2020
Tại sao ngày thứ bảy được dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria?
2020
Người Công Giáo có thờ Đức Mẹ không?
Dĩ nhiên, người Công Giáo chúng ta chỉ THỜ phượng một Chúa duy nhất mà thôi. Nhưng chúng ta cũng rất kính mến Ðức Mẹ và các Thánh. Ðiều này đã được giải thích, trình bày rất nhiều lần và qua các thế hệ. Một số giáo hội Tin Lành như Anh giáo, Lutheran cũng đồng quan điểm với chúng ta về sự kính mến Ðức Mẹ. Giáo hội Chính Thống cũng rất tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Tuy nhiên ở thời nào cũng có một số người qúa khích, luôn luôn tìm cách đả kích và lên án Giáo Hội Công Giáo. Một trong những đề tài mà họ thường xử dụng là việc người Công Giáo “thờ” Ðức Mẹ. Những người thuộc loại này, ngày nay chúng ta hay thấy ở các nhóm Tin Lành qúa khích (fundamentalism). Ðối với những kẻ cố tình gán ép, công kích bất kể sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho họ mà thôi. Nhưng đối với những người thật tình muốn tìm hiểu, hoặc ngay cả việc muốn tranh luận về vấn đề này, người Công Giáo cần phải thỏa mãn họ cách nghiêm chỉnh, trong sự tương kính, và tình nhân ái.
Giáo huấn của giáo hội luôn luôn rõ ràng: Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa Cha và con người. Không một ai dù ở trên trời hay dưới thế có thể thay thế Ngài. Vai trò của Ðức Mẹ và các Thánh là dẫn đưa các tín hữu đến với Ðức Kitô. Sự trung gian phụ này do chính Chúa ban cho các ngài, chứ không phải các ngài tự có.
ÐỨC MẸ TRONG KINH THÁNH
Trong bất cứ giai đoạn quan trọng nào của cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh của Ðức Mẹ. Khi Chúa khởi đầu chương trình cứu chuộc của Ngài, Ðức Mẹ đã được Thiên Thần Gabriel ca tụng là đầy ơn phúc và nhiều phúc lạ hơn mọi người nữ (Lu-ca 1:28). Lúc Hài Nhi Thánh được sinh ra ở Bê-lem, Ngài đã không đến trực tiếp từ trời, nhưng qua cung lòng trinh nữ Maria (Mát-thêu 1:25; Lu-ca 2:7) Khi thánh Giuse và Ðức Mẹ dâng con trẻ trong đền thờ, tiên tri Simeon đã tiên báo là Ðức Mẹ sẽ phải gặp rất nhiều đau khổ (Lu-ca 2:35). Mười hai năm sau, cũng sau một lần thăm viếng đền thờ, con trẻ Giêsu đã trở về Nazareth với mẹ và cha nuôi đồng thời tuân phục các ngài (Lu-ca 2:51).
Ðức Mẹ đã hiện diện trong bữa tiệc cưới ở Cana để chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, đồng thời khởi sự cuộc rao giảng công khai của Ngài (Gioan 2:3). Thỉnh thoảng, Đức Mẹ đã đến thăm Chúa Giêsu khi Ngài đang rao giảng (Mát-thêu 12:46-50). Lúc Chúa chịu thọ hình, chính Ðức Mẹ đã đứng ở chân thánh giá để chứng kiến cái chết của con mình, đồng thời, theo lời truyền của Chúa, nhận thánh Gioan (đại diện Giáo Hội) làm con. Trong hiệu qủa, Ðức Mẹ đã nhận lãnh vai trò làm Mẹ của Giáo Hội (Gioan 19:26). Cuối cùng, khi các môn đệ nhận lãnh Chúa Thánh Linh trong ngày hiện xuống, Ðức Mẹ cũng có mặt ở đó (Tông Đồ Công Vụ 1:14).
ÐỨC MẸ TRONG GIÁO HỘI
Từ khởi sự cho đến hoàn thành, hình ảnh của Ðức Mẹ, lúc ẩn, khi hiện, nhưng luôn bàng bạc trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Khi Chúa Giêsu hoàn tất cuộc giáng trần, vai trò của Ðức Mẹ đã mở rộng từ việc làm mẹ thể lý của Chúa đến là mẹ tinh thần của tất cả anh chị em Ngài, cả Giáo Hội. Ðức Mẹ đã không xin hoặc đòi hỏi tước vị này, hay Giáo Hội đã phong cho Ðức Mẹ, nhưng là chính Chúa Kitô, từ trên thập gía, đã truyền lệnh ấy cho Mẹ và cho toàn thể Giáo Hội.
Người Công Giáo nhìn vào Ðức Mẹ như một gương mẫu và vị “chỉ bảo đàng lành.” Qua lời xin vâng trong ngày Truyền Tin, Ðức Mẹ đã trở nên người Kitô đầu tiên và hoàn hảo nhất. Cả cuộc đời của Ðức Mẹ là một minh chứng cho thấy những nhiệm mầu sẽ đến, nếu người ta biết hợp tác với Thánh Ý của Chúa. Niềm tin vững mạnh vào Chúa và tiếng đáp lại lời Ngài của Ðức Mẹ đã khiến Ðức Mẹ trở thành con người đầu tiên nhận lãnh Ðức Kitô, cả hồn và xác. Từ đấy, giáo hội vẫn luôn lập lại lời thánh Elizabeth: “Phúc thay cho người nữ đã tin rằng lời của Chúa về bà sẽ được hoàn thành.” (Lu-ca 1:45).
Người Công Giáo xin lời bầu cử của Ðức Mẹ cũng như họ xin lời cầu nguyện của tất cả những tín hữu tốt lành, còn sống cũng như đã chết, vì tất cả sinh tồn trong Ðức Kitô (1 Cô-rin-tô 15:22). Việc các thánh cùng thông công này đã được giáo hội thực thi ngay từ khởi đầu. Nếu chúng ta, là những người có tội mà vẫn có thể cầu nguyện cho nhau, tại sao chúng ta không thể xin Ðức Mẹ và các thánh chuyển cầu?
Lời cầu nguyện thường xuyên nhất đối với thân mẫu Ðức Kitô là kinh Ave Maria: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà… Tại sao những người Tin lành qúa khích lại có thể chống lại lời cầu nguyện rất Kinh Thánh này? Vì phần đầu của kinh Kính Mừng đã lấy trực tiếp từ lời của Thiên Sứ Gabriel khi truyền tin cho Ðức Mẹ (Lu-ca 1:28-42). Trong khi phần thứ hai của kinh này xác định Thiên Tính của Ðức Kitô, tình trạng tội lỗi của con người, nhân loại sẽ phải đối diện với cái chết, và sức mạnh của lời chuyển cầu.
Kinh Kính Mừng đã thở thành một phần quan trọng của chuỗi Mân Côi, một hình thức tổng hợp của việc cầu nguyện và suy gẫm về những mầu nhiệm của công trình Cứu Chuộc. Thế mà những người Tin Lành qúa khích đã cho đó là những lời lập đi lập lại vô ích. Người Công Giáo không đặt nặng trên những lời cầu, nhưng là thái độ và bầu khí cầu nguyện khiến người cầu kinh có thể chìm vào sự cảm nghiệm thánh, nghe được tiếng Chúa thay vì tiếng của chính mình.
Việc cầu nguyện với Ðức Mẹ tự nó không phải là cứu cánh, nhưng chỉ là một phương tiện đưa con người đến sự kết hợp sâu xa hơn với Con của Mẹ. Ðến với Ðức Giêsu qua Ðức Mẹ (Ad Jesum per Mariam) đã là châm ngôn cổ truyền nhất của mọi tín hữu Công Giáo. Sùng kính Ðức Mẹ cách thực sự, không bao giờ làm mờ đi sự duy nhất của Ðức Kitô, vì người Công Giáo biết rằng mệnh lệnh duy nhất của Ðức Mẹ đã được ghi lại trong Kinh Thánh, là phải vâng lời Chúa trọn vẹn Hãy làm bất cứ điều gì Ngài bảo. (Gioan 2:5).
CÁC TÍN ÐIỀU VỀ ÐỨC MẸ
Người Tin Lành qúa khích vẫn hiểu lầm (hay cố tình không hiểu) hai tín điều chính về Ðức Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) và Hồn Xác Lên Trời (Assumption). Các tín điều về Ðức Mẹ luôn được đặt qua lăng kính Kitô học và Giáo Hội học. Nói một cách khác, Giáo Hội suy niệm về Ðức Maria để nói về Ðức Giêsu và về Giáo Hội nhiều hơn là nói về chính Ðức Mẹ, Ðấng nối liền Chúa và Giáo Hội vì vai trò đặc biệt của Mẹ trong công cuộc cứu rỗi.
Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ minh chứng rằng Ðức Trinh Nữ đã không vướng tội nguyên tổ của ông bà Adam và Eve. Tín điều này còn nói lên hai điểm quan trọng khác. Thứ nhất, Ðức Mẹ được ơn Vô nhiễm vì Ngài đã hoàn toàn ưng thuận làm Mẹ Ðấng Cứu Thế và để lòng Mẹ được xứng đáng là nơi Chúa ngự. Thứ hai, qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả những tì vết gây nên bởi nguyên tổ trong các tín hữu, đã được thanh tẩy nhờ phép rửa tội.
Nhiều giáo phái Tin lành đã tỏ ra lo ngại về tín điều này, vì họ cho rằng tín điều sẽ làm mất đi nhân tính của Ðức Mẹ và nâng Ngài lên hàng thần thánh. Họ trưng đẫn kinh Ngợi Khen (Magnificat), theo đó Ðức Mẹ đã tuyên xưng Thiên Chúa Ðấng cứu độ tôi (Lu-ca 1:47). Như vậy, chính Ðức Mẹ đã tự nhận rằng mình cần được cứu chuộc. Về điều này, thần học Công Giáo đã giải thích rằng, đúng vậy, Ðức Mẹ cũng cần được cứu chuộc, nhưng Mẹ đã được cứu rỗi bởi ơn ban trước (prevenient grace). Có nghĩa, Ðức Mẹ đã được Chúa cho tránh khỏi tội nguyên tổ trước khi Chúa giáng trần để chịu chết và phục sinh, cứu độ nhân loại. Ðức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ khi thành thai trong lòng mẹ Ngài là thánh Anna, để sau này trở nên người Mẹ Vô Nhiễm, đón nhận người Con Vô Nhiễm là Ðấng Thiên Sai vào lòng mình. Quan niệm về thời gian chỉ là của nhân loại, đối với Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời thì thời gian không có nghĩa gì cả. Người nữ được vinh dự đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng cần phải được thanh tẩy và chuẩn bị trước, đó cũng là điều có thể hiểu được với sự suy luận thông thường.
Tín điều Hồn Xác Lên Trời dạy rằng Mẹ Thiên Chúa đã được cất về trời cả hồn lẫn xác. Thân xác của Ðức Mẹ đã không bị hư đi, vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Chuộc. Mọi Kitô hữu (cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đều tin kẻ chết sẽ sống lại, tín điều hồn xác lên trời chỉ đơn thuần tái xác định sự thừa nhận của Chúa về sự xứng đáng của Ðức Mẹ để được hưởng ơn cứu độ toàn diện (sống lại trước mọi người) vì Ngài là Mẹ Ðức Kitô và là Mẹ Giáo Hội. Ở đây, chúng ta lại thấy chiều kích Kitô học và Giáo Hội học. Phần thưởng hồn xác lên trời đã trao ban cho Ðức Mẹ vì Ngài đã cưu mang Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời phần thưởng này còn nhắc đến việc kẻ chết sống lại, điều mà cả Giáo Hội đang trông mong.
Không phải chỉ có Ðức Mẹ mới được hưởng ơn vô nhiễm nguyên tội (khỏi tội tổ tông), chúng ta đã được hưởng ơn này qua bí tích Thanh Tẩy. Ơn hồn xác lên trời, Ðức Mẹ đã được hưởng trước, nhưng mọi tín hữu đều có thể được hưởng trong ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai.
ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH
Người Tin lành qúa khích đã công kích Giáo Hội Công Giáo về vấn đề Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Tất cả các Kitô hữu đều tin rằng Ðức Maria đã đồng trinh cho tới khi hạ sinh Chúa Giêsu, điều này đã được ghi rõ trong Phúc Âm (Mát-thêu 1:18; Lu-ca 1:34). Nhưng sau đó là vấn đề đã gây bất đồng ý kiến. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Ðức Mẹ đồng trinh không những cho tới khi mang thai Chúa Cứu Thế, nhưng còn suốt đời của Mẹ nữa.
Trước nhất, đây là việc bảo vệ một sự thật. Từ lâu, trước khi các giáo phái Tin Lành tự tách lìa khỏi giáo hội Roma (thế kỷ thứ 16), sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn được dạy và tin tưởng. Các kinh phụng vụ cổ thời nhất đã nhắc đến Ðức Mẹ là Trinh Nữ. Nếu Ðức Mẹ đã không đồng trinh trọn đời, tại sao người ta vẫn gọi Ðức Mẹ là Trinh Nữ sau khi Chúa Kitô giáng trần? Một người chưa lập gia đình thì được gọi là độc thân, nhưng đến khi anh ta thành gia thất rồi thì không ai còn gọi anh ta là chàng độc thân nữa. Giáo hội thuở ban đầu luôn luôn gọi Ðức Mẹ là Thánh Nữ Ðồng Trinh và Ngài đã sống và chết như một trinh nữ.
Thứ hai, tất cả các kinh tin kính cổ thời nhất đều nhấn mạnh đến điều Ðức Maria trọn đời đồng trinh. Kinh tin kính ở Epiphanius năm 374; Công đồng Constantinople đệ nhị năm 553; và Công đồng Lateran năm 649. Các Thánh phụ trong giáo hội như Augustine, Jerome, và Cyril thành Alexandria đều viết về Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ngay cả các nhà cải cách Tin Lành như Luther, Calvin, và Zwingli cũng đã đồng ý về sự đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ.
Sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã nói lên tính cách đặc biệt trong ơn gọi của Mẹ. Ðức Mẹ đã được gọi và được chọn là Mẹ của Ðấng Cứu Thế, không một công tác nào trên thế gian còn còn có thể quí trọng hơn công tác này, vì vậy thật là hữu lý khi nói rằng không còn con người trần thế nào được sinh ra từ cung lòng của Mẹ, đã cưu mang Ðấng Thiên Sai.
Ngoài ra, đã không có bằng chứng nào cho thấy Ðức Maria đã có thêm con cái sau Ðức Giêsu. Thánh sử Mác-cô, 3:31-33, đã nói đến mẹ và anh em Ngài, nhưng đây là hậu qủa của sự thiếu chính xác trong hai ngôn ngữ Do thái và Aram. Cùng một chữ này nhưng ở những nơi khác lại được dịch là đồng bào (brethren), hay còn được hiểu là anh em ruột thịt, bà con gần hoặc họ hàng xa. Truyền thống của giáo hội từ hai ngàn năm nay vẫn lưu truyền rằng Ðức Maria đã trọn đời đồng trinh. Không nên vì một vài người muốn nói khác đi mà giáo hội phải thay đổi truyền thống ngàn xưa đó.
CÁC PHÉP LẠ ÐỨC MẸ HIỆN RA
Cũng có một số các Kitô hữu ngoài Công Giáo đã tỏ ra quan tâm về việc các phép lạ Ðức Mẹ hiện ra. Chính Giáo Hội Công Giáo đã không dễ dàng chấp nhận sự xác thật của các phép lạ nói trên; tuy nhiên, Giáo Hội cũng tin rằng đối với Chúa sự gì cũng có thể xảy ra. (Lu-ca 1:37). Nếu Chúa đã tự tỏ mình ra hay gửi vị trung gian để truyền mệnh lệnh của Ngài trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, kể cả thời gian sau khi Chúa đã lên trời, như sự kiện Chúa gọi thánh Phaolô, thì tại sao ngày nay chúng ta phải thắc mắc về điều này?
Tất cả những phép lạ hiện ra, dù là do chính Chúa thực hiện như với thánh nữ Maria Magarita, hoặc qua sự chuyển mệnh của Ðức Mẹ như ở Lộ Ðức hay Fatima v.v… đều mang một chủ đề tương tự. Ðã không có những mạc khải mới, nhưng chỉ là sự tái xác định những huấn lệnh của Phúc Âm. Các con hãy cải thiện đời sống và tin tưởng vào Tin Mừng (Mác-cô 1:15). Thật lạ lùng, đây cũng chính là những thông điệp mà các giáo sĩ Tin Lành qúa khích đã và đang rao giảng.
TÔN THỜ ÐỨC MẸ?
Trở lại câu hỏi người Công Giáo có tôn thờ Ðức Mẹ không? Câu trả lời luôn luôn là KHÔNG, nhưng các giáo dân Công Giáo có bổn phận phải kính mến Ðức Mẹ cũng như các Thánh, vì các Ngài đã nêu gương sáng đức tin cho thế gian qua cuộc đời của các Ngài. Người Công Giáo xin lời bầu cử của các Ngài trước toà Chúa khi tất cả các tín hữu ở trên trời cũng như còn dưới thế cùng nhau cầu nguyện lời kinh hoàn hảo của Ðức Kitô.
Ðức Maria là dấu chỉ của niềm hi vọng cho tất cả các Kitô hữu; trong Mẹ, Chúa đã đem vườn địa đàng trở lại tình trạng tinh sạch của thuở ban đầu. Vì vậy, Mẹ là dấu chỉ và hứa hẹn của những gì Chúa sẽ làm cho những người biết noi theo gương trung tín của Mẹ. Trong Kinh Thánh, Ðức Mẹ đã tiên tri: Mọi thế hệ sẽ khen tôi có phúc. (Lu-ca 1:48). Thể hiện lời tiên tri này, người Công Giáo coi đó là điều vinh hạnh vô cùng, vì người ta không thể không nhắc đến người Phụ Nữ này và vai trò độc đáo của Bà trong đức tin Kitô giáo. Nếu không, người ta sẽ bóp méo sự thật của Kinh Thánh.
- Phaolô Nguyễn Văn Tùng(tổng hợp)
2020
Đức Maria và Giá trị cao đẹp của người Phụ Nữ
Bên cạnh những nhân tố cổ truyền đóng góp cho sự tiến triển của Thánh mẫu học (Thánh kinh, Thánh truyền, Thần học…) cần phải thêm một nhân tố văn hóa của thời đại, đó là phong trào Nữ quyền. Đức Maria là điển hình của người nữ can đảm chấp nhận một vai trò có ảnh hưởng đến số phận của nhân loại.
Trong thế kỷ 20, thánh mẫu học đã tiến triển về mặt thần học và tu đức, gần đây còn tăng thêm khía cạnh xã hội và mục vụ, kể cả sự hiểu biết thêm vai trò phụ nữ trong cộng đoàn Kitô hữu và trong xã hội như đã được nêu bật trong vài văn kiện của Huấn quyền Giáo hội.
Trong phần kết thúc công đồng Vaticano II, ngày 8-12-1965, các nghị phụ trong sứ điệp gởi cho tất cả phụ nữ trên thế giới : “Giờ đã đến, khi mà ơn gọi của phụ nữ đã được diễn tả trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ đã chiếm được trong xã hội một tầm ảnh hưởng, một địa bàn và một thế lực chưa từng thấy xưa nay.”
“Trong những năm gần đây, phẩm giá và thiên chức của người phụ nữ – đề tài tư duy của lý trí và của Kitô giáo – đã mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt. Đó cũng là lời được khẳng định trong Tông thư “Phẩm giá người Phụ nữ”.
Trong thế kỷ này, vai trò và phẩm giá phụ nữ là đối tượng tranh đấu của phong trào Nữ quyền, đôi khi với hình thức sôi nổi chống lại những gì làm ngăn trở việc đánh giá cao và phát triển nhân cách của phụ nữ cũng như việc họ tham gia vào đời sống xã hội và chính trị.
Trước những yêu sách đó, Hội thánh, nhất là trong thời gian gần đây, đã tỏ ra đặc biệt quan tâm và được thúc đẩy bởi sự nhận thức rằng:
Nếu biết nhận ra chân dung đích thực của Đức Maria thì sẽ tìm ra một lời giải đáp hữu hiệu cho khát vọng giải phóng phụ nữ. Đức Maria là người duy nhất đã thể hiện được cách tuyệt diệu chương trình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Kế hoạch Thiên Chúa đã được biểu lộ ngay từ trong Cựu ước, với trình thuật sự tạo dựng nam-nữ theo hình ảnh Thiên Chuá (St 1,27). Thiên Chúa nhìn thấy những gì mình đã làm thật là một điều rất tốt đẹp (St 1,31). Trong kế hoạch đó, sự khác biệt không bao hàm sự thấp kém của người nữ hay sự bất bình đẳng giới mà biểu lộ tính phong phú của chương trình sáng tạo. Với Đức Maria, Thiên Chúa đã tạo nên một phụ nữ vượt xa số phận bình thường của người nữ Evà, nâng lên tới cấp hoàn hảo. Đức Maria là kẻ “Được chúc phúc hơn mọi người nữ” mặc dầu mỗi người nữ đều tham dự vào phẩm giá siêu việt của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.
Các phụ nữ cần khám phá sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho mình hầu ý thức hơn về phẩm giá cao quý của họ…
Trải qua dòng lịch sử, nhiều phụ nữ đã đau khổ vì tài năng bị coi rẻ, bị hạ thấp và gánh chịu những thiên kiến bất công. Mặc dầu tình trạng này đã có một vài cải thiện nhưng vẫn tồn tại ở nhiều nước và không ít lãnh vực trên thế giới…
Công trình tuyệt diệu mà Đấng Tạo hóa đã thực hiện nơi Đức Maria cung cấp cho hết mọi người nam-nữ có cơ hội để khám phá vài chiều kích mà trước đây chúng ta chưa đánh giá đúng mức…
Đức Maria thật là khuôn mẫu về sự phát triển sung mãn của thiên chức phụ nữ vì bất chấp những giới hạn áp đặt trên điều kiện xã hội của mình, Đức Maria đã và sẽ gây được một ảnh hưởng vô biên đối với thân phận nhân loại và với sự biến đổi xã hội.
Trước sự khai thác bỉ ổi của những kẻ muốn biến phụ nữ thành một đối tượng vô phẩm giá, dành cho sự thỏa mãn đam mê dục tính, thì Đức Maria khẳng định giá trị cao vời của phụ nữ, một hồng ân và phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Maria thay vì ngăn cản con đường cao cả đi theo Chúa thì theo chương trình hồng ân của Chúa, trở nên dấu chỉ khuyến khích mọi kitô hữu hãy cởi mở cho quyền năng của ơn Chúa vì đối với Chúa không có gì mà không thể làm được. Vì thế nơi Đức Maria, mọi người đều được kêu gọi hãy tín thác nơi Thiên Chúa toàn năng, Đấng có thể thay đổi con tim, dìu dắt tới sự hoàn toàn tiếp đón kế hoạch yêu thương quan phòng của Ngài.
Nữ tu Mai Thành, CND-CSA
2020
Đường xuất hành mới
Hành trình đức tin của chúng ta không hướng về một miền đất nào, mà hướng về quê trời, nhưng vẫn là hành trình qua sa mạc để “lột xác” mà trở thành “con người mới”, nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Phép rửa cho chúng ta được mặc lấy con người mới, nhưng chỉ là cái mầm, nó phải lớn lên, vươn tới “chiều kích trưởng thành”.
Cuộc xuất hành mới không phải là ra khỏi một miền đất, một ách nô lệ phàm nhân. Đức Ki-tô không giải thoát chúng ta khỏi thân phận nô lệ ở trần gian, nhưng là ách nô lệ tội lỗi.
“Nước Chúa không thuộc về thế gian này” nhưng lại bắt đầu và lớn lên ở thế gian này như đồng lúa của Thiên Chúa, luôn bị kẻ thù lợi dụng đêm tối để gieo cỏ lùng vào. Nhưng Thiên Chúa không nóng nảy như ông Mô-sê, ông sai những người nhiệt thành đi nhổ liền. Thiên Chúa có đủ kiên nhẫn để chờ tới ngày thu hoạch cuối cùng sẽ tách lúa với cỏ.
Vấn đề đặt ra cho dân Chúa, cho những ai đã đón nhận hạt giống Lời Chúa, là để cho Lời Chúa lớn lên, bao trùm, biến đổi chính mình, không để cho ba kẻ thù “xa-tan, thế gian và xác thịt” làm biến chất, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn Dân Chúa. Ngày nay thì xa-tan nhàn lắm, bởi vì “thế gian” của nó đã lớn mạnh và nó núp kỹ đến nỗi nhiều nhà thần học không tin là nó có thật, coi nó là biểu tượng thôi. Cái thế gian dưới quyền thống trị của nó mạnh thật, vì nó lấn sân của Hội Thánh từ lâu và tiếp tục lấn sân quyết liệt hơn nhờ tay chân của nó ngày càng đông và càng tinh vi. Thế gian ấy nuôi dưỡng “xác thịt” trở nên cường tráng mạnh mẽ tới mức những phương thế cổ điển nhằm chiến đấu với nó bị coi là lỗi thời ngay trong hàng linh mục, tu sĩ với những trào lưu thế tục do nó gieo vào, có vẻ rất đạo đức, rất đẹp, rất tinh vi và rất hấp dẫn, mà thực chất, như thánh Phao-lô gọi là “sống như kẻ thù của thập giá” (Pl 3,18).
Giao Ước Mới mở ra cho mọi dân tộc chứ không dành riêng cho đám người hỗn độn từ Ai-cập đi ra và được tụ họp ở núi Xi-nai để trở thành dân của Giao Ước. Đã mở ra cho mọi dân tộc thì không thể gom vào một mảnh đất nào nữa. “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,20)
Từ khi Chúa Giê-su được rước về trời trong vinh quang mà Người vẫn có nơi Chúa Cha, các tông đồ vâng lệnh đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, hình như thế giới vẫn càng ngày càng tệ hơn, những chia rẽ, mâu thuẫn ngày càng sâu xa hơn, chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Chiến tranh giữa các nước gọi là “ki-tô giáo” với nhau, rồi những cuộc thánh chiến. Những cuộc xung đột giữa giáo hội phương đông và phương tây…
Sau đó thì hình như Hội Thánh của Chúa lại tục hóa, học theo cách tổ chức và lối sống của xã hội phong kiến phương tây, thay vì “Phúc Âm hóa” nó. Người đứng đầu Hội Thánh Rô-ma, giám mục của Rô-ma bỗng thành Giáo Hoàng, có một giáo triều, với các vị chức sắc mang phẩm phục kiểu cách, màu sắc, giống như tại các triều đình của vua chúa, cả cái ngôn ngữ của triều đình cũng được du nhập rộng rãi. Hàng giáo sĩ cũng có thành phần quí tộc thông thái để nắm địa vị, quyền lực, hưởng bổng lộc, sống như và với giai cấp quí tộc, và hàng thường dân ít học để sống như và với dân quê. Cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo Hoàng đội cái mũ ba tầng[1], “ba [vương miện] trong một”: vua của Giáo Hội, vua của “nước Đức Giáo Hoàng” và vua toàn thế giới, nắm quyền tấn phong các vua của các nước trên trần gian [Chúa Giê-su có làm vua của thế gian đâu !]. Phẩm phục của Giáo Hoàng là phẩm phục đế vương, màu đỏ đế vương, giày đỏ tía. Các Hồng Y nay vẫn còn mặc áo đỏ bằng thứ vải đắt tiền của bậc đế vương. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã “cắt bỏ cái đuôi” của phẩm phục Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục, bớt được vài người hầu đi theo cầm đuôi áo cho mỗi vị.
Nhắc lại vài điều “khó tin mà có thật”, trong số nhiều điều mà – tạ ơn Chúa – thế hệ sau 1970 không còn “phải” thấy, để “có thể thấy” Hội Thánh đã trải qua bao nhiêu thế kỷ bị tục hóa, nay đang trên đường trở về với Đấng Chịu Đóng Đinh Trần Truồng trên thập giá, dù cuộc trở về này vẫn còn đầy chông gai, vì vẫn còn những người thích đeo và sống với “thập giá vàng nạm ngọc”, hơn mang và sống thánh giá bằng gỗ của Chúa Giê-su.
Rồi khi các nước “ki-tô giáo” phương tây tự cho là “khám phá ra châu Mỹ” [!!!] thì lại đua nhau chiếm đất của các dân tộc vốn sinh sống ở đó, coi họ là mọi rợ, nghi ngờ họ có phải là người chưa[2] ; bắt họ làm nô lệ, dồn họ vào rừng sâu nước độc để chiếm đất đai màu mỡ của họ. Rồi cũng từ các nước ki-tô giáo xuất phát những kẻ buôn bán nô lệ, do các triều đình Âu châu bảo trợ, lùa dân Phi Châu xuống tàu chở qua châu Mỹ bán ở “chợ nô lệ” như bán một đàn vật. Tàn tích của sự khinh thị người nô lệ da đen vẫn còn nóng bỏng, ngay tại cái nước ở Bắc Mỹ tự cho là văn minh, dân chủ nhất thế giới.
Khi ngành hàng hải của Âu châu phát triển, thì các nhà truyền giáo từ các nước “ki-tô giáo” Âu Châu theo tàu buôn đi loan báo Tin Mừng cho các nước Nam và Đông Á. Các nước này vốn có những nền văn minh văn hóa cùng thời với các nền văn minh văn hóa cổ xưa của Ai-cập, Trung Cận Đông, trước cả Hy-lạp và Rô-ma mấy ngàn năm. Nhưng Giáo Hội phương Tây lại lẫn lộn Tin Mừng với cái vỏ ngôn ngữ, văn hóa, y phục, nghi lễ La-tinh… áp đặt lên các dân tộc xa lạ, biến họ thành lai căng, gây lẫn lộn giữa việc theo đạo Thiên Chúa và theo văn hóa phương Tây. Rồi các nước phương Tây ấy lại theo sau các nhà truyền giáo, dưới danh nghĩa “bảo vệ” đạo. Gây thêm ngộ nhận giữa truyền giáo và thực dân… Những người tự coi là môn đệ Đức Ki-tô dần dần chia nhau thành hàng ngàn phái, khiến người ngoài hoa mắt chẳng còn biết đâu thật, đâu giả, đâu chánh, đâu tà.
Nay thì tại các nước quen gọi là “ki-tô giáo”, Ki-tô giáo đang trở thành “kẻ lạ mặt”, bị thay thế bởi các thứ chủ nghĩa, triết thuyết bài tôn giáo, phá hủy cả đạo làm người… Các thứ chủ nghĩa, triết thuyết này lan đi nhanh hơn Ki-tô giáo. Người ta đã tiến sang giai đoạn “hậu vô thần”, không còn đặt vấn đề về Thiên Chúa nữa. Điều Xa-tan xúi giục ở vườn Địa Đàng nay trở thành đương nhiên trong luật pháp của nhiều nước “hậu Ki-tô giáo”: con người là ông thần bà thần, làm chủ tuyệt đối của chính mình, của mạng sống mình và mạng sống người khác. Bào thai bao lâu còn trong bụng mẹ chỉ là một phần thân thể người mẹ, nên người mẹ có quyền hủy hoại nó. Người cùng phái có quyền kết hôn và mọi quyền lợi như một gia đình. Đỉnh cao của văn minh tới đó rồi. “Con người hậu vô thần” đang vươn lên bá chủ thế giới.
Dân tự coi là dân của Giao Ước Xi-nai đã lấy lại được cái gọi là Đất Hứa, đem Sách Thánh làm văn tự chứng minh chủ quyền. Dù 50% trong số người này chẳng tin thần thánh nào cả. 10% nhiệt thành giữ Luật Mô-sê với mọi thứ chi tiết mà các Ráp-bi của họ đã thêm vào suốt hai ngàn năm qua. 40% còn lại thì xếp hạng từ đậm tới lạt…
Tất cả những hiện tượng này trong lịch sử và ngay thời chúng ta có vẻ như thách đố cả tín hữu và người ngoài: Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, của Gia-cóp, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô và ơn cứu độ trong Đức Ki-tô mà các môn đệ của Ngài rao giảng còn có nghĩa gì nữa không, vì đã hơn bốn ngàn năm Thiên Chúa của Áp-ra-ham chẳng thay đổi được con người và thế giới này?
Thiên Chúa đã ban quả tim mới, quả tim mới ở đâu? Quả tim của con người hôm nay cũng như hôm qua, vẫn đầy tham sân si. Trong Hội Thánh của Chúa còn đầy những ngẫu tượng: bảo thủ, cấp tiến đều là thờ một thứ gì đó làm ngẫu tượng như: tiếng la-tinh, “nghi thức” thời thánh Pi-ô V, Pi-ô X ; địa vị, chức quyền, áo, mão, hia, gậy. Trong hàng Hồng Y, Giám Mục[3], linh mục, phó tế, trong tu viện cũng còn đầy ganh ghét, bon chen, tranh giành ảnh hưởng, chưa kể những “xì-căng-đan” khác ở mỗi giai đoạn lịch sử. Giảng đài nhiều khi thành diễn đàn tự do, sàn biểu diễn, thành sân khấu hài ; người giảng có khi biết đủ thứ, thuyết đủ thứ, trừ Lời Chúa… Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tiếp tục cuộc canh tân của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, thì bị chống đối ngay từ trong hàng Hồng Y, giám mục, linh mục. Không thiếu kẻ công khai cầu cho Ngài chết lẹ đi, để họ đưa ông “Vũ như Cẩn” trở lại trên bàn thờ.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài đến thay đổi mặt địa cầu! Ngài ở đâu bây giờ? Sao địa cầu có vẻ tồi tệ như hoặc hơn xưa?
Câu trả lời ở nơi con người.
Kinh Thánh nói rằng “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người”, nhưng từ khi Thiên Chúa đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên loài có sự sống”, thì nó không như những sinh vật khác, mà nó có tự do, có thể từ chối cả Đấng đã tạo ra nó ; nghĩa là nó có thể tùy ý chọn lựa trở nên giống ai, giống cái gì… và nó vuột khỏi bàn tay nhào nặn của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể nói với nó, nhưng nó nghe hay không là tùy nó.
Con người không còn nhớ và không muốn nhớ nguồn gốc của mình từ bụi đất nữa. Rồi từ khi con người từ chối cả Đấng đã cho mình hơi thở, thì nó tưởng mình đã thành ông thần, bà thần, ngang hàng với Thiên Chúa rồi. Ngày xưa con người nặn, đúc, đẽo những ông thần rồi đặt lên ngai mà thờ ; ngày nay những con người tự cho mình là văn minh, tiến bộ, không ngu gì mà thờ tượng gỗ tượng đá, tương vàng… Nhưng thờ vàng, bạc, kim cương, giấy xanh giấy đỏ, cái ngai… Họ sẵn sàng sát tế cả cha mẹ vợ con, cả dân tộc để được các thứ thần kia làm sở hữu. Người ta còn tôn nhau hay tôn chính mình làm thần nữa. Dân của Giao Ước Xi-nai coi các thần của các dân khác là thần ngoại lai, thần lạ… Người thời nay có đủ thứ thần để say mê, nên coi Thiên Chúa của Ít-ra-en, Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô là thần lạ !
Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của người thời nay cũng như của người thời xưa. Trong lời Mô-sê giã từ dân Giao Ước Xi-nai trước khi họ qua sông vào Đất Hứa, còn ông phải lên núi “biến khỏi màn hình”, ông hết lời nhắc nhở, nhắn nhủ dân, và chỉ có thể kết thúc bằng lời mời chọn lựa: “Hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc hoặc là phải chết, bị tai họa.” (Đnl 30,15).
Thế nhưng cái Đất Hứa thì chưa ai thấy, chưa ai hưởng và chưa biết bao giờ mới được hưởng. Nồi thịt, con cá, quả dưa, củ hành củ tỏi bên Ai-cập thì họ đã ăn rồi, biết mùi vị rồi. Thiên Chúa mà ông Mô-sê nói, và họ cũng đã nghe tiếng uy nghi từ trên đỉnh núi thì quá xa vời và họ không điều khiển được, còn những ông thần của Ai Cập thì họ điều khiển hoàn toàn theo ý họ được. Cái triết lý của người nông dân miền Bắc Việt Nam “biết có sống đến mai mà để dành củ khoai đến tối” có vẻ hấp dẫn hơn. Thờ các thứ thần trước mắt thì sướng ngay bây giờ. Còn thờ Thiên Chúa thì phải chờ tới đời sau mới được. Hạnh phúc Chúa Giê-su hứa: “sẽ được Nước Đức Chúa Trời làm của mình, sẽ được… sẽ được…” toàn ở thì tương lai thôi, lại thêm gia vị “bách hại” nữa (Mt 5,3-12) ! Mà biết có được không nữa, vì còn phải tuân theo điều kiện !? Đang đói, vớ được củ khoai thì cứ ăn đi cho sướng bây giờ.
Đó là điệp khúc của dân thời Giao ước Xi-nai cũng như của thời Giao Ước Mới.
Thiên Chúa để con người tự chọn, không cưỡng ép. Nếu Thiên Chúa nặn hình tượng của Thiên Chúa hay đẽo tảng đá cho thành hình tượng của Thiên Chúa, rồi để yên đó thì nó chẳng chạy đi đâu được, nhưng Thiên Chúa dựng nên con người như loài có sự sống nên nó chuyển động không ngừng và Ngài đã cho nó tự do chọn nên giống ai. Nó thích giống thứ thần mắt thấy được, tay sờ được và có thể soi gương đối chiếu để xem mình đã giống thần tới mức nào. Còn nên giống Thiên Chúa thì chỉ có nghe theo lời của Thiên Chúa mà làm theo, khó quá !
Thiên Chúa chiều chuộng con người nên đã cho “Con Một là hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa” đến làm người để làm mẫu và chỉ đường. Nhưng chính những môn đệ đi theo Người Con ấy trên những nẻo đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem cũng chẳng hiểu gì, đến bữa ăn cuối cùng còn cãi nhau ỏm tỏi, tranh giành địa vị với nhau. Rồi một người phản nộp Thầy, một người chối bỏ Thầy, mười người còn lại bỏ Thầy trốn hết.
Sau khi Phục Sinh, Người qui tụ mười một ông lại để từ giã thì họ còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc cho Ít-ra-en không?” (Cv 1,6).
Người hứa ban Thánh Thần để dạy dỗ họ, để cho họ sức mạnh mà đi làm chứng.
Nhưng ngay trong cái cộng đoàn kiểu mẫu đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem đã có những kẻ toan lừa dối Thánh Thần (x. Cv 5,1-11). Một ông phù thủy ở Sa-ma-ri sau khi xin chịu Phép Rửa đã hỏi mua quyền đặt tay ban Thánh Thần (Cv 8,18-24). Đến chương 15 trong sách Công Vụ thì thấy trong hàng ngũ những người rao giảng Tin Mừng đã xuất hiện những rạn nứt do tình trạng lẫn lộn giữa Thánh Thần và “thổ thần”, Thánh Thần thì vượt ranh giới sắc tộc, phong tục tập quán, còn “thổ thần” thì bắt người ngoài đạo Do Thái muốn thành môn đệ Đức Ki-tô phải theo đạo Do Thái nữa. Đó cũng là một thứ thờ ngẫu thần. Trong hội nghị Giê-ru-sa-lem nhằm giải quyết những xung khắc thì các vị lãnh đạo, là các “tông đồ và kỳ mục”, cũng bắt đầu cãi lý sùi bọt mép chẳng đi tới đâu, cho tới khi ông Phê-rô yêu cầu “nghe” cho biết Thánh Thần đã làm những gì, thay vì cãi. Sự nhất trí trong hội nghị Giê-ru-sa-lem cũng không đem lại ổn định hoàn toàn đâu, vị tông đồ dân ngoại là Phao-lô sẽ bị theo dõi và chống đối suốt đời.
Chúa Giê-su và các Tông Đồ đã không ảo tưởng khi đi rao giảng. Lời Thiên Chúa là Lời Tạo Dựng, Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng” thì ánh sáng xuất hiện (St 1, 1-25), nhưng khi dựng nên con người thì Thiên Chúa chỉ tự nói với mình: “Nào Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh Ta” rồi phải làm. Lần đầu tiên Thiên Chúa đến gọi con người trong vườn địa đàng thì con người đã lẩn trốn mất rồi, vì đã nghe lời kẻ lạ mặt dụ dỗ, đi tìm bùa ngải để khỏi cần đến Thiên Chúa nữa… Từ đó Lời Thiên Chúa nói với con người chỉ còn là “Nghe đây…”, “Hãy nghe…”, và hoàn toàn lệ thuộc con người.
Thiên Chúa bắt đầu hạ mình từ khi bắt đầu nói với con người. Chúa Giê-su đã ví Lời Thiên Chúa nói với con người như hạt giống gieo xuống đất. Hạt giống có mọc được hay không còn tùy thuộc mảnh đất nó rơi vào, là người nhận. Hạt giống có “ba rủi”: lề đường, đất sỏi đá và gai góc, và “một may”: đất tốt. (x. Mt 13,3-23; Mc 4,3-8; Lc 8, 5-8). Chính Chúa Giê-su đã ngậm ngùi nói lên nỗi khắc khoải: “Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8)
Các tông đồ cũng chẳng thể làm gì hơn các ngôn sứ đã đi trước, chỉ biết khuyên răn tha thiết, cả bằng nước mắt và máu. Bức thư đầu tiên được giữ lại và trở thành bản văn viết sớm nhất của sách Tân Ước là thư thứ nhất của thánh Phao-lô Tông Đồ gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, đã ghi lại lời tâm sự:
Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.8Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. 9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người. (2,7-12)
Thư 2 Cô-rin-tô, khoảng 10 năm sau: “tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hoà khi viết cho anh em: tôi viết không phải để gây ưu phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em.”
Khi chịu phép rửa thì tín hữu đã mặc lấy con người mới, nhưng thực tế không đơn giản, vì phải tiếp tục suốt đời: giết chết con người cũ để con người mới được lớn lên. Thư Rô-ma cho biết cái đã được khi chịu phép Rửa:
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? 4Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
5Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. 6Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. 7Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.” (Rm 6, 3-7)
Thư Ê-phê-sô cho biết đó là khởi đầu cuộc chiến trường kỳ: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô” (Rm 6,6) nhưng lại cứ phải tiếp tục “lột bỏ nó”:
“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, 23anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, 24và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (4,22-24).
Con người mới không phải là cái áo may sẵn mặc vào là xong, nhưng là “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3, 10).
Thư Ga-lát cho biết “mặc lấy con người mới” chính là “mặc lấy Đức Ki-tô”: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (3,27).
Làm sao có thể mặc lấy Đức Ki-tô? Trước hết là mặc lấy “những tâm tình đã có nơi Đức Ki-tô” (Pl 2,5) ; cư xử như Đức Ki-tô: “bước đi như Đấng ấy đã bước đi” (1Ga 2,6) [dịch sát] ; được biến hình: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương ; như vậy, chúng ta được biến đổi[4] nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2Cr 3,18)
Với Tổ phụ Áp-ra-ham thì Thiên Chúa bảo: “Hãy bước đi trước mặt Ta và sống hoàn thiện.” (St 17,1).
Đến ông Mô-sê, người phải dẫn đưa dân vào Đất Hứa, khi nhận ra mình sai thì ông khiêm tốn xin: “Xin khấn tỏ cho con biết đường lối của Ngài để con biết Ngài” (Xh 33,13). Thiên Chúa trả lời:
“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” 21ĐỨC CHÚA còn phán: “Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Con Thiên Chúa đã làm người, đã sống trọn thân phận con người trong tư cách là Con Thiên Chúa, đã thi hành trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, để trở thành “Con đường, Sự Thật và Sự Sống” và có thể mời gọi chúng ta: “Hãy theo Thầy”. “Vác thập giá của mình hàng ngày mà đi đàng sau Thầy”. (Lc 9,23). Ông Phê-rô kéo Người lại để yêu cầu Người thay đổi đường lối thì Người bảo: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của người phàm” (Mt 16,23; Mc 8,31-33; Lc 9,22).
Mầu nhiệm hạ mình của Thiên Chúa không kết thúc với mầu nhiệm nhập thể, mà vẫn diễn ra hôm nay: Thiên Chúa vẫn hạ mình lệ thuộc vào thọ tạo, không cưỡng ép. Ngài vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai mở cho Ngài thì Ngài vào, mở đến đâu thì Ngài vào đến đó, không mở thì Ngài vẫn kiên nhẫn chờ… Trong sách Diễm Ca, chàng đến gõ cửa và năn nỉ:
Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức; có tiếng người tôi yêu gõ cửa:
“Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh, hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười !
Này đầu anh, lớp sương dày đã phủ, và tóc anh, đêm khuya làm đẫm ướt.”
Tiếng trả lời từ trong nhà vang ra thật phũ phàng, đầu anh phủ sương hay tóc anh ướt đẫm không quan trọng bằng bàn chân em đã rửa. Đứt ruột:
“Em đã cởi xiêm y, lại mặc vào sao được?
Em đã rửa chân rồi, lại để lấm hay sao?”
Chàng làm một cử chỉ năn nỉ cuối cùng, nhưng không tự ý đẩy cửa bước vào:
Người tôi yêu luồn tay qua khe cửa…
Chàng đành đội sương khuya, lững thững ra đi cho tóc ướt thêm.
Sách Khải Huyền trong Tân Ước cũng lặp lại cảnh này trong bức thư thứ bảy, gởi Hội Thánh ở Lao-đi-ki-a:
Ta khuyên ngươi đến với Ta mà … mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng… 19Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn ! 20Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. (Kh 3,18-20).
Tình yêu không thể mua được, cũng không thể chiếm đoạt hay cưỡng ép.
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể (Dc 8,7)
Con người là công trình kỳ diệu nhất của Thiên Chúa, bởi vì được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng lại càng kỳ diệu hơn khi tự do trở nên giống Thiên Chúa, THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.
Chỉ Tình Yêu mới có đủ sức mạnh để cho con người tự do, và đủ kiên nhẫn để chờ suốt đời.
Sách Khôn ngoan đã diễn tả sự thật ấy một cách khác, khi lý giải sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với dân Ai-cập và dân Ca-na-an:
Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
19Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng:
người công chính phải có lòng nhân ái.
Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.
Lời mời gọi của các ngôn sứ là “Hãy nghe Lời Thiên Chúa !”, “hãy quay về” với Thiên Chúa.
Lời mời gọi của vị Tiền Hô: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã kề bên” (Mt 3,2)
Lời rao giảng mở đầu của Chúa Giê-su là: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã kề bên” (3,17)
Lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ là: “Hãy hoán cải” (Cv 2,38)
Lời nhắn nhủ cuối cùng trong bức thư thứ bảy của sách Khải Huyền là: “Hãy nhiệt thành và hối cải !” và mời gọi: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (3, 19.22).
__________________
[1] Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã cho cái “mũ ba tầng” cuối cùng vào viện bảo tàng ở nhà thờ tại Washington. Đôi giày đỏ thì còn trong chân của Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hy vọng nó sẽ là đôi giày đỏ cuối cùng ở Va-ti-ca-nô. Người thợ giày chuyên môn của Va-ti-ca-nô chắc không muốn mất mối ngon.
[2] Trong phim Mission có một cảnh thật phũ phàng: trong buổi văn nghệ chào mừng vị “khâm sai Tòa Thánh”, một em bé đang hát với giọng ca thiên thần làm mọi người say mê, thì một vị áo tím tháp tùng khâm sai hỏi: liệu nó có linh hồn không?
[3] Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, trong lễ trọng thể do giám mục cử hành, phải để hai tấm bánh trên đĩa thánh. Đến khi dâng của lễ thì phụ phó tế long trọng đem một trong hai tấm bánh cho vị Tổng Đại Diện quì dự lễ trên cung thánh, vị này phải ăn để chứng tỏ không có thuốc độc trong bánh!
[4] Bản văn Hy-lạp dùng cùng một từ “biến hình” như trong trình thuật Tin Mừng về Chúa Giê-su “biến hình”.
Lm. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
Giê-ru-sa-lem, CN V mùa Phục Sinh 2020