2022
Thập giá che khăn
Thập giá che khăn
Trong nếp sống phụng vụ Công Giáo có tập tục từ Chúa Nhật thứ năm mùa chay thập giá Chúa Giêsu, ít là trong các thánh đường, được che phủ kín bằng một tấm màn.
Đâu là ý nghĩa của tập tục này?
Tập tục che phủ thập giá Chúa Giesu có nguồn gốc trong Giáo Hội từ thế kỷ thứ 12.
Vào cuối thế kỷ 13. Đức Giám Mục Wilhelm Durandus , giáo phận Mende ở miền nam nước Pháp đã có suy tư về ý nghĩa tập tục này: Chúa Giêsu Kitô trong thời gian chịu thương khó đau khổ đã che dấu bản tính Thiên Chúa của mình.
Đặc biệt trong phúc âm theo Thánh Gioan có đoạn tường thuật lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các nhà thông luật thời lúc đó, Chúa Giêsu đã nói với họ: Trước khi có tổ phụ Abraham đã có tôi. Nghe thế họ lấy đá ném người. Nhưng Chúa Giêsu tránh đi , và rời khỏi đền thờ.( Ga 8,58).
Bài phúc âm này trước thời cải tổ phụng vụ năm 1969 được đọc trong thánh lễ ngày Chúa Nhật thứ năm mùa chay. Và từ khi có cải tổ phụng vụ đoạn phúc âm này không còn được đọc trong ngày này nữa. Nhưng thập giá vẫn còn được che phủ kín từ ngày này. Chiều ngày thứ Sáu tuần thánh có nghi thức phụng vụ mở khăn để mọi người tôn kính thập giá Chúa Giêsu.
Tấm Khăn che phủ thập gía thường mầu tím, nhưng cũng có nơi dùng tấm khăn mầu trắng.
Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập gía, và ngài đã chết trên đó. Đây là hình ảnh đau thương. Nhưng sự hy sinh đau thương của Chúa Giêsu chết trên thập gía lại là nguồn ơn cứu độ cho tội lỗi nhân loại. Vì thế thập gía chúa Giêsu được che phủ kín muốn nói lên khía cạnh hình ảnh chết hy sinh đau khổ của Chúa Giêsu cần được khắc ghi sâu vào trong trái tim tâm hồn người tín hữu Chúa Kitô.
Khi thập giá chúa Giêsu không còn được nhìn với tầm con mắt về khía cạnh lịch sử, thì ý nghĩa sự dấn thân hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu trên thập giá được khám phá sâu xa hơn cho chính bản thân đời sống con người.
Thập gía trong đời sống ai cũng có, cũng phải mang vác chịu đựng. Đó là những đau khổ trong đời sống dưới nhiều dạng thức khác nhau trong các chặng đường lịch sử đời sống .
Không ai có thể bỏ đẩy thập giá ra khỏi đời sống mình được. Với người tín hữu Chúa Kitô nhìn lên thập giá Chúa Giêsu nhắc nhớ đến lời Chúa Guêsu trong cơn khốn cùng đã kêu than thở : Lạy Thiên Chúa, sao Chúa bỏ con. Xin Chúa đến giúp con!
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
2022
Kinh Minh Côi: Những huyền thoại và sự việc thông thường
Kinh Minh Côi: Những huyền thoại và sự việc thông thường
Tháng 10 được Giáo hội Công giáo chỉ định là “Tháng Mân Côi”. Dưới đây là bảy huyền thoại và sự việc thông thường về lòng sùng kính Đức Mẹ này.
- Chỉ có người Công giáo mới có thể lần hạt Mân Côi.
Sai. Dù chuỗi hạt thường gắn liền với người Công giáo, nhưng chắc chắn những người không Công giáo vẫn có thể lần hạt – và trên thực tế, nhiều người tin rằng lần hạt Mân Côi giúp họ hoán cải. Ngay cả một số người theo đạo Tin lành cũng công nhận chuỗi hạt là một hình thức cầu nguyện có giá trị.
- Cầu nguyện bằng cách lần hạt là thờ ngẫu tượng.
Sai. Một số người phản đối việc lần hạt Mân Côi, cho rằng việc lần hạt Mân Côi là coi Đức Mẹ Maria như thần thánh do đó là ngẫu tượng và lải nhải quá mức.
Cũng giống như bất kỳ thực hành nào, chuỗi hạt Mân Côi có thể bị lạm dụng – giống như ai đó có thể thần tượng một vị mục tử hoặc linh mục cụ thể, một hình thức tôn thờ hoặc chay tịnh. Nhưng bản thân kinh Mân Côi không phải là một hình thức thờ ngẫu tượng.
Kinh Mân Côi không phải là lời cầu nguyện dành riêng cho Mẹ Maria – nhưng là sự suy gẫm về cuộc đời của Chúa Kitô được mặc khải qua năm mầu nhiệm với mục đích lôi kéo người cầu nguyện suy ngẫm sâu hơn về những niềm vui, sự hy sinh, đau khổ và những phép lạ vinh quang của Chúa Kitô trong cuộc đời Ngài.
Khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta không tôn thờ Mẹ Maria, chúng ta đang cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ – giống như chúng ta có thể nhờ một người bạn hoặc người thân trong gia đình cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Thứ hai, bất cứ lời cầu nguyện nào cũng có thể mất đi ý nghĩa nếu chúng ta không chú tâm suy gẫm về nó. Tập trung vào những mầu nhiệm với mục đích tốt và thiện chí là chìa khóa để có được sức mạnh biến đổi từ chuỗi hạt Mân Côi. Như một tác giả khuyến khích : “Bản thân kinh Mân Côi vẫn như vậy, nhưng chúng ta thì không như vậy nữa.”
- Bạn có thể đeo tràng hạt như một chiếc vòng cổ.
Điều đó còn tùy. Việc đeo chuỗi hạt quanh cổ thường bị coi là thiếu tôn trọng và bất kính, mặc dù Giáo hội không có tuyên bố rõ ràng chống lại việc làm đó.
Tuy nhiên, Điều 1171 của Bộ Giáo luật nói rằng “Các đồ vật thánh đã được được cung hiến hay đã được làm phép để dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa phải được sử dụng cách cung kính và không được dùng vào việc trần tục hay việc không thích hợp, mặc dù các đồ vật ấy thuộc quyền sở hữu cá nhân.”
Điều quan trọng là phải dùng chuỗi hạt với sự tôn trọng và thành ý. Nếu bạn có ý định đeo tràng hạt như một vật trang sức, điều này là không tôn trọng và nên tránh. Không cần phải nói rằng đeo chuỗi hạt như một biểu tượng chế giễu hoặc một biểu tượng của băng đảng sẽ là một tội lỗi.
Nhưng nếu bạn có ý định sử dụng chuỗi hạt và lưu tâm đến việc cầu nguyện, thì điều đó có thể được phép. Không có gì lạ ở một số nền văn hóa, như ở Honduras và El Salvador, người ta xem chuỗi hạt được đeo quanh cổ một cách kính cẩn như một dấu hiệu của lòng sùng kính.
Nhẫn Mân Côi hoặc vòng tay Mân Côi có thể là một lựa chọn tốt hơn nếu bạn muốn giữ chuỗi hạt Mân Côi gần gũi tiện tay của mình như một lời nhắc nhở hãy cầu nguyện, bởi vì chúng được để khuất tầm nhìn hơn và sẽ không dễ bị hiểu nhầm là một món đồ trang sức.
- Chuỗi tràng hạt là một biểu tượng cực đoan.
Sai. Một bài báo trên tờ Atlantic được chia sẻ rộng rãi vào mùa hè vừa qua đã lan truyền vì cáo buộc chuỗi hạt là “biểu tượng cực đoan”.
Bài báo đó viết: “Nói chung giống như khẩu súng trường AR-15 đã trở thành một vật linh thiêng đối với những Kitô hữu theo chủ nghĩa dân tộc, chuỗi hạt Mân Côi cũng có một ý nghĩa quân phiệt đối với những người Công giáo truyền thống cực đoan – radical-traditional, còn gọi là “rad trad”.
Tác giả cũng trích dẫn lập trường của Giáo hội về hôn nhân truyền thống và sự thánh thiện của cuộc sống như là bằng chứng của “chủ nghĩa cực đoan” và tuyên bố rằng xu hướng của người Công giáo gọi kinh Mân Côi là “vũ khí trong cuộc chiến chống lại cái ác” là nguy hiểm.
Các Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi người Công giáo cầu nguyện lần chuỗi mân côi kể từ năm 1571 – thường đề cập đến chuỗi hạt như một “vũ khí” cầu nguyện và là công cụ tinh thần mạnh mẽ nhất.
- Chuỗi Mân Côi không phải là kinh thánh.
Không đúng! Hầu hết các từ ngữ của Chuỗi Mân Côi đều trực tiếp phát xuất từ Kinh thánh.
Đầu tiên, kinh Lạy Cha được xướng lên. Những lời của kinh Lạy Cha là những lời mà Chúa Kitô đã dạy các môn đồ cầu nguyện trong Mátthêu 6: 9–13:
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
Kinh Kính mừng cũng phát xuất từ Kinh thánh. Phần đầu tiên: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” trích từ Luca 1:28: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà,” và phần thứ hai: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” được tìm thấy trong Luca 1:42: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”.
Cuối cùng, mỗi chục kinh trên chuỗi hạt tượng trưng cho một sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Các chục kinh được chia thành bốn nhóm mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương và Mừng, phần lớn được tìm thấy trong Kinh thánh.
- Một hạt Mân Côi có thể giết chết bạn.
Có phần đúng. Hạt mân côi thời xưa thường được làm bằng hạt của cây abrus, một loài cam thảo dây có nguồn gốc từ Ấn Độ và các vùng của Châu Á. Hạt của cây cam thảo dây này có màu đỏ với đốm đen, thường được dùng để kết hạt làm đồ trang sức – bao gồm cả tràng hạt. Chúng chứa một chất độc gọi là abrin, đây là một chất độc tự nhiên có thể gây tử vong nếu ăn phải. Tuy nhiên, không có chuyện một người nào đó bị ngộ độc abrin chỉ vì cầm một chuỗi tràng hạt làm từ hạt cây cam thảo dây, vì người ta sẽ phải nuốt chúng thì mới bị ngộ độc.
Ngày nay, hầu hết tràng hạt được làm từ các vật liệu không độc hại khác, chẳng hạn như gỗ ô liu, nhựa hoặc thủy tinh – loại bỏ mối lo ngại này.
- Mang theo chuỗi hạt có thể bảo vệ bạn.
Đúng vậy. Chuỗi Mân Côi đã được chứng minh là một sức mạnh kỳ diệu để bảo vệ những người có đức tin và ban cho họ thêm nhiều ân sủng, chẳng hạn như chiến thắng của các lực lượng Kitô giáo trong Trận chiến Lepanto sau khi Thánh Giáo Hoàng Piô V yêu cầu các Kitô hữu phương Tây cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mân Côi.
Nhiều vị thánh vĩ đại trong lịch sử, bao gồm các Đức Giáo Hoàng, thánh Padre Pio, và Chị Lucia làng Fatima, cũng đã công nhận chuỗi hạt là vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại các trận chiến thiêng liêng thực sự mà chúng ta phải đối mặt trên trần thế.
Chúng ta biết rằng cuộc chiến thiêng liêng là một mối nguy hiểm có thực hiện nay: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Êphêsô 6: 11–12). [1]
Chị Lucia, một trong ba trẻ đã thị kiền Mẹ Maria hiện ra trên đồi Cova da Ira, làng Fatima, nói với LM Fuentes năm 1957: “Trong thời đại này, Rất Thánh Trinh Nữ đã gửi đến một hiệu năng mới trong việc cầu nguyện với Kinh Mân Côi, đến độ không một vấn đề nào, ngăn trở nào, dù là thể lý hay tinh thần, trong đời sống cá nhân cũng như gia đình,… mà Kinh Mân Côi không giải quyết được. Tôi phải nói rằng không một vấn đề, một ngăn trở nào khó đến độ mà chúng ta không thể giải quyết bằng lời Kinh Mân Côi.” [2]
Cha thánh Padre Pio nói: “Một số người khờ khạo đến mức nghĩ rằng họ có thể đi hết cuộc đời mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Mẹ. Hãy yêu mến Đức Mẹ và lần hạt Mân Côi, vì Kinh Mân Côi của Mẹ là vũ khí chống lại những tệ nạn của thế giới ngày nay. Mọi ơn Chúa ban đều qua Đức Mẹ.”
Cha thánh nói với Lucietta Pennelli, con tinh thần của Ngài: “Hãy đọc kinh Mân Côi, và đọc mỗi ngày. Kinh Mân Côi là vũ khí phòng thủ và cứu rỗi. Kinh Mân Côi là vũ khí được Mẹ Maria ban cho chúng ta để sử dụng chống lại những mưu chước của kẻ thù hỏa ngục.”
Đức Giáo Hoàng Piô XI nói: “Kinh Mân Côi không chỉ phục vụ một cách đáng ngưỡng mộ để chiến thắng kẻ thù của Thiên Chúa và Tôn giáo, mà còn là động lực thúc đẩy việc thực hành các nhân đức Phúc âm mà kinh đó gieo trồng và vun xới trong tâm hồn chúng ta. Trên hết, Kinh Mân Côi nuôi dưỡng và làm cho Đức tin Công giáo phát triển mạnh mẽ trở lại, bằng cách suy ngẫm kỹ về các mầu nhiệm thiêng liêng, và nâng cao tâm trí đến với sự thật được Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta.”
Đức Giáo Hoàng Piô XI nói tiếp: “Các bậc làm cha, làm mẹ trong các gia đình đặc biệt phải nêu gương cho con cái của mình, nhất là khi lúc chiều tà, họ quây quần bên nhau sau giờ làm việc trong ngày, trong các bức tường trong nhà, và quỳ đọc kinh Mân Côi trước ảnh Đức Trinh Nữ, cùng nhau hòa quyện tiếng nói, niềm tin và tình cảm. Đây là một phong tục đẹp đẽ và sinh ơn cứu độ, từ đó chắc chắn không thể không phát sinh sự yên tĩnh và các ân phúc chan chứa từ trời ban cho các gia đình.”
Ngài khuyên bảo: “Rất thường xuyên, khi chúng tôi tiếp các cặp vợ chồng mới cưới đến yết kiến và nói những lời tình cha con với họ, chúng tôi trao cho họ chuỗi tràng hạt, tha thiết khuyên họ, làm theo chúng tôi, đừng để một ngày trôi qua mà không đọc kinh Mân Côi, cho dù bạn đã có thể phải gánh chịu nặng nề như thế nào bởi nhiều lo toan và lao động cực nhọc.” [3]
Còn trongTông thư Kinh Mân Côi Rosarium Virginis Mariae, ngày 16-10-2002, số 3, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Tôi cảm thấy được thôi thúc đưa ra một suy tư về Kinh mân côi…và một lời khuyên nhủ chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô trong tâm tình thông hiệp với, và trong trường học của, Mẹ rất thánh Ngài. Đọc Kinh mân côi chính là chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria … Nếu được tái khám phá trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, Kinh mân côi đi vào giữa lòng đời sống Kitô hữu; nó trao ban một cơ hội quen thuộc nhưng đem nhiều hoa quả thiêng liêng và giáo dục cho đời sống chiêm ngưỡng cá nhân, đào tạo Dân Thiên Chúa và công cuộc phúc âm hoá mới.”
Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kể ra gương mẫu của các vị thánh có lòng sùng kính phép lần hạt Mân Côi: “Sẽ không thể nêu tên tất cả các vị thánh đã khám phá trong Kinh mân côi một con đường đích thực để tăng trưởng trong sự thánh thiện. Tuy nhiên chúng ta cần nhắc đến thánh Louis Marie Grignion de Montfort, tác giả của một tác phẩm xuất sắc về Kinh mân côi, và, gần hơn với chúng ta, Cha Pio Pietrelcina, mà tôi vừa mới có được niềm vui phong thánh. Là một vị tông đồ đích thực của Kinh mân côi, Chân phước Bartolo Longo đã có một đoàn sủng đặc biệt. Con đường nên thánh của ngài dựa trên một thần hứng được nghe thấy trong cõi thâm sâu của tâm hồn: Ai truyền bá Kinh mân côi sẽ được cứu độ! Từ đó, ngài cảm thấy được mời gọi xây cất một nguyện đường dâng kính Đức Bà Mân Côi tại Pompei, gần những tàn tích của thành phố cổ, hầu như đã nghe lời loan báo của Đức Kitô trước khi bị chôn vùi vào năm 79 A.D. trong một lần phun trào núi lửa Vesuvius, chỉ vươn dậy từ đống tro tàn hàng thế kỷ sau như một nhân chứng về ánh sáng và bóng tối của nền văn minh cổ xưa. Qua sự nghiệp và đặc biệt qua việc thực hành 15 ngày thứ Bảy, Bartolo Longo đã cổ võ các tâm hồn quy hướng về Đức Kitô và chiêm ngưỡng Đức Kitô nhờ Kinh Mân Côi, và đã nhận được sự cổ võ và nâng đỡ lớn lao từ Đức Lêô XIII, vị Giáo hoàng của Kinh Mân Côi.”
Ngài kết thúc Tông thư bằng lời khuyến khích: “Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có diễn từ tại đền thờ Pompei vào Chủ nhật ngày 19 tháng 10 năm 2008, về Kinh Mân Côi như sau: “Nếu việc chiêm niệm của người Kitô hữu không thể thực hiện được mà không có Lời Chúa, thì Kinh Mân Côi, để trở thành lời cầu nguyện chiêm niệm, luôn phải phát sinh từ sự thinh lặng của trái tim như một lời đáp lại Lời, theo khuôn mẫu lời cầu nguyện của Mẹ Maria. Khi xem xét kỹ hơn, chuỗi mân côi được dệt hoàn toàn bằng các yếu tố lấy từ Kinh thánh. Trước hết, có sự thông báo về các mầu nhiệm, tốt hơn là được thực hiện như ngày nay, bằng những từ được trích từ Kinh thánh. Làm theo Cha của chúng ta: bằng cách cho lời cầu nguyện theo hướng “thẳng đứng”, nó mở tâm trí của người đọc Kinh Mân Côi để họ có thái độ hiếu thảo đúng đắn, theo lời mời gọi của Chúa: “Khi anh em cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha …” ( Luca 11, 2). Phần đầu tiên của Kinh Kính Mừng Ave Maria , cũng trích từ Phúc Âm, mỗi lần như vậy khiến chúng ta phải lắng nghe lại những lời Thiên Chúa đã nói với Đức Trinh Nữ qua Thiên thần, và những lời chúc phúc cho Mẹ từ người chị họ Isave. Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng Ave Maria vang vọng như một lời đáp từ những người con, những người đang khẩn cầu Mẹ, không làm gì khác hơn là bày tỏ sự gắn bó của họ với kế hoạch cứu độ được Thiên Chúa mặc khải.. Vì vậy, tư tưởng về người cầu nguyện luôn được neo chặt trong Kinh thánh và trong những mầu nhiệm được trình bày trong đó” [4]
Cùng Chân phúc Bartolo Longo, tông đồ của Kinh Mân Côi, chúng ta thưa với Mẹ là Nữ Vương rất thánh Mân côi:
“Hỡi chuỗi Mân Côi đầy ơn phúc của Mẹ Maria, sợi dây ngọt ngào liên kết chúng con với Thiên Chúa, sợi dây tình yêu liên kết chúng con với các thiên thần, là tháp cứu độ chống lại sự tấn công của Địa ngục, bến cảng an toàn cho thế giới đắm chìm của chúng con, chúng con sẽ không bao giờ lìa xa Mẹ. Mẹ là niềm an ủi của chúng con trong giờ chết, là nụ hôn cuối cùng của chúng con khi cuộc đời sắp tàn. Và lời cuối cùng từ đôi môi của chúng con sẽ là tên ngọt ngào của Mẹ, hỡi Nữ Vương Mân Côi, hỡi người mẹ thân yêu nhất, hỡi nơi ẩn náu của những kẻ tội lỗi, hỡi Đấng bảo trợ tối cao cho những người bị đau khổ. Chúng con nguyện ước Mẹ được ngợi ca ở khắp mọi nơi, hôm nay và luôn mãi, dưới đất cũng như trên trời.”
Phêrô Phạm Văn Trung tổng hợp
[1] Edie Heipel, www.thecatholictelegraph.com.
[2] Vào ngày 26 tháng 12 năm 1957, Cha Augustin Fuentes, Cáo thỉnh viên cho việc phong chân phước cho Phanxicô và Giacinta Marto, đã gặp Sơ Lucia tại tu viện của chị ở Coimbra, Bồ Đào Nha. Tại đây, Cha đã có thể trò chuyện với Sơ Lucia rất lâu. Khi trở về quê hương Mexico, Cha tổ chức một cuộc họp về buổi gặp gỡ đó, trong đó Cha kể lại những lời của Sơ Lucia. Cha Alonso, nhà lưu trữ chính thức của Fatima trong 16 năm, nhấn mạnh rằng những lời kể về buổi gặp gỡ này đã được xuất bản “với mọi đảm bảo về tính xác thực và với sự chấp thuận của giám mục, bao gồm cả tài liệu của Giám mục Fatima.”
[3] Thông điệp Ingravescentibus Malis, ĐGH Piô XI, số 22, 28,29, ban hành tại Castel Gandolfo, gần Rôma, vào ngày 29 tháng 9, Lễ Thánh Micae Tổng lãnh thiên thần, năm 1937.
[4] Tông thư Kinh Mân Côi Rosarium Virginis Mariae, ĐGH Gioan Phaolô II, số 8, số 43
2022
Lần chuỗi Mân Côi cách đích thực, theo Đức Bênêđíctô XVI
Lần chuỗi Mân Côi cách đích thực, theo Đức Bênêđíctô XVI
Đức Bênêđíctô XVI tin rằng có một cách lần chuỗi Mân Côi đúng, để cảm nghiệm được sự bình an trong tâm hồn.
Dù việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi thì khá đơn giản, nhưng Đức Bênêđíctô XVI tin rằng có một cách “đúng” để cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi theo lòng sùng kính bình dân.
Ngài giải thích suy nghĩ của mình trong một bài diễn từ mà Ngài đã đưa ra vào năm 2008.
- Kinh Mân Côi, khi được cầu nguyện một cách đích thực, không máy móc và hời hợtnhưng sâu xa, thì thực vậy, cách cầu nguyện đó mang lại bình an và hòa giải.
Đối với Đức Bênêđíctô XVI, một cách đích thực để lần hạt Mân Côi liên quan đến việc “chiêm ngắm và suy niệm” các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi.
- Với Mẹ Maria, con tim hướng về mầu nhiệm Chúa Giêsu. Chúa Kitô được đặt vào trung tâm của đời sống chúng ta, thời đại chúng ta, thành phố của chúng ta, qua việc chiêm ngưỡng và suy niệm các mầu nhiệm thánh của Ngài về niềm vui, ánh sáng, nỗi buồn và vinh quang.
Thánh Gioan Phaolô II, trích dẫn lời Thánh Phaolô VI trong tông thư Rosarium Virginis Mariae, cũng coi việc chiêm niệm là chìa khóa để cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi một cách “đúng đắn”.
- Kinh Mân Côi, chính vì bắt đầu từ kinh nghiệm riêng của Đức Maria, nên là một lờicầu nguyện chiêm niệm tuyệt vời. Nếu không có chiều kích chiêm niệm này, nó sẽ mất đi ý nghĩa của nó, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chỉ rõ: “Nếu không chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một thân thể không có linh hồn, và việc đọc kinh có nguy cơ trở thành sự lặp lại các công thức một cách máy móc, vi phạm lời khuyên của Chúa Kitô: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” ( Mt 6: 7).
Việc lần hạt Mân Côi một cách chiêm niệm không phải lúc nào cũng dễ dàng, và chúng ta có thể dễ dàng rơi trở lại thói quen xưa cũ của mình. Tuy nhiên, điều cốt yếu là chúng ta phải luôn tiến bước trong đời sống thiêng liêng, làm những gì chúng ta có thể làm, với ơn Chúa, đó là lần chuỗi Mân Côi chiêm ngắm những mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Những kinh nên đọc để kết thúc Kinh Mân Côi.
Thông thường nhất, Kinh Mân Côi được kết thúc bằng một vài lời cầu nguyện cụ thể, tuy nhiên bạn vẫn có thể tự do thêm vào các kinh quen thuộc và phù hợp với riêng mình.
Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện đẹp và là một trong những việc sùng kính phổ biến nhất trong Giáo hội Công giáo. Có thể cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi theo nhiều cách khác nhau, và nhiều người hỏi về cách tốt nhất để kết thúc Kinh Mân Côi.
Vì Kinh Mân Côi là một lời cầu nguyện sùng kính phổ biến, nên Kinh Mân Côi đã được điều chỉnh và bổ sung qua nhiều thế kỷ. Có nhiều cách khác nhau để kết thúc Kinh Mân Côi, nhưng những lời kinh sau đây là cách phổ biến để kết thúc Kinh Mân Côi.
Những Kinh kết thúc Kinh Mân Côi
Vào cuối Kinh Mân Côi, lời kinh tiếp theo là Kinh Kính chào Đức Nữ Vương. Bạn có thể cầu nguyện bằng lời kinh này trong khi cầm ảnh vảy nối vòng chuỗi Mân Côi với ảnh thánh giá.
Kính chào Đức Nữ Vương.
Bà là Mẹ xót thương,
ngọt ngào cho cuộc sống,
kính chào lẽ cậy trông.
Này con cháu Evà,
thân phận người lưu lạc,
chúng con ngước trông Bà,
kêu Bà mà khóc lóc,
than thở với kêu la,
trong lũng đầy nước mắt.
Bà là Nữ trạng sư,
nguyện đưa mắt nhân từ,
phía đoàn con đoái lại,
và sau đời khổ ải,
xin Bà khứng tỏ ra,
cho đoàn con được thấy,
quả phúc bởi lòng Bà:
Chúa Giêsu khả ái.
Ôi lượng cả khoan hồng,
ôi tấm lòng xót thương,
ôi dịu hiền nhân hậu.
Trinh Nữ Maria!
Để kết thúc Kinh Mân Côi, một số người đọc kinh Thánh Micae.
- Lạy ơn Đức Thánh Micae, Tổng Lãnh Thiên Thần. Xin cứu giúp chúng con trong cơn giao chiến, đánh phá sự hiểm ác mưu sâu quỉ dữ, chúng con sấp mình nguyện xin Thiên Chúa chế trị nó cùng xin Nguyên Soái Cơ Binh trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỉ dữ đang rong ruổi khắp thế gian làm hại các linh hồn, bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục. Amen.
Sau bất cứ lời kinh sùng kính nào, nhiều người kết thúc bằng lời khẩn cầu sau đây.
- Lạy Chúa, Con một Chúa, nhờ sự sống, sự chết và sự phục sinh của Người, đã sắm cho chúng con phần thưởng là sự cứu rỗi đời đời; chúng con nài xin Chúa, ban cho chúng con khi suy niệm những mầu nhiệm của Kinh Mân Côi rất thánh của Đức Trinh Nữ Maria, có thể bắt chước những gì lời kinh chứa đựng và đạt được những gì lời kinh hứa ban. Nhờ chính Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Kết thúc Kinh Mân Côi bằng việc Làm Dấu Thánh Giá .
Phêrô Phạm Văn Trung (từ Aleteia).
2022
Đức Maria bao nhiêu tuổi khi thụ thai Chúa Giêsu?
Đức Maria bao nhiêu tuổi khi thụ thai Chúa Giêsu?
Bối cảnh Kinh Thánh không gợi ý gì về việc Đức Maria lên bao nhiêu tuổi khi sứ thần Gabrien báo cho Mẹ về việc mang thai Đấng Cứu Thế. Tuy vậy, truyền thống Do Thái thời bấy giờ có thể cho ta nhiều chi tiết về chuyện này.
Theo đó, các thiếu nữ Do Thái được xem là có thể kết hôn khi được tròn 12 tuổi 6 tháng; từ tuổi ấy, người nữ có thể bắt đầu được đính hôn. Đám cưới sẽ đến sau lễ đính hôn, sau đó thì cô dâu hợp pháp để thuộc về chú rể, dù cô sẽ không về sống với chú rể cho đến khi đủ 1 năm tính từ ngày cưới.
Điều này tương thích với các dữ kiện lịch sử khác và vẫn còn được tuân giữ ở vùng Đất Thánh đến thế kỷ XX. Một sử gia năm 1910 đã viết rằng: “Ở Palestine, một thiếu nữ thường kết hôn vào khoảng 12 hay 13 tuổi, đôi khi có người thậm chí lúc 10 tuổi.”
Lý do cho việc kết hôn sớm là vì tuổi thọ trung bình của người thời xưa chỉ khoảng 30-40 tuổi. Người nữ ở tuổi khoảng 12 đến 14 là đủ trưởng thành để mang thai và sinh con, nên truyền thống Do Thái khuyến khích kết hôn sớm để duy trì nòi giống và sinh được nhiều con cái nhất (quan niệm Do Thái cho rằng có nhiều con là có phúc).
Kinh Thánh cho biết: Đức Maria mang thai khi đã thành hôn với ông Giuse và hai ông bà còn chưa về chung sống, như vậy theo căn cứ trên đây thì Mẹ có thể được khoảng 12-15 tuổi vào thời điểm ấy.
Tác phẩm “Thần Đô Huyền Nhiệm Thiên Chúa” của nữ tu Maria Agreda, một mặc khải tư được Giáo Hội công nhận, cho biết Đức Mẹ Maria được Thiên Thần truyền tin khi được 14 tuổi 6 tháng 17 ngày.
Nhìn vào bối cảnh đó, chúng ta thấy rằng biến cố Truyền tin là một biến cố thật sự kỳ diệu và quan trọng: một thiếu nữ rất trẻ, vốn khấn giữ mình đồng trinh, đã nói lời “Vâng” để cưu mang Đấng Cứu Chuộc trong lòng mình. So ra thì Mẹ chỉ mới qua khỏi tuổithiếu nhi một tí, nhưng đã nhận lấy trách nhiệm nuôi nấng Thiên Tử, Con Đấng Tối Cao.
Và nhờ đó, ta thấy được Thiên Chúa yêu Đức Mẹ chừng nào: Người chuẩn bị Mẹ thanh sạch cách lạ lùng khi cho Mẹ thành thai vô nhiễm nguyên tội, và đã sớm mang vào Mẹ thiên chức Mẹ Thiên Chúa, để cả hồn và xác Đức Maria thực sự thuộc trọn về chỉ một mìnhThiên Chúa Ba Ngôi.
Đó là một thực tại đầy anh hùng, khiến chúng ta càng thêm yêu mến, ngưỡng mộ và cảm phục Đức Trinh Nữ Maria thánh thiện vô song.
Theo Aleteia