2023
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2023
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2023
Các con thân mến,
Bốn mươi ngày của Mùa Chay ân sủng sắp kết thúc. Theo cách hướng dẫn đậm nét mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, giờ đây chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của một cuộc khổ chế, một cuộc leo núi lành mạnh hướng tới lễ Phục Sinh của Đấng cứu chuộc chúng ta. Người nhấn mạnh về điều này trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay rằng: “Khổ chế Mùa Chay là một quyết tâm được trợ giúp nhờ ân sủng, để vượt thắng khiếm khuyết đức tin và thái độ phản kháng của chúng ta khi đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá”. Thật vậy, từ những ký ức tuổi thơ Kitô giáo của mình, cha có thể nói với các con rằng: trong đời sống đức tin của chúng ta, Mùa Chay là một khoảng thời gian rất đặc biệt. Phụng vụ của Giáo hội trong khoảng thời gian này như một tiếng chuông trầm lắng, nhưng vang lên thật mạnh mẽ để kêu gọi chúng ta một sự chay tịnh từ đáy lòng mình, như một phương cách đẹp nhất, hiệu quả nhất, để bước vào Mầu Nhiệm Phục Sinh. Bởi đó mà trong ngày đầu tiên của Mùa Chay, chúng ta sẽ luôn được nghe lời nhắc nhở thật mạnh mẽ của tiên tri Gioen rằng: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (x. Ge 2, 13). Sau tiếng chuông loan báo và hướng dẫn sự chay tịnh này, chúng ta sẽ mừng sự phục sinh của Chúa. Mầu nhiệm này là điều cốt lõi và cũng là nền tảng của đức tin Kitô giáo chúng ta. Chính vì thế, cùng với lời chào quý mến gửi đến các con, cha cũng muốn chia sẽ thêm một vài suy nghĩ về mầu nhiệm lớn lao này: MẦU NHIỆM CHÚA PHỤC SINH.
- Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.
Chúa Giêsu đã chết không phải vì tội của Người, nhưng là vì chúng ta. Chân lý này được minh chứng rõ nét trong cuộc thương khó của Người. Tổng trấn Philatô sau nhiều lần xét hỏi đã đưa ra phán quyết: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23, 4b). Và hơn thế nữa, trước mặt toàn dân, ông còn nhận ra nơi Chúa Giêsu một điều gì đó rất đặc biệt, khiến ông phải đắn đo sợ hãi: “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi” (Mt 27, 24b). Điều này càng làm cho ta nhớ lại hình ảnh của Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50, 6). Cái chết lạ lùng ấy như báo trước một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại: Chúa Phục Sinh. Sự kiện này, theo suy tư của Thánh Gioan tông đồ, nó đã được Kinh Thánh báo trước (x. Ga 20, 9). Thật vậy, ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những bằng chứng về việc Chúa sống lại nơi các tường thuật Phúc âm: những người lính canh mồ khiếp sợ, run rẩy bởi sự vinh hiển của Chúa Kitô phục sinh (x. Mt 28, 4), họ nhận tiền của các thượng tế để nói sai sự thật, nói ngược lại với những gì mình đã thấy về Đấng phục sinh (x. Mt 28, 12 – 15), và còn nhiều tín hiệu khác nữa.
Tuy nhiên, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn luôn là những chứng nhân hùng hồn và sống động nhất về sự kiện này. Từ những biến đổi lạ thường trong cảm xúc cho đến những bài giảng ngắn gọn nhưng đầy xác tín: Chúa chúng ta đã sống lại ; từ những bước chân không sợ hãi của niềm vui cho đến những lời chứng mạnh mẽ: chúng tôi chỉ nói những điều chúng tôi đã nhìn thấy, tất cả đều phải phát xuất từ một điều gì đó thật chắc chắn, từ một niềm vui thật to lớn, đó chính là Chúa đã phục sinh, và đây cũng chính là trọng tâm lời rao giảng của các Thánh Tông đồ. Các ngài đã lặp đi lặp lại không mỏi mệt rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15).
- Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.
Cha đang muốn chia sẻ với các con một chút cảm nghiệm của mình, khi đọc một số tài liệu về ngôi mộ của Chúa, để cho thấy sự kiện Chúa Phục Sinh cũng để lại một niềm vinh dự lớn cho đức tin Kitô giáo. Thật vậy, từ một góc nhìn khác, ngôi mộ của Chúa chúng ta, ngôi mộ của một người bị kết án vì đã dạy và đã sống cho tình yêu, ngôi mộ của Đấng phục sinh, ngày nay đã trở thành một di sản văn hóa và tâm linh cho toàn thế giới. Ngôi mộ ấy luôn là điểm đến của các cuộc hành hương thánh địa. Sự nhộn nhịp và đa dạng của khách hành hương, sự bảo vệ và quyền sở hữu phong phú của các quốc gia và tôn giáo, cho phép chúng ta gọi Nhà thờ Mộ Thánh này là “tài sản chung” của thế giới. Đành rằng, lịch sử vẫn còn nhắc lại những cuộc thánh chiến đau buồn vì địa điểm này, nhưng trên hết, luôn là một sự kính trọng và ước muốn sở hữu một báu vật linh thiêng và vĩ đại như thế.
Bằng suy nghĩ cá nhân, khi chia sẻ với các con điều này, cha luôn nghĩ đến câu nói thời danh như một lời tiên tri của Thánh Phêrô: “Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã trở thành viên đá góc tường” (x. Cv 4, 11).
- Chúa Kitô phục sinh đối với hoạt động của tình yêu.
Cho dù các con lắng nghe tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa nơi bất kỳ một thánh sử nào, cha tin rằng: lòng trí các con cũng sẽ đọng lại một sự ngưỡng mộ nhất định nào đó dành cho Đức Giêsu, vì cuộc khổ nạn ấy hoàn toàn là vì tình yêu và cho tình yêu. Bởi đó mà Người đã nói với chúng ta rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13). Thế nhưng, tình thương ấy không phải để dành tôn thờ hay ngưỡng mộ, nhưng là để sống và thực hành, nên Người luôn tha thiết mời gọi chúng ta đón nhận nó như một giới răn mới, một giới răn duy nhất: các con hãy thương mến nhau như Thầy đã thương mến các con (x. Ga 15, 12). Điều này một lần nữa làm cho chúng ta phải chú ý, khi nó trở thành trọng tâm của cuộc đối thoại giữa Đấng phục sinh và Thánh Phêrô ở bờ hồ Tibêria: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (x. Ga 21, 15-17). Chính tình yêu và sức mạnh của Đấng phục sinh đã thúc đẩy các môn đệ Người sống trọn vẹn giới răn ấy qua việc làm chứng về Chúa phục sinh và cuộc tử đạo của các ngài, như những tấm gương sáng ngời cho chúng ta.
Là những người đã và đang tin vào Chúa phục sinh, chúng ta cũng được mời gọi sống và thực hành giới răn mới ấy trong đời sống hàng ngày của mình. Đó cũng chính là điều cốt lõi trong linh đạo Kitô giáo của chúng ta. Trong chiều kích của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, ta được mời gọi sống yêu thương khi nhìn lên Thánh giá Chúa. Thánh giá đó chính là lời nói đầy đủ và hành động cao đẹp nhất của yêu thương. Hãy yêu người, các con sẽ gặp được Chúa; Hãy kính Chúa, các con sẽ sống an vui với người.
Các con thân mến,
Chúng ta không thể nào đo lường và thấu đáo sự phong phú của Mầu nhiệm Phục sinh, nếu chúng ta không hạ mình lắng nghe và suy gẫm. Trong sứ điệp Phục Sinh năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Chúa Giêsu sống lại vẫn mang những dấu thương tích nơi đôi tay, đôi chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn đời đời về tình thương của Ngài đối với chúng ta”. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời này như một nguyên nhân và động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc sống đức ái trong đời sống của mình, vì đó cũng là phương cách thật đẹp để chúng ta mừng Chúa sống lại. Giờ đây, trong bầu khí thánh thiêng của Phụng vụ Tuần Thánh, cha nói với từng người trong các con rằng: Chúc Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia.
Vĩnh Long, ngày 02 tháng 4 năm 2023.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2023
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN QUÝ MÃO
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN QUÝ MÃO
Các con thân mến,
Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của năm mới tính theo âm lịch. Tất cả đều quy hướng về một năm mới trong hy vọng được an lành hạnh phúc. Giờ đây, chỉ còn ít ngày nữa thôi, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta sẽ tạm gác lại tất cả để cùng nhau bước qua năm mới Quý Mão 2023. Và nhất là, tất cả các con và mọi người chúng ta cũng phải hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành trong năm qua, vì đó là tâm tình đẹp nhất mà Thiên Chúa mong muốn nơi con người: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Th 5, 18). Lời tạ ơn ấy còn được Thánh Tôma Aquinô, vị tiến sĩ thiên thần, quảng diễn cách phong phú trong một chương sách dạy về các nhân đức của con người: “Sau Thiên Chúa, con người phải mắc nợ nhất là đối với cha mẹ mình và quê hương mình. Và do đó, cũng như thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa quy về nhân đức đạo đức; cũng vậy, ở bực thấp hơn việc tôn kính cha mẹ và quê hương thuộc về nhân đức hiếu thảo” (Thánh Thomas Aquinas, Tổng luận Thần học, IIa, IIae, qu. 101a. Bản dịch Việt ngữ. Linh Mục Giuse Trần Ngọc Châu, Gp. Qui Nhơn, 2017). Bởi đó, khi cùng với các con chuẩn bị chào đón tết dân tộc, vốn là những ngày đặc biệt tôn vinh chữ “Hiếu” trong gia đình, dựa theo những suy tư của Thánh Tôma Aquinô, cha muốn chia sẻ với các con đôi điều về những khía cạnh của lòng hiếu thảo.
- Hiếu thảo đối với Thiên Chúa
Thánh Tôma Aquinô muốn nói với tất cả chúng ta rằng: Lòng hiếu thảo, vốn là một hành vi nhân linh của con người, nó phải được thể hiện một cách đầy đủ các phương diện: với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, với cha mẹ là Đấng sinh thành, với quê hương quốc tổ là Người mẹ thiêng liêng. Có thể cụm từ “Hiếu thảo đối với Thiên Chúa” có thể làm cho các con thấy xa lạ ngỡ ngàng, nhưng xét trong tương quan mà Chúa Giêsu đã dạy qua kinh Lạy Cha, thì nó thật gần gũi và chính đáng, vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng muôn loài muôn vật, nhưng cũng chính là Cha của chúng ta. Do đó, chính đức hạnh của niềm tin tôn giáo khiến chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa một sự tôn thờ, vốn là một biểu lộ cao nhất của lòng hiếu thảo, mà chúng ta mắc nợ Ngài với tư cách là tạo vật một cách công bằng. Một số hành vi cho phép chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo cao nhất đối với Thiên Chúa là:
– Thờ phượng. Đây là tâm tình đầu tiên trong đời sống của người Kitô hữu. Nó hệ tại ở việc nhìn nhận Thiên Chúa là “Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2096). Đó cũng là một thái độ hoàn toàn khiêm tốn và yêu thương, cho phép chúng ta nhận ra sự tầm thường và nhỏ bé của thụ tạo trước sự bao la và quyền năng của Thiên Chúa. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4, 8).
– Cầu nguyện. Đây là một hành động thể hiện lòng khiêm tốn mà các Kitô hữu phải luôn có trong đời sống đức tin của mình. Nó cho phép ta sống tâm tình tin tưởng và phó thác, hoàn toàn đặt mình trong tay Đấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu trong Phúc âm luôn là một gương mẫu cho tất cả chúng ta về đời sống cầu nguyện.
– Hy lễ. Hy lễ hoàn hảo duy nhất, đó là cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá. Trong Thánh lễ hàng ngày, hy tế ấy được hiện tại hóa và thông ban hiệu quả cho chúng ta (x. GLHTCG số 1364). Tin tưởng, siêng năng và sốt sắng tham dự hy lễ này, chúng ta vừa thực hiện hành vi thờ phượng cao đẹp nhất, nhưng cũng vừa được hiệp thông trong ân sủng của Chúa.
- Hiếu thảo đối với cha mẹ
Gia đình là niềm hy vọng của nhân loại. Ở đâu mà những người nam và người nữ của ngày mai được hình thành, nếu không phải là trong gia đình? Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu ở các số 274 và 276 xác định: gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản, là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội, là nơi đầu tiên con người học biết đặt mình đối diện với người khác để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống, và để vui hưởng hạnh phúc. Thế nhưng cũng có những người đã coi gia đình là chướng ngại vật cần bị lật đổ, nên cha nghĩ rằng: trả lại cho gia đình vị trí và ý nghĩa thực sự của nó, dường như sẽ là thách thức lớn cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba này. Thánh Kinh luôn chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm hạnh phúc và gìn giữ chức năng của gia đình khi viết rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5, 16). Các con hãy luôn nhớ rằng: gia đình là môi trường an toàn và yêu thương nhất để ta được lớn lên và trưởng thành về mọi phương diện, nên các con hãy kính trọng, biết ơn và tận tụy với gia đình, đó là nền tảng vững chắc để xây dựng lòng hiếu thảo của mình. Nhân đức này chứng tỏ các con là những người biết ơn, những người luôn ý thức sâu sắc rằng: chúng ta luôn mắc nợ cha mẹ mình trong mọi sự. Món nợ này luôn mang lại ơn ích cho chúng ta, nên Thiên Chúa nhân lành đã đưa lên hàng đầu trong những bổn phận phải làm và không được phép làm đối với tha nhân, đó là giới răn thứ tư: “Hãy hãy thờ cha kính mẹ” (x. Xh 20, 12).
- Hiếu thảo đối với Tổ quốc
Trên phương diện từ nguyên, tổ quốc là đất của những người cha, những tổ tiên của chúng ta gầy dựng. Tổ quốc, một khái niệm cũng có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, nơi sinh thành tổ tiên dân tộc, sinh thành ông bà, cha mẹ của mỗi con người. Nhìn từ góc độ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, hưởng dùng những di sản do tổ tiên để lại, đã khiến chúng ta trở thành những người mang nợ với quê hương đất tổ. Món nợ này thôi thúc chúng ta như một trách nhiệm, rao truyền và làm phong phú hơn những di sản quý báu ấy trong hiện tại và nơi các thế hệ tương lai. Từ trách nhiệm này, Giáo hội đã gợi lên cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể: Lòng yêu mến và sự phục vụ Tổ quốc phát xuất từ bổn phận của sự biết ơn và theo trật tự của đức mến” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2239). Phúc âm cũng thuật lại việc Chúa Giêsu buồn sầu than khóc thành Giêrusalem, quê hương trần gian của Người, mà Người đã biết trước là sẽ bị hủy hoại vì sự bất trung của thành đó đối với Thiên Chúa của mình (x. Lc 19, 41 – 44). Như cha vừa nói ở trên, chúng ta là những người mang lấy trách nhiệm bảo tồn và làm phong phú những di sản do tổ tiên để lại. Ý thức và thực thi trách nhiệm này, đó là lúc chúng ta đã thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ quốc.
Các con thân mến,
Là một tạo vật và cũng là nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4, 5), là thành viên của một gia đình, là người con của quê hương, chúng ta không thể chối bỏ bất kỳ điều nào trong ba phương diện của đạo hiếu mà cha vừa nhắc đến. Chúng ta được an bình trong đất tổ, trưởng thành trong gia đình, lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa, đó là một hồng phúc mà Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta. Thiên Chúa không ở một nơi nào đó xa cách chúng ta, nhưng ở gần và luôn quan tâm đến cuộc sống của chúng ta. Năm cũ đang dần khép lại để nhường chỗ cho một năm mới mang nhiều hy vọng. Cha cầu chúc cho tất cả các con an lành mạnh khỏe, năm mới đạt được nhiều kết quả mới trong học tập. Với tất cả trái tim và sự gần gũi trong đức tin, chúng ta chúc cùng mừng nhau một Năm Mới Quý Mão 2023 vui tươi, hạnh phúc và thánh thiện.
Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2022.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2022
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2022
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2022
Các con thân mến,
Chúng ta đang đi trên những chặng đường cuối của hành trình Mùa Vọng, một khoảng thời gian được nhấn mạnh bằng hai ý nghĩa chính yếu: chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là một lễ hội của đức tin, với những trang hoàng rực rỡ và công phu, nhưng trên hết, vì đó là một biến cố rất quan trọng cho và trong niềm tin của mình, qua lời suy tư của Thánh Phaolô tông đồ: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4, 4-5). Chúa đến mở ra một trang sử mới của đức tin, ban cho chúng ta một ơn trọng đại, đó là được làm con Chúa. Giờ đây, trong không khí rộn ràng của những ngày cận kề mừng Chúa Giáng Sinh, cùng với lời chào của mình, cha muốn chia sẻ với các con một vài điều về Mầu Nhiệm rất đặc biệt này.
- Giáng sinh trong sự nghèo khó.
Sau thời gian lắng xuống của dịch bệnh, Lễ Giáng Sinh năm nay, tại nhiều nơi như cha đang nhìn thấy qua truyền thông xã hội, có thể được trang hoàng quy mô và sinh động hơn, nhưng chắc chắn rằng, những trang trí phong phú đầy sáng kiến ấy sẽ không làm mất đi nét đặc trưng của mầu nhiệm Giáng Sinh, được các Thiên Thần báo tin cho các mục đồng, đó là sự nghèo nàn của Con Thiên Chúa làm người: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Con Thiên Chúa đã chọn một Bêlem bé nhỏ, chọn một gia đình nghèo nàn, chọn một đêm khuya lạnh lẽo, chọn một cánh đồng hoang vắng, chọn một hang đá đơn sơ, chọn một thời điểm khó khăn để được sinh ra. Và như thế, chắc chắn rằng, việc Thiên Chúa giáng sinh làm người sẽ mãi là một điều kỳ diệu cho tất cả nhân loại. Tại sao lại có những nghịch lý đến ngỡ ngàng như vậy trong mầu nhiệm này? Tại sao Đấng mà Thánh Gioan mô tả là đã có từ lúc khởi đầu, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x. Ga 1, 1-3), lại xuất hiện trong một khung cảnh im lìm và đơn giản như thế? Dường như không có bất kỳ một câu trả lời nào cho thỏa đáng, nếu chúng ta bỏ qua lời của Thánh Phaolô tông đồ khi nói về Thiên Chúa của mình: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9). Thật vậy, với sự kiện Adam và Eva trong vườn Địa Đàng, con người đã đánh mất tất cả những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban tặng lúc ban đầu, nghèo nàn và xa cách trong ân sủng với Thiên Chúa của mình. Dầu vậy, Thiên Chúa nhân từ vẫn luôn trung thành với ý định ban đầu, là dựng nên con người để chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Người, nên giờ đây, khi thời gian đã đến, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hạ mình xuống để trở thành con người và thậm chí cho phép con người sinh ra mình, để sống, chịu đau khổ và chết cho con người, trả lại sự giàu có thiêng liêng cao quý mà Thánh Gioan không ngần ngại gọi chúng ta là những kẻ thừa tự gia nghiệp đời đời (x. Ga 4, 7).
- Giáng sinh kêu gọi sống Đức Ái
Trong bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy vượt qua những ánh đèn, đừng chú ý đến những món đồ trang trí, nhưng hãy tập trung vào điều chính yếu của mầu nhiệm Giáng Sinh: đó là một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh khó nghèo cùng cực nơi máng cỏ. Từ tâm điểm này, người kêu gọi: hãy yêu mến Chúa Giêsu nơi những người rốt hết, hãy phục vụ Người nơi những người nghèo khó. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo vì và cho chúng ta. Bởi đó, khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng năm nay, cha muốn cùng với chúng con nhìn lại sự kiện liên quan để học lấy bài học của Đức Ái cho cuộc đời của mình.
– “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (x. Lc 2, 11). Đó là lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chúa giáng sinh không phải để cho Chúa, nhưng là để cho chúng ta và vì chúng ta. Chúng ta học lấy bài học của Đức Ái nơi hài nhi bé nhỏ này, để từ nay không sống cho riêng mình nữa, đừng lấy mình làm trung tâm, nhưng là sống cho gia đình, cho Giáo hội và cho bạn bè mình.
– “Nào chúng ta sang Bê-lem…” (x. Lc 2, 15). Những bước chân này đã bỏ lại sau lưng những gì là đối lập, là bất đồng, để nhường chỗ cho niềm vui và hiệp nhất. Chúng ta cùng học lấy bài học của Đức Ái nơi những bước chân của các mục đồng, tạo mọi điều kiện cho tình hiệp nhất được triển nở. Hiệp nhất được lớn lên, chia rẽ nhất định sẽ nhỏ lại, hiệp nhất được kiến tạo, yêu thương chắc chắn sẽ lan tỏa. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: đó cũng chính là dấu hiệu để mọi người nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Ga 13, 34-35).
- Chúa Giêsu tấm gương Đức Ái.
Mầu nhiệm Giáng Sinh đã khởi đầu cho một hành trình sống Đức Ái tuyệt hảo của Chúa Giêsu. Thật vậy, trong sứ vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu luôn luôn làm điều thiện: giảng dạy phúc âm, chữa lành bệnh tật, bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người nghèo khó, người đau khổ và những người khốn quẫn tuyệt vọng. Sách Tông đồ Công vụ nói thêm rằng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10, 38b). Sau cùng, một biểu hiện cao nhất của Đức Ái, đó là cái chết chuộc tội vô giá của Người trên thập giá. Cái chết ấy đã chứng minh rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đến trần thế vì yêu thương, vác lấy thập giá bởi yêu thương, Đấng Cứu Thế muốn mọi người chia sẻ tình yêu thương này với những người khác, khi tuyên bố với các môn đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Là môn đệ của Chúa, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, trong các mối tương quan hàng ngày, các con hãy sống yêu thương như chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy. Theo gương Người, mỗi người các con hãy là một người Samaritanô nhân hậu cho bạn bè, cho bất kỳ một ai mà các con gặp gỡ trong cuộc sống của mình. Điều đó không những giúp các con tìm được hạnh phúc ở đời này, mà còn là một bảo đảm cho phần rỗi đời của chúng ta ở đời sau vĩnh cửu.
Các con thân mến,
Đức Ái không bao giờ lỗi thời trong cuộc đời này, lại càng không thể thiếu vắng trong đời sống đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô luôn nhắc nhở rằng: “Nếu tôi có làm được tất cả mọi sự, nói được mọi ngôn ngữ, biết hết mọi điều bí ẩn, bố thí cả gia tài, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng có gì…” (x. 1 Cr 13, 1-3). Ước mong rằng: trong những ngày đại lễ sắp tới, mỗi khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng, chúng ta được khơi lại và thúc đẩy việc sống đức ái nơi cuộc sống hàng ngày của mình. Các con đừng sợ bất kỳ một điều gì khi thực thi đức ái với mọi người, vì không có một việc tốt nào phát xuất từ lòng yêu mến, lại mang theo hay để lại một hệ quả xấu cho chúng ta cả. Ước mong đó, cha coi như một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch gửi đến các con, cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên Công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu ban tràn đầy đức ái trên các con. Xin Người ban cho các con và toàn thể gia quyến của các con mọi điều an lành và hạnh phúc.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2022
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2022
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16 đang diễn ra với chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Nét đặc trưng mà sự kiện trọng đại này muốn nhắm tới, đó là tính “Hiệp Hành” trong Giáo Hội, được mô tả qua ý nghĩa thật vắn tắt của từ ngữ: cùng nhau bước đi.
Khi liên kết một chút kinh nghiệm mục vụ về giáo dục với tập sách “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Hiệp hành”, tôi cảm nhận được rằng Giáo dục Kitô giáo, một tinh thần giáo dục mà chúng ta đang theo đuổi, “nhằm giúp con người biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý…, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2), cũng luôn phải là một nền giáo dục mang đậm tính hiệp hành.
Thật vậy, nếu gọi việc giáo dục là một tiến trình làm phong phú con người, thì trên con đường ấy, cho dù mỗi người một vai trò, cả thầy lẫn trò phải cùng nhau bước đi như những người bạn đồng hành. Thiếu vắng sự đồng hành ấy, công trình giáo dục sẽ không đưa đến một kết quả như chính tên gọi của nó.
Nhân dịp ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, cùng với lời chào chúc thân tình đến quý ân sư và quý thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một vài suy nghĩ của mình.
- Mục tiêu của giáo dục Kitô giáo
Sống trong cuộc đời này, ai cũng có những mơ ước. Có thể khẳng định rằng: Giáo dục chính là chiếc chìa khóa mở cửa cho tất cả những ước mơ ấy. Thật vậy, không ai phủ nhận được vai trò và hiệu quả của giáo dục trong đời sống con người, bởi lẽ nhờ giáo dục, cuộc sống con người sẽ được trưởng thành và thăng tiến về mọi mặt.
Theo đó, việc giáo dục của Giáo Hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người… mà còn đặc biệt hướng đến việc đảm bảo rằng những người đã chịu phép rửa trở nên biết trân quí hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 2).
Tiến trình này cũng đã được Thánh Phaolô định hướng trong lời nhắn nhủ với người anh em đồng môn Timôthêô rằng “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su” (2 Tm 3, 14-15). Lời nhắn nhủ ấy hàm chứa mục tiêu lớn nhất và sau cùng của giáo dục Kitô giáo, đó là để chúng ta được ơn cứu độ.
Hướng về mục tiêu này, chúng ta không thể nào xem nhẹ vai trò của một giáo chức Kitô giáo, vốn được Thánh Phaolô suy tư và nhìn nhận như một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, bởi chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, Dân Thánh Chúa được kiện toàn, cho đến khi tất cả đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 4, 11-13). Vậy, làm thế nào để chúng ta thi hành sứ mệnh này đúng với tinh thần mà Thánh Phaolô đã nói ở trên?
- Những thực hành cụ thể
Sẽ luôn là hữu ích khi lặp lại vai trò của giáo chức Công giáo trong công việc hàng ngày của mình. Đó là, chúng ta không được phép dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và trên hết là với Thiên Chúa.
Trong viễn cảnh đó, cũng sẽ không là phóng đại hay đề cao chủ nghĩa duy tâm khi nói rằng: quý thầy cô nên đặt Thiên Chúa lên trên hết trong việc giáo dục, bởi lẽ Người là Chân – Thiện – Mỹ. Những khái niệm này càng được gieo trồng, đón nhận và triển nở, thì đời sống con người càng trở nên phong phú và hạnh phúc. Tổ phụ Môisen coi đó là nguyên do để người ta gọi anh em là một dân tộc khôn ngoan và thông minh (x. Đnl, 4,8 ).
Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm đức tin phong phú, nhằm trợ lực cho sứ mạng của mình, chúng ta không nên bằng lòng với việc giáo dục đức tin ở giai đoạn sơ cấp nơi các lớp giáo lý mà chúng ta đã từng học, nhưng phải quan tâm hơn đến việc học hỏi thêm về kiến thức giáo lý, nâng cao những xác tín đức tin của mình.
Trong ý hướng đó, tôi muốn chia sẻ thật vắn tắt về chủ đề “Dân tộc của Thiên Chúa”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ người ta cách riêng rẽ từng người một, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là Dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện” (số 781).
Đoàn Dân ấy được khởi sự từ trong Cựu ước qua các tổ phụ và được kiện toàn trong Tân ước bởi Chúa Giêsu, là chính Giáo Hội của Người. Chính vì thế, dân tộc này sẽ mang những đặc tính khác với bất kỳ một dân tộc hay một quốc gia nào khác. Dựa trên những câu chuyện trong Phúc âm, chúng ta có thể nhìn thấy ba đặc tính cơ bản:
– Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc trần thế. Vì mang yếu tố trần thế, nên cũng bao hàm yếu tố hữu hình, không hoàn hảo. Điều này được thể hiện trong câu chuyện ngụ ngôn về cỏ lùng (x. Mt 13, 24-30). Ý thức điều đó để ta biết sống khiêm nhường, bao dung và yêu thương nhau hơn.
– Dân tộc của Thiên Chúa là một dân tộc tâm linh mà trong đó con người được kêu gọi bước vào qua việc tự nguyện cam kết sống theo những đòi hỏi của Phúc âm. Đặc trưng cho việc cam kết này là sống theo các Mối Phúc (x. Mt, 5, 3-12). Khắc ghi điều này để ta bám vào Lời Chúa vốn được coi là ngọn đèn chiếu soi cuộc sống chúng ta hôm nay và ngày mai vĩnh cửu.
– Dân tộc của Thiên Chúa chỉ được thành toàn trong tương lai, bởi sự can thiệp cứu tinh của Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua một loạt những câu chuyện trong Phúc âm Matthêô chương 25: Dụ ngôn mười trinh nữ; Dụ ngôn những yến bạc; Cuộc Phán Xét chung.
– Các chủ đề trên hướng chúng ta về Chúa Giêsu, Ngài là chủ và là trung tâm Dân tộc của Thiên Chúa qua những mặc khải của Ngài. Trung tâm quan trọng của Dân Thiên Chúa là Con người của Chúa Giêsu. Trở thành một thành viên của dân tộc này phải đoán trước sự thất bại và sự bách hại, giống như Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu tạo ra Dân tộc của Thiên Chúa cách quyết định trong Bữa ăn tối cuối cùng (x. Mc, 14, 22-25). Luôn nhớ như vậy để chúng ta trung thành với đức tin, mà biểu lộ của đức tin chính là đời sống đạo hàng ngày của mình.
Từ Dân Thiên Chúa, chúng ta học hiểu về Thiên Chúa qua Con của Ngài là Chúa Giêsu trong những lá thư tới.
- Ước mong của người đồng hành
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay xoay quanh chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8 ). Tôi muốn mượn lại câu Kinh Thánh này để chia sẻ đến quý thầy cô ước mong của mình. Dù biết rằng luôn có những khó khăn trước mắt, nhưng Chúa Phục Sinh vẫn tin tưởng trao cho các môn đệ một lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Vậy, hôm nay, dù có những hạn chế nhất định, quý thầy cô hãy luôn là những nhân chứng cho Chúa Giêsu và Phúc âm của Người. Chúng ta không có những tiết học về Chúa, nhưng lại có rất nhiều cơ hội để làm chứng về Người. Chúng ta không có những hoạt động mang màu sắc đức tin, nhưng lại có rất nhiều thời gian sống và biểu lộ đức tin của mình. Tôi tin rằng đó mới là những bài học sống động và giá trị nhất mà chúng ta truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, đó mới là một nét hiệp hành sinh động mà Giáo Hội của chúng ta đang hướng tới.
Phần các con học sinh, trong những ngày này, có lẽ các con đang tìm mọi cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với quý thầy cô. Điều này là chính đáng và phải đạo, vì nó cho thấy cả một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với những bó hoa, những lời chúc tốt đẹp, các con hãy biểu lộ lòng biết ơn của mình qua việc trân trọng những điều hay lẽ phải mà thầy cô đã truyền đạt, ghi nhớ những bài học đức tin mà thầy cô đã chia sẻ. Tác giả Thánh vịnh 50 đã viết về một tình trạng tiêu cực: “chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 50, 17). Ước mong cho những lời ấy không trở thành một thực tế đáng buồn cho cuộc sống chúng ta.
Quý Thầy Cô thân mến,
Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo có nhắc đến vai trò giáo dục: “…- Cha mẹ…. gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng…- Nhiệm vụ giáo dục trước tiên thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội…- Sau cùng, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục với một lý do đặc biệt, …vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi,…” (x. Tuyên ngôn Giáo Dục Kitô giáo Gravissimum Educationis, số 3).
Qua những lời trên, thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi vui mừng gửi lời chúc mừng đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2022 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục. Chúc quý thầy cô luôn là những người thầy cô tốt cho các học sinh thân yêu của mình.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 16 tháng 11 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo