2022
Ngày Lễ Giáng Sinh không có nguồn gốc ngoại giáo
Ngày Lễ Giáng Sinh không có nguồn gốc ngoại giáo
|
Dựa vào các nghiên cứu sâu rộng của ông, Giáo Sư Tighe cho rằng ngày 25 tháng Mười Hai “hoàn toàn phát xuất từ các cố gắng của các Kitô hữu La Tinh tiên khởi nhằm xác định ngày qua đời theo lịch sử của Chúa Giêsu”. Ông còn cho rằng việc Hoàng Đế Aurelian năm 247 lập ngày 25 tháng Mười Hai làm ngày mừng “việc hạ sinh của Mặt Trời Vạn Thắng… chắc chắn là một mưu toan tạo ra một ngày của người ngoại giáo nhằm thay thế cho ngày lễ lúc ấy đã trở thành quan trọng đối với các Kitô hữu Rôma”.
Tính ngày Lễ Giáng Sinh
Theo Giáo Sư Tighe, ý niệm cho rằng Ngày Lễ Giang Sinh bắt nguồn từ Ngày Mặt Trời của người ngoại giáo là ý niệm của hai học giả cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Paul Ernst Jablonski, một người Thệ Phản Đức, muốn chứng tỏ rằng việc mừng ngày sinh của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng Mươi Hai là một trong nhiều cố gắng nhằm “ngoại giáo hóa” Kitô Giáo, một việc được Giáo Hội vào thế kỷ thứ tư chủ trương, và là một trong nhiều “thoái hóa” nhằm biến Kitô Giáo tông truyền tinh tuyền thành Đạo Công Giáo. Còn Dom Jean Hardouin, một đan sĩ Biển Đức, thì cố gắng chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo tiếp nhận các ngày lễ của ngoại giáo để phục vụ các mục đích của Kitô Giáo mà không ngoại giáo hóa Tin Mừng.
Trong lịch Julian, được sáng chế năm 45 trước Công Nguyên, dưới thời Julius Caesar, ngày đông chí rơi vào ngày 25 tháng Mười Hai, và do đó, đối với Jablonski và Hardouin, điều hiển nhiên là nó có ý nghĩa ngoại giáo trước khi có ý nghĩa Kitô Giáo. Nhưng sự thực là ngày ấy không hề có ý nghĩa tôn giáo nào trong lịch lễ lạc của người Rôma ngoại giáo trước thời Aurelian, và việc thờ cúng mặt trời cũng không đóng một vai trò gì nổi bật ở Rôma trước thời hoàng đế này.
Có hai đền thờ mặt trời tại Rôma: một đền cử hành ngày cung hiến nó vào ngày 9 tháng Tám, còn đền kia cử hành ngày cung hiến nó vào ngày 28 tháng Tám. Nhưng, đến thế kỷ thứ hai, cả hai việc cúng tế này đều đã rơi vào quên lãng, khi các đạo thờ mặt trời của Đông Phương, như đạo thờ thần Mithra chẳng hạn, bắt đầu được người Rôma ưa chuộng. Và dù thế nào, không thứ đạo nào trong số này, dù cũ hay mới, có lễ lạc nào liên quan tới các ngày Đông/Hạ Chí hay các ngày Xuân/Thu Phân.
Chuyện xẩy ra là Hoàng Đế Aurelian, cai trị từ năm 270 cho tới ngày bị ám sát vào năm 275, vốn thù nghịch đối với Kitô Giáo và xem ra muốn cổ vũ việc lập ra ngày lễ “Sinh Nhật của Mặt Trời Vạn Thắng” như một phương thế hợp nhất các việc thờ cúng ngoại giáo khác nhau trong Đế Quốc quanh việc kỷ niệm “ngày tái sinh” hàng năm của thần Mặt Trời. Ông điều khiển một đế quốc lúc ấy xem ra đang bắt đầu sụp đổ trước bất ổn nội bộ, phản loạn tại các tỉnh, kinh tế xuống dốc, và những vụ tấn công liên tiếp của các bộ lạc Đức ở phía Bắc và của Đế Quốc Ba Tư ở phía Đông.
Tạo ra một ngày lễ mới, ông cố ý dùng sự khởi đầu của việc kéo dài hơn ánh sáng ban ngày và rút ngắn hơn bóng đêm vào ngày 25 tháng Mười Hai làm một biểu tượng cho việc “tái sinh” hay trẻ trung hóa mãi mãi Đế Quốc Rôma, phát sinh từ việc duy trì thờ cúng các thần minh mà sự phù trì của các vị đã đem lại cho Rôma sự vĩ đại và thống trị thế giới của nó. Nếu có thể kết nạp ngày lễ của Kitô Giáo thì càng tốt.
Một phó sản
Quả thực, chứng cớ thứ nhất cho thấy việc các Kitô hữu cử hành ngày 25 tháng Mười Hai như ngày sinh của Chúa Giêsu phát sinh từ Rôma, ít năm sau khi Aurelian, tức năm 336 công nguyên, nhưng có chứng cớ từ cả Đông Phương nói tiếng Hy Lạp lẫn Tây Phương nói tiếng La Tinh cho thấy các Kitô hữu đã tính toán ngày sinh của Chúa Giêsu trước khi họ cử hành ngày này trong phụng vụ, có khi từ các thế kỷ thứ hai và thứ ba. Thực vậy, chứng cớ này cho ta biết việc nhận ngày 25 tháng Mười Hai chỉ là phó sản của việc xác định ngày Chúa Giêsu chết và sống lại.
Việc trên xẩy ra thế nào? Có một sự mâu thuẫn biểu kiến giữa ngày Chúa Giêsu qua đời trong các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Thánh Gioan. Các Tin Mừng Nhất Lãm đặt ngày đó vào Ngày Vượt Qua (sau khi Chúa cử hành Bữa Vượt Qua vào đêm hôm trước), còn Tin Mừng Thánh Gioan thì đặt nó vào hôm Vọng Vượt Qua, đúng lúc chiên Vượt Qua được sát tế trong Đền Thờ Giêrusalem để dùng cho ngày lễ, để bảo đảm nó phải diễn ra sau hoàng hôn ngày đó.
Giải quyết vấn nạn trên bao hàm việc trả lời câu hỏi liệu Bữa Tối Cuối Cùng của Chúa chính là Bữa Vượt Qua, hay một bữa được cử hành một ngày trước đó; câu hỏi này ta không bàn ở đây. Ta chỉ cần biết rằng Giáo Hội Sơ Khai theo Thánh Gioan hơn là theo các Tin Mừng Nhất Lãm, và do đó tin rằng cái chết của Chúa Giêsu xẩy ra ngày 14 Nisan, theo lịch mặt trăng của Do Thái. Tiện thể cũng nên biết các học giả hiện đại đồng ý rằng cái chết của Chúa Giêsu rất có thể chỉ xẩy ra trong các năm 30 hay 33 công nguyên mà thôi, vì hai năm này là hai năm duy nhất thời đó khi ngày vọng Vượt Qua rơi vào hôm thứ Sáu, có lẽ vào ngày 7 tháng Tư năm 30 hay ngày 3 tháng Tư năm 33.
Tuy nhiên, lúc buộc phải tách ra khỏi Do Thái Giáo, Giáo Hội Sơ Khai đã bước vào một thế giới với những thứ lịch khác hẳn, và phải tính thời gian riêng để cử hành Ngày Chúa Chịu Nạn, chứ không còn lệ thuộc cách tính ngày Vượt Qua của tư tế Do Thái nữa. Ngoài ra, vì lịch Do Thái là lịch mặt trăng gồm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ít năm, một tháng thứ 13 phải được thêm vào bằng sắc lệnh của Thượng Hội Đồng để giữ cho lịch ăn khớp với các ngày xuân/thu phân và hạ/đông chí, cũng như tránh cho các mùa khỏi rơi “lạc” vào các tháng không thích đáng.
Ngoài khó khăn phải theo dõi việc định ngày Vượt Qua cho một năm nhất định nào đó, việc các Kitô hữu theo lịch mặt trăng để tính ngày riêng của họ cũng rất có thể đăt họ vào thế khó xử với cả người Do Thái lẫn dân ngoại, và rất có thể gây tranh cãi nội bộ không thôi. Chứng cớ lịch sử cho thấy trong thế kỷ thứ hai, họ vốn tranh cãi gắt gao về việc ngày Vượt Qua có luôn phải xẩy ra vào Chúa Nhật hay vào bất cứ ngày nào trong tuần miễn là sau ngày 14 tháng Artemision/Nisan 2 ngày.
Các khó khăn trên đã được giải quyết cách khác nhau giữa các Kitô hữu Hy Lạp ở phía đông và các Kitô hữu La Tinh ở phía tây Đế Quốc. Các Kitô hữu Hy Lạp hình như muốn tìm một ngày tương đương với ngày 14 Nisan trong lịch mặt trời của họ, và vì tháng Nisan là tháng trong đó ngày xuân phân xẩy ra, nên họ chọn ngày 14 tháng Artemision, là tháng trong đó ngày xuân phân luôn luôn diễn ra trong lịch của họ. Khoảng năm 300 công nguyên, lịch Hy Lạp bị lịch Rôma thay thế và vì các ngày đầu và cuối tháng trong hai hệ thống này không trùng nhau, nên ngày 14 Artemision đã trở thành ngày 6 tháng Tư.
Ngược lại, Các Kitô hữu La Tinh thế kỷ thứ hai ở Rôma và Bắc Phi hình như muốn thiết lập ngày lịch sử trong đó Chúa Giêsu qua đời. Đến thời Tertullianô, họ đã kết luận rằng Người qua đời vào thứ Sáu, 25 tháng Ba năm 29.
Tuổi Toàn Diện (Integral Age)
Do đó, ở Đông Phương, ta có ngày 6 tháng Tư, ở Tây Phương, ta có ngày 25 tháng Ba. Đến đây, thiết nghĩ nên giới thiệu một niềm tin hình như rất phổ biến trong Do Thái Giáo thời Chúa Giêsu, nhưng, vì không được nói tới ở bất cứ chỗ nào trong Thánh Kinh, nên đã hoàn toàn bị Kitô hữu quên mất. Đó là ý niệm “tuổi toàn diện” của các tiên tri Do Thái vĩ đại: ý niệm này cho rằng các tiên tri của Israel chết cùng ngày với ngày sinh hay ngày họ được thụ thai.
Ý niệm trên là một nhân tố chủ yếu để hiểu được tại sao một số Kitô hữu tiên khởi lại tin rằng ngày 25 tháng Mười Hai là sinh nhật của Chúa Giêsu. Các Kitô hữu tiên khởi đã áp dụng ý niệm trên vào Chúa Giêsu, nên ngày 25 tháng Ba và 6 tháng Tư không những là ngày Chúa Giêsu được giả thiết qua đời, mà còn là ngày Người được thụ thai hay được sinh ra nữa. Cũng có một số chứng cớ thoáng qua cho thấy ít nhất một số người ở các thế kỷ thứ nhất và thứ hai nghĩ rằng 25 tháng Ba hay 6 tháng Tư là sinh nhật của Chúa Giêsu. Nhưng nói chung, ý kiến cho rằng ngày Người được thụ thai là ngày 25 tháng Ba đã thắng thế.
Cho tới nay, ngày trên vẫn được Giáo Hội hoàn vũ cử hành như là Lễ Truyền Tin, khi Tổng Thiên Thần Gabriel đem tin vui Chúa Cứu Thế tới cho Trinh Nữ Maria; và nhờ sự chấp nhận của Trinh Nữ mà Ngôi Lời Đời Đời của Thiên Chúa (“ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”) đã nhập thể trong cung lòng ngài. Thai kỳ kéo dài bao lâu? Chín tháng. Cộng chín tháng này vào 25 tháng Ba, ta sẽ có ngày 25 tháng Mười Hai; cộng nó vào ngày 6 tháng Tư, ta sẽ có ngày 6 tháng Giêng. Ngày 25 tháng Mười Hai là Lễ Giáng Sinh, và ngày 6 tháng Giêng là Lễ Hiển Linh.
Lễ Giáng Sinh (25 tháng Mười Hai) là lễ có nguồn gốc Kitô giáo Tây Phương. Ở Constantinople, hình như nó đã được đưa vào năm 379 hay 380. Theo một bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu, lúc ấy là một nhà khổ tu và giảng thuyết nổi tiếng tại quê hương Antiôkia, hình như lễ này được cử hành tại đó ngày 25 tháng Mười Hai năm 386. Từ trung tâm này, nó được loan truyền khắp Đông Phương Kitô Giáo, được Alexandria chấp nhận khoảng năm 432, được Giêrusalem chấp nhận một thế kỷ sau. Người Ácmêni, duy nhất trong số các Giáo Hội Kitô Giáo cổ thời, không bao giờ chấp nhận nó và cho tới nay vẫn cử hành ngày Chúa ra đời, việc Người hiển linh cho ba nhà thông thái, và việc Người chịu phép rửa cùng ngày 6 tháng Giêng.
Đến lượt mình, các Giáo Hội Tây Phương dần dần chấp nhận lễ Hiển Linh ngày 6 tháng Giêng của Đông Phương, vào khoảng giữa các năm 366 và 394. Nhưng ở Tây Phương, lễ này thường được trình bầy như ngày tưởng niệm việc ba nhà thông thái tới kính viếng Hài Nhi Giêsu, và trong tư cách ấy, nó là một lễ quan trọng, nhưng không phải là một trong các ngày lễ quan trọng nhất, khác với Đông Phương nơi người ta coi nó chỉ thua có Lễ Phục Sinh mà thôi.
Tại Đông Phương, Lễ Hiển Linh vượt hẳn Lễ Giáng Sinh. Lý do là: lễ này cử hành việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại Sông Giócđăng và là dịp trong đó Tiếng Chúa Cha và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống đều đã tỏ lộ lần đầu tiên cho con người mau chết biết thần tính của Chúa Kitô Nhập Thể và Ba Ngôi trong Một Bản Tính Thiên Chúa.
Ngày lễ Kitô Giáo
Như thế, ngày 25 tháng Mười Hai như ngày giáng sinh của Chúa Giêsu rõ ràng không nợ nần bất cứ điều gì từ ảnh hưởng ngoại giáo trong thực hành của Giáo Hội từ thời hay sau thời Constantinô. Rất có thể nó không phải là ngày Chúa Giêsu sinh ra, nhưng nó hoàn toàn phát sinh từ các cố gắng của các Kitô hữu La Tinh sơ khai trong việc xác định ra ngày Chúa Kitô chết theo lịch sử.
Còn ngày lễ ngoại giáo do Hoàng Đế Aurelian thiết lập vào ngày đó năm 274 không những là một cố gắng dùng ngày đông chí làm lợi điểm chính trị, mà gần như cũng là một mưu toan đem ý nghĩa ngoại giáo đáng kể đến cho một ngày đến lúc đó đã rất quan trọng đối với các tín hữu Rôma. Sau này, đến lượt mình, nhân ngày Chúa Giêsu sinh ra, các Kitô hữu đã có thể dựa vào “Sinh Nhật của Mặt Trời Vạn Thắng” để nhắc tới việc mọc lên “ Mặt Trời Cứu Rỗi” hoặc “Mặt Trời Công Lý”.
Vũ Văn An
2022
Chúa Giêsu sinh ra ngày nào?
Chúa Giêsu sinh ra ngày nào?
Tại sao Giáo hội mừng lễ Phục sinh vào ngày Chúa nhật mà không mừng lễ Giáng sinh vào ngày Chúa nhật cho tiện? Như vậy các tín hữu sẽ được nghỉ ngơi để tham dự Thánh lễ, chứ còn ngày 25 tháng chạp trùng vào ngày trong tuần, họ phải đi làm hay đi học. Có thể xê dịch lễ Chúa Giáng sinh sang ngày Chúa nhật được không?
Trên nguyên tắc, tôi nghĩ là Giáo hội có thể xê dịch được. Một cách cụ thể, ngày Chúa nhật hôm nay, các tín hữu tại Việt Nam cử hành lễ Hiển linh, đang khi mà tại Vatican và Italia, lễ Hiển linh được mừng vào ngày 6 tháng 1. Vì là một lễ trọng trong tuần, cho nên lịch phụng vụ cho dời lên ngày Chúa nhật tại những nơi nào mà ngày 6 tháng 1 không phải là lễ nghỉ dân sự. Có điều đáng để ý là ngày lễ Hiển linh đối với Giáo hội La-tinh là ngày kính nhớ việc Chúa tỏ mình cho Dân ngoại, nói nôm na là lễ Ba Vua đến thờ lạy Chúa; còn đối với các Giáo hội Đông phương là ngày mừng Chúa giáng sinh.
Tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25 tháng 12 hay là ngày 6 tháng giêng?
Các tài liệu của Tân ước không cung cấp cho ta một dữ kiện nào chắc chắn về ngày, tháng, năm sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng chẳng biết Chúa sinh vào ngày thứ mấy trong tuần. Đây là một điểm khác biệt giữa biến cố Giáng sinh và biến cố Phục sinh. Biến cố Phục sinh xảy ra vào ngày Chúa nhật. Các bản Phúc âm đều nói đến “sau ngày sabat, ngày thứ nhất trong tuần” (Mt 28,1; Mc 16,1-2; Lc 24,1; Ga 20,1). Vì thế mà ngay từ thời các thánh tông đồ, các tín hữu đã mừng lễ Chúa Phục sinh không những là hằng năm vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, mà còn hằng tuần, vào “ngày thứ nhất” mà họ gọi là ngày Chúa nhật, (ngày của Chúa), vào ngày mà nhiều dân tộc Âu châu gọi là ngày của mặt trời: dies solis trong tiếng La-tinh, Sunday theo tiếng Anh và Đức. Nhưng mà chúng ta không có một dấu chỉ nào nói về ngày Chúa sinh ra.
Vào những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu mừng lễ Giáng sinh vào ngày nào?
Một điều gây cho các sử gia khá nhiều ngạc nhiên là trong các thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu không có cử hành lễ Chúa Giáng sinh. Đối với Hội thánh tiên khởi, lễ quan trọng hơn cả là lễ Phục sinh, mà các Kitô hữu cử hành theo lịch người Do thái dùng để tính lễ Vượt qua, tức là vào ngày trăng tròn của tháng Nisan, bắt đầu mùa Xuân. Trong 3 thế kỷ đầu, lịch phụng vụ không nói tới lễ Giáng sinh. Mãi đến cuối thế kỷ III, mới thầy có vài nơi mừng lễ Chúa ra đời.
Họ mừng vào ngày nào?
Đây là cả một chuyện tò mò thú vị cho các sử gia, bởi vì mỗi nơi mừng vào một ngày khác nhau. Dĩ nhiên là các sử gia phải tìm hiểu dựa trên cơ sở nào mà các tín hữu ấn định ngày lễ. Ông Clêmentê bên Alexanđria (Ai cập) kể lại rằng vào thời ấy (khoảng năm 200) có người đã bắt đầu tính toán ngày Chúa sinh ra, và xác định là ngày 25 tháng Pachon vào năm 28 của triều hoàng đế Augustô (Stromata I, XXXI, 145,6). Tính theo lịch hiện hành là ngày 20 tháng 5, năm thứ 4 trước công nguyên. Một tác phẩm khác -De pascha computus trước đây được gán cho thánh Cyprianô giám mục Cartagô (Bắc Phi) tử đạo năm 248, – long trọng tuyên bố rằng Chúa giáng sinh vào ngày 28 tháng 3, vào ngày thứ 4 trong tuần. Dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Có lẽ là lý do hoàn toàn thần học chứ không dựa trên bằng chứng lịch sử. Chúa Giêsu được ví như mặt trời công chính (từ ngữ lấy từ ngôn sứ Malaki 3,20). Sách Sáng thế nói đến mặt trời được dựng vào ngày thứ 4. Vì thế mà đặt lễ Giáng sinh vào ngày thứ 4 là hợp tình hợp lý rồi.
Nhưng mà tại sao lại đặt ngày Chúa sinh vào tháng 3 chứ không phải vào tháng 12 như hiện nay?
Thật khó mà biết được lý do chính xác, bởi vì người xưa không lý luận theo các dữ kiện quan sát khoa học như chúng ta, nhưng dựa vào truyện cổ tích hay truyền thống dân gian. Các học giả chỉ có thể đưa ra giả thuyết mà thôi. Một giả thuyết cho rằng người thượng cổ ấn định ngày tạo thiên lập địa vào 25 tháng 3. Vì thế mà đặt ngày Chúa giáng sinh kề với ngày đó là muốn nêu bật rằng biến cố Chúa Giáng sinh đánh dấu một cuộc tạo dựng mới. Một giả thuyết khác cho rằng các tín hữu cử hành lễ Vượt qua vào đầu mùa Xuân. Đầu mùa Xuân, tức là 25 tháng 3. Vì thế họ cũng muốn mừng lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 3, bởi vì họ nghĩ rằng Chúa chết khi đã đủ trọn ngày tháng: ngày sinh ngày chết trùng nhau. Nhưng mà thay vì mừng ngày Chúa nhật thì mừng ngày thứ 4, để tránh tam nhật chuẩn bị lễ Phục sinh.
Từ lúc nào lễ Chúa giáng sinh được dời từ tháng ba sang tháng chap?
Câu chuyện không đơn giản như chị nghĩ đâu. Các Giáo hội bên Đông phương mừng lễ Giáng sinh vào tháng giêng chứ không phải vào tháng chạp. Và có thể nói rằng nhật kỳ này cổ điển hơn, tại vì nguồn gốc lễ Giáng sinh bắt đầu từ bên Đông phương, đặc biệt là tại Palestin, quê hương của Đức Giêsu. Vào cuối thế kỷ IV, ở Giêrusalem người ta mừng lễ Chúa giáng sinh vào ngày 6 tháng giêng. Ngày 6 tháng giêng dựa trên cơ sở nào? Hoàn toàn là lý do thần học chứ không phải là lý do lịch sử. Theo thánh Ephrem, lễ Chúa giáng sinh được mừng 13 ngày sau ngày đông chí. Ngày đông chí được ấn định vào 24 tháng 12. Cộng thêm 13 ngày thì thành ra 6 tháng giêng. Tại sao mà 13? Thánh Ephrem giải thích là để kính nhớ Chúa Giêsu mặt trời đánh tan đêm tối, cùng với 12 tông đồ của ngài.
Nhưng mà ngày 6 tháng 1 được gọi là lễ Hiển linh chứ đâu phải là lễ Chúa giáng sinh đâu?
Lịch sử đối chiếu các lịch phụng vụ cho thấy rằng nội dung của lễ Hiển linh rất là phong phú. Đối với lịch phụng vụ của Giáo hội La-tinh, thì trước đây người ta nhấn mạnh đến việc Ba Vua đến thờ lạy Chúa Hài nhi. Kỳ thực, các bản văn phụng vụ nói tới ba biến cố Hiển linh, nghĩa là Chúa tỏ mình ra. Một là tỏ mình cho các đạo sĩ Đông phương; hai là Chúa tỏ mình lúc lãnh phép rửa ở sông Hoà giang. Ba là Chúa tỏ mình ở tiệc cưới Cana. Còn lịch phụng vụ của các Giáo hội Đông phương thì mừng cả biến cố Chúa giáng sinh nữa. Nói cách khác, họ không có lễ mừng nào vào ngày 25 tháng chạp, nhưng dồn tất cả vào ngày 6 tháng giêng.
Dựa vào đâu mà mừng Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng chap?
Cho đến nay, hầu hết các sử gia đều cho rằng việc gắn lễ Chúa giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp dựa trên lý do thần học chứ không dựa trên lý do lịch sử. Tại Rôma, từ năm 274, người ta đã mừng lễ kính Mặt trời (Sol invictus), vào ngày đông chí. Giáo hội tại Rôma, sau khi đã được hưởng tự do tôn giáo, đã cử hành lễ Chúa Giáng sinh, mặt trời soi đàng công chính, thay thế cho lễ ngoại đạo. Có những chứng tích cho thấy rằng từ năm 336, lịch phụng vụ đã ghi ngày 25 tháng 12 là lễ Giáng sinh. Lúc đầu là một lễ địa phương của Giáo hội Rôma, dần dần lan sang Bắc Phi. Đến cuối thế kỷ IV, thì nhiều vùng bên Giáo hội Đông phương cũng mừng ngày Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp, như chúng ta thấy các bài giảng của các giáo phụ Basiliô vào khoảng năm 375, Grêgôriô Nissa năm 380, Gioan kim khẩu năm 386. Đặc biệt là thánh Gioan kim khẩu, trong bài giảng nhân ngày 25 tháng 12 năm 386 tại Antiôkia đã giải thích lý do vì sao du nhập lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 thêm vào lễ 6 tháng giêng. Chị có thể tưởng tượng rằng trong Giáo hội của ngài có nhiều thành phần bảo thủ, không chấp nhận những canh tân, nhất là khi sự canh tân đến từ Tây phương. Thánh Gioan không đả động chi đến các nguồn gốc thần học của Giáo hội Rôma mà cố gắng thuyết phục cộng đoàn bằng lý do lịch sử. Thánh Luca nói rằng thiên sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria khi ông này vào đền thờ tiến hương. Thử hỏi xem ông ta vào đền thờ vào kỳ nào? Thưa vào dịp lễ xá tội, Yom Kippur, vào cuối tháng 9.
Sáu tháng sau, thiên thần hiện ra với Đức Mẹ Maria tại Nadarét. Như vậy là cuối tháng 3. Và, chín tháng sau đó, (cuối tháng 12) Chúa ra đời là đúng rồi. Do đó chúng ta hãy mừng lễ Chúa Giáng sinh vào cuối tháng 12 thì hợp lý hơn. Và rồi, vào ngày 6 tháng giêng, người ta không còn mừng lễ Chúa Giáng sinh nữa, nhưng chỉ còn mừng lễ Chúa tỏ mình ra. Cần nhắc lại rằng nội dung của việc tỏ mình được đánh giá khác nhau tùy nơi tùy thời. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình cho dân ngoại qua việc ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy. Có nơi nhấn mạnh đến việc tỏ mình nơi sông Hoà giang, khi tiếng nói từ trời mặc khải thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu như là Tôi tớ yêu dấu của Thiên Chúa. Đang khi mà phụng vụ bên Đông phương dành một ngày cho các biến cố vừa nói, thì lịch phụng vụ Rôma dành ra hai ngày khác nhau: một ngày để cử hành lễ tỏ mình cho dân ngoại, và một ngày để kính việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cần phải thêm một lần tỏ mình thứ ba tại tiệc cưới Cana, được nhắc đến ở Chúa nhật thứ hai mùa Thường niên.
Như vậy, lễ Chúa Giáng sinh hiện nay dựa trên lý do thần học hơn là dựa trên lý do lích sử, phải vậy không?
Đúng như vậy. Chúng ta không rõ Chúa Giêsu sinh vào ngày nào, tháng nào. Chúng ta không biết Chúa sinh vào mùa đông lạnh lẽo, mùa xuân ấm áp hay mùa hè nóng bức. Lễ Chúa Giáng sinh được mừng vào ngày 25 tháng chạp để thay thế cho ngày lễ kính thần Mặt trời của dân Rôma. Tuy vậy cũng nên biết là trong các bài giảng nhân lễ Chúa Giáng sinh, thánh Lêô cả Giáo hoàng (vào cuối thế kỷ V) không còn khai triển đề tài mặt trời công chính cho bằng mầu nhiệm nhập thể: Ngôi Lời đã đến ở giữa chúng ta. Ngài chiếu sáng cho nhân loại, khi kêu mời con người đến thông phần bản tính Thiên Chúa. Nhưng mà cần phải có đức tin thì mới nhận ra ánh sáng đó, bởi vì Thiên Chúa đến với chúng ta không phải với cảnh huy hoàng rực rỡ nhưng trong thân phận khó nghèo khiêm tốn. Dù sao, thì vào năm 544, tu sĩ Điônixiô đã chấp nhận như là một chứng cớ lịch sử việc Chúa Giêsu sinh ra ngày 25 tháng 12. Dựa vào đó, ông ta xác định kỷ nguyên mới, năm thứ 1 kỷ nguyên Kitô giáo, hay cũng gọi là Công nguyên. Tiếc rằng ông đã tính lệch đi khoảng 5-6 năm.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành
2022
Tin Mừng Matthêô – Đào sâu kiến thức về chu kỳ phụng vụ năm A
TIN MỪNG MATTHÊÔ:
ĐÀO SÂU KIẾN THỨC VỀ CHU KỲ PHỤNG VỤ NĂM A
Tác giả: Ronald D. Witherup
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
– Từ khi cải cách phụng vụ sau Công đồng Vatican II, cứ mỗi ba năm thì chu kỳ các bài đọc Chúa Nhật lại bắt đầu với Tin Mừng Matthêô. Đối với những người thường xuyên rao giảng Lời Chúa thì có lẽ đây là một thách thức. Có thể nói cái gì mới hơn không? Có thể hiểu hơn về những gì đã khá quen thuộc rồi không? Bài viết này đề nghị những con đường mới để theo đuổi suốt năm phụng vụ Thánh Matthêô.
Trước khi lên đường, nên lưu ý ngay từ đầu rằng quan trọng là hướng đi. Mỗi năm phụng vụ mới, dù khá quen thuộc, nhưng cũng cho ta một cơ hội mới để đào sâu kiến thức về những gì mà ta đã biết rồi. Thực tế, điều đó có nghĩa là chúng ta được mời gọi để một lần nữa cởi mở chính mình ra và ngạc nhiên về những điều mà ta cho rằng mình đã biết rõ.
Một cách để đào sâu về Thánh Matthêô là sử dụng những nguồn tài liệu mới như bạn đồng hành trong năm nay. Trong khi những cuốn chú giải lập lại những thông tin cơ bản, những cuốn sách mới cho ta những cái nhìn mà ta chưa từng nghĩ trước đó. Về Matthêô, tôi đề nghị ba nguồn mới: các chú giải của Brendan Byrne trong “The Paulist Biblical Commentary” (Paulist Press, 2018); David R. Bauer, “The Gospel of the Son of God: An Introduction to Matthew” (IVP Academic, 2019); và nhiều tính kỹ thuật hơn là cuốn R. Alan Culpepper, “Matthew: A Commentary” (Westminster John Knox, 2022). Không có gì sai khi đọc lại các nguồn hữu ích đã sử dụng trong quá khứ song việc tiếp cận những trình bày mới về Tin Mừng khiến cho việc tận dụng những nhãn quan học thuật mới trở nên xứng đáng với nỗ lực, giúp ta khám phá Matthêô sâu xa hơn.
Thay vì đưa ra một bản tóm những phần khác nhau của Tin Mừng Matthêô, tôi đưa ra vài con đường để suy tư sâu hơn về “Tin Mừng đầu tiên” này – gọi như thế vì đây là Tin Mừng được xếp đầu tiên trong Tân Ước – được gán cho Thánh Matthêô, người môn đệ hành nghề thu thuế của Đức Giêsu (cf. 9:9).
Bối cảnh và trình thuật
Lời khuyên đầu tiên xem ra có tính trần tục và quá hiển nhiên song thường bị bỏ qua. Vì Matthêô là Tin Mừng “xếp theo trật tự” nên nhiều nhà giảng thuyết thường tập chú vào những phần nổi bật. Đầu tiên trong số này là 5 “bài giảng” lớn, hay diễn từ, bắt đầu với Bài Giảng Trên Núi lừng danh (các chương 5-7; rồi 10, 13, 18 và 23-25). Từ thời cổ, năm giáo huấn này của Đức Giêsu đã thu hút các nhà chú giải như là những dấu cấu trúc. Nhưng tiếp cận này đã bỏ qua một đặc điểm quan trọng: Matthêô trước hết và trên hết là một trình thuật, không chỉ đơn giản là bộ sưu tập giáo huấn tâm linh và đạo đức.
Nhà giảng thuyết sẽ phải chú ý hơn đến bối cảnh của mỗi đoạn trích Tin Mừng được sử dụng suốt năm phụng vụ. Cái gì đi trước cái gì đi sau một đoạn Tin Mừng có thể giúp đóng khung nhiệm vụ của đoạn ấy trong Tin Mừng. Câu chuyện kéo dài từ bản gia phả (cf. 1:1-17) cho đến Đại Ủy Nhiệm (28:16-20), từ ông Abraham cho đến vương quốc cánh chung. Đây là lời loan báo về “Emmanuel” — Thiên Chúa ở cùng chúng ta — mà sự hiện diện được bảo đảm ngay sau khi Ngài trở về với Chúa Cha (1:23; 18:20; 28:20).
Khi trình thuật này được mở ra, nó mạc khải rằng Đức Giêsu là người Con trung thành và vâng phục của Thiên Chúa trong cả Lời (đặc biệt là 5 diễn từ) và hành động (vô số những phép lạ). Mọi điều trong Tin Mừng đều ở đấy để củng cố cho căn tính này, là hiện thực của những gì được các ngôn sứ loan báo. Chú ý đến lược đồ bao quát này có thể giúp cho nhà giảng thuyết thấy được những đoạn riêng lẽ nối kết hay nâng đỡ trình thuật. Nó đạt đỉnh trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu (các chương 26-28), trình bày ngài như là người con đích thực của Thiên Chúa vì đã tự nguyện chấp nhận ý Chúa Cha khi chịu đau khổ và chết đi để cứu dân Ngài. Câu chuyện Đấng Emmanuel Cứu Thế xảy ra trọn vẹn như thế (1:21; 26:28; 27:54).
Chiến thuật thứ hai để giảng Tin Mừng Matthêô là tìm kiếm các chủ đề xuất hiện thường xuyên trong diễn biến câu chuyện về Đức Giêsu. Không có Tin Mừng Nhất Lãm nào có tính khái quát. Mỗi Tin Mừng có những điểm nhấn riêng biệt, đem lại cho nhà giảng thuyết điểm thuận lợi duy nhất mà từ đó có thể hiểu nhãn quan của Tin Mừng Matthêô. Trong số nhiều chủ đề có thể, tôi chỉ ra bốn chủ đề.
Đặc tính người môn đệ
Matthêô không chỉ tập chú vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Ông cũng chen vào chủ đề người môn đệ. Đây là điều rõ ràng theo hai cách. Trước hết, Matthêô là Tin Mừng duy nhất sử dụng từ “Giáo Hội” (tiếng Hy Lạp là: ekklēsia), đầu tiên là khi nhìn nhận Phêrô là tông đồ thứ nhất (cf. 16:18) và rồi khi nói đến toàn thể cộng đoàn các môn đệ (18:17). Đức Giêsu nói rõ trong trọng tâm Bài Giảng Trên Núi khi dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha (6:9-13) rằng Ngài đang thành lập một cộng đoàn mới dựa trên đức tin chứ không phải máu huyết (12:48-50).
Thật ra, có thể xem 5 diễn từ như giáo huấn đặc biệt về bản tính người môn đệ. Các môn đệ được mời gọi giống như con trẻ (chứ không phải là trẻ con), để theo chân Đức Giêsu bằng cách vác thập giá, phục vụ hơn là được phục vụ, và tham dự vào sứ vụ của Đức Giêsu như rao giảng, chữa lành và – sau khi Đức Giêsu về với Chúa Cha – là dạy dỗ (cf. 28:20).
Không giống như đặc tính các môn đệ trong Tin Mừng Marcô, trong Tin Mừng Matthêô họ dễ nhận thiên tính của Đức Giêsu hơn (cf. 14:33; 16:16), dù đôi khi “kém tin” (6:30; 14:31) hoặc sa vào những nghi ngờ, thậm chí vào giai đoạn cuối (28:17). Matthêô nhấn mạnh những đặc tính môn đệ nào đó. Một đặc tính đó là họ không phải là một tổ chức tự nguyện (8:18-22). Đức Giêsu đã phải kêu gọi các môn đệ và họ phải tự do đáp trả và đi theo (4:18-22). Hơn nữa, các môn đệ cần từ bỏ các mối quan hệ trần thế (10:37-39) và của cải vật chất để theo Đức Giêsu (10:8). Quan trọng hơn hết, họ phải sẵn sàng chịu đau khổ vì Tin Mừng (10:16-19).
Các môn đệ được mời gọi là “muối” và “ánh sáng” trong thế gian (cf. 5:13-14), và họ được sai đi để loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và kêu gọi mọi người sám hối. Rủi thay, cũng như trong Marcô, khi thời khó khăn đến, ngay cả các môn đệ khá mẫn cảm này cũng tránh xa Đức Giêsu trong lúc cần thiết (26:56). Làm môn đệ không hề dễ dàng.
Luân lý của Nước Trời
Một chiều kích mạnh trong Tin Mừng Matthêô là nhãn quan luân lý. Chìa khóa để mở nó là Bài Giảng Trên Núi. Hầu hết các nhà chú giải đều xem diễn từ này là tài liệu nền tảng của Kitô giáo. Nó xuất hiện không chỉ trong chú giải Tin Mừng thứ nhất này mà còn trong các bài đọc Mùa Chay, khi các Kitô hữu được mời gọi thống hối, sửa đổi và hoán cải. Thậm chí bối cảnh của bài giảng cũng quan trọng. Đức Giêsu giảng nó ở trên đỉnh núi – nơi hiện diện và mạc khải của Thiên Chúa, nhắc nhớ lại việc ông Môisê nhận lãnh lề luật – và thính giả gồm các môn đệ ở hàng đầu tiên vây quanh là “đám đông” (5:1).
Có nhiều đặc điểm nổi bật. Nó bắt đầu với Bát Phúc (thật ra là chín chứ không phải tám), nêu tiêu chuẩn cao cho tất cả môn đệ Đức Giêsu và ám chỉ sự đau khổ trong tương lai vì danh Đức Giêsu. Nó cũng bao gồm một loạt những chú giải lề luật tận căn – “các ông nghe nói rằng, nhưng ta nói rằng …” — điều này đòi hỏi các môn đệ phải theo một “sự công chính” cao hơn (5:20). Bài giảng kết thúc với ví von về hai ngôi nhà trái nghịch nhau, một xây trên cát và một xây trên đá. Chỉ có nền tảng vững chắc mới có thể giữ cho ngôi nhà đứng vững qua thời gian, tượng trưng cho nhu cầu người tín hữu phải đâm rễ sâu vững chãi trong các nguyên tắc luân lý. Ở giữa bài giảng là giáo huấn về cầu nguyện, nổi bật lên trong Kinh Lạy Cha, mời gọi ta làm theo ý Chúa chứ không phải ý mình.
Nếu bài giảng hiện thực cho luân lý theo Matthêô thì nó không chứa đựng tất cả luân lý ấy. Tin Mừng nầy được lấp đầy bằng các giáo huấn quan trọng khác, gồm cả nhu cầu tha thứ cho tha nhân, duy trì hôn nhân và tránh ly dị, đồng thời cũng cảnh báo việc Con Người đến để phán xử, thời gian mà chúng ta sẽ bị tính đến vì điều mình đã làm hay không làm theo sứ điệp Tin Mừng.
Chúng ta cũng sẽ không bỏ qua bản tính cụ thể của lời khuyên Matthêô. Nhược điểm chính, trong mắt tác giả Tin Mừng, là khi ta nói điều này nhưng làm điều khác. Thói giả hình là tối kỵ. Điều này không chỉ chống lại nhóm lãnh đạo Do Thái giáo, nhưng áp dụng cho tất cả các người có đầu óc tôn giáo nghĩ rằng mình có thể làm trọn lề luật của Chúa bằng mồm hơn bằng hành động. Matthêô cảnh báo rằng nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” thôi thì chưa đủ để vào nước trời (cf. 7:21; 25:11-12). Hơn nữa, phải trung thực trong lời nói “Có thì nói có, không thì nói không” (5:37). Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi việc dối trá đã thành đặc điểm tiêu chuẩn cho các ý thức hệ chính trị, và nơi mà việc đăng tin vô danh trên truyền thông đại chúng dẫn đến mọi điều gian dối, trong bối cảnh ấy thì việc phục hồi quan điểm đạo đức thật sự là điều sống còn. Matthêô đã chỉ ra cách.
Ngày phán xét đang đến
Một trong những bổn phận thách thức nhất khi giảng Tin Mừng Matthêô là làm sao tiếp cận được vấn đề phán xét. Chủ đề này nổi lên trong nhiều hình ảnh. Một hình ảnh là ẩn dụ cây sinh trái tốt hoặc trái xấu. Gioan làm phép rửa, tiền hô của Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế, cũng đã rao giảng rằng nếu cây không sinh trái tốt, nó sẽ bị chặt đi và ném vào lửa (cf. 3:10). Đức Giêsu cũng nói bóng gió về điều này (12:33; 13:23). Bài Giảng Trên Núi cũng âm vang giáo huấn này (7:16-20).
Những lời cảnh báo về ngày phán xét xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng và như tiếng kêu thức tỉnh để hành động đúng với đức tin. Chủ đề cũng đạt đỉnh trong câu chuyện phán xét cừu và dê (cf. 25:31-46), minh họa những hành động cụ thể của chúng ta đối với những người đang cần đến mình, hoặc tốt hoặc xấu khi chúng ta sống sứ điệp Tin Mừng. Thánh Matthêô sử dụng ngôn ngữ khải huyền đặc trưng của Do Thái giáo để hình dung mối đe dọa này (lửa không hề tắt, nghiến răng, khóc than), tất cả là những đặc điểm tiêu chuẩn trong ngày của Ngài.
Ơn cứu rỗi phổ quát
Hầu hết các học giả xem Matthêô có tính Do Thái nhất trong các Tin Mừng. Có nhiều điểm khẳng định điều này, chẳng hạn như những trích dẫn hiện thực điều được loan báo trong Cựu Ước (e.g., 1:22-23; 26:54; 27:9), nhấn mạnh đến “lề luật và các ngôn sứ” (7:12), và lối diễn tả “Nước Trời”, cách nói vòng vo để chỉ triều đại của Thiên Chúa. Matthêô tán dương sứ mệnh cứu rỗi của Đức Giêsu như sứ mệnh được hiến dâng cho toàn thể nhân loại. Matthêô có một nhãn quan phổ quát.
Chủ đề này được gợi lên cách kín kẻ trong tước hiệu của Đức Giêsu là “con cháu Abraham” (1:1), nhân vật mà Thiên Chúa đã hứa cho làm “cha của nhiều dân tộc” (Stk 17:4) và là người đứng đầu gia phả của chính Đức Giêsu (cf. Mt 1:2). Nó được tiếp nối trong các câu chuyện giống như việc chữa lành người tôi tớ của viên bách quan (8:5-13). Đức Giêsu ngạc nhiên khi thấy một viên bách quan Rôma, một người không phải người Do Thái, đến xin Ngài chữa lành cho người đầy tớ của mình. Trước khi đáp ứng lời cầu xin, Đức Giêsu đã khen ngợi lòng tin của ông khi nói: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (8:10). Ngài tiên báo rằng Nước Trời sẽ không chỉ có dân Israel mà tất cả những người sẽ đến từ phương Đông phương Tây.
Đức Giêsu cũng cảnh báo các thính giả Do Thái của mình rằng họ không thể chỉ dựa vào di hệ từ Abraham để bảo đảm vào Nước Trời (cf. 3:9). Cần nhiều hơn thế nữa. Song đức tin đòi hỏi phải hoán cải và tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn nữa của Nước Trời.
Người nữ đối trọng với viên bách quan là người đàn bà Canaan đến từ miền Tyrô và Sidon (cf. 15:21-28). Một lần nữa Đức Giêsu chạm trán với đức tin bên ngoài ranh giới Israel. Thoạt tiên, lời cầu xin chữa lành đứa con gái bị quỷ ám của bà đã bị Đức Giêsu từ chối, Ngài nhấn mạnh rằng mình chỉ được sai đến với “chiên lạc nhà Israel” (15:24). Nhưng chứng kiến lòng thành của bà đối với mình, Đức Giêsu khen ngợi lòng tin của bà và đứa con gái bà được chữa lành cách lạ lùng.
Đỉnh điểm của chủ đề này được tìm thấy trong lệnh truyền cuối cùng của Đức Giêsu phục sinh cho các môn đệ (trên một đỉnh núi!). Đức Giêsu bảo họ ra đi và “làm cho các dân tộc trở thành môn đệ” [tiếng Hy Lạp là: panta ta ethnē], rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (28:19).
Chúng ta không nên bỏ qua việc đưa chủ đề này vào trong bối cảnh riêng của chúng ta. Nơi đâu mà người Công Giáo muốn thu hẹp đức tin và hạn chế chỉ trong số ít tín hữu thì Đức Giêsu của Matthêô nới rộng vòng vây để bao trùm lên hết những ai muốn vác lấy thập giá và đi theo Ngài.
Những sai lầm cần tránh
Giảng Tin Mừng Matthêô vừa thích thú vừa thách thức. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên tránh vài sai lầm chung chung. Trước hết, đừng chỉ đọc Matthêô như một Tin Mừng giống như các tin mừng khác, thậm chí như các Tin Mừng Nhất Lãm. Hãy cố đi vào khuôn khổ hay vũ trụ của Matthêô và nhận ra cách ông cố truyền đạt cho cộng đoàn của mình những chân lý về Đức Giêsu mà ông nhận ra.
Thứ đến, hãy cố gắng tránh mọi chú giải có tính bài Do Thái. Chẳng hạn, câu khủng khiếp trong 27:25 không phải là lời nguyền rủa người Do Thái vì sự liên quan của vài lãnh đạo Đền Thờ trong cái chết của Ngài. Thật ra, đây là câu mai mỉa, đặt người Do Thái một lần nữa dưới sứ mệnh của Đức Giêsu là cứu rỗi dân Ngài.
Thứ ba, mặc cho cấu trúc của sách Bài Đọc, hãy cố giữ một bức tranh rộng lớn hơn của những đoạn trích riêng lẽ cho hợp với trình thuật tổng thể của Matthêô. Từ Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác, có thể đi theo một đường thẳng và phân định những chủ đề đan xen nhau, đây là điều đặc biệt của Tin Mừng này.
Thứ tư, hãy đọc bản văn trước hết, rồi xem các chú thích của cuốn Kinh Thánh, và sau khi suy tư, hãy tra một vài cuốn chú giải. Không gì thay thế được sự tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi bài giảng chỉ truyền đạt một phần nào sứ điệp Tin Mừng. Hãy lấy ra và chọn điều gì thích hợp nhất cho bối cảnh của riêng bạn cũng như hãy nhận thấy rằng mình cần phải để sang một bên vài ý tưởng tuyệt vời. Bạn có thể lấy lại chúng trong ba năm nữa!
Nguồn: gpquinhon.org
2022
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ – Gia đình khác đạo
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 69: GIA ĐÌNH KHÁC ĐẠO
Cao Gia An, S.J.
Hỏi: Con được sinh ra trong gia đình có Bố là người bên lương và Mẹ là người Công giáo. Bố con vẫn giữ những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… Bà nội con thường đi gặp Thầy ở Chùa để xin giải hạn cho con. Con đã được rửa tội, và hiểu rõ những bối rối của Mẹ con. Vậy, chúng con có được tham gia những nghi thức mà Bố và Bà con tham gia không?
Trả lời:
Đây là một câu hỏi thường gặp, vì thật ra trường hợp của gia đình bạn không phải là trường hợp hoạ hiếm ngày nay. Sau hơn 400 năm Tin Mừng đến Đất Việt, người Công giáo ở thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một thiểu số trong lòng dân tộc Việt Nam. Trước đây, Đạo Công giáo ở Việt Nam đã phải trải qua một thời gian dài sống khép và kín theo hướng tự vệ. Khi đó người Công giáo chỉ được phép lấy người Công giáo và không có nhiều gia đình sống theo hôn nhân khác đạo. Nhưng khi cuộc sống mở ra, nhất là khi Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chọn “sống đức tin giữa lòng dân tộc”, nhiều khả thể khác được mở ra với các gia đình Công giáo. Hôn nhân khác đạo đã không còn là chuyện quá lạ lùng hay cấm kỵ.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn và thử thách trong đời sống đạo của hai mẹ con bạn. Mẹ của bạn đã theo tiếng gọi của con tim, đã can đảm chọn đi một con đường khó. Trên con đường ấy, nỗ lực gìn giữ đức tin và việc nuôi dưỡng bạn lớn lên theo truyền thống Công giáo là điều rất đáng trân trọng. Những bối rối và trăn trở của cả hai mẹ con bạn trong trong việc làm sao để sống đúng đức tin của mình cho chính đáng và phù hợp cũng là điều rất đáng trân trọng.
Để phần nào giãi gỡ những bối rối và trăn trở ấy, trước hết, chúng ta cần nhận ra những điều tích cực trong gia đình của bạn.
Nếu ngay từ đầu, bố mẹ của bạn và gia đình nội ngoại hai bên đã đồng thuận trong việc Đạo ai nấy giữ, đồng thời Giáo hội đã chuẩn nhận việc hôn nhân khác đạo, thì điều quan trọng nhất là việc thực hành đức tin riêng của mỗi bên cần phải được tôn trọng, đúng không? Bạn đã được cho rửa tội để làm người Công giáo, nghĩa là gia đình bên nội đã có một sự tôn trọng nhất định đối với mẹ bạn và tôn giáo của mẹ bạn rồi. Việc chấp thuận để cho bạn được rửa tội và được giáo dục theo đức tin Công giáo cũng cho thấy gia đình bên nội cũng đã giữ lời hứa so với cam kết ban đầu của mình. Nếu hai mẹ con bạn đã có đủ tự do để sống đức tin Công giáo của mình, bố của bạn cũng xứng đáng có được sự tự do ấy để sống đức tin của mình, phải không?
Vì thế, việc bố của bạn theo những nghi thức của Phật Giáo, hay của niềm tin tự nhiên theo truyền thống gia đình bên nội, là điều cần được tôn trọng. Việc thực hành những nghi thức cúng bái, đưa tang, ăn cơm cúng… cho thấy bố của bạn là một người có đời sống tâm linh, có tâm tình tôn giáo. Đây là phẩm chất rất quý của con người sống trong thời hiện đại. Cũng vậy, việc bà nội đi Chùa cầu siêu cho cháu của mình cũng là một điều chính đáng, phải không? Đó là cách bà thể hiện tình thương và sự chăm sóc cho cháu mình. Bạn nên nhận sự quan tâm và chăm sóc ấy, nên cám ơn bà nội của mình về điều ấy. Hơn nữa, cả gia đình bên nội của bạn theo Phật Giáo, chắc chắn những ngày giỗ chạp hay đám tiệc của nhà nội sẽ phải được tổ chức theo nghi thức tôn giáo của bên ấy. Đối với những nghi thức ấy, bạn nên có sự tôn trọng đúng mực.
Sự hiện diện của mẹ con bạn với cả đại gia đình trong những dịp họp mặt và lễ truyền thống như thế là cách sống sự hiệp thông và nuôi dưỡng tình thân gia đình. Đó là một phần của gia đình mà mẹ bạn đã chọn để sinh bạn ra và nuôi dưỡng bạn lớn lên. Vì vậy, hai mẹ con bạn không nên tự tách mình ra khỏi bầu khí gia đình chỉ vì lý do khác biệt về tôn giáo. Bởi lẽ, nếu nại vào lý do khác biệt tôn giáo để hai mẹ con bạn sống tách biệt và cô lập, thì hoá ra tôn giáo lại trở thành duyên cớ của sự phân biệt và chia rẽ trong cùng một gia đình hay sao?
Cần phân biệt rõ rằng việc vái hương hay cúi đầu tỏ lòng tôn kính trước Đức Phật không phải là việc tôn thờ ngẫu tượng. Cũng giống như việc người Công giáo thắp nhang và cúi đầu trước bàn thờ của ông bà tổ tiên: đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tôn kính, chứ không phải là tôn thờ. Chúng ta chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trong đức tin của chúng ta, Đức Phật là một Đấng đáng kính, đáng để chúng ta bày tỏ lòng kính ngưỡng mộ và tôn trọng.
Thêm nữa, có thể phân biệt rằng tham dự thì khác với tham gia. Bạn có thể tham dự vào những nghi lễ trong gia đình bên nội bằng sự hiện diện và sự tôn trọng, bằng mối dây hiệp thông gia đình. Nhưng sự tham dự ấy không có nghĩa là bạn tham gia vào việc thờ phượng của một tôn giáo khác. Bởi vì bạn mang một đức tin khác, một văn hoá khác, lòng của bạn hướng về một Đấng khác.
Chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất không loại trừ và cấm chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối với những bậc đáng kính, dù là trong tôn giáo mình hay trong các tôn giáo bạn. Cần nhìn nhận rõ ràng rằng những người thuộc các tôn giáo khác không phải là đối thủ, càng không phải là kẻ thù nguy hiểm cho đức tin chúng ta. Chúng ta luôn có thể chung sống trong an bình và dành cho nhau sự tôn trọng sâu sắc với những người khác niềm tin với chúng ta. Đó là cách để chúng ta xây dựng một thế giới hoà bình. Thế giới ấy khởi đi từ chính gia đình của bạn.
Đây là lời khuyên quan trọng dành cho bạn: khi bạn và mẹ của bạn đã cùng chia sẻ với gia đình bên nội những sinh hoạt của họ, thì thỉnh thoảng cũng nên mời họ tham dự vào các sinh hoạt cầu nguyện của bên mình, phải không? Nếu bạn đã cùng tham dự những buổi cầu nguyện với gia đình nhà nội, bạn có từng thử cũng mời họ tham dự giờ cầu nguyện và giải thích cho họ về ý nghĩa của việc cầu nguyện trong đạo Công giáo không? Nếu bạn đã một vài lần đến Chùa cùng với bố và nội, bạn có từng thử mời họ một vài lần đến Nhà Thờ với mình không? Chẳng hạn: vào những dịp quan trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh, các buổi diễn nguyện thánh ca, hay các hoạt động bác ái xã hội… Đã bao giờ bạn thử mời bố cùng tham dự vào giờ kinh tối, phút hồi tâm cuối ngày, hay một giờ trầm lắng cầu nguyện nào đó với mẹ con bạn không?
Mục đích của chúng ta ở đây không phải là việc “dụ khị” bố của bạn hay nhà bên nội của bạn vào đạo Công giáo. Mục đích chính ở đây, trước hết là giúp cho bố bạn và nhà bên nội có cơ hội để hiểu và có thiện cảm với Đạo của mẹ con bạn. Đừng trình bày với gia đình bên nội về Đạo của mình như là Đạo cho phép làm điều này, cấm làm điều kia… như thể Đạo chỉ là một bộ luật và một mớ nguyên tắc. Hãy giới thiệu cho họ về một Thiên Chúa là Cha bao dung và yêu thương, một Thiên Chúa không nhất thiết phải luôn luôn đòi hỏi và áp đặt, một Thiên Chúa dám đặt niềm tin của mình vào tự do của con người.
Biết cách sống tốt đức tin của mình trong gia đình, biết bám rễ từ tinh thần đại đồng Kitô giáo để xây dựng hạnh phúc gia đình, biết đâu bạn và mẹ của bạn có thể thuyết phục được bố và chia sẻ được với bố về niềm tin của mình thì sao! Chân lý luôn có cách tự tỏ lộ mình. Sau khi bạn đã làm hết mọi sự tốt đẹp trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ lo.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)