2023
Vài nét về kinh Cầu Các Thánh
Vài nét về kinh Cầu Các Thánh
Trong Hội Thánh, có tới khoảng 190 Kinh Cầu khác nhau. Tuy vậy, chỉ có 5 Kinh Cầu được sử dụng phổ biến hơn cả. Đó là: Kinh Cầu Loreta (còn gọi là Kinh Cầu Đức Bà); Kinh Cầu Thánh Danh; Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu; Kinh Cầu Ông Thánh Giuse; Kinh Cầu Các Thánh. Trong số này, Kinh Cầu Các Thánh được xem là lời kinh cổ xưa nhất, long trọng nhất và là kiểu mẫu cho các kinh cầu khác.
Gọi là “Kinh Cầu Các Thánh” bởi vì kinh nguyện này gồm những lời khẩn cầu một số các thánh cũng như Đức Mẹ Maria – Nữ vương các thánh. Thật ra, chúng ta không cầu xin các thánh. Chúng ta chỉ xin các thánh chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa. Điều này diễn tả lòng tin cậy của Giáo hội vào sự chuyển cầu của các thánh. Đây là sự hiệp thông vốn kết hợp Giáo hội của Giêrusalem trên trời với Giáo hội lữ hành dưới thế.1
I. LỊCH SỬ
Chúng ta không rõ Kinh Cầu Các Thánh được ai soạn ra và soạn ra khi nào. Chỉ biết rằng, bên Đông phương, Kinh Cầu Các Thánh đã được hát lên ngay từ thế kỷ III (năm 270). Bên Tây phương, năm 590, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (540-604) yêu cầu hát kinh này trong cuộc rước công khai để xin Thiên Chúa chấm dứt cơn dịch tàn phá Rôma. Ngài cũng quy định hát Kinh Cầu Các Thánh vào ngày 25 tháng Tư trong nghi thức Cầu mùa. Quãng đầu thế kỷ VII, bản văn Kinh Cầu Các Thánh rất ngắn: chỉ vỏn vẹn kêu cầu Đức Kitô, Đức Trinh nữ Maria, 4 Thánh tông đồ (Phêrô, Phaolô, Anrê, Giacôbê) và 2 Thánh tử đạo (Stêphanô và Lôrensô).
Thời gian trước Công đồng Vatican II, theo sách Nghi thức Rôma và Sách lễ Rôma, Kinh Cầu Các Thánh được sử dụng khi đi rước và trong một số nghi lễ.2
Hiện nay, như được quy định trong Lịch Phụng vụ Rôma (21-03-1969), Bộ Phụng tự duy trì hai phiên bản Kinh Cầu Các Thánh để sử dụng cho những trường hợp khác nhau:
1) Phiên bản dài: sử dụng trong trường hợp cầu khẩn trọng thể và đi rước như hát trong dịp Cầu mùa; cuộc rước kiệu trong mùa Chay; hay khi di chuyển thi thể người quá cố từ nhà tư đến thánh đường.
2) Phiên bản ngắn: sử dụng trong các trường hợp làm phép trọng thể và thánh hiến diễn ra trong thánh lễ: nghi thức làm phép nước Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục Sinh; nghi thức phong chức giám mục, linh mục và phó tế;3 nghi thức chúc phong viện phụ hay viện mẫu;4 nghi thức khấn dòng, thánh hiến trinh nữ;5
Ngoài ra, chúng ta còn có phiên bản cực ngắn, nghĩa là bản văn được bỏ đi nhiều phần cho thật đơn giản nhằm mục đích sử dụng khi: cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho trẻ em;6 phó linh hồn cho người mới qua đời;7
Kinh Cầu Các Thánh còn được hát đang khi đoàn rước các ĐHY tiến vào nhà nguyện Sistine tham dự mật nghị Hồng y bầu Đức Giáo Hoàng; trong nghi lễ phong thánh; khi nhập lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ (01 tháng 11). Vào ngày 20 tháng Hai năm 1988, Bộ Phụng tự Thánh đề nghị sử dụng Kinh Cầu Các Thánh khi bắt đầu thánh lễ Chúa nhật thứ I mùa Chay nhằm tạo thêm một dấu khác biệt cho mùa này.8
II. CẤU TRÚC
Cấu trúc của Kinh Cầu Các Thánh như sau (theo bản Kinh Cầu Các Thánh mới):
1) Khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi (cộng đoàn đáp: Xin Chúa thương xót chúng con)
2) Khẩn cầu các Thánh (cộng đoàn đáp: Xin cầu cho chúng con)
3) Kêu cầu Đức Kitô. Phần này chia thành hai nhóm: i] Nhóm I: cầu xin được giải thoát khỏi những điều tiêu cực như: sự dữ; tội lỗi; án chết đời đời (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa cứu chữa chúng con”), ii] Nhóm II: nài xin được giải thoát nhờ những biến cố trong cuộc đời cứu độ của Chúa Giêsu: giáng sinh, chịu chết và sống lại; đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa cứu chữa chúng con” hoặc là “Xin Chúa giải thoát chúng con”)
4) Những lời chuyển cầu cho những nhu cầu khác nhau (cộng đoàn đáp: “Xin Chúa nghe lời chúng con” hoặc “Xin Chúa nghe cho chúng con”)
5) Những lời nguyện kết thúc.
III. THÊM BỚT – THAY ĐỔI TRONG KINH CẦU CÁC THÁNH?
1. Lý do và nguyên tắc
Không những chúng ta được phép thêm bớt số các thánh mà còn là việc hết sức nên làm bởi những lý do sau: i] Thứ nhất, các tài liệu phụng vụ của Giáo hội đều nhắc nhở và đề nghị thêm bớt danh sách các thánh vào chỗ thích hợp cũng như cho phép thêm một vài lời thỉnh nguyện nữa thích hợp hơn với từng hoàn cảnh;9 ii] Thứ hai, Sổ bộ các thánh hiện nay (năm 2005) gồm đến 7000 vị thánh và chân phước.10
Với số lượng đông đảo các thánh và chân phước ở khắp hoàn vũ như vậy, cho nên trong những hoàn cảnh riêng biệt khi cử hành, chúng ta nên uyển chuyển thêm bớt danh sách các thánh cho phù hợp với thực tế.
Điều quan trọng khi thêm bớt con số các thánh, chúng ta phải tuân thủ một số nguyên tắc:
1) Thứ nhất, chỉ thêm các thánh và chân phước được liệt kê trong Sổ bộ các thánh của Giáo hội;11
2) Thứ hai, tên của vị thánh được thêm vào phải nằm đúng hàng ngũ của ngài. Hàng ngũ các thánh được chia làm 7 nhóm và được xếp theo thứ tự sau: i] Đức Mẹ và thánh thiên thần; ii] Các thánh tổ phụ cùng các thánh tiên tri; iii] Các thánh tông đồ cùng các thánh môn đệ Đức Giêsu; iv] Các thánh tử đạo; v] Các thánh giám mục cùng các thánh tiến sĩ; vi] Các thánh linh mục và tu sĩ; vii] Các thánh giáo dân. Như vậy, chiếu theo nguyên tắc này, đúng ra các Thánh Tử đạo Việt Nam phải được xếp vào hàng ngũ các thánh tử đạo hơn là ở cuối sổ.12
3) Thứ ba, ngay trong một hàng ngũ, cần tuân thủ tập tục này: i] thánh nam được xếp trước thánh nữ; ii] thánh nào được Chúa gọi về trước thì xếp trước. Ví dụ, Thánh Faustina (qua đời năm 1938) phải được xếp sau Thánh Rosa Lima (ly trần năm 1617); Thánh Bernadette Soubirous (qua đời năm 1879) phải được xếp sau Thánh Rosa Lima (qua đời năm 1617) nhưng trước Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (ly trần năm 1897). Tuy nhiên, đôi khi tập tục này cũng có thay đổi. Chẳng hạn, trong hàng ngũ các thánh linh mục và tu sĩ, mặc dầu Thánh Ignatiô ( – 1556) chết sau Thánh Phanxicô Xaviê (-1552) tới 4 năm, nhưng vẫn được xếp trước vì tôn trọng ngài là vị sáng lập Dòng Tên trong khi vị thánh quan thầy truyền giáo chỉ là thành viên của hội dòng này.
4) Thứ bốn, tên của vị thánh được thêm vào không quá xa lạ đối với cộng đoàn cử hành.
2. Áp dụng cụ thể 13
a) Con số các thánh
– Trong thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng, thêm vào Kinh Cầu Các Thánh các thánh giáo hoàng và các thánh của giáo phận Roma.
– Trong nghi thức tấn phong giám mục, nêu danh tánh tất cả các thánh tông đồ theo thứ tự: Phêrô, Phaolô, Anrê, Giacôbê, Tôma, Giacôbê, Philipphê, Bartôlômêô, Simon, Tađêô, Matthia.
Trong lễ phong chức linh mục, không thêm vị nào khác;
Trong lễ phong chức phó tế, thêm hai Thánh Vincentê [-304] (sau Thánh Lorensô [-258]) và Thánh Ephrem [-373] (trước Thánh Basiliô [-379]).
Trong lễ thánh hiến trinh nữ, thêm các Thánh trinh nữ Macrina (-340), Scholastica (-543), Clara (-1253), Rosa Lima (-1617), Louise Marillac (-1660), Margaret Maria Alacoque (-1690), Têrêsa Hài đồng Giêsu (-1897), Maria Goretti (-1902), Genoveva (-1956).
Trong lễ khấn trọn đời của các tu sĩ: Bỏ tên các Thánh Inhaxiô Antiôkia, Grêgôriô, Atanasiô, Martinô, Phanxicô Xaviê, Gioan Maria Vianney. Ngoài việc có thể thêm tên các thánh riêng của dòng thì đối với dòng nam, thêm các Thánh Bênađô (-1153), Ignaxiô Loyola (-1556), Vinh Sơn Phaolô (-1660), Gioan Boscô (-1888) và đối với dòng nữ, thêm các Thánh nữ Macrina (-340), Clara (-1253), Catarina Siena (-1380), Rosa Lima (-1617), Gioanna Francisca de Chantal (-1641), Louise Marillac (-1660).
Trong nghi lễ chúc phong viện phụ: bỏ tên Thánh Catarina Siena nhưng thêm các Thánh: Columbanô (-615), Bêđa (-735), Rômualđô (-1027), Brunô (-1101), Bênađô (-1153), hai Thánh nữ Scolastica (-543) và Clara (-1253).
b) Các lời khẩn nguyện cho các nhu cầu trong các dịp truyền chức, khấn dòng được thích nghi theo hoàn cảnh:
Trong lễ truyền chức, thêm ba lời khấn nguyện, mỗi lần tăng thêm một động từ: i] Xin Chúa đoái thương chúc lành cho vị thụ phong này; ii] Xin Chúa đoái thương chúc lành và thánh hóa vị thụ phong này; iii] Xin Chúa đoái thương chúc lành, thánh hóa và thánh hiến vị thụ phong này.
c) Nếu sử dụng Kinh Cầu Các Thánh trong nghi thức an táng một tín hữu đã qua đời, chúng ta có thể thay câu đáp “Xin cầu cho chúng con” bằng câu “Xin cầu cho tín hữu này”.
d) Nếu sử dụng Kinh Cầu Các Thánh khi đi viếng đất thánh vào ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (2/11), chúng ta có thể thay câu đáp “Xin cầu cho chúng con” bằng câu “Xin cầu cho các tín hữu này”.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể
_________________________________________________
1 Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam – Ủy ban Văn hóa, Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235.
2 Cầu mùa; thời kỳ khó khăn; các dịp thống hối; các cuộc rước di tích các thánh; trừ quỷ long trọng; tôn thờ Thánh Thể 40 giờ; cung hiến thánh đường và bàn thờ; tấn phong giám mục; chúc phong viện phụ và viện mẫu; thánh hiến trinh nữ ; thánh lễ thứ Bảy Tuần Thánh và thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện xuống…
3 Nghi thức Phong chức, số 78. 127. 203. 231. 273; Lễ nghi Giám mục, số 507. 529. 580.
4 Nghi thức Chúc phong Viện phụ, số 21; Nghi thức Chúc phong Viện mẫu, số 16.
5 Nghi thức Khấn dòng cho nam tu, số 62; Nghi thức Khấn dòng cho nữ tu, số 67; Lễ nghi Giám mục, số 730. 746. 758. 779.
6 Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em, số 48. 85.
7 Nghi thức Xức dầu và Chăm sóc Mục vụ cho Bệnh nhận, số 145.
8 Circular Letter Concerning the Preparation and Celebration of the Easter Feasts, số 23.
9 Xc. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235; Nghi thức Phong chức, số 78. 127. 203. 231. 273; Lễ nghi Giám mục, số 507. 529. 580; Nghi thức Chúc phong Viện phụ, số 21; Nghi thức Chúc phong Viện mẫu, số 16; Nghi thức Khấn dòng cho nam tu, số 62; Nghi thức Khấn dòng cho nữ tu, số 67.
10 Adoremus Bulletin (Online Edition) February 2005, Vol. X, No. 10.
11 Xc. Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ, số 235.
12 Xc. Phan Tấn Thành, Nghi thức Phong chức Linh mục và Phó tế: Diễn giải (Học viện Đaminh, 2014), tr. 112.
13 Sđd, tr. 113-114.
2023
“Đức Mẹ an giấc” có nghĩa là gì?
2023
THẾ NÀO LÀ CA ĐOÀN PHỤNG VỤ?
2023
Thừa tác vụ Đọc sách
Thừa tác vụ Đọc sách
Người Công giáo thường không được xem là những con người của lời Chúa, nghĩa là con người của Kinh thánh. Nhận xét này được xem là một trong những ranh giới chia cách giữa người Công giáo và những Kitô hữu khác trong gần 500 năm. Tuy nhiên, khoảng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi lớn nơi người Công giáo khi họ ngày càng hiểu biết hơn về Kinh thánh.
Đây là kết quả chủ yếu của việc các bản văn Kinh thánh bằng tiếng địa phương hiện đang được sử dụng một cách hết sức trân trọng trong các cử hành phụng tự của người Công giáo. Hầu hết chúng ta đều tiếp xúc với lời Chúa một cách đặc biệt qua các bài đọc Kinh thánh được công bố, được diễn giảng và được cảm nếm từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác nơi Phụng vụ lời Chúa trong Thánh lễ.
Hãy so sánh trải nghiệm về ngày Chúa nhật hiện nay với cách thức đã từng diễn ra. Trước đây, linh mục đọc Kinh thánh trước bằng tiếng La tinh tại bàn thờ, đứng quay lưng về phía giáo dân, sau đó bằng tiếng địa phương [chẳng hạn tiếng Anh] tại bục giảng. Các bài đọc là những phân đoạn từ các Thánh thư và Tin mừng được sắp xếp thành một bộ sách các bài đọc Kinh thánh được lặp lại hằng năm. Vào các ngày Chúa nhật, thường có một bài giảng sau đó, nhưng hiếm có bài giảng nào liên quan nhiều đến các đoạn Kinh thánh vừa được nghe.
Sách bài đọc Thánh lễ hiện nay phải được xem như là một trong những thành tựu có hiệu quả rõ rệt nhất của Giáo hội trong nhiều thế kỷ. Nhờ đó, ngày nay, toàn thể cộng đồng Công giáo có cơ hội trải nghiệm lời Kinh thánh trong các cử hành phụng tự mang tính cộng đoàn một cách sâu rộng như chưa từng biết đến trong hàng trăm năm qua. Qua chu kỳ ba năm với các bài đọc và thánh vịnh, giờ đây chúng ta đã công bố và diễn giảng hầu hết Tân ước và những trích đoạn được lựa chọn cẩn thận từ Cựu ước, bao gồm cả những bài thi ca trong các thánh vịnh. Quy luật cầu nguyện mang tính cộng đoàn này đang hình thành nên con người chúng ta theo những cách thức mà chúng ta chỉ có thể bắt đầu nghĩ đến.
Kinh nghiệm phụng tự này đã được minh chứng rất hiệu quả khi nhiều anh chị em Kitô hữu ở Bắc Mỹ và các nơi khác trên thế giới hiện đang sử dụng một ấn bản đại kết của Sách bài đọc này (được gọi là Sách bài đọc chung) được dùng trong cử hành phụng tự vào ngày Chúa nhật. Trong số các cộng đồng này có Giáo hội Luther, Giáo hội Giám lý liên hiệp, Giáo hội Anh giáo, Giáo hội Trưởng lão và Giáo hội Hợp nhất. Thật tuyệt vời là sau nhiều thế kỷ chia rẽ, chúng ta tìm lại được sự hợp nhất nơi bàn tiệc lời Chúa với các anh em cùng đức tin này. Ngay cả cách đây một vài năm, liệu ai dám nghĩ rằng điều này có thể xảy ra? Thế nhưng, thành quả trọn vẹn của sự tiến triển nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng này vẫn còn ở phía trước chúng ta.
Sự hiện diện cách bí tích
Sức mạnh và tầm quan trọng của lời Kinh thánh trong cử hành phụng tự có thể thoáng thấy trong kinh nghiệm ban đầu của Giáo hội. Trong thời gian bị bách hại, phận vụ chuẩn bị và công bố lời Chúa trong các cử hành phụng tự được giao cho các thừa tác viên đọc sách thuộc những người lãnh đạo Giáo hội địa phương vốn là những đối tượng đặc biệt. Nhà cầm quyền bách hại nhận ra việc công bố Kinh thánh mang lại một tác động mạnh mẽ và khích lệ sự hiện diện và hành động của những người Kitô hữu trên thế giới.
Sự canh tân hiểu biết về tầm quan trọng và sức mạnh của thừa tác vụ phụng vụ này đưa đến việc phục hồi nó trong thời đại chúng ta. Thật may, thừa tác vụ được phục hồi này có mục đích mở ra kho tàng rất phong phú của các bài đọc Kinh thánh cho việc phụng tự của người Công giáo, tương trưng qua Sách bài đọc. Trải qua nhiều thế kỷ, Sách bài đọc đã trở thành một phần của Sách các lời nguyện trong Thánh lễ dành cho linh mục chủ tế (Sự phát triển này trùng hợp với việc các thừa tác viên có chức thánh dần dần đảm nhận những phận vụ khác nhau trong phụng vụ). Một lần nữa, thừa tác vụ Đọc sách có một sách phụng vụ riêng, giống như sách cho thừa tác vụ của linh mục chủ tế.
Ý nghĩa sâu sắc của thừa tác vụ Đọc sách nằm ở mối liên hệ mật thiết của nó với sự canh tân đương thời của một hiểu biết đầy đủ hơn về tính bí tích của việc phụng tự Công giáo. Tất cả chúng ta cần phải am hiểu sâu sắc hơn sự canh tân liên tục của Giáo hội về việc hiểu biết lời Chúa trong các cử hành phụng tự đó. Chẳng hạn, hãy xem xét lời khẳng định sau của Công đồng Vatican II trong Hiến chế về Mạc khải, Dei Verbum:
Giáo hội vẫn luôn tôn kính Kinh thánh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu (DV 21).
Nói cách khác, trong Thánh lễ có hai bàn tiệc: bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai cùng làm nên một hành vi phụng tự duy nhất trước nhan Thiên Chúa. Chính từ mỗi bàn tiệc này, chúng ta được dưỡng nuôi, được lãnh nhận bánh ban sự sống. Tiềm ẩn nơi giáo huấn này là một hiểu biết về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô mà Giáo hội tuyên xưng:
Trong khi cử hành Thánh lễ là Hy lễ làm cho Hy tế Thập giá được tiếp tục hiện diện trong Giáo hội, Chúa Kitô thực sự hiện diện trong cộng đoàn quy tụ nhân danh Người; nơi con người của thừa tác viên, trong lời của Người, và hiện diện đích thực, theo bản thể, và cách vĩnh viễn dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể. (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7)
Phần Dẫn nhập Sách bài đọc Thánh lễ cũng nêu bật mối liên hệ mật thiết và bất khả phân giữa sự hiện diện của Chúa trong hai bàn tiệc này, tức là trong Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể:
Để cử hành Hy lễ tưởng niệm Chúa với lòng sốt sắng, các tín hữu nên ý thức sâu xa về sự hiện diện duy nhất của Chúa Kitô cả trong lời Chúa, vì chính Người đang nói với chúng ta khi lời Kinh thánh được công bố trong nhà thờ, và trên hết, dưới hình bánh hình rượu trong bí tích Thánh Thể (Số 4).
Lời Chúa như là sự hiệp thông
Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhận ra trong Phụng vụ lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể một điểm tương đồng giữa hai nghi thức tương ứng, Công bố lời Chúa và Hiệp lễ. Trong cả hai nghi thức phụng vụ này, chúng ta đều thể hiện lòng tôn kính đối với sự hiện diện của Chúa. Những điều này có lẽ rõ ràng hơn đối với chúng ta trong Phụng vụ Thánh Thể, qua các cử điệu cúi đầu, bái gối, quỳ gối, nâng cao bánh và rượu khi đọc lời truyền phép, đưa tay rước Mình và Máu Chúa một cách ý thức và cung kính, cũng như nhiều dấu chỉ tôn kính khác tùy theo cách lựa chọn của mỗi người.
Hãy xem xét các dấu chỉ tôn kính tương tự trong Phụng vụ lời Chúa: việc công bố long trọng mỗi bài đọc; sự cung kính và chú tâm lắng nghe các bài đọc; những câu đáp đặc biệt sau các bài đọc, nhất là câu đáp sau phần công bố Tin mừng để bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện của Chúa; và các dấu chỉ khác liên quan đến các bài đọc Tin mừng như tư thế đứng khi nghe đọc bài Tin mừng, việc rước sách Tin mừng với nến và hương, việc thừa tác viên ghi dấu thánh giá lên sách Tin mừng, việc cộng đoàn tham dự làm dấu Thánh giá trên mình khi nghe xướng Tin mừng Chúa Giêsu Kitô…, và cuối cùng là cử chỉ hôn sách Tin mừng của thừa tác viên.
Tiếp theo, hãy xem xét diễn tiến nghi thức tương tự giữa lời Chúa và Bàn tiệc. Phụng vụ Thánh Thể đạt đến tâm điểm và cao điểm trong phần Kinh nguyện Thánh Thể, vốn là lời công bố long trọng những hành động cứu độ của Thiên Chúa. Trong lời công bố này, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa; và trong quyền năng sự hiện diện của Chúa, cộng đoàn dâng các lời chuyển cầu cho Giáo hội, thế giới và những người đã qua đời, đồng thời cầu nguyện cho sự hợp nhất của Giáo hội. Sau lời công bố long trọng này [các lời nguyện của chủ tế sau Kinh Lạy Cha] là việc bẻ Mình Thánh và rót Máu Thánh vào những chén thánh cho cộng đoàn, và kết thúc với việc rước lễ. Khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa, chúng ta được kết hiệp nên một với Người và với anh chị em, như của ăn của uống cho một thế giới yêu mến và khao khát Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Trong Phụng vụ lời Chúa, các bài đọc đạt đến đỉnh cao khi long trọng công bố bài Tin mừng. Sau đó là bài giảng diễn giải lời vừa được công bố, để nuôi dưỡng đời sống cộng đoàn. Sự hiệp thông trong Chúa, hiện diện nơi lời Chúa, được kéo dài thêm trong một khoảng thời gian thinh lặng chung, để cộng đoàn suy niệm lời Chúa trong tâm hồn. Được củng cố nhờ sự nuôi dưỡng này, sau đó cộng đoàn dâng lên bàn thờ những lời nguyện của dân tư tế để chuyển cầu cho Giáo hội, thế giới và những người có nhu cầu đặc biệt.
Việc công bố lời Chúa
Dưới ánh sáng này, thừa tác vụ Đọc sách trong Thánh lễ rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ cử hành phụng tự. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong lời Chúa và Thánh Thể và giữa con người với nhau vẫn luôn là một thách đố.
Do đó, việc công bố hữu hiệu lời Chúa là một phần nội tại trong toàn bộ cử hành. Giao tiếp bằng lời nói trước hết là một điều thực tế trong đời sống con người, vốn đòi hỏi việc sử dụng các kỹ năng đơn giản của con người. Như Công đồng Trentô đã tuyên bố cách đây hơn 400 năm, các bí tích là dành cho con người, tức là tinh thần con người được tiền định cho sự sống phục sinh.
Trong các cử hành phụng tự, việc công bố lời Kinh thánh mà có rất ít hay không có hoặc quá nhiều nhấn mạnh cách diễn tả đều sai lầm. Năm ngoái, vào Chúa nhật III mùa Vọng, tôi nghe một người đọc bài thánh thư tuyệt vời của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philipphê mà không có chút biểu cảm gì. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nghe đọc: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4), với một cung giọng quá buồn tẻ. Sự diễn đạt không phải là một điều tùy chọn, nhưng không thể không có, và phải bắt đầu ngay khi người đọc sách tiến đến giảng đài. Thách đố được đặt ra là người đọc bài thánh thư cần biết kết hợp giữa việc chuẩn bị trình bày khéo léo, có tâm tình cầu nguyện, với tính cách và kỹ năng đặc thù nơi mỗi thừa tác viên đọc sách.
Trên hết, người đọc sách cần hiểu và tin rằng họ đang thi hành một thừa tác vụ hiện diện và hiệp thông đích thực. Họ phải tin nhận rằng Chúa đang hành động và hiện diện trong cộng đoàn qua việc họ công bố lời Chúa, rằng Chúa ước mong nói và được lắng nghe qua lời Kinh thánh mà họ công bố. Đó là lời Chúa đang nói với cộng đoàn này, ở đây và lúc này, và mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi lắng nghe và đáp lại lời Chúa trong hôm nay, tuần này, và những tuần tới.
Bằng những lời kết thúc bài đọc: “Đó là lời Chúa”, người đọc sách mời gọi cộng đoàn tin nhận sự hiện diện của Chúa, tương tự như khi thừa tác viên Thánh Thể nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Tôi nhớ lại lần đầu tiên khi tôi chứng kiến một người đọc sách thật sự dừng lại ở cuối bài đọc, rồi sau đó, ngước nhìn toàn thể cộng đoàn, công bố lời Chúa với một sự chú tâm thật tinh tế, làm cho cộng đoàn cảm thấy như được mời gọi đáp lại lời Chúa với một sự hân hoan: “Tạ ơn Chúa!”
Hơn nữa, từ xưa, Giáo hội đã dạy rằng, khi hiệp lễ, chúng ta trở thành điều mà chúng ta nhận lãnh. Khi đón nhận và cử hành lời Chúa đang sống động ở giữa con người, chúng ta trở thành sự hiện diện của chính Chúa và sự khao khát của Người về một thế giới tốt đẹp hơn thế giới mà chúng ta đã cộng tác xây dựng. Trong Đức Kitô, chúng ta trở thành lời làm thay đổi thế giới, qua đó, thế giới được biến đổi thành những gì mà Thiên Chúa đã dự định từ ngàn đời.
Thừa tác viên đọc sách cần am hiểu tất cả những điều này và nhiều điều khác nữa. Khi tôi phụ trách việc huấn luyện những thừa tác viên đọc sách, tôi không bắt đầu bằng những bài học về kỹ năng nói trước công chúng. Phát triển kỹ năng là bước cuối cùng. Thay vào đó, trước hết tôi mời họ suy tư một cách sâu sắc và chân thật về hành trình của chính họ trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Theo Kinh thánh, Đức Kitô đã trở thành hiện thân của sự tội để cứu chuộc chúng ta. Nói cách khác, Thiên Chúa trong Đức Kitô đã đi vào chính sự đổ vỡ của thảm kịch đã bắt đầu nơi vườn địa đàng năm xưa, và sự đổ vỡ này vẫn còn tiếp tục xảy ra trong mỗi người chúng ta theo một cách thế đặc thù. Chúng ta cần mang tất cả những gì chúng ta có vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là toàn bộ kinh nghiệm con người của chúng ta mà Thiên Chúa đã nói đến trong Kinh thánh. Không có gì phải bị loại bỏ. Và tất cả phải được biến đổi.
Vì vậy, tôi cố gắng giúp những thừa tác viên lời Chúa học cách để cho lời Chúa trước tiên tác động đến họ như thế nào. Nhưng trước khi chuyển sang việc tập luyện các kỹ năng nói trước công chúng, cần phải trải qua một bước đào tạo quan trọng khác. Tôi mời họ tưởng tượng ra những câu chuyện cá nhân của những người nghe họ công bố lời hằng sống này. Họ chỉ cần nhớ lại cuộc hành trình của chính những người này trong Đức Kitô: những thăng trầm, đau khổ, thất bại và những khao khát khôn tả, hầu có thể truyền thông đoạn Lời Chúa này cho những người đang đợi nghe công bố: Bài trích sách…
Có hàng trăm câu chuyện tương tự trong trái tim và tâm trí của những người đang nỗ lực lắng nghe tiếng Chúa qua đoạn lời Chúa này: trẻ em, cha mẹ, người độc thân, người dị tính, người đồng tính, người đạo gốc, người tân tòng đến tham dự Thánh lễ với một sự vui tươi, hào hứng, những người đã mất người thân yêu, những người làm tổn thương những người yêu thương họ. Đối với mỗi người và mọi người, giờ đây, Thiên Chúa đang nói một lời duy nhất, và người đọc sách là công cụ được Chúa chọn trong chính khoảnh khắc người ấy công bố: “Đó là lời Chúa”.
Chủng sinh Giuse Phạm Thanh Tú
chuyển ngữ từ America Magazine
Nguồn: giaophannhatrang.org (29.04.2023)
James M. Schellman là giám đốc điều hành Diễn đàn Bắc Mỹ về Chương trình cho người dự tòng, một mạng lưới bao gồm các thừa tác viên trong các giáo xứ và giáo phận, dấn thân phục vụ cho việc cử hành Nghi thức Khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn.