2020
Tội nguyên tổ dưới nhẫn quan duy thức
Tội nguyên tổ dưới nhẫn quan duy thức
Từ vài chục năm nay, vấn đề Tội Nguyên Tổ đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi giữa những nhà thần học Công Giáo và sở dĩ như thế là vì nó có liên hệ tới hai lãnh vực Khoa Học và Thần Học như sau.
Hiện nay, khoa học đã có những hiểu biết vượt bực về vũ trụ, thiên văn, cổ sinh vật học, nhân chủng học v,v…và vì thế người ta không thể chấp nhận có hai con người đầu tiên được sinh ra gọi là nguyên tổ Adam, Eva và khi đã không có nguyên tổ thì cũng chẳng làm gì mà có cái gọi là Tội Nguyên Tổ ?
Còn nếu xét trên phương diện thần học cũng không thể chấp nhận Tội Nguyên Tổ. Lý do là vì ta có thể đặt giả thuyết nếu Adam, Eva không nghe lời cám dỗ của rắn Sa Tan thì đã không phạm tội đến nỗi bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng thì cần gì Đức Ki Tô phải xuống thế làm người hầu cứu chuộc thiên hạ ? Còn như nếu nhìn nhận có Tội Nguyên Tổ thì chẵng lẽ Đức Ki Tô chỉ đến để sửa chữa những hư hỏng do Adam lỡ gây ra cho kế hoạch…bất toàn của Thiên Chúa hay sao ?
Công nhận hay phủ nhận Tội Nguyên Tổ như vậy đều không thể được và Tội Nguyên Tổ rút cục đã trở thành như …miếng xương gà mắc nơi cổ họng, khạc không ra mà nuốt vào cũng chẳng được: “ Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì thì đó phải là vấn đề Tội Nguyên Tổ ( Tội Tổ Tông Truyền ). Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên Adam và Eva tức khắc phải đối đầu với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông bà Nguyên Tổ đã truyền lại cho con cháu về sau cả một tội trạng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa, không thể nào chịu đựng được. Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chắc phần thất bại. Và không riêng gì giáo lý viên mà cả tính cách đáng tin của Giáo Hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su cũng chuốc lấy luôn thảm bại nữa” ( Nguồn: Conggiao Info – 18/6/2015 – Tội Nguyên Tổ ).
Tại sao chấp nhận Tội Nguyên Tổ thì niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê Su lại chuốc lấy thảm bại ? Đó là vì nếu đã chấp nhận Tội Nguyên Tổ thì đương nhiên cũng phải nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa. Đang khi đó với Đấng gọi là Tạo Hóa đó không thể là Cha Đức Ki Tô cũng như mạc khải của Ngài: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Một đàng chỉ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải mới…biết về Cha. Đàng khác thần học lại khẳng định Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như vậy thì còn cần chi tới mạc khải ? Thật sự, đấng được gọi là Tạo Hóa ấy chỉ là một quan niệm của thần học và quan niệm ấy lại thoát thai từ triết học Hy Lạp, nói chính xác là của Aristote: “ Với tín hữu Ki Tô giáo, vũ trụ và sự vận hành trong vũ trụ là do Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô. Trái lại với Aristote cả vũ trụ, cả vận hành của nó đều có từ đời đời và không bị tạo dựng bởi Thiên Chúa. Với Aristote “ Thiên Chúa” chỉ được quan niệm như một sức mạnh kiểu Đệ Nhất Động Cơ để làm cho trời đất vận hành thế nên vị…thần Động Cơ này không biết gì đến vũ trụ, cũng không lo lắng…Thiên Hựu ( Providence ) cho vũ trụ” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP – Q.2 ).
Một Đấng Tạo Hóa mà lại không quan tâm gì đến vũ trụ thì làm sao có thể là Cha của Đức Ki Tô ? Như vậy quan niệm Đấng Tạo Hóa thuần túy chỉ là sản phẩm của triết Hy Lạp, nó chẳng có quan hệ gì tới Đấng Cha của Đức Ki Tô cũng như của hết thảy Ki Tô Hữu chúng ta.
Có câu hỏi không thể không đặt ra đó là tại sao quan niệm Đấng Tạo Hóa lại có thể thống ngự Giáo Hội suốt trong bao thế kỷ ? Nguyên nhân sâu xa là vì thần học từ trước tới nay vẫn là Duy Lý. Triết gia Clement d, Alexangdria vào đầu thế kỷ thứ III nói: “ Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế, nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy cứ để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý” ( Giáo Phụ – Tập I, từ TK 1 đến TK 4 ).
Ngay từ những thế kỷ đầu, đức tin đã bị triết Hy Lạp chinh phục và rồi đến thế kỷ 13, xét trên phương diện thần học, Giáo Hội đã chính thức bước vào con đường Tục Hóa khi công nhận Aristot cùng với Thánh Gioan Baptixita là…Tiền Hô của Đức Ki Tô: “Tiền Hô của Christ trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên, không khác gì Jean Baptist trong những gì thuộc lãnh vực ơn sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus, sicut Joannes Baptista in rebus gratituitis )
Thần học hiện nay gọi là Duy Lý bởi vì đã nhìn nhận câu định nghĩa của Aristot như là nền tảng của triết học: “ Người là con vật biết suy lý” ( L, home est l,animal raisonnable ). Lấy Lý Trí làm nền tảng cho triết học, đây là sai lầm nghiêm trọng của triết học Tây Phương nói chung và của thần học Ki Tô giáo nói riêng. Tại sao ? Bởi vì Lý Trí luôn là Lý Trí phân biệt và nó chính là Tội Nguyên Tổ trong câu chuyện có tính biểu tượng của Sách Sáng Thế: “ Giehova ĐCT đem người vào cảnh vườn Eden để trông và giữ vườn. Rồi Đức Giehova phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 15 -16 ).
Biết ở đây có nghĩa là biết phân biệt điều thiện và điều ác. Tại sao biết phân biệt điều thiện, điều ác lại là…tội ? Bởi vì chính cái biết phân biệt ấy mà đã hình thành nên một…Cái Ta ( Ngã ) và cũng chính bởi …Cái Ta ấy đã làm cho con người xa cách nhau cũng như với thiên nhiên, trời đất.
Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời mục đích để cho con người được…làm hòa với Thiên Chúa và với nhau. Nhưng bởi u mê chấp ngã nên con người đã không chấp nhận: “ Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng ĐCT. Đạo ấy ban đầu ở cùng ĐCT . Muôn vật bởi Ngài dựng nên, ngoài Ngài chẳng có vật gì được dựng nên. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm mà tối tăm chẳng tiếp nhận” ( Ga 1, 1 -5 ).
“ Đạo” cần được hiểu như là Chân Tâm thường trú ở nơi mỗi người. Chân Tâm ấy rộng lớn như hư không, không ngằn, không mé, bao la vô cùng vô tận, không một…vật gì có thể ngoài Chân Tâm ấy mà có. Nhà Phật phát biểu chân lý ấy thế này: “ Tam giới duy Tâm. Vạn pháp duy Thức”.
Tam giới tức là Dục Giới. Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Cả ba cùng trong một Chân Tâm cũng gọi là Phật Tánh vốn đã sẵn đủ ở nơi mỗi người. Còn Vạn Pháp Duy Thức có nghĩa muôn sự muôn vật đều là Thức, do Thức biến hiện. Nói cách đơn giản và dễ hiểu thì tất cả những gì gọi tên ra được đều là Thức. Cái nhà là Thức, con vi trùng vô hình là Thức mà mặt trời to lớn kia cũng là Thức. Tóm lại đó chỉ là những cái ..tên, cái danh mà thôi.
Đang khi Chân Tâm thì bao la vô cùng vô tận, thế mà tại sao lại phân chia manh mún thành ra những cái Thức, cái tên như vậy ? Xin thưa tất cả là do Thức Phân Biệt còn gọi là Thức thứ sáu trong Duy Thức Học.
Sở dĩ có tên là Thức thứ sáu bởi vì nó …đứng hàng thứ sáu trong Bát Thức Tâm Vương: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Mạt na thức và Alaida thức.
Có năm Thức trước gọi là Tiền Ngũ Thức:
1, Nhãn thức: Có vật trước mắt, thấy vuông, tròn, méo, lớn nhỏ v.v…
- Nhĩ thức: Có tiếng động, tai nghe sanh các biết, biết tiếng trầm, tiếng bổng, thanh, thô v.v…
- Tỷ thức: Có những mùi đem gần mũi, biết thơm, biết thối v.v…
- Thiệt thức: Có đồ ăn đem vào miệng, lưỡi nếm, sanh các biết, biết mặn, ngọt, cay, chua v.v…
- Thân thức: Có vật đụng chạm đến thân sanh các biết, biết mềm, cứng, biết nóng, lạnh v.v…
Năm cái biết ( Thức ) này chỉ là cảm biết chứ không phải là Thức nếu chưa có Ý Thức xen vào. Nói cho dễ hiểu khi ta nhìn một bông hoa thì đó mới chỉ là một thứ cảm biết ( tri giác ). Chỉ khi nào thấy nó đẹp, xấu, lớn, nhỏ….thì mới được gọi là Thức.
Trong tám thứ Thức thì Thức thứ sáu này khôn ngoan, lanh lẹ hơn hết. Suy nghĩ làm việc phải, Thức này đứng đầu mà tính toán làm việc quấy nó cũng hơn cả ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Lý do khiến định công, tội của Thức thứ sáu là vì tất cả những gì mà Thức này do phân biệt mà có ấy đều được Thức thứ bảy ( Mạt na Thức còn gọi là Thức chấp ngã đưa vào chất chứa ở nơi Thức thứ tám Alai da ( Tạng Tâm )
Khi nhìn bông hoa ở công viên hay nhà người mà khởi Tâm tham muốn hái đem về …trưng ở nhà mình thì đó là Tâm tham do ngã chấp điều khiển.Trái lại cùng nhìn bông hoa ấy mà không khởi đẹp, xấu, đó gọi là Tâm vô ngã là thấy đúng như thực tại nó là.
Tội của Ý Thức chính là thấy có một Cái Ta và vì Cái Ta đó mà hành động. Ngược lại bỏ đi cái ý thức phân biệt ấy đó lại là Công. Dù là Công ( Vô Ngã ) hay Tội ( Chấp Ngã ) mà làm thì tất cả những việc làm ấy đều được đem chất chứa lâu ngày chầy tháng để trở thành cái Nghiệp của mỗi người.
Có hai thứ Nghiệp, một là Nghiệp thế gian, hai là Nghiệp xuất thế gian. Đạo Chúa là đạo xuất thế gian: “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu mến những kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 19 ).
Để ra khỏi thế gian thì cần có “ Nhân” xuất thế và cái “ Nhân” xuất thế ấy chính là biết vâng theo Thánh Ý Chúa: “ Có người thưa với Ngài rằng: Kìa có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn tìm cách nói với Thầy. Chúa đáp: Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta.? Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ mà phán: Này là mẹ Ta, là anh em ta vì hễ kẻ nào làm theo Thánh Ý Cha Ta thì nấy là anh em và là mẹ Ta” ( Mt 12, 47 -50 ).
Vâng theo Thánh Ý Chúa đó là đã tạo cho mình một cái “ Nhân” tối thượng. Kinh Mân Côi có sức huân tập rất lớn, bởi lẽ để thực hành Kinh này thì phải lập đi lập lại lời chào mừng của sứ thần Gabriel trong Ngày Truyền Tin mở đầu cho Ơn Cứu Độ.
Thật diệu kỳ, Ơn Cứu Độ lại được mở ra sau khi Nguyên Tổ bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng cùng với lời trách phạt của Đức Chúa Giehova với rắn Sa Tan: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Chính Tội Nguyên Tổ lại mang Ơn Cứu Độ đến cho con người. Nhận ra chân lý thâm sâu này, Thánh Augustin đã phải thốt lên: Ôi ! Đây thật là tội hồng phúc ( Felix Culpa )./.
Phùng Văn Hóa
2020
Giao Ước – Ân Điển Của Thiên Chúa Dành Cho Con Người
Tìm hiểu về giao ước, chúng ta sẽ thấy, trước hết giao ước gắn liền với Thiên Chúa, vì giao ước là danh xưng của Thiên Chúa. Thật vậy, sách Giáo lý Công Giáo (GLCG) viết: “Thiên Chúa của Giao Ước” (số 401) và mô tả Thiên Chúa như là Đấng “đến gặp gỡ con người qua các giao ước của Người” (số 309). Đồng thời GLCC khẳng định mỗi chúng ta được mời “để giao ước với Đấng Sáng Tạo, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được” (số 357).
Trong Cựu Ước, ngôn sứ I-sai-a đã từng loan báo về một nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn làm Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Đây là Người Tôi Tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quí mến” (Is 42,1),“Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49,5). Người Tôi Trung đó được Thiên Chúa đặt làm giao ước: “Ta đã đặt ngươi làm giao ước với dân” (Is 42,6; 49,8). Người Tôi Trung mà ngôn sứ I-sai-a loan báo đó, trong Tân Ước, được tác giả Tin Mừng Mát-thêu xác tín là Đức Giê-su (x. Mt 12,8), và Đức Giê-su cũng chính là giao ước vì Người đã nói: “Này là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu…” (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20), “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy…” (1 Cr 11,25). Tác giả thư Híp-ri cũng khẳng định rằng Đức Giê-su “đã trở nên Đấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn” (Hr 7,22), “là Đấng trung gian cho một giao ước tốt đẹp hơn” (Hr 8,6), “là Đấng trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ” (Hr 9,15).
Theo hồng y Jean Danielou, S.J., giao ước được kể là một trong những danh xưng của Thiên Chúa trong Ki-tô giáo thời kỳ đầu.[1] Theo đó trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV (phụng vụ của Hội Thánh) đã cầu nguyện như sau: “Lạy Cha…. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Ðấng tạo hoá, con người cai quản mọi loài thụ tạo. Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết…. Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người… và khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Ðấng cứu độ chúng con”.
Trong Cựu Ước, thuật ngữ giao ước gốc Híp-riבְּרִית (berít) nghĩa là việc cắt, sự cắt, có lẽ phát xuất từ động từ בתר (batar), nghĩa là cắt làm đôi. Như vậy, thuật ngữ giao ước hẳn là có liên quan trực tiếp đến nghi thức, cách thức thực hiện giao ước trong thế giới Kinh Thánh Cựu Ước (x. St 15,9-20).
Các tác giả Tân Ước dùng thuật từ Hy-lạp διαθήκη (diathêkê) để chỉ giao ước (x. Mt 26,28; Lc 1,72; Cv 7,8; Rm 9,4; Gl 4,24; 1 Cr 11,25; 2 Cr 3,6). Danh từ διαθήκη (diathêkê) bởi động từ διάτίθημι (diatithêmi), nghĩa là đặt riêng ra, tách đôi ra tương tự ý nghĩa của hạn từ berít trong tiếng Híp-ri, đồng thời nhấn mạnh ý muốn và vai trò trổi vượt của Thiên Chúa trong việc đi vào tương quan với con người qua lời hứa của Người.
Các bản dịch Kinh Thánh sang tiếng La-tinh, thuật ngữ giao ước được dịch thành testamentum tức làm chứng hoặc chúc thư (x. Hr 9,16-17).
Các bản dịch Anh ngữ thì sử dụng thuật từ covenant xuất phát bởi động từ La-tinh convenire [gồm giới từ con: cùng + động từ venire: đến], nghĩa là cùng đến, cùng đi tới, thỏa thuận, đồng ý…
Bởi việc chuyển ngữ như thế nên từ ngữ giao ước trong Kinh Thánh có nguy cơ bị hiểu là giao kèo hay hợp đồng,… Tuy nhiên, ý nghĩa của thuật ngữ giao ước trong Cựu Ước không hàm ý một giao kèo sòng phẳng giữa đôi bên, mà là bên có thế giá hơn gia ân cho bên ít thế giá hơn (x. Gs 9,6.15; 1 Sm 11,1; Ed 17,13). Theo đó, giao ước mà Thiên Chúa lập với con người mang đặc tính đơn phương, tức là chỉ Thiên Chúa tình nguyện cam kết thực hiện lời Người đã hứa với con người, phần con người chỉ cần đón nhận cách xứng đáng và trung thành. Sự đáp trả của con người không thể sánh với những gì con người đã lãnh nhận (x. Ep 2). Đó là ân điển Thiên Chúa tặng ban cho con người. Để so sánh chúng ta có thể lấy ví dụ:
+ Cô điếm (giao kèo) khác với cô dâu (giao ước).
+ Người làm công (giao kèo) khác với người con (giao ước).
Ngoài ra, giữa giao kèo và giao ước cũng liên quan đến các vấn đề bảo chứng như: lời hứa và lời thề, theo đó:
+ Giao kèo: liên quan đến lời hứa
+ Giao ước: liên quan đến lời thề
Xét như việc liên quan đến lời hứa, chúng ta thấy xưa và nay cũng có khác biệt. Với người xưa chỉ cần một lời là đủ, nên mới có các câu như:“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, “Nhất ngôn cửu đỉnh”, “Xuất ngôn như phá thạch”, “Một lời như đinh đóng cột”, hoặc “Quân tử nhất ngôn”. Còn ngày nay, lời hứa cần phải được trình bày qua chữ viết (văn tự), và được xác định bằng việc ký tên của đôi bên. Do đó, các bản thỏa thuận, bản hợp đồng, hay bản giao kèo… không những viết trên giấy trắng mực đen, mà còn phải được công chứng bởi cơ quan công quyền, để buộc mỗi bên phải giữ lời hứa của mình.
Với giao ước thì khác. Giao ước không phải là lời hứa mà là lời thề, tức là nại đến thẩm quyền của Đấng Tối Cao làm chứng và phân xử. Qua đó, với lời thề, người ta (1) nhờ Thiên Chúa chứng giám; (2) nhờ Thiên Chúa giúp giữ lời hứa. Ví dụ: Một người ra tòa làm chứng sẽ phải thề nói sự thật. Như vậy, sẽ không chỉ có anh ta và quan tòa, mà còn có Thiên Chúa nữa. Như vậy, một khi đặt mình dưới lời thề thì nếu người ấy không giữ lời thề, anh ta sẽ không chỉ bị pháp luật xử, mà còn bị Thiên Chúa xét xử nữa.
Nếu hiểu giao ước là một hợp đồng thì vấn đề xem ra lại càng sai lầm, vì hợp đồng nhằm đến việc trao đổi tài sản, trong khi giao ước nhằm đến mối tương quan giữa hai bên. Theo ý nghĩ này, chúng ta thấy rằng hợp đồng liên quan đến sự trao đổi những thứ hai bên muốn trao đổi như: tài sản, công việc, giờ giấc lao động, công xá… và như vậy, hợp đồng chỉ là cam kết những thứ ngoại thân, cho nên (1) hai bên sẽ hết trách nhiệm với nhau khi hoàn tất hợp đồng; (2) có thể bồi thường hợp đồng; (3) có thể giải phóng hợp đồng; (4) có thể hủy hợp đồng nếu hai bên đồng ý.
Trong khi đó, giao ước không liên quan đến sự đổi chác những vật ngoại thân, mà liên quan trực tiếp đến tương quan, phẩm giá, tư cách và thân phận của chính đương sự. Vì một khi ký kết giao ước, cả hai bên sẽ “đi vào trong” giao ước đó, nên sẽ (1) không có chuyện hết giao ước như hết hợp đồng; (2) không có chuyện bồi thường giao ước như bồi thường hợp đồng; (3) không có chuyện giải phóng giao ước như giải phóng hợp đồng; (4) không có chuyện hủy giao ước như hủy hợp đồng. Nói cách khác, khi hai bên đi vào giao ước với nhau là đi vào sự trao hiến chính mình cho nhau. Dựa trên ý nghĩa đó, John Bergsma đã định nghĩa giao ước là một cam kết có tính pháp lý giữa hai hay nhiều bên bằng một lời thề (hay bằng một điều gì đó tương đương), để từ đó về sau, với tất cả nghĩa vụ và quyền lợi, họ trở nên cốt nhục của nhau, tức là thành viên trong một gia đình.[2]
Thiên Chúa đã đi vào trong một giao ước như thế với dân Người: “Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2 Cr 6,16). Nhờ giao ước, con người được tương quan với Thiên Chúa, được nâng cao đến mức trở thành con cái của Đấng Thánh vì “theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1,5). Theo đó và con người được biến đổi cả chiều kích tự nhiên lẫn siêu nhiên: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Đồng thời, con người trở thành anh chị em của nhau trong một gia đình của Thiên Chúa.
Có thể điểm qua một số giao ước Thiên Chúa lập qua: (1) ông A-đam và bà E-và (x. St 1,26—2,3); (2) ông Nô-ê và gia đình (x. St 9,8-17); (3) ông Áp-ra-ham và dòng tộc (x. St 12,1-3; 17,1-14; 22,16-18); (4) ông Mô-sê và dân Ít-ra-en (x. Xh 19,5-6; 3,4-10; 6,7); vua Đa-vít và vương quốc Ít-ra-en (x. 2 Sm 7,8-19); Đức Giê-su và Hội Thánh (x. Mt 26,28; 16,17-19). Các giao ước này trình bày tiến trình Thiên Chúa thực hiện giao ước của Người với nhân loại khởi từ một đôi vợ chồng rồi từ đó hình thành nên một gia đình, một dòng tộc, một dân tộc, một vương quốc và cuối cùng là Hội Thánh (Nước Trời). Dấu chỉ tình yêu của giao ước thuở tạo dựng là một cuộc hôn nhân khi người nam và nữ trở thành một xương một thịt: “Con người nói : “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,23-24), thì dưới ánh sáng Tân ước, chúng ta sẽ thấy, cuộc hôn nhân của A-đam và E-và chỉ đến một tình yêu lớn lao hơn, một tương quan sâu xa hơn, đó là tình yêu và tương quan giữa Thiên Chúa với con người.[3] Thánh Phao-lô nói rằng tình yêu của Đức Ki-tô đối với hiền thê của Người là Hội Thánh (x. Ep 5,21-33). Còn tác giả sách Khải Huyền thì trình bày tiệc cưới của Con Chiên [Đức Ki-tô và Hội Thánh] (x. Kh 19,9; 21,9; 22,17). Như vậy, giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với con người nơi sách Sáng Thế mở đầu cuộc tạo dựng với cuộc hôn nhân của A-đam và E-và sẽ được hoàn tất bằng cuộc tạo dựng mới với tiệc cưới của Con Chiên và Tân Nương trong sách Khải Huyền.[4]
Như vậy, giao ước là ân điển và là cánh cửa đưa con người vào trong mối tương quan bền vững với Thiên Chúa dựa trên tình yêu và lòng trung thành của một cuộc hôn nhân. Một khi bước vào giao ước và ở lại trong giao ước, con người sẽ đạt tới niềm vui đích thực là được thông dự vào niềm vui và sự sống thần linh của Đức Ki-tô Phục Sinh. Vì thế, giữa bóng tối của sự dữ mà cụ thể là dịch bệnh viêm phổi cấp do vi-rút SARS-CoV-2 đang hoành hành và gây tang tóc khắp nơi thì chúng ta, các Ki-tô hữu, hơn lúc nào hết, được mời gọi trở lại với giao ước, tức trở lại với Thiên Chúa, vốn là nguồn sống và nguồn tình yêu bất diệt, trở lại với việc đi vào trong tương quan bền vững dựa trên giao ước tình yêu và lòng trung thành, để chúng ta tin tưởng, hy vọng và can đảm đem ánh sáng niềm tin chiếu soi cho tất cả thế giới.
Halleluia. Halleluia.
Chúa Nhật Phục Sinh 2020
Ga. Nguyễn Thiên Minh, O.P.
2020
Có phải tên Thiên Chúa là “Giavê” hay “Giêhôva” không?
Hỏi: Thưa cha Kerper*, gần đây con có nghe nhiều người nói rằng Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa, mà trong Kinh Thánh tên đó là “Giêhôva” (Jehovah). Con có biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từng cấm người Công Giáo sử dụng tên này. Nếu đó thật sự là tên thật của Thiên Chúa thì vì sao lại cấm sử dụng?
Đáp: Cảm ơn câu hỏi của bạn, một câu gần đây thật sự thường nghe. Tôi thấy rằng câu hỏi của bạn có ba ý phân biệt nhưng liên kết với nhau: một là, vấn đề danh hiệu “Giêhôva”; hai là, việc sử dụng tên thật của Thiên Chúa trong việc thờ phượng; ba là, Thiên Chúa có tên thật không.
Đầu tiên chúng ta nói về danh từ “Giêhôva”. Nếu bạn chịu khó tìm trong các bản dịch mới nhất của Kinh Thánh, bạn sẽ không tìm thấy từ đó. Vì sao? Bởi vì hầu hết các học giả đều đồng ý rằng danh từ đó là một cách dịch sai của 4 ký tự Hípri – mà chúng ta thường phiên tự bằng chữ cái Latinh là “YHWH” hay “JHWH”.
Nguồn gốc thuật ngữ “Giêhôva”
Bởi vì người Israel có lòng tôn kính danh Thiên Chúa cách sâu sắc, nên họ đã dừng hẳn việc phát âm từ “YHWH”. Điều này xảy ra vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên.
Để nhắc nhở các đọc giả không đọc ra danh Thiên Chúa, các bản sao Kinh Thánh Do Thái bắt đầu chèn vào từ “Adonai”, nghĩa là “Đức Chúa”, trên đầu các ký tự “YHWH”. Chỉ mới từ thời Trung cổ, những người dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Latinh hay các ngôn ngữ châu Âu khác mới tạo ra thuật ngữ “Jehovah” (“Giêhôva”) do ghép nhầm các ký tự của chữ “Adonai” vào cụm 4 chữ cái “YHWH”. Càng về sau, sự nhầm lẫn càng tiến hoá và trở thành từ “Giêhôva”.
Đến nay, vẫn có một vấn đề lớn với cụm 4 ký tự “YHWH”: Không ai thực sự biết 4 chữ này nghĩa là gì. Đa số nhà Kinh Thánh học gán cho các ký tự này nghĩa là “Ta là Đấng mà Ta là“, hoặc “Ta sẽ Đấng mà Ta sẽ là”. Nhiều người thậm chí dịch đơn giản là “Hiện Hữu” (Being). Bên cạnh đó, nhiều học giả khác xác quyết rằng ẩn ý của 4 ký tự “YHWH” chính là Thiên Chúa thật ra không muốn mặc khải Thánh Danh Người. Nói cách khác, 4 ký tự đó nghĩa là Thiên Chúa phán với Môsê rằng “Danh Ta can chi đến ngươi.”
Những người thuộc phái Nhân chứng “Giêhôva” đã tranh cãi vấn đề về nguồn gốc từ “Giêhôva” từ lâu, khẳng định rằng đó là tên thật duy nhất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, giới học giả đều đồng ý rằng đó không phải là sự thật.
Tại sao từ “Giavê” (“Yahweh”) không còn xuất hiện trong phụng vụ Công Giáo nữa
Giờ thì chúng ta bàn đến việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI “cấm” sử dụng “tên thật” của Thiên Chúa. Vào tháng 8 năm 2008, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, với sự đồng thuận của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã ban hành một chỉ dẫn cho các Giám Mục về việc không sử dụng danh từ “Giavê” trong thánh nhạc và kinh nguyện. Có 2 lý do:
Một là, trước giờ, Kitô hữu chưa bao giờ sử dụng danh hiệu để chỉ về Thiên Chúa trong phụng vụ. Thật vậy, từ “Giavê” chỉ mới xuất hiện trong các thánh ca Công Giáo từ khoảng năm 1970. Việc này xảy ra do bản dịch Kinh Thánh “Kinh Thánh Giêrusalem” (The Jerusalem Bible) được phát hành năm 1966.
Nhiều người Công Giáo nói tiếng Anh cảm thấy thích thú danh từ này và bắt đầu có phong trào sử dụng từ “Giavê” thay cho “Đức Chúa” hay “Thiên Chúa”, nhưng nhóm các tu sĩ nhạc sĩ dòng Tên St. Louis. Họ tin rằng từ “Giavê” giữ được ý vị của các thánh vịnh. Tuy nhiên, các chuyên gia về phụng vụ thì phản đối việc sử dụng từ “Giavê” trong phụng vụ chung, vì từ đó không truyền thống, và có nhiều tín hữu thậm chí không biết “Giavê” là ai.
Hai là, việc phát âm từ “Giavê” là một sự xúc phạm rõ ràng đến tâm thức tôn kính Danh Thiên Chúa của người Do Thái. Ý thức về một cấm kỵ lâu đời giữa người Do Thái về việc phát âm ra Danh Thánh Thiên Chúa, các chuyên gia cho rằng cần tôn trọng truyền thống trên và không nên làm điều gây chướng tai người Do Thái, thậm chí có thể là một sự phạm thánh.
Tên thật của Thiên Chúa
Bây giờ chúng ta nói đến vấn nạn lớn nhất: thật ra Thiên Chúa có tên thật không?
Chúng ta nên ý thức rõ rằng: Thiên Chúa là Đấng vô cùng và vượt trên mọi khả năng hiểu biết của loài người, vượt trên mọi tên hiệu mà loài người biết được. Kinh Thánh cho thấy điều này qua việc sử dụng rất nhiều từ và ngữ để chỉ về Thiên Chúa.
Vậy Thiên Chúa có phải tên là “Thiên Chúa” không? Nói cách nghiêm túc thì đây không phải là tên riêng mà là một hạn từ chung chỉ một nhóm sự vật có cùng đặc tính, giống như các từ “loài người”, “thẩm phán” hay “lính canh”. “Thiên Chúa” được dịch từ chữ “Elohim” của tiếng Hípri, nghĩa đen là “Thần” hoặc “Thẩm Phán” (magistrate).
Kinh Thánh Do Thái dùng rất nhiều thuật ngữ phiếm chỉ để gọi Thiên Chúa, như Chúa Thượng, Đấng Thánh, Đấng Uy Lực nhà Giacóp (Is 49,26), Đấng Toàn Năng, Đấng Đáng Chúc Tụng,… Khi người Do Thái bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Hy Lạp, họ luôn thay 4 ký tự “YHWH” bằng chữ “Kyrios” nghĩa là Đức Chúa. Thuật ngữ Hy Lạp này được chuyển sang thẳng tiếng Latinh mà không dịch ra, ví dụ kinh Thương Xót thường được đọc trong Thánh lễ là “Kyrie, eleison” nghĩa là “Xin Chúa thương xót”. Vì vậy, từ thời các Tông Đồ, các Kitô đã không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê”, mà là “Đức Chúa” hoặc “Thiên Chúa”. Gọi “Giavê” là một sự phạm thượng.
Còn Chúa Giêsu thì như thế nào? Là một người Do Thái đạo đức và công chính, Chúa Giêsu không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê”, ít nhất là công khai. Thay vào đó, nếu không gọi là “Thiên Chúa” thì Người gọi là “Cha”. Một lần duy nhất Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Ê-lô-i” (Mc 15,34), tiếng Aram nghĩa là Thiên Chúa, từ trên Thập giá. Cũng vậy, Thánh Phaolô hay các Thánh Tông Đồ khác cũng không bao giờ gọi Thiên Chúa là “Giavê” hay “Giêhôva”, mà luôn luôn là Thiên Chúa hoặc Cha, đôi khi ghép lại là Thiên Chúa Cha, hoặc Thân Phụ Đức Giêsu Kitô.
Người ta cố gắng tìm kiếm tên “thật” của Thiên Chúa một phần vì nghĩ rằng cần gọi đúng tên của Người để được Người lắng nghe. Khi làm vậy, họ quên mất bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa thật lòng yêu thương chúng ta và muốn lắng nghe chúng ta cầu nguyện, việc dùng danh từ nào không quá quan trọng. Quả vậy, một người cha đầy yêu thương có thể lắng nghe tiếng khóc của con mình mà chẳng cần chấp nhất nó có gọi “ba ơi”, “cha ơi”, “mẹ ơi” hay bất cứ từ gì.
* Cha Michael Kerper là cha sở giáo xứ Corpus Christi thuộc Portsmouth, bang New Hampshire, Hoa Kỳ
Gioakim Nguyễn biên dịch
2020
Ủy ban Phụng Tự giải thích về rước Mình Thánh Chúa trong hoàn cảnh hiện nay
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ
RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY
- Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN
Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Trong thời gian đại dịch hiện nay, Giáo hội tại Việt Nam và rất nhiều nơi trên thế giới phải tạm dừng các cử hành cộng đồng và hạn chế tập trung. Ở hoàn cảnh này, các tín hữu phải tham dự trực tuyến các cử hành phụng vụ và không thể rước Mình Thánh Chúa như khi tham dự Thánh lễ chung cùng cộng đoàn như trước đây. Với những câu hỏi và ưu tư về cử hành và nhận lãnh Bí tích Thánh Thể trong hoàn cảnh hiện nay, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam giải thích như sau:
- Thực hành “rước lễ thiêng liêng” là gì?
Rước lễ thiêng liêng là một thực hành đạo đức của người Kitô hữu đã có từ lâu đời (thế kỷ XII) và trải qua hàng thế kỷ cho đến nay, trong đó, theo mô tả của thánh Tôma Aquinô, họ “ước ao cháy bỏng lãnh nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và trìu mến ôm lấy Người” vào lúc và trong hoàn cảnh không thể hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích được (rước lễ/ hiệp lễ Bí tích). Rước lễ thiêng liêng còn được gọi là rước lễ nội tâm, rước lễ trong lòng, rước lễ thần bí hay rước lễ vô hình vì không có dấu chỉ nào rõ rệt và hữu hình (có thể nhìn thấy) như trong hiệp lễ Bí tích.
Thực hành rước lễ thiêng liêng được sử dụng chủ yếu trong hai trường hợp: [i] Chuẩn bị cho việc tiến đến bàn thánh mà lãnh nhận Thánh Thể trong tương lai (Trent, Sess. 13, c. 8); [ii] Không thể rước lễ Bí tích được do những ngăn trở về thể lý (già yếu, đau bệnh), luân lý (tội trọng, mắc vạ tuyệt thông, mắc một hình phạt giáo luật, không giữ chay Thánh Thể) hay hoàn cảnh (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại).
Không những cho phép các tín hữu rước lễ thiêng liêng khi tham dự Thánh lễ trực tuyến, mà Hội Thánh còn mong muốn cho các tín hữu có lòng ao ước rước lễ thiêng liêng, bất cứ lúc nào trong ngày khi không thể rước lễ thực thụ, với những lời cầu nguyện riêng của mình hay với các lời kinh truyền thống trong Hội Thánh, dẫu rằng hình thức này không thể sánh ví được với hành động đón nhận chính Chúa Giêsu Thánh Thể vào tâm hồn mình cũng như ít toàn hảo theo cách Bí tích hơn là rước lễ Bí tích.
Đối với các Bí tích nói chung và Bí tích Thánh Thể nói riêng, tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận và sẽ nhận lãnh khi có cơ hội (Summa Theologica III, q.80, a.11,c.). Đó là lý do ngay từ thời cổ đại, Giáo hội đã công nhận những người tử đạo dù chưa được Rửa tội nhưng cũng đã trở thành Kitô hữu rồi. Mặc dù thân xác họ chưa lãnh nhận nước Rửa tội, nhưng họ đã lãnh Bí tích Rửa tội bằng niềm khao khát. Ngoài ra, mỗi khi thực hiện hành vi rước lễ thiêng liêng, tín hữu sẽ nhận được ơn xá từng phần (x. Enchiridion Indulgentiarum (1999), “Concessiones” 8, §2, 1°). Đối với nhiều vị thánh, các ngài không thỏa mãn ngay cả khi đã lãnh nhận Thánh Thể mỗi ngày trong Thánh lễ. Vì thế, việc rước lễ thiêng liêng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ vì giúp lôi kéo họ thường xuyên đến gần sát với Chúa hơn.
Liên quan đến thực hành này, xin nhắc lại ở đây lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/04/2003):
Bí tích Thánh Thể được xem như chóp đỉnh của tất cả các Bí tích, vì Bí tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Với một niềm tin sâu sắc, một trong những tác giả thời danh của truyền thống Byzantin, đã diễn tả chân lý này khi bàn đến Bí tích Thánh Thể: “Như thế mầu nhiệm này thật hoàn hảo, khác với mọi nghi thức khác, và nó dẫn thẳng đến chóp đỉnh của mọi ơn ích, vì đó cũng là cứu cánh tuyệt đỉnh của mọi cố gắng con người. Bởi vì chúng ta gặp chính Thiên Chúa trong mầu nhiệm ấy, và chính Thiên Chúa kết hợp với chúng ta bằng một mối liên kết hoàn hảo nhất.”. Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp. Cũng chính vì thế đã khai sinh một cách thức “rước lễ thiêng liêng”, được phổ biến tốt đẹp từ nhiều thế kỷ trong Giáo Hội và rất được các bậc thầy thánh thiện về đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: “Khi bạn không thể rước lễ trong Thánh lễ được thì bạn hãy rước lễ thiêng liêng vậy, vì đó là một cách thức mang lại nhiều lợi ích […]; bằng cách đó bạn ghi khắc trong lòng tình yêu sâu xa với Chúa chúng ta” (số 34).
- Khi hiện diện trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh Chúa, có được rước Mình Thánh đang lưu giữ nơi Nhà tạm lúc tham dự Thánh lễ trực tuyến không?
Không được. Lý do là vì có sự khác biệt rõ rệt về cả giá trị lẫn thực tại giữa hành vi tham dự Thánh lễ thực sự và tham dự Thánh lễ trực tuyến:
[1] Tham dự Thánh lễ trực tuyến chỉ là phương thế để kết hợp với Chúa Kitô, là sự thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng qua phương tiện truyền thông [truyền thanh và truyền hình] vốn được khuyến khích cho những trường hợp vì một lý do nào đó (già yếu, đau bệnh) hay trong một hoàn cảnh nào đó (chiến tranh, dịch bệnh, bị bách hại) mà không thể hiện diện cách thể lý tại nơi cử hành Thánh lễ (nhà thờ/ nhà nguyện), tức là tín hữu không thể đến nhà thờ/ nhà nguyện để tham dự vào cử hành Thánh Thể cùng với cộng đoàn Giáo hội sống động ở đó (GLCG, số 1322). Đây là lý do mà ĐGH Bênêđictô XVI viết rằng: “Về giá trị của việc tham dự Thánh lễ bằng phương tiện truyền thông, những người nghe truyền thanh hay xem truyền hình nên biết rằng, theo những hoàn cảnh bình thường, họ không chu toàn luật buộc tham dự Thánh lễ. Những hình ảnh sống động có thể cho thấy đúng sự kiện, nhưng không thật sự tái diễn sự kiện ấy. Trong khi việc những người cao tuổi và bệnh nhân tham dự Thánh lễ qua truyền thanh và truyền hình là một điều rất đáng khen, không thể nói như vậy đối với những người nghĩ rằng các phương tiện truyền thông miễn cho họ khỏi đến nhà thờ và thông phần với cộng đoàn Thánh Thể giữa lòng Hội Thánh sống động” (Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 57). Trả lời cho một câu hỏi tương tự như vấn nạn trên, cha Edward MacNamara cho rằng: “Trong tình trạng cách ly như hiện nay, tham dự Thánh lễ trực tuyến là rất tốt […]. Đó là một thời khắc cùng với vị chủ tế cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và thực hiện một hành động dâng hiến thiêng liêng và rước lễ thiêng liêng với hy tế Thánh Thể. Tuy nhiên, như thế không phải là tham gia Thánh lễ thật sự, vốn đòi buộc phải có sự hiện diện hữu thể, và như vậy, không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn khi cho rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến” (Edward MacNamara, “Distribution of Communion During a TV Mass”, từ Zenit.org [07/04/2020]).
[2] Tham dự Thánh lễ trực tuyến là một thực hành đạo đức chứ không phải là cử hành phụng vụ. Một việc đạo đức thì không bao giờ gắn với hiệp thông Thánh Thể cách Bí tích. Trong khi đó, Giáo hội cho phép và khuyến khích các tín hữu rước Chúa Kitô “hiện diện cách đích thực, chân thực, và theo bản thể trong Bí tích Thánh Thể” khi tham dự thực sự vào cử hành phụng vụ Thánh lễ như một sự tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn vào Hy tế Thánh Thể để họ có thể tiếp nhận một cách dồi dào hơn hoa trái của Hy lễ Cực Thánh” (x. Mediator Dei, 118; Indulgentiarum Doctrina, 18-19; Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 55; GL 918; Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, Lời mở đầu, số 13). Còn bên ngoài phụng vụ Thánh lễ, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tín hữu có thể rước lễ Bí tích trong 2 trường hợp cử hành phụng vụ sau: [i] Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ; và [ii] Nghi thức thăm viếng và đưa Mình Thánh bệnh nhân (x. GL 918; Nghi thức Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, 16-50; Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc Săn sóc họ theo Mục vụ, 46-47).
Như vậy, thánh Tôma Aquinô giải thích (St. Thomas Aquinas, Summa theologica III, Q. 80, a.), nếu như trong Hội Thánh có hai cách rước lễ là rước lễ thực thụ (in re) và rước lễ thiêng liêng [bằng lòng ước ao] (in voto), thì ứng với việc tham dự vào Hy tế Thánh Thể, tín hữu sẽ lãnh nhận Mình [và Máu Thánh] trong chính Thánh lễ họ tham dự nhằm làm nổi bật sự liên kết giữa việc rước lễ với Hy lễ; còn ứng với việc tham dự Thánh lễ trực tuyến, tức thông hiệp Thánh lễ cách thiêng liêng, thì tín hữu chỉ rước lễ thiêng liêng mà thôi, cho dù trong nhà nguyện có lưu giữ Mình Thánh. Do đó, như cha Edward McNamara đã giải thích, rước lễ trong một Thánh lễ trực tuyến không phải là thực hành phụng vụ đúng đắn.
Nếu muốn rước lễ Bí tích thì có thể thực hiện ngay sau khi Thánh lễ [trực tuyến] kết thúc, hoặc vào một thời điểm thích hợp khác, và luôn tuân theo các nghi lễ đã được Giáo hội phê chuẩn liên quan đến thực hành cho rước lễ ngoài Thánh lễ. Giáo hội có hai hình thức tương tự nhưng khác nhau của nghi lễ này: “Nghi lễ cho bệnh nhân rước lễ”, và “Nghi lễ cho rước lễ ngoài Thánh lễ với việc cử hành Lời Chúa”. Trong bối cảnh của một cộng đoàn tu sĩ có Mình Thánh được lưu giữ trong nhà nguyện, nghi lễ thứ hai phải được sử dụng (x. Edward MacNamara).
- Thừa tác viên có thể đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh không?
Việc thừa tác viên của Hội Thánh đến từng nhà để cho rước lễ thuộc về thực hành trao Mình Thánh ngoài Thánh lễ. Thực hành này được quy định như sau:
[1] Bộ Giáo Luật (1983):
“Hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ trong chính Thánh Lễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể cho rước lễ ngoài Thánh Lễ, miễn là giữ các nghi thức phụng vụ”. ( Số 918); “(1) Các Kitô hữu lâm cơn nguy tử, dù vì bất cứ lý do nào, cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như của ăn đàng; (2) Cho dù ngày ấy họ đã rước lễ rồi, cũng rất nên cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ bị lâm nguy; (3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, nên cho họ rước lễ nhiều lần, vào những ngày khác nhau” (Số 921); “Không được khoan giãn việc đem của ăn đàng cho bệnh nhân. Các chủ chăn phải cẩn thận canh chừng để các bệnh nhân được bổ dưỡng khi còn tỉnh trí” (Số 922).
[2] Huấn Thị Rước Lễ và Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ (1973):
Các tín hữu được rước lễ trong Thánh Lễ đang được cử hành, “tuy nhiên, các linh mục không được từ chối cho một tín hữu rước lễ, khi người này vì một lý do hợp pháp xin được rước lễ ngoài Thánh lễ” (số 14); “Có thể cho rước lễ vào bất cứ giờ hay ngày nào. […] Tuy nhiên: a) vào thứ Năm thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong Thánh lễ; có thể cho người bệnh rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; b) vào thứ Sáu thánh, chỉ có thể cho rước lễ trong cử hành tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, có thể cho người bệnh mà không thể tham dự vào cử hành phụng vụ được rước lễ vào bất cứ giờ nào trong ngày này; c) vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh chỉ đưa Của Ăn đàng cho người hấp hối” (số 16).
[3] Nghi Thức Xức Dầu Bệnh Nhân và việc Săn Sóc Họ theo Mục Vụ (1972):
“Các vị coi sóc linh hồn phải lo sao cho những người đau yếu và những người già lão, mặc dầu không đau yếu nặng và không đến nỗi nguy tử, được năng rước lễ, hơn nữa được rước lễ hàng ngày khi có thể được, nhất là trong mùa Phục sinh; việc trao Mình Thánh Chúa có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào. […] Những người giúp đỡ bệnh nhân và người già cả cũng có thể rước lễ cùng với người mà họ chăm sóc trong cùng một nghi lễ phụng vụ.” (số 46)
Từ những tài liệu đã được trích dẫn, chúng ta nhận ra rằng, theo ý muốn của Hội Thánh, việc trao Mình Thánh Chúa bên ngoài Thánh lễ đòi hỏi phải có lý do chính đáng/ lý do hợp pháp và đòi hỏi này phải được tuân giữ một cách nghiêm ngặt. Lý do chính đáng để cho/ được rước lễ bên ngoài Thánh lễ, các chuyên viên Giáo Luật giải thích: đó là những người không thể tham dự cử hành Thánh Thể do đau bệnh, già yếu hoặc do không có linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn (x. John B. Beal, et al.(eds.), New Commentary on the Code of Canon Law (2000), 1112-13).
Như thế, đối với những người đau bệnh, già yếu, hay đang trong cơn nguy tử, thừa tác viên của Hội Thánh đến từng nhà/ bệnh viện để cho họ rước lễ ngoài Thánh lễ là thực hành bình thường. Nhưng đối với những người mạnh khỏe, Hội Thánh khuyên bảo một cách mạnh mẽ (maxime commendatur) rằng các tín hữu hãy rước lễ trong chính Thánh lễ. Họ chỉ có thể rước lễ ngoài Thánh lễ trong hai trường hợp: [i] khi làm công việc chăm sóc bệnh nhân/ người già yếu và tham dự vào nghi thức trao Mình Thánh Chúa cho những người này; [ii] khi không có linh mục đến dâng lễ, chẳng hạn tại những vùng xa xôi hẻo lánh và đặc biệt vào ngày Chúa nhật, họ quy tụ thành cộng đoàn phụng vụ tại một nơi xứng hợp (nhà thờ/ nhà nguyện) để cùng nhau “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ” dưới sự chủ tọa của một thừa tác viên hợp pháp do thánh chức hay do được Bản quyền cho phép.
Vì thế, hoàn cảnh đại dịch (Covid-19) hiện nay không phù hợp cho việc đi đến từng nhà để cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa. Cụ thể, trong hoàn cảnh này:
- Về kỷ luật Hội Thánh:Việc các linh mục hoặc thừa tác viên rước Mình Thánh Chúa đi từ nhà này sang nhà khác để trao cho tất cả các tín hữu (cả người đau bệnh và già yếu lẫn những người khỏe mạnh nhưng ngăn trở vì cấm cách do nguy cơ lây nhiễm) không phù hợp “ngôn ngữ phụng vụ” đối với nhu cầu mục vụ bệnh nhân, không xứng hợp với hoàn cảnh đòi buộc để “Cử hành phụng vụ Lời Chúa và cho rước lễ”, cũng không đáp ứng lý do chính đáng vì thiếu linh mục cử hành Hy lễ Tạ ơn. Thực hành này có vẻ mang lại tiện ích cho nhu cầu tạm thời nhưng có nguy cơ đánh mất tính thánh thiêng nền tảng của cử hành bí tích.
- Về yếu tố xã hội:Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà có thể cản trở qui định cách ly xã hội để phòng tránh lây nhiễm cộng đồng. Thực hành này có vẻ đáp ứng giãn cách xã hội khi không tập trung đông người nhưng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, gây hoang mang đối với những cộng đồng dân cư chung quanh.
- Về nguyên tắc luân lý:Việc các linh mục hoặc thừa tác viên đi đến từng nhà và đi nhiều nhà trong giai đoạn tạm dừng các cử hành cộng đồng/ tập trung tại giáo xứ vì nguy cơ lây nhiễm không đáp ứng nguyên tắc “ad impossibilia nemo tenetur” (nghĩa là không ai bị bó buộc làm điều bất khả). Sáng kiến tổ chức cho các tín hữu rước Mình Thánh Chúa tại nhà có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm cho chính thừa tác viên. Hơn nữa, xét về đức ái, thực hành này có thể không phải là chọn lựa tốt hơn so với việc khích lệ các tín hữu tham dự Thánh lễ trực tuyến và rước lễ thiêng liêng vì chúng ta biết rằng tín hữu nào đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh Bí tích thực sự (in re) họ vẫn nhận được những công hiệu của Bí tích đó do lòng ước ao muốn lãnh nhận (in voto). Khao khát Chúa Kitô cũng chính là hiệp thông với Ngài.