2023
THIÊN ĐÀNG HỎA NGỤC HAI BÊN
THIÊN ĐÀNG HỎA NGỤC HAI BÊN
Hỏi: Con nghe người ta nói là năm 1999 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng tuyên bố: Thiên đàng không ở trên chín tầng mây, hỏa ngục cũng không ở trong lòng đất. Nếu thế, không lẽ Đức Cố Giáo Hoàng đi ngược lại với Giáo lý Công giáo? Hơn nữa, còn mâu thuẫn với bí mật thứ nhất Fatima khi ba trẻ được Đức Mẹ cho thấy hỏa ngục dưới lòng đất?
Trả lời:
Câu hỏi này sẽ được trả lời theo hai bước. Thứ nhất, thay vì nghe “người ta nói”, chúng ta thử lục lại xem thật sự Đức Cố Giáo Hoàng đã nói gì. Tiếp đó, chúng ta sẽ cùng phân tích chính những điều Đức Cố Giáo Hoàng đã nói, để xem liệu có thật những điều Ngài nói đi ngược với Giáo lý Công giáo (GLCG) hay ngược với bí mật thứ nhất của Fatima không nhé!
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói gì?
Điều mà bạn “nghe người ta nói” có vẻ như có liên hệ đến hai bài nói chuyện của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong buổi tiếp kiến khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào hai ngày thứ Tư cuối tháng 7 năm 1999. Đức Cố Giáo Hoàng đã dựa trên nền tảng Kinh Thánh và các suy tư thần học để quảng diễn về ý nghĩa của thiên đàng và hoả ngục. Có thể tìm đọc hai bài này ở trang web chính thức của Vatican.
Đây là tựa đề của bài nói chuyện ngày 21 tháng 7: John Paul II, General Audience, link[1]. Có thể tạm tóm lược điều ngài nói như sau:
Được làm người, con người nào cũng có một cùng đích tối hậu là được thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự thông hiệp trọn vẹn này được gọi là “thiên đàng”. Tư tưởng này được Đức Cố Giáo Hoàng trích từ sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là thành toàn của khát vọng sâu thẳm nhất trong mọi trái tim con người, là tình trạng hạnh phúc tối cao và viên mãn” (GLCG, số 1024).
Đức Giáo Hoàng còn quãng diễn rằng: Theo dòng văn chương Kinh thánh, thiên đàng là một lối nói ẩn dụ để chỉ về “nơi” Thiên Chúa ngự. Nhưng nơi ấy không được hiểu theo nghĩa không gian địa lý. Ngài lại trích dẫn Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “Thiên đàng là cộng đoàn của tất cả những ai hoàn toàn được tháp nhập trong Đức Kitô, được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô” (GLCG, số 1026).
Như thế, thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng nay một nơi chốn địa lý nào đó trên chín tầng mây, nhưng là một mối tương quan sống động và cá vị với chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Còn đây là bài nói chuyện ngày 28 tháng 7: John Paul II, General Audience, link[2]. Có thể tạm tóm lược điều ngài nói như sau:
Hỏa ngục là nơi dành cho những người chủ ý từ khước tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, tự tách mình ra khỏi sự kết hiệp hạnh phúc với Ngài. Đây là điều mà Giáo hội gọi là “sự kết án đời đời”, là Hoả Ngục. Đức Cố Giáo Hoàng lại trích dẫn Giáo Lý của Giáo hội Công giáo: “Chết trong tình trạng còn mang tội trọng, lại từ chối hoán cải và từ chối chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc tự do chọn xa cách Thiên Chúa mãi mãi. Tình trạng tự mình loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa như thế được gọi là hỏa ngục” (CLCG, số 1033). Như thế, hỏa ngục không phải là một hình phạt do Thiên Chúa áp đặt trên con người, nhưng là hậu quả tất yếu của lựa chọn tự do của con người khi phạm tội và tự cách ly mình khỏi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi niềm vui và hạnh phúc.
Như vậy, hỏa ngục không phải là một nơi nào đó dưới lòng đất, nhưng là tình trạng của những người chọn lựa từ chối tình yêu và lòng thương xót của Chúa, thậm chí trong chính giây phút cuối cùng của đời mình.
Điều Đức Cố Giáo Hoàng nói có đi ngược với GLCG?
Bạn thấy đấy, trong cải hai bài nói chuyện, để quãng diễn về hình ảnh thiên đàng và Hoả Ngục, Đức Cố Giáo Hoàng đều dựa trên nền tảng Kinh thánh và những suy tư thần học. Đặc biệt, ngài minh nhiên trích dẫn GLCG. Vậy, nếu dựa vào chính điều Đức Cố Giáo Hoàng đã nói, liệu bạn có thể kết luận rằng ngài đi ngược với GLCG không?
Thiên đàng không ở trên chín tầng mây, theo nghĩa như là một nơi chốn địa lý cụ thể nào đó cách xa khỏi trần gian này. Ấy là một tuyên bố đúng đắn. Não trạng bình dân hay nghĩ về thiên đàng như một nơi chốn trên trời cao. Nhưng đó là lối nói ẩn dụ, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen được. Có bao giờ bạn nghe nói về những thiên đàng tại thế không? Ấy là những thời khắc mà người ta được sống trong tâm trạng bình an, hoan lạc, hạnh phúc, chẳng hạn như khi người ta cảm nghiệm được sự kết hợp ngọt ngào với Thiên Chúa trong cử hành Thánh Lễ, được kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cảm nghiệm được sự an ủi thiêng liêng của Ngài, cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi và thân mật của Ngài. Đó có thể chỉ là những giây phút ngắn ngủi. Nhưng trong những giây phút ấy, có thể nói rằng con người được cảm nếm thiên đàng tại thế rồi.
Cũng vậy, hỏa ngục dưới lòng đất cũng chỉ là một lối nói ẩn dụ dân gian. Sự phát triển của khoa học ngày nay cho thấy trong lòng đất làm gì có một nơi chốn gọi là Hoả Ngục. Thật ra, đâu cần phải xuống tận sâu lòng đất với những lò lửa cháy hừng hực thì mới gọi là hoả ngục. Trong cuộc sống thường ngày, đâu hiếm những trường hợp cuộc sống của người ta trở thành Hoả Ngục. Chẳng phải bạn vẫn từng nghe “cuộc sống như địa ngục” đấy sao? Đó không phải là một nơi chốn cụ thể, nhưng là một tình trạng, một cảnh huống bi thảm và đau khổ.
Cuối cùng, cần thấy rằng điều Đức Cố Giáo Hoàng nói hoàn toàn không có gì trái ngược với điều được gọi là “bí mật thứ nhất của Fatima”, như được kể lại trong nhật ký của nữ tu Lucia dos Santos. Để hiểu thấu đáo hơn về bí mật Fatima, có lẽ bạn nên đọc lại văn kiện chính thức của Giáo hội, với sự trích dẫn nguyên văn và bút tích của sơ Lucia dos Santos. Bạn có thể tìm đọc ở đây: The Message Of Fatima[3].
Theo đó, điều được gọi là “bí mật” thật ra là một thị kiến về Hoả Ngục. Sơ Lucia dos Santos đã viết lại trong nhật ký của mình kinh nghiệm về hỏa ngục bằng ngôn ngữ của thị kiến. Chúng ta biết rằng, những người có thị kiến là những người được cho thấy về những điều vốn vượt quá sức hiểu biết và khả năng diễn đạt của con người. Bởi thế, để diễn tả về thị kiến, những hình ảnh ẩn dụ dân gian thường được sử dụng. Sơ Lucia đã mô tả hình ảnh kinh sợ của hỏa ngục như là một biển lửa có vẻ như ở dưới lòng đất. Đây hoàn toàn không phải là một Mạc Khải về đức tin nhằm khẳng định rằng hỏa ngục là một nơi ở dưới lòng đất. Hình ảnh “biển lửa”, “có vẻ như ở dưới lòng đất”, “tiếng than khóc rên la”… là những hình ảnh ẩn dụ mà con người có thể hiểu được, để nói về những đau khổ khốn cùng không cách nào diễn đạt trọn vẹn của Hoả Ngục, tình trạng của những người tội nhân bị vĩnh viễn kết án xa rời Thiên Chúa. Hơn nữa, sứ điệp chính của thị kiến này cũng không chỉ dừng lại ở việc mô tả hỏa ngục mà là lời kêu gọi việc sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, như là một sứ mạng cầu nguyện được gởi đến cho mọi người, nhằm xin ơn cứu rỗi cho những linh hồn đang khổ đau vì tình trạng bị lìa xa Thiên Chúa.
Thay lời kết
Trước khi kết thúc, chúng ta thử phân tích thêm một chút về cách đặt câu hỏi của bạn nhé.
Bạn khởi đầu câu hỏi của mình bằng cụm từ “con nghe người ta nói”. Đây là cách đặt câu hỏi thường thấy trong giới trẻ ngày nay. Chúng ta thường bắt đầu câu hỏi của mình bằng những thông tin “nghe người ta nói”. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông mở ra cho chúng ta một thế giới bao la. Thật tốt khi chúng ta chịu khó đọc, chịu khó lượm lặt thông tin về Giáo hội và về đức tin, chịu khó “nghe người ta nói”…
Nhưng bạn biết không, cái biết từ việc nghe người ta nói là một cái biết rất đại khái. Trong cuộc sống thường ngày, có nhiều điều chúng ta “nghe người ta nói”, nhưng đâu phải điều gì người ta nói cũng đều đúng, phải không? Một người cẩn trọng là người phải tìm cách kiểm chứng rõ ràng điều mình “nghe người ta nói”, trước khi đặt niềm tin vào đó và dựa vào đó để suy diễn thêm. Trong câu hỏi của mình, bạn đã không thật sự dựa vào điều Đức Giáo Hoàng nói, chỉ dựa vào điều “người ta nói” rằng Đức Cố Giáo Hoàng đã nói. Giả như “người ta” ở đây là những người có ác ý, muốn công kích Đức Cố Giáo Hoàng, thì sao nhỉ? Nếu người ta nói theo hướng cắt xén và lèo lái lời của ngài để tấn công ngài, thì sao nhỉ? Liệu có phải cái phản ứng của bạn cũng đang bị người ta lèo lái và định hướng không?
Như thế, cái lạ của bạn nằm ở chỗ này: khởi đi từ một điều “nghe người ta nói” chưa được kiểm chứng rõ ràng, bạn lại có xu hướng đi đến một kết luận đầy tính nghi nan: liệu Đức Cố Giáo Hoàng có đi ngược lại với Giáo lý Công giáo không? Nếu là một người được sinh ra trong lòng Giáo hội Công giáo, tại sao bạn lại chọn nghe và tin điều “người ta” xa lạ nào đó nói về điều Đức Giáo Hoàng đã nói, và phản ứng theo hướng đặt nghi nan về phía Đức Giáo Hoàng, là “người nhà” của mình? Đây là một điều dở, phải không? Nếu thật sự là một người tín hữu, mang trái tim của một người con trong Giáo hội, bạn vẫn có thể chọn đứng về phía Đức Giáo Hoàng để chất vấn ngược lại điều “người ta nói” mà, đúng không?
Chúc bạn tiếp tục phát huy nét đẹp của việc thích tìm tòi và học hỏi, nhằm đào sâu hiểu biết về Giáo hội và đức tin của mình. Đồng thời, chúc bạn luôn mang một trái tim tin tưởng và bình an của một người con trong Giáo hội.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Lm. Giuse Cao Gia An, S.J.
[1] http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/audiences/1999/documents/hf_jp-ii_aud_21071999.html.
[2] http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/audiences/1999/documents/hf_jp-ii_aud_28071999.html.
[3] Tiếng Việt: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nguyen-van-bi-mat-fatima-phan-iii-va-loi-giai-thich-cua-giao-hoi-39579
Tiếng Anh: https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html
2023
TRUYỀN CHỨC, PHONG CHỨC LINH MỤC, TẤN PHONG GIÁM MỤC?
TRUYỀN CHỨC, PHONG CHỨC LINH MỤC, TẤN PHONG GIÁM MỤC?
Gần đây, xuất hiện vài bài viết, đặt vấn đề dùng từ: “truyền chức” hay “phong chức” linh mục; “truyền chức” hay “tấn phong” Giám mục?
Có bài cho rằng “Truyền chức linh mục mới là thuật từ đúng”, vì lý do:
“Truyền” là “cho kế thừa”, là “chuyển thông” cái bên trong của người này sang người khác.
“Truyền chức”: Chúa Giêsu là linh mục đời đời. Ngài thông truyền chức linh mục cho các tông đồ. Các tông đồ lại thông truyền cho các thế hệ kế thừa. Vì thế, khi Giám mục thông truyền chức linh mục cho các ứng viên thì gọi là “truyền chức linh mục”.[1]
Những bài viết này gây ảnh hưởng không ít, khiến cho từ ngữ “truyền chức” được sử dụng nhiều hơn, giảm đi việc sử dụng từ “phong chức” và “tấn phong”. Cụ thể, trong những lần tấn phong các Giám mục gần đây, chữ “tấn phong” đã bị tránh, thay bằng chữ “truyền chức”:
– “TGP Sài Gòn: Thánh lễ truyền chức Giám mục Giuse Bùi Công Trác ngày 3-1-2023”.[2]
– “Thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Kiều Công Tùng”.[3]
– Thánh Lễ truyền chức giám mục cho Đức cha tân cử Phêrô Lê Tấn Lợi – Giám mục phó Giáo phận Cần Thơ”.[4]
Sacramentum ordinis: Bí tích phong chứcThật ra, những từ ngữ “truyền chức”, “phong chức”, “tấn phong” đã được sử dụng trong Giáo hội Việt nam và đã được dùng trong bản dịch Bộ Giáo luật 1983 của HĐGMVN, xin được luận bàn ở đây.
Sacramentum ordinis: Bí tích truyền chức thánh
Nếu dịch đúng đắn hơn, nên dịch là : Bí tích Phong chức thánh; Bí tích Ban chức thánh.
Vì sao vậy?
Sách GLHTCG, ngay phần dẫn nhập vào bí tích này, đã đặt vấn đề: “Tại sao gọi là Sacramentum ordinis?Sách này đã giải thích:
“ Vào thời cổ Roma, người ta dùng từ “Ordo” để chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể lãnh đạo. “Ordinatio” chỉ việc được nhận vào tập thể đó. Trong Hội Thánh có những tập thể như vậy mà truyền thống phần nào dựa trên cơ sở kinh Thánh, ngay từ xưa gọi là Taxeis (Tiếng Hy lạp) hay “Ordines” (tiếng Latin). Chẳng hạn, Phụng vụ nói đến hàng Giám mục, hàng linh mục, hàng phó tế. Nhiều nhóm khác cũng được gọi là “Ordo”: Giới dự tòng, giới vợ chồng, giới góa bụa…” (GLHTCG, 1537).
[…] Ngày nay từ Ordinatio dành riêng cho việc cử hành dành riêng cho việc cử hành bí tích gia nhập hàng Giám mục, linh mục, phó tế”. Việc này có giá trị hơn việc cộng đoàn bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay cắt cử, vì ban hồng ân Thánh Thần cho phép thi hành một “quyền thánh chức” (SGLCG 1538).[5]
Xét về mặt từ ngữ, Sacramentum ordinis có chữ Ordinis là genitive của danh từ ordo. Chữ ordo được tự điển Wordsense cho ý nghĩa (https://www.wordsense.eu/ordinis/):
- a methodical series, arrangement, or order; regular line, row, or series
- a class, station, condition, rank
- a group (of people) of the same class, caste, station, or rank (“senatorii ordinis”)
- (military) A rank or line of soldiers; band, troop, company
- (military) command, captaincy, generalship
Có thể giải thích:
Ordo, trước tiên, nói chung, có nghĩa là một hàng, một dãy, một thứ tự, thứ hạng, trật tự. Sau đó, về người, Ordo, chỉ một tầng lớp, đẳng cấp, địa vị, cấp bậc, tình trạng của người, của cá nhân hay nhóm người. Chẳng hạn, chũng ta vẫn thấy các tu sĩ, thuộc về một “dòng”, thuộc về một “ordo”: Ordo Sancti Benedicti (Benedictines), Ordo Servorum Mariae (Servites)… Sau cùng, Ordo cũng được dùng để chỉ cấp chỉ huy, lãnh đạo.
Rõ ràng là sách GLHTCG và cách hiểu của Tây phương (Tự điển) không hề nói đến ý niệm “truyền” hay “chuyển thông” chức vụ linh mục hay tư tế từ Đức Giêsu Kitô.
Do đó, Sacramentum ordinis, liên quan đến chức thánh, dịch cho đúng nghĩa: “Bí tích cho gia nhập vào hàng chức thánh”. Vì chức thánh cao trọng và có thể thi hành quyền lãnh đạo, nên dịch: “Bí tích Phong chức Thánh”, “Bí tích ban chức thánh”.
2. Sacramentum ordinis: “Bí tích Truyền chức thánh”, một phỏng dịch
Có lẽ để thuận tai, các bậc tiền bối Việt Nam đã chuyển dịch thành “Bí tích truyền chức thánh” và đã trở thành quen thuộc, được chấp nhận cách chính thức trong bản dịch Giáo luật Việt ngữ.
Tuy nhiên, vì Sacramentum ordinis gồm các chức: Giám mục, linh mục và phó tế (Can. 1009 – § 1. Ordines sunt episcopatus, presbyteratus et diaconatus), khi dịch: “Bí tích Truyền chức thánh”, thì bao hàm chức phó tế (diaconus) cũng được Chúa Kitô truyền lại. Nhưng trong thực tế Giáo hội ban đầu, các diaconus chỉ phục vụ giúp các Tông đồ, không được kể là phụ tế.
Vì vậy, nếu dịch “Bí tích Truyền chức thánh” và cho rằng Chúa Giêsu “truyền” hay “thông truyền” chức vụ “linh mục” hay “tư tế” của mình cho các Tông đồ thì ta phải loại trừ chức “phó tế” (diaconus) ra khỏi bí tích này.
1.4. Sacramentum ordinis: Bí tích ban/phong chức thánh
Như trên đã phân tích, Sacramentum ordinis có nghĩa là Bí tích cho gia nhập hàng chức thánh hoặc bí tích ban/phong chức thánh.
Nhìn vào xã hội, người ta “phong” ban chức tước, quan quyền, khiến có cái nhìn bài bác việc “phong” chức thánh. Thực ra, Chúa Giêsu đã đặt Thánh Phêrô làm đầu Hội Thánh, đặt làm chủ chăn cho Giáo hội toàn cầu (x. Ga 21,15-19), ban cho Thánh Phêrô quyền chìa khóa cửa Nước Trời. Điều này cũng có nghĩa là Ngài đã “phong” ban cho Thánh Phêrô một chức vụ.
Một cách tương tự Ngài ban cho các Thánh Tông đồ và những người kế vị. Các chức thánh Giám mục, linh mục, phó tế là những chức vị được Thiên Chúa “ban” cho hay “phong” cho nhờ qua thẩm quyền Giáo hội.
Điều 1008 – Do Sacramento ordinis đã được Thiên Chúa thiết lập, một số Kitô hữu được đặt làm thừa tác viên có chức thánh, nhờ được ghi ấn tích không thể xoá nhoà, như thế họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tuỳ theo cấp bậc của mình, để chăn dắt đoàn dân Chúa, bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hoá và lãnh đạo nhân danh Đức Kitô là đầu (LG 10 ; LG 11 ; LG 20 ; LG 27 ; PO 2 ; PO 5 ; PO 7 ; PO 12 ; PO 18 ; CIS 948 ; CIO 743).
2. Phong chức hay tấn phong Giám mục?
Điều 1009 cho thấy các chức thánh được phong ban, trao ban (conferuntur)
Điều 1009 – §1. Các chức thánh là chức Giám Mục, chức Linh Mục và chức phó tế (LG 28,29 ; PO 1).
- 2. Những chức ấy được trao ban bằng việc đặt tay và bằng việc đọc lời nguyện thánh hiến đã được các sách phụng vụ quy định cho mỗi cấp bậc
Can. 1009 – § 1. Ordines sunt episcopatus, presbyteratus et diaconatus.
- 2. Conferuntur manuum impositione et precatione consecratoria, quam pro singulis gradibus libri liturgici praescribunt.
2.1. Ordinare chức phó tế, linh mục
Trong việc phong ban các chức này, đối với chức phó tế, linh mục, Giáo luật dùng động từ Ordinare.
Động từ ordino được tự điển Wordsense (https://www.wordsense.eu/ordino/#Latin) cho nghĩa:
I arrange, put in order.
I rule, govern.
I ordain, appoint to office.
Ordinare, trong bộ Giáo luật Việt ngữ của HĐGMVN, đã được dịch là “phong chức” và “truyền chức”. Cả hai từ ngữ này được dùng một cách không phân biệt và tùy theo ngữ cảnh. Ngay cả trong một câu, để tránh sự lập đi lập lại cùng một từ ngữ, bản dịch Giáo luật hiện hành đã dùng cả hai từ ngữ này.
Điều 1022- Một khi đã nhận được thư giới thiệu chính thức, giám mục truyền chức (Episcopus ordinans) không được tiến hành việc phong chức (ordinationem), nếu không hoàn toàn chắc chắn về tính xác thực của thư ấy.
Điều 1383 – Giám Mục nào vi phạm quy định của điều 1015, phong chức cho một người thuộc quyền một Giám Mục khác mà không có thư giới thiệu (litteris dimissoriis ordinavit) hợp pháp, thì bị cấm truyền chức (ordinem) trong vòng một năm. Còn người được thụ phong thì tức khắc bị vạ huyền chức.
2.1. Consecrare in Episcopum: Tấn phong Giám mục
Tuy nhiên, Giáo luật lại dùng từ ngữ động từ Consecrare và thêm in Episcopum để chỉ việc phong chức Giám mục. Bản dịch hiện hành của HĐGMVN, đã dịch Consecrare in Episcopum là “Tấn phong Giám mục”.
Động từ “consecrare” có nghĩa là thánh hiến. Nếu dịch sát nghĩa cụm từ “Consecrare in Episcopum” thì phải dịch là “Thánh hiến trong chức Giám mục”. Các vị tiền bối, có lẽ thấy dịch sát nghĩa như vậy thì khó nghe, chuyển qua dùng từ “tấn phong” (consecrare), có vẻ trịnh trọng hơn từ ngữ “phong chức” (ordinare).
Ví dụ:
Điều 1013 – Không Giám Mục nào được phép tấn phong Giám Mục cho ai, nếu trước đó chưa có uỷ nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng.
Can. 1013 – Nulli Episcopo licet quemquam consecrare in Episcopum, nisi prius constet de pontificio mandato.)
Điều 1012 – Thừa tác viên của bí tích truyền chức thánh là Giám Mục đã được tấn phong
Can. 1012 – Sacrae ordinationis minister est Episcopus consecratus.)
Kết luận
Trong việc dịch thuật, nhiều khi không thể dịch sát nghĩa, đành phải chuyển dịch và dựa vào một ý nghĩa nào đó để chọn một từ ngữ thích hợp. Từ ngữ này tuy thích hợp và quen dùng nhưng rõ ràng là có thể gây hiểu sai. Vì vậy, để hiểu cách chính xác, đôi khi cần phải nghiên cứu lại bản văn gốc Latin và theo ý nghĩa mà Giáo hội giải thích.
Đối với chức linh mục hay phó tế, tuy chữ phong chức hay truyền chức đã được quen dùng và đã được bản dịch Giáo luật Việt ngữ HĐGMVN sử dụng, nhưng để đúng hơn, là nên dùng chữ phong chức (ordinare). Đối với chức Giám mục, chữ “Tấn phong Giám mục” (Consecrare in Episcopum) đã được quen dùng, nói lên được tính cao cả, thánh hiến, của chức Giám mục. Nó cũng đã được bản dịch Giáo luật Việt ngữ HĐGMVN sử dụng cách chính thức. Do Giáo hội đã dùng cách phân biệt Ordinare (phó tế và linh mục) và Consecrare in Episcopum (Giám mục), chúng ta không nên dùng từ ngữ “Phong chức Giám mục” hoặc “Truyền chức Giám mục”, một cách không phân biệt trong việc trao ban chức linh mục và phó tế.
[1] X. https://gpcantho.com/moi-tuan-mot-tu-ngu-phong-chuc-hay-truyen-chuc/.
[2] (https://tgpsaigon.net/bai-viet/tgp-sai-gon-thanh-le-truyen-chuc-giam-muc-giuse-bui-cong-trac-ngay-3-1-2023-67909)
[3] https://tgpsaigon.net/bai-viet/thanh-le-truyen-chuc-giam-muc-cho-duc-cha-tan-cu-phero-kieu-cong-tung-68785
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-le-truyen-chuc-giam-muc-cho-duc-cha-tan-cu-phero-le-tan-loi-50870
[5] Bản dịch tiếng Việt hiện hành lại tự ý viết thêm một câu vào cuối đoạn 1538 của sách GLHTCG: “Theo nghĩa này, tiếng Việt gọi là bí tích Truyền chức”. Tự ý viết thêm như vậy là trái phép. Người dịch chỉ có thể ghi chú, chứ không được thêm thắt. Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
2023
Đâu là vai trò của một Hồng Y?
Đâu là vai trò của một Hồng Y?
Nếu vai trò của họ trong mật nghị bầu Giáo hoàng được nhiều người biết đến, thì những sứ mạng khác của các Hồng y ít được biết đến hơn. Đâu là những chức năng của 116 Hồng y hiện tại, vốn sẽ có thêm 21 tân Hồng y vào ngày 30/9/2023 ?
« Hãy nhận lấy mũ đỏ như dấu hiệu phẩm giá của bậc hồng y, cho thấy hiền đệ sẵn sàng hành động cách can đảm, đến chỗ đổ máu, vì sự tăng trưởng của đức tin Kitô giáo, vì hòa bình và sự hài hòa của dân Thiên Chúa và vì sự tự do và phát triển của Hội Thánh Rôma. » Chính bằng những lời này mà Đức Thánh Cha tấn phong một Hồng y.
« Nơi xuất thân của các ngài diễn tả tính phổ quát của Giáo hội, vốn tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên Trái đất », Đức Thánh Cha đã tuyên bố như thế vào ngày 9/7/2023, tại quảng trường thánh Phêrô, khi thông báo việc tấn phong 21 tân Hồng y.
Nguồn gốc của từ « Hồng y » (Cardinal) xuất phát từ tính từ tiếng Latinh « cardinalis », và chính từ này bắt nguồn từ từ « cardo », có nghĩa là « cột trụ » : vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, người ta chỉ như thế các giáo sĩ gắn bó với một giáo xứ hay một tác vụ phục vụ, một thuật ngữ vẫn còn để chỉ hàng giáo sĩ của giáo phận Rôma mà thôi.
Do đó, sứ mạng đầu tiên của một Hồng y là rõ ràng : nó được thẻ hiện qua phẩm phục màu đỏ đặc trưng của ngài : dâng hiến cuộc sống mình cho Tin Mừng, dù phải trả giá bằng mạng sống. Sứ mạng của các ngài không chỉ giới hạn trong sự dấn thân này vì Giáo hội.
Trước hết, sứ mạng chính của các Hồng y là đại diện cho cộng đồng Công giáo Rôma mà Đức Thánh Cha là Giám mục. Vì thế, các ngài được chia thành ba phẩm trật : phó tế, linh mục và giám mục. Mỗi Hồng y được chỉ định một nhà thờ hiệu tòa trong giáo phận Rôma. Đức Phanxicô, khi thông báo tấn phong các tân Hồng y vào ngày 9/7, đã nhấn mạnh : « Việc bổ nhiệm các tân Hồng y vào Giáo phận Rôma biểu lộ mối liên hệ không thể tách rời giữa ngai tòa Phêrô và các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới. »
Trợ giúp Đức Thánh Cha trong sứ mạng của ngài
Như Đức Thánh Cha giải thích trong Hội nghị tấn phong Hồng y, « chúng ta sẽ kêu gọi một số anh em của chúng ta gia nhập Hồng y đoàn, để họ kết hợp với Ngai Tòa Phêrô bằng một mối liên hệ chặt chẽ hơn với sứ vụ tông đồ của chúng ta ». Nói cách khác, các Hồng y được mời gọi trở thành những cộng tác viên đầu tiên của Đức Thánh Cha. Bộ Giáo luật 1983 cho thấy ý nghĩa này : « Các Hồng y cũng trợ giúp Đức Thánh Cha bằng hành động mang tính hiệp đoàn khi các ngài được triệu tập để cùng bàn luận những vấn đề quan trọng, hoặc với tính cách cá nhân bằng cách giúp Đức Giáo hoàng Rôma qua những nhiệm vụ khác nhau mà các ngài đang đảm nhận, nhất là qua việc chăm lo hằng ngày cho Giáo hội phổ quát » (điều 349).
Sứ mạng này được tuân giữ đặc biệt ở cấp Giáo triều Rôma. Quả thế, một số vị trí – ít nhất là trên lý thuyết – tự động được gắn liền với chức Hồng y. Chẳng hạn, đó là trường hợp đối với Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Tổng trưởng của các Bộ. Các Hồng y khác trên thế giới cũng thực thi chức năng nay bằng cách trợ giúp cho công việc của các Bộ mà Đức Thánh Cha đã chỉ định các ngài làm thànhviên hay cố vấn.
Các Hồng y cử tri hay không
Ngoài ra, các Hồng y có thể « đại diện trong một buổi cử hành long trọng hay trong một hội nghị với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo hoàng, tức là như một bản ngã khác của ngài ». Đó là trường hợp của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã dẫn đầu phái đoàn Vatican ở hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 9/2021 ở Glasgow (Scotland).
Tất cả các Hồng y có thể thực hiện tất cả các sứ mạng này. Nhưng có một sứ mạng khác, có lẽ là quan trọng nhất, liên quan đến những vị dưới 80 tuổi : sứ mạng tham gia và bỏ phiếu trong mật viện bầu tân Giáo hoàng.
Quy định này là tương đối gần đây, vì nó chỉ được đưa ra vào năm 1970 bởi Đức Phaolô VI. Ngài giải thích trong Tự sắc « Ingravescentem aetatem » : « Đối với chúng ta, dường như thiện ích vượt trỗi của Giáo hội đòi hỏi phải tính đến vấn đề tuổi già ».
Vào thời điểm đó, quyết định này đã được các Hồng y trên 80 tuổi chấp nhận rất khó khăn. Cần lưu ý rằng một Hồng y đạt tới độ tuổi này trong thời gian mật viện có thể ở lại và tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi có kết quả.
Được Đức Thánh Cha chọn, các Hồng y vẫn hoàn toàn thuộc quyền quyết định của ngài : ngài có thể yêu cầu các ngài từ bỏ tước vị hoặc các đặc quyền của các ngài.
Ai có thể trở thành Hồng y ?
Trong một thời gian dài, mặc dù đại đa số được tấn phong từ các linh mục, nhưng mọi người nam đều có thể được phong Hồng y. Vị Hồng y giáo dân cuối cùng là Teodolfo Mertel người Ý (1806-1899), người đã thực thi một số chức năng trong Giáo triều Rôma và tương đương với bộ trưởng Bộ Tư pháp của các Nhà nước Giáo hoàng cho đến khi ông được phong Hồng y vào tháng 3/1858 bởi Đức Piô IX. Ông được phong chức Phó tế một vài tuần sau khi được phong Hồng y, nhưng chưa bao giờ là linh mục. Từ năm 1917, việc thụ phong linh mục được đòi hỏi. Thông thường, các Hồng y thậm chí phải là Giám mục và một số do đó nhận được cấp bậc thứ ba của phẩm trật một ngày trước khi họ được tấn phong Hồng y.
Đức Thánh Cha cũng có thể chọn (đặc biệt để bảo vệ người được phong Hồng y khi ngài đến từ một nước nơi Giáo hội bị bách hại) tấn phong một Hồng y « in pectore » (trong tâm hồn của mình), nghĩa là giữ bí mật tên của vị đó. Khi tên của vị đó được công khai, vị Hồng y này sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình trong Hồng y đoàn kể từ ngày được giữ trước (reservatio). Nhưng có thể xảy ra trường hợp Đức Giáo hoàng qua đời mà tên của vị được chọn không được biết đến, kể các chính vị đó (điều này đã xảy đến đối với vị Hồng y được phong « in pectore » vào năm 2003 bởi Đức Gioan-Phaolô II).
Hồng y đoàn là gì ?
Hồng y đoàn thường được coi như « Thượng viện của Giáo hội ». Trên thực tế, các Hồng y trước hết có sứ mạng tư vấn cho Đức Thánh Cha trong vai trò điều hành Giáo hội hoàn vũ. Một sứ mạng mà các Hồng y đảm nhận từ rất sớm : từ thế kỷ IV, hàng giáo sĩ Rôma đã được gắn liền với các quyết định của Giám mục Rôma, đặc biệt khi ngài được thỉnh cầu quyết định các vấn đề do các Giám mục khác đệ trình. Do đó, các Đức Giáo hoàng đã có thói quen tập hợp các linh mục và phó tế của Rôma lại với nhau trong một hội nghị (xuất phát từ consistorium, vốn chỉ hội đồng của các hoàng đế Rôma).
Với Đức Urbanô II (1088-1099), hội nghị này, lúc đó chỉ quy tụ các Hồng y – linh mục, vượt lên trên Công nghị của giáo phận Rôma và trở thành nơi quyết định thực sự. Chính từ đó mà chúng ta có thể nói về Hồng y đoàn với tư cách là một cơ quan thực sự được tạo nên. Nó được tổ chức dần dần : vào năm 1245, ở công đồng Lyon, các Hồng y được phép đội mũ (bị xóa bỏ vào năm 1969) trong khi vào năm 1291, Đức Boniface VIII ban cho các ngài chiếc áo soutane màu đỏ. Cuối cùng, vào năm 1464, các ngài được đặc ân đội mũ barrette, dấu hiệu đặc biệt của các tiến sĩ thần học.
Với cuộc cải cách to lớn của Đức Sixtô V, vào năm 1588, và việc thành lập ở Giáo triều các bộ khác nhau do một Hồng y – Tổng trưởng đứng đầu, các Hồng y xuất hiện như những cộng tác viên cá nhân của Đức Thánh Cha nhiều hơn, hội nghị Hồng y quy tụ định theo giai đoạn hơn và được dành riêng cho các dịp đặc biệt. Phải đợi đến Đức Gioan-Phaolô II, rồi Đức Bênêđíctô XVI, để thấy vai trò của hội nghị Hồng y khôi phục giá trị thông qua các cuộc họp khoáng đại của Hồng y đoàn dành cho những vấn đề quan trọng mà Đức Thánh Cha muốn lấy ý kiến của các Hồng y. Đó là trường hợp vào năm 2022, khi Đức Phanxicô mời các ngài tham dự hai ngày suy tư về Tông hiến về việc cải cách Giáo triều, Praedicate Evangelium, được công bố vào ngày 19/3/2022.
Hồng y đoàn bao gồm ba phẩm trật : giám mục, linh mục và phó tế. Được chủ trì bởi một « niên trưởng » mà không phải là người lớn tuối nhất trong các Hồng y, nhưng là một trong các Hồng y – giám mục, được chọn bởi các đồng sự của mình rồi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm (hiện nay là Đức Hồng y Giovanni Battista Re, người Ý) và được hỗ trợ bởi một phó niên trưởng (hiện nay là ĐHY Leonardo Sandri, người Argentina). Các Hồng y lớn tuổi nhất của mỗi phẩm trật (Hồng y trưởng đẳng linh mục và Hồng y trưởng đẳng phó tế) cũng có những trách vụ đặc biệt : chẳng hạn, chính Đức Hồng y trưởng đẳng phó tế công bố tên của Đức tân Giáo hoàng.
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)
2023
Sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ ?
Sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ ?
Tội lỗi không phải là điều mà chúng ta thích nhấn mạnh vì chúng nhắc chúng ta nhớ về những lỗi lầm và thiếu sót của mình.
Tuy nhiên, Giáo hội thúc giục chúng ta biết nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội lỗi và trở về với Chúa Cha bằng cách xưng tội. Khi làm như vậy, chúng ta được hợp nhất với Thiên Chúa và mối tương quan giữa chúng ta với Chúa được phục hồi.
Khi nói về tội lỗi, Giáo hội Công giáo ghi nhận sự khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ.
Tội trọng
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo định nghĩa, tội trọng là “phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp kém hơn” (GLCG 1855).
Để được gọi là tội trọng, vốn cắt đứt mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nó phải đáp ứng ba tiêu chuẩn cụ thể như Sách Giáo Lý đã nêu.
“Tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân. Việc thiếu hiểu biết do lỗi mình và lòng chai đá không làm giảm bớt, mà còn gia tăng tính cách cố tình của tội lỗi” (GLCG 1859).
Tóm tắt ba phẩm chất của tội trọng: một tội là trọng phải liên quan đến vấn đề nghiêm trọng, vi phạm với sự hiểu biết đầy đủ và có sự đồng ý hoàn toàn của người đó.
Tội nhẹ
Tội nhẹ là xúc phạm đến đức ái, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Mặc dù chúng không cắt đứt mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa hoặc với đời sống ân sủng, nhưng tội nhẹ có thể gây ra những hậu quả sâu rộng. Thông thường khi phạm tội nhẹ nhiều lần, làm suy yếu quyết tâm của chúng ta và khiến chúng ta dễ phạm tội trọng hơn.
Giáo hội mời gọi chúng ta thú nhận những “tội nhẹ” này, vì chúng làm tổn hại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Hơn nữa, “việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp ta chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần” (GLCG 1458).
Sự khác biệt cơ bản giữa tội trọng và tội nhẹ là khi đi xưng tội chúng ta buộc phải xưng tất cả các tội trọng, và tuy không bắt buộc nhưng chúng ta được khuyến khích xưng tất cả tội nhẹ.
Tội nhẹ thường là những yếu đuối hàng ngày của chúng ta, trong khi tội trọng là những điều chia cắt chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội.
Nguồn https://aleteia.org
Tác giả: Philip Kosloski