2020
Thư gửi anh chị em giáo chức Công Giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2020
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2020
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Mặc dù ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đầu tiên được công bố và tổ chức trang trọng vào ngày 20.11.1982, nhưng từ bao đời trong lòng con dân Đất Việt đã khắc ghi và biểu lộ một cách sâu xa tâm tình “tôn sư trọng đạo”, để tôn vinh lòng tận tụy và kiên nhẫn của những người thầy trong cuộc sống. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, ngày Tết Nhà Giáo sẽ đến, một cơ hội thật tốt để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy trong cuộc sống của mình, là cơ hội thật ý nghĩa, để toàn xã hội tri ân tới những người đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước văn minh, quê hương thịnh vượng và hạnh phúc. Với lòng biết ơn và cảm phục, tôi xin kính chúc quý thầy cô luôn an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc trong sứ mạng cao cả của mình. Sứ mạng ấy, nhìn qua lăng kính đức tin Kitô giáo, quý thầy cô được lãnh nhận từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng hướng dẫn: “Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ” (x. Tv 32, 8). Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn bày tỏ một ít tâm tư và nguyện vọng chân thành đến tất cả quý thầy cô.
- Sứ mạng của những “người đi trước”
Ở mọi nơi và mọi thời, trong tiếng gọi “Thầy – Cô”, chúng ta luôn được coi là những người đi trước trong việc thu thập và truyền đạt kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình, vì là điểm tựa tinh thần cho các môn sinh, chúng ta cũng phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, luân lý, xã hội,…Là một giáo chức Kitô hữu, để thực thi đầy đủ sứ mạng, giáo huấn của Chúa Giêsu phải luôn là một kho tàng kiến thức quý giá mà ta phải trang bị và cập nhật cho chính mình. Thật vậy, người đi trước không đơn thuần chỉ là người chuyển giao kiến thức, mà còn là người biết yêu mến, bảo vệ, che chở như một người mục tử nhân lành mà phúc âm Thánh Gioan diễn tả. Người mục tử này không phải chỉ có nhiệm vụ cho chiên ăn uống, kiểm soát số lượng đàn chiên, mà còn hiểu biết, hy sinh, thao thức và gắn bó cuộc sống mình với chiên (x. Ga 10, 1-15). Chính vì thế, là người đi trước, hiểu trên phương diện xã hội lẫn đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy siêng năng và kiên trì học với Chúa Giêsu, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 29). Những nhân đức rạng ngời ấy luôn cần thiết để chu toàn sứ mạng của một nhà giáo đúng nghĩa như Giáo hội ước mong.
- Những khó khăn trong giáo dục
Cho đến hôm nay, chưa ai dám phủ nhận vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội và thăng tiến con người về mọi mặt. Giáo dục đưa cuộc sống con người lên tầm cao, nhưng giáo dục cũng bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến của cuộc sống xã hội, tạo nên những khó khăn nghiêm trọng. Trước nhất phải nói đến cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo phương tiện, nghèo nhận thức, nghèo nhân sự, …Tất cả những cái nghèo ấy, như một thực tế trước mắt, đã dần dần thu hẹp cánh cửa giáo dục, tự bản chất là cần thiết cho sự văn minh của con người, để nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ Internet về nhiều phương diện, đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống xã hội, nhưng cũng để lại những mối đe dọa thật đáng lưu tâm cho cuộc sống con người khi nhìn từ góc độ giáo dục. Hy vọng rằng những khó khăn ấy không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình trong giáo chức Việt Nam, mà ngược lại, thôi thúc chúng ta nghiên cứu, tìm tòi những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng giáo dục của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm đã khéo léo nhắc nhở các môn đệ đừng để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những điều trước mặt, mà hãy vui mừng vì tên của các con đã được ghi trên trời (x. Lc 10, 20). Anh chị em cũng hãy luôn nhớ rằng: trong cái nhìn đức tin, công việc của mình là cộng tác với Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng của Người.
- Một ước mong cho ngành giáo dục
Từ đáy lòng của một người đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục Kitô giáo, tôi ước mong cho mỗi quý thầy cô, trước nhất và trên hết, xây dựng cho mình một ước muốn giáo dục mang tính chất toàn diện. Bởi vì một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, không chỉ là để đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Một ước muốn giáo dục mà từ cái nhìn đức tin, tôi cảm nghiệm được rằng tác giả sách Gióp thao thức từ rất lâu trong thời Cựu ước: giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm (x. G 33, 17 – 18). Trong số 49 của Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những vị thánh trẻ. Những chứng nhân sáng ngời này cho phép tôi liên tưởng và xác tín rằng: con đường nên thánh của các ngài vẫn in sâu dấu vết của một nền giáo dục toàn diện ấy. Hãy cùng nhau sống thánh để chúng ta dạy người khác sống thánh.
- Lời chào cuối thư
Quý Thầy Cô thân mến,
Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời kính chúc đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Tết Nhà Giáo vui tươi, ý nghĩa, luôn ấp ủ trong mình một ước muốn giáo dục toàn diện cho các thế hệ mai sau. Tôi cũng không quên quý thầy cô đã hưu trí, quý thầy cô, vì bất cứ lý do gì, đã gác lại sứ mạng của mình. Tôi cám ơn và cầu chúc tất cả quý vị an bình và hạnh phúc.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2020 – 2021.
Các con thân mến,
- Tâm tình của người đồng hành
Ngay từ những dòng chữ đầu tiên này, cha muốn hướng về một thành phần đặc biệt trong các con, hơn tám trăm ngàn sĩ tử trong cả nước, vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia, kết thúc một chặng đường vừa thật đẹp nhưng cũng vừa quan trọng trong cuộc đời học vấn của mình. Cùng với các con, cha tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho các con thật nhiều điều tốt lành, những nén bạc quý giá trong những năm rèn luyện trau dồi kiến thức phổ thông. Cha chúc mừng các con, vì các con đã hoàn thành chặng đường của “tuổi học trò” đầy nỗ lực, với những thành quả đáng quý để bước vào đời, khởi sự cho những ước mơ tươi sáng của mình. Và sắp tới đây, chỉ còn ít ngày nữa thôi, tiếng trống khai trường sẽ đồng loạt vang lên trên toàn Đất Việt, báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Ngày ấy, tất cả những học sinh, sinh viên Công giáo, sẽ cùng với hàng chục triệu bạn bè trang lứa của mình, bước vào một giai đoạn mới trong hành trình học tập, hoàn thiện bản thân cách toàn diện, để trở thành một con người có ích cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo hội và cho xã hội. Suy tư về hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan ấy, sách Châm Ngôn viết rằng: “Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán. Vì được khôn ngoan thì hơn được bạc, được hưởng lợi ích của khôn ngoan thì hơn được vàng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không có bảo vật nào của con so sánh nỗi” (Cn 3, 13-15). Đó cũng là một ít tâm tình cha muốn chia sẻ với các con trong dịp khai giảng năm học mới này.
- Học là điều cần thiết để biết và để sống
Sách Châm Ngôn, được xếp vào tập sách giáo huấn trong kinh thánh Cựu Ước, đã cho thấy được giá trị của sự khôn ngoan, vốn là thành quả không thể phủ nhận của việc học tập trau dồi kiến thức. Trong thời đại công nghệ 4.0 này, thật dễ dàng để tra cứu một vấn đề nào đó. Cha tin rằng các con đã đọc thấy rất nhiều tư tưởng và bài viết về giá trị của việc học tập. Với cha, bằng ngôn ngữ thực tế và kinh nghiệm sống hàng ngày của mình, cha muốn nhấn mạnh với các con rằng: học là điều cần thiết để biết và để sống. Học tập để có được những kiến thức cần thiết quyết định sự tồn tại, hòa nhập và phát triển con người của mình trở thành người và hạnh phúc hơn trong xã hội. Việc học tập chắc chắn sẽ mở ra cho ta nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội và nhiều con đường để đi tới thành công. Cha nghĩ rằng đó cũng là lý do mà từ xa xưa ông bà ta đã nói: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”.
Thế nhưng, là một Kitô hữu trong xã hội hôm nay, việc học của các con không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức hay kỹ năng, mà nó còn phải đạt được những mục tiêu cao hơn nữa. Đó là lòng đạo đức phục vụ, phục vụ Chúa và Giáo hội của Người, phục vụ anh chị em xung quanh tùy theo khả năng của mình, không phân biệt người đó là ai và như thế nào. Như vậy, để là một Kitô hữu tốt, song song với việc trau dồi kiến thức, các con phải học thêm nữa về lòng đạo đức phục vụ. Quyển sách nào chứa đựng kho tàng quý giá này? Chúa Giêsu và những lời dạy của Người trong Phúc âm, chính là điều cha muốn giới thiệu cho các con tiếp sau đây.
- Học nơi Chúa Giêsu
“Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11, 29). Hôm nay, với một gợi ý thật nhỏ, cha muốn các con hãy học với Thầy Giêsu chí thánh về Đức Vâng Lời. Đó là một đức tính phải có trong cuộc sống làm người. Chúa Giêsu, theo suy tư của tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, cho thấy rằng: trước hết và trên hết, Người vâng lời Chúa Cha trong mọi sự (x. Dt 10, 7). Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể cho đến kết thúc Mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giêsu không ngừng dùng chính đời sống mình để tỏ cho chúng ta biết điều quan trọng nhất đối với Người là thi hành ý muốn của Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Ga 4, 34). Đức vâng lời ấy được chiếu tỏa và cụ thể hóa cách gần gũi hơn trong đời sống hàng ngày của Người. Với gia đình: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Với những mối tương quan khác: Người càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x. Lc 2, 52).
Các con hãy biết cho rằng: tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa (x. Hc 1, 1). Vậy, trong lúc chăm chỉ học hành thu thập kiến thức, các con cũng phải siêng năng và kiên trì học lấy sự vâng lời của Chúa Giêsu. Sự vâng lời ấy phải được nhận thức và thể hiện cách phong phú trong các mối tương quan hàng ngày của các con. Với Chúa, hãy tuân giữ các giới răn của Người. Với cha mẹ, hãy sống là người con ngoan. Với thầy cô, hãy chứng tỏ mình là những học trò hiền. Với bạn bè, hãy là một Kitô hữu tốt lành. Cha tin rằng các con sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời các con.
- Thay lời kết
“Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta là những người con của Mẹ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin tưởng nói với các con như thế trong Tông huấn Christus Vivit số 48. Trong niềm xác tín này, cha phó dâng tất cả các con cho sự che chở từ ái của Đức Maria khi bước vào năm học mới, một năm học được bắt đầu trong sự âu lo trước sự tái phát của đại dịch Covid -19. Cha thân ái cầu chúc các con một năm học mới an bình, vui tươi, tràn đầy hồng ân Chúa và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi quý sinh viên học sinh nhân dịp lễ Thăng Thiên 2020 của Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
DỊP LỄ THĂNG THIÊN VÀ VỀ WEBSITE/APP CỦA ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
Các con thân mến,
Cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng Đại Lễ Phục Sinh năm nay trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt vì đại dịch Covid – 19. Tạ ơn Chúa, Lễ Chúa Thăng Thiên năm nay chúng ta mừng với Thánh Lễ và sinh hoạt mục vụ trở lại bình thường sau nhiều ngày cách ly.
Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên : Chúa muốn củng cố niềm tin của chúng ta vào cuộc sống mai sau, cuộc sống đàng sau cuộc sống hôm nay của chúng ta. Tiếp theo, việc Chúa Giêsu Thăng Thiên đã đem đến cho chúng ta một niềm hy vọng và chính niềm hy vọng này là một nâng đỡ lớn lao cho mỗi người chúng ta để chúng ta xây dựng cho mình một cuộc sống cao cả, tốt đẹp và có ý nghĩa trong cõi đời này.
Chúa Giêsu Thăng Thiên, Người cũng muốn nói với chúng ta rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20); “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3, 1). Nhưng không có nghĩa là chúng ta phải xuất thế, xa lánh trần gian. Trái lại, chúng ta cần phải nỗ lực nhập cuộc, dấn thân như Người đã truyền dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 18).
Sinh viên – học sinh là những người sẽ góp phần mình dấn thân, xây dựng Xã Hội và Giáo Hội trong tương lai. Chính vì vậy, các con phải hết sức nỗ lực học tập, nghiên cứu để cống hiến những khả năng tốt nhất của các con. Qua việc học cũng như làm việc sau này của các con, các con góp phần loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo như Chúa truyền dạy. Ý thức như vậy, các con hãy hết sức tập trung vào việc học tập của các con.
Sau thời gian cách ly, việc học và thi cử của các con phải tăng tốc. Ước mong các con hãy thể hiện mình là người Kitô hữu để làm gương sáng trong việc học tập – thi cử cho các bạn của mình. Các con phải tránh tất cả mọi kiểu cách học hình thức, thi gian lận.
Cùng với sự phát triển về nhiều mặt trong Xã Hội cũng như Giáo Hội, đặc biệt về công nghệ 4.0, trang Web của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cập nhật thêm một số thư mục cũng như nội dung. Đặc biệt lần này, Website có cập nhật Thư Viện Công Giáo để các con tiện tải về để học tập, nghiên cứu (Thần Học, Triết Học, Thánh Kinh, các thể loại khác …).
Lần cập nhật về Website này, Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo đã thiết kế cũng như đưa vào hoạt động app Giáo Dục Công Giáo. App Giáo Dục Công Giáo tiện dùng cho điện thoại smartphone, máy tính bảng cho sinh viên học sinh cũng như những ai có nhu cầu. App này tiện dùng cho các hệ điều hành IOS cũng như Android.
Đường dẫn vào Website của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo :
http://www.giaoducconggiaohdgm.org/
và đường dẫn để tải App Giáo Dục Công Giáo.
Điện thoại di động, máy tính bảng chạy phần mềm IOS :
https://apps.apple.com/vn/app/u%E1%BB%B7-ban-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-c%C3%B4ng-gi%C3%A1o/id1510532396
Điện thoại di động, máy tính bảng chạy phần mềm Android :
https://play.google.com/store/apps/details?id=vn.com.giaoduc.conggiao_flutter
Khi cài đặt app Giáo Dục Công Giáo vào điện thoại hay máy tính bảng, các con sẽ truy cập nhanh chóng cũng như dễ dàng hơn các nội dung trong Website của Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo.
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước” (Tv 109, 105) để rồi hàng ngày, app Giáo Dục Công Giáo sẽ gửi đến các con Phụng Vụ Thánh Lễ và câu trích Lời Chúa của Thánh Lễ ngày hôm đó để các con và mọi người suy gẫm.
Đặc biệt, điện thoại cũng sẽ báo cho người cài đặt biết về Thánh Lễ vào ngày hôm sau để nhắc nhớ mọi người nhớ và cầu nguyện cũng như tham dự Thánh Lễ (Bổn mạng cá nhân, giáo xứ …). Đôi khi vì công việc học hành nên các con không nhớ Lễ Bổn mạng ngày nào, Lễ Trọng, Lễ Kính… App sẽ nhắc các con về những điều cần thiết trong đời sống đức tin Công Giáo.
App Giáo Dục Công Giáo cũng như Website đang được xây dựng để mỗi ngày phục vụ tốt hơn trong sự nghiệp Giáo Dục Kitô Giáo. Hy vọng với Website cũng như app Giáo Dục Công Giáo như là người bạn đồng hành với các con trong đời sống đức tin Kitô Giáo, Giáo Dục nhân bản Kitô Giáo của các con.
Thân ái chào các con trong Chúa Giêsu Thăng Thiên.
Vĩnh Long, ngày 18 tháng 5 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020)
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020)
06/05/2020
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
Ngày 05 tháng 05 năm 2020
Anh chị em thân mến,
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả thế giới phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và sức tàn phá khủng khiếp của nó. Việc phòng chống dịch bệnh tại các quốc gia cũng như tại Việt Nam đã làm cho nhiều sinh hoạt xã hội bị đình trệ, kể cả sinh hoạt tôn giáo. Nay lệnh cách ly xã hội vì dịch bệnh đang được nới lỏng từng bước, một số Giáo phận đang chuẩn bị tổ chức lại các sinh hoạt tôn giáo. Trong bối cảnh đặc biệt này, với trách nhiệm mục tử, chúng tôi gửi đến anh chị em thư này để cùng với anh chị em lắng nghe những “dấu chỉ của thời đại”, và suy nghĩ về đời sống Giáo hội trong tương lai.
Nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh hơn một tháng qua, người Công giáo chúng ta đã cùng với toàn xã hội vẽ nên một hình ảnh đẹp về tình liên đới, cùng lo lắng trước mối nguy hiểm của dịch bệnh, và cùng nỗ lực phòng chống hết sức có thể. Với ý thức đó, chúng ta đã cùng mọi thành phần xã hội tuân thủ những chỉ thị của cơ quan công quyền và chuyên môn, để phòng chống dịch bệnh một cách khá hiệu quả tại Việt Nam. Cụ thể là chúng ta đã chấp nhận hạn chế các sinh hoạt tôn giáo, kể cả trong Tuần Thánh và Phục Sinh là cao điểm và tâm điểm của Năm phụng vụ.
Cũng trong thời gian qua, nhiều dấu hiệu của đức tin trưởng thành được biểu lộ, như sự quý trọng Thánh Lễ, khao khát được rước Thánh Thể, hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và với toàn Giáo hội để cầu xin Thiên Chúa cứu thoát nhân loại sớm thoát khỏi dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều cá nhân cũng như nhiều tập thể còn tham gia các chương trình trợ giúp khẩn cấp cho những người túng thiếu trong hoàn cảnh dịch bệnh. Đồng thời, ý thức trách nhiệm cũng được nâng cao đối với môi trường sống, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội cũng như môi trường tâm linh.
Tuy nhiên, tình trạng không thể quy tụ mỗi Chúa nhật để cử hành phụng vụ chắc chắn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các cộng đoàn, vì chính “vào ngày thứ nhất trong tuần”, Chúa Kitô Phục sinh đã quy tụ các môn đệ đang tản mác thành một cộng đoàn (X. Ga 20,19-31). Chúng tôi đặc biệt quan tâm và chia sẻ những lo lắng của các bậc phụ huynh đối với giới trẻ và thiếu nhi. Thật vậy, sẽ rất thiệt thòi cho đời sống đạo của giới trẻ và thiếu nhi nếu không sớm mở lại các lớp Giáo lý, không sớm tổ chức lại các sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, giáo hạt và giáo phận, không lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là xưng tội, tham dự Thánh Lễ và rước lễ. Trong một thời đại mà nhu cầu tâm linh bị xếp vào hàng thứ yếu, các em sẽ dễ sa ngã trước những quyến rũ vật chất và hưởng thụ, đến nỗi coi đó như mục đích tối hậu của cuộc đời.
Chính vì thế, hướng tới giai đoạn hậu dịch bệnh, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một số đề nghị cụ thể cho đời sống đức tin.
Với các gia đình công giáo: trong thời gian dịch bệnh, anh chị em không thể đến nhà thờ dâng lễ, chỉ ở nhà dự lễ trực tuyến, nhưng chính lúc cả gia đình quây quần trước bàn thờ Chúa để dự lễ trực tuyến, anh chị em lại cảm nhận rõ nét hơn gia đình là đền thờ của Chúa, Chúa đang hiện diện trong gia đình anh chị em. Khi dịch bệnh qua đi, không còn dự lễ trực tuyến nữa, ước mong anh chị em tiếp tục sống cảm nhận đó bằng những giờ cầu nguyện chung trong gia đình. Cảm nhận Chúa đang hiện diện trong gia đình sẽ giúp chúng ta yêu thương gắn kết với nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn, biết “tha thứ cho nhau và chịu đựng lẫn nhau” như thánh Phaolô khuyên dạy (Cl 3,12-21). Như thế gia đình anh chị em sẽ trở thành Hội thánh tại gia như sách Tông đồ công vụ mô tả, và làm chứng về vẻ đẹp của Đạo cho những người chung quanh (X. Cv 2,46-47).
Với các cộng đoàn giáo xứ: trong thời gian dịch bệnh, không thể đến nhà thờ do lệnh cách ly xã hội, chúng ta khao khát được đến nhà thờ dâng Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí tích và tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Lúc đó anh chị em cảm nhận rõ nét nhu cầu cộng đoàn trong đời sống đức tin. Đúng như thế, đức tin Công giáo tự bản chất mang tính cộng đoàn. Vậy khi có thể sinh hoạt lại bình thường, anh chị em hãy phát huy tính cộng đoàn đó, hăng hái tham gia các cử hành phụng vụ, các sinh hoạt về giáo lý, kinh nguyện và phục vụ trong cộng đoàn. Sẽ càng hữu hiệu hơn nữa nếu các khu xóm, đoàn hội, cộng đoàn cơ bản… được hướng dẫn để cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và chia sẻ đời sống, cùng nhau loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Cách riêng với những anh chị em đang tích cực sống ơn gọi Tông đồ giáo dân, chúng tôi khuyến khích anh chị em can đảm dấn thân, trở thành muối men và ánh sáng (X. Mt 5,13-17) trong môi trường anh chị em đang sống và làm việc, góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này.
Đặc biệt với anh em linh mục và nam nữ tu sĩ: trong thời gian dịch bệnh, đôi lúc chúng ta cảm thấy hụt hẫng vì bị dứt ra khỏi những công việc mục vụ quen thuộc. Thế nhưng đây cũng là thời gian giúp chúng ta chú tâm hơn đến đời sống nội tâm là nguồn mọi hoạt động tông đồ. Khi dịch bệnh qua đi và các sinh hoạt mục vụ bình thường trở lại, ước mong anh chị em sẽ giữ ngọn lửa nội tâm luôn bừng cháy và nhiệt tình hơn trong sứ vụ đã lãnh nhận, để đồng hành và phục vụ cộng đoàn Dân Chúa cách tích cực hơn, theo gương Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành.
Anh chị em thân mến, Việt Nam chưa chính thức công bố hết dịch bệnh nhưng hi vọng ngày đó đã gần kề. Với đức tin, chúng ta hãy can đảm sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh. Với đức cậy, chúng ta cầu xin ơn bình an cho đất nước và thế giới, đồng thời bày tỏ thiện chí cộng tác với toàn xã hội tiếp tục phòng chống dịch bệnh. Và với đức ái, chúng ta hãy trở thành người Samaritanô nhân hậu (X. Lc 10,29-37) chăm sóc chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn của anh chị em đồng loại, để “họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những sinh hoạt này sẽ có nhiều ý nghĩa và hiệu quả hơn nếu chúng ta cùng cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí để xây dựng một môi trường sống trong lành, vui tươi, và yêu thương.
Nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, cho quê hương Việt Nam, và cho toàn thế giới.
Chủ tịch HĐGMVN
(Ấn ký)
TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh
Tổng Giáo phận Huế
Chủ tịch Ủy ban Giáo dân
(Ấn ký)
- Giuse Trần Văn Toản
Giáo phận Long Xuyên