2020
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si’
Caritas Việt Nam: Phóng Sự Nhìn Lại 5 Năm Thông Điệp Laudato Si’
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp. Ngay từ khởi nguyên Thiên Chúa đã tạo dựng chim trời, cá biển, cùng mọi thứ thảo mộc; và con người được sống trong sự hoà hợp, canh tác và hạnh phúc với thiên nhiên.
Thế nhưng trải qua năm tháng, con người đã tự tách mình ra khỏi sự hòa hợp này, cho mình quyền làm bá chủ và bắt đầu khai thác môi trường thiên nhiên đến kiệt quệ. Chính điều này mà con người đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của sự biến đổi khí hậu như hàng vạn người phải chết mỗi năm do thiên tai. Nhưng trước hết, phải kể đến lượng khí thải CO2 trên thế giới đang ở mức nghiêm trọng gây hiệu ứng nhà kính – biến đổi khí hậu. Nó đã trở nên cấp bách và nguy hại.
Theo quy luật tự nhiên, con người phải sống hoà hợp với vũ trụ và thiên nhiên, nếu không thì con người sẽ tự huỷ hoại chính mình. Con người không thể tồn tại nếu họ không tuân theo quy luật của thiên nhiên. Điển hình, như việc chặt phá rừng, hạn hán, mưa bão lũ lụt, ô nhiễm môi sinh, mất cân bằng sinh thái… Rất nhiều hiểm họa để lại khi chúng ta tách mình ra khỏi quy luật của tự nhiên, phá vỡ môi trường sinh thái. Hậu quả của biến đổi khí hậu phần nhiều đã do con người tạo nên và nó không loại trừ bất cứ ai hay quốc gia nào; đặc biệt là người nghèo và các nước chậm phát triển đang phải gánh chịu hậu quả này nhiều nhất.
Còn rất nhiều hình thức mà con người đang huỷ hoại môi trường như, lấp sông phá núi, khai thác mỏ quặng, khoáng sản thiên nhiên, rác thải khí thải v.v. Một khi con người đã làm cho “Mẹ Thiên Nhiên” giận dữ, thì đương nhiên hậu quả sẽ đến. Đúng như lời của Đức thánh Cha Phanxicô nói: “Con người có thể tha thứ nhưng trái đất không biết tha thứ. Nếu một khi con người tác động, can thiệp phá huỷ quy luật tự nhiên của thiên nhiên, thì con người phải gánh chịu hậu quả đó.”
Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta loại bỏ các hành động huỷ hoại bóc lột trái đất. Ngài nói: “Chúng ta đã thất bại trong việc bảo vệ trái đất, ngôi nhà-ngôi vườn của chúng ta, trong việc bảo vệ anh em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại người lân cận và cuối cùng, chống lại Đấng Tạo Hóa, người Cha tốt lành ban phát cho mọi người và muốn chúng ta sống với nhau trong sự hiệp thông và thịnh vượng. Nếu chúng ta huỷ hoại trái đất thì hậu quả sẽ rất tồi tệ, chúng ta sẽ không có tương lai. Chúng ta đã nhìn thấy những thảm kịch tự nhiên, những phản ứng của trái đất trước sự ngược đãi của chúng ta, chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu thương và không tôn trọng trái đất.”
Hiện nay trái đất đã bị tổn thương. Chúng ta có thể làm gì để chữa lành? Câu hỏi xem ra không chỉ dành cho các nhà khoa học, hay các nguyên thủ quốc gia; nhưng còn cho mỗi chúng ta. Chúng ta cũng phải tự cứu vãn lấy chính mình bằng cách tiết kiệm điện nước, giảm thiểu dùng túi nilon và chai nhựa, hoặc tái sử dụng chúng. Bên cạnh đó là phân loại rác thải, ủ phân hữu cơ, trồng cây xanh, dùng phương tiện công cộng hay đi xe đạp, dùng sản phẩm địa phương… Những việc tưởng nhỏ nhưng từng hành vi ý thức được cộng lại sẽ tạo nên một trào lưu làm thay đổi thói quen không tốt và góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch và môi trường trong lành.
Vẫn còn kịp nếu chúng ta cùng nhau cam kết, ngừng phá huỷ môi trường thiên nhiên, tôn trọng quyền sống của thiên nhiên. Hãy đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, thông qua thông điệp Laudato Si’ (2015), mỗi chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường sinh thái toàn diện và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại, là Mẹ Đất của chúng ta.
Truyền Thông Caritas Việt Nam
2020
Thánh lễ giỗ 30 năm Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Thánh lễ giỗ 30 năm Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Vào lúc 18h30 thứ Hai, ngày 18/5/2020, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên đã chủ sự Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, nguyên Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Hà Nội, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của ngài.
Đồng tế trong Thánh lễ có sự hiện diện của Đức Hồng Y (ĐHY) Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám mục Giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Lôrenxô Chu Văn Minh, Cha Tổng đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng, Cha Brunô Phạm Bá Quế – Giám đốc Đại Chủng viện, Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên – Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế, quý Cha giáo Đại Chủng viện, quý Cha trong hạt Chính tòa, cùng quý Tu sĩ nam nữ và đông đảo anh chị em giáo dân tới tham dự Thánh lễ.
Mở đầu Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nhắc lại những thành quả, những công lao, những cố gắng, những gian nan mà Đức Cố HY: “đã hiến thân vì yêu mến Giáo Hội và yêu mến Tổng Giáo phận của chúng ta. Hôm nay kỉ niệm 30 năm ngài về nhà Cha trên trời, chúng ta quy tụ nơi đây để một lần nữa khẳng định rằng, mặc dầu ĐHY khuất bóng nơi chúng ta, nhưng người không rơi vào quên lãng và chúng ta đặc biệt tri ân về ngài”.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã mời gọi cộng đoàn cũng như mỗi người chúng ta luôn tin tưởng và đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ngài luôn hiện diện trên con thuyền Giáo Hội, trước mọi biến cố của Giáo Hội và Thế giới. Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị cản trở không làm được gì, bởi vì ngài đã yêu thương từng người chúng ta.
Tiếp nối bài chia sẻ, Đức Cha Giuse đã lược lại lịch sử cuộc đời của ĐHY Giuse Maria, những công việc mà ngài đã làm cho Tổng Giáo phận Hà Nội cũng như cho Giáo Hội Việt Nam trong thời kì ngài còn mục vụ trong Tổng Giáo phận: Ngài rất yêu mến Lời Chúa, do đó ngài đã cố gắng dịch cách bình dân bộ Kinh Thánh Cựu – Tân Ước phổ biến rộng rãi để mọi người có thể đọc và tìm hiểu cũng như sống Lời Chúa. Ngài giúp cho nền Thánh Nhạc được cập nhật bằng chính những sáng tác của mình. Ngài luôn cố gắng để có thể mở Đại chủng viện Hà Nội, từ khởi đầu đầy khó khăn tới ngày nhìn thấy Đại Chủng viện Hà Nội đào tạo Linh mục cho nhiều Giáo phận miền Bắc. Sự can đảm trong bình an đã thể hiện nơi ngài, khi chính ngài đã xin Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phước tử đạo Việt Nam, ngày 19/6/1988. Để có được sự mạnh mẽ, can đảm, phó thác và có thể làm được những công việc lớn lao như vậy, ĐHY Giuse Maria đã đặt niềm Hy Vọng vào quyền năng của Chúa Giêsu Tử Nạn – Phục sinh.
Sau Thánh lễ, Đức TGM Giuse, ĐHY Phêrô, quý Đức Cha, quý Cha cùng toàn thể cộng đoàn hướng về mộ phần của ĐHY Giuse Maria để thắp nén hương cùng dâng lời kinh cầu nguyện cho ngài.
Ước gì, mỗi người chúng ta học được những nét đẹp nơi cuộc đời Đức Cố Hồng Y Giuse Maria, biết tỏa lan hương thơm thánh thiện như Chúa mời gọi và như Giáo Hội mong muốn.
Truyền thông Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội
2020
Đức TGM Giuse Nguyễn Năng huấn đức tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội
“Để tiến trình đào tạo linh mục được thành toàn, mỗi Chủng sinh phải biết mở rộng tấm lòng, biết tìm kiếm Thánh ý Chúa mỗi ngày, biết trở nên ngoan nguỳ, dễ bảo, dễ dạy dưới tác động của Chúa Thánh Thần có như thế việc đào tạo mới thu lượm được nhiều hoa trái”
Trên đây là những lời nhắn nhủ của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Giuse Nguyễn Năng, Giám quản Tông toà Giáo phận Phát Diệm dành cho anh em chủng sinh trong giờ huấn đức tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội vào thứ Sáu ngày 15/5/2020.
Trong bài huấn dụ, với lòng nhiệt thành của một vị mục tử luôn tâm huyết với công cuộc đào tạo linh mục, Đức TGM Giuse tha thiết mời gọi mỗi Chủng sinh hãy lưu tâm và tích cực cộng tác trong tiến trình đào tạo và tự đào tạo nơi chủng viện. Khởi đi từ Ratio đào tạo linh mục của Bộ Giáo Sĩ năm 2016, ngài nhắn nhủ mỗi anh em hãy ý thức rằng việc đào tạo linh mục nơi chủng viện không đề cập đến tiến trình học Triết học hay Thần học, nhưng Giáo Hội nhắm đến việc đào tạo mỗi chủng sinh trở nên người môn đệ – Khoa Triết học, và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô – Khoa Thần học.
Ngài cũng nhấn mạnh, linh mục không phải là một nghề, hay một viên chức, nhưng trên hết đó là một ơn gọi, một sứ mạng. Việc đào tạo linh mục không phải là đào tạo nghề, nhưng là đạo tạo một con người, một chứng nhân. Vì thế, công cuộc đào tạo linh mục không phải chỉ kéo dài 8 năm nơi Đại Chủng viện, nhưng đó là một tiến trình đào tạo trường kì, liên lỉ để mỗi ngày, mỗi Chủng sinh linh mục trở nên giống Chúa hơn. Trong thời đại mới này, người linh mục không chỉ bận tâm đến những hoạt động “mục vụ bảo tồn”, nhưng trên hết mỗi người phải trở nên những linh mục “đi ra”, trở nên những linh mục Tân Phúc Âm hoá.
Để tiến trình đào tạo thu lượm được những kết quả tốt đẹp, Đức Tổng Giuse mời gọi mỗi anh em hãy biết mở lòng ra, biết trở nên ngoan nguỳ, dễ dạy, dễ bảo dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài cũng nhắn nhủ anh em hãy tập biết phân định thần khí, biết tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày, có như thế sứ vụ linh mục của mỗi người trong tương lai mới thực sự trọn vẹn và có ý nghĩa.
Trong bài giảng Thánh Lễ sáng ngày 16/5/2020, được gợi hứng từ bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng theo Thánh Gioan, Đức Tổng Giuse nhấn mạnh Giáo Hội luôn sống và hoạt động trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Qua đó, ngài mời gọi mỗi chủng sinh cũng luôn biết tìm kiếm thánh ý Chúa, sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần có như thế tiến trình đào tạo hiện tại và sứ vụ linh mục của mỗi người trong tương lai mới thực sự sinh hoa trái.
Ước mong sao mỗi anh em chủng sinh luôn ý thức rằng tác nhân chính trong công cuộc đào tạo là Chúa Thánh Thần, và mỗi người luôn được mời gọi để mở lòng ra, để lắng nghe và tìm kiếm Thánh ý Chúa mỗi ngày, để trở nên ngoan nguỳ, dễ dạy, dễ bảo, nhờ đó mỗi người sẽ trở nên những vị mục tử của thời đại mới, những mục tử như lòng Chúa mong ước. BTT ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
2020
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 – Những bài học từ đại dịch Covid-19
Theo lời mời gọi của Công đồng Vatican II (Inter Mirifica số 18), các Giáo phận của chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội vào Chúa nhật Chúa Thăng Thiên 24-5-2020.
Trước đó, vào lễ Thánh Phanxicô Salêsiô 25-1-2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đi toàn văn Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 để các tín hữu suy nghĩ, học hỏi và thực hiện. Sứ điệp mang tựa đề: “Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện.
Và trong dịp này, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng gửi đến những người làm truyền thông một bài nhắn nhủ mang tựa đề: NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG 2020 – Những bài học từ đại dịch COVID-19.
Ngày thế giới truyền thông năm 2020 được cử hành trong khung cảnh đặc biệt là đại dịch Covid-19 và sự tàn phá khủng khiếp của nó trên toàn thế giới, không chỉ về số người tử vong nhưng còn là những hậu quả lâu dài về mọi mặt: kinh tế, xã hội, tâm lý, tôn giáo.
- Trong khung cảnh đó, khi suy nghĩ về truyền thông, tôi tự hỏi có thứ virus nào đang tàn phá truyền thông như Covid-19 tàn phá sự sống con người không.
Nếu hiểu mục đích của truyền thông là để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết với nhau hơn, cùng nhau làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, thì phải nói gian dối và bạo lựclà loại virus đang tàn phá truyền thông nguy hiểm nhất. Fake news là một minh họa cụ thể: tràn ngập trên mạng xã hội không chỉ ở Việt Nam nhưng là khắp thế giới; kèm theo là những ngôn từ đầy bạo lực. Nếu nhìn rộng ra thế giới, vấn đề không chỉ là fake news theo nghĩa một vài cá nhân tung tin thất thiệt nhưng còn là sự gian dối có tính hệ thống và đầy quyền lực do những thế lực đen tối điều hành từ phía sau để lèo lái dư luận theo tính toán của họ.
Đối diện với sự gian dối và bạo lực có tính hệ thống và đầy quyền lực đó, truyền thông Công giáo xem ra giống như Đavít đứng trước tên khổng lồ Goliat ngạo mạn nói với Đavít, “Tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú” (1Sam 17,44); và như Chúa Giêsu đứng trước Philatô, người dám nói với Chúa: “Ông không biết tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (Ga 19,10). Nhưng Đavít đã không gục ngã và Chúa Giêsu cũng không bị khuất phục! Đơn giản là vì như Đavít nói, “Tôi bước vào cuộc chiến này nhân danh Chúa các đạo binh” (1Sam 17,45), và Chúa Giêsu khẳng định, “Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Thế nên cho dù thiếu thốn về tài lực và vật lực, người làm truyền thông Công giáo vẫn vững tâm vì xác tín vào chính nghĩa của Chúa và chân lý Tin Mừng.
- Trong bối cảnh virus gian dối và bạo lực tàn phá truyền thông chân chính như thế, chúng ta có thể làm gì để ngăn cản và chống trả?
Để phòng chống đại dịch Covid-19, biện pháp đầu tiên được tất cả các quốc gia áp dụng là giãn cách xã hội. Giãn cách xã hộiđược dịch từ social distancing, nghĩa là tạo khoảng cách. Vậy trong hoạt động truyền thông, có nên tạo khoảng cách không? Thiết nghĩ là rất nên vì nhiều lý do.
Internet và mạng xã hội ngày nay tràn ngập thông tin và hình ảnh. Vì quá nhiều thông tin và hình ảnh nên người ta chỉ “lướt web” như lướt sóng (surfing), cũng có nghĩa là hời hợt, chỉ tiếp cận bề mặt (superficial), thiếu chiều sâu. Đồng thời, khi để mình bị lôi ra bên ngoài quá nhiều và quá thường xuyên, “nội giới” có nguy cơ bị xói mòn, đang khi chính nội giới đó mới là nguồn của phán đoán đúng đắn, suy tư độc lập, và tính sáng tạo. Thế nên cần tạo khoảng cách.
Thế rồi, trong biển cả thông tin và hình ảnh đó, thật giả chen lẫn khó lường, bên cạnh những thông tin hữu ích làm gia tăng kiến thức và phong phú tâm hồn, cũng không ít tin giả, tin vịt, thuyết âm mưu… Để nhìn một sự vật, cần có khoảng cách giữa mắt và sự vật; cũng thế, người làm công tác truyền thông cần phải biết tạo khoảng cách với các nguồn thông tin, để có thể tiếp nhận cách chủ động, tích cực, và hữu ích.
- Để phòng chống coronavirus, cùng với yêu cầu giãn cách xã hội, các chuyên viên còn khuyến khích mọi ngườităng cường sức đề kháng. Đây cũng là lời khuyên hữu ích cho công tác truyền thông. Trong thời đại mà gian dối và bạo lực đang tàn phá truyền thông chân chính, người làm truyền thông không những cần tạo khoảng cách (distancing) mà còn cần tăng cường sức đề kháng.
Trên bình diện cá nhân, để chống lại virus gian dối và bạo lực, cách tốt nhất là tăng cường kháng thể chân lý và tình yêu. Nếu cho rằng người này nhóm nọ loan tin sai sự thật, nhưng chính chúng ta cũng vội vã đưa tin chưa kiểm chứng thì có hơn gì? Nếu bị người khác chỉ trích bằng những lời lẽ bạo lực, mà chính chúng ta cũng dùng thứ ngôn ngữ đó để đáp trả thì có khác chi? Thay vào đó, người Công giáo cần phải bước vào thế giới mạng với tâm thế của Kinh Hòa Bình : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Trên bình diện cộng đồng, người làm truyền thông Công giáo cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Trong đại dịch Covid-19, giữa những đau khổ và sợ hãi, bệnh tật và chết chóc, vẫn xuất hiện nhiều hình ảnh rất đẹp về tình liên đới nhân loại. Một trong những hình ảnh đẹp đó là buổi hòa nhạc One World: together at home quy tụ hơn 100 ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu thế giới, thu hút 18 triệu khán giả xem trực tuyến, quyên góp ngay trong ngày 19/4/2020 được 180 triệu USD, để giúp vào việc phòng chống Covid-19 trên toàn thế giới.
Buổi hòa nhạc đó chỉ có thể thực hiện được nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại: các ca sĩ đều ở nhà mình, và nhờ phương tiện truyền thông, họ kết nối với nhau và thực hiện chương trình vĩ đại. Thế nhưng phương tiện truyền thông hiện đại cũng chỉ là “phương tiện kỹ thuật, vật chất’’. Điều làm cho những phương tiện đó trở thành hữu dụng là tầm nhìn (vision) được diễn tả qua bài hát kết thúc The Prayer của David Foster, với tiếng hát của Andrea Bocelli, Celine Dion, Lady Gaga, và tiếng đàn của Lang Lang: “một thế giới không còn bạo lực, một thế giới công bằng và hi vọng, nơi đó mỗi người là bàn tay của người hàng xóm, biểu tượng của huynh đệ và hòa bình”. Chính tầm nhìn, lý tưởng đó đã lôi kéo, liên kết các nghệ sĩ lại với nhau để làm nên chương trình hòa nhạc trên.
Bài học lớn nhất ở đây là sự hợp tác. Người làm truyền thông Công giáo ý thức rõ sứ mạng của mình là vận dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng Nước Trời đến mọi người. Sứ mạng đó hết sức cao cả và cũng đầy thách thức, chúng ta chỉ có thể thành công nếu biết hợp tác với nhau : hợp tác giữa các Giáo phận, hợp tác giữa Giáo phận và các dòng tu, hợp tác giữa các giáo xứ.
Hợp tác được thể hiện qua sự đồng lòng đồng hướng. Việt Nam thành công trong việc phòng chống Covid-19 chủ yếu là nhờ sự đồng lòng của mọi thành phần trong xã hội. Công tác truyền thông Công giáo sẽ thành công nếu mọi người làm truyền thông đồng lòng với nhau trong sứ mạng chung, thay vì mỗi người chỉ làm theo sở thích riêng của mình.
Hợp tác cũng được thể hiện qua việc chia sẻ: chia sẻ ý tưởng, chia sẻ sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó những ý tưởng hay được phát huy, những sáng kiến đẹp được nhân rộng, những kinh nghiệm tốt được học hỏi và đem lại hiệu quả lớn cho sứ mệnh chung của Hội Thánh.
Ủy ban Truyền thông trực thuộc Hội đồng giám mục được thiết lập là để thúc đẩy, cổ võ, và phát huy sự hợp tác này. Cầu chúc Ủy ban cũng như tất cả anh chị em đang làm việc trong lãnh vực truyền thông đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong sứ mạng đã được trao phó.
Cuối cùng, thiết nghĩ nên ghi lòng tạc dạ lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô : “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những kẻ thống trị thế giới tối tăm, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Eph 6,10-13).
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm