2021
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy.
THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI !
THƯ KÊU GỌI CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GỬI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Toà Giám mục Huế, ngày 09/07/202
Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha và mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Thủ Tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 16, đặt thành Phố Hồ Chi Minh trong tình trạng giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 09/07/2021. Phải quyết liệt như thế may ra có thể kìm hãm được phần nào thảm hoạ đang hung hãn lan tràn. Nhưng đây lại là một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng : lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai….Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây ? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa ?
Anh chị em hãy nhớ lại : chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn…Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Saigon khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt nam lúc nào cũng thì thào : một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)
Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận hàng cứu trợ là : Văn Phòng Hội đồng Giám mục, tại số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3. Xin liên hệ với Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ qua đường dây nóng số 09.04.24.11.60. Sau khi nhận, Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng và tiền đến từ các tỉnh. Văn phòng cũng sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp làm thủ tục vận chuyển hàng hoá vào thành phố. Tài khoản : Văn phòng Hội đồng Giám mục VN, VNĐ số 0602.5831.4789; USD số 0602.5831.7699; ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gò Vấp.
Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Kitô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị lấy năm 2021 làm năm tôn vinh Thánh Giuse. Chúng Ta cầu nguyện cho Vị cha chung của chúng ta (đang tĩnh dưỡng tại bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đại tràng) sớm bình phục, nhất là cùng với ngài, chúng ta phó thác nhân loại và dân tộc vào đôi tay phù trợ của Thánh Cả Giuse.
Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cầu chúc mọi người được bằng an vượt qua đại dịch.
Thân ái và trân trọng kính chào.
Đã ký và đóng dấu
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
2021
Thư Đức cha Chủ tịch UBGDCG gửi sinh viên học sinh nhân dịp lễ Phục sinh 2021
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2021
Các con thân mến,
Chúng ta đang sống những ngày cuối Mùa Chay và chuẩn bị mừng lễ Chúa Kitô, Chúa chúng ta phục sinh. Phụng vụ Giáo Hội nhấn mạnh Tam Nhật Vượt Qua sẽ là những ngày thật đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội Công giáo. Trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, dựa theo trình thuật của Phúc âm, giới thiệu một nhân vật đặc biệt, là niềm hy vọng, Vị Cứu tinh duy nhất, giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi: Chúa Kitô. Thế nhưng, với một phiên tòa ngắn ngủi và đơn giản, Chúa Kitô đã trở thành một người đại bại, thua cuộc hoàn toàn: Chúa Kitô bị kết án và chết trên Thánh giá. Trong lúc mọi sự đã như một dấu chấm hết trong ngôi mộ buồn bã và lạnh lẽo kia, thì vào rạng sáng một ngày sau đó, những tia nắng đầu tiên của ngày mới báo hiệu một tin mừng chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Chúa Kitô phục sinh (Mt 28, 1-10). Đó là niềm tin của chúng ta, và đó cũng là điều mà tất cả chúng ta có bổn phận phải loan báo và làm chứng cho anh em mình (x. Lc 24, 48). Bởi thế, trong Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm nay, cùng với lời chào thân ái, cha muốn chia sẻ với các con đôi nét về mầu nhiệm lớn lao này.
- Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô
Mặc dù chết và sống là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn, nhưng trong mầu nhiệm Phục Sinh, hai điều này luôn được gắn kết với nhau và bổ túc cho nhau, vì sẽ chẳng bao giờ có phục sinh nếu không có tử nạn. Cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên Thánh giá được mô tả cách chi tiết trong bài Thương Khó (Ga 18, 1 – 19, 42). Ở đây, ta có thể đọc thêm một vài chi tiết nữa nơi Phúc âm Nhất Lãm, để cho thấy Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã thật sự đi vào cõi chết (x. Mt 27, 50; Mc 15, 37; Lc 23, 46). Người đã được mai táng trong mồ theo phong tục của người Do Thái (x. Mt 27, 59 – 60; Mc 15, 46; Lc 23, 53). Hơn thế nữa, quyết định dường như chưa từng có tiền lệ của Tổng trấn Philatô ngày hôm ấy, không phải để vinh danh, mà là để vĩnh viễn xóa sổ một con người. Thế là cửa mộ Đức Giêsu đã được niêm phong và có lính canh cẩn thận (Mt 27, 66). Ngôi mộ ấy cũng đã chôn vùi theo bao nhiêu niềm hy vọng của những ai đã tin tưởng theo Người (x. Lc 24, 21). Nhưng qua cái chết, Chúa Kitô, Chúa chúng ta đã thật sự sống lại trong những ngày sau đó.
- Chúa Kitô đã phục sinh vinh hiển
Từ cổ chí kim, cả đến những nghiên cứu hiện đại, chưa ghi nhận một trường hợp nào con người đã chết thật mà được sống lại. Với chúng ta hôm nay, nếu cái chết của Chúa Kitô trên Thánh giá đã là một dữ kiện trong lịch sử, thì sự sống lại của Người sẽ luôn là một chân lý của đức tin. Chân lý này được xây dựng trên những chứng từ của Thánh Kinh. Từ trong Cựu ước, người tôi tớ của Giavê, hình ảnh của Chúa Kitô, được giới thiệu cách trổi vượt, dù phải đối diện với mọi nỗi nhọc nhằn, nhưng không bị bất kỳ một đau khổ nào thống trị. (x. Bài đọc thứ Sáu Tuần Thánh (Is 52,13-53,12). Với các môn đệ của mình, Chúa Kitô đã nói thật rõ ràng: Người sẽ chết và sau ba ngày sẽ sống lại (x. Mc 8, 31). Những lời báo trước về sự phục sinh ấy, được trở nên hiện thực hơn bởi sự kiện “Ngôi mộ trống” mà cả bốn Thánh sử đều ghi lại. Lại một dữ kiện khác khiến chúng ta phải chú ý: Các thượng tế và kỳ mục trong dân, là những người đã nắm rõ toàn bộ diễn tiến của cuộc khổ nạn Chúa Kitô, kể cả những điềm lạ kèm theo, lại có những cử chỉ lạ lùng; Nếu Chúa Kitô đã không thật sự chỗi dậy cách oai hùng trước sự canh gác cẩn thận, thì sẽ không thể có một cuộc thương lượng bằng tiền bạc với quân lính, nhằm che đậy một sự thật hiển nhiên trước mặt họ (x. Mt 28, 13 – 15).
- Niềm vui gặp gỡ Chúa Phục Sinh
Các con có nhớ rằng: sau khi hát kinh Vinh danh của chiều thứ Năm Tuần Thánh, tất cả các Nhà thờ ngưng hẳn những hồi chuông quen thuộc hàng ngày. Đó không phải là thói quen tự phát, mà là luật Phụng vụ của Giáo Hội trong Tam Nhật Vượt Qua (x. Sách lễ Rôma – Nghi thức Tuần Thánh). Những “tiếng mõ” khô khan trong các cử hành Phụng vụ như muốn diễn tả sự hiệp thông với Chúa Kitô đang nằm im trong ngôi mộ mà người ta dành cho mình. Trong suy nghĩ của cha, những tiếng vang trầm lắng ấy dường như làm cho tiếng chuông của Đêm Vọng Phục Sinh càng trở nên rộn ràng và uy nghiêm, để chào đón Chúa Phục Sinh. Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, Người không còn chết nữa, “cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6, 9). Với chúng ta ngày nay, sự kiện này được củng cố bởi những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh dành cho một số người (x. Mt 28, 9-10); cho hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13 – 35), và sau cùng cho tất cả các môn đệ (x. Cv 1, 6 – 11).
- Sống niềm vui Chúa Phục Sinh
Các con thân mến,
Chúa Kitô đã phục sinh, như cha đã nói ở trên, đó là niềm tin và cũng là những điều mà chúng ta có bổn phận làm chứng cho người khác. Nếu chúng ta đã kiên nhẫn đi với Chúa Kitô suốt hành trình sa mạc của Mùa Chay, thì giờ đây đừng sợ, cùng với những nhân chứng phục sinh, các con hãy can đảm làm cho niềm vui Chúa Phục Sinh được lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày của các con. Các con hãy luôn nhớ rằng: nếu Chúa Kitô chỉ phục sinh vinh hiển từ ngôi mộ của hai mươi thế kỷ về trước, mà không sống lại trong chính đời sống hàng ngày của tôi, thì cũng chẳng có ích lợi gì cho tôi. Cùng với cha nữa, chúng ta hãy tin tưởng để cho Người chiếm hữu và trở nên phương thuốc chữa trị cho các bệnh tật tâm hồn chúng ta. Hãy cùng với Chúa Phục Sinh, chúng ta làm sống lại con người mới nơi cuộc sống của mình: con người của hòa đồng và tương trợ, con người của hiếu thảo và biết ơn, con người của niềm vui và hy vọng. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên một lời chứng về Chúa Phục Sinh cho thân nhân và bạn bè của mình.
Với tất cả niềm vui của ngày Chúa chúng ta sống lại, cha cầu chúc các con luôn vui khỏe và bình an. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với các con mọi nơi mọi lúc. Xin Người tiếp tục che chở và dẫn dắt quê hương chúng ta và thế giới sớm thoát khỏi đại dịch Covid – 19 nguy hiểm này.
Chúc Mừng Chúa Phục Sinh. Alleluia.
Vĩnh Long, ngày 25 tháng 3 năm 2021.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2021
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN TÂN SỬU
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN TÂN SỬU
Các con thân mến,
Năm Canh Tý đang dần khép lại bằng những ngày cuối tháng Chạp. Đông tàn Xuân lại đến. Trong bối cảnh nầy, tất cả mọi người Việt Nam, từ người trẻ đến người già đều chuẩn bị đón mừng năm mới Tân Sửu 2021. Tết đến, mọi công việc thường nhật sẽ tạm gác lại để đón chào năm mới. Các con cũng sẽ có những ngày nghỉ ngơi, để vui xuân với gia đình, đón Tết với dân tộc, cầu mong cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp hơn. Trước thềm năm mới này, cha muốn nói với các con rằng: chúng ta đừng quên cám tạ ơn Chúa vì những ơn lành mà Người đã ban trong một năm qua, bởi vì, nói theo Thánh Phalô: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Tx 5, 18). Hơn thế nữa, việc tạ ơn Chúa là một hồng ân cao cả, vì những lời ấy đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời (x. Kinh Tiền Tụng Chung, IV).
- Lời tạ ơn cuối năm
Phía trên, cha đã trích lại lời thư Thánh Phaolô nói về tạ ơn, và để khuyến khích các con cùng với cha sống tâm tình tạ ơn Chúa mạnh hơn, nhiều hơn nữa trong những ngày đặc biệt này, chúng ta cùng theo dõi Thánh vịnh : “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 139, 16). Như vậy, tạ ơn Chúa phải luôn luôn là một việc làm thường xuyên. Cha ước mong lời tạ ơn trong thời điểm cuối năm này được ý thức và lan tỏa nơi tâm hồn của mọi con dân Đất Việt: như một ân huệ đặc biệt, Thiên Chúa đã ban cho quê hương chúng ta bình an trước sự càn quét hãi hùng của đại dịch Covid – 19. Dù có những xáo trộn và tổn thất nhất định về nhiều lãnh vực, nhưng cho tới thời điểm này, sánh với những vùng miền khác trên thế giới, quê hương chúng ta có thể nói là yên ổn thanh bình. Biết rằng, trong những ngày qua, dịch bệnh bất ngờ bùng phát tại một số tỉnh thành, nhưng với nỗ lực của các nhà hữu trách và sự quan tâm phòng bệnh của mọi người, chúng ta hy vọng rằng: mọi sự sẽ được trở nên tốt đẹp hơn.
Khi chia sẻ với các con những điều này, cha liên tưởng nhiều đến câu chuyện của mười người phong hủi trong phúc âm. Sau khi được chữa lành, chỉ có duy nhất một người biết quay lại để tạ ơn Chúa (x. Lc 17, 11 – 19). Phải chăng những người còn lại nghĩ rằng: đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, hoặc đương nhiên là Chúa phải chữa lành cho tôi, nên chẳng có lý do gì để tạ ơn Chúa. Câu hỏi biểu lộ sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu lúc đó và ngữ cảnh của câu chuyện này cho cha xác tín rằng: trong ngày hôm ấy, nhờ ơn Chúa ban, tất cả đã được chữa lành. Câu chuyện đó nhắc nhở chúng ta: hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Những ngày cuối năm này, chính là thời khắc đặc biệt để dâng lời tạ ơn, cầu xin một năm mới đang về với nhiều hồng ân mới.
- 2. Ước nguyện đầu xuân
Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng: trên khắp mọi miền đất nước, chưa có một lễ hội hay sự kiện nào mang nhiều sắc thái và ý nghĩa như là Tết Nguyên Đán. Tất cả mọi lễ nghi, phong tục tập quán vùng miền trong những ngày này, đều hướng tới một ước nguyện cho năm mới nhiều điều tốt lành nhất. Với đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy biến những ước nguyện ấy thành lời cầu xin dâng lên Chúa Xuân nhân lành. Trong thời khắc thiêng liêng của những ngày đầu năm, có thể các con sẽ thưa lên với Chúa nhiều điều, nhưng cùng với cha, các con hãy xin Người ban cho đất nước chúng ta được thái bình thịnh vượng, mọi người đều được hưởng niềm vui và những quyền lợi chính đáng trong cuộc sống. Đồng thời, trong bầu khí sum họp gia đình, các con hãy cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân nhân và cả bạn bè của mình nữa, vì đó là chiếc nôi ấm cúng và an toàn nhất cho các con vào đời. Sau cùng, với tất cả ý nguyện trong lời kinh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho đất nước và thế giới sớm thoát khỏi con đại dịch Covid – 19 này, để mọi người được trở về với công việc mưu sinh hàng ngày của mình. Đó cũng là các ý nguyện chính yếu của người Công giáo Việt Nam trong ba thánh lễ đầu năm: Mùng 01 – Cầu bình an năm mới; Mùng 02 – Kính nhớ ông bà tổ tiên; Mùng 03 – Thánh hóa công việc. Cha đoán rằng: khi đọc bức thư này, có thể các con đã lên kế hoạch cho những ngày Tết, điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, ngay trong Thánh lễ đầu tiên của năm mới, Chúa đã nói với chúng ta rằng: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ ban cho sau” (Mt 6, 33). Vậy, các con hãy cố gắng tham dự đầy đủ các Thánh lễ đầu năm. Đó chính là lúc các con sống và thể hiện niềm tin vào Nước Trời là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
- Chúc mừng năm mới
Các con thân mến,
Mùa xuân là thời gian của những điều mới mẻ. Năm mới Tân Sửu đang về, mang theo nhiều hy vọng và mở ra những cánh cửa mới. Với hình ảnh thật đẹp của con trâu trong thơ văn Việt Nam và trong ký ức tuổi thơ, cha mến chúc các con một năm mới phúc đức, khỏe mạnh, an lành. Cha cũng ước mong mỗi ngày của năm Tân Sửu sẽ là một món quà đặc biệt của Chúa dành cho các con. Xin Chúa thương ban cho các con một năm mới siêng năng trong học tập, cần cù trong rèn luyện bản thân, đạt nhiều kết quả mỹ mãn trong học tập.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN SỬU với muôn ơn lành của Thiên Chúa trên toàn thể gia quyến của các con.
Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2020.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2020
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2020
Các con thân mến,
Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Vọng, một mùa phụng vụ rất quen thuộc với truyền thống đức tin Kitô giáo. Thế nhưng, màu tím của Mùa Vọng của năm nay, lại mang thêm một sắc thái u buồn của đại dịch Covid-19 và bàng hoàng của bão lũ miền Trung. Thật vậy, cùng với thế giới, chúng ta đã có những trải nghiệm đầy lo lắng trong lần giãn cách xã hội toàn quốc, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Chung tay với dân tộc, chúng ta cũng đã có những hoạt động thiết thực, để xoa dịu phần nào những tổn thất nặng nề do thiên tai để lại. Tất cả những thực tại ấy vẫn đang còn là những khó khăn trước mắt chúng ta: gầy dựng lại cuộc sống sau mưa lũ lần này, quả là một thử thách quá lớn; mong chờ thế giới qua cơn đại dịch hôm nay, luôn là một ước mong đầy khắc khoải và âu lo. Dù vậy, trong những ngày này, giữa những nỗi buồn và sợ hãi ấy, phụng vụ của Giáo hội lại hướng chúng ta về một niềm vui: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi” (1Tx 5, 16). Chúng ta chẳng biết lời kêu gọi ấy có xoa dịu và đong đầy những khát vọng trên đây không, nhưng chắc chắn rằng, sự xác tín của tác giả sách Thánh vịnh là một bảo đảm cho đời sống đức tin của chúng ta: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống. Trước thánh nhan Ngài, ôi vui sướng tràn trề. Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 16, 11). Đây quả thật là một niềm vui lớn, một niềm vui có thể giúp ta vượt lên mọi nỗi buồn trong cuộc sống. Niềm vui này, hôm nay, cha muốn cùng với các con nhìn lại trong và với ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.
- Thiên Chúa yêu thương con người. Thật hợp lý khi gọi mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót, vì sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người là một minh chứng lớn nhất cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, như Thánh Gioan đã mô tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nhờ tình yêu này, con người yếu hèn của chúng ta được cứu thoát. Qua Người Con ấy, chúng ta có niềm vui ơn cứu độ nơi sự sống vĩnh cửu đời sau. Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh mà chúng ta sắp cử hành, để mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người, dù có phải bị xáo trộn bởi thiên tai dịch bệnh, vẫn luôn mãi là một sự kiện trọng đại, mang đến niềm vui thật lớn lao cho con người ở mọi nơi mọi thời. Lời của Sứ Thần Chúa vẫn nhẹ nhàng vang lên trên mọi bất ổn của cuộc sống: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 10 – 12). Lời loan báo cho kỷ nguyên mới này, vừa mang theo sự bình an sâu thẳm của Chúa, nhưng cũng vừa mạnh mẽ củng cố đức tin của chúng ta khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng.
- Chúa Giáng Sinh mang lại niềm vui. Chúa Giáng Sinh làm người, một sự kiện lịch sử không bao giờ phai lạt trong cuộc sống nhân loại, đã dần dần trở thành một ngày lễ chan hòa niềm vui cho toàn thế giới. Thật vậy, trong dịp lễ này, chẳng phân biệt màu da sắc tộc, gác lại những hận thù của chiến tranh, người ta vui cười ca hát, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, gửi cho nhau những ước mơ thanh bình.
Với đức tin Kitô giáo, đặt trong dòng chảy của lịch sử cứu độ, niềm vui của ngày lễ này càng được nhân lên gấp bội. Ta có thể dùng một hình ảnh thật dễ hiểu để mô tả về niềm vui ấy rằng: Tội nguyên tổ là một cuộc bắt cóc kinh hoàng nhất của ma quỷ, mà con người chúng ta là nạn nhân. Nó cướp đi từ trái tim chúng ta một dự định đầy yêu thương của Thiên Chúa cho hạnh phúc con người khi tạo dựng vũ trụ. Trong đau khổ miên trường của bóng đêm tội lỗi và mùa đông của đợi chờ, một tin vui được loan báo đầy ngỡ ngàng và trọng đại, một món quà được trao tặng như lớn hơn sự mong đợi của nhân gian: “Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta” (Đáp ca Thánh lễ Rạng Đông). Chúa đã giáng sinh làm người, để con người được trở nên chính mình, như trong ý định ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng muôn loài muôn vật.
- Ước nguyện. Qua miệng các Sứ Thần Chúa, niềm vui ấy vang dội như bài ca bất hủ tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Ước mong rằng trong những ngày đại lễ sắp tới, lễ của niềm vui, lễ của an bình, tất cả chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho tinh thần của ngày lễ nầy. Hỡi các bạn trẻ, cha sẽ cầu nguyện thật nhiều cho các con. Các con cũng hãy cầu nguyện cho cha nữa. Cùng với cha, các con hãy cầu nguyện cho những người nghèo, những người đau khổ vì thiên tai, những người bị gạt ra bên lề xã hội bởi không may mắn,…vì Chúa đã giáng sinh cho tất cả mọi người, chứ không cho một cá nhân hay một dân tộc riêng biệt nào cả. Các con cũng đừng quên cầu nguyện cho hơn một triệu rưỡi người, vì dịch bệnh Covid-19 này, đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng của đêm Chúa Giáng Sinh. Đứng trước máng cỏ, các con hãy phó dâng quê hương của mình trong bàn tay che chở của Chúa Hài Đồng. Xin Người ban bình an cho chúng ta và cho mọi người trên thế giới.
Các con thân mến, chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Lá thư này thay cho tấm thiệp, cha vui mừng cầu chúc các con một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức, một Năm mới Dương lịch vui tươi và hạnh phúc. Chúc các con đạt được một kết quả tốt đẹp trong kỳ thi Học Kỳ I này.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 18 tháng 12 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo