2021
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021
Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo: Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021
11/15/2021 1:44:34 PM
Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, bằng lá thư này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm thông và khích lệ chân thành đến tất cả quý thầy cô, những người mà tôi biết rằng trong lúc này đang hết sức mình thích nghi với những khó khăn trước mắt, để tiếp tục thực thi sứ mạng cao cả của mình.
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2021
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này kéo dài đã làm xáo trộn mọi thứ, ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt liên quan đến việc dạy học của các thầy cô và việc học của sinh viên học sinh. Trong yêu thương và chia sẻ, trong thích nghi và nỗ lực, quê hương chúng ta đã từng bước phục hồi những thiệt hại do đại dịch gây ra. Đối diện với thực tế hàng ngày, chắc chắn quý thầy cô đã và đang phải bối rối lo lắng trong phương pháp dạy và học mới.
Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam sắp đến, bằng lá thư này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm thông và khích lệ chân thành đến tất cả quý thầy cô, những người mà tôi biết rằng trong lúc này đang hết sức mình thích nghi với những khó khăn trước mắt, để tiếp tục thực thi sứ mạng cao cả của mình. Sự phấn đấu này làm tôi nhớ đến lời khuyến khích của Thánh Phaolô: “Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo” (Rm 12, 7). Từ lời khuyến khích này, trong tầm nhìn Kitô giáo, tôi cũng muốn chia sẻ đến quý thầy cô một vài suy nghĩ của riêng mình.
- Dạy và học online – một thách đố mới.
Trong ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, ngành giáo dục đang phải đối diện với nhiều bất cập chưa có tiền lệ. “Dạy và học online”, cụm từ này đặt cả thầy lẫn trò trong sự lúng túng và ngỡ ngàng với phương pháp dạy và học mới, kéo theo nhiều vấn đề nan giải mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Truyền thông xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo mô tả bức tranh toàn cảnh của cả nước trong việc chuẩn bị cho năm học mới bằng phương pháp trực tuyến và truyền hình đầy dẫy những thử thách.
– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, phải soạn thảo giáo án thế nào, dạy cách nào để khi dạy trực tuyến không bị nhiều người bình luận bàn tán, điều đó làm các thầy cô luôn ở trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng?
– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, vì trong phạm vi giáo dục, thì cần sự hiện diện trực tiếp thầy cô và trò, nhưng học trực tuyến thì khác, khoảng cách này bị giới hạn hoàn toàn?
– Chất lượng giáo dục sẽ ra sao, khi một số học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến hay học qua truyền hình vì thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet bị gián đoạn, học sinh ở các vùng, miền khác nhau học trực tuyến không đạt được kết quả học tập tốt như ý muốn? Và còn nhiều nữa…
Khi nêu lên những vấn nạn nầy, tôi ước mong được chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục nói chung, với thầy cô và học trò trong thời điểm dịch bệnh kéo dài này. Đồng thời, tôi cũng ước mong ngọn lửa nhiệt huyết của quý thầy cô đừng suy yếu hay tắt lịm trước những thách đố mới, vì trong mọi nơi mọi lúc, giáo dục luôn cần thiết cho đời sống của con người.
- Lợi ích của việc giáo dục.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Có lẽ không ai trong chúng ta dám phủ nhận sự cần thiết và lợi ích của giáo dục trong đời sống của con người về mọi lãnh vực. Và cho đến giờ này, cũng không ai chứng minh ngược lại với điều mà ông bà ta vẫn luôn nhắc nhở: “Không thầy đố mày làm nên”. Học trò cần thầy cô để giáo dưỡng. Bằng phương pháp giáo dục, con người thủ đắc được những kiến thức cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Hơn nữa, là giáo chức Công giáo, chúng ta còn được mời gọi thể hiện sứ mạng của mình dưới ánh sáng của đức tin. Nghĩa là, công việc của chúng ta không dừng lại ở việc đào tạo một con người có ích cho xã hội, mà phải hướng tới phần rỗi linh hồn của họ nữa. Thánh Phaolô gọi đó là một sự gột bỏ con người cũ để trở về với con người mới, vốn là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. Ep 4, 22-24). Một cách diễn tả khác trong thị kiến của ông Gióp, nói về những mối lợi mang đến do việc học hỏi từ Thiên Chúa. Việc học hỏi này còn giúp con người vươn đến những nhận thức có giá trị trổi vượt hơn nữa. Ông nói rằng: “Bấy giờ Người mở tai cho phàm nhân, làm cho họ sợ hãi vì những lời cảnh cáo, để kéo họ xa những việc đã làm giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm” (G 33, 16-18). Mặt khác, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo của Công Đồng Vaticanô II số 8, gọi thầy cô là những người đồng trách nhiệm với các bậc cha mẹ, chính là để nhắc nhở tầm quan trọng của sứ mạng giáo dục mà chúng ta thực hiện cho các môn sinh của mình.
- Vai trò của Giáo chức Công giáo.
Vào sáng thứ ba 05/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với vị đại diện các tôn giáo thế giới tham dự cuộc họp về chủ đề “Tôn giáo và Giáo dục: Hướng tới Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu”. Trong bài phát biểu, người nói rằng: “Nếu chúng ta muốn có một thế giới huynh đệ hơn, chúng ta phải giáo dục các thế hệ trẻ biết “nhìn nhận, trân trọng và yêu thương từng người, dù người đó gần hay xa về thể lý, dù người đó sinh ra hoặc sinh sống ở đâu”. Nguyên tắc cơ bản “Biết mình” luôn định hướng cho việc giáo dục. Nhưng chúng ta không được bỏ qua những nguyên tắc thiết yếu khác: “Biết anh chị em mình”, để giáo dục về việc đón tiếp người khác. “Biết thụ tạo”, để giáo dục về việc chăm sóc ngôi nhà chung, và “Biết Đấng Siêu Việt”, để giáo dục về mầu nhiệm vĩ đại của cuộc sống”. Những suy tư này, một lần nữa nhắc nhở chúng ta về vai trò đúng nghĩa của giáo chức Công giáo. Chúng ta không chỉ dừng lại trong phạm vi kiến thức thuần túy, mà còn phải hướng các bạn trẻ về một cuộc sống hướng thiện với đầy đủ các mối liên hệ: với chính mình, với tha nhân, với môi trường và với Thiên Chúa. Tiên tri Êdêkiel đã nói về ý muốn của Thiên Chúa cho các tư tế Lê-vi, vốn được coi là những bậc thầy trong dân chúng rằng: “Nó sẽ chỉ cho dân Ta biết phân biệt điều thánh thiêng với điều phàm tục, và sẽ dạy cho họ biết phân biệt điều ô uế với điều thanh sạch” (Ed 44, 23). Ước mong rằng: tất cả chúng ta, trong lúc kiên trì trao cho các môn sinh những kiến thức cần thiết trong chuyên môn, thì cũng đừng quên khơi lên trong các em một ý thức về điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tài và Đức là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng cùng được trau giồi và bổ túc cho nhau. Nhờ đó, Tài và Đức sẽ giúp con người trở nên toàn vẹn hơn.
Quý Thầy Cô thân mến,
Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi ân cần gửi lời kính chúc đến tất cả quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Nhà Giáo Việt Nam 2021 vui tươi và hạnh phúc trong sứ mạng giáo dục của mình. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống giáo chức, qua cách dạy và học online của thời điểm dịch bệnh Covid-19 này, nhưng hy vọng các thầy cô giáo vẫn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong việc giáo dục toàn diện cả xác lẫn hồn. Tôi cũng kính chúc quý thầy cô đã hưu trí an bình và mạnh khỏe.
Chúc Quý Thầy Cô trở thành những nhà giáo gương mẫu, dạy đạo nghĩa đối với Chúa, đối với ông bà cha mẹ và anh chị em học sinh với nhau, có ích cho Giáo Hội và xã hội.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2021.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2021
2021
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2021 – 2022
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2021 – 2022
Các con thân mến,
Dù đang ở đâu trên quê hương Việt Nam chúng ta, có lẽ chúng ta đều có chung một niềm trăn trở và âu lo trước sự bùng nổ lây lan của chủng mới đại dịch Covid-19. Qua các phương tiện truyền thông, những con số thống kê hàng ngày: ca nhiễm bệnh, ca tử vong, ca F0 chuyển biến nặng…, cho thấy mức độ tai hại của dịch bệnh nầy như thế nào. Chính vì lẽ đó, hôm nay, khi hướng về năm học mới, để an ủi nhau, để khuyến khích nhau, cha muốn dùng lời của tiên tri Giêrêmia như lời chào đầu thư của mình: “Lạy Đức Chúa, xin cứu chữa con, để con được chữa lành, xin cứu thoát con, để con được giải thoát, vì vinh dự của con chính là Ngài!” (Gr 17, 14). Và giờ đây, với những điều đã và đang diễn ra trong cuộc sống của các con, qua bức thư này, cha muốn chia sẻ với các con những điểm sau đây.
- Những sự kiện đáng nhớ trong mùa dịch
Trong phần này, khi theo dõi sinh hoạt của xã hội trong phạm vi giáo dục, cha nhìn thấy ba sự kiện chưa có tiền lệ.
– Sự kiện I. “Cuộc thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhất lịch sử”. Những hình ảnh thật cảm động và đáng nhớ về những gì đã diễn ra nơi cuộc sống học sinh của các con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của các con vừa qua. Cảm động vì cha đã chứng kiến những tình thương dạt dào hơn bao giờ hết của cha mẹ dành cho các con. Đáng nhớ vì các con phải trải qua một kỳ thi đầy bất an và hồi hộp từng phút một bởi dịch bệnh Covid-19. Người ta cũng thật có lý khi gọi đó là “cuộc thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhất lịch sử” (Trích báo điện tử “Dân trí” 10/8/2020 – Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo “nóng” kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020): Các sĩ tử của cả nước bất đắc dĩ phải chia ra thành nhiều đợt thi khác nhau, thậm chí 404 thí sinh ở Khánh Hòa đột ngột dừng cuộc thi do liên quan đến ca dương tính SARS-CoV-2… Thật cảm động và đáng nhớ khi nhìn thấy người cha ôm đứa con gái của mình động viên vì làm bài chưa đạt môn Tiếng Việt. Không khỏi nghẹn lòng khi nhìn thấy những cha mẹ đội mưa đứng chờ con mình bước ra khỏi phòng thi, chỉ vì “sợ nó ra mà không thấy ai” đón rước… Còn nhiều và nhiều nữa những câu chuyện như thế. Các câu chuyện đó cho phép cha tin chắc rằng: việc đào luyện văn hóa cho các con vẫn còn là một nỗi thao thức lớn nơi các gia đình. Đáng khen là cùng với sự đồng hành nhiệt tình của mọi người, các con đã mạnh mẽ vượt qua những áp lực vốn đã có nơi tất cả mọi cuộc thi.
Sự kiện II. Khai giảng năm học. Lịch tựu trường, khai giảng không thống nhất, thay đổi tùy theo tình huống dịch bệnh của các tỉnh thành khác nhau. Ngày 04/8/2021 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Quyết Định số 2551/QĐ-BGDĐT, đã ấn định khung kế hoạch thời gian cho năm học mới 2021 – 2022, theo đó, học sinh cả nước sẽ bắt đầu năm học mới trong tháng 9 (trích Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo). Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng sâu rộng hơn, các F0 ngoài cộng đồng chưa có dấu hiệu dừng lại hay kiểm soát được, số người tử vong theo thống kê hàng ngày của Bộ Y Tế còn rất cao, đặt chúng ta trước khởi đầu năm học mới một nỗi lo lắng hơn bao giờ hết. Đằng sau lớp khẩu trang chống dịch của mình, các con sẽ phải cất đi nụ cười rạng rỡ tuổi thơ của những ngày đầu năm học mới. Diện đối diện, nhưng các con cũng chẳng được nhìn rõ khuôn mặt thầy cô và bạn bè trang lứa. Và có thể là hơn nữa, các con không còn gặp lại một khuôn mặt nào đó thân quen trong ngôi trường hay trong chính lớp học của mình. Nhưng năm học mới chúng con “có thể” phải theo một cách học mới: Học “trực tuyến”.
Sự kiện III. Năm học lịch sử: Học “trực tuyến”. Học trên Internet. Cách học này gây nhiều khó khăn cho cả phụ huynh, giảng viên lẫn học viên, bởi vì trang thiết bị giảng dạy và học tập, sách vở học tập, phương pháp học tập, không phải mọi thành phần đều có đầy đủ. Như thế, việc học sẽ gặp nhiều trở ngại. Dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác năm học mới này trong sự quan phòng của Chúa chúng ta.
Trong hành trình lớn lên của mình, các con vẫn coi tri thức là một giá trị quan trọng, cần phải được trang bị đầy đủ nhất có thể. Ước mong rằng: dù kết quả của mọi kỳ thi ra sao, học “trực tuyến”, hay dù sống trong bất cứ hoàn cảnh học tập nào, các con cũng đừng đánh mất nhận thức đúng đắn ấy. Các con hãy nhớ: học vấn luôn là trang sức đẹp nhất cho con người. Sách Huấn Ca đã nhắc đến điều này một cách khéo léo: nhờ học mà các con có được sự hiểu biết, và khi cần, các con biết đưa ra câu trả lời thích hợp (x. Hc 8, 9).
- Định hướng cho năm học mới
Trong vai trò đồng hành Kitô giáo, cha muốn nói đến định hướng đức tin cho các con trong năm học mới này. Nghĩa là ngoài việc chăm chỉ trang bị kiến thức văn hóa, vốn là việc làm chính yếu của các con lúc này, thì các con còn phải cố gắng học hỏi và tập luyện các nhân đức cho đời sống đức tin của mình. Trong năm nay, các con hãy học nơi Chúa Giêsu lòng trắc ẩn (x. Mt 9, 36; 14, 14). Đó là một bài học lớn mà có lẽ chưa ai giải thích và học được trọn vẹn ý nghĩa của nó. Trong Phúc âm, nhân đức này cũng không được đóng khung ở một lời giải thích hay một câu chuyện, mà nó được Chúa Giêsu thực hiện trong suốt cuộc sống rao giảng Tin mừng của Ngài. Qua đó, chúng ta nhìn thấy điều mà Kinh Thánh luôn luôn thể hiện: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn” (Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Thánh ca Benedictus).
Cha nhớ lại những hình ảnh đáng ghi nhớ ở TP.HCM tháng 7 tháng 8 vừa qua, thời điểm quá khó khăn và lo lắng về mọi mặt bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Thế mà những chuyến xe cứu trợ vẫn lăn bánh, nhân viên y tế và an ninh vẫn cật lực thâu đêm, ATM thực phẩm vẫn tuôn chảy hàng ngày, “ông Cha phát gạo nè”, “nhà thờ đang phát gạo” …, bước chân của tình nguyện viên trong đó có các Linh mục, Tu sĩ nam nữ vẫn kiên trì tiến lên … Với cha, đó là biểu hiện cao cả và sống động của lòng trắc ẩn. Phần các con, các con hãy cám tạ Chúa vì đã có những người can đảm đứng ở tuyến đầu che chở và bảo vệ cho mình. Thế nhưng các con cũng được kêu gọi thể hiện lòng trắc ẩn trong lúc này, qua việc góp phần nhỏ bé của mình, để đẩy lui dịch bệnh, mang lại sự bình an cho các bệnh nhân Covid-19. Các con cũng đừng quên rằng bên cạnh các con cũng còn có rất nhiều bạn sống trong hoàn cảnh khó khăn. Hãy làm một cái gì đó thật thực tế để giúp đỡ các bạn ấy theo khả năng của mình. Đó là lúc các con đang học và thực hành lòng trắc ẩn từ nơi Chúa chúng ta.
Lưu ý đề phòng dịch bệnh. Song song với lộ trình: – lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 – tiêm chích Vaccine, – trong mọi nơi mọi lúc, cha khuyên các con hãy cố gắng thực hiện nghiêm chỉnh phương châm 5K rất quen thuộc, cũng như mọi khuyến cáo phòng bệnh được ấn định cho từng thời điểm và từng vùng của Bộ Y Tế.
- Lời chào chúc năm học mới
Các con thân mến, dù chúng ta đã kết thúc năm học 2020 – 2021 trong u buồn và dang dỡ bởi đại dịch Covid-19, nhưng thời gian không cho phép chúng ta dừng lại. Theo kế hoạch chung, ngày Chúa nhật 05.9 tới đây, tiếng trống khai trường sẽ vang lên để khởi đầu cho năm học mới. Cha nguyện ước cho tiếng trống ấy cũng báo hiệu cho một giai đoạn mới: an bình sau đại dịch, người người sẽ trở lại với công việc, nhà nhà sẽ mở cửa trong niềm vui, các con sẽ hạnh phúc gặp lại thầy cô và bạn bè. Trong ước nguyện ấy, cha cầu chúc các con và gia đình luôn khỏe mạnh, bình an. Chúc các con học tốt, học giỏi và luôn có lòng trắc ẩn với mọi người.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 01 tháng 9 năm 2021.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2021
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Thương quá Sài Gòn ơi! – Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy.
THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI !
THƯ KÊU GỌI CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GỬI ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Toà Giám mục Huế, ngày 09/07/202
Kính thưa Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha và mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành ổ dịch lớn nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Thủ Tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 16, đặt thành Phố Hồ Chi Minh trong tình trạng giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 09/07/2021. Phải quyết liệt như thế may ra có thể kìm hãm được phần nào thảm hoạ đang hung hãn lan tràn. Nhưng đây lại là một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng : lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai….Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây ? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa ?
Anh chị em hãy nhớ lại : chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm cơn hoạn nạn…Các tỉnh miền trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi lại dấu chân người Saigon khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt nam lúc nào cũng thì thào : một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)
Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình ôxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hổ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận hàng cứu trợ là : Văn Phòng Hội đồng Giám mục, tại số 72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3. Xin liên hệ với Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ qua đường dây nóng số 09.04.24.11.60. Sau khi nhận, Văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng và tiền đến từ các tỉnh. Văn phòng cũng sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để giúp làm thủ tục vận chuyển hàng hoá vào thành phố. Tài khoản : Văn phòng Hội đồng Giám mục VN, VNĐ số 0602.5831.4789; USD số 0602.5831.7699; ngân hàng Sacombank – chi nhánh Gò Vấp.
Không biết khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài bao lâu, sẽ diễn biến như thế nào. Nhưng đối với tín hữu Kitô, đây là một dấu chỉ thời đại đòi chúng ta phải tỉnh thức để nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa. Đại dịch tàn phá, nhưng chúng ta, cùng với đồng bào VN khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại sẽ xây dựng một thành phố mới và một hệ thống xa lộ mới bằng vật liệu tình thương.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị lấy năm 2021 làm năm tôn vinh Thánh Giuse. Chúng Ta cầu nguyện cho Vị cha chung của chúng ta (đang tĩnh dưỡng tại bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đại tràng) sớm bình phục, nhất là cùng với ngài, chúng ta phó thác nhân loại và dân tộc vào đôi tay phù trợ của Thánh Cả Giuse.
Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi cầu chúc mọi người được bằng an vượt qua đại dịch.
Thân ái và trân trọng kính chào.
Đã ký và đóng dấu
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam