2020
Ngày Chúa Nhật lạ thường mùa dịch Covid-19
Hôm nay, tạm gọi là Chúa nhật buồn đối với hầu hết người Công giáo, nhưng tôi sẽ không bi quan vì đây là cơ hội để giúp tôi tái khám phá căn tính Ki-tô hữu và sống đức tin của mình trong thời khắc nguy khốn này.
Cho dù ở đâu, đi đâu hay làm gì, trong khả năng hết sức có thể, tôi – một tín hữu công giáo được mời gọi dành thời gian thích hợp trong ngày Chúa Nhật đến nhà thờ để thờ phượng, ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh lễ. Nhưng ngày Chúa Nhật hôm nay khác lạ quá! vì dịch Covid-19 mà hầu hết các nhà thờ phải tạm ngưng cử hành Thánh lễ tập trung đông người với thông báo công khai, rõ ràng. Giáo xứ tôi cũng không ngoại lệ.
Quyết định tạm ngưng cử hành Thánh lễ tập trung đông người vì Covid khiến những cụ già trên 80 tuổi ở xứ tôi thấy hụt hẫng, chưa kịp hiểu; các em thiếu nhi cảm thấy bơ vơ, lạc lõng khi nếp sống đạo đức, sinh hoạt Giáo lý ngưng trệ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta chia sẻ rất nhiều về những trường hợp linh mục không cầm được nước mắt khi cử hành Thánh lễ trong ngôi Thánh đường rộng thênh thang nhưng lại vắng lạnh vì không có giáo dân tham dự. Cha Quản xứ giáo xứ chỗ tôi cũng nghẹn lời trong lúc dang rộng đôi tay cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em”, và trong khi dâng lời Vinh Tụng Ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, …” Cũng phải thôi, tâm tư người Mục Tử mà!
Tôi tự hỏi rằng tình trạng hiện tại có thật sự u ám và bi quan quá không? Chợt một ý tưởng đến khiến tôi phần nào cảm nghiệm được sức sống đức tin và niềm hy vọng mới nơi Giáo hội như thời sơ khai, bị bách hại:
- Khi xưa, người Công giáo bị cường quyền bách hại, cấm cản công khai thì nay các tín hữu bị tấn công bởi những siêu vi trùng, âm thầm và len lỏi. Tuy nhiên, lịch sử đã minh chứng rằng dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Giáo hội vẫn nảy sinh một sức sống đức tin sống động theo những cách thức khác nhau.
- Với cuộc sống hiện đại, ngày Chúa Nhật thường là dịp tụ tập vui chơi giải trí, ồn ào và náo động nhưng nay lại im ắng lạ thường. Tất cả các thành viên sum vầy bên gia đình. Họ cùng nhau trang trí lại bàn thờ tư gia cách đặc biệt hơn với hương, hoa, đèn, nến để chuẩn bị tham dự Thánh lễ, đọc kinh, lần hạt, cầu nguyện cho gia đình, giáo xứ, Giáo hội, anh chị em đồng nghiệp, các nhân viên y tế, Tổ quốc và Thế giới được bình an trước cơn đại dịch này. Họ cảm thông, sẻ chia và nâng đỡ người khác nhiều hơn.
- Trong thời đại công nghệ 4.0, người tín hữu bị cuốn hút vào những show thời trang bỏng mắt, những chương trình ca nhạc sôi động, những bộ phim uỷ mị, những trò chơi điện tử bạo lực; thì nay các Thánh lễ trực tuyến, chia sẻ Lời Chúa, bài giảng của Đức Thánh Cha, Đức Cha và quý cha được “lên ngôi”. Tôi nhận thấy rằng:
a/ Hôm nay là lần đầu tiên người Công giáo trong cùng gia đình với trang phục chỉnh tề, đứng,
quỳ gối để tham dự Thánh lễ trực tuyến và cùng hiệp thông cầu nguyện cho nạn dịch chóng qua.
b/ Tôi tin chắc là lượng khán giả truyền hình giải trí hôm nay sẽ giảm đi và lượng truy cập các trang Công giáo tăng cao. Như thế, chắc là dịch vụ đăng ký kết nối wifi cá nhân và dung lượng truyền tải internet nâng cấp các trang mạng Công giáo kể từ ngày mai sẽ tăng đột biến.
Hôm nay, tạm gọi là Chúa nhật buồn đối với hầu hết người Công giáo, nhưng tôi sẽ không bi quan vì đây là cơ hội để giúp tôi tái khám phá căn tính Ki-tô hữu và sống đức tin của mình trong thời khắc nguy khốn này. Đặc biệt, chỉ vài ngày nữa là đến ngày Lễ Đức Giêsu Phục sinh vinh hiển – niềm hy vọng cho mọi tín hữu. Tôi tin và tôi hy vọng Chúa có cách của Ngài và nhân loại sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa.
Khi viết những dòng tâm sự này, tôi càng xác tín và tự hào vì mình là tín hữu trong một Giáo hội Duy Nhất- Thánh Thiện- Công giáo và Tông Truyền.
Dương Sơn, ngày 29/03/2020
Phaxico Atxidi Ngọc Tăng Phạm
Giáo xứ Dương Sơn – Giáo phận Huế
2020
Trả giá hay thánh giá?
Nhân loại đã trải qua một thập kỷ vẻ vang với hàng loạt những thành công rực rỡ trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên, ngay trong buổi bình mình của một thập kỷ mới, nhân loại ấy đang phải gồng mình chống trả với một “tên tử tù” Covid-19. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng “cố tình” quên đi một thập kỷ đáng báo động về môi trường, chúng ta đang “ăn mòn” trái đất. Dường như trong chuyện Cô Vy, con người khó thoát khỏi phần trách nhiệm của mình. Phải chăng chính con người đang phải trả giá cho những đã diễn ra? Đó có phải là một giá quá đắt không?
Suốt những ngày tháng qua, dường như Mẹ Trái đất đang khóc thương những đứa con yêu dấu của mình vì chúng bất lực ra đi từng giờ từng phút vào cõi ngàn năm. Đồng thời, khi nhìn lại, người mẹ ấy cũng đã phải chịu quá nhiều những vết thương do chính con cái mình gây ra. Trái đất ngày càng nóng lên, hạn hán nhiều chỗ, cháy rừng “tưng bừng” khắp nơi, hiệu ứng nhà kính thì hình như không có đối thủ cạnh tranh, băng tan tràn lan như “tức nước vỡ bở” khiến nước biển dâng cao cứ muốn lao lên bờ, sinh vật biển tự nhiên thành vật hiến tế cho rác thải, ni-lông,.v.v. Tất cả những vết “trọng thương” ấy có phải là lỗi của tôi và của bạn chăng? Thế mà, giờ đây, hình như Cô Vy đang muốn “thay trời hành đạo”, đi dạo khắp ngõ ngách, gõ cửa từng nhà, rà từng con người.
Cô Vy xuất hiện, bao người phải hứng chịu, bao kẻ phải đợi trông. Người ta đâu dám ra ngoài chặt phá rừng trên từng cây cả bóng giày lâu năm. Thế là, cây cỏ có chỗ đứng, động vật có chỗ nằm. Người ta đâu được đi du lịch, nghỉ dưỡng ngoài bãi biển nữa. Hóa ra, bãi kia vắng bóng người, giảm chất thải, tự nhiên trả lại làn nước trong bầu khí lành cho các loài sinh vật tha hồ vui đùa mà không lo bị lừa vì ăn nhầm bao bì, ni-lông, rác thải nhựa. Công nhân đâu dám đi làm, các nhà máy gần như hết hoạt động, các KCN dần đóng cửa. Thành ra, điều ấy trả lại cho bầu trời vẻ trong lành, xanh mát vốn có của nó. Người dân hạn chế đi lại, tụ tập, đồng nghĩa với chuyện giảm khí thải bớt tiếng ồn, nhất là trên bầu trời không còn “vết chân” CO2 của những chuyến máy bay nữa. Đường phố bỗng trở nên tĩnh lặng lạ thường, nhường chỗ cho thiên nhiên mặc sức thể hiện, những làn gió chiều nhè nhẹ, tiếng chim ca thánh thót, từng đàn sóc lượn quanh…Giờ này, ta có thể nghe rõ tiếng thầm thì của thiên nhiên trong yên bình, lặng thinh. Hay chăng băng sẽ bớt tan, hiệu ứng nhà kính sẽ “im tiếng”, nước biển “biết điều” hơn. Thế ta mới hiểu:
Nắng mưa đâu chỉ chuyện trời
Đó còn là chuyện của người của ta.
Vì Cô Vy, phần lớn các sự kiện, hoạt động có sự hiện diện của đông người đều bị hoãn hay hủy bỏ. Cô Vy đặt ngay cái biển to tướng “GIẢM TỐC ĐỘ” ngay trước mặt mọi người, làm người ta tránh xa chỗ ồn ào, náo động, khiến họ chậm lại hơn với nhịp bước “PHÓNG NHANH VƯỢT ẨU” đã từng tước đi của họ bao cơ hội như vàng như ngọc. Cô Vy khiến bao người phải dẹp bỏ lợi ích của bản thân mình, sống tình liên đới với tha nhân. Cô Vy khiến họ phải dẹp cái tôi “chính hiệu to tướng” của mình, nhường chỗ cho tinh thần cộng tác yêu thương. Giờ đây, “tinh thần cộng đồng” vốn là nét đẹp của Văn hóa Việt xưa này được sống lại lần nữa.
Do Cô Vy, người ta “phải” ở nhà, vì nó an toàn hơn ra ngoài phố. Có thể “nhà” vốn chỉ là chốn dừng chân, nơi nghỉ trọ của không ít người, nay lại được trở về với vẻ nguyên vẹn thuở xưa của nó, một tổ ấm. Người bôn ba, kẻ tha hương nơi xứ người nay trở về với mái nhà thân yêu thuở nào. Kẻ có cơ hội đoàn viên “bất đắc dĩ”, hay là chuyện có một không hai. Người được ngủ đầy giấc, tận hưởng từng bữa cơm mà lâu nay vô tình quên ngoài đường quá, phố xá xa lạ. Kẻ đỡ cái gánh, cái áp lực nơi công sở, căn thẳng chốn thương trường…Trong chính thời “loạn lạc” này, thất nghiệp, lương thiếu khiến bao người cần hiểu triết lý tiết kiệm phải hiện diện trong nhà mình. Thế mới tránh phung phí nhu cầu hưởng thụ, lãng phí đồ ăn, thức uống theo thói quen “dư giả” của ta, vì kiếm đâu ra tiền để mua, tìm đâu ra chỗ để bán. Đúng là, “thà vô sự mà ăn cơm hẩm còn hơn đâu bệnh mà uống sâm nhung”. Cũng có người dành nhiều thời giờ hơn cho cha mẹ, người thân. Biết đâu những rạn nứt lâu nay lại được gắn hàn. Biết đâu lúc đã vương chút mùi đời, ta mới hiểu tình cha tình mẹ thương ta thế nào. Biết đâu lúc đã nếm vị nhớ nhà, ta lại tha hồ hưởng vị ngọt của công cha, hương thơm của nghĩa mẹ. Biết đâu khi đã xa mùi anh hương chị, ta được đi lại những kỷ niệm tháng năm thuở nào. Biết đâu khi đang thèm câu kinh gia đình, đang khát lời nguyện cùng mẹ cha, ta có dịp tìm về cội nguồn đức tin, cảm thức ngày nào dưỡng ta khôn lớn. Lẽ nào ta đang phải trả cái giá quá đắt vì “chẳng may” quên mái nhà thân yêu, lãng phí lời mẹ, phung phí sức cha. Giờ đây, có thể là cơ hội “vàng ngọc” để học lại bài biết ơn, ôn lại bài yêu thương ngày trước.
Có Cô Vy, ta không thể cùng nhau tham dự Thánh Lễ. Không Thánh Lễ, có thể nhiều người sẽ tiếc nuối một thời “bỏ lễ” vì dễ dãi với chính mình, có người thèm lời kinh điệu hát, khát bài giảng có lúc bỏ ngơ. Không Thánh Lễ, có người lỡ “đánh rơi” ân sủng của Lời Chúa, vô tình “làm rớt” tình yêu trong Thánh Thể dành cho riêng mình. Giờ đây, ta mới trân quý giá trị của Thánh Lễ, ta mới hiểu đỉnh cao của Phụng vụ Giáo Hội là thế nào.
Đúng là phải trả giá! Cái giá đáng giá bao nhiêu? Nhưng trong chuyện này, có lẽ nhân loại cũng đang vác thánh giá cùng với Đức Giê-su lên đồi Can vê năm xưa.
Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giê-su:
Phải chăng nhân loại đang lãnh bản án “Covid-19” trong cuộc thương khó mùa chay 2020 này?
Thế ai là tên phản bội Giu-đa? Ai là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay người dân Do thái kết án, buộc tội nhân loại? Nhân loại có đáng phải chịu bản án này?
Những vết thương của nhân loại như thế nào?
Những người môn đệ ở đâu trong giờ này?
Trong hành trình 14 chặng đàng thánh giá, nhân loại đang ở chặng thứ mấy?
Tôi và bạn ở đâu, là ai trong cuộc thương khó này của nhân loại?
Nhưng “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8)?
Lyeur Nguyễn
2020
Thánh lễ trước giờ G
Thông tin Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng cử hành thánh lễ được lan đi nhanh chóng giữa sự tiếc nuối của giáo dân tại TP.HCM trong buổi chiều muộn. Tiếc nuối nhưng không ngỡ ngàng, bởi ai cũng đoán được điều này sẽ đến khi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường.
Có buồn, có tiếc nhưng chúng ta luôn vâng lời. Bởi chúng ta, những người Kytô hữu, không chỉ giữ trọn giới luật “Mến Chúa – Yêu Người” mà còn là trách nhiệm của người công dân như lời chia sẻ của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trong thông báo mới nhất: “Đây là một quyết định rất khó khăn đối với chúng ta, nhất là trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh và Phục Sinh. Chưa bao giờ chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này. Tuy nhiên, chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”.
Trước thông tin đó, không ít người tỏ ra khá hồn nhiên khi cho rằng: “Chúa hay Phật đều ở tại tâm, ở đâu đọc kinh, cầu nguyện cũng được hoặc đi lễ online càng tốt!”.
Đối với các tôn giáo khác, tôi không biết nhiều nên chẳng dám lạm bàn nhưng với Công Giáo, thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu. Trong thánh lễ, người tín hữu tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa. Đó cũng là nơi Thiên Chúa mặc khải cho con người hiểu hơn về tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Và nguợc lại, khi tham dự thánh lễ, người tín hữu biểu lộ, đáp trả tình yêu của mình cùng Thiên Chúa toàn năng.
Nói ngắn gọn, khi đã yêu, người ta luôn mong muốn tìm đến với nhau, để được ở bên nhau để được gắn bó mật thiết hơn chứ không ai cứ mãi yêu xa qua Facebook, Zalo, Viber hay truyền hình trực tuyến mà bảo là đủ rồi. Cũng vậy, dù có bận bịu trăm công nghìn việc thì con cái hiếu thảo vẫn có thể thu xếp để về thăm nom cha mẹ mình chứ đâu thể nói mỗi tháng chuyển tiền, mỗi ngày video call là đủ ?
Thật lòng mà nói, bản thân tôi, từ đó đến nay, từ xưa đến giờ cũng không siêng lắm với việc đi lễ ngày thường nhưng không hiểu sao nghe tin nhà thờ không có lễ lại thấy ưu tư. Ừ thì có ai đó từng nói, người ta thường chỉ biết quý những gì đã vuột khỏi tầm tay, khi không còn ở bên mình nữa. Chắc là do mình luôn sợ “…kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”, chứ có hề thánh thiện chi đâu…
Và hôm nay khi tham dự thánh lễ cuối trước giờ “tạm dừng” bất chợt bao cảm xúc như cứ đong đầy. Cũng ngôi nhà thờ đó, cùng những giáo dân thân quen ấy nhưng một bầu khí khá nặng nề. Bởi ai cũng có chiếc khẩu trang che gần kín mặt, thấy nhau mà chẳng dám tay bắt mặt mừng. Nhất là khi lời dẫn lễ của cha sở đã khiến không ít người xúc động thật sự “ …Sau thánh lễ hôm nay không biết đến bao giờ chúng ta lại được quây quần như thế này bởi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường…”
Tuy nhiên như lời cha đã chia sẻ thì “ Đây là cơ hội để tất cả chúng ta thanh luyện tâm hồn và gắn bó với Chúa nhiều hơn qua việc đọc Tin Mừng mỗi ngày, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện, làm việc đạo đức…”
Thánh lễ đã xong, giờ chầu Thánh Thể rồi cũng kết thúc, đem hết kinh kệ ra đọc ê a một hồi rồi cũng phải đến lúc chia tay nhưng hình như chẳng ai muốn về, chỉ cố níu kéo những giây phút còn được quây quần bên nhau.
Nhưng không sao, nhờ biến cố này mà ta mới chợt nhận ra mình quá hạnh phúc và may mắn khi vẫn còn có Chúa trong cuộc đời này như ai đó đã từng nói “Khi mất tất cả bạn vẫn còn có Chúa!”
Xin mạn phép mượn lời Đức Tổng Giuse để thay cho lời kết và cũng để động viên cho nhau, tất cả chúng ta: “Nạn dịch này có thể là một đại hồng thủy thanh luyện nhân loại nhưng cũng sẽ đổi mới thế giới. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và luôn hy vọng. Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20). Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và của các thánh, xin Chúa ban bình an cho anh chị em, cho dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại”.
Gx. Phanxico Đakao, 26.03.2020
C.T.H
2020
Thánh lễ là một hồng ân
Thánh lễ là một hồng ân
Cả thế giới đang đứng trước nạn dịch covid-19, mọi người đều sợ hãi vì sự lây lan quá nhanh và ngày càng nguy hiểm đến tính mạng con người. Trước tình hình đó, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn có thông báo tạm ngưng cử hành Thánh lễ và tất cả các sinh hoạt Tôn giáo với sự tham gia của cộng đoàn để tránh tập trung đông người thay vào đó là các Thánh lễ trực tuyến được phát trên các trang truyền thông của Tổng Giáo Phận.
Là người đang sống trong cộng đoàn dòng tu, đây cũng là lần đầu tiên không còn được tham dự Thánh lễ trực tiếp như mọi ngày vẫn được tham dự tại nhà nguyện bé nhỏ, thay vì mỗi ngày phải căn giờ để tham dự Thánh lễ được phát online. Thánh lễ hôm nay được phát trực tuyến vẫn diễn ra như những Thánh lễ khác, cũng với các bài đọc và nghi thức như thế nhưng sao lại cảm thấy cảm động quá vậy. Có lẽ, chúng ta cũng không biết rõ nguyên nhân từ đâu nữa, nhưng tôi chỉ cảm thấy rằng đây là một tâm tình linh thiêng và sốt sắng biết chừng nào. Tự đáy lòng, mỗi người chúng ta muốn dâng lên Thiên Chúa lời xin lỗi, thấy mình có lỗi trước tình yêu Thiên Chúa vì bấy lâu nay ta tham dự Thánh lễ cách hững hờ, nghĩ là công việc bổn phận mỗi ngày tôi phải làm, phải giữ, giữ vì hình thức, luật lệ… Có khi lại càu nhàu “oh, mình đang coi giở đoạn clip này hay quá mà, hay những lần chat dở với bạn bè, hay chỉ là mình muốn ngủ thêm xíu nữa nhưng…” ta có thể tìm đủ mọi lý do để biện minh và có phần đổ lỗi vì Thánh lễ đến mà tôi phải ngưng mọi hoạt động hay chỉ là ý thích để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Qua bài chia sẻ của Cha, ta được đánh động bởi ngọn lửa Giêsu-ngọn lửa tình yêu tuyệt vời vẫn ngày ngày ở đó, đợi chờ ta quay trở về và cùng thắp lên ngọn lửa đó. “Giữa đêm tối cuộc đời, Chúa Giêsu không đăm đăm nhìn vào bóng tối và tội lỗi để khép mình lại trong nỗi sợ hãi nhưng Ngài nhìn lên Chúa Cha và nương tựa vào Người để có được sức mạnh bước đi trong ánh sáng của tình yêu và tự do. Ngọn lửa của tự do Giêsu như muốn xua tan bóng tối của sợ hãi đang giam hãm chúng ta trong sự khiếp nhược và thôi thúc chúng ta nhìn lên Chúa trong niềm tin vào tình thương và quyền năng của Người để có được sự bình an và sức mạnh và đẩy lui cơn đại dịch đang lan tràn khắp nơi.”[1] Ngọn lửa ấy, thôi thúc chúng ta tin rằng mọi sự đều trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngọn lửa ấy vẫn thắp lên trong ta niềm tin vào lòng thương xót bao la của Thiên Chúa vì “Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta”(Is 49, 15-16). Chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa với con người là vô giá vì vẫn còn hy vọng được tham dự Thánh lễ online để kết hiệp và làm nóng lại tình yêu với Chúa, dù không được trực tiếp rước Mình Thánh Chúa nhưng ta vẫn tin rằng Thiên Chúa ngự trong linh hồn qua việc rước lễ thiêng liêng.
Thiết tưởng, nếu một ngày chúng ta không còn điều kiện được tham dự Thánh lễ, chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào? Có thấy hụt hẫng, có chán nản hay thất vọng không? Nếu Chúa còn cho bạn cơ hội được tham dự thì hãy cố gắng tham dự cách sốt sắng nhất với tất cả lòng yêu mến vì đỉnh cao của Phụng vụ là Thánh lễ. Qua Thánh lễ, Chúa Giêsu thực sự hiện diện qua bánh rượu được tác động bởi Chúa Thánh Thần để trở thành Mình Máu Thánh Chúa làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa Cha. Mỗi người chúng ta hãy luôn biết trân trọng và yêu mến Thánh lễ với tất cả niềm tin và phó thác trong tình yêu Chúa, đừng để khi phải hối tiếc vì điều gì. Trong thời dịch này, nếu nơi bạn ở may mắn hơn vẫn còn được tham dự Thánh lễ mỗi ngày thì quả là một hồng ân.
[1] https://www.youtube.com/watch?v=Co4OuzqZDvQ
Giọt Nước