2022
Đôi nét về Năm Phụng vụ của Giáo hội
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Hằng năm, thường vào cuối tháng 11 Dương lịch, Giáo hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới.
Năm Phụng vụ của Giáo Hội có 52 tuần lễ, khởi đầu từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng và kết thúc vào chiều thứ Bảy sau Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên, Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Thật vậy, dưới nhãn quan thần học, “Giáo hội triển khai toàn bộ mầu nhiệm Đức Ki-tô qua chu kỳ một năm, từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh đến Thăng Thiên, đến ngày lễ Ngũ Tuần, và cho đến việc mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và cuộc Ngự đến của Chúa” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1194).
Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô – cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người – liên tục được loan báo và đổi mới qua việc cử hành các biến cố trong cuộc đời của Người và trong các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh. Theo đó, năm Phụng vụ bao gồm 2 chu kỳ: Chu kỳ theo mùa và chu kỳ các Thánh.
- CHU KỲ THEO MÙA
Năm Phụng vụ chia thành 5 mùa với cao điểm là mùa Phục Sinh rồi đến Giáng Sinh, và được chuẩn bị bằng Mùa Chay và Mùa Vọng, còn xen kẽ giữa các mùa gọi là Mùa Thường Niên.
- Mùa Vọng: nhằm mục đích hướng về ngày Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để hoàn tất lịch sử, nhưng gần hơn là chuẩn bị tâm hồn tín hữu kỷ niệm Mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian vào Lễ Giáng Sinh.
Mùa Vọng kéo dài khoảng 4 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật I mùa Vọng đến chiều ngày 24/12. Các bài đọc Mùa Vọng mời gọi tín hữu hãy tỉnh thức và sẵn sàng, không bị đè nặng và xao lãng bởi những lo toan của thế gian này (x. Lc 21, 34-36). Trong mùa Vọng, lễ phục màu tím nói lên yếu tố sám hối theo nghĩa chuẩn bị, tĩnh lặng và rèn luyện tâm hồn để đón nhận niềm vui trọn vẹn của Lễ Giáng Sinh.
- Mùa Giáng Sinh: kỷ niệm sự giáng sinh của Con Một Thiên Chúa trong thế giới. Tín hữu được mời gọi sống mầu nhiệmEmmanuel–Thiên Chúa ở cùng chúng ta– và suy ngẫm về hồng ân cứu độ được ban tặng qua việc Đức Giêsu được sinh ra để chết cho chúng ta. Phụng vụ Mùa Giáng Sinh bắt đầu với Thánh Lễ canh thức Đêm Giáng Sinh và kết thúc với Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Mùa Giáng Sinh có tuần bát nhật Giáng Sinh.
- Mùa Chay:Theo nguyên nghĩa, Mùa Chay là mùa 40 ngày, con số mang ý nghĩa biểu tượng Kinh Thánh: 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa để vào đất hứa, 40 ngày ông Môsê ở trên núi Giao Ước Sinai, và 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa. Là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh, mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào lúc mặt trời lặn vào Thứ Năm Tuần Thánh.
Trong mùa Chay, tín hữu tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện bằng việc đọc Sách Thánh; phục vụ bằng cách bố thí, không chỉ thông qua việc cho đi tiền bạc, mà còn chia sẻ thời gian và tài năng của mỗi người; và thực hành sự tự chủ qua việc ăn chay, khi không chỉ kiêng thịt, tránh dùng những thứ xa xỉ mà còn phải thực sự hoán cải nội tâm khi cố gắng trung thành tuân theo ý Chúa.
Tam Nhật Vượt Qua: Việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay, và dẫn đến việc cử hành mầu nhiệm cứu chuộc qua cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Tam Nhật Thánh bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly của Thứ Năm Tuần Thánh cho đến Kinh Chiều II Chúa Nhật Phục sinh.
- Mùa Phục Sinh:được đặc trưng bởi niềm vui của cuộc sống vinh quang và chiến thắng sự chết được thể hiện đầy đủ nhất trong tiếng kêu vang dội của Kitô hữu: Alleluia! Mọi đức tin bắt nguồn từ niềm tin vào sự phục sinh: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng; cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cor 15, 14).
Là giai đoạn quan trọng nhất trong tất cả các mùa phụng vụ, mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến hết lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mùa Phục Sinh có tuần Bát Nhật Phục Sinh, như một cách kéo dài niềm vui của ngày Chúa Nhật Phục Sinh, được cử hành như lễ trọng kính Chúa, dù không đọc Kinh Tin Kính nhưng không được phép cử hành bất cứ thánh lễ ngoại lịch nào, ngoại trừ thánh lễ an táng.
- MùaThường Niên: là thời gian để lớn lên và trưởng thành, trong đó mầu nhiệm Chúa Kitô được mời gọi thâm nhập sâu hơn vào lịch sử cho đến khi tất cả mọi sự cuối cùng được thu hút vào Chúa Kitô. Trong mùa thường niên, tuy Phụng vụ không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào về mầu nhiệm Chúa Kitô, nhưng lại tôn kính chính mầu nhiệm ấy trong toàn thể, các tín hữu được mời gọi suy tư giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu giữa dân Ngài.
Mùa thường niên gồm 34 tuần, xen kẽ giữa mùa Giáng Sinh và mùa Chay (khoảng 4-8 tuần), giữa mùa Phục Sinh và mùa Vọng (khoảng 6 tháng).
- CHU KỲ CÁC THÁNH
Mầu nhiệm Chúa Kitô, diễn ra qua chu kỳ các mùa, mời gọi tín hữu sống mầu nhiệm của Người trong cuộc sống thường ngày. Lời kêu gọi này được minh họa rõ nét chu kỳ các Thánh. Theo sách Giáo lý Công giáo, “Khi kính nhớ các Thánh, trước hết là Mẹ Thiên Chúa, kế đến là các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử đạo và các Thánh khác, vào những ngày nhất định trong năm Phụng vụ, Hội Thánh nơi trần thế biểu lộ sự hiệp thông với phụng vụ thiên quốc. Hội Thánh tôn vinh Đức Ki-tô, vì ơn cứu độ Người đã hoàn thành nơi những chi thể đã được tôn vinh của Người. Gương sáng của các ngài khích lệ Hội Thánh trên đường về với Chúa Cha” (GLCG, 1195).
Một cách cụ thể Giáo hội cung cấp những bậc lễ khác nhau, như công cụ quan trọng để mừng kính các mầu nhiệm về Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh hầu giúp tín hữu phong phú hoá, và canh tân đời sống thiêng liêng.
- Bậc Lễ trọng
Được qui định là bậc cao nhất, tất cả các Lễ Trọng đều được bắt đầu từ Kinh Chiều I ngày hôm trước, nghĩa là ngày mừng lễ sẽ dài hơn một ngày bình thường. Trong cử hành lễ Trọng, có kinh Vinh Danh và Kinh Tin kính. Đối với trường hợp lễ Trọng có lễ Vọng, ví dụ như Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô thì phải cử hành thánh lễ Vọng.
Theo lịch Phụng vụ chung, Giáo hội cử hành:
– Lễ Trọng mừng kính Chúa bao gồm: Lễ Giáng sinh, Lễ Hiển linh, Lễ Phục sinh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Lễ Chúa Kitô Vua.
– Lễ Trọng mừng kính Đức Maria: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lễ Truyền Tin, và Lễ Đức Mẹ Lên trời.
– Lễ Trọng mừng kính các Thánh: Lễ Thánh Giuse, Lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và lễ Các Thánh.
Trong khi một số Lễ Trọng luôn được cử hành “cố định” theo lịch phụng vụ – ví dụ, lễ Giáng sinh được cử hành vào ngày 25. 12, lễ các Thánh ngày 1.11, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8. 12, …. Thì có những Lễ Trọng được cử hành thay đổi dựa theo ngày của Lễ Phục sinh. Lễ Hiện Xuống là 50 ngày sau Lễ Phục Sinh; lễ Chúa Ba Ngôi là Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Hiện Xuống; lễ Mình máu Thánh Chúa là Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống; lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là Thứ Sáu đầu tiên sau Lễ Mình Thánh Chúa,…
- Lễ Kính
Lễ Kính được cử hành giới hạn trong một ngày bình thường nên không có Kinh Chiều I, trừ lễ kính Chúa trùng vào ngày Chúa Nhật thường niên. Trong thánh lễ, có kinh Vinh Danh. Lịch Phụng vụ đề ra 3 loại lễ Kính:
– Lễ Kính Chúa: lễ Thánh Gia Thất, lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh (2.2), lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, lễ Chúa Giêsu Biến hình (6.8), lễ Suy tôn Thánh giá (14.9). Các lễ kính Chúa có bậc lễ ưu tiên trên các Chúa nhật Giáng sinh và thường niên, do đó, trong trường hợp khi các lễ này trùng vào Chúa nhật thì phải cử hành theo lễ kính Chúa.
– Lễ Kính Đức Maria: lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Elisabet (31.5), lễ Sinh nhật Đức Mẹ (8.9).
– Lễ Kính các Thánh: lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại (25.1), lễ Thánh Marcô, Tác giả Tin Mừng (25.4), lễ Thánh Philipphê và Giacôbê Tông đồ (3.5), lễ Thánh Matthia Tông đồ (14.5), lễ Thánh Tôma Tông đồ (3.7), lễ Thánh Giacôbê Tông đồ (25.7), lễ Thánh Lôrensô Phó tế tử đạo (10.8), lễ Thánh Batôlômêô Tông đồ (24.8), lễ Thánh lễ Thánh Matthêu Tông đồ Thánh sử (21.9), lễ Thánh Luca Thánh sử (18.10), lễ Thánh Simon và Giuđa Tông đồ (28.10), lễ Thánh Anrê Tông đồ (30.11), lễ Thánh Têphanô Tử đạo tiên khởi (26.12), lễ Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử (27.12), và lễ Các Thánh Anh hài (28.12).
– Lễ Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael (29.9), lễ Lập Tông tòa Thánh Phêrô (22.2), lễ Cung hiến Đền thờ Latran (9.11).
- Lễ nhớ:Lễ nhớ được chia làm 2 loại: Lễ nhớ buộc và Lễ nhớ tự do.
– Lễ nhớ buộc: Lễ có ghi trong lịch Phụng vụ chung, đòi phải cử hành đúng ngày, trừ trường hợp gặp các lễ khác trùng vào lễ nhớ này có quyền ưu tiên hơn. Trong mùa Chay, không bó buộc phải cử hành lễ nhớ buộc.
– Lễ nhớ tự do: không nhất thiết phải được ghi trong lịch Phụng vụ chung, chủ tế được quyền chọn lựa có thể cử hành hay không tùy nhu cầu mục vụ. ngoài ra, khi lịch chung để tên nhiều vị thánh nhớ tự do trong cùng một ngày thì có thể tuỳ nghi chọn một vị Thánh để mừng.
Ngày Chúa nhật
Ngày Chúa Nhật được gọi là ‘Ngày của Chúa’, ngày Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, và theo truyền thống từ thời các tông đồ, các tín hữu tụ họp nhau lại lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Thật vậy, “Đó là ngày quy tụ cộng đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Ki-tô Giáo, ngày của niềm vui và ngày nghỉ việc. Ngày Chúa nhật là “nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (GLCG, 1193).
Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II phản ánh rất rõ tầm quan trọng của ngày này: “ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 106).
III. MÀU SẮC TRONG PHỤNG VỤ
Trong lịch Phụng vụ, màu sắc của mỗi ngày tương ứng với việc cử hành Phụng vụ chính của ngày hôm đó và có ý nghĩa tượng trưng khác nhau. Theo sách Nghi thức Rôma, 1969, có 4 màu chính được sử dụng trong phụng vụ bao gồm: trắng, xanh lá cây, đỏ và tím.
- Màu trắng: được xem là tượng trưng cho niềm vui, sự chiến thắng, và sự thuần khiết có được từ đức tin. Màu trắng được dùng trong mùa Giáng Sinh, mùa Phục Sinh, các lễ về Chúa, Đức Mẹ, các Thiên thần, và các Thánh không tử đạo.
- Màu xanh lá cây: biểu tượng của hy vọng, sự sống, và sự phát triển. Màu xanh lá cây được dùng trong Mùa Thường Niên.
- Màu đỏ: tượng trưng máu và lửa. Màu đỏ được dùng trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, trong các lễ kính các Thánh Tông Đồ, các Thánh Sử và các Thánh Tử Đạo.
- Màu tím: liên quan đến sự ăn năn, thống hối, và chờ đợi. Màu tím đặc biệt được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Ngoài ra, màu tím cũng được dùng khi cử hành lễ an táng và lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
Ngoài ra, cũng có thêm màu hồng, tượng trưng cho niềm vui lên được khơi lên trong hành trình chờ đợi và sám hối. Màu hồng được sử dụng vào Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay.
***
Với đôi nét về Năm Phụng vụ của Giáo hội, chúng ta nhận thấy rằng, lịch Phụng vụ không phải chỉ là những qui định, luật lệ, chỉ dẫn cho việc thờ phượng. Sâu xa hơn, lịch Phụng vụ còn là lời nhắc nhớ, mời gọi chúng ta sống chu kỳ thời gian trong một năm về sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, trong quá khứ cũng như hiện tại. Thật thế, với đỉnh cao là Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, Phụng vụ không chỉ tưởng niệm các biến cố đã xảy ra, nhưng còn hiện tại hóa, làm cho các biến cố ấy đi vào đời sống, và biến đổi cách chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa, nhìn nhận thế giới, và nhìn nhận chính mình cách mầu nhiệm nhờ ân sủng.
2022
Ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng
Ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng
- Khi nào bắt đầu Mùa Vọng?
Mùa Vọng bắt đầu vào Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh bốn tuần hoặc Chúa Nhật gần nhất với ngày 30 tháng 11 và kết thúc vào Đêm Giáng Sinh tức là 24 tháng 12. Nếu đêm Giáng sinh rơi vào Chủ nhật thì được coi là Chủ nhật thứ tư của Mùa Vọng và thời điểm sau khi mặt trời lặn được coi là Đêm Giáng sinh.
Để chuẩn bị cho những buổi cử hành tuyệt vời của Mùa Vọng, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của Mùa Vọng và suy ngẫm về tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.
- Ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng
Từ ngữ Mùa Vọng bắt nguồn từ một từ tiếng Latinh “Adventus” có nghĩa là “đang đến” hoặc “đến nơi”. Mùa Vọng tập trung vào việc chuẩn bị bằng mọi cách cho Chúa Giêsu Kitô đến, từ sự giáng sinh của Ngài trong quá khứ cho đến khi Ngài đến trong tương lai với tư cách là Đấng Mêsia – Vị Cứu Tinh.
Đối với người Công giáo chúng ta, Mùa Vọng là một mùa đầy ý nghĩa nhắc nhở chúng ta về sự thật của Chúa Giêsu Kitô và việc Ngài đã đến và hiện diện trong trần thế và cuộc sống của chúng ta. Sự giáng sinh của Chúa Giêsu đáng được cử hành vì sự giáng sinh đó tiết lộ khía cạnh con người của Ngài và do đó là một ví dụ về cách thế chúng ta cần phải sống cuộc sống của chính mình với tư cách là những môn đồ của Ngài ở ngay đây trên trần thế này.
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài bỏ rơi chúng ta. Trong khi chờ đợi Ngài lại đến, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài qua Chúa Thánh Thần, qua gia đình thiêng liêng của chúng ta là Hội Thánh, qua các bí tích và Lời của Ngài.
Khi lại đến, Chúa Giêsu sẽ xuất hiện trong vinh quang trọn vẹn của Ngài và điều đó sẽ hoàn thành và hoàn thiện cộng đoàn và căn tính của chúng ta với tư cách là dân của Ngài. Chính vào thời gian này rồi ra chúng ta có thể được hiệp nhất với Ngài và ở vĩnh viễn với Ngài trên thiên đàng.
Mùa Vọng thừa nhận hai sự kiện quan trọng này trong cuộc sống của chúng ta với tư cách là Kitô hữu. Đây là lúc để chúng ta nhìn lại sự giáng sinh của Chúa Kitô và kỷ niệm lần đến thứ hai của Ngài. Trong khoảng thời gian giữa hai sự kiện quan trọng này, chúng ta phải khám phá và hoàn thành mục đích mà Thiên Chúa ban cho.
- Tinh Thần Mùa Vọng theo Kinh Thánh
Mùa Vọng là một mùa được đánh dấu bởi sự mong đợi, cử hành và khao khát lớn lao không chỉ Lễ Giáng sinh hay sự giáng sinh của Chúa Kitô mà còn là mong chờ lần đến cuối cùng của Ngài. Tinh thần của Mùa Vọng được minh họa rõ nhất trong Dụ ngôn về Mười Trinh nữ được tìm thấy trong Mátthêu 25:1-14:
“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! ” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! ” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn .” Đang lúc các cô đi mua, thì chú rểtới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! ” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! ” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
Năm cô trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện đã quá háo hức mong chờ chàng rể đến nên họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và mang theo dầu cùng với đèn của họ. Đang khi đó, năm cô khờ dại đã chuẩn bị không tốt và bỏ bê nhiệm vụ của mình. Vì sự hờ hững của họ, họ đã không thể tham gia cùng chàng rể khi chàng đến.
Mùa Vọng là lời nhắc nhở đầy đủ để chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu và nhớ rằng hành trình trần thế của chúng ta chỉ là tạm thời.
Tấm lòng và linh hồn của chúng ta phải sẵn sàng khi Chúa lại đến. Giống như những trinh nữ khôn ngoan trong câu chuyện, chúng ta phải trung thành, cẩn trọng và hoàn toàn tận tụy với Ngài.
- Suy Niệm Mùa Vọng
Giống như tất cả các lễ kỷ niệm và sự kiện đặc biệt trong Đức tin Công giáo của chúng ta, Mùa Vọng mang đến cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để nhìn lại hành trình tâm linh của mình và suy nghĩ về những điều chúng ta có thể làm để củng cố mối tương giao của mình với Chúa. Chúng ta hãy tự đặt ra cho mình một số câu hỏi liên quan đến tinh thần của Mùa Vọng này:
- Tôi có hân hoan trông đợi Chúa đến không?
Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cần củng cố mối tương quan cá nhân của mình với Ngài. Chính nhờ mối dây liên kết này mà chúng ta có thể sống trong niềm hân hoan chờ đợi ngày Ngài đến. Chúng ta sẽ không bao giờ mong được gặp ai đó nếu chúng ta không yêu thương và quan tâm đến họ. Vì lý do này, chúng ta cần phải cam kết vun trồng mối tương quan tâm linh của mình với Cha Trên Trời.
Điều chúng ta có thể làm: Dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày, đọc và suy ngẫm Lời Chúa và tìm một cộng đoàn những người cùng đức tin có thể giúp chúng ta phát triển về tâm linh.
- Chúa Kitô có phải là trung tâm của việc cử hành Mùa Vọng của tôi không?
Ngày nay, Mùa Vọng đã trở nên bị thương mại hóa quá đáng khi người ta tập trung vào việc mua quà và tổ chức những bữa tiệc Giáng sinh xa hoa. Chúng ta rất dễ đánh mất chính mình trong những theo đuổi hời hợt này! Chúng ta không được đánh mất mục đích ban đầu của thời điểm đặc biệt này: đó là Chúa Kitô.
Điều chúng ta có thể làm: Lập một danh sách các hoạt động mà chúng ta có thể thực hiện trong Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh phù hợp với những lời dạy của Chúa Kitô. Những điều này có thể bao gồm tham dự Thánh Lễ, làm việc từ thiện và cầu nguyện với gia đình.
- Tôi có đang sống cuộc sống của mình với sự vĩnh cửu trong tâm trí không?
Cuộc sống của chúng ta trên trần thế này chỉ là một chuỗi những nốt nhạc ngắn ngủi trong toàn bộ bản giao hưởng tạo nên sự vĩnh cửu. Do đó, chúng ta cần cẩn thận với các lựa chọn của mình và xem xét những lựa chọn đó dưới góc độ của một bức tranh toàn cảnh hơn. Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động đều tạo thành những tác động vĩnh cửu và tạo ra một di sản mà nhờ đó chúng ta sẽ còn được nhớ tới.
Điều chúng ta có thể làm: Sử dụng Lời Chúa làm hệ thống hướng dẫn cho các kế hoạch của mình và dành thời gian cầu nguyện cho bất cứ quyết định nào chúng ta sắp thực hiện.
Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mạnh mẽ khi chúng ta dự liệu cho Đấng Cứu Độ của chúng ta đến, là khi Đấng Tạo Hóa trở thành một trong những thụ tạo của Ngài để đỡ nâng chúng ta dậy!
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
theo www.catholicfaithstore.com.
2022
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ – Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 65: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN THEO TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC
Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM
Hỏi: Việc chưng trái cây, hoa nến lên trước hình ảnh ông bà tổ tiên có trái luật Công giáo không ạ? Người Công giáo có nên tổ chức làm lễ giỗ cho ông bà tổ tiên không? Trường hợp làm dâu gia đình ngoại giáo, có được phép tham dự nghi lễ gia tiên của nhà chồng không?
Trả lời:
Những câu hỏi các bạn nêu ra ở trên nói chung xoay quanh vấn đề thờ cúng tổ tiên, là vấn đề đã được bàn thảo khá nhiều, và đã được Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc S.J. giải đáp trong tập đầu của bộ sách này. Giờ đây chúng ta bàn thêm về vài chi tiết nhỏ: việc chưng trái cây, hoa nến, và việc cúng giỗ.
Đối với truyền thống văn hóa và tín ngưỡng dân gian Việt Nam thì đây là những việc làm hay lễ nghi tỏ lòng hiếu thảo. Những việc làm này đã in sâu vào trong lối sống và tâm hồn hầu hết người Việt Nam chúng ta. Trong chuyên luận Thực Trạng Văn Hóa Gia Đình Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh đã đưa ra những số liệu khảo sát tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hòa Bình và Cần Thơ như sau:
– 100% các gia đình có bàn thờ tổ tiên.
– 96,75% bàn thờ được đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất trong nhà.
– 95,85% các gia đình nhớ ngày giỗ của người thân.[1]
Những con số trên cho thấy người Việt Nam trân trọng và có ý thức duy trì tinh thần đạo Hiếu biết chừng nào! Vì thế, người Việt Nam nói chung khó có thể chấp nhận được một gia đình nào mà lại không có bàn thờ tổ tiên, không chưng đĩa quả và chăm lo hương khói trên bàn thờ. Đối với họ, đó là thái độ bất hiếu không thể hiểu được.
Trong quá khứ, vì nhiều lý do, quả thật đã có những hiểu lầm và đối kháng giữa việc thực hành đức tin Công giáo và lễ nghi thờ kính tổ tiên. Ngày nay, vì những hủ tục và mê tín của đại đa số người Việt Nam đã bớt đi nhiều, Giáo hội cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn về văn hóa của các dân tộc và xác định rằng hoạt động loan báo Tin Mừng không nhằm tiêu diệt nhưng nhằm “thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc”[2]. Cho nên những nghi thức tôn kính tổ tiên nói chung được chấp nhận và trân trọng.
Xét vì tinh thần hiếu thảo phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, qua điều răn thứ tư; và việc tưởng nhớ người đã khuất không khác xa so với tín điều các thánh thông công, các đức Giám mục Việt Nam đã ra nhiều văn bản hướng dẫn thực hành. Cụ thể, Quyết nghị của HĐGM/NVN tại Nha Trang năm 1974 đã nêu rõ những cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây được thi hành và tham dự cách chủ động:
- Bàn thờ Gia Tiên được phép đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình.
- Việc đốt nhang hương, đèn nến, và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên được phép làm.
- Ngày giỗ được “cúng giỗ” theo phong tục địa phương… và giảm thiểu, cải cách những lễ vật như như dâng hoa trái, hương đèn. (Nghĩa là được dâng hoa trái hương đèn nhưng tránh đừng bày biện rườm rà.)
- Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ.
- Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương.
- Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần, là những người có công với dân tộc hoặc ân nhân của làng.
Trong 6 điều trên, văn bản luôn nhắc nhở phải loại bỏ những gì là mê tín dị đoan.
Mới đây, vào tháng 10 năm 2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thêm Văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính Tổ tiên”. Văn kiện này nhắc lại các văn kiện trước và thay thế từ “được phép” bằng từ “khuyến khích”: “Chúng tôi khuyến khích mỗi gia đình Công giáo nên lập bàn thờ gia tiên… nhưng không bày biện những gì có tính cách mê tín”.
Như vậy là đã quá rõ, chúng ta thấy việc “làm lễ giỗ” và việc “chưng trái cây, hoa, nến” để biểu trưng lòng biết ơn không trái với đức tin Công giáo và chúng ta rất nên thực hành. Vấn đề chúng ta cần lưu ý là phải tránh “những gì có tính cách mê tín”, là những điều chúng tôi trình bày ngay sau đây.
Những điều không phù hợp với đức tin Công giáo
Qua các văn kiện hướng dẫn, chúng ta có thể liệt kê ra những điều không phù hợp với đức tin Công giáo như sau:
– Đặt hồn bạch hay linh vị trên bàn thờ: là những vật mà dân gian tin rằng hồn người chết hiện diện ở đó, việc này không phù hợp với đức tin Công giáo, vì người Công giáo tin rằng “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1).
– Đặt tượng Thần Tài, Ông Địa trong nhà: là trái với điều răn thứ nhất “thờ phượng và kính mến một Thiên Chúa duy nhất”.
– Coi tuổi, coi “ngày lành tháng tốt”: đây là việc làm đi ngược với xác quyết “Đức Kitô… là chủ thời gian và muôn thế hệ”.
– Mở Cửa Mả: Dân gian quan niệm rằng sau khi chôn cất sau 3 ngày thì hồn phách người chết hội tụ lại, vì vậy cần làm lễ mở cửa mả để cho vong linh tỉnh hẳn để có thể lên dương thế và tìm đường về nhà (nơi đặt bàn thờ).
– Tin hồn người chết đi đầu thai kiếp khác: cũng là điều không phù hợp với đức tin Công giáo. Vì người ta chỉ sống một đời và chết một lần.
– Đốt vàng mã: đây là một tập tục vừa vô lý vừa hao tốn tiền của mà ngày nay, ngay cả người ngoài Công giáo cũng đang hô hào nhau loại bỏ, vì nhận biết đó là một việc làm vô minh.
Việc chưng đĩa trái cây / mâm quả
Nói đến việc chưng trái cây, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về ý nghĩa và quan niệm dân gian về việc này, để nếu có thực hiện, chúng ta thực hiện cách tinh tế chứ không tùy tiện.
Tùy vào từng địa phương với các sản vật riêng mà việc chưng trái cây cũng có sự khác nhau.
Người Miền Bắc từ xa xưa thường bày mâm quả gồm 5 loại, nên được gọi là mâm ngũ quả. Việc này xuất phát từ quan niệm về ngũ hành trong triết học cổ phương Đông: thế giới được tạo nên từ 5 yếu tố vật chất đầu tiên là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ, được thể hiện bằng năm màu sắc: Trắng, đen hoặc xanh dương, xanh lục, đỏ, vàng. Mâm ngũ quả vì thế cũng thường có 5 màu sắc, coi như một vũ trụ thu nhỏ, đồng thời cũng thể hiện sự đầy đủ, trọn vẹn.
Việc chưng đĩa quả của người miền Trung thường không quá câu nệ hình thức, do mảnh đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt nên các loại trái cây không phong phú đa dạng như các vùng khác, nên họ có gì cúng nấy, thành tâm là chính.
Người miền Nam thì thường căn cứ vào tên gọi các loại quả để chọn lựa sao cho ghép thành một lời khấn nguyện. Chẳng hạn mâm quả gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, những thứ trái cây này ghép lại và được đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài”. Thật thú vị là lời khấn nguyện khiêm tốn ấy có vẻ phù hợp với tinh thần của Kinh Lạy Cha trong Kitô giáo: “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực đủ dùng”. Dĩ nhiên lời kinh trên chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, nhưng sẽ chẳng sai khi chúng ta xin ông bà tổ tiên chuyển cầu cho chúng ta, trong niềm tin vào mầu nhiệm Các thánh thông công.
Tuy nhiên, ngày nay những ước nguyện đơn thành này đang bị lòng tham làm biến dạng, người ta tìm những thứ trái cây khác để thay thế, chẳng hạn thay dừa bằng chùm sung để thành “cầu xài sung”, hoặc đưa lên bàn thờ một thứ trái cây lạ gọi là dư, có lẽ không phải là cái tên sơ khai của chúng, cũng không phải là thứ trái cây ăn được, vậy mà đưa lên bàn thờ để “cầu dư”. Việc chưng trái cây trở thành vụ lợi và bất kính. Ngoài ra người miền Nam cũng kiêng kỵ một số thứ trái cây mà tên gọi của chúng gợi sự liên tưởng đến điều xui rủi như chuối (chúi nhủi), lê (lê lết), cam (cam chịu). Việc chưng trái cây với những kiêng kỵ như thế này hẳn nhiên là nhuốm màu mê tín.
Việc tổ chức ngày giỗ
Ngày giỗ là ngày kỷ niệm người thân đã từ trần. Vào ngày đó, người ta làm cỗ bàn để dâng cúng tổ tiên, đồng thời tạo dịp cho con cháu tưởng nhớ người đã khuất và chia sẻ nỗi buồn thương với nhau.
Người Công giáo “được phép cúng giỗ theo phong tục”, nhưng tuyệt đối không tin linh hồn người quá cố về hưởng các thứ vật chất. Chúng ta tin linh hồn người đã chết hoặc được về thiên đàng với Chúa, hoặc đang phải thanh luyện trong luyện ngục, nếu vô phúc thì phải vào hỏa ngục đời đời, chứ không có chuyện linh hồn trở về trần thế để hưởng dùng của cúng hoặc “ăn uống” với thân nhân còn sống nữa.
Thực ra, việc bày biện thức ăn trong ngày tưởng nhớ không phải là vì nhu cầu của người chết nhưng là của người sống. Chính người sống muốn dùng những dấu hiệu cụ thể này để bày tỏ sự hiệp thông với người đã khuất,[3] đồng thời cũng là để con cái cháu chắt hưởng dùng trong ngày sum họp. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho người đã khuất là cầu nguyện, làm việc lành để xin ơn giải thoát cho họ, nếu họ đang phải chịu thanh luyện nơi luyện ngục.
Ngay cả đối với anh chị em lương dân có hiểu biết thì bàn thờ tổ tiên luôn được giữ cho thanh tịnh. Lễ vật đặt trên đó chỉ có thể là hương, hoa, trà, quả… Những ngày giỗ Tết, con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phía trước và dưới bàn thờ chính, rồi thắp hương hành lễ cung thỉnh bái vọng. Người Công giáo chúng ta càng không nên đặt đồ ăn trên bàn thờ người quá cố, bởi vì chúng ta không có ý dâng của ăn cho người đã khuất. Chúng ta chỉ nên đặt hoa quả lên bàn thờ, còn mâm cỗ thì cốt để anh chị em trong gia đình sum họp, đoàn tụ.
Trước bữa ăn giỗ, thân nhân và khách mời quây quần cầu nguyện. Để làm tốt việc này, các bạn hãy sắm cho gia đình quyển Kinh nguyện gia đình và Gia lễ Công giáo, do Ủy ban Mục vụ Gia đình của HĐGMVN phát hành để được hướng dẫn cặn kẽ về Lời cầu nguyện trong bữa giỗ, lời nguyện trên của ăn, những chỉ dẫn về việc niệm hương… Lưu ý không được dùng những mẫu văn khấn trong sách vở của người ngoài Công giáo vì lời văn trong đó có nhiều điều không hợp với đức tin Công giáo.
Người Công giáo chúng ta cũng không được mang tâm lý sợ sệt rằng nếu không cúng giỗ đàng hoàng thì sẽ bị tổ tiên quở trách, thậm chí nổi giận mà gây xui xẻo cho con cháu. Việc cúng giỗ của chúng ta chỉ mang ý nghĩa tỏ lòng thảo hiếu thuần túy mà thôi.
Đối với các bạn đang làm dâu, làm rể trong các gia đình lương dân
Trường hợp người Công giáo đang làm dâu làm rể trong gia đình ngoài Công giáo, các bạn thường cảm thấy khó xử trước những việc thờ cúng của gia đình bên ấy, băn khoăn giữa việc chu toàn bổn phận làm dâu, làm rể, và việc giữ đúng đức tin. Các bạn yên tâm, Văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính Tổ tiên” của HĐGMVN năm 2019, đã có chỉ dẫn cụ thể như sau:
“Để giữ tình thuận thảo với gia đình đôi bên, những người con dâu, con rể này và con cái của họ có thể sắm sửa lễ vật và dâng lễ vật trên bàn thờ gia tiên, vái hương trước di ảnh tổ tiên nhưng cần hiểu: trong lòng chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn tổ tiên qua các nghi thức lễ gia tiên và xác nhận thảo hiếu với tổ tiên là bổn phận của Kitô hữu.”[4]
Ngay cả khi trên bàn thờ gia tiên có đặt tượng Đức Phật, Văn kiện trên cũng đã chỉ dẫn: chúng ta nhìn nhận Đức Phật như là một bậc thầy đáng kính, chứ không phải như một vị thần linh.
Bạn thân mến, giữa một thế giới đang chạy theo tiện nghi vật chất và hưởng thụ như ngày hôm nay, các giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một dần, người trẻ Công giáo Việt Nam chúng ta cần góp phần duy trì, hoàn chỉnh và nâng cao những nét đẹp văn hóa dân của tộc mình, đồng thời làm nổi bật lên những giá trị của Kitô giáo, giúp cho anh chị em lương dân nhận ra một chiều kích rộng lớn hơn của lòng thảo hiếu: không chỉ thảo hiếu ông bà tổ tiên, mà còn thảo hiếu với Cha trên trời, là Đấng sinh ra vạn vật.
Thiết nghĩ, những điều nhỏ nhặt trên đây, nhưng chính là những nhịp cầu nối kết giữa Đạo với đời, để nhờ đó người ngoài Công giáo không còn cảm thấy Công giáo là một đạo xa lạ, nhưng là đạo có những nét đẹp về sự thảo hiếu rất gần gũi và dễ thương. Từ đó mà dễ đón nhận Tin Mừng hơn.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
2022
Năm Sự Sáng trong Kinh Mân Côi
Năm Sự Sáng trong Kinh Mân Côi
Hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã công bố tông thư Rosarium Virginis Mariae, bổ sung năm Mầu nhiệm Ánh Sáng vào 15 Mầu nhiệm truyền thống được suy niệm trong chuỗi Mân Côi.
Các Mầu Nhiệm Ánh Sáng nói đến cuộc đời công khai của Chúa Kitô: là Phép Rửa của Ngài tại sông Giođan; việc Ngài biểu lộ mình trong tiệc cưới Cana; việc Ngài công bố Nước Thiên Chúa và kêu gọi hoán cải; sự hiển dung của Ngài; và việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể, theo tông thư “như một cách diễn tả bí tích của Mầu nhiệm Vượt qua.”
Trong tông thư của mình, Đức Thánh Cha giải thích rằng “Kinh Mân Côi, mặc dù có đặc điểm rõ ràng là Đức Mẹ, nhưng cốt lõi là một lời cầu nguyện quy về Chúa Kitô” và Kinh Mân Côi có “một vị trí quan trọng” trong đời sống thiêng liêng của ngài trong thời niên thiếu.
Thực vậy, hai tuần sau khi được nâng lên Ngai tòa thánh Phêrô, thánh Gioan Phaolô II đã công khai thú nhận: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi”.
Đức Giáo Hoàng đã đề xuất các Mầu nhiệm Ánh Sáng để “làm nổi bật đặc tính Kitô học của chuỗi hạt Mân Côi.” Đức Thánh Cha giải thích những mầu nhiệm này đề cập đến “sứ vụ công khai của Chúa Kitô giữa Phép Rửa và Cuộc Khổ Nạn của Ngài.”
Đức Thánh Cha nói, do đó, trong những mầu nhiệm này “chúng ta chiêm ngắm những khía cạnh quan trọng của con người Chúa Kitô như là sự mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa,” vì chính Thiên Chúa đã “tuyên bố Người Con yêu dấu của Cha trong Phép Rửa ở sông Giođan, Chúa Kitô là Đấng Đấng loan báo Nước Trời sắp đến, làm chứng cho Nước Trời trong các công việc của Ngài và công bố những yên cầu của Nước Trời ”.
Thánh Gioan Phaolô II cũng ghi nhận trong tông thư của ngài rằng “chính trong những năm thi hành sứ vụ công khai của Chúa Kitô, mầu nhiệm của Ngài là mầu nhiệm ánh sáng một cách rõ ràng nhất: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9: 5).”
Do đó, để Kinh Mân Côi “trở thành một bản tóm tắt của Tin mừng”, Đức Thánh Cha cho rằng cần phải có “sự suy niệm về những khoảnh khắc đặc biệt quan trọng nhất định trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô, sau khi suy niệm về Sự Nhập Thể và cuộc đời ẩn dật của Chúa Kitô (những mầu nhiệm vui tươi) và trước khi tập trung vào những đau khổ trong cuộc Khổ nạn của Ngài (những mầu nhiệm đau thương) và sự khải hoàn trong việc Ngài Phục sinh (những mầu nhiệm vinh quang).”
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc thêm các Mầu nhiệm Ánh Sáng được thực hiện “không ảnh hưởng đến bất cứ khía cạnh thiết yếu nào trong hình thức truyền thống của Kinh Mân Côi, có nghĩa là mang lại cho Kinh Mân Côi sức sống tươi mới và khơi dậy sự quan tâm mới đến vị trí của Kinh Mân Côi trong linh đạo Kitô giáo như một cánh cửa thực sự dẫn đến những chiều sâu thẳm của Trái tim Chúa Kitô, đại dương của niềm vui và ánh sáng, đau khổ và vinh quang.”
Những mầu nhiệm hé lộ ánh sáng của vương quốc
Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng mỗi mầu nhiệm ánh sáng “là một mạc khải về Nước Trời hiện đang hiện diện trong chính con người Chúa Giêsu.”
Sự hiện diện này được thể hiện một cách cụ thể trong mỗi Mầu nhiệm Ánh sáng.
Trong Bí tích Rửa tội, Chúa Kitô “đã trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta (2Cr 5,21),” Chúa Cha công bố Ngài là Con Yêu dấu và Chúa Thánh Thần “ngự xuống trên Ngài để dành tất cả mọi sự cho Ngài trong sứ mệnh mà Ngài sẽ thực hiện.”
Tại tiệc cưới Cana, bằng cách biến nước thành rượu, Đức Kitô đã “mở lòng các môn đệ đến với đức tin, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, là người đầu tiên trong số những người tin”.
Với việc rao giảng về Nước Trời và kêu gọi hoán cải, Chúa Kitô khởi xướng “sứ vụ của lòng thương xót,” tiếp tục qua “Bí tích Hòa giải mà Ngài đã ủy thác cho Giáo hội của Ngài”.
Đối với Thánh Gioan Phaolô II, cuộc Biến hình là “mầu nhiệm của ánh sáng tiêu biểu nhất” vì “vinh quang của Thần tính tỏa ra từ khuôn mặt của Chúa Kitô khi Chúa Cha ra lệnh cho các Tông đồ đang kinh ngạc “hãy lắng nghe Ngài”.
Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng là một mầu nhiệm ánh sáng vì “Đức Kitô đã hiến dâng mình và máu Ngài làm lương thực dưới dấu chỉ bánh và rượu, và làm chứng “cho đến cùng” tình yêu của Ngài dành cho nhân loại (Ga 13,1), vì ơn cứu độ của họ, Ngài sẽ hiến dâng mình làm của lễ hy sinh”.
Mẹ Maria trong những mầu nhiệm ánh sáng
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “ngoài phép lạ ở Cana, sự hiện diện của Mẹ Maria vẫn còn đó cách kín đáo.” Tuy nhiên, “một cách nào đó, vai trò mà Mẹ đảm nhận tại Cana vẫn đi cùng Chúa Kitô trong suốt sứ vụ của Ngài,” với lời dặn bảo từ mẫu của Mẹ: “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2: 5)”.
Thánh Gioan Phaolô II coi lời căn dặn này là “lời dẫn nhập thích hợp cho những lời nói và những dấu chỉ của sứ vụ công khai của Chúa Kitô và lời căn dặn đó tạo nên nền tảng mang đặc tính Maria cho tất cả các ‘mầu nhiệm ánh sáng’.”
Sau đó, Đức Giáo Hoàng đề nghị nên chiêm ngắm những mầu nhiệm ánh sáng này vào các ngày thứ Năm.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
từ catholicnewsagency