn đề chức phó tế cho phụ nữ, vv.
Ngay trong phiên khoáng đại để giới thiệu các đề tài này cần thảo luận, Đức Hồng Y Hollerich đã nhận xét: “Vài người cho rằng sẽ có căng thẳng gia tăng, nhưng chúng ta không nên sợ vì chúng ta là anh chị em với nhau, cùng đi với nhau”. Lời mời gọi được đưa ra ở đây là “mang lại những câu trả lời cụ thể” và chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa, kể cả đối với những người có vẻ đe dọa căn tính của chúng ta”.
Đức Hồng Y Hollerich nhắc lại lời Đức Thánh Cha nhắc nhở trong Đại Hội giới trẻ quốc tế ở Lisbon, Bồ đào nha: “Hãy đón tiếp tất cả, tất cả, tất cả… Tất cả đều được mời gọi tham dự vào Giáo Hội. Chúa Giêsu đã nới rộng tình hiệp thông với tất cả mọi người tội lỗi. Vậy chúng ta có sẵn sàng làm như vậy không? Chúng ta có sẵn sàng thực hiện điều đó với những nhóm chúng ta cảm thấy khó chịu vì lối sống của họ có vẻ đe dọa căn tính của chúng ta hay không?”
Những lo ngại
Trong hai tuần qua, giới báo chí không có được những tin tức chi tiết về sinh hoạt và nội dung các bài phát biểu của các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám Mục thứ 16, nhưng cũng có một số khía cạnh được báo chí đặc biệt nói tới.
Sinodalità theo Chính Thống giáo
Trong số các đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 hiện nay, cũng có Đức Tổng Giám mục Job, đại diện thường trực của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople tại Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ.
Đức Tổng Giám mục nêu bật sự khác biệt rất lớn giữa từ hiệp hành (sinodalità) của Công Giáo và Chính Thống giáo. Đối với Chính Thống, “Sinodo” – Thượng Hội đồng – là một Hội đồng các Giám mục với thẩm quyền quyết định. “Dưới ánh sáng điều đó, chúng tôi có thể nói rằng Sinodalità, hiệp hành tính, trong Giáo Hội Chính Thống rất khác biệt với định nghĩa mà Thượng Hội đồng hiện nay của Công Giáo dành cho từ này, trong đó các giáo dân cũng có quyền bỏ phiếu như Giám mục”.
Đức Tổng Giám mục cho biết theo tinh thần của các Tông luật (Apostolic Canon), đặc biệt là số 34 của Chính Thống, trong Hội đồng có 1 Giám mục làm đầu và là thành viên của Hội đồng nhưng không có quyền trên Hội đồng, và cũng không bị loại khỏi Hội Đồng. Sự hòa họp được biểu lộ qua sự đồng thuận của Hội Đồng, phản ánh mầu nhiệm Ba Ngôi trong đời sống Thiên Chúa. Đó là cách thức thực thi sự hiệp hành như được mô tả trong Tông Luật và các qui định của Công đồng chung đầu tiên, đã điều hành Giáo Hội Chính Thống qua bao thế kỷ cho đến ngày nay. (CNA 10/10/2023)
Đức Hồng Y Fridolin Ambongo
Về phần Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, Tổng Giám mục giáo phận Kinshasa, Congo, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar (SECAM), ngài cảnh giác các tín hữu đừng mong đợi thái quá nơi Thượng Hội đồng Giám Mục thứ 16 hiện nay.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí tại Vatican hôm 7/10/2023, Đức Hồng Y Ambongo cũng là thành viên Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha, nói rằng: “Có nhiều người nghĩ Thượng Hội đồng này mang lại giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng không phải như vậy, mà là xác định những phương thức mới để “sống và hoạt động như Giáo Hội, xử lý các vấn đề trong tinh thần hiệp hành”.
Đức Hồng Y kể rằng trước khi lên đường đi dự Thượng Hội đồng, có nhiều người ở Phi châu xin ngài mang về những giải pháp cho các vấn đề liên hệ tới đại lục này, nghĩa là nghèo đói và xung đột. Nhưng đó là những mong đợi thái quá”. (USCCB.org 7/10/2023)
Lo ngại về phương pháp mới tại Thượng Hội đồng Giám Mục
Ngoài ra một số báo chí lo ngại phương pháp mới tại Thượng Hội đồng Giám Mục thứ 16 hiện nay có thể làm cho bản Tường trình Thượng Hội đồng Giám Mục về những vấn đề “nóng bỏng” như chấp nhận những người đồng tính luyến ái, lưỡng tính, truyền chức phó tế cho phụ nữ, bị lệch lạc, không phản ánh sự thật.
Trang mạng “National Catholic Register”, Ký sự Công Giáo quốc gia, ở Mỹ, truyền đi ngày 11/10 nhận xét rằng trong số 364 thành viên có quyền bỏ phiếu của Thượng Hội đồng Giám Mục hiện nay, không phải tất cả đều có cơ may phát biểu rộng rãi về các vấn đề “nóng bỏng” vừa nói. Thực tế là ban tổ chức Thượng Hội đồng chỉ phân chia cho một số thành viên của các nhóm nhỏ thảo luận về các vấn đề đó, sau khi các thành viên cho biết trước đâu là vấn đề họ muốn quan tâm. Phương pháp này có thể làm sai lệnh phúc trình về các vấn đề vừa nói, và từ đó ảnh hưởng tới bản tổng kết các quan điểm vào cuối Thượng Hội đồng. Khác với các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây, trong đó các nghị phụ được phân thành các nhóm khác nhau tùy theo ngôn ngữ, nhưng tất cả đều quan tâm tới cùng những vấn đề. Lần này, 35 nhóm nhỏ không được phân chia theo ngôn ngữ, nhưng được phân theo đề tài, vấn đề mà Thượng Hội đồng bàn tới.
Hôm 11/10/2023, Ban tổ chức Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng mặc dù có sự phân phối các nhóm như vậy, mọi thành viên đều có thể góp ý vào bất kỳ đề tài nào, trong phần phát biểu tự do.
Tuy nhiên, vấn đề là: các nhóm nhỏ, về một đề tài nào đó, trong phúc trình về cuộc họp nhóm của mình có phản ảnh chính xác quan điểm, lập trường của toàn thể Thượng Hội đồng hay không. Với phương pháp này, có thể những nhóm nhỏ về các vấn đề bao gồm người đồng tính luyến ái và nữ phó tế không phản ánh lập trường của toàn thể, nhưng chỉ phản ánh quan điểm của những người muốn cải tổ đạo lý và thực hành của Giáo Hội. (NCR 11/10/2023)
Dầu sao những lo ngại trên đây, xét cho cùng, không đáng lo, vì Thượng Hội đồng Giám Mục của Công Giáo không có quyền quyết định, nhưng chỉ là cơ quan tư vấn, và không phải là một “nghị viện”, như Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhắc nhở.
Theo Giuse Trần Đức Anh, O.P.
2023
Tóm tắt Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Têrêsa Hài Đồng “Chính sự tin tưởng”
Tóm tắt Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Têrêsa Hài Đồng “Chính sự tin tưởng”
Ngày 15/10/2023, Đức Thánh Cha đã công bố một Tông huấn mới với tựa đề “Chính sự tin tưởng”, nói về Thánh Têrêsa thành Lisieux. Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Têrêsa Lisieux chỉ cho chúng ta điều cốt yếu trong Giáo hội, đó là tình yêu và sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. “Con đường bé nhỏ” của thánh nhân mời gọi chúng ta tin tưởng vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa và sống cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong sự cởi mở với tha nhân.
Tông huấn, được công bố nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh nhân tại Alençon, nước Pháp, gồm 5 phần với 53 số, dài gần 16 trang A4, theo bản tiếng Anh.
Đức Thánh Cha mở đầu Tông huấn với những lời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết vào tháng 9/1896, và cũng là những lời gợi ý cho tựa đề của Tông huấn mới: “Chính sự tin tưởng và không có gì khác ngoài sự tin tưởng sẽ dẫn chúng ta đến Tình yêu”. Theo Đức Thánh Cha, những lời này “tổng hợp sức mạnh của sự khôn ngoan trong linh đạo của thánh thân và sẽ đủ để chứng minh rằng việc ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh là đúng đắn và hợp lý” (2).
Một thông điệp thuộc về kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội
Đức Thánh Cha đã giải thích việc ngài chọn công bố Tông huấn vào ngày 15/10, chứ không phải vào một ngày liên quan đến cuộc đời của vị thánh được cả thế giới biết đến và yêu mến, ngay cả những người không có đức tin. Lý do là vì ngài mong muốn “sứ điệp vượt xa những ngày kỷ niệm và được coi là một phần kho tàng thiêng liêng của Giáo hội” (4). Ngược lại, công bố tài liệu vào ngày lễ Thánh Têrêsa Avila là để cho thấy vị Thánh trẻ Têrêsa là “kết quả chín mùi” của linh đạo của vị Thánh vĩ đại người Tây Ban Nha (Thánh Têrêsa Avila).
Sự công nhận của các Giáo hoàng
Đức Thánh Cha Phanxicô lượt lại các giai đoạn nhìn nhận giá trị nổi bật của chứng tá thiêng liêng của Thánh trẻ Têrêsa qua các thời các Đức Giáo Hoàng: bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Leo XIII, người đã cho phép thánh nữ vào đan viện lúc 15 tuổi, đến Đức Piô XI, người đã phong thánh cho ngài vào năm 1925 và vào năm 1927 đã chọn ngài là bổn mạng của các xứ truyền giáo; cho đến Thánh Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố ngài là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 1997. “Cuối cùng – Đức Phanxicô nhắc lại -, tôi đã vui mừng được phong thánh cho cha mẹ của ngài là ông bà Luigi và Zelia, vào năm 2015, trong Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, và gần đây tôi đã dành một bài giáo lý nói về ngài” (6).
Tình yêu Chúa Giêsu của một tâm hồn truyền giáo
Trong căn phòng của mình, Thánh Têrêsa đã viết: “Chúa Giêsu là tình yêu duy nhất của tôi” (8) và khi phân tích kinh nghiệm thiêng liêng của thánh nữ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “đã mời gọi ngài đi truyền giáo”, đến nỗi ngài không thể nghĩ rằng “mình thánh hiến cho Thiên Chúa mà lại không tìm kiếm thiện ích cho các anh chị em”. Thực ra, thánh nữ đã vào dòng Cát Minh “để cứu các linh hồn” (9). Vị thánh trẻ Têrêsa đã diễn tả tâm hồn truyền giáo của mình như thế này: “Tôi cảm thấy rằng ngọn lửa tình yêu càng đốt cháy trái tim tôi (…) thì càng có nhiều linh hồn đến gần tôi (mảnh sắt nhỏ bé đáng thương, vô dụng nếu tôi rời xa lò than là Thiên Chúa), các linh hồn này càng chạy nhanh đến với hương thơm của Đấng Yêu dấu của họ, bởi vì một tâm hồn đang cháy bỏng tình yêu không thể cứ đứng yên” (12).
Con đường của niềm tin và tình yêu
Tiếp tục Tông huấn, Đức Thánh Cha đi vào trọng tâm linh đạo của Thánh Têrêsa Hài Đồng, “con đường bé nhỏ” đó còn được gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Lạy Chúa Giêsu, chiếc thang máy nâng con lên Thiên Đàng chính là đôi tay của Chúa! Vì thế, con không cần phải lớn lên, trái lại con cần tiếp tục bé nhỏ, ngày càng trở nên nhỏ bé” (16). Điều quan trọng đối với thánh nữ là hoạt động, ân sủng của Thiên Chúa, chứ không phải công trạng cá nhân, bởi vì chính Chúa là Đấng Thánh hóa. Đức Thánh Cha viết: “Vì vậy, thái độ thích hợp nhất là đặt lòng tin tưởng tín thác chân thành không phải nơi bản thân chúng ta nhưng vào lòng thương xót vô biên của một Thiên Chúa yêu thương không điều kiện và đã trao ban cho chúng ta mọi sự trên Thánh Giá của Chúa Giêsu. Vì thế, Thánh Têrêsa không bao giờ sử dụng câu nói thường thấy vào thời của ngài, “Tôi sẽ trở thành một vị thánh” (20).
Phó thác trong tay Chúa Cha
Đức Thánh Cha nói rằng trong cuộc sống của chúng ta, nơi mà chúng ta thường “bị tấn công bởi những nỗi sợ hãi, ước muốn về an ninh con người, nhu cầu kiểm soát mọi thứ” (23), sự tin tưởng và do đó sự tín thác vào Thiên Chúa mà Thánh Têrêsa khuyến khích “giải phóng chúng ta khỏi những tính toán ám ảnh, thường xuyên lo lắng về tương lai và những nỗi sợ hãi lấy đi sự bình an của chúng ta.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nếu chúng ta ở trong tay của một người Cha yêu thương chúng ta vô hạn, điều này sẽ đúng dù hoàn cảnh nào xảy ra; chúng ta sẽ có thể vượt qua bất cứ điều gì có thể xảy ra với chúng ta và, bằng cách này hay cách khác, kế hoạch yêu thương và viên mãn của Người sẽ hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta” (24).
“Cuộc thử thách chống đức tin” và sự tin tưởng vào lòng thương xót
Đời sống thiêng liêng của vị thánh trẻ dòng Cát Minh không phải là không có thử thách và đấu tranh. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối đời, ngài đã trải qua “cuộc thử thách chống đức tin” dữ dội (25). Vào thời điểm đó, chủ nghĩa vô thần đang phát triển mạnh mẽ, và ngài “cảm thấy mình là chị em của những người vô thần” (26), khẩn cầu và hiến dâng cuộc sống cho họ, bằng cách canh tân đời sống đức tin của ngài. Ngài tin vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa và vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu trên sự dữ: lòng tín thác của ngài đã giúp một kẻ giết người nhiều lần nhận được ân sủng hoán cải khi trên giá treo cổ.
Mọi thứ trong Chúa đều là tình yêu, kể cả Công lý. Đức Thánh Cha nói: “Đây là một trong những hiểu biết sâu sắc nhất của Thánh Têrêsa, một trong những đóng góp quan trọng của ngài cho toàn thể Dân Chúa. Một cách phi thường, ngài đã thăm dò chiều sâu của lòng thương xót Chúa và rút ra từ đó ánh sáng của niềm hy vọng vô hạn của ngài” (27).
Lòng bác ái vĩ đại nhất trong sự đơn giản lớn lao nhất
Thánh Têrêsa muốn “làm vui lòng” Chúa, ngài muốn xứng hợp với tình yêu của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Thánh nữ hoàn toàn chắc chắn rằng Chúa Giêsu yêu thương ngài và biết rõ ngài khi Chúa chịu khổ nạn; ngài đã chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu đối với toàn thể nhân loại và đối với mỗi cá nhân, như thể họ là người duy nhất trong thế giới” (33).
Đức Thánh Cha còn khẳng định: “Thánh Têrêsa thực hành bác ái trong sự nhỏ bé, trong những điều đơn giản nhất của cuộc sống hàng ngày, và ngài đã làm điều này cùng với Đức Trinh Nữ Maria, người mà ngài đã học được rằng ‘yêu là cho đi tất cả. Đó là cho đi chính mình.’” (36).
“Trong con tim Giáo hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là Tình yêu!”
Tông huấn viết rằng từ Thánh Têrêsa Avila, Thánh Têrêsa Hài Đồng thừa hưởng “một tình yêu lớn lao dành cho Giáo hội và có thể đào sâu mầu nhiệm này” (38). Ngài viết trong Truyện Một Tâm Hồn: “Tôi hiểu rằng Giáo Hội có một Trái Tim, và Trái Tim này đang cháy bỏng tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới khiến các thành viên của Giáo Hội hành động”. Và ngài nói thêm: “Vâng, tôi đã tìm thấy vị trí của mình trong Giáo hội: trong con tim Giáo hội, Mẹ của tôi, tôi sẽ là Tình yêu!” (39).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Trái tim này không phải là con tim của một Giáo hội chiến thắng, mà là một Giáo hội yêu thương, khiêm tốn và nhân hậu” (40). Đức Thánh Cha nói thêm: “Việc khám phá đó về con tim của Giáo hội cũng là một nguồn ánh sáng lớn lao cho chúng ta ngày nay để không bị sốc và vấp ngã bởi những hạn chế và yếu đuối của tổ chức Giáo hội với những bóng tối và tội lỗi, và giúp chúng ta bước vào trái tim cháy bỏng tình yêu của Giáo hội bùng cháy vào Lễ Hiện Xuống nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần” (41).
Trao tặng hoàn toàn cho tha nhân
Những thử thách nội tâm mà Thánh Têrêsa trải qua, điều mà đôi khi đã thúc đẩy thánh nữ đến mức phải tự hỏi “liệu có Thiên Đàng hay không” (42), đã khiến thánh nhân “chuyển từ lòng nhiệt thành khao khát thiên đàng sang lòng khao khát thường xuyên, cháy bỏng về thiện ích của tất cả” (43), và đi đến quyết tâm tiếp tục sứ mạng của mình ngay cả sau khi qua đời.
Tông huấn viết: “Bằng cách này ngài đã đạt đến sự tổng hợp cuối cùng của cá nhân về Tin Mừng, một sự tổng hợp bắt đầu bằng sự tin tưởng hoàn toàn và đạt đến cao điểm bằng sự trao tặng toàn thể chính mình cho tha nhân” (44).
Đức Thánh Cha viết: “Chính sự tin tưởng đưa chúng ta đến với tình yêu và do đó giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi. Chính sự tin tưởng giúp chúng ta không còn nhìn vào chính mình và giúp chúng ta có thể phó thác vào tay Thiên Chúa những gì chỉ có Người mới có thể hoàn thành được. Điều này mang lại cho chúng ta một nguồn tình yêu và năng lượng bao la để tìm kiếm thiện ích cho anh chị em chúng ta.” (45).
Cuối cùng chỉ có tình yêu là có giá trị
Trong chương cuối cùng, Đức Thánh Cha giải thích rằng Tông huấn này là cơ hội để ngài nhắc lại rằng, như đã viết trong Evangelii gaudium, trong một Giáo hội truyền giáo, “việc rao giảng phải tập trung vào những điều cốt yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất” (47).
“Cuối cùng,” Đức Thánh Cha viết, “chỉ có tình yêu mới có giá trị” (48). Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “sự đóng góp cụ thể mà Thánh Têrêsa cống hiến cho chúng ta, như là một vị thánh và một Tiến sĩ của Giáo hội” là “dẫn chúng ta đến trọng tâm, đến điều cốt yếu và không thể thiếu được”. (49).
Đức Thánh Cha nói với các nhà thần học, các nhà luân lý và các học giả về tu đức: “Chúng ta vẫn cần hiểu trực giác tuyệt vời này của Thánh Têrêsa và từ đó rút ra những hệ quả về mặt lý thuyết và thực tiễn, giáo lý và mục vụ, cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần sự táo bạo và sự tự do nội tâm để có thể làm được điều đó.” (50).
Tính thực tế của “con đường bé nhỏ”
Kết thúc Tông huấn, Đức Thánh Cha nhắc lại những khía cạnh chính trong “con đường bé nhỏ” của Thánh Têrêsa và tính thực tế của chúng.
Trong một thời đại được đánh dấu bởi việc tập trung vào lợi ích riêng, chủ nghĩa cá nhân và nỗi ám ảnh về quyền lực, thánh nhân cho chúng ta thấy vẻ đẹp của việc biến cuộc sống thành một quà tặng, cho thấy giá trị của sự đơn giản và nhỏ bé cũng như tính ưu việt tuyệt đối của tình yêu, vượt qua “một não trạng nệ luật hoặc đạo đức lấp đầy đời sống Kitô hữu bằng những luật lệ và quy định, và làm cho niềm vui Tin Mừng trở nên nguội lạnh.” (52).
Tông huấn kết thúc bằng một lời cầu nguyện ngắn, trong đó, Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Thánh Têrêsa yêu dấu, xin giúp chúng con, giống như ngài, luôn tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho chúng con, để chúng con có thể bắt chước mỗi ngày “con đường bé nhỏ” thánh thiện của Ngài” (53).
Nguồn: vaticannews.va/vi
2023
Thư từ của các nhà truyền giáo Pháp tại Việt Nam được đăng online giúp nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XX
Viện Nghiên cứu Pháp-Á (IRFA) đã tạo một kho lưu trữ online tất cả thư từ trao đổi giữa Hội Thừa sai Paris và các nhà truyền giáo tại Việt Nam, để những người muốn nghiên cứu về lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ XX đầy biến động có thể tham khảo.
Trong năm qua, Hội Thừa sai Paris đã kiểm kê, lập danh mục và hiện nay đã đăng online 400 hộp tài liệu từ Bộ sưu tập Việt Nam, với các tài liệu về các công tác truyền giáo từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1975.
Các nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử Việt Nam cũng có thể tham khảo kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Pháp-Á, đã mở cửa cho công chúng tại phòng đọc sách của trụ sở Hội Thừa sai Paris ở đường Rue du Bac ở Paris.
Hoạt động của Hội Thừa sai Paris tại Việt Nam
Hội Thừa sai Paris đã đến Việt Nam vào thế kỷ XVII. Năm 1662, Đức cha Pierre Lambert de La Motte trở thành Đại diện Tông tòa đầu tiên của Nam Kỳ.
Cha Louis Chevreuil là nhà truyền giáo châu Âu đầu tiên đến khu vực này vào ngày 26/7/1664. Cha François Deydier đến Bắc Kỳ năm 1666.
Đến năm 1790, chỉ có bốn nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris tới Bắc Kỳ. Cách mạng Pháp và việc đóng cửa chủng viện ở Paris đã chấm dứt mọi hy vọng tăng số lượng các nhà truyền giáo cho đến năm 1815.
Vào nửa sau thế kỷ 19, sau Hiệp ước Huế và việc thành lập Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1887, các nhà truyền giáo đã có thể tổ chức lại.
Vào đầu thế kỷ 20, Hội Thừa sai Paris đã chuyển giao các trách nhiệm trong giáo hội cho các giáo sĩ người Việt ở địa phương.
Đến năm 1970, không có nhà truyền giáo nào của Hội Thừa sai Paris có mặt ở miền Bắc. Đến năm 1975, tất cả các nhà truyền giáo còn lại đều bị trục xuất khỏi Việt Nam. (Asia News 13/10/2023)
Nguồn: vaticannews.va/vi