2020
Thông báo khẩn về Thánh Lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THÔNG BÁO KHẨN
VỀ THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN TRONG THỜI GIAN ĐẠI DỊCH
Kính gửi: Quý Đức Hồng y, quý Đức cha,
và toàn thể cộng đồng Dân Chúa Giáo Hội Việt Nam.
Ngày 30/03/2020, Đức Hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã công bố sắc lệnh số 156/20 về “Thánh lễ trong thời gian đại dịch”. Sắc lệnh và bản văn Thánh lễ đã được Uỷ ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN chuyển ngữ (gửi kèm dưới đây). Đức Hồng Y Bộ trưởng đã hướng dẫn rõ ràng về cách cử hành trong sắc lệnh này.
Nay, thể theo đề nghị của một số Đức cha, Giáo Hội Việt Nam nên có một thời điểm chung để cầu nguyện theo hướng dẫn của Đức Hồng y Bộ trưởng, Giáo Hội Việt Nam sẽ tổ chức ngày TOÀN QUỐC CẦU NGUYỆN CHO DỊCH BỆNH SỚM CHẤM DỨT vào THỨ BẢY 04/04/2020, các Thánh lễ sẽ sử dụng bản văn “Thánh lễ trong thời gian đại dịch” do Uỷ ban Phụng tự/ HĐGM phổ biến.
Chính Chúa Giêsu đã dạy nếu chúng ta họp nhau cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ nhận lời (x. Mt 18, 19-20). Thánh lễ Giáo Hội Việt Nam sắp cử hành chắc chắn sẽ chạm đến trái tim giàu lòng thương xót của Chúa.
Huế, ngày 02/04/2020
đã ký
+ Giuse NGUYỄN CHÍ LINH
Tổng Giám mục Tgp. Huế
Chủ Tịch HĐGMVN
Đính kèm:
– Sắc lệnh 156/20 của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích,
– Bản văn “Thánh lễ trong thời gian đại dịch”.HDGMVN Thong bao khan
2020
Thư gửi học sinh – sinh viên nhân dịp Đại Lễ Phục Sinh 2020
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP ĐẠI LỄ PHỤC SINH 2020
Chúng con thân mến,
Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần lễ đặc biệt nhất của người Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới, với những lễ nghi được xếp vào loại “Mẹ của mọi lễ Canh Thức” (x. Quy luật tổng quát về niên lịch và năm phụng vụ, số 21). Tuy nhiên, Tuần Thánh của chúng ta năm nay lại được cử hành trong một thời điểm và một cách thức với nhiều diễn biến bất thường của cơn đại dịch Covid – 19. Cuộc sống của các con, đa phần chỉ là việc học hành, nhưng có lẽ chưa bao giờ phải đối diện với những xáo trộn và lo lắng như thế. “Bình an cho anh em” là điều mà Chúa Phục Sinh đã trao cho các môn đệ sau khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Thầy mình (x. Lc 24,36). Trong niềm tín thác ấy, cha muốn chia sẻ đôi điều về mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta sắp cử hành, ước mong như một lời cầu nguyện, xin Đấng Phục Sinh ban cho chúng ta bình an của Người trong thời khắc mà chúng ta phải đau đớn chứng kiến những hậu quả nặng nề của đại dịch lịch sử này.
- Lễ Vượt Qua cũ, lòng thương xót được tỏ bày.
Mầu nhiệm mà chúng ta sẽ cử hành trong Tuần Thánh gắn liền với lễ Vượt Qua của người Do Thái, một biến cố trọng đại trong lịch sử của dân tộc này: Giavê Thiên Chúa giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa họ vào đất Ngài đã hứa. Sách Xuất Hành mô tả lại biến cố có một không hai ấy, với những chi tiết đầy lòng thương xót và quyền năng của Giavê Thiên Chúa, với sự thán phục của người Do Thái và sự thất bại của người Ai Cập. Cuộc vượt qua này, dù không bao giờ rơi vào quên lãng, nhưng cũng đã phải dừng lại ở kết quả giúp dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, thoát khỏi những lầm than khốn khó nơi Ai Cập xứ lạ quê người để tiến về Đất Hứa (x. Xh 14,10-31). Từ đó, chúng ta liên tưởng đến cuộc vượt qua thứ hai, giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, nô lệ của sự chết.
- Lễ Vượt Qua mới, niềm hy vọng đã bừng sáng.
Mở đầu Phúc âm chương 13, Thánh Gioan nói về việc Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Đây là hình ảnh một cuộc vượt qua mới. Nơi cuộc vượt qua này, bằng con đường thập giá và phục sinh vinh hiển của Con của Người, Chúa Cha đã đem chúng ta, không phải từ miền đất Ai Cập tủi buồn đến vùng Đất Hứa trù phú của lịch sử xa xưa, nhưng “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Col 1,13). Nói cách khác, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, vào đúng dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, như minh chứng rằng: Đức Kitô là chiên vượt qua mới, đã chịu sát tế không phải vì tội lỗi của mình, nhưng vì chúng ta và cho chúng ta (x. Rm 4,25). Nếu như dân Do thái bên đất Ai Cập năm xưa đã được cứu sống nhờ máu con chiên bôi trên cửa, thì hôm nay, nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Ngài đã đem lại sự sống mới cho chúng ta. Đó chính là niềm hy vọng và niềm tin của người Kitô hữu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại trong Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2017: “Qua sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta ra khỏi tội lỗi và sự chết, và đã mở ra trước mắt chúng ta con đường của sự sống”.
- Sống tinh thần Vuợt Qua.
Chúng con thân mến,
Mùa Chay đã dần khép lại, một mùa Phục Sinh mới lại bắt đầu. Nếu Đức Kitô chỉ phục sinh nơi mộ đá lạnh lùng của năm xưa, mà không sống lại nơi con người chúng ta, thì sự kiện ấy vẫn là câu chuyện của dĩ vãng. Với ơn Chúa giúp, nếu mỗi người chúng ta không quyết tâm sống tốt hơn, lành thánh hơn, thì dù ta có hát trăm lần Hallêluia mừng Chúa sống lại cũng sẽ trở thành vô nghĩa và vô ích. Cho nên, chúng con cần phải canh tân con người của chúng con theo tinh thần phúc âm của Chúa Phục Sinh.
Ngay lúc này, như cha đã nói ở trên, chúng ta đang phải đối diện với những đe dọa rất nghiêm trọng của đại dịch Covid – 19, cha luôn nghĩ đến và muốn viết lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng con: “Đức Kitô đang sống và Ngài muốn bạn sống! Ngài ở trong bạn, Ngài ở cùng bạn và Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bao lâu bạn tìm cách lánh xa, thì chính Đấng Phục Sinh ở gần bên bạn, mời gọi và chờ đợi bạn làm lại từ đầu. Khi bạn cảm thấy sự già nua vì buồn bã, thù hận, sợ hãi, nghi ngại hay thất bại, Ngài sẽ ở đó để một lần nữa trao cho bạn sức mạnh và hy vọng” (x. Christus Vivit, 1-2).
Từ những lời đầy hy vọng và tin tưởng ấy, cha chúc mừng lễ Phục Sinh đến tất cả chúng con. Xin Chúa Phục Sinh luôn ở bên cạnh chúng con mọi nơi mọi lúc, để giúp chúng con vượt qua chính mình, can đảm đứng lên sau những lần vấp ngã, quyết tâm và nhiệt thành làm lại những gì mình đã thất bại. Chúng ta hãy cùng sống lại con người mới với Chúa Phục Sinh trong đời sống hàng ngày. Đó cũng là cách thức hữu hiệu sống mầu nhiệm Vượt Qua, làm chứng cho mọi người biết rằng: Chúa đã phục sinh.
Xin Đức Kitô, Đấng đã xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, luôn đồng hành và ban bình an cho tất cả chúng ta, cho gia đình và dân tộc, đặc biệt cho tất cả những nhân viên y tế đã và đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch, bảo vệ sự an toàn cho mọi người.
Xin Mẹ Đấng Phục Sinh an ủi và chở che tất cả chúng ta, vì đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch gây ra, không thể mừng đại lễ Phục Sinh của Con Mẹ cùng với nhau trong ngôi Nhà thờ Họ Đạo thân yêu của mình.
Thân ái trong Đức Kitô Phục Sinh.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 3 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư Chung 2019
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA,
ĐẶC BIỆT LÀ CÁC BẠN TRẺ
NĂM 2019
- Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 Giáo phận, tham dự Đại hội XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, xin gửi lời chào thân ái trong Chúa Kitô đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ. Đại hội là cơ hội để chúng tôi nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, vào lúc kết thúc Đại hội, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội Việt Nam trong những năm tới.
Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình “Mục vụ gia đình”. Cảm ơn anh chị em đã đồng lòng hưởng ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục bằng những nỗ lực hành động cụ thể. Tạ ơn Chúa vì chương trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
- Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
Cùng chung những thao thức ấy, chúng tôi quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022).
Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ. Đấng Phục sinh đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Vì thế, hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: (1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ; (2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
A – Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay
- Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.
Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.
B – Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ
- Trong bối cảnh trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.
Hơn thế nữa, “tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134). Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).
Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50). Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).
C – Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân
- Theo hướng đi trên, chúng tôi mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221). Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.
- Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Để thực hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị:
a – Học hỏi:
– Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
– Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
b – Cử hành:
– Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
– Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
c – Sống:
– Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
– Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
– Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.
- Trong Thư Chung này, chúng tôi muốn trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2020: “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”.
Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
a – Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
b – Tâm lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
c – Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.
d – Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).
e – Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.
- Kết thúc thư này, chúng tôi muốn ngỏ lời với tất cả các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam.
Các con rất thân mến,
Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.
Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng
Ngày 4 tháng 10 năm 2019
đã ký
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam
2020
Thư Mục vụ của HĐGMVN sau Hội nghị thường niên kỳ II/2018
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ MỤC VỤ 2018
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 26 Giáo phận, tham dự Hội nghị thường niên kỳ II-2018 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Giêsu Kitô. Qua thư này, chúng tôi xin gửi tới anh chị em một vài thông tin và định hướng mục vụ.
- Ngày 21 tháng 5 năm 2018, Phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Marek Zalewski làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục Marek Zalewski gia nhập ngành ngoại giao của Tòa Thánh từ năm 1995 và đã phục vụ tại nhiều nhiệm sở khác nhau trên thế giới, trước khi nhận nhiệm vụ tại Singapore và tại Việt Nam.
Nhân dịp Hội nghị thường niên kỳ II-2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 24-9-2018, chúng tôi vui mừng đón tiếp vị tân Đại diện Tòa Thánh. Thay mặt Dân Chúa tại Việt Nam, chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã luôn quan tâm đến đoàn chiên nhỏ bé tại Việt Nam và gửi đại diện của ngài đến đồng hành. Chúng tôi hy vọng sự hiện diện của vị Đại diện Tòa Thánh sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh, củng cố mối hiệp thông của Hội Thánh Việt Nam với Hội Thánh phổ quát, cũng như thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu trên quê hương đất nước chúng ta.
- Như đã trình bày trongThư Chung 2016, Hội Thánh Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2018-2019, chúng ta được mời gọiđồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây những nét căn bản trong Thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016:
Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xin anh chị em lưu tâm đến những hoàn cảnh sau:
Trước hết là các gia đình di dân: ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách.
Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo: trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.
Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.
- Hội nghị thường niên kỳ II-2018 diễn ra trong Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Để sống tinh thần của Năm Thánh, chúng tôi đã hành hương về giáo xứ Ba Giồng, nơi tôn kính Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu và 27 giáo dân tử đạo. Cha thánh Phêrô Lựu đã dõng dạc trả lời quan án trước công đường: “Đạo thánh đã thấm vào xương tủy tôi rồi, làm sao tôi bỏ Đạo được”. Ước gì Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng thấm vào xương tủy chúng ta, nhờ đó có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng chính đời sống của mình. Các Thánh Tử Đạo là những người yêu mến Quê hương và Dân tộc Việt Nam. Trong cuộc hành hương này, chúng tôi cầu nguyện cho Quê hương được bình an, lãnh thổ, lãnh hải được toàn vẹn, nhân phẩm được tôn trọng và đồng bào được hạnh phúc. Xin anh chị em hãy tiếp tục cùng với chúng tôi thân thưa với các ngài:
“Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã yêu mến Quê hương, xin cầu cho Đất nước được an vui hạnh phúc và mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình. Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận, xin cầu cho đồng bào mọi giới biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Các ngài đã hi sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho chúng con là con cháu, biết sống và chia sẻ niềm tin của mình, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca tụng Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.”
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Mỹ Tho
Ngày 27 tháng 9 năm 2018
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Tổng thư ký Chủ tịch
(đã ký) (ấn ký)
+Phêrô Nguyễn Văn Khảm +Giuse Nguyễn Chí Linh
Giám mục GP. Mỹ Tho Tổng giám mục TGP. Huế