2023
Giải đáp thắc mắc: Xin đặc ân thánh Phaolô
Giải đáp thắc mắc: Xin đặc ân thánh Phaolô
Thưa cha:
Anh người yêu của con là một người lương (theo đạo Ông Bà). Anh ấy đã kết hôn với vợ là một người cũng theo đạo Ông Bà. Anh chị đã ly dị và đã có giấy chứng nhận ly hôn. Nay con muốn kết hôn với anh ấy, anh ấy đã học giáo lý, muốn gia nhập đạo Công giáo. Cha xứ hướng dẫn chúng con viết đơn xin đặc ân thánh Phaolô và đem nộp ở Văn phòng Hôn nhân nơi Tòa Giám mục. Thế nhưng đã hơn một năm, chúng con vẫn chưa nhận được kết quả. Xin cha cho biết lý do?
Một giáo dân ở giáo hạt Báo Đáp hỏi.
Giải đáp:
Đặc ân thánh Phaolô hệ tại ở việc cho tháo gỡ hôn nhân giữa hai người không được Rửa tội (người lương) vì lợi ích đức tin của một bên người lương được Rửa tội, “do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa tội chia tay người ấy” (đ. 1143).
Sở dĩ gọi là đặc ân thánh Phaolô, vì dựa trên uy tín của thánh Phaolô cho phép người tín hữu rời bỏ người bạn ngoài đạo Công giáo nếu người này ngăn trở việc giữ đạo của người muốn theo đạo Công giáo, nguyên văn trích từ thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 7,10-16. Theo thánh Phaolô, các người Kitô hữu không được phép ly dị, vì đó là điều Chúa truyền. Nhưng nếu là đôi hôn nhân giữa người Kitô hữu với người ngoài đạo, thì thánh Phaolô khuyến khích hãy cố gắng duy trì đời sống vợ chồng, vì biết đâu nhờ đó người ngoài đạo sẽ gia nhập đạo. Tuy nhiên, nếu người ngoài đạo đòi ly dị, thì thánh Phaolô dùng quyền của mình cho phép người Kitô hữu được ly dị.
Để có thể được hưởng đặc ân thánh Phaolô, đòi hỏi những điều kiện sau đây:
- Hai người lương đó đã kết hôn theo luật dân sự
- Một trong hai người muốn gia nhập đạo Công giáo
- Người bạn kia muốn chia tay
- Người muốn theo đạo Công giáo được ly dị và lập hôn thú mới.
“Người không chịu phép Rửa tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được Rửa tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép Rửa tội, người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân chính đáng để người kia được chia tay” (đ. 1143§2).
Điều kiện để “được kể là chia tay” phải được kiểm chứng qua sự chất vấn, theo điều 1144§1 quy định: “Để người được Rửa tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
1- người này có muốn được Rửa tội hay không;
2- ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không.
Như thế, sự ly dị của hai người lương ở tòa án dân sự, cho dù có chứng thư ly dị cũng không đủ để kể là chia tay theo Giáo luật. Vì vậy, phải được phỏng vấn như Giáo luật quy định: Có muốn Rửa tội không, có muốn sống chung mà không xúc phạm đến Chúa không?
Trong trường hợp của bạn,
Văn phòng Hôn nhân phải điều tra và phỏng vấn để thỏa mãn điều kiện ban đặc ân.
+ Phỏng vấn anh ấy: Anh ta quen biết cô vợ cũ do đâu? Cưới nhau vì lý do gì? Trước và sau khi cưới có trục trặc gì? Nguyên nhân trục trặc do ai? Nếu có con, ai nuôi, việc cấp dưỡng phụ cấp nuôi con sẽ giải quyết thế nào? Để tìm hiểu hôn nhân của họ diễn ra tự nhiên, hay bị ép buộc, lừa đảo… trái tự nhiên. Nhất là nếu sự đổ vỡ hôn nhân là do anh ta: rượu chè, bài bạc, bạo lực… dẫn đến đổ vỡ thì Văn phòng hôn nhân phải cân nhắc để tránh sự đổ vỡ bất an khi anh ta kết hôn với người Công giáo. Nếu có lý do nguy hiểm cho hôn nhân của người Công giáo thì đặc ân cũng không được ban.
+ Phỏng vấn cô vợ cũ của anh ấy: Xác nhận lại nguyên nhân hai người kết hôn, nguyên nhân đổ vỡ dẫn đến ly dị. Hai người còn vướng mắc kinh tế, giấy tờ pháp lý, ràng buộc nợ nần… gì không? (Tuy Tòa án cho ly dị nhưng việc thi hành án đôi khi vẫn chưa xong). Cô ấy có muốn gia nhập đạo Công giáo không? Cô ấy có muốn tái hôn không (đôi khi sau khi ly dị, họ lại muốn tái hôn)? Nếu muốn tái hôn, vì lý do gì (đôi khi vì yêu thương nhau, vì con cái hay lý do chính đáng nào khác). Khi tái hôn họ có muốn sống chung mà không xúc phạm đến Thiên Chúa không? Có biết người nữ Công giáo mà anh ta sắp cưới không? (đôi khi vì chính người nữ Công giáo này lại là nguyên nhân làm cho hôn nhân của họ đổ vỡ, anh ta ly dị vợ để kết hôn với người nữ Công giáo này). Những điều trái quy định của Giáo luật xảy ra thì đặc ân cũng không được ban.
+ Phỏng vẫn người Công giáo sắp kết hôn với người lương đã ly dị: Bạn có chấp nhận hoàn cảnh của người lương ly dị, vấn đề nợ nần và trợ cấp nuôi con (nếu có). Vấn đề họ còn liên lạc với nhau có ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn sau này không? Bạn có biết cô vợ cũ của anh ta không? Bạn có thấy nguy hiểm, bất an gì khi kết hôn với anh ta không?
Việc phỏng vấn cần rất nhiều thời gian, tùy thuộc vào sự cộng tác của người vợ cũ của anh ta, đôi khi cô ấy muốn kéo dài thời gian việc trả lời, còn nhiều điều chưa giải quyết xong. Nếu người đó ở xa, ở giáo phận khác, hoặc không liên lạc với đương sự một cách chắc chắn thì việc điều tra phỏng vấn cần nhiều thời gian hơn nữa. Văn phòng phải điều tra kỹ càng để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, việc thử thách đức tin của người xin đặc ân cũng cần phải xét đến. ngoài thời gian 6 tháng đối với tân tòng theo quy định của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nếu người đó ở nước ngoài, việc điều tra khó khăn, thì Văn phòng hôn nhân cũng sẽ trình với Đức Giám mục để từ chối việc ban đặc ân.
2023
Tại Sao Hai Thánh Tông Đồ Cả Lại Được Mừng Lễ Chung Với Nhau?
Tại Sao Hai Thánh Tông Đồ Cả Lại Được Mừng Lễ Chung Với Nhau?
Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy thánh Phêrô và thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?
Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với giáo dân trong bài giảng của mình. Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên thiên đàng.”(!)
Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:
- Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao
- Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân
- Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa
- Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại.
Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với thánh Phêrô ở Antiokia. Ông đã cự lại thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).
Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh. Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân. Phần mình, thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10). Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29/06: “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitộ” Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành: Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng.
Thế còn anh và em? Còn bạn và tôi thì sao?
Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn. Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế. Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương. Chỉ vì những khác biệt, chỉ vì không hiểu nhau.
Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn. Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này. Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.
Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” (không phải sao chổi) tỏa sáng trên bầu trời Thiên quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội. Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này. Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.
Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ. Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y. Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà. Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.
Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không? Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa? Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không? Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?
Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô giúp chúng con biết kết hợp các tính tình khác biệt để làm cho cuộc đời này thêm vui tươi và phong phú.
Linh mục Pr. Nguyễn Đức Thắng
2023
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh: việc cần làm ngay!
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh: việc cần làm ngay!
Giáo Hội muốn giáo dân học hỏi Kinh Thánh
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh không phải là một điều mới mẻ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố trong Hiến Chế về Mặc Khải, Dei Verbum: “Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’. Vì thế họ phải siêng năng tìm đến với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc nhờ Phụng vụ thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quan tâm của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội” (DV 25). Như thế, đối với Công Đồng, việc học hỏi Kinh Thánh là việc của mọi Kitô hữu, của mọi giáo dân. Giáo dân được mời gọi tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, qua tham dự phụng vụ Lời Chúa, qua việc đọc Lời Chúa riêng tư, hay qua việc tham dự các khóa học và qua những phương tiện truyền thông khác.
Giám mục là người có nhiệm vụ dạy cho các tín hữu “biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước và đặc biệt là các sách Tin Mừng” nhờ đó họ có thể “tiếp xúc với Lời Chúa cách an toàn và ích lợi, và thấm nhuần tinh thần Kinh Thánh” (DV 25). “Đọc và học hỏi Sách Thánh” là lời khuyên cuối cùng và quan trọng của Hiến Chế Mặc Khải (DV 26).
Trong Tông Huấn Lời Chúa, Verbum Domini (2010), Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại nhiệm vụ này khi nói về Lời Chúa và giáo dân: “Giáo dân cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ một cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục tử hợp pháp” (VD 84). Ngài đòi “chúng ta phải giúp người trẻ có sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như chiếc la bàn chỉ cho biết con đường phải theo” (VD 104). Đức Bênêđíctô còn nhấn mạnh đến việc “cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực” (VD 73). Ngài cũng nói đến việc giáo dân có thể được học tại các trường dạy Kinh Thánh, hay được giáo phận huấn luyện (VD 75 và 84).
Theo cùng một đường hướng như trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium (2013) cũng khẳng định: “Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu” (EG 175). Đối với Ngài, người loan báo Tin Mừng cần có sự thân mật với Lời Chúa. Bởi đó Ngài kêu gọi: “các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện” (EG 175).
Tại sao phải học hỏi Kinh Thánh?
Có thể nói Giáo Hội Công giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn cho mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng. Người Công giáo Việt Nam quen đọc kinh lần chuỗi và thực hành những hình thức đạo đức khác. Có người giáo dân nghĩ rằng việc học Kinh Thánh là điều khó, là việc dành riêng cho các linh mục tu sĩ, chính vì thế họ sợ tiếp cận với Sách Thánh. Có người không thấy hứng thú khi đọc Lời Chúa, nên cuốn Tân Ước vẫn nằm yên một chỗ. Có nhóm thích chia sẻ Lời Chúa, nhưng lại không thấy cần tìm hiểu xem bản văn Lời Chúa thật sự muốn nói gì.
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lấy sách Đệ-nhị-luật để nói với tên cám dỗ trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Người Công giáo chẳng những được nuôi bằng bàn tiệc Mình Chúa mà còn bằng bàn tiệc Lời Chúa nữa (DV 21). Thiếu một trong hai, là đặt mình trong tình trạng thiếu thốn. Chúng ta đã có nhiều hình thức biểu lộ sự kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể như dọn mình rước lễ, rước kiệu hay chầu Mình Thánh Chúa. Điều đó là tốt, nhưng Công Đồng Vaticanô II nhắc chúng ta: “Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa” (DV 21). Làm sao bày tỏ sự tôn kính đối với Kinh Thánh nếu không phải là cầm lấy sách Thánh mà đọc, nghiền ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa, cầu nguyện với sách Thánh bằng cách suy niệm hay chiêm niệm, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa? Có người bảo nếp sống đạo của người Việt còn hời hợt, hình thức, chưa có bề sâu, chưa có nền vững. Điều đó có đúng không? Dựa vào Công Đồng, ta có thể tìm thấy câu trả lời: “Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21). Chúng ta đã quá quen với câu này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), nhưng quả thật nhiều người Công giáo ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với Lời Chúa.
Để thân quen với Lời chúa, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi. Kinh Thánh là một bộ sách cổ, được viết trong nhiều thế kỷ. Ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa chúng ta gần hai ngàn năm. Các tác giả Sách Thánh là những người Do-thái sống trong những thời đại lịch sử khác nhau, sống trong nền văn hóa, xã hội và phụng tự khác chúng ta. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và thậm chí gây sốc trong Kinh Thánh. Vô tri bất mộ, để có “lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh” (Hiến Chế về Phụng Vụ số 14) người giáo dân cần học hỏi không ngừng qua các bài dẫn nhập, các sách chú giải, và những khóa học.
Đứng trước sự kiện thời nay xuất hiện nhiều giáo phái phổ biến một cách đọc Kinh Thánh lệch lạc và lèo lái, Đức Bênêđíctô cảnh báo: “Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ” (VD 73). Nói cách khác, để tránh bị lôi kéo bởi các giáo phái lầm lạc, phải học Kinh Thánh một cách chính thống trong Giáo Hội.
Khi mừng lễ Ngôi Lời của Thiên Chúa mang lấy thân xác yếu đuối của con người, chúng ta cũng mừng Lời của Thiên Chúa được nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người để chúng ta có thể hiểu được. Dù ngôn ngữ loài người có nhiều giới hạn và khiếm khuyết, nhưng bộ Kinh Thánh chúng ta đọc và học hỏi vẫn có thể đưa chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân tình với chính Thiên Chúa, nhờ đó có sức sống ở đời này và ơn cứu độ đời sau.
2023
Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?
Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?
Những cuốn sách bị coi là “thất lạc,” “bị mất,” hay “bị cấm” của bộ Kinh Thánh có rất nhiều nhưng những cuốn sách ấy không bao giờ được bất cứ một nhóm Do Thái giáo hay nhóm Kitô giáo nào xem là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng. Chỉ có những sách được xem là được Thiên Chúa linh hứng mới có sự đảm bảo không thể sai lầm. Hầu hết những bản văn “thất lạc” được viết vào khoảng 200 đến 300 năm sau khi các tông đồ đã chết và được chôn cất khá lâu, và nguồn gốc tác giả cũng như tính chân thực của các bản văn bị tranh cãi cách gay gắt.
Truyền thống Tin Lành gọi những cuốn sách này trong Cựu Ước là Pseudepigrapha, từ ngữ Hy Lạp này có nghĩa là những văn tự “sai lầm,” trái lại những văn tự mà Tin Lành dán nhãn là Apocrypha, thì có nghĩa là những bản văn “huyền bí” [vẫn mang những giá trị thiêng liêng nhưng không được công nhận là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng]. Công giáo gọi những cuốn sách bị thất lạc này là deuterocanonical, nghĩa là đệ nhị quy điển.
Một vài ví dụ về Pseudepigrapha (Tin Lành)/ Apocrypha (Công giáo) là những cuốn sách về Ađam và Eva, sách Khải huyền của Môsê, sách Enoch, Khải huyền của Ađam, Khải huyền của Abraham, Tử đạo của Isaia, Các Giao ước của Mười Hai Chi tộc và những sách về Lễ Toàn Xá.
Những sách mà Tin Lành gọi là Apocrypha (sách “huyền bí”) của Cựu Ước, thì Công giáo và Chính Thống giáo Đông Phương gọi là đệ nhị quy điển (deuterocanonical), gồm: Baruc, Maccabê 1 và 2, Tôbia, Giuđitha, Huấn ca, và Khôn ngoan. Bảy cuốn sách này, cộng với vài chương trong Đaniel và Esther luôn luôn có trong Kinh Thánh Cựu Ước của Công giáo và thường được thấy trong Kinh Thánh Tin Lành như là Apocrypha- những sách “huyền bí.”
Trong Tân Ước, cả truyền thống Công giáo lẫn Tin Lành chỉ sử dụng thuật ngữ Apocryphacho những sách bị loại ra, vốn là những sách không bao giờ được coi là được Thiên Chúa linh hứng, như Tin mừng theo Tôma, Tin mừng theo Philippê, Tin mừng theo Giacôbê, Tin mừng theo Nicôđêmô, Tin mừng theo Phêrô, Cái chết của Philato, Tông đồ Công vụ của Anrê, Tông đồ Công vụ của Barnaba, Cái chết của Đức Maria, Lịch sử về Giuse Thợ Mộc, Khải huyền của Phêrô, Khải huyền của Phaolô, và Tin mừng theo Maria Madalena được biết đến qua nhóm Ngộ giáo[1]. Những bản văn này không bao giờ được tính trong bất cứ Kinh Thánh nào. Thay vì phân loại chúng như là những cuốn sách thất lạc, mất tích hay thậm chí bị cấm, hầu hết các Kitô hữu đơn thuần xem những cuốn sách ấy làApocrypha (Ngụy thư)[2].
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 23-24.
[1] Ngộ giáo (Gnosticism) có nhiều chủ trương, trong đó có quan niệm cho rằng con người được cứu độ nhờ tri thức (gnosis) đặc biệt chứ không nhờ Đức Kitô.Thuyết này có nguồn gốc trước Kitô giáo, nhưng cũng len lỏi vào trong Kitô giáo ngay từ thời kỳ đầu. Các Giáo phụ đã phải chống lại thuyết này để bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin Kitô giáo- ND. Xem thêm tại http://www.newadvent.org/cathen/06592a.htm
[2] Để dễ phân biệt, chúng tôi xin tóm tắt như sau:
– Cựu Ước:
+ Tin Lành dùng Pseudepigrapha theo nghĩa Ngụy thư; Apocrypha cho những sách “huyền bí.”
+ Công giáo dùng chữ Apocrypha theo nghĩa Đệ nhị Thư quy (deuterocanonical).
– Tân Ước: Cả Tin Lành và Công giáo đều dùng thuật ngữ Apocrypha theo nghĩa Ngụy thư- ND.