Thánh lễ trước giờ G
Thông tin Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng cử hành thánh lễ được lan đi nhanh chóng giữa sự tiếc nuối của giáo dân tại TP.HCM trong buổi chiều muộn. Tiếc nuối nhưng không ngỡ ngàng, bởi ai cũng đoán được điều này sẽ đến khi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường.
Có buồn, có tiếc nhưng chúng ta luôn vâng lời. Bởi chúng ta, những người Kytô hữu, không chỉ giữ trọn giới luật “Mến Chúa – Yêu Người” mà còn là trách nhiệm của người công dân như lời chia sẻ của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trong thông báo mới nhất: “Đây là một quyết định rất khó khăn đối với chúng ta, nhất là trong những ngày cao điểm của Tuần Thánh và Phục Sinh. Chưa bao giờ chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này. Tuy nhiên, chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”.
Trước thông tin đó, không ít người tỏ ra khá hồn nhiên khi cho rằng: “Chúa hay Phật đều ở tại tâm, ở đâu đọc kinh, cầu nguyện cũng được hoặc đi lễ online càng tốt!”.
Đối với các tôn giáo khác, tôi không biết nhiều nên chẳng dám lạm bàn nhưng với Công Giáo, thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu. Trong thánh lễ, người tín hữu tiếp nhận Lời Chúa, đón nhận Bánh Thánh ban sự sống là chính Đức Kitô và là nơi hiệp nhất cộng đoàn Dân Chúa. Đó cũng là nơi Thiên Chúa mặc khải cho con người hiểu hơn về tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Và nguợc lại, khi tham dự thánh lễ, người tín hữu biểu lộ, đáp trả tình yêu của mình cùng Thiên Chúa toàn năng.
Nói ngắn gọn, khi đã yêu, người ta luôn mong muốn tìm đến với nhau, để được ở bên nhau để được gắn bó mật thiết hơn chứ không ai cứ mãi yêu xa qua Facebook, Zalo, Viber hay truyền hình trực tuyến mà bảo là đủ rồi. Cũng vậy, dù có bận bịu trăm công nghìn việc thì con cái hiếu thảo vẫn có thể thu xếp để về thăm nom cha mẹ mình chứ đâu thể nói mỗi tháng chuyển tiền, mỗi ngày video call là đủ ?
Thật lòng mà nói, bản thân tôi, từ đó đến nay, từ xưa đến giờ cũng không siêng lắm với việc đi lễ ngày thường nhưng không hiểu sao nghe tin nhà thờ không có lễ lại thấy ưu tư. Ừ thì có ai đó từng nói, người ta thường chỉ biết quý những gì đã vuột khỏi tầm tay, khi không còn ở bên mình nữa. Chắc là do mình luôn sợ “…kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”, chứ có hề thánh thiện chi đâu…
Và hôm nay khi tham dự thánh lễ cuối trước giờ “tạm dừng” bất chợt bao cảm xúc như cứ đong đầy. Cũng ngôi nhà thờ đó, cùng những giáo dân thân quen ấy nhưng một bầu khí khá nặng nề. Bởi ai cũng có chiếc khẩu trang che gần kín mặt, thấy nhau mà chẳng dám tay bắt mặt mừng. Nhất là khi lời dẫn lễ của cha sở đã khiến không ít người xúc động thật sự “ …Sau thánh lễ hôm nay không biết đến bao giờ chúng ta lại được quây quần như thế này bởi tình hình dịch bệnh trở nên khó lường…”
Tuy nhiên như lời cha đã chia sẻ thì “ Đây là cơ hội để tất cả chúng ta thanh luyện tâm hồn và gắn bó với Chúa nhiều hơn qua việc đọc Tin Mừng mỗi ngày, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện, làm việc đạo đức…”
Thánh lễ đã xong, giờ chầu Thánh Thể rồi cũng kết thúc, đem hết kinh kệ ra đọc ê a một hồi rồi cũng phải đến lúc chia tay nhưng hình như chẳng ai muốn về, chỉ cố níu kéo những giây phút còn được quây quần bên nhau.
Nhưng không sao, nhờ biến cố này mà ta mới chợt nhận ra mình quá hạnh phúc và may mắn khi vẫn còn có Chúa trong cuộc đời này như ai đó đã từng nói “Khi mất tất cả bạn vẫn còn có Chúa!”
Xin mạn phép mượn lời Đức Tổng Giuse để thay cho lời kết và cũng để động viên cho nhau, tất cả chúng ta: “Nạn dịch này có thể là một đại hồng thủy thanh luyện nhân loại nhưng cũng sẽ đổi mới thế giới. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và luôn hy vọng. Chúa nói: “Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20). Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ và của các thánh, xin Chúa ban bình an cho anh chị em, cho dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại”.
Gx. Phanxico Đakao, 26.03.2020
C.T.H