2020
Cuộc thi Tiếng Hát Giáo Đường 2020
CUỘC THI TIẾNG HÁT GIÁO ĐƯỜNG 2020
Câu Lạc Bộ Lửa Hồng trân trọng thông báo:
Được sự chấp thuận của cha Gioan Lê Quang Việt, Đặc trách Mục vụ Giới trẻ Tổng giáo phận Sài Gòn, Ban Mục Vụ Giới Trẻ kết hợp cùng Câu lạc bộ Lửa Hồng tổ chức cuộc thi “Tiếng Hát Giáo Đường 2020”.
MỤC ĐÍCH: Tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ yêu thích âm nhạc và có khả năng hát những ca khúc mang tinh thần Kitô giáo, để “qua âm nhạc, cùng nhau sống, khám phá và loan báo Tin Mừng”.
THỜI GIAN: từ ngày 01 tháng 5 năm 2020 đến ngày 01 tháng 10 năm 2020.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI: Các bạn trẻ Công giáo và ngoài Công giáo có cảm tình với đạo và yêu thích Thánh ca, có khả năng ca hát, hiện đang sống tại Việt Nam. Độ tuổi từ 15-45 (căn cứ theo Chứng minh nhân dân).
Những thí sinh tham gia “Tiếng Hát Giáo Đường 2018” đã đậu vào vòng III – Top 24 (ngoại trừ Top 6 vào Chung Kết) nếu tham gia “Tiếng Hát Giáo Đường 2020” sẽ được tuyển thẳng vào Vòng 2.
THỜI GIAN & CÁCH THỨC ĐĂNG KÝ- GỬI FILE DỰ THI:
Thời gian đăng ký dự thi: Từ ngày 02/05/2020 đến 23g00 ngày 15/06/2020 (Link đăng ký https://forms.gle/MkcyPs6RaogBNFiR8 ). Nhận hồ sơ đăng ký tối đa 250 thí sinh.
Thời gian gởi clip dự thi: từ 02/05/2020 đến 23g00 ngày 20/06/2020 ( Ban tổ chức sẽ email cho các thí sinh đã “đăng ký dự thi” Số Báo Danh & đường link để nộp Video Clip & Sheet nhạc).
……
Thông tin chính thức về cuộc thi tại : http://luahongmusic.com/cuoc-thi-tieng-hat-giao-duong-2020/
2020
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long khai mạc ngày tĩnh huấn huynh – dự trưởng TNTT Gp. Vinh
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, 24/05/2020, tại khuôn viên giáo xứ Lưu Mỹ, Ban Điều hành Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) Gioan Phaolô II Giáo phận Vinh đã tổ chức ngày tĩnh huấn cho các huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn trong toàn giáo phận. Đây không chỉ là thời gian quý báu để hâm nóng lại tinh thần hy sinh, nhiệt huyết đối với sứ vụ phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân nơi các bạn trẻ, nhưng còn để tìm ra những đường lối và hướng đi mới cho sự phát triển của Hội đoàn TNTT.
Trong ngày tĩnh huấn năm nay, Liên đoàn hân hoan chào đón sự hiện và đồng hành của Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long trong phần khai mạc của chương trình. Trong những giây phút gặp gỡ này, Đức cha Anphong đã có bài huấn dụ ngắn tới các tham dự viên về vai trò cũng như sứ mạng vô cùng quan trọng của các huynh, dự trưởng đối với sự phát triển của phong trào TNTT giáo phận. Đồng thời, chủ chăn giáo phận cũng bày tỏ ước nguyện rằng tất cả giáo xứ trong giáo phận đều sẽ có sự hiện diện và hoạt động của TNTT.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi Tuyên úy hiện tại của Liên đoàn TNTT Giáo phận là cha Antôn Hoàng Trung Hoa được Đức cha Anphong tái bổ nhiệm Tuyên úy Liên đoàn nhiệm kỳ tiếp theo 2020-2023. Quyết định bổ nhiệm được long trọng công bố trước giờ khai lễ trong sự hân hoan của cộng đoàn hiện diện.
Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ do Đức cha Anphong chủ sự. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có cha Tuyên úy Antôn Hoàng Trung Hoa, quý cha trong và ngoài giáo hạt Bảo Nham, quý nam nữ tu sĩ, quý huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn TNTT trong giáo phận cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ biến cố thăng thiên của Đức Kitô, Đức cha chủ tế mời gọi mỗi người luôn biết ái mộ và tìm kiếm những sự trên trời như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.” (Cl 3,1-4). Chúa về trời không có nghĩa Người bỏ rơi nhân loại nhưng là để khai mở cánh cửa vào nước hằng sống cho con người. Vì vậy, mỗi người cần biết gạt bỏ những thú vui chóng qua, những hạnh phúc tạm bợ ở đời này để luôn hướng mắt về những thực tại vĩnh cửu trên trời.
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Là người môn đệ của Đức Kitô, mỗi tín hữu bất kể là giáo dân hay tu sĩ, linh mục đều được mời gọi ra đi, đi đến những ‘vùng ngoại biên’ để rao giảng Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng 49). Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên… Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
Phát biểu cuối thánh lễ, cha Tuyên úy Antôn Hoàng Trung Hoa đã thay lời cho cộng đoàn hiện diện, đặc biệt các huynh, dự trưởng thuộc các xứ đoàn, hiệp đoàn TNTT trong toàn giáo phận bày tỏ niềm tri ân, cảm tạ trước sự quan tâm và ưu ái của Đức cha, quý cha đồng tế, đồng thời, bày tỏ quyết tâm sẽ không ngừng dấn thân và cống hiến hơn nữa cho các hoạt động cũng như sự phát triển của phong trào TNTT. Quốc Diện
2020
Caritas Hà Nội: 100 bệnh nhân được phẫu thuật mắt miễn phí
Ngày 26/5/2020, nhờ nguồn tài trợ của quý ân nhân, Caritas Hà Nội đã tổ chức phẫu thuật mắt miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Mắt Hà Nội.
Cơn mưa nhẹ vào buổi sáng không làm chậm lại những bước chân của các bệnh nhân đang khao khát tìm lại ánh sáng. Mặc dù các nhóm bệnh nhân được hẹn đến vào các thời điểm khác nhau, nhưng ngay từ 7 giờ sáng tất cả đều đã có mặt đông đủ.
Theo lẽ thường, ai cũng mang tâm lý căng thẳng, lo lắng khi đi tới bệnh viện. Nhưng khi đi phẫu thuật mắt, các bệnh nhân lại hoàn toàn an tâm khi được đón tiếp và hướng dẫn rất chu đáo, tận tình của quý sơ và các cộng tác viên. Hôm nay, các bệnh nhân không chỉ được phẫu thuật mắt hoàn toàn miễn phí mà còn được phục vụ cơm ăn, nước uống đến tận giường với giá 0 đồng.
Ngày phẫu thuật khép lại trong niềm vui của tất cả mọi người, dù mắt vẫn đeo băng nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. Thay lời cho các bệnh nhân, Caritas Hà Nội xin chân thành cảm ơn sự hy sinh thầm lặng của các y bác sỹ, lòng nhiệt thành phục vụ của quý Sơ, quý hội viên và các bạn tình nguyện viên. Đặc biệt, xin tri ân quý mạnh thường quân đã tài trợ để mọi người cùng được vui hưởng ánh sáng – món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần chữa lành cho các bệnh nhân, gia tăng mối dây hiệp nhất và thổi bùng lên ngọn lửa yêu mến, để mỗi chúng ta sẽ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa xoa dịu những đau thương của nhân loại bằng liều thuốc tình yêu. Nt. Maria Bùi Thị Huệ
2020
Công lý cho trái đất
CÔNG LÝ CHO TRÁI ĐẤT
ĐGM. Giuse Nguyễn Đức Cường
Sau khi đọc lại Tông huấn Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhân kỷ niệm 5 năm (24/5/2015-24/5/2020), ngày ban hành Thông điệp này, tôi có một vài suy nghĩ sau đây:
1.TRÁI ĐẤT BỊ TÀN PHÁ
Ngày nay, bất cứ ai, dù là những người ở thành thị hay thôn quê, đều biết hay đều cảm nhận các hiện tượng thất thường về thời tiết, khí hậu, mưa gió, bão táp, lụt lội, ô nhiễm không khí cũng như ô nhiễm nguồn nước, biển cả và sông ngòi. Không những nhận biết, cảm nhận mà đôi khi còn là nạn nhân nữa. Thật vậy, cứ nhìn vào con suối, dòng sông, chúng ta thấy hiện tượng ô nhiễm: đen ngòm, hôi thối do rác rưởi mà con người xả ra, nước thải từ các nhà máy… Cứ nhìn vào những cánh rừng, ta thấy cây cối bị đốn chặt bừa bãi, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp dần… Cứ nhìn vào không khí ta thấy bụi bặm, không trong lành do khói từ xe cộ, từ các nhà máy bốc cao …Cứ nhìn vào những cánh đồng bạt ngàn không thể cày cấy do bị nhiễm mặn. Và còn nữa: nhiệt độ nóng dần lên, hạn hán, lụt lội, nhiều sinh vật và động vật bị giảm thiểu, thậm chí bị tuyệt chủng, dịch bệnh gia tăng…
2.TRÁI ĐẤT ĐÒI CÔNG LÝ
Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng vũ trụ, muôn loài muôn vật do Thiên Chúa dựng nên và tất cả đều tốt đẹp, thiên nhiên và con người sống hài hòa với nhau. Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho con người làm cho vũ trụ này, trái đất này tốt hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn nữa (x. St 1,1-2,4a).
Phải thành thật công nhận rằng, qua các thế hệ kế tiếp nhau, con người đã góp công làm cho vũ trụ này đẹp hơn, đáng sống hơn qua các công trình xây dựng, qua các phát minh khoa học như làm cho thế giới có nhiều lương thực hơn – quần áo đầy đủ hơn, đẹp hơn – giao thông thuận lợi hơn – thông tin mau lẹ hơn, làm cho con người gần gũi nhau hơn … Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật hiển nhiên là trái đất bị tàn phá nhiều hơn là được xây dựng như chúng ta đã nói ở trên.
Trước hiện tượng này, nhiều cá nhân, đoàn thể, các vị lãnh đạo các nước và tôn giáo đã lên tiếng nhắc nhở và kêu gọi mọi người quan tâm và gìn giữ vũ trụ, ngôi nhà chung của chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô , trong Thông Điệp Laudato Si, lên tiếng rằng đã đến lúc chúng ta phải chăm chú lắng nghe trái đất bị hủy hoại đang lên tiếng đòi công lý: “Chị Đất đang kêu trách(1) chúng ta đã gây tổn hại cho chị… chị đang bị áp bức và bị hủy hoại nên chị rên siết và quằn quại”. (số 2). Kêu trách là phản kháng và đòi hỏi chúng ta thay đổi cách sống đối với trái đất (x. số 53).
Thật vậy, theo Đức Giáo Hoàng, con người chúng ta đã sử dụng và lạm dụng trái đất một cách vô trách nhiệm. Vì muốn phát triển kinh tế, nhiều người tự cho mình là sở hữu chủ với quyền hủy hoại trái đất. Bạo lực nằm sâu trong trái tim con người, vốn bị tội lỗi làm tổn thương, cũng gây ra bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, không khí và các sinh vật (x. số 2).
- LÀ KITÔ HỮU, CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
Trái Đất đòi công lý. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, công lý đòi buộc mỗi người chúng ta phải chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, bằng cách tôn trọng và biết ơn trái đất (x. số 2), bảo vệ thế giới chứ không hủy diệt, gieo trồng vẻ đẹp chứ không gây ô nhiễm và phá hủy (x. số 246, lời cầu nguyện 1). Bổn phận chăm sóc trái đất là của mọi người, các tổ chức quốc gia và quốc tế, đặc biệt của những người lãnh đạo và người làm kinh tế: Công lý đòi buộc “những ai đang nắm quyền lực và của cải tránh xa thái độ vô tâm, để họ yêu mến những thiện ích chung, thăng tiến người yếu đuối và chăm sóc cho thế giới (x. số 246, Lời cầu nguyện 2).
Là Kitô hữu, chúng ta lại càng phải quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và làm cho thế giới mỗi ngày mỗi đẹp hơn, đáng sống hơn vì đó là trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta. Theo Đức Giáo Hoàng, công lý đòi buộc cả cộng đoàn (Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo hội địa phương) chứ không chỉ mỗi cá nhân phải hoán cải sinh thái (số 219).
Trước khi đề ra cho người tín hữu chúng ta những việc làm cụ thể để chăm sóc trái đất, Đức Giáo Hoàng đã cho thấy nguyên nhân sâu xa gây ra sự hủy hoại trái đất của con người. Theo ngài, “ Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết”. Tệ hơn nữa “Mô hình này làm cho người ta tin rằng, họ thực sự tự do bao lâu họ được tự do tiêu thụ”(số 203). Để thỏa mãn khuynh hướng tiêu thụ này, người ta lại càng sản xuất nhiều hơn và do đó lại càng hủy hoại môi trường hơn, nhất là mất đi cảm thức đích thực về thiện ích chung và sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau (x. số 203).
Vì thế, để cứu vãn sự toàn vẹn của trái đất và hạnh phúc của con người, nhất là những người nghèo và các thế hệ sau, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những việc làm cụ thể cho Giáo Hội toàn cầu, các Giáo hội địa phương, cũng như các gia đình và mỗi tín hữu như sau: Công lý đòi buộc người tín hữu chúng ta quan tâm tới việc giáo dục về sinh thái ở gia đình, qua truyền thông, trong các bài giáo lý(x. số 213). Đặc biệt, trong các chủng viện, các nhà đào tạo sẽ giáo dục chủng sinh có một đời sống giản dị, đầy trách nhiệm, sự chiêm niệm với lòng biết ơn về thế giới Chúa tặng ban, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường (x. số 214).
Nhìn vào thái độ sống của các tín hữu hiện nay với trái đất, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở: Công lý đòi các tín hữu phải hoán cải nội tâm về vấn đề sinh thái, gọi là hoán cải sinh thái: “Phải nhìn nhận rằng, các Kitô hữu đã không luôn luôn tôn trọng và phát triển những kho tàng thiêng liêng được Thiên Chúa phú ban cho Hội Thánh, trong đó đời sống tinh thần không tách lìa khỏi thân xác, khỏi thiên nhiên hay những thực tại của thế giới, nhưng sống cùng và sống với, trong sự hiệp thông với tất cả mọi sự chung quanh chúng ta” (số 216). Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình do Chúa dựng nên là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức.
- LỐI SỐNG MỚI
Chăm sóc ngôi nhà chung, từ bỏ lối sống mua sắm và tiêu xài không cần thiết mà Đức Giáo Hoàng đề nghị là một lối sống mới cho mọi người nói chung và người tín hữu nói riêng. Đây là một lối sống trả lại công lý cho trái đất. Lối sống này sẽ có khả năng phát huy tình yêu và xây dựng hòa bình. Lối sống này làm nên hạnh phúc cho đại gia đình nhân loại và thiên nhiên, sống hài hòa với nhau trong ngôi nhà chung là toàn thể vũ trụ bao la, thoát thai từ Bàn Tay Sáng Tạo Toàn Năng của Thiên Chúa là Cha của mọi người và mọi loài thụ tạo với Đức Kitô là Anh Cả (x. Cl 1, 12-20). Lối sống này quả thực không dễ thực hiện, nhưng với niềm tin vào ơn phù trợ của Chúa, Đức Giáo Hoàng khích lệ chúng ta: “ Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong thế giới này. Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước”(số 245). Việc đưa ra những chương trình mục vụ thực hành lối sống mới mà Thông Điệp LAUDATO SI đề ra, là bổn phận của các giáo hội địa phương. Vậy, mỗi giáo phận tại Việt Nam chúng ta sẽ ứng dụng lối sống mới này thế nào vào đời sống cụ thể của giáo phận mình trong các chương trình mục vụ?
Để cảm thấy đây là một vấn đề khẩn thiết, chúng ta hãy để câu hỏi của Đức Giáo Hoàng : “Chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em chúng ta hiện đang lớn lên?”(số 160) chất vấn chúng ta.
+Giuse Nguyễn Đức Cường
Giám mục Giáo phận Thanh Hóa
Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình / HĐGM Việt Nam
Nguồn: giaophanthanhhoa.net
__________
(1) X. Cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM, “Không có chỗ cho tiếng khóc trong Laudato Si” – Tài liệu Thường Huấn LM TGP Hà Nội 2016. Ngài đề nghị nên dịch theo chữ La tinh “obiurgat” là “kêu trách, trách móc” thay vì than khóc.