Đường xuất hành mới
Hành trình đức tin của chúng ta không hướng về một miền đất nào, mà hướng về quê trời, nhưng vẫn là hành trình qua sa mạc để “lột xác” mà trở thành “con người mới”, nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Phép rửa cho chúng ta được mặc lấy con người mới, nhưng chỉ là cái mầm, nó phải lớn lên, vươn tới “chiều kích trưởng thành”.
Cuộc xuất hành mới không phải là ra khỏi một miền đất, một ách nô lệ phàm nhân. Đức Ki-tô không giải thoát chúng ta khỏi thân phận nô lệ ở trần gian, nhưng là ách nô lệ tội lỗi.
“Nước Chúa không thuộc về thế gian này” nhưng lại bắt đầu và lớn lên ở thế gian này như đồng lúa của Thiên Chúa, luôn bị kẻ thù lợi dụng đêm tối để gieo cỏ lùng vào. Nhưng Thiên Chúa không nóng nảy như ông Mô-sê, ông sai những người nhiệt thành đi nhổ liền. Thiên Chúa có đủ kiên nhẫn để chờ tới ngày thu hoạch cuối cùng sẽ tách lúa với cỏ.
Vấn đề đặt ra cho dân Chúa, cho những ai đã đón nhận hạt giống Lời Chúa, là để cho Lời Chúa lớn lên, bao trùm, biến đổi chính mình, không để cho ba kẻ thù “xa-tan, thế gian và xác thịt” làm biến chất, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn Dân Chúa. Ngày nay thì xa-tan nhàn lắm, bởi vì “thế gian” của nó đã lớn mạnh và nó núp kỹ đến nỗi nhiều nhà thần học không tin là nó có thật, coi nó là biểu tượng thôi. Cái thế gian dưới quyền thống trị của nó mạnh thật, vì nó lấn sân của Hội Thánh từ lâu và tiếp tục lấn sân quyết liệt hơn nhờ tay chân của nó ngày càng đông và càng tinh vi. Thế gian ấy nuôi dưỡng “xác thịt” trở nên cường tráng mạnh mẽ tới mức những phương thế cổ điển nhằm chiến đấu với nó bị coi là lỗi thời ngay trong hàng linh mục, tu sĩ với những trào lưu thế tục do nó gieo vào, có vẻ rất đạo đức, rất đẹp, rất tinh vi và rất hấp dẫn, mà thực chất, như thánh Phao-lô gọi là “sống như kẻ thù của thập giá” (Pl 3,18).
Giao Ước Mới mở ra cho mọi dân tộc chứ không dành riêng cho đám người hỗn độn từ Ai-cập đi ra và được tụ họp ở núi Xi-nai để trở thành dân của Giao Ước. Đã mở ra cho mọi dân tộc thì không thể gom vào một mảnh đất nào nữa. “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3,20)
Từ khi Chúa Giê-su được rước về trời trong vinh quang mà Người vẫn có nơi Chúa Cha, các tông đồ vâng lệnh đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, hình như thế giới vẫn càng ngày càng tệ hơn, những chia rẽ, mâu thuẫn ngày càng sâu xa hơn, chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Chiến tranh giữa các nước gọi là “ki-tô giáo” với nhau, rồi những cuộc thánh chiến. Những cuộc xung đột giữa giáo hội phương đông và phương tây…
Sau đó thì hình như Hội Thánh của Chúa lại tục hóa, học theo cách tổ chức và lối sống của xã hội phong kiến phương tây, thay vì “Phúc Âm hóa” nó. Người đứng đầu Hội Thánh Rô-ma, giám mục của Rô-ma bỗng thành Giáo Hoàng, có một giáo triều, với các vị chức sắc mang phẩm phục kiểu cách, màu sắc, giống như tại các triều đình của vua chúa, cả cái ngôn ngữ của triều đình cũng được du nhập rộng rãi. Hàng giáo sĩ cũng có thành phần quí tộc thông thái để nắm địa vị, quyền lực, hưởng bổng lộc, sống như và với giai cấp quí tộc, và hàng thường dân ít học để sống như và với dân quê. Cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo Hoàng đội cái mũ ba tầng[1], “ba [vương miện] trong một”: vua của Giáo Hội, vua của “nước Đức Giáo Hoàng” và vua toàn thế giới, nắm quyền tấn phong các vua của các nước trên trần gian [Chúa Giê-su có làm vua của thế gian đâu !]. Phẩm phục của Giáo Hoàng là phẩm phục đế vương, màu đỏ đế vương, giày đỏ tía. Các Hồng Y nay vẫn còn mặc áo đỏ bằng thứ vải đắt tiền của bậc đế vương. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã “cắt bỏ cái đuôi” của phẩm phục Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục, bớt được vài người hầu đi theo cầm đuôi áo cho mỗi vị.
Nhắc lại vài điều “khó tin mà có thật”, trong số nhiều điều mà – tạ ơn Chúa – thế hệ sau 1970 không còn “phải” thấy, để “có thể thấy” Hội Thánh đã trải qua bao nhiêu thế kỷ bị tục hóa, nay đang trên đường trở về với Đấng Chịu Đóng Đinh Trần Truồng trên thập giá, dù cuộc trở về này vẫn còn đầy chông gai, vì vẫn còn những người thích đeo và sống với “thập giá vàng nạm ngọc”, hơn mang và sống thánh giá bằng gỗ của Chúa Giê-su.
Rồi khi các nước “ki-tô giáo” phương tây tự cho là “khám phá ra châu Mỹ” [!!!] thì lại đua nhau chiếm đất của các dân tộc vốn sinh sống ở đó, coi họ là mọi rợ, nghi ngờ họ có phải là người chưa[2] ; bắt họ làm nô lệ, dồn họ vào rừng sâu nước độc để chiếm đất đai màu mỡ của họ. Rồi cũng từ các nước ki-tô giáo xuất phát những kẻ buôn bán nô lệ, do các triều đình Âu châu bảo trợ, lùa dân Phi Châu xuống tàu chở qua châu Mỹ bán ở “chợ nô lệ” như bán một đàn vật. Tàn tích của sự khinh thị người nô lệ da đen vẫn còn nóng bỏng, ngay tại cái nước ở Bắc Mỹ tự cho là văn minh, dân chủ nhất thế giới.
Khi ngành hàng hải của Âu châu phát triển, thì các nhà truyền giáo từ các nước “ki-tô giáo” Âu Châu theo tàu buôn đi loan báo Tin Mừng cho các nước Nam và Đông Á. Các nước này vốn có những nền văn minh văn hóa cùng thời với các nền văn minh văn hóa cổ xưa của Ai-cập, Trung Cận Đông, trước cả Hy-lạp và Rô-ma mấy ngàn năm. Nhưng Giáo Hội phương Tây lại lẫn lộn Tin Mừng với cái vỏ ngôn ngữ, văn hóa, y phục, nghi lễ La-tinh… áp đặt lên các dân tộc xa lạ, biến họ thành lai căng, gây lẫn lộn giữa việc theo đạo Thiên Chúa và theo văn hóa phương Tây. Rồi các nước phương Tây ấy lại theo sau các nhà truyền giáo, dưới danh nghĩa “bảo vệ” đạo. Gây thêm ngộ nhận giữa truyền giáo và thực dân… Những người tự coi là môn đệ Đức Ki-tô dần dần chia nhau thành hàng ngàn phái, khiến người ngoài hoa mắt chẳng còn biết đâu thật, đâu giả, đâu chánh, đâu tà.
Nay thì tại các nước quen gọi là “ki-tô giáo”, Ki-tô giáo đang trở thành “kẻ lạ mặt”, bị thay thế bởi các thứ chủ nghĩa, triết thuyết bài tôn giáo, phá hủy cả đạo làm người… Các thứ chủ nghĩa, triết thuyết này lan đi nhanh hơn Ki-tô giáo. Người ta đã tiến sang giai đoạn “hậu vô thần”, không còn đặt vấn đề về Thiên Chúa nữa. Điều Xa-tan xúi giục ở vườn Địa Đàng nay trở thành đương nhiên trong luật pháp của nhiều nước “hậu Ki-tô giáo”: con người là ông thần bà thần, làm chủ tuyệt đối của chính mình, của mạng sống mình và mạng sống người khác. Bào thai bao lâu còn trong bụng mẹ chỉ là một phần thân thể người mẹ, nên người mẹ có quyền hủy hoại nó. Người cùng phái có quyền kết hôn và mọi quyền lợi như một gia đình. Đỉnh cao của văn minh tới đó rồi. “Con người hậu vô thần” đang vươn lên bá chủ thế giới.
Dân tự coi là dân của Giao Ước Xi-nai đã lấy lại được cái gọi là Đất Hứa, đem Sách Thánh làm văn tự chứng minh chủ quyền. Dù 50% trong số người này chẳng tin thần thánh nào cả. 10% nhiệt thành giữ Luật Mô-sê với mọi thứ chi tiết mà các Ráp-bi của họ đã thêm vào suốt hai ngàn năm qua. 40% còn lại thì xếp hạng từ đậm tới lạt…
Tất cả những hiện tượng này trong lịch sử và ngay thời chúng ta có vẻ như thách đố cả tín hữu và người ngoài: Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, của Gia-cóp, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô và ơn cứu độ trong Đức Ki-tô mà các môn đệ của Ngài rao giảng còn có nghĩa gì nữa không, vì đã hơn bốn ngàn năm Thiên Chúa của Áp-ra-ham chẳng thay đổi được con người và thế giới này?
Thiên Chúa đã ban quả tim mới, quả tim mới ở đâu? Quả tim của con người hôm nay cũng như hôm qua, vẫn đầy tham sân si. Trong Hội Thánh của Chúa còn đầy những ngẫu tượng: bảo thủ, cấp tiến đều là thờ một thứ gì đó làm ngẫu tượng như: tiếng la-tinh, “nghi thức” thời thánh Pi-ô V, Pi-ô X ; địa vị, chức quyền, áo, mão, hia, gậy. Trong hàng Hồng Y, Giám Mục[3], linh mục, phó tế, trong tu viện cũng còn đầy ganh ghét, bon chen, tranh giành ảnh hưởng, chưa kể những “xì-căng-đan” khác ở mỗi giai đoạn lịch sử. Giảng đài nhiều khi thành diễn đàn tự do, sàn biểu diễn, thành sân khấu hài ; người giảng có khi biết đủ thứ, thuyết đủ thứ, trừ Lời Chúa… Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tiếp tục cuộc canh tân của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, thì bị chống đối ngay từ trong hàng Hồng Y, giám mục, linh mục. Không thiếu kẻ công khai cầu cho Ngài chết lẹ đi, để họ đưa ông “Vũ như Cẩn” trở lại trên bàn thờ.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài đến thay đổi mặt địa cầu! Ngài ở đâu bây giờ? Sao địa cầu có vẻ tồi tệ như hoặc hơn xưa?
Câu trả lời ở nơi con người.
Kinh Thánh nói rằng “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người”, nhưng từ khi Thiên Chúa đã “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên loài có sự sống”, thì nó không như những sinh vật khác, mà nó có tự do, có thể từ chối cả Đấng đã tạo ra nó ; nghĩa là nó có thể tùy ý chọn lựa trở nên giống ai, giống cái gì… và nó vuột khỏi bàn tay nhào nặn của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể nói với nó, nhưng nó nghe hay không là tùy nó.
Con người không còn nhớ và không muốn nhớ nguồn gốc của mình từ bụi đất nữa. Rồi từ khi con người từ chối cả Đấng đã cho mình hơi thở, thì nó tưởng mình đã thành ông thần, bà thần, ngang hàng với Thiên Chúa rồi. Ngày xưa con người nặn, đúc, đẽo những ông thần rồi đặt lên ngai mà thờ ; ngày nay những con người tự cho mình là văn minh, tiến bộ, không ngu gì mà thờ tượng gỗ tượng đá, tương vàng… Nhưng thờ vàng, bạc, kim cương, giấy xanh giấy đỏ, cái ngai… Họ sẵn sàng sát tế cả cha mẹ vợ con, cả dân tộc để được các thứ thần kia làm sở hữu. Người ta còn tôn nhau hay tôn chính mình làm thần nữa. Dân của Giao Ước Xi-nai coi các thần của các dân khác là thần ngoại lai, thần lạ… Người thời nay có đủ thứ thần để say mê, nên coi Thiên Chúa của Ít-ra-en, Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô là thần lạ !
Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của người thời nay cũng như của người thời xưa. Trong lời Mô-sê giã từ dân Giao Ước Xi-nai trước khi họ qua sông vào Đất Hứa, còn ông phải lên núi “biến khỏi màn hình”, ông hết lời nhắc nhở, nhắn nhủ dân, và chỉ có thể kết thúc bằng lời mời chọn lựa: “Hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc hoặc là phải chết, bị tai họa.” (Đnl 30,15).
Thế nhưng cái Đất Hứa thì chưa ai thấy, chưa ai hưởng và chưa biết bao giờ mới được hưởng. Nồi thịt, con cá, quả dưa, củ hành củ tỏi bên Ai-cập thì họ đã ăn rồi, biết mùi vị rồi. Thiên Chúa mà ông Mô-sê nói, và họ cũng đã nghe tiếng uy nghi từ trên đỉnh núi thì quá xa vời và họ không điều khiển được, còn những ông thần của Ai Cập thì họ điều khiển hoàn toàn theo ý họ được. Cái triết lý của người nông dân miền Bắc Việt Nam “biết có sống đến mai mà để dành củ khoai đến tối” có vẻ hấp dẫn hơn. Thờ các thứ thần trước mắt thì sướng ngay bây giờ. Còn thờ Thiên Chúa thì phải chờ tới đời sau mới được. Hạnh phúc Chúa Giê-su hứa: “sẽ được Nước Đức Chúa Trời làm của mình, sẽ được… sẽ được…” toàn ở thì tương lai thôi, lại thêm gia vị “bách hại” nữa (Mt 5,3-12) ! Mà biết có được không nữa, vì còn phải tuân theo điều kiện !? Đang đói, vớ được củ khoai thì cứ ăn đi cho sướng bây giờ.
Đó là điệp khúc của dân thời Giao ước Xi-nai cũng như của thời Giao Ước Mới.
Thiên Chúa để con người tự chọn, không cưỡng ép. Nếu Thiên Chúa nặn hình tượng của Thiên Chúa hay đẽo tảng đá cho thành hình tượng của Thiên Chúa, rồi để yên đó thì nó chẳng chạy đi đâu được, nhưng Thiên Chúa dựng nên con người như loài có sự sống nên nó chuyển động không ngừng và Ngài đã cho nó tự do chọn nên giống ai. Nó thích giống thứ thần mắt thấy được, tay sờ được và có thể soi gương đối chiếu để xem mình đã giống thần tới mức nào. Còn nên giống Thiên Chúa thì chỉ có nghe theo lời của Thiên Chúa mà làm theo, khó quá !
Thiên Chúa chiều chuộng con người nên đã cho “Con Một là hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa” đến làm người để làm mẫu và chỉ đường. Nhưng chính những môn đệ đi theo Người Con ấy trên những nẻo đường từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem cũng chẳng hiểu gì, đến bữa ăn cuối cùng còn cãi nhau ỏm tỏi, tranh giành địa vị với nhau. Rồi một người phản nộp Thầy, một người chối bỏ Thầy, mười người còn lại bỏ Thầy trốn hết.
Sau khi Phục Sinh, Người qui tụ mười một ông lại để từ giã thì họ còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc cho Ít-ra-en không?” (Cv 1,6).
Người hứa ban Thánh Thần để dạy dỗ họ, để cho họ sức mạnh mà đi làm chứng.
Nhưng ngay trong cái cộng đoàn kiểu mẫu đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem đã có những kẻ toan lừa dối Thánh Thần (x. Cv 5,1-11). Một ông phù thủy ở Sa-ma-ri sau khi xin chịu Phép Rửa đã hỏi mua quyền đặt tay ban Thánh Thần (Cv 8,18-24). Đến chương 15 trong sách Công Vụ thì thấy trong hàng ngũ những người rao giảng Tin Mừng đã xuất hiện những rạn nứt do tình trạng lẫn lộn giữa Thánh Thần và “thổ thần”, Thánh Thần thì vượt ranh giới sắc tộc, phong tục tập quán, còn “thổ thần” thì bắt người ngoài đạo Do Thái muốn thành môn đệ Đức Ki-tô phải theo đạo Do Thái nữa. Đó cũng là một thứ thờ ngẫu thần. Trong hội nghị Giê-ru-sa-lem nhằm giải quyết những xung khắc thì các vị lãnh đạo, là các “tông đồ và kỳ mục”, cũng bắt đầu cãi lý sùi bọt mép chẳng đi tới đâu, cho tới khi ông Phê-rô yêu cầu “nghe” cho biết Thánh Thần đã làm những gì, thay vì cãi. Sự nhất trí trong hội nghị Giê-ru-sa-lem cũng không đem lại ổn định hoàn toàn đâu, vị tông đồ dân ngoại là Phao-lô sẽ bị theo dõi và chống đối suốt đời.
Chúa Giê-su và các Tông Đồ đã không ảo tưởng khi đi rao giảng. Lời Thiên Chúa là Lời Tạo Dựng, Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng” thì ánh sáng xuất hiện (St 1, 1-25), nhưng khi dựng nên con người thì Thiên Chúa chỉ tự nói với mình: “Nào Ta hãy làm nên con người giống hình ảnh Ta” rồi phải làm. Lần đầu tiên Thiên Chúa đến gọi con người trong vườn địa đàng thì con người đã lẩn trốn mất rồi, vì đã nghe lời kẻ lạ mặt dụ dỗ, đi tìm bùa ngải để khỏi cần đến Thiên Chúa nữa… Từ đó Lời Thiên Chúa nói với con người chỉ còn là “Nghe đây…”, “Hãy nghe…”, và hoàn toàn lệ thuộc con người.
Thiên Chúa bắt đầu hạ mình từ khi bắt đầu nói với con người. Chúa Giê-su đã ví Lời Thiên Chúa nói với con người như hạt giống gieo xuống đất. Hạt giống có mọc được hay không còn tùy thuộc mảnh đất nó rơi vào, là người nhận. Hạt giống có “ba rủi”: lề đường, đất sỏi đá và gai góc, và “một may”: đất tốt. (x. Mt 13,3-23; Mc 4,3-8; Lc 8, 5-8). Chính Chúa Giê-su đã ngậm ngùi nói lên nỗi khắc khoải: “Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8)
Các tông đồ cũng chẳng thể làm gì hơn các ngôn sứ đã đi trước, chỉ biết khuyên răn tha thiết, cả bằng nước mắt và máu. Bức thư đầu tiên được giữ lại và trở thành bản văn viết sớm nhất của sách Tân Ước là thư thứ nhất của thánh Phao-lô Tông Đồ gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, đã ghi lại lời tâm sự:
Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.8Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. 9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người. (2,7-12)
Thư 2 Cô-rin-tô, khoảng 10 năm sau: “tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hoà khi viết cho anh em: tôi viết không phải để gây ưu phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em.”
Khi chịu phép rửa thì tín hữu đã mặc lấy con người mới, nhưng thực tế không đơn giản, vì phải tiếp tục suốt đời: giết chết con người cũ để con người mới được lớn lên. Thư Rô-ma cho biết cái đã được khi chịu phép Rửa:
“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? 4Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
5Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. 6Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. 7Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.” (Rm 6, 3-7)
Thư Ê-phê-sô cho biết đó là khởi đầu cuộc chiến trường kỳ: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô” (Rm 6,6) nhưng lại cứ phải tiếp tục “lột bỏ nó”:
“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, 23anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, 24và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (4,22-24).
Con người mới không phải là cái áo may sẵn mặc vào là xong, nhưng là “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3, 10).
Thư Ga-lát cho biết “mặc lấy con người mới” chính là “mặc lấy Đức Ki-tô”: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (3,27).
Làm sao có thể mặc lấy Đức Ki-tô? Trước hết là mặc lấy “những tâm tình đã có nơi Đức Ki-tô” (Pl 2,5) ; cư xử như Đức Ki-tô: “bước đi như Đấng ấy đã bước đi” (1Ga 2,6) [dịch sát] ; được biến hình: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương ; như vậy, chúng ta được biến đổi[4] nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2Cr 3,18)
Với Tổ phụ Áp-ra-ham thì Thiên Chúa bảo: “Hãy bước đi trước mặt Ta và sống hoàn thiện.” (St 17,1).
Đến ông Mô-sê, người phải dẫn đưa dân vào Đất Hứa, khi nhận ra mình sai thì ông khiêm tốn xin: “Xin khấn tỏ cho con biết đường lối của Ngài để con biết Ngài” (Xh 33,13). Thiên Chúa trả lời:
“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” 21ĐỨC CHÚA còn phán: “Đây là chỗ gần Ta; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Con Thiên Chúa đã làm người, đã sống trọn thân phận con người trong tư cách là Con Thiên Chúa, đã thi hành trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa, để trở thành “Con đường, Sự Thật và Sự Sống” và có thể mời gọi chúng ta: “Hãy theo Thầy”. “Vác thập giá của mình hàng ngày mà đi đàng sau Thầy”. (Lc 9,23). Ông Phê-rô kéo Người lại để yêu cầu Người thay đổi đường lối thì Người bảo: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của người phàm” (Mt 16,23; Mc 8,31-33; Lc 9,22).
Mầu nhiệm hạ mình của Thiên Chúa không kết thúc với mầu nhiệm nhập thể, mà vẫn diễn ra hôm nay: Thiên Chúa vẫn hạ mình lệ thuộc vào thọ tạo, không cưỡng ép. Ngài vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai mở cho Ngài thì Ngài vào, mở đến đâu thì Ngài vào đến đó, không mở thì Ngài vẫn kiên nhẫn chờ… Trong sách Diễm Ca, chàng đến gõ cửa và năn nỉ:
Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức; có tiếng người tôi yêu gõ cửa:
“Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh, hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười !
Này đầu anh, lớp sương dày đã phủ, và tóc anh, đêm khuya làm đẫm ướt.”
Tiếng trả lời từ trong nhà vang ra thật phũ phàng, đầu anh phủ sương hay tóc anh ướt đẫm không quan trọng bằng bàn chân em đã rửa. Đứt ruột:
“Em đã cởi xiêm y, lại mặc vào sao được?
Em đã rửa chân rồi, lại để lấm hay sao?”
Chàng làm một cử chỉ năn nỉ cuối cùng, nhưng không tự ý đẩy cửa bước vào:
Người tôi yêu luồn tay qua khe cửa…
Chàng đành đội sương khuya, lững thững ra đi cho tóc ướt thêm.
Sách Khải Huyền trong Tân Ước cũng lặp lại cảnh này trong bức thư thứ bảy, gởi Hội Thánh ở Lao-đi-ki-a:
Ta khuyên ngươi đến với Ta mà … mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng… 19Phần Ta, mọi kẻ Ta yêu mến, thì Ta răn bảo dạy dỗ. Vậy hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn ! 20Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. (Kh 3,18-20).
Tình yêu không thể mua được, cũng không thể chiếm đoạt hay cưỡng ép.
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể (Dc 8,7)
Con người là công trình kỳ diệu nhất của Thiên Chúa, bởi vì được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng lại càng kỳ diệu hơn khi tự do trở nên giống Thiên Chúa, THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.
Chỉ Tình Yêu mới có đủ sức mạnh để cho con người tự do, và đủ kiên nhẫn để chờ suốt đời.
Sách Khôn ngoan đã diễn tả sự thật ấy một cách khác, khi lý giải sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với dân Ai-cập và dân Ca-na-an:
Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
19Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng:
người công chính phải có lòng nhân ái.
Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.
Lời mời gọi của các ngôn sứ là “Hãy nghe Lời Thiên Chúa !”, “hãy quay về” với Thiên Chúa.
Lời mời gọi của vị Tiền Hô: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã kề bên” (Mt 3,2)
Lời rao giảng mở đầu của Chúa Giê-su là: “Hãy hoán cải, vì Nước Trời đã kề bên” (3,17)
Lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ là: “Hãy hoán cải” (Cv 2,38)
Lời nhắn nhủ cuối cùng trong bức thư thứ bảy của sách Khải Huyền là: “Hãy nhiệt thành và hối cải !” và mời gọi: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (3, 19.22).
__________________
[1] Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã cho cái “mũ ba tầng” cuối cùng vào viện bảo tàng ở nhà thờ tại Washington. Đôi giày đỏ thì còn trong chân của Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hy vọng nó sẽ là đôi giày đỏ cuối cùng ở Va-ti-ca-nô. Người thợ giày chuyên môn của Va-ti-ca-nô chắc không muốn mất mối ngon.
[2] Trong phim Mission có một cảnh thật phũ phàng: trong buổi văn nghệ chào mừng vị “khâm sai Tòa Thánh”, một em bé đang hát với giọng ca thiên thần làm mọi người say mê, thì một vị áo tím tháp tùng khâm sai hỏi: liệu nó có linh hồn không?
[3] Trước Công Đồng Va-ti-ca-nô II, trong lễ trọng thể do giám mục cử hành, phải để hai tấm bánh trên đĩa thánh. Đến khi dâng của lễ thì phụ phó tế long trọng đem một trong hai tấm bánh cho vị Tổng Đại Diện quì dự lễ trên cung thánh, vị này phải ăn để chứng tỏ không có thuốc độc trong bánh!
[4] Bản văn Hy-lạp dùng cùng một từ “biến hình” như trong trình thuật Tin Mừng về Chúa Giê-su “biến hình”.
Lm. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
Giê-ru-sa-lem, CN V mùa Phục Sinh 2020