2023
Ban Thánh nhạc: Bản ghi nhớ để thực hiện việc hát cộng đồng trong phụng vụ
Ủy ban Thánh nhạc: Bản ghi nhớ để thực hiện việc hát cộng đồng trong phụng vụ
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN THÁNH NHẠC
BẢN GHI NHỚ ĐỂ THỰC HIỆN
VIỆC HÁT CỘNG ĐỒNG TRONG PHỤNG VỤ
Hội thảo Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 50 với chủ đề Nhận định và góp ý về việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ đã diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25-4-2023. Với sự hiện diện và đồng hành của Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc và cha Phêrô Kim Long, nguyên Phó chủ tịch, các Ban Thánh nhạc thuộc các Giáo phận đã chia sẻ về việc hát cộng đồng trong phụng vụ.
Các hội thảo viên đã thảo luận về các bản tường trình của các Giáo phận (Bà Rịa, Bắc Ninh, Bùi Chu, Đà Lạt, Hà Nội, Huế, Hưng Hóa, Mỹ Tho, Phan Thiết, Phát Diệm, Phú Cường, Qui Nhơn, Sài Gòn, Xuân Lộc) và đúc kết như sau:
- Nhận định:
- Trong phụng vụ, toàn thể việc phụng tự công cộng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Đầu cùng các chi thể của Người. Bản chất của phụng vụ đòi hỏi mọi người tham dự vào các việc cử hành phụng vụ cách ý thức và tích cực – đây là quyền lợi và bổn phận của mọi Kitô hữu nhờ được lãnh nhận phép Rửa tội.Hát cộng đồng là phương thế hàng đầu để có được sự tham dự trọn vẹn này.
- Ca đoàn hỗ trợ chứ không thay thế cộng đoàn.
- Cộng đoàn phụng vụ Việt Nam có được những thuận lợi: tín hữu thích hát và có khả năng hát, có nhiều bài hát cộng đồng, có dồi dào các phương tiện công nghệ.
- Và cũng có những khó khăn: nhiều cộng đoàn thiếu người chọn bài hát đúng phụng vụ và tập hát; nhịp sống đời thường khiến dân chúng khó dành thời giờ cho việc tập hát; nhiều ca đoàn quá chú trọng đến việc hát bài mới nhưng thiếu tính cộng đồng; một số nơi chưa có được sự chăm sóc mục vụ thánh nhạc đúng mức.
- Giải pháp thực hiện:
- Quan tâm đến cả hai thành phần: cộng đoàn và ca đoàn – vừa cổ võ việc đồng thanh ca hát của cộng đoàn, vừa khích lệ ca đoàn trau chuốt những bài ca có nghệ thuật cao.
- Chọn cho cộng đoàn bài hát mới hay cũ có ca từ chính xác, dễ hiểu, với giai điệu dễ hát và dễ nhớ.
- Chọn lựa hài hòa các bài hát cho các đại lễ và các Thánh lễ có nghi thức riêng, vì đây là dịp thuận tiện nhất để cả cộng đoàn và ca đoàn đều có thời gian để ca hát.
- Tạo lập dần dần sự thống nhất từ cấp giáo xứ đến tầm mức toàn quốc ở các bài ca cho những phần thường lễ mà giáo dân được đồng thanh ca hát (những phần đối đáp, bộ lễ, lời tung hô sau truyền phép, vinh tụng ca Amen kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha) và các bài ca cho các phần riêng (thánh vịnh đáp ca, Alleluia).
- Soạn thảo danh sách đề nghị các bài ca phụng vụ cho từng Chúa nhật và Lễ trọng với tỉ lệ đáng kể dành cho việc hát cộng đồng.
- Ban hành những chỉ thị chi tiết và cụ thể về mục vụ thánh nhạc cho cộng đoàn và ca đoàn.
TP.HCM, ngày 25 tháng 4 năm 2023
Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc
(đã ấn ký)
† Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
Giám mục Giáo phận Kontum
Thư ký Ủy ban Thánh nhạc
(đã ký)
Lm. Rôcô Nguyễn Duy
2023
Hỏa Ngục Có Phải Là Một Nơi?
Hỏa Ngục Có Phải Là Một Nơi?
Hỏa ngục ở đâu? Nếu bạn đào sâu xuống dưới lòng đất, xuyên qua lớp vỏ bề mặt và lớp vỏ mắc ma (magna), bạn sẽ tới lõi sắt của trái đất, nhưng sẽ không tìm thấy Ma Quỷ và tay sai của hắn. Hỏa ngục không có vị trí trong không gian, không có kinh độ hoặc vĩ độ. Không GPS nào có thể tìm thấy và cũng không có mã ZIP, hoặc mã vùng hoặc URL.
Tuy nhiên, hỏa ngục là có thật. Bách khoa toàn thư Công giáo (The Catholic Encyclopedia) trích dẫn lời thánh Gioan Kim Khẩu [John Chrysostom (347–407 AD)] nói với chúng ta rằng “Chúng ta không nên hỏi hỏa ngục ở đâu, nhưng nên hỏi làm thế nào chúng ta thoát khỏi đó.” Chúa Giêsu cảnh báo về lửa hỏa ngục (tiếng Do Thái gọi là Gehenna) ít nhất mười lăm lần trong các sách Tin Mừng. Tiếng Hy Lạp sử dụng hai từ cho hỏa ngục là hádés và géenna. Cũng vậy, tiếng Do Thái sử dụng tương ứng với hai từ Sheol và Gehenna. Từ đầu tiên chỉ nơi cư ngụ tạm thời của người đã chết, và từ thứ hai là một nơi ở vĩnh viễn. Tuy nhiên, tiếng Anh sử dụng một từ để diễn tả cả hai: hỏa ngục. Cách duy nhất để chúng ta phân biệt là một từ để nói về “hỏa ngục của người chết” và từ còn lại để nói về “hỏa ngục của người bị kết án đời đời”.
Sau tội nguyên tổ, không một linh hồn nào có thể lên thiên đàng cho đến khi loài người được Đấng Cứu Thế, là đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Chỉ có kẻ dữ mới đáng bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, nhưng nếu họ không thể lên thiên đàng, mà lại không quá xấu để phải xuống hỏa ngục, thì họ đã đi về đâu? Điều gì đã xảy ra với A-Đam và E-và, Ab-ra-ham và Sa-ra, I-sa-ác, Gia-cóp, Giu-se, Ra-khen, Rút, Ét-te, Giút …? Các nhà thần học sử dụng thuật ngữ “hỏa ngục của người chết” để mô tả nơi các vị anh hùng tốt lành và đạo hạnh này của thời Cựu Ước đã đến và đợi hằng thế kỷ cho đến khi đấng Mê-si-a xuất hiện.
Tuy nhiên, kẻ dữ phải sa “hỏa ngục đời đời”. Đây là nơi ban đầu được tạo ra cho ma quỷ và và các sứ thần của nó. Thiên Chúa chỉ tạo ra những thiên thần tốt, nhưng một phần ba trong số họ đã ra hư hỏng vì ý chí tự do của mình. Lu-xi-phe là một trong những thiên thần thông minh nhất trong số đó. Mi-ca-e, Ga-ri-en, và Ra-pha-en (các tổng lãnh thiên thần) là một phần của hai phần ba các thiên thần đã chọn sự thiện. Những thiên thần xấu, Lucifer, Bê-en-dê-bun, As-mo-đê-us, và Lê-vi-a-than, trở thành những thiên thần “sa ngã”, và hỏa ngục được tạo ra cho chúng như là nơi ở vĩnh viễn; đó là một nơi rất khó chịu, đặc trưng bởi sự đau khổ triền miên, vì hoàn toàn vắng bóng tình yêu.
“Đau khổ của hỏa ngục” (poenae inferni) có hai loại. Đau khổ của mất mát (poena damni) là đau khổ vì vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Thiên Chúa là sự viên mãn những gì linh hồn con người khao khát và ước muốn – về căn bản, đó là chân lý và sự thiện – Hai điều này là đối tượng của của lý trí và ý chí. Lý trí tìm kiếm chân lý, và ý chí tìm kiếm điều thiện hảo; Cả lý trí và ý chí chỉ hoàn toàn thỏa mãn và trọn vẹn trong Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và Sự Toàn Thiện (summum bonum). Không bao giờ có được điều và chỉ điều duy nhất có thể khiến bạn hạnh phúc vĩnh cửu là đau khổ của mất mát. Đau đớn giác quan (poena sensus) là đau khổ thể chất đi kèm với đau khổ mất mát. Đó cũng chính là “lửa” và “khóc lóc nghiến răng”, là sự tra tấn và đau khổ phải chịu trong hỏa ngục – đặc biệt sau khi cơ thể được hợp nhất với linh hồn sau phục sinh.
Lửa là cách nói ẩn dụ, vì linh hồn phi vật chất nên không thể bị thiêu đốt, nhưng thân xác phục sinh có thể cảm nhận được đau đớn của sức nóng dữ dội và vĩnh viễn. Điều đó có nghĩa là những người trong hỏa ngục sẽ phải chịu khổ hình mãi mãi; sẽ không có dấu chấm hết cho sự trừng phạt. Hình phạt vĩnh viễn là một trong những lý do đáng để tránh sa hỏa ngục bằng mọi giá. Tuân thủ đèn đỏ và giới hạn tốc độ là một cách tốt để tránh tai nạn và tử vong, nhưng một động cơ khác là cảnh sát có thể lẩn trốn đâu đó và sẵn sàng phạt bạn chạy quá tốc độ. Cũng vậy, sợ hãi hỏa ngục có thể không phải là lý do tốt nhất để tránh phạm tội (do đó, nó được gọi là sám hối chưa trọn), nhưng cũng có thể là một lý do đủ. Lý do tốt nhất để tránh phạm tội hay để sám hối khi chúng ta phạm tội là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa (gọi là sám hối cách trọn).
Đàng khác, thiên đàng hoàn toàn ngược lại. Hỏa ngục cô đơn, không phải vì không có ai ở đó, nhưng là vì mọi người ở đó thù ghét lẫn nhau. Mọi người trong hỏa ngục muốn được ở một mình; mọi người trên thiên đàng hạnh phúc vì có những người khác ở đó. Về căn bản, các linh hồn trên thiên đàng được ơn “phúc kiến”. Giáo lý Công Giáo số 1028 định nghĩa: “Thiên Chúa siêu việt, nên ta chỉ thấy được Người khi chính Người mặc khải mầu nhiệm cho ta chiêm ngưỡng và khi Người ban cho ta khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vinh quang Thiên Quốc được Hội Thánh gọi là “phúc kiến”. Nói cách khác, phúc kiến là biết Thiên Chúa trực tiếp và ngay lập tức, nhìn thấy Người diện đối diện và ở trong sự hiện diện của Người mọi lúc. Hiệu năng của ơn phúc kiến này là hạnh phúc vĩnh cửu và niềm vui bất tận.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 71-73.
2023
Ai Được, Ai Không Được Lên Thiên Đàng?
Ai Được, Ai Không Được Lên Thiên Đàng?
Không ai sở hữu thiên đàng và cũng không ai tự mình lên thiên đàng. Thiên đàng là một quà tặng hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa yêu thương trao tặng cho con người. Chính cá nhân mỗi người, trong sự tự do và ý thức, có thể đón nhận hay từ khước món quà này. Trong khi không ai xứng đáng được lên thiên đàng, thì nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, mọi người đều có thể và có cơ hội lên thiên đàng.
Theo ngôn ngữ thần học, vì tội của Adam và Eva (tội nguyên tổ), bản tính con người đã bị tổn thương và sa ngã. Con người cần ân sủng Thiên Chúa thánh hoá. Ân sủng này là sự trợ giúp siêu nhiên thần linh, thánh hoá và cứu chuộc con người nhờ công nghiệp và hy tế thập giá nơi cái chết của Đức Ki-tô. Chỉ có bí tích Rửa Tội mới trao ban ân sủng đặc biệt này; không có ân sủng này, linh hồn không thể lên thiên đàng. Đức Giêsu chết cho hết thảy mọi người (thánh Augustine gọi túc sủng), nhưng ân sủng này chỉ phát sinh hiệu quả cho những ai tự do đón nhận và hợp tác (hiệu sủng). Đức Giê-su cứu chuộc bản tính con người bằng cách làm cho ơn cứu độ trở nên khả thi, nhưng ơn cứu độ chỉ diễn ra vào thời điểm khi một người được lên thiên đàng. Đó là lý do tại sao người Kitô hữu không gọi bất cứ ai còn sống nào là “được cứu độ”, vì chỉ các thánh ở trên thiên đàng mới thực sự được cứu độ (nghĩa là, họ được ở trên thiên đàng và sẽ ở đó mãi mãi). Các Kitô hữu nói họ được “cứu chuộc” vì tất cả mọi người đã được cứu chuộc nhờ hy tế thập giá của Đức Kitô.
Thử hình dung theo cách này. Ném sợi dây cứu hộ cho một người sắp chết đuối là cứu chuộc. Bây giờ anh ta có thể được cứu. Nếu không có sợi dây, anh ta sẽ chết chìm. Cứu độ là đưa anh ta ra khỏi mặt nước và đem lên trên thuyền. Chỉ những ai ở trên thiên đàng mới được cứu độ, còn chúng ta ở trên dương thế, dù đã được cứu chuộc, chúng ta vẫn phải chờ đợi ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô vào ngày chúng ta qua đời.
Nếu phép rửa là cần thiết và Đức Kitô là con đường duy nhất để đạt đến ơn cứu độ, thì phải chăng chỉ các Kitô hữu mới được lên Thiên đàng? Không. Bất cứ ai không vì lỗi của họ, không khước từ Đức Kitô và Giáo Hội của Người một cách ý thức và có chủ ý, thì không có lỗi, vì Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta vì những điều chúng ta không chịu trách nhiệm. Ngoài phép rửa bằng nước, còn có phép rửa bằng máu và bằng ước muốn. Nếu không vì lỗi của họ mà một người không nhận biết và tin vào Đức Kitô như là con đường cứu độ duy nhất, hay nhận biết và tin rằng Đức Giêsu đã thiết lập Giáo Hội để hoàn thành sứ mạng cứu độ các linh hồn, thì việc không nhận ra chân lý đó không tước đi phần thưởng thiên đàng của họ. Họ sẽ được phán xét dựa trên đời sống luân lý mà họ đã sống trong cuộc đời dương thế. Khi theo một niềm tin nào đó, họ sẽ bị phán xét theo điều họ đã làm hay đã không làm dựa trên niềm tin đó.
Giáo Hội Công Giáo kết án và tuyệt thông những ai nói rằng chỉ những thành viên chính thức của Giáo Hội (được rửa tội và ghi danh trong một giáo xứ) mới được ơn cứu độ. Cách hiểu đúng về châm ngôn extra ecclesia nulla salus (ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ) được giải thích ở câu hỏi 243. Vì Giáo Hội tin vào ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa – nghĩa là Thiên Chúa ban ơn cứu độ (túc sủng) cho tất cả mọi người mặc dầu ơn cứu độ chỉ trở nên hữu hiệu cho những ai đón nhận và hợp tác với ân sủng đó – Giáo Hội cũng dạy rằng nhiều người không Công Giáo hoặc không phải là Kitô giáo vẫn sẽ được cứu độ một cách mặc nhiên. Họ được coi là những Kitô hữu vô danh (“anonymous” Catholic Christians). Những người Do thái kính sợ Thiên Chúa, người Hồi giáo, Hindu, Lão giáo, Phật giáo và những người thuộc mọi tín ngưỡng không nhận biết rằng Đức Kitô và Giáo Hội của Người là cần thiết cho ơn cứu độ, và do đó, không cố ý từ chối Đức Kitô và Giáo Hội của Người, thì không bị phạt vì điều họ không biết. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không dạy rằng những người Tin Lành, Do Thái, Hồi Giáo và các tín hữu không Công Giáo khác phải sa hoả ngục đơn giản chỉ vì họ không phải là Công Giáo. Nguyên nhân khiến ai đó không phải là Công Giáo mới quan trọng. Hầu hết mọi người không phải là Công Giáo vì họ không được sinh ra trong Công Giáo hay bởi vì không ai dạy họ. Hầu hết những người chọn không theo đạo Công Giáo, quyết định của họ dựa trên điều họ nghĩ, phỏng đoán hay được nói cho biết điều đạo Công Giáo dạy và làm. Giáo lý và kỷ luật chân thật không được giải thích thỏa đáng cho họ. Một vài người quyết định dựa trên cảm xúc và kinh nghiệm. Vì thế, gương xấu của các tín hữu Công Giáo từ giáo sĩ đến giáo dân – hoặc là láng giềng, bà con, bạn học, hay đồng nghiệp, tất tả là những hình ảnh méo mó về Giáo Hội Công Giáo (như những kết án người Công Giáo thờ Đức Maria, hay mại thánh, mua các linh hồn ra khỏi luyện ngục) – tất cả tô vẽ cho nhận thức sai lầm này.
Điều người ta từ chối là điều họ hiểu, nhưng ơn cứu độ của chúng ta phụ thuộc niềm tin chân thực và đúng đắn. Nếu nhận thức của chúng ta không rõ ràng, hoặc sai lệch, méo mó hay thậm chí mù quáng, thì đó không phải là lỗi của chúng ta. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho điều nằm ngoài tầm kiềm soát của mình. Thế nên, ai cũng có khả năng và tiềm năng lên thiêng đàng, miễn là họ chân thành tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa; và rõ ràng là, một phần trong ý muốn của Thiên Chúa là sai Con của Người, Đức Giêsu Kitô, và ý muốn của Đức Giêsu Kitô là thiết lập Giáo Hội và bảy bí tích do Giáo Hội cử hành.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 73-75.
2023
Kinh thánh nói gì về âm nhạc?
Kinh thánh nói gì về âm nhạc?
Ghi nhận đầu tiên trong Kinh Thánh liên quan đến một nhạc sĩ là ở sách Sáng thế ký khi gọi ông Giu-ban là “tổ phụ của những người chơi đàn (đàn lyre) và thổi sáo”. Kể từ đó, các tiên tri Do Thái đều là những nhạc sĩ.
Âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trải nghiệm của con người về thiên nhiên, tâm linh và cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng ở các cộng đồng dân Chúa. Đó như là một cách để đến gần Thiên Chúa và diễn tả niềm vui vì sự hiện diện của Người.
Nhận thức của Giáo hội về vai trò của thánh nhạc đã tiến những bước khá xa. Đức Giáo hoàng Pi-ô X từng gọi thánh nhạc là “nữ tỳ”. Đến Công đồng Vaticano II thì gọi thánh nhạc là “thành phần không thể thiếu” của phụng vụ.
Trong Cựu ước
KHI LÊN NGÔI, VUA ĐA-VÍT VẪN THAM GIA, THẬM CHÍ TỔ CHỨC, HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CHO NHÓM CÁC THẦY LÊ-VI CÁCH DÙNG ÂM NHẠC ĐỂ NGỢI CA THIÊN CHÚA.
Trong thời kỳ dân Do Thái rời khỏi đất Ai Cập, nữ tiên tri Mi-ri-am, chị của ông Mô-sê, đã cầm trống con dẫn đầu đoàn phụ nữ vừa múa vừa hát. Họ xướng lên bài hát Xuất hành nổi tiếng do ông Mô-sê sáng tác để ca tụng chiến công của Thiên Chúa trước dân Ai Cập.
Sách tiên tri Gio-suê, đoạn 6, từ câu 1 đến 21, ghi lại trận chiến phá hủy thành Giê-ri-cô với đầy dấu ấn của thanh nhạc lẫn khí nhạc: Tường thành sụp đổ trong tiếng reo hò của quân dân Do Thái sau bảy ngày rước Hòm Bia Giao Ước đi vòng quanh thành, vừa đi vừa thổi kèn và hát.
Khi thay mặt Thiên Chúa tấn phong cho ông Sa-un, tiên tri Sa-mu-en báo trước ông sẽ gặp một đoàn ngôn sứ đang nói tiên tri với phần đệm của đàn, sáo và trống. Tiên tri I-sai-a đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi Thiên Chúa, trong đó có bài thánh thi tạ ơn nổi tiếng (Is. 26, 1–6). Lời giảng của tiên tri Ê-zê-ki-en được xem là rất có hiệu quả bởi ông có một “giọng hát đẹp với phần tự đệm nhạc hay”.
Nổi tiếng nhất trong các “tiên tri nhạc sĩ” có lẽ là vua Đa-vít. Ông không chỉ là một chiến binh giỏi mà còn là một nhạc sĩ có tài. Người đã dành cho âm nhạc một chỗ đặc biệt trong việc phụng thờ Thiên Chúa.
Khi lên ngôi, vua Đa-vít vẫn tham gia, thậm chí tổ chức, hướng dẫn chi tiết cho nhóm các thầy Lê-vi cách dùng âm nhạc để ngợi ca Thiên Chúa. Vua còn chỉ định ông A-xáp chịu trách nhiệm chính về thánh nhạc phụng vụ và phân công cho các thành viên khác. Ông còn được coi là tác giả của bộ Thánh vịnh gồm 150 bài.
Trong Tân ước
Trong giai đoạn đầu của Tân ước, phụng vụ Ki-tô giáo dùng lại những hình thức, đặc điểm âm nhạc đã có từ nhiều đời trước trong phụng vụ Do Thái giáo.
Câu chuyện Kinh thánh bắt đầu với một bài tụng ca (hymn) của các thần sứ trong ngày Đức Ki-tô giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao”. Sau đó là các bài thánh ca có hình thức gần giống Thánh vịnh, gồm: bài ca vịnh Ngợi khen (Magni cat) của Đức Mẹ, bài ca Chúc phúc (Benedictus) của ông Zacaria, bài ca An bình ra đi (Nunc dimittis) của ông già Si-mê-ôn.
Tin mừng Mát-thêu ghi lại việc Chúa Giê-su cùng các môn đệ hát thánh vịnh sau bữa tiệc ly, trước khi lên núi Cây Dầu. Có lẽ đó là bài ca Tạ ơn (Thánh vịnh 113 – 118) mà theo truyền thống, người Do Thái hay hát vào cuối bữa ăn trong lễ Vượt qua.
TRONG THỜI KỲ DÂN DO THÁI RỜI KHỎI ĐẤT AI CẬP, NỮ TIÊN TRI MI- RI-AM, CHỊ CỦA ÔNG MÔ-SÊ, ĐÃ CẦM TRỐNG CON DẪN ĐẦU ĐOÀN PHỤ NỮ VỪA MÚA VỪA HÁT.
Bài vinh tụng ca (hymn) Hosanna mà đám đông hò reo đón mừng Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem đã trở thành một phần của cử hành phụng vụ Thánh thể trong lịch sử Ki-tô giáo.
Sách Công vụ Tông đồ kể lại việc hai ông Phao-lô và Xi-la hát thánh vịnh trong tù ở Phi-lip-pi. Ngay lúc đó một trận động đất diễn ra là bứt tung xiềng xích. Trong lúc rao giảng, Thánh Phao-lô khuyến khích giáo dân thành Ê-phê-xô và Cô-lô-xê hãy dùng thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần khí linh ứng để ca ngợi Thiên Chúa.
Nhiều đoạn trong các thư của Thánh Phao-lô được trích từ các bài vinh tụng ca của các Ki-tô hữu thời kỳ sơ khai dùng để ca tụng Đức Ki-tô, như các đoạn: Thư gửi các tín hữu Phi-líp- phê đoạn 2, câu 6–11; Thư gửi các tín hữu Cô-lô-xê đoạn 1, câu 15-20 và Thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê đoạn 3, câu 16.
Diễn cảm âm nhạc của việc thờ phượng Ki-tô giáo đạt đến đỉnh cao ở Tân ước với các bài hymn trong sách Khải huyền của thánh Gio-an. Các bài vinh tụng ca này ca ngợi Đấng Tạo hóa nêu cao giá trị của Con Chiên, tán dương Cha và Con, ca tụng chiến thắng của Thiên Chúa trước kẻ thù của dân Người và công bố công lý của Người.
Tuy Tân ước không cung cấp đủ chi tiết để tái tạo chính xác các nội dung âm nhạc đã được sử dụng trong việc thờ phượng tại các cộng đoàn Ki-tô hữu ở những ngày đầu, thế nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy âm nhạc đóng vai trò trọng yếu trong phụng vụ của cộng đoàn Ki- tô hữu đang dần phát triển.
Vì âm nhạc là một phần quan trọng cho cuộc sống, nên không có gì ngạc nhiên khi Kinh thánh đã nói nhiều về âm nhạc. Chính cuốn sách dài nhất trong Kinh thánh là một tuyển tập các bài ca:Thánhvịnh.