2020
Thư gửi sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp mừng Xuân Canh Tý
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN CANH TÝ
Chúng con thân mến,
Trong những ngày này, cả nước Việt Nam chúng ta đang tất bật chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền của dân tộc, những thời khắc đầu tiên của năm Canh Tý 2020. Sự đa dạng về phong tục vùng miền, lễ nghi tôn giáo, niềm tin dân gian trong những ngày tết, cho thấy đây là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Đất Việt chúng ta. Thế nhưng, cho dù khác biệt trong truyền thống hay đối lập về văn hóa, thì cũng đều hội tụ về một ước mơ cho năm mới an khang mạnh khỏe, hạnh phúc sum vầy, bình an thịnh đạt. Trong ý nghĩa đó, cha vui mừng chúc chúng con một mùa xuân an vui hạnh phúc, vạn sự như ý. Đồng thời, trước thềm năm mới của tết quê hương, cha cũng muốn cùng với chúng con sống tinh thần của những người con của Chúa trong những ngày đặc biệt này.
- Tết đến, thời khắc của tạ ơn
Như cha đã nói ở trên, những ngày của tết Việt của chúng ta là những ngày hội tụ của phong tục lễ nghi, nhằm nói lên khát vọng sâu xa cho một năm mới mọi điều may lành tốt đẹp. Người Công giáo chúng ta còn bày tỏ thêm nữa niềm hy vọng ấy qua ý chỉ của những Thánh lễ đầu năm: mồng một Tết cầu bình an năm mới, mồng hai Tết kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ, mồng ba Tết thánh hóa công ăn việc làm. Hướng về những thực hành ấy, lời tiên tri Ôsê như kêu gọi chúng ta dừng lại một nhịp, để nhận ra đâu là những điều Chúa mong muốn, “vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Os 6, 6). Vậy, Thiên Chúa là Cha nhân lành muốn chúng ta nhận biết điều gì trong những ngày đặc biệt này ? Thưa, Người muốn chúng ta phải nhận ra rằng: mọi điều trong cuộc sống, từ những ân huệ vật chất (x. Tv 126, 1-3) cho đến những đặc ân siêu nhiên (x. Ep 1, 3-7), tất cả đều phát xuất từ tình yêu quan phòng rất nhiệm mầu của Người. Như thế, thật phải đạo và cần thiết cho những giờ phút đầu năm, chúng ta hướng về Chúa Xuân Vĩnh Cửu, để cùng với thánh Phaolô sốt sắng thưa lên rằng: “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban” (2Cr 9, 15).
- Xuân về, những ngày của hiếu thảo
Những kiểu nói: “Xuân họp mặt; Tết đoàn viên” như muốn tô đậm thêm một nét văn hóa ngàn đời đáng quý của dân tộc Việt trong những độ xuân về, đó chính là lòng hiếu thảo, vốn được coi là đạo lý cơ bản của con người, là gốc rễ của nhân cách và là nền tảng của đạo đức xã hội Việt Nam. Trong lề luật của Giavê Thiên Chúa trao cho dân Người, lòng hiếu thảo được phán dạy đầu tiên trong những bổn phận phải làm: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Tại sao Thiên Chúa dạy chúng ta phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ ? Mệnh lệnh đầy tính nhân văn này được giải thích cách tỏ tường nơi tập sách Huấn ca: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm. Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu và khi cầu nguyện sẽ được nhậm lời” (Hc 3, 3-6). Đặc biệt hơn nữa, lòng hiếu nghĩa sẽ đền bù tội lỗi của chính mình (x. Hc 3, 14). Như vậy, giá trị của lòng hiếu thảo không chỉ dừng lại ở đời này mà còn kéo dài đến đời sau vĩnh cửu. Hãy thực hành lòng hiếu thảo ở mọi nơi mọi lúc, Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta (x. Hc 3, 8).
- Chúc mừng năm mới
Chúng con thân mến,
Chỉ còn một tuần nữa là chúng ta bước vào năm Canh Tý. Theo quan niệm Á Đông, năm Chuột Vàng được tin là sẽ mở ra một vụ mùa bội thu, tình yêu ngọt ngào, sự nghiệp thăng tiến và cả những cơ hội mới để mang đến một cuộc sống tích cực hơn. Cha cầu chúc cho chúng con bước qua năm mới luôn vui vẻ và lạc quan, kiên cường và lanh lẹ. Chúng con hãy cố gắng dành thời giờ cho Chúa qua việc tham dự đầy đủ các Thánh lễ đầu năm. Nguyện Chúa Xuân chúc lành và gìn giữ chúng con. Xin Người thương mến và ban bình an cho chúng con (x. Ds 6, 24-26).
Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2019.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi anh chị em giáo chức Công Giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2019
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2019
“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô,
đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13, 13).
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo!
Tôi xin mượn lời Thánh Phaolô tông đồ của Chúa chúng ta, để thay cho lời chào đầu tiên, đầy chân thành và yêu mến của tôi, người kế tục công việc của Đức Cha nguyên chủ tịch đáng kính Giuse Đinh Đức Đạo, gửi đến tất cả quý thầy cô nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam. Và cũng bằng một tấm lòng như thế, tôi cũng nhớ đến và chào thăm từng người anh chị em giáo chức, vì tuổi tác hay vì bất cứ hoàn cảnh nào, nay đã không còn tiếp tục sự nghiệp giáo dục, mà anh chị em đã một thời tâm huyết. Nhân dịp này, tôi cũng muốn chia sẻ với tất cả anh chị em một chút tâm tình, kèm theo một vài thao thức của tôi trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” này.
1. Quý Thầy cô thân mến ! Giờ phút này, với tất những ký ức sâu nặng của tình nghĩa thầy trò mà tôi còn giữ lại, tôi xin phép được cùng với tất cả các bạn học sinh, sinh viên, cả những ai đang thọ giáo trong bất cứ ngành nghề hay lãnh vực nào, bày tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ sâu sắc nhất, đến tất cả quý ân sư, quý thầy cô giáo. Tôi thành tâm kính chúc quý vị, không phải chỉ có ngày đặc biệt này, mà mọi ngày trong cuộc sống của mình, luôn an vui hạnh phúc và ân sủng dồi dào của Chúa ở cùng anh chị em hết thảy ( x.Tt 3, 15 ).
2. Tôi gửi lời chúc dồi dào ân sủng Chúa cho anh chị em, không chỉ đơn thuần là để lời chúc của tôi mang màu sắc Kitô giáo, nhưng là để ước mong cho anh chị em luôn nhớ rằng: công việc của một “kỹ sư tâm hồn” không những là một công việc cao quý, mà còn là một bổn phận nặng nề. Điều này đưa chúng ta đến gần hơn với nền tảng của Giáo Dục Kitô Giáo nơi Công đồng Vatican II: “Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4, 22-24).
Bởi đó, trong cái nhìn đức tin Kitô giáo, sứ mệnh của một người thầy đúng nghĩa, cần và rất cần đến sự trợ giúp của ơn Thánh Chúa, để anh chị em thực thi tốt nhất sứ mạng của mình, cũng như sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em (Ep 4, 1).
3. Trước sự bùng nổ có thể nói là vô tận của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hứa hẹn một diện mạo mới cho nhân loại, nhưng cũng mang theo nhiều thách thức mới cho toàn cầu. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đưa xã hội lên tầm cao mới, nhưng cũng đặt con người trước những thách đố nặng nề. Là một Kitô hữu giáo viên, anh chị em còn được mời gọi thực thi sứ mạng của mình, không chỉ là người chuyển tải kiến thức cho các thế hệ kế tiếp, hay dạy cho học trò biết sống tử tế hiền hòa, nhưng theo tinh thần của Vatican II, chúng ta còn hướng về Chân – Thiện – Mỹ, hướng về Trời Mới – Đất Mới.
4. “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa” (2 Tm 1, 8). Đó là lời của Thánh Phaolô khích lệ tất cả chúng ta trong đời sống đức tin của mình. Từ xa xưa trong Cựu Ước, qua trung gian của tổ phụ Môsê, Chúa đã truyền lệnh như một lời tự nguyện cam kết rằng: nếu các ngươi muốn sống và sống hạnh phúc trong phần đất mà Chúa đã hứa ban, thì các ngươi hãy gìn giữ và thực hành những huấn lệnh của Ta. Đồng thời, các ngươi cũng hãy dạy cho con cháu các ngươi những điều ấy”( x.Đnl 4, 1-2. 6-8). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được dân chúng nhìn nhận, dù lúc thuận tiện hay không, luôn là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa (x.Mt 22, 16). Tôi muốn gợi nhớ lại những sự kiện này, để cùng với anh chị em, những giáo chức công giáo trong môi trường giáo dục, thực hiện lời dạy của Thánh Phaolô tông đồ: chúng ta hãy làm chứng cho Chúa trong công việc của mình. Chúng ta chưa có cơ hội để nói về Chúa bằng lời, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa bằng sự hiện diện của chính mình, sự hiện diện của một Kitô hữu chân chính. Chúng ta chưa có điều kiện để nói về Chúa bằng môn học, nhưng chúng ta nhiều dịp để dạy về Chúa bằng những ứng xử thân ái và chân tình trong cuộc sống của mình.
5. “Hãy ra khơi thả lưới” (Lc 5, 4). Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của Phêrô và các môn đệ. Trước mắt các ngài, những ngư phủ lâu năm dày dặn kinh nghiệm, là một lời đề nghị vô ích. Thế nhưng, một Phêrô dám vượt lên mọi thách thức của cuộc sống để đáp lại rằng: “vâng lời Thầy, con xin thả lưới” (x.Lc 5, 5). Phêrô và các môn đệ đã can đảm làm lại một lần nữa điều mà các ngài đã từng làm nhiều lần, và giờ đây, đang phải đối diện với nỗi buồn của thất bại. Thế nhưng lần này, lần của hạ mình xuống để làm theo lời Thầy, mang đến một thành công lớn nhất trong cuộc đời ngư phủ của các ngài:“họ đã bắt được rất nhiều cá” (x. Lc 5, 6). Mỗi người trong chúng ta hãy là một Phêrô của 20 thế kỷ về trước, can đảm và tin tưởng thả vào ngôi trường của mình chiếc lưới của lòng nhân ái và bao dung, thả vào lớp học của mình chiếc lưới của tận tình và trách nhiệm. Tôi tin chắc rằng: một kết quả tươi đẹp và mỹ mãn sẽ đến với cuộc sống chúng ta.
6. Cuối cùng, cho phép tôi gửi thêm lời chào thân ái đến tất cả học sinh, sinh viên, những người đang trong giai đoạn trang bị kiến thức cho tương lai đầy hy vọng của mình. Cha ước mong rằng: trong những ngày rộn ràng của Tết Nhà Giáo Việt Nam, cùng với những cánh thiệp của lòng yêu mến, những bông hoa của lòng biết ơn, các con hãy luôn kính trọng thầy cô của mình. Đó không những là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam biết “tôn sư trọng đạo”, mà nó còn là một đòi buộc được nêu lên trong Giáo lý của Giáo hội Công giáo. (x.GLGHCG, số 2199) Đây mới là món quà cao quý nhất mà mọi người đang mong chờ nơi chúng con, không chỉ là trong ngày đặc biệt này, mà còn trong suốt cuộc đời của các con.
Nguyện xin Đức Maria là gương mẫu cho nền giáo dục Kitô giáo, đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong sứ mạng cao quý này.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 10 tháng 11 năm 2019
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo