Những người thầy áo trắng giữa bầu trời Covid-19
Mong manh…
Tại Ý, các bác sĩ đã bật khóc khi phải lựa chọn cứu lấy sinh mạng cho những người trẻ, những người có khả năng chữa lành. Đó là điều mà họ đang phải từng giây phút không ngừng thỏa thuận với chính lương tâm nghề nghiệp của mình. Nhưng thực sự, họ không còn sự lựa chọn khác.
Tại Việt Nam, 700 tiếp viên hàng không – những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong top 3, đăng ký xin không nhận lương hoặc nghỉ không lương 2-3 tháng. 100 sinh viên trường Y tình nguyện đến sân bay chặn dịch… 280 bác sĩ, y tá đã về hưu tại Hà Nội tình nguyện xin trở lại bệnh viện để chống dịch, mặc cho hàng loạt thông tin bác sĩ, y tá nhiễm lây bệnh ở các vùng dịch khác ra rả trên báo hàng ngày. Và chính các bác ấy, xét về độ tuổi, nằm trong nhóm nhạy cảm nhất!
Những con số này không đơn thuần là những ngày và đêm nối nhau dài đằng đẵng phải tạm xa những người thân yêu nhất, phải cống hiến 200% tâm lực họ có thể cho những gương mặt xa lạ – những người bệnh đang hoảng loạn và bất lực. Bởi lẽ, con người thì vốn vẫn sợ hãi những gì họ không thể hiểu. Hippocrates đã từng nói: “Với bệnh tật, hãy tạo thành hai thói quen – giúp đỡ, hoặc ít nhất, không tạo thêm thương tổn.” (As to diseases, make a habit of two things — to help, or at least, to do no harm). Hay nói cách khác, nếu không thể làm gì tốt, chúng ta hãy đừng làm gì xấu!
Tuy nhiên, thế giới này không chỉ đơn thuần như vậy… Khi mà thảm hoạ dịch bệnh ập tới, có những người nhởn nhơ với chúng, bởi họ vốn cũng chẳng quý giá gì sinh mạng bản thân; cũng có những người khác nhanh chóng tìm cách vơ vét hoặc làm tất cả để bảo vệ lợi ích cá nhân, bất chấp thiên hạ đại loạn… Ngày qua ngày, chúng ta chứng kiến những fake news hoành hành, những lời chửi bới, mạt sát lẫn nhau, những tiên đoán về ngày tàn của thế giới hay kể cả những hành động trục lợi ngu xuẩn ngay trên xương máu đồng loại mình…
Giữa cơn bão của sự hỗn mang khi con người hoảng sợ ấy, thì vẫn tồn tại ở đó những vẻ đẹp bất biến và giản đơn, như cách mà những con người mang tấm áo blous đang âm thầm nỗ lực. Họ đã bảo vệ không chỉ sự sống, mà là niềm tin cho tất cả phần còn lại chúng ta. Thật vậy, “Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ; còn trái tim của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình.” Ở lần ‘đại khám bệnh’ này, có lẽ những người hoạt động trong ngành y sẽ chẳng nhận được ‘đồng lương’ tăng ca nào, chẳng có bằng khen nào,… nhưng cái sứ mạng từ những lời tuyên thệ Hypocrat của họ đang là món nợ ân tình mà tất cả chúng ta không thể quên!
Những người mang trên tay tấm vé một chiều này không chắc ngày trở lại với gia đình, bình thản đi vào tâm bão, để bế ra cho chúng ta từng chút hy vọng mỗi ngày – họ chính là những anh hùng dũng cảm nhất mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và thầm nói với họ lời cảm ơn sâu xa…
Thật vậy, Thiên Chúa luôn muốn ban ân sủng vĩnh viễn cho con người, miễn là họ chứng tỏ sự trung tín của mình trong tình yêu với cuộc sống, với sứ mạng và với bất kì một loại giao ước nào mà họ đã tuyên thệ. Tuynhiên, những ân sủng đó cũng phải được đáp trả lại bằng sự nỗ lực của con người, cùng với những thử thách để chứng tỏ tình yêu và lòng can đảm. Họ luôn được đặt vào những hoàn cảnh có hai mặt để thử thách tình yêu ấy. Mặt thứ nhất là sự tăm tối của định mệnh; mặt thứ hai là sự giới hạn. Họ nhận ra giới hạn của chính mình trước sự vô biên của Thiên Chúa và vũ trụ… Thiên Chúa đã tạo nên thế giới và tất cả thật tốt đẹp. Thiên Chúa tạo nên thế giới cũng giống như chúng ta không thể giữ được một bí mật. Những điều tốt đẹp thì khó giữ lại. Hoa hồng thì đẹp và nó nói lên bí mật của nó qua hương thơm. Mặt trời thì tốt và nó kể lại bí mật của nó trong ánh sáng và sức nóng. Những con người tốt thì kể lại bí mật của mình qua những tư tưởng, lời nói và hành động tốt lành. Tình yêu thì chan chứa. Từng ngày, chúng ta vẫn đang thừa hưởng tất cả những tinh hoa tốt đẹp nhất từ Thiên Chúa, vũ trụ và từ những người thầy áo trắng thầm lặng mà thật vĩ đại…
Xin cầu nguyện cho những người thầy áo trắng trong cơn thảm dịch này…
Cát Trắng