2020
Tình Yêu Phát Lộ Trong Cơn Đại Nạn
Kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trong khi cả thế giới phải gồng mình đối phó với cơn đại dịch kinh hoàng do Virus Corona chủng mới gây ra, thì người dân Miền Tây Việt Nam lại còn phải gồng gánh thêm một cơn đại nạn “khát nước” chưa từng thấy trong vòng 100 năm qua. Khiến cho đời sống người dân bị đảo lộn tất cả, bởi nguồn nước ngọt trở nên cạn kiệt do hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trong tháng 3 dòng chảy từ đầu nguồn sông Mekong về tới Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn ở mức rất thấp, xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt người dân. Dự đoán hạn mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng tiếp theo.
Với kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp hàng chục năm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã nhận xét hạn mặn năm nay “gay gắt chưa từng thấy”. Ông đánh giá “Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”.
Theo nguồn thông tin trên các báo đài thì hiện nay để có nước sinh hoạt, người dân ở các tỉnh ven biển, nhất là Bến Tre buộc phải mua lại nước ngọt từ những người chuyên chạy xe bồn để lấy nước ở các khu vực xa hơn. Với mỗi khối nước, người dân có thể phải chi trả mức giá dao động từ 100.000-150.000 VNĐ, tùy khoảng cách đường gần xa. Thậm chí có những nơi phải mua nước với mức giá 200.000 VNĐ/ khối nước.
Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình ở khu vực hạn mặn như tỉnh Bến Tre phải chi trả thêm ít nhất 500.000-1,5 triệu đồng để có đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Tuy nhiên, có lúc có tiền muốn mua nước cũng không thể có ngay lập tức, mà người dân phải gọi điện đặt hàng trước hoặc chạy tới nhà người cung cấp kêu chở. Bà Lan, ngụ tại xã Bình Thành tỉnh Bến Tre thở dài nói rằng “có khi 2-3 ngày họ mới chở cho mình, vì ưu tiên người đặt trước”.
Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tính đến giữa tháng 2/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn mặn. So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng, hạn, mặn năm nay được cho là sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 là hoàn toàn có thể xảy ra. (báo Kinh tế & Xã hội, 18/02/2020).
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết: nước mặn có thể xâm nhập sâu vào đất liền từ 95-100 km, với độ mặn là 4-5%. Do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn khốc liệt của năm nay, khiến mùa màng nhiều nơi mất trắng. Lúa vụ Đông Xuân nơi nào gieo mạ sớm cũng chỉ thu hoạch được 20%. Nếu tình trạng này kéo dài, lúa và hoa màu, cây ăn trái cũng sẽ chết hết, chưa kể hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu lương thực, nước uống và gây ra cảnh nợ nần.
Trong tình cảnh đại nạn chồng chất đại nạn này, có lẽ điều quan trọng lúc này không phải là thời điểm chúng ta ngồi lại để đặt vấn đề, bàn cải xem ai là người gây nên những hiểm họa cho nhân loại, để rồi lên án kết tội nhau, cho bằng chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết chung tay giúp sức vượt qua những ngày dài gian khó.
Lưu tâm trước nguy cơ thiếu gạo và nước uống của người dân sống trên địa bàn Giáo Phận Cần Thơ, Đức Giám Mục đã thiết tha kêu gọi mọi người, nhất là bà con giáo dân hãy tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách: Nạo vét kinh mương, khơi thông dòng chảy; đào ao trữ nước ngọt tưới tiêu; xây và mua thêm bồn chứa nước… Nhất là ý thức chung tay gìn giữ và bảo vệ môi trường, ngôi nhà chung của nhân loại.
Trong 14 ngày cách ly này và rất có thể nhiều ngày nữa, sẽ có những hộ gia đình phải chịu cảnh thiếu hụt lương thực và nước uống. Nhìn thấy trước tình cảnh ấy, Đức Giám Mục cũng đã nhanh chóng gửi đến mỗi Họ đạo gần 1.000 kg gạo, cũng như nhiều bồn nhựa trữ nước, với mong muốn trợ giúp cho những hộ nghèo phải làm mướn kiếm sống hàng ngày, tạm thời vượt qua được thời điểm khó khăn này. Thật cảm động và trân quý biết bao trước tấm cao quý mà vị Cha chung của Giáo Phận Cần Thơ đã dành cho đoàn con!
Có thể nói chưa bao giờ hành động yêu thương, hiệp nhất, tương trợ và sẻ chia được coi trọng như lúc này. Phải chăng đây cũng là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Thiên Chúa muốn gửi đến nhân loại chúng ta ngang qua những cơn đại nạn này.
Ý thức điều đó nên trong lời cầu xin cho cơn đại dịch Covid-19, cũng như đại hạn Miền Tây sớm mau qua, chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả nhân loại biết mau quay về với cội nguồn của “tình yêu”. Bởi có yêu Chúa con người mới biết khiêm tốn bỏ đi những ý riêng ích kỷ mà vâng theo thánh ý tốt lành của Thiên Chúa; Có yêu người chúng ta biết trân quý bảo vệ sự sống và tôn trọng phẩm giá con người. Chính nhờ yêu thương, chúng ta mới biết hy sinh góp phần xây dựng cuộc sống này thật sự nhân bản hơn. Yêu thương chính là giải pháp căn cơ nhất để nhân loại vượt qua mọi hiểm nguy, không phải chỉ trong cơn dịch và đại hạn này, nhưng phải kéo dài mãi trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Linh mục Seoka
2020
Đón nhận và chấp nhận trong đời tu
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Thật vậy, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những hạnh phúc, vẫn có những bất hạnh. Trong dòng đời vẫn có những nét mặt vui tươi nhưng không thiếu những giọt nước mắt của kẻ đau khổ và hối hận muộn màng. Trong cuộc sống, ngoài những đoạn đường đầy ắp tiếng cười của sự thành công, vẫn còn những tiếng gào thét ai oán, hận thù trong thất vọng tràn trề. Con người hình như có xu hướng dễ đón nhận những niềm vui hơn là đau khổ, dễ đón nhận hạnh phúc hơn là bất hạnh, dễ đón nhận những điều thuận ý hơn là trái ý. Trong thực tế, cách chung đón nhận thì dễ; còn chấp nhận thì khó hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình cũng như tu trì, luôn cần phải có cả hai: đón nhận và chấp nhận. Noi gương Đức Maria, người tu sĩ cách riêng cũng được mời gọi đón nhận và chấp nhận trong hành trình dâng hiến.
Đón nhận
Khi nói tới đón nhận là bao hàm việc đón nhận một điều gì đó từ bên ngoài vào trong. Nó mang nghĩa chủ động. Chẳng hạn, đón nhận một con người mới, một lối sống mới trong một địa điểm mới. Hôm nay hội dòng hân hoan đón mừng anh chị là thành viên chính thức của nhà dòng. Tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì được đón nhận để cùng chia sẻ đời sống tu trì dưới mái nhà một hội dòng nào đó. Đây là mức độ đón nhận căn bản nhất trong đời sống tu trì. Đón nhận có thể theo từng cấp độ, từng thời gian và từng trách nhiệm. Khi tôi được đón nhận như là một thành viên của gia đình hội dòng, tôi cũng phải sống làm sao cho tương xứng với vai trò và trách nhiệm của mình được đón nhận. Khi tôi được đón nhận với tư cách là một bề trên của một hội dòng, tu viện, hay cộng đoàn, thì tôi phải chu toàn trách vụ cao hơn là một thành viên trong cộng đoàn. Cho nên, việc đón nhận không chỉ bao hàm việc sống trong mái nhà nào đó của hội dòng nhưng còn phải chấp nhận những anh em mình sống chung trong một cộng đoàn và dám trao ban cả số phận mình nữa. Một trong đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn tu trì là đón nhận lẫn nhau. Nếu thiếu vắng chiều kích này, đời sống tu trì chỉ như là một “văn hóa ở trọ” trong một hội dòng.
Mới nhìn qua, đón nhận xem ra dễ thực hiện nhưng trong thực tế thì không mấy dễ dàng. Thật vậy, trong thực tế bề dưới có khi không muốn chấp nhận quyền bính của bề trên. Bề trên cũng đôi lần không đón nhận hay tôn trọng ý kiến của bề dưới với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí ngay cả trong những bề trên với nhau cũng không muốn chấp nhận nhau, muốn cắt đứt liên hệ với nhau để tự do hành động ý riêng của mình chứ không phải phục vụ cho công ích. Đây là một điều rất phương hại cho cộng đoàn và nhà dòng. Còn hơn thế nữa, khi mà những bề trên khó đón nhận nhau trong quan điểm, cách làm việc, có thể nói rằng bề dưới chịu thiệt thòi khá nhiều. Thật vậy, chính điều bất đồng này sẽ làm cho bề dưới mất đi nhiệt huyết trong việc đáp trả ơn gọi. Nếu thời gian này kéo dài, bề dưới có nguy cơ mất ơn gọi của mình. Ngoài ra, nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy trong cộng đoàn tu trì có những người này thân thiện với người kia hơn. Đây là điều thường tình của con người vì có nhiều lý do như: hợp tính tình, hợp sở thích, cùng đồng hương,…
Nhưng một thực tế mà không ai muốn là trong cộng đoàn tu trì vẫn có một vài người không bao giờ nói chuyện với nhau, thậm chí “không đội trời chung”. Họ như “mặt trời” và “mặt trăng” với nhau không bao giờ gặp nhau trong đối thoại, quan điểm. Họ vẫn sống chung trong một mái nhà linh đạo, trong cùng một cộng đoàn nhưng hình như lại không ý thức sự hiện diện của nhau. Điều tệ hại hơn là nếu gặp những anh chị em khác, họ thích bàn luận và dư luận về những người mà mình thực sự không sẵn sàng hoặc không thể đón nhận. Và như chúng ta biết, cũng chỉ vì “dư luận”, nên đôi khi cao hứng quá mà những người trong cuộc “luận dư” (luận quá dư) so với những gì đang xảy ra hoặc đang có. Hậu quả của điều này, như chúng ta biết, là gây mất tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn và gây gương mù gương xấu cho những tu sĩ trẻ trong hội dòng.
Thật vậy, cuộc sống con người là một hành trình mà trong đó niềm vui và nỗi khổ luôn đan xen lẫn nhau. Cũng vậy, đời sống tu trì là một hành trình trên trần gian để đi tìm hạnh phúc cho đời này và đời sau. Trên đoạn đường này sẽ có những lúc thật khó khăn để đón nhận: đón nhận ý Chúa, đón nhận ý của bề trên, và đón nhận anh chị em mình trong một hội dòng, cộng đoàn. Trong những lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận, chấp nhận sự thực, chấp nhận với những gì đã và đang đón nhận từ Chúa và hội dòng.
Chấp nhận
Chấp nhận xem ra mang nghĩa bị động. Điều này có nghĩa là: một khi trong đời tu tôi tạm không còn khả năng để đón nhận anh chị em mình trong cùng một cộng đoàn, hoặc những điều xảy ra không có lợi cho hội dòng, tôi tạm chấp nhận mọi chuyện như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa tiêu cực là chấp nhận mọi thứ như vậy rồi bỏ mặc phó thác mọi sự muốn làm sao thì làm. Nhưng chấp nhận là dám nhìn nhận thực tế vào chính mình, vào hoàn cảnh thực tế của hội dòng mà mình đã và đang đón nhận. Chấp nhận có thể khởi đi từ bên trong ra ngoài.
Chấp nhận trước tiên là khởi đi từ chính mình. Chấp nhận chính mình. Có chuyện kể thế này: có người khi được chọn làm bề trên, khóc như mưa và quyết không chịu nhận. Nhưng khi mọi người trong hội dòng năn nỉ và phân tích thì đón nhận. Tuy nhiên, sau một nhiệm kỳ thì tới lúc không còn được anh chị em mình tín nhiệm nữa, thì vị bề trên ấy lại không chịu chấp nhận nghi thức ‘tiễn cựu nghinh tân”! Hoặc có người không còn làm bề trên nữa nhưng sống trong tư tưởng mình vẫn còn là bề trên. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là vị này không có đức vâng lời nhưng hình như họ chưa sẵn sàng chấp nhận sự thực mình đã không còn là bề trên nữa. Hầu như trong một số lời nói, chia sẻ, bài viết vẫn còn mang tính giáo huấn của một người bề trên. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho vị bề trên đương nhiệm trong việc điều hành và quản trị hội dòng nhưng đôi khi gây phản chứng cho các anh chị em trẻ về tinh thần lời khấn vâng lời. Dĩ nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt trong số nhiều những tấm gương hy sinh và khiêm nhường của những bậc bề trên tiền nhân trong việc phục vụ anh em và công ích cho nhà dòng.
Kế tiếp, chấp nhận là biện biệt về mối tương quan giữa vai trò và trách nhiệm của mình với những anh chị em khác trong hội dòng cũng như nhìn nhận thực tế và thực trạng hội dòng mình đã và đang đón nhận. Vào những tháng năm mùa xuân của đời sống tu trì, người tu sĩ rất dễ dàng đón nhận và chấp nhận: dễ đón nhận thuận ý và chấp nhận trái ý. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi với những “cuộc chạm trán nảy lửa” vì bất đồng quan điểm trong cách làm việc, trong cuộc sống, họ bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận nhau. Khi mà đi tới đoạn đường gồ gề với những đố kỵ, ghen tương, toan tính của con người mà thiếu đi sự tác động của Thần Khí, người tu sĩ dễ loại bỏ nhau và thật khó chấp nhận nhau.
Khi mà thời điểm mùa xuân của đời tu nhường chỗ cho mùa thu của tuổi đời xế bóng, người tu sĩ cần đủ nghị lực để nhìn nhận và chấp nhận. Trong giai đoạn này, người tu sĩ thực sự cần đến sự từ bỏ tận căn để dám chấp nhận những thực tế mà mình đang có. Có như vậy, người tu sĩ, đặc biệt những tu sĩ lớn tuổi mới thanh thản và vui vẻ chấp nhận về hưu an dưỡng tuổi già. Những người đã từng làm bề trên nhưng nay không còn nữa sẽ vui vẻ chấp nhận và nhường “sân khấu” cho những đàn em của mình có cơ hội chia sẻ và gánh vác những công việc chung của hội dòng.
Trong cuộc sống ngoài đời hay tu trì không phải lúc nào cũng bằng phẳng lặng im nhưng không ít đôi lần chúng ta phải chạm trán với những đoạn đường lên đồi Gôn-gô-tha. Tuy nhiên, “Ví phỏng đời bằng phẳng cả…anh hùng hào kiệt có hơn ai,” phải có sóng gió mới biết ai là anh hùng đích thực. Nếu chỉ là những điều thuận ý ai mà chẳng đón nhận được nhưng cũng cần phải có những điều trái ý để giúp chúng ta có cơ hội xác quyết hơn với những gì mình đã chọn và từ bỏ. Đời tu cần cả hai: đón nhận và chấp nhận. Dám buông rơi để đón nhận và dám chấp nhận để đón nhận những gì mà chúng ta chưa thể buông rơi được.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con đã được kêu gọi và được đón nhận vào đời sống tu trì để đi theo Chúa cách mật thiết hơn. Chúng con được mời gọi đón nhận nhau, đón nhận ý Chúa qua những người có trách nhiệm. Xin Chúa ban cho chúng con sống sao cho xứng đáng với những gì mà chúng con đã được đón nhận. Ngoài ra, cũng xin Chúa ban cho chúng con đủ mọi nghị lực để dám chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình, và chấp nhận thực tế của hội dòng nơi chúng con đang đón nhận để chúng con sẵn sàng từ bỏ và vui vẻ trong đời tận hiến.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
2020
Đại hội giới trẻ giữa dịch Corona, tại sao không?
Đại hội giới trẻ, ngày mà triệu con tim hướng về trong niềm háo hức chờ đợi, diễn ra 3 năm một lần toàn thế giới, và mỗi năm một lần cấp giáo phận dịp Lễ Lá, nay đang là điều được các bạn trẻ nhắc đến nhiều nhất trong nỗi buồn pha chút hụt hẫng,nuối tiếc. Tâm sự đó tình cờ tôi đọc được trong đoạn hội thoại của các bạn
– Thế là năm nay mình không được cùng nhau tham dự việc cử hành nghi thức suy tôn thánh giá nữa rồi.
– Ừ, tiết mục diễn nguyện của giáo xứ mình cũng đã tập xong từ Tết, mà bây giờ…
Và rồi cũng tình cờ tôi thấy trong status của một bạn nam: “‘buồn quá! Mình đã bỏ thời giờ học thuộc hết lời thoại, và còn nữa, cái bộ râu mất công nuôi bấy nay để đóng cái vai Giuđa!
Thế đấy, tôi hiểu đó không chỉ là những chuyện bên ngoài, mà là chính nỗ lực của các bạn trong việc sống và diễn tả niềm tin của mình. Ngày Đại hội mỗi năm- nơi gặp gỡ, nối kết, nhưng hơn thế nữa,nơi mà ngàn trái tim, triệu tâm hồn với tất cả khát vọng, tình yêu, sức trẻ, đang cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô như vị vua và là Đấng cứu độ duy nhất.
Vậy thì các bạn ơi, Đại hội giới trẻ giữa đại dịch, tại sao không? Corona khiến chúng ta không có cơ hội về Tòa Giám mục, nhà thờ chính tòa, hay Trung tâm mục vụ dự lễ như mọi năm thì chúng ta đã có một không gian khác, với muôn vàn phương thức khác cho ngày đặc biệt này mà, đúng không? Thử đề nghị với các bạn 3 điểm sau nhé!
1. GẶP NHAU TRONG MỘT KHÔNG GIAN MỚI
Trên facebook, Zalo, viber, twitter …nói chung tất cả các phương tiện nơi các bạn giao tiếp gặp gỡ nhau mỗi ngày, hãy dành nó cho đại hội.
Là người trẻ bạn rất linh hoạt, thông thạo và am hiểu về lãnh vực này mà. lẽ ra là con cái Chúa chúng ta nên có “chút gì của Chúa” trong thế giới ảo mà rất cụ thể này của chúng ta, nhưng nếu bạn chưa bao giờ làm điều đó thì hôm nay hãy làm. Trên mỗi trang chủ thay vì những thứ linh tinh, phim ảnh, thời trang, hình ảnh thần tượng,,,thì hôm nay hãy dành chỗ trang trọng đó cho điều mà bạn và các bạn trẻ Kitô giáo khắp thế giới cùng quan tâm.
Để rồi từ khung cảnh này chúng ta sẽ nói với nhau về câu chuyện Đức Giêsu.
2. CÙNG TRAO ĐỔI MỘT ĐỀ TÀI
Đại hội thế giới năm nay với chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14). Đoạn văn cho chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu vào thành Naim, tình cờ gặp một đám tang đưa một anh thanh niên đi chôn, anh là con trai duy nhất của bà mẹ góa. Chúa Giêsu, bị đánh động bởi nỗi đau tột cùng của người mẹ, Ngài đã làm một phép lạ làm cho con trai của bà chỗi dậy.
Tin Mừng không nói tên của thiếu niên được Chúa làm cho sống lại ở Naim, để tên chúng ta được điền vào đó với lời mời gọi của Đức Giêsu “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy”
– Hãy chỗi dậy. vì người trẻ chúng ta dễ ngã vào những cuộc chơi bất tận của hào nhoáng, đam mê nghiện ngập, những thần tượng ảo, để rồi kiệt sức với nó.
– Hãy chỗi dậy để sống có trách nhiệm, chiếc điện thoại của chúng ta thay vì rút ra chụp và tung tán những cảnh bạo lực, bạn trẻ công giáo hãy dùng nó để cấp báo hay loan những tin tốt lành.
– Hãy chỗi dậy khỏi sự thờ ơ vô cảm đang ngày càng lây lan trong xã hội. Đừng lướt qua các sự kiện đau khổ hằng ngày như lướt qua một trang facebook. Tin tức cho biết dịch Corona hôm nay nâng số ca lây nhiễm lên đến con số triệu, số tử vong tới ngàn ngàn. Nhưng các bạn ơi đó không chỉ là con số, mỗi đằng sau nó là một mạng người.
Nhiều và còn nhiều lắm những điều chúng ta trao đổi với nhau, giúp nhau chỗi dậy, vươn tay lên cho sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành và không bao giờ bỏ rơi chúng ta
3. CÙNG TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
Đó là phần các bạn thường làm trong các đại hội, là hiệp thông với toàn thể Giáo hội để long trọng cử hành thánh lễ Chúa nhật lễ lá. Chúng ta sốt sắng chuẩn bị tâm hồn cùng nhau tham dự thánh lễ trực tuyến.
Chương trình của các giáo phận đã có sẵn và ít nhiều sẽ dành ưu tiên cho các bạn qua ý lễ, qua các bài giảng.
Để bảo đảm rằng chúng ta có thể hiệp thông trọn vẹn với giáo hội, hãy canh đúng giờ dự lễ, chứ đừng xem lại thánh lễ như coi video.
Vậy nhé! Chúc các bạn ngày đại hội thật vui và ý nghĩa.
Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang
2020
Những người thầy áo trắng giữa bầu trời Covid-19
Mong manh…
Tại Ý, các bác sĩ đã bật khóc khi phải lựa chọn cứu lấy sinh mạng cho những người trẻ, những người có khả năng chữa lành. Đó là điều mà họ đang phải từng giây phút không ngừng thỏa thuận với chính lương tâm nghề nghiệp của mình. Nhưng thực sự, họ không còn sự lựa chọn khác.
Tại Việt Nam, 700 tiếp viên hàng không – những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong top 3, đăng ký xin không nhận lương hoặc nghỉ không lương 2-3 tháng. 100 sinh viên trường Y tình nguyện đến sân bay chặn dịch… 280 bác sĩ, y tá đã về hưu tại Hà Nội tình nguyện xin trở lại bệnh viện để chống dịch, mặc cho hàng loạt thông tin bác sĩ, y tá nhiễm lây bệnh ở các vùng dịch khác ra rả trên báo hàng ngày. Và chính các bác ấy, xét về độ tuổi, nằm trong nhóm nhạy cảm nhất!
Những con số này không đơn thuần là những ngày và đêm nối nhau dài đằng đẵng phải tạm xa những người thân yêu nhất, phải cống hiến 200% tâm lực họ có thể cho những gương mặt xa lạ – những người bệnh đang hoảng loạn và bất lực. Bởi lẽ, con người thì vốn vẫn sợ hãi những gì họ không thể hiểu. Hippocrates đã từng nói: “Với bệnh tật, hãy tạo thành hai thói quen – giúp đỡ, hoặc ít nhất, không tạo thêm thương tổn.” (As to diseases, make a habit of two things — to help, or at least, to do no harm). Hay nói cách khác, nếu không thể làm gì tốt, chúng ta hãy đừng làm gì xấu!
Tuy nhiên, thế giới này không chỉ đơn thuần như vậy… Khi mà thảm hoạ dịch bệnh ập tới, có những người nhởn nhơ với chúng, bởi họ vốn cũng chẳng quý giá gì sinh mạng bản thân; cũng có những người khác nhanh chóng tìm cách vơ vét hoặc làm tất cả để bảo vệ lợi ích cá nhân, bất chấp thiên hạ đại loạn… Ngày qua ngày, chúng ta chứng kiến những fake news hoành hành, những lời chửi bới, mạt sát lẫn nhau, những tiên đoán về ngày tàn của thế giới hay kể cả những hành động trục lợi ngu xuẩn ngay trên xương máu đồng loại mình…
Giữa cơn bão của sự hỗn mang khi con người hoảng sợ ấy, thì vẫn tồn tại ở đó những vẻ đẹp bất biến và giản đơn, như cách mà những con người mang tấm áo blous đang âm thầm nỗ lực. Họ đã bảo vệ không chỉ sự sống, mà là niềm tin cho tất cả phần còn lại chúng ta. Thật vậy, “Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ; còn trái tim của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình.” Ở lần ‘đại khám bệnh’ này, có lẽ những người hoạt động trong ngành y sẽ chẳng nhận được ‘đồng lương’ tăng ca nào, chẳng có bằng khen nào,… nhưng cái sứ mạng từ những lời tuyên thệ Hypocrat của họ đang là món nợ ân tình mà tất cả chúng ta không thể quên!
Những người mang trên tay tấm vé một chiều này không chắc ngày trở lại với gia đình, bình thản đi vào tâm bão, để bế ra cho chúng ta từng chút hy vọng mỗi ngày – họ chính là những anh hùng dũng cảm nhất mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và thầm nói với họ lời cảm ơn sâu xa…
Thật vậy, Thiên Chúa luôn muốn ban ân sủng vĩnh viễn cho con người, miễn là họ chứng tỏ sự trung tín của mình trong tình yêu với cuộc sống, với sứ mạng và với bất kì một loại giao ước nào mà họ đã tuyên thệ. Tuynhiên, những ân sủng đó cũng phải được đáp trả lại bằng sự nỗ lực của con người, cùng với những thử thách để chứng tỏ tình yêu và lòng can đảm. Họ luôn được đặt vào những hoàn cảnh có hai mặt để thử thách tình yêu ấy. Mặt thứ nhất là sự tăm tối của định mệnh; mặt thứ hai là sự giới hạn. Họ nhận ra giới hạn của chính mình trước sự vô biên của Thiên Chúa và vũ trụ… Thiên Chúa đã tạo nên thế giới và tất cả thật tốt đẹp. Thiên Chúa tạo nên thế giới cũng giống như chúng ta không thể giữ được một bí mật. Những điều tốt đẹp thì khó giữ lại. Hoa hồng thì đẹp và nó nói lên bí mật của nó qua hương thơm. Mặt trời thì tốt và nó kể lại bí mật của nó trong ánh sáng và sức nóng. Những con người tốt thì kể lại bí mật của mình qua những tư tưởng, lời nói và hành động tốt lành. Tình yêu thì chan chứa. Từng ngày, chúng ta vẫn đang thừa hưởng tất cả những tinh hoa tốt đẹp nhất từ Thiên Chúa, vũ trụ và từ những người thầy áo trắng thầm lặng mà thật vĩ đại…
Xin cầu nguyện cho những người thầy áo trắng trong cơn thảm dịch này…
Cát Trắng