2023
Lời nguyện tín hữu Tết Quý Mão 2023
Lời nguyện tín hữu Tết Quý Mão 2023
LỄ GIAO THỪA
DẪN VÀO THÁNH LỄ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Chỉ còn ít phút nữa, năm Nhâm Dần sẽ kép lại để chuyển trao sang một năm mới- năm Quý Mão. Trong thời khắc Giao Thừa, chúng ta cùng quây quần nơi đây để cảm tạ Chúa vì suốt một năm qua, Chúa đã gìn giữ chúng ta trước mọi nguy biến của cuộc đời và đã tặng ban muôn ngàn ơn phúc dư đầy.
Năm cũ rồi cũng sẽ khép lại, năm mới rồi sẽ thay thế năm cũ. Những gì trong quá khú rồi cũng sẽ qua đi, những gì trong tương lai rồi cũng sẽ đến. Ước mong cho mỗi chúng ta, khi tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới, biết quyết tâm đổi mới đời sống, luôn cảm nhận được có Chúa cùng hiệp hành để biết sống theo thánh ý Chúa và hợp nhất yêu thương nhau cho danh Chúa được cả sáng.
Với những tâm tình đó, giờ đây chúng ta cùng sốt sắng hiệp dâng thánh lễ.
DẪN BÀI ĐỌC:
Bài đọc 1: Ds 6, 22-27:
Đoạn sách Dân Số sau đây cho thấy: khi chúng ta kêu cầu Danh Chúa/ là chúng ta đặt cuộc sống của chúng ta dưới quyền bảo trợ của Chúa/ và Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta.
Bài đọc 2: 1Tx 5, 16-26.28 :
Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta hãy luôn vui mừng, cầu nguyện không ngừng và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, để nhờ đó chúng ta được Chúa yêu thương, gìn giữ và ban bình an.
LỜI NGUYỆN CHUNG 1
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Chúa tể của không gian và thời gian. Trong sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài, mọi sự luôn được đổi mới. Với tâm tình tạ ơn vì những hồng ân chúng ta được nhận lãnh/ và với tấm lòng yêu mến và tin tưởng, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin:
- Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng của mọi sự và mọi loài. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh trong năm mới này/ luôn biết hướng nhìn lên Chúa Kitô là cùng đích của cuộc đời mình và hiến dâng mọi sự cho Chúa trong niềm phó thác tin yêu.
- “Điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu thì lánh cho xa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người, đặc biệt là người dân Việt Nam/ biết sống theo tiếng lương tâm ngay chính/ xa tránh sự lôi cuốn của thế gian/ để chỉ biết sống cho Chúa và cho mọi người.
- “Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho ông bà, cha mẹ và hết mọi thân nhân, ân nhân của Hội dòng và của chị em/ luôn được đầy ân sủng và sống an vui, hạnh phúc trong sự quan phòng của Chúa Xuân.
- “Phúc thay ai xót thương người vì sẽ được xót thương”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta bước sang năm mới này càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thánh thiện và luôn biết xót thương người như chính mình đã được Thiên Chúa xót thương.
Chủ tế : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, Chúa đã yêu thương, gìn giữ chúng con trong suốt năm qua. Giờ đây, chúng con xin dâng năm mới này lên Chúa, xin Chúa cho chúng con biết sống theo thánh ý Chúa để chúng con được hưởng bình an, niềm vui và hạnh phúc trong Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
LỜI NGUYỆN CHUNG 2
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là chủ thời gian và không gian. Trong sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài, mọi sự luôn được đổi mới. Với tấm lòng yêu mến và tạ ơn, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
- “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bậc Chủ Chăn trong Hội Thánh luôn được Chúa gìn giữ để các ngài luôn thi hành sứ vụ Chúa trao trong tin yêu và phó thác.
- “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta luôn sống trong sự bình an của Chúa, để mọi người được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
- “Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho hết mọi thân nhân, ân nhân của Hội dòng và của chị em luôn sống trong sự quan phòng yêu thương của Chúa Xuân.
- “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi chị em trong cộng đoàn chúng ta luôn biết tạo bầu khí yêu thương hiệp nhất. Cách đặc biệt cho hai đất nước Ukraina và Nga sớm chấm dứt chiến tranh để mọi người sống trong bình an.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành, Chúa đã yêu thương, gìn giữ chúng con trong suốt năm qua. Xin Chúa tiếp tục thương thánh hoá, gìn giữ và nâng đỡ chúng con trong năm mới sắp tới, cho chúng con được hồn an xác mạnh và đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen
MỒNG MỘT TẾT
Cầu Bình An Cho Năm Mới
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Kính thưa cộng đoàn, trong bầu khí linh thiêng của Mồng Một Tết Quý Mão, chúng ta cùng hiện diện nơi đây trong niềm hân hoan để đón chào một năm mới trong bình an và hy vọng.
Con mèo tượng trưng cho sự dẻo dai, gần gũi, thân thiện. Ước chi trong Năm Quý Mão này, mọi dân, mọi nước biết xích lại gần nhau, sống thân thiện, hòa đồng với nhau, để nhà nhà, người người được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Dâng thánh lễ đầu tiên của năm mới này, chúng ta cùng hiệp lòng cầu xin cho đất nước thân yêu của chúng ta, cho toàn thể người dân Việt trong nước cũng như ở hải ngoại, luôn có được sự bình an giữa những khó khăn và thách đố/ để cuộc sống mỗi người luôn tiến lên trong bình an và ân sủng Chúa, nhờ thế Tin Mừng nước Thiên Chúa được lan tỏa khắp mọi miền.
Giờ đây, kính mời cộng đoàn cùng hiệp dâng thánh lễ.
DẪN BÀI ĐỌC
Bài đọc I: St 1, 14- 18
Bài đọc trong sách Sáng thế cho thấy, Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi loài thọ tạo. Từ khởi đầu, Ngài dựng nên mọi sự đều tốt đẹp để cho con người được hưởng dùng và sống hạnh phúc.
Bài Đọc II: Pl 4, 4-8
Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, Thánh Phaolo mời gọi chúng ta hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa/ và đừng lo lắng gì cả / nhưng trong mọi hoàn cảnh / hãy đến giãi bày với Thiên Chúa những điều chúng ta khẩn nguyện và sẽ được hưởng bình an.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Anh Chị em thân mến, Trong ngày đầu năm mới, chúng ta cùng nhau hiệp lòng nài xin Thiên Chúa/ ban muôn phúc lành và bình an xuống trên con dân Việt Nam/ để hết thảy mọi người được sống trong bình an và ân sủng Chúa trong suốt năm Nhâm Dần này. Trong niềm cậy trông và tin yêu vào Chúa quan phòng, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
- “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội, để các ngài luôn hân hoan trong khi thi hành sứ mạng Chúa trao phó/ giữa những thách đố của đời sống đức tin và trong việc phục vụ.
- “Bình an của Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết”.Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi sáng cho những nhà lãnh đạo đất nước, để họ biết làm theo tiếng gọi của lương tâm chân chính, kiến tạo hòa bình, văn minh cho dân tộc, và xây dựng một xã hội bình an đích thực.
- “Những gì là chân thật, chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến thì xin anh em hãy để ý.”Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu/ luôn biết lắng nghe và thi hành Lời Chúa dạy, để đời sống của mỗi người Kitô hữu trở nên hương thơm tình yêu của Chúa lan tỏa cho mọi người.
- “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta và những ai đang sống đời tận hiến , biết sống trọn vẹn 3 Lời khuyên Phúc âm, để trở nên chứng tá trong việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa là hạnh phúc đích thật.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân lành, cảm tạ Cha đã thương ban cho chúng con được hưởng thêm một mùa xuân mới. Xin Cha chúc lành cho chúng con trong năm mới này/ và giúp chúng con sống hiếu thuận với Cha và yêu thương anh chị em đồng loại/ để chúng con được hưởng bình an và niềm vui Cha đã thương ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
MỒNG HAI TẾT
Kính Nhớ Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Kính thưa cộng đoàn, chúng ta không tự mình mà có, cũng không tự nhiên xuất hiện trên cõi đời này. Chúng xuất hiện trên cõi đời này là bởi ý định yêu thương của Thiên Chúa và của các Đấng bậc sinh thành, của ông bà tổ tiên. Vì vậy, trong ngày đầu năm Mới, Mồng Hai Tết Nhâm Dần, Giáo Hội cho chúng ta dâng lễ để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Sau Thiên Chúa, thì các bậc sinh thành là những người chúng ta phải tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo. Với điều răn thứ tư trong 10 điều răn, Thiên Chúa dạy chúng ta phải biết thực thi lòng thảo kính đối với các bậc sinh thành, vì đó là cách chúng ta biểu hiện lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa vô hình.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta nguyện xin Chúa tặng ban phúc thiên đàng cho Các Bậc Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, thân nhân, ân nhân đã qua đời. Chúng ta cũng nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành cho Ông Bà, Cha Mẹ hiện đang còn sống để các ngài luôn được sống an vui/ và cũng xin cho chúng ta và những bậc làm con cháu biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và tất cả những ai đã giúp đỡ ta trên cuộc sống này.
Với những tâm tình đó chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ.
DẪN BÀI ĐỌC
Đọc I : Hc 44,1.10-15
Bài trích sách Huấn Ca mời gọi chúng ta ca ngợi cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Nhờ đức hạnh của các ngài mà chúng ta được giữ vững các điều giao ước. Nhờ sống đức hạnh mà dòng dõi các ngài tồn tại muôn đời.
Bài Đọc II : Ep 6,1-4.18-23
Đoạn thư gửi tín hữu Epheso cho thấy: Để được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này thì chúng ta hãy vâng lời và tôn kính cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Còn những bậc cha mẹ thì hãy thay mặt Chúa giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Chị em thân mến, chu toàn đạo hiếu với tổ tiên, ông bà là cách chúng ta bày tỏ lòng yêu mến Thên Chúa. Thảo kính đối với cha mẹ là điều răn quan trọng Chúa truyền dạy chúng ta. Với ước mong sống trọn vẹn lời Chúa dạy, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
- Sống tâm tình biết ơn và vâng lời là cách thể hiện tình yêu thương cụ thể nhất. Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn ban muôn ơn lành cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội/ để các ngài luôn tràn đầy sức khỏe thể xác cũng như tâm hồn, và cho mọi Kitô hữu biết vâng lời các ngài dạy bảo/ để Nước Chúa được lan rộng khắp mọi nơi.
- Cách thế để được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này chính là vâng lời và tôn kính cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bậc làm con/ biết thảo kính và vâng lời ông bà cha mẹ, cùng chăm sóc các ngài khi các ngài già cả và đau yếu.
- Các bậc cha mẹ thì hãy thay mặt Chúa giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy.Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai làm cha mẹ/ biết yêu thương và giáo dục con cái theo tinh thần của Chúa/ để nhờ truyền lại cho con cái đức hạnh của họ mà danh thơm của họ được muôn đời tồn tại.
- Người không có công sinh ta những có công dưỡng ta và giáo dục chúng ta nên người Kito hữu tốt. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn sống tâm tình biết ơn/ đối với những ai đi ngang qua đời ta và làm cho ta được lớn lên trong Chúa, bằng lối sống luôn hướng về lợi ích của tha nhân và làm cho tha nhân được lớn lên trong Chúa.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sinh ra và lớn lên trong cuộc sống này. Xin Chúa thương lắng nghe lời nguyện chúng con vừa dâng lên và rộng ban muôn phúc lành xuống trên chúng con/ để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa qua việc yêu thương mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
MỒNG BA TẾT
Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm
DẪN ĐẦU LỄ.
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay là Mồng Ba Tết Quý Mão, Giáo Hội mời gọi chúng ta dâng ngày này lên Chúa/ để Ngài thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này / hầu bất cứ công việc gì chúng ta làm đều là góp phần vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, vạn vật để phục vụ con người và trao cho con người quyền quản lý và hưởng dùng, cùng mời gọi con người làm cho vạn vật được cứu độ trong ân sủng Chúa. Tài nguyên là tài sản chung của mọi người và mọi người có quyền hưởng dùng. Vì thế, mọi công ăn việc làm là để tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa/ bằng việc bảo toàn các di sản thiên nhiên/ và làm cho nó sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất/ để nuôi sống bản thân và giúp đỡ tha nhân. Bởi đó, lao động là một quyền lợi và cũng là trách nhiệm của con người/ để xây dựng thế giới luôn được tốt đẹp như Thánh ý ban đầu của Thiên Chúa.
Nguyện xin Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này/ để dù làm bất cứ công việc gì, chúng ta đều ý thức là tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thánh hóa bản thân và tha nhân.
Với những tâm tình đó, giờ đây, kính mời cộng đoàn cùng chúng ta hiệp dâng thánh lễ.
DẪN BÀI ĐỌC
Bài Đọc I: St 2,4b-9.15
Bài đọc trong sách Sáng Thế cho thấy, sau khi đã tạo dựng trời đất, muôn loài muôn vật, Thiên Chuá đã trao cho con người quyền quản lý và sử dụng/ để con người cùng cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Bài Đọc II: Cv 20,32-35
Dù được dành riêng để rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolo vẫn làm việc để nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác/ vì ngài nhớ lại Lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ tế: Anh Chị em thân mến, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những nén bạc tùy vào khả năng của mỗi người mà làm lợi cho Nước Thiên Chúa. Với ước mong trở nên những người tôi tớ biết làm lợi những nén bạc Chúa trao, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:
- Con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn trong Giáo Hội luôn được sức mạnh hồn xác để các ngài luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao hầu cho muôn dân được hưởng ơn cứu độ.
- “Phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong Hội Thánh, biết quảng đại dấn thân và ra khỏi chính mình để làm lợi nén bạc Chúa trao trong niềm tin vào sự quan phòng của Chúa.
- Thời đại công nghệ số làm cho con người bị lệ thuộc vào máy móc, và khiến sự sáng tạo của con người dần dần bị mất đi.Chúng ta cùng cầu xin Chúa thức tỉnh ý thức con người/ để con người biết làm chủ bản thân, không ngừng lao động và sáng tạo/ để góp phần đưa văn minh nhân sinh tiến bộ cùng với văn minh công nghệ.
- “Tôi đã được giao cho năm yến, và tôi đã gây lời được năm yến khác”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta, biết quảng đại sống đáp trả, dùng hết khả năng Chúa cho để phục vụ Chúa và tha nhân trong ơn gọi Mến Thánh Giá.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành, cảm tạ Cha đã cho chúng con được vinh dự cộng tác với Cha/ để tiếp tục công trình sáng tạo của Cha là làm cho thế giới ngày càng phát triển và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Xin Cha thương nhậm lời khẩn nguyện chúng con vừa dâng để chúng con có thể chu toàn trọn vẹn sứ mạng Cha trao. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
2022
Vì sao Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 mà không phải vào một ngày khác?
Vì sao Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 mà không phải vào một ngày khác?
Có một giả thuyết phổ biến là Hội Thánh kế thừa ngày 25 tháng 12 từ ngày lễ ngoại giáo của người La Mã, như lễ hội Saturnalia cho thần nông hay lễ hội Sol Invictus cho thần mặt trời. Nhưng hoàn toàn không có một tài liệu nào từ những thế kỷ đầu cho thấy Hội Thánh tiếp nhận những lễ hội này.
Việc gán ghép những thực hành của Công giáo với các nghi lễ ngoại giáo chỉ mới phổ biến vào thế kỷ 18. Chẳng hạn giả thuyết người Công giáo tiếp thu lễ thần mặt trời là do một mục sư tên Paul Ernest Jablonski (mất 1757) đề xuất.
Các giả thuyết trên không phù hợp với lịch sử. Lễ hội Saturnalia là vào 17 tháng 12, và dần về sau thì kéo dài đến 23 tháng 12 – cho nên ngày 25 tháng 12 không liên quan gì cả.
Người ta cũng nói là hoàng đế Aurelian (214-275) thiết lập lễ “Ngày sinh của thần mặt trời” vào ngày 25 tháng 12, và Hội Thánh du nhập lễ này vào. Nhưng không có minh chứng rõ ràng cho việc hoàng đế Aurelian đích thân thiết lập lễ này. Tài liệu đầu tiên đề cập đến việc một vị thần được tôn vinh vào ngày 25 tháng 12 là một cuốn lịch năm 354 (Chronography of 354) do ký lục Filocalus soạn thảo.
Chưa kể tài liệu sớm nhất cho việc các Kitô hữu mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 còn xuất hiện trước khi hoàng đế Aurelian ra đời.
––––––––––
Hồng y Ratzinger trong cuốn Tinh thần Phụng vụ đã viết rằng: “Thật đáng ngạc nhiên là việc tính toán ngày Chúa Giáng Sinh bắt đầu từ ngày 25 tháng 3”. Tức là các Kitô hữu ngày xưa chọn ngày 25 tháng 3 làm điểm mốc để tính toán, chứ không ấn định thẳng ngày 25 tháng 12.
Ngày 25 tháng 3 có gì? Giáo phụ Tertullian viết vào năm 197, “Chúa tử nạn trên thập giá vào tháng 3 trong Lễ Vượt Qua, 8 ngày trước khi vào tháng 4”. Tức là theo truyền thống và cách tính từ ngày Lễ Vượt Qua, Tertullian cho rằng Chúa tử nạn vào ngày 25 tháng 3. Thánh Hippolytus cũng viết vào năm 204 rằng:
“Khi Chúa chúng ta đến trong xác thịt, Ngài sinh tại Bêlem vào thứ tư ngày 25 tháng 12, khi mà Augustus đang trị vì năm thứ 42, nhưng là 5500 năm kể từ thời Adam. Ngài chịu tử nạn năm 33 tuổi, vào thứ sáu ngày 25 tháng 3, khi mà Tiberius trị vì năm thứ 18.” (Commentary on Daniel)
Kitô hữu thời xưa tin rằng Đức Kitô được thụ thai và qua đời vào cùng một ngày, nên cộng thêm 9 tháng cưu mang thì sẽ được ngày 25 tháng 12. Thế nhưng tư tưởng này đến từ đâu? Nhiều học giả cho rằng đây bắt nguồn từ ý niệm của người Do Thái về các ngôn sứ, nhưng cũng có một cách lý giải thần học hơn. Chúng ta có dữ kiện từ thánh Augustinô:
“Vì Chúa Giêsu được xem là thụ thai vào ngày 25 tháng 3, và đây cũng là ngày Ngài chịu tử nạn. Vì nơi cung lòng Đức Trinh Nữ mà Ngài thụ thai – nơi mà trước đó không có người phàm nào được sinh ra, thì tương ứng với ngôi mộ Ngài được chôn cất, nơi mà chưa có ai được an táng từ trước tới nay. Theo truyền thống, Ngài được sinh vào ngày 25 tháng 12.” (On the Trinity)
Ở đây thánh Augustinô nhấn một điểm sáng vào chi tiết ngôi mộ Chúa mà chúng ta thường bỏ qua. Ba cuốn Tin Mừng chỉ ra rằng ngôi mộ Chúa là ngôi mộ mới:
Mátthêu viết, “Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông.” (Mt 27, 60)
Luca viết, “Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ.” (Lc 23, 53)
Đặc biệt hơn là tuy Tin Mừng Gioan vốn viết rất khác các cuốn Nhất Lãm, nhưng cũng đề cập, “Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.” (Ga 19, 41)
Tại sao các thánh sử lại chú ý đến chi tiết này? Bởi vì họ muốn cho thấy ngôi mộ này là “thánh” (hagios), được biệt riêng ra cho Chúa. Đây cũng là cách các Kitô hữu hiểu về Đức Mẹ: xác thịt và linh hồn Mẹ cũng được biệt riêng cho Chúa.
Như tiên tri Ezekiel đã viết, “Cổng này sẽ đóng; người ta sẽ không mở và không ai được vào, qua cổng này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, đã tiến vào qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng.” (Ed 44, 2). Các Kitô hữu thời đầu, chẳng hạn như chính thánh Augustinô, cũng cho rằng đây là lời tiên báo rõ ràng về sự đồng trinh của Mẹ.
Nếu chúng ta không đọc và “nhai” Sách Thánh như cách các tín hữu ngày xưa đã làm, thì chúng ta sẽ nghĩ rằng việc Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 là việc ngẫu hứng, hoặc có khi bị sa vào những giả thuyết không rõ ràng mới xuất hiện vào thời hiện đại.
––––––––––
Trang để đọc:
Joe Heschmeyer, “What’s So Important About December 25?”
Steven Hijmans, “Sol Invictus, the Winter Solstice, and the Origins of Christmas”
Joseph Ratzinger, Spirit of Liturgy
Khánh Nguyễn
2022
Giáng sinh này nếu bạn còn buồn hãy đọc 5 câu Kinh thánh đầy an ủi sau
Giáng sinh này nếu bạn còn buồn hãy đọc 5 câu Kinh thánh đầy an ủi sau
Vì khi Lễ Giáng sinh không còn là niềm hạnh phúc như bạn nghĩ
Khi chúng ta mừng kỷ niệm biến cố trọng đại việc Chúa Kitô đến trong thế gian, có rất nhiều người thấy khó khăn để cảm nhận được tinh thần của ngày lễ.
Một trong những niềm vui của Lễ Giáng sinh là được ở bên những người thân, và do đó, nỗi đau khi một ai đó không còn ở giữa chúng ta được nhân lên vào thời điểm này trong năm, điều này có thể dẫn đến thử thách bị cô đơn và sợ hãi về tương lai.
Nếu các bạn cần hy vọng và an ủi hoặc biết ai cần điều đó, dưới đây là những câu Kinh thánh được tuyển chọn có thể đem lại sự bình an cho linh hồn và giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút.
Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. (Ga 16, 20-22)
Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. (Rm 8, 18)
Dẫu cho hồn xác suy tàn,
thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con,
muôn đời là Chúa cao tôn. (Tv 73, 26)
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 23,4)
Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi,
theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây (Tv 119,76)
Hoàng Bình Vương
2022
Lời nguyện Giáng Sinh
Lời nguyện Giáng Sinh
Lạy Chúa Giêsu, vào dịp mừng sinh nhật Ngài, xin giúp chúng con biết sẵn sàng loan báo bình an, lòng thương xót, tin mừng ơn cứu độ của Ngài đến với mọi người chúng con gặp gỡ.
Xin giúp chúng con trung kiên với sứ mệnh Chúa đã giao phó cho chúng con, những môn đệ của Ngài: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20,21). Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng con, lạy Chúa? Chẳng phải Ngài đã được sai đến để ban cho nhân loại tình yêu của Thiên Chúa Cha theo cách mà mỗi người cần đến nhất sao? Xin giúp chúng con hiệp nhất với Ngài, như thế chúng con có thể nhìn thấy nhu cầu yêu thương nơi mỗi một người, và gửi đến họ tình yêu như chúng con đã được ban cho dư đầy.
***
Lạy Chúa Giêsu, nhờ gương của Ngài, chúng con biết được rằng mỗi khi chúng con yêu thương và mỗi khi chúng con cho đi, chính là chúng đang tôn vinh Ngài và tưởng nhớ Ngài là ai và Ngài đã đến thế gian vì điều gì. Xin giúp chúng con biết tận dụng cơ hội để bày tỏ sự tử tế, lòng kính trọng và lịch thiệp đối với tha nhân trong suốt dịp Giáng Sinh này. Chúng con cũng nguyện xin rằng qua những gì chúng con làm, mọi người nhìn thấy được tình yêu và Thần Khí của Ngài hiện diện nơi chúng con và tôn vinh Ngài.
***
Lạy Chúa, đối với một số người, Giáng Sinh chính là lúc đặc biệt cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Xin dẫn đưa chúng con đến với những ai chúng con có thể mang tình yêu thương và sự đón nhận đến cho họ. Chúng con biết rằng Thần Khí của Ngài hiện diện nơi chúng con có thể ủi an và mang hơi ấm đến với tâm hồn họ hơn bất cứ điều gì khác. Tình yêu của Ngài lấp đầy mọi khoảng trống, xin giúp chúng con mang Ngài đến với những ai cần Ngài.
***
Lạy Cha Trên Trời, chúng con biết rằng điều cốt lõi của Giáng Sinh chính là Tình Yêu – đó chính là điều làm thay đổi tâm hồn; đó là điều có thể cải thiện cuộc sống tinh thần và thể lý của mọi người. Xin giúp chúng con có được lòng tin và lòng can đảm để thể hiện tình yêu ấy qua việc chia sẻ Lời Ngài, qua việc động viên ai đó đang cần sự đồng viên, và qua việc giúp đỡ những ai cần giúp đỡ.
***
Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn ý nghĩa của Giáng Sinh được tiếp tục mãi mãi chứ không phải chỉ một ngày. Xin giúp chúng con đừng “đem cất đi” tình yêu thương, sự cho đi và chia sẻ của chúng con sau khi Mùa Giáng Sinh qua đi. Xin giúp chúng con giữ ý nghĩa của Giáng Sinh nơi tâm hồn và tâm trí của chúng con mỗi một ngày trong năm. Xin giúp cho tình yêu của Ngài, tình yêu đã đến với thế gian vào Giáng Sinh, thôi thúc chúng con biết cho đi, biết yêu thương và biết quan tâm đến những ai chúng con gặp gỡ trong suốt năm. Xin giúp chúng con biết noi gương Ngài trong lời nói, hành động và những quyết định của mình. Xin giúp chúng con biết lựa chọn yêu thương, lựa chọn sự tử tế, lựa chọn sự vô vị lợi và sẵn sàng cho đi.
***
Lạy Chúa Giêsu, con suy nghĩ về một trong những cách thức tốt nhất để sống tươi trẻ – và con nhất quyết muốn làm theo cách thức ấy – chính là kỷ niệm niềm vui Giáng Sinh suốt cả năm bằng cách làm chứng cho ý nghĩa của Giáng Sinh. Ý nghĩa ấy là gì? Đó chính là Ngài, Đấng Cứu Độ của chúng con, đã đến trong thế gian; là ơn cứu độ của Ngài dành cho tất cả nhân loại; là bình an và tình yêu vô điều kiện của Ngài đối với tất cả mọi người. Xin giúp chúng con giữ lại điều kỳ diệu và niềm vui Giáng Sinh, và san sẻ nó với những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.
***
Lạy Đấng Yêu Thương, Giáng Sinh này, xin hãy dẫn chúng con đến với những tình huống mà chúng con có thể tạo nên điều khác biệt. Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn mở rộng con tim của chúng con cho tha nhân. Xin giúp chúng con biết để Thần Khi của Ngài hướng dẫn trong cách cư xử của chúng con đối với những người chúng con gặp gỡ. Ngài đã dựng nên mỗi một người theo cách riêng với những nhu cầu riêng biệt; xin giúp chúng con là một phần câu trả lời cho những câu hỏi của họ, là một phần trong sự thoả mãn những nhu cầu của họ. Xin ban cho chúng con tình yêu, sự khôn ngoan và thông hiểu để có thể trở thành người đại diện cho Ngài trước mọi người chúng con gặp.
***
Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng một trong những món quà làm cho Ngài vui nhất chính là khi chúng con giúp ai đó cơ hội biết Ngài qua tình yêu thương và sự quan tâm mà chúng con dành cho họ. Ngài đã ban cho chúng con quá nhiều điều quý giá thuộc về tinh thần nơi chính Lời Ngài. Xin giúp chúng con biết chia sẻ những điều quý giá ấy với những ai đang khao khát về tinh thần vào dịp Giáng Sinh và suốt cả năm.
***
Lạy Chúa Giêsu, ở bất cứ nơi đâu, Giáng Sinh luôn là lúc niềm khao khát được thể hiện rõ ràng hơn nơi tâm hồn của nhân loại. Họ muốn được chữa lành sự cô đơn, nỗi buồn, vết thương lòng… Chính tình yêu thương, sự quan tâm, sự ân cần, thăm viếng, những cuộc trò chuyện của chúng con có thể giúp thay đổi tâm hồn của từng người một. Xin giúp chúng con biết quan tâm đến những người xung quanh và giúp họ nhận ra Ngài là nguồn vui, bình an và tình yêu đích thực. Xin giúp chúng con biết quảng đại chia sẻ niềm vui lớn lao khi được biết Ngài và duy trì mãi mối liên hệ thân tình với Ngài, Đấng cứu độ chúng con.
***
Lạy Chúa Giêsu, Giáng Sinh chính là dịp tuyệt vời để chúng con tôn vinh Ngài, qua việc sống những giá trị sống mà Ngài ban cho chúng con; qua việc thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, sự tử tế, sự cảm thông và lòng quảng đại; hay đơn giản chỉ là ở bên ai đó trong lúc họ đau khổ để động viên và nâng đỡ họ. Xin giúp chúng con biết chia sẻ tình yêu của Ngài với tha nhân; và biết tạ ơn vì được chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người trong Mùa Giáng Sinh này. Và xin hãy làm cho chúng con trở tình chiếc bình chứa đựng tình yêu của Ngài.
Nghi Ân dịch