2024
TA HÃY TRỞ NÊN ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
Lễ cung hiền đền thờ Thánh Gioan Latêranô
Pl 4:10-19; Tv 112:1-2,5-6,8,9; Lc 16:9-15
TA HÃY TRỞ NÊN ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
Ta được thánh thiện hơn nên trở thành vật thánh và đền thánh. Chúng ta phải bảo toàn đền thờ của Thiên Chúa… và đồng thời phải nhớ “thành xây trên núi không thể khuất được” thì đền thờ của Chúa là thân mình chúng ta cũng phải có những hành động tốt chiếu sáng ra chung quanh cho mọi người biết có sự hiện diện của Thiên Chúa.
Mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.
Qua một số tài liệu, chúng ta biết được rằng: Đây là thánh đường đầu tiên được xây dựng sau gần 300 năm Giáo hội bị bách hại; được cung hiến ngày 9 tháng 01 năm 324 do Đức Giáo Hoàng Sylvester; mang tước hiệu là Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế vì được dâng kính cho Chúa Cứu Thế; sau này, vào thế kỷ thứ XII, vương cung thánh đường này được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan Tông đồ; là nhà thờ chính tòa của Giáo Phận Rôma có ngai tòa Đức Giáo Hoàng, có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma; là nhà thờ Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới. Qua dòng lịch sử, thánh đường Latêranô được tái thiết nhiều lần. Sau thời gian tái thiết lớn, Ngày 28 tháng 04 năm 1726, Thánh Đường Latêranô được Đức Thánh Cha Benêđitô XIII thánh hiến lại và đặt ngày 9 tháng 11 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm cung hiến như hiện nay.
Qua biến cố cung hiến đền thờ Laterano nhắc chúng ta nhớ đến ơn của Bí Tích rửa tội là tẩy rửa chúng ta khỏi sự nô lệ, ràng buộc của tội lỗi, được sống sự tự do của con cái Thiên Chúa. Bí tích rửa tội cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, trở nên con của Giáo Hội, và trở nên anh chị em với nhau. Với ý nghĩa như thế, chúng ta được mời gọi cùng nhau xum họp trong nhà Chúa, cùng chung lời tạ ơn Thiên Chúa và làm nên một dân tộc thánh thiện, một dân mới của Chúa. Vì thế, chúng ta phải ra sức sống cho xứng đáng với ơn này.
Trang Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người Do Thái rằng: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”(Ga 2,19). Người Do thái không hiểu ý Đức Giêsu, họ nghĩ rằng Ngài nói tới đền thờ vật chất, nhưng “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,31). Đúng như lời Ngài tiên báo: sau ba năm cuộc đời công khai, Ngài đã bị bắt, bị giết chết trên thập giá và ngày thứ ba Ngài đã sống lại.
Từ đó, trong các nhà thờ của Giáo hội Công Giáo được xây dựng thường có: bàn thờ là nơi dâng lễ hằng ngày, vì “thánh lễ là Hy tế Chúa Giêsu nhờ tay Linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Đức Chúa Cha như xưa chính Người đã dâng mình trên thánh giá”; nhà tạm là nơi đặt để Mình Thánh Chúa; một số nhà thờ còn có nơi đặt Lời Chúa. Như vậy, mọi đền thờ chúng ta xây dựng đều để tôn thờ Thiên Chúa. Vì vậy, nếu nhà thờ bị tục hóa, tức là sử dụng vào các mục đích khác thì không còn là nhà thờ nữa. Chính vì thế, khi thấy những người Do thái buôn bán, đổi chác trong đền thờ, Đức Giêsu đã đánh đuổi họ ra khỏi đó và tuyên bố rằng: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”(Ga 2,16).
Ngày xưa cũng như hôm nay, đền thờ hay nhà thờ luôn gắn liền với người kitô hữu. Bởi vì: Thứ nhất, những biến cố quan trọng trong cuộc đời người kitô hữu thường diễn ra tại nhà thờ. Khi mới sinh ra, chúng ta được cha mẹ bồng đến nhà thờ để lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Khi đến tuổi khôn, chúng ta được lãnh nhận các Bí tích: Giải tội, Mình Thánh Chúa, Bí tích Thêm Sức cũng tại nhà thờ. Dù lấy vợ lấy chồng hay đi tu thì việc cử hành Bí tích Hôn phối, Bí tích Truyền chức hay khấn dòng cũng thường diễn ra tại nhà thờ. Thứ hai, nhà thờ là nhà của Chúa, là nơi Chúa Giêsu Thánh Thể ngày đêm ngự nơi nhà tạm. Vì vậy, nhà thờ là nơi người kitô hữu được gặp gỡ Chúa thường xuyên qua thánh lễ, chầu Thánh thể và cầu nguyện chung sáng tối với cộng đoàn và cầu nguyện riêng, nhất là khi cảm thấy mệt mỏi cần được Chúa bổ sức, như lời Chúa mời gọi: “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến đây ta sẽ vỗ về ủi an” (Mt 11,28).
Chính vì vậy, hầu hết người kitô hữu rất yêu mến nhà thờ: Không tiếc dâng cúng công của để xây dựng hay sửa chữa nhà thờ; khi cần thiết họ quyết tâm bảo vệ và gìn giữ nhà thờ bằng mọi giá; có thái độ trang nghiêm khi tới nhà thờ …
Đền thờ vật chất có vai trò rất quan trọng đối với người kitô hữu. Thế nhưng, có một đền thờ khác quan trọng hơn, đó chính là tâm hồn mỗi người chúng ta. Bởi vì, chính tâm hồn mỗi người chúng ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16). Vì vậy, chúng ta phải tôn trọng thân xác chúng ta, xây dựng tâm hồn chúng ta xứng đáng bằng cách: xa tránh tội lỗi nhất là tội trọng; nếu lỡ may sa ngã phạm tội hãy cố gắng ăn năn thống hối và kịp thời lãnh nhận bí tích Giao hòa; ngoài ra, hãy làm nhiều việc lành phúc đức để trang hoàng đền thờ tâm hồn sạch đẹp.
Mừng lễ Cung hiến đền thờ, chúng ta không mừng ngôi đền thờ bằng gỗ, đá, nhưng chúng ta mừng vì đền thờ chính là nơi Thiên Chúa chọn để ở giữa dân Người, là nơi được dành riêng cho Thiên Chúa và từ nơi này, ân sủng của Thiên Chúa được trao ban cho con cái loài người. Tiên tri Ezekiel trong một thị kiến, ông đã được bước vào đền thờ của Thiên Chúa, một ngôi đền nguy nga, lộng lẫy và ông đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi, được tràn đầy sức sống. Dòng nước ân sủng ấy như dòng sông đem phù sa bồi đắp và làm cho mọi loài, mọi vật được tốt tươi và sinh nhiều hoa trái : trái dùng làm lương thực và lá dùng làm thuốc. Thị kiến này cho thấy ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chảy ngang qua đền thờ của Ngài để tưới giội cho tâm hồn tất cả các tín hữu, làm cho cuộc sống các tín hữu được phì nhiêu, phong phú, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi vật, mọi loài.
Trong ngày lãnh Bí tích rửa tội, đền thờ là tâm hồn và thân xác chúng ta đã được cung hiến cho Thiên Chúa, tức là dành riêng làm nơi Chúa cư ngụ. Thánh Phaolô đã nhắc điều đó : Anh em không biết rằng anh em là đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vì thế, mỗi người cần trả lại sự thánh thiêng, trong sạch cho tâm hồn bằng việc loại bỏ những gian tham, dâm ô ; lật đổ khỏi mình những nếp sống cũ là thói hư tật xấu, là lười biếng và thay vào đó là sự nhiệt thành và lòng tôn kính dành cho Thiên Chúa ngự trong đền thờ tâm hồn. Hãy làm cho đền thờ tâm hồn nên trong sạch nhờ năng thanh tẩy bởi Bí tích giải tội và trang hoàng tâm hồn bằng các nhân đức cùng những việc lành, việc bác ái hy sinh.
Gia đình là đền thánh của Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là nơi Chúa chọn để Ngài thực hiện quyền năng trao ban sự sống. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy thanh tẩy, làm mới lại gia đình của mình. Hãy làm cho gia đình luôn vang lời ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa thay vì những lời càm ràm chửi bới. Hãy làm cho gia đình thực sự trở nên thánh thiêng bất khả xâm phạm. Mỗi thành viên cần phải liên tục vun đắp và trang hoàng cho gia đình mình xứng đáng là đền thánh của Thiên Chúa. Đừng bao giờ đem vào gia đình những lối sống ô uế, những gian tham lừa lọc và cũng đừng bao giờ biến gia đình thanh nơi buôn bán, lọc lừa, gian dối nhau.
2024
Hành động khôn khéo
Hành động khôn khéo
Ðể nói về mầu nhiệm của nước Trời, Chúa Giêsu không những dùng những
hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Chúa còn dùng cả những câu
chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện,
những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Chúa Giêsu không cố ý cho các đồ đệ
bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và
khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy.
Ví dụ nơi Mt 10,16 Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các
đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24,
Chúa Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà
không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ
muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự
việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức
sẵn sàng luôn luôn.
Ðể hiểu thêm về dụ ngôn người quản lý gian ngoan này, chúng ta hãy nhớ
rằng vào thời Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản
lý tài sản cho người giầu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản
của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần
trong khoản lời kiếm được.
Do đó, trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể trên đây, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ
sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà
bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời
không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu
thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người
mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc. Ðó là thái độ khôn
ngoan của người đầy tớ bất trung. Và câu cuối cùng của dụ ngôn: “Con cái tối tăm
khôn ngoan hơn con cái sự sáng” nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Chúa
Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc,
nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao
cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu
nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa
trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán
thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn
đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ
xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết
tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc.
Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may
đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại
để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh
khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong
cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: “Ðối với những ai
yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện”.
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về
tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của
Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố
như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán,
tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý
trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo,
chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
Đức Giêsu không ca ngợi tên quản lý quỷ quyệt hỗn láo đó. Nhưng sự khôn
khéo của hắn đúng là dấu chỉ của thời đại. Hắn đã hết thời vào ngày chủ đòi hắn
tính sổ. Điều Đức Giêsu muốn rút ra bài học là sự táo bạo của hắn, khiến hắn khai
thác tối đa một ít thời giờ còn lại, đã giúp bảo đảm tương lai của hắn.
Cũng thế, môn đệ không biết khôn khéo khi Chúa đến và đòi tính sổ, các
ông phải biết tha thứ tất cả những ai mắc nợ với mình để Chúa cũng tha nợ cho các
ông. Các ông còn phải chăm sóc mọi gia nhân trong nhà chủ đã trao phó cho các
ông. “Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ về thấy nó đang làm việc chu đáo”.
Đối với những công việc ở thế giới này, những người muốn bảo đảm được
tương lai vật chất, phải tỏ ra rất khôn khéo. Họ đã khôn khéo xử đối với đồng loại
mình, nhưng lại không khôn khéo với những công việc nước trời. Trái lại con cái
ánh sáng, những người tin vào Đức Giêsu, Đấng là ánh sáng, lại không biết khôn
ngoan để bảo đảm được ơn cứu độ. Họ phải cố gắng thực hiện được sự táo bạo và
khôn khéo, và hành động khi còn thời giờ, như con cái của xã hội đen.
Áp dụng cho các đồ đệ của Chúa Giêsu, những con cái của sự sáng, Chúa
Giêsu muốn sao cho các đồ đệ của Ngài cố gắng vận dụng hết khả năng trí khôn
của mình để làm cho những nén bạc tài năng Chúa ban cho được trổ sinh những
hoa trái tốt đẹp. Những kẻ xấu, những người ác mà còn biết ra sức vận dụng hết
khả năng trí khôn của họ để làm chuyện xấu, nghịch luật Chúa, hại anh em. Trong
khi đó, tại sao những người đồ đệ đích thực của Chúa Giêsu, những con cái sự sáng
lại không dấn thân hết sức mình, không sử dụng hết khả năng trí tuệ của mình để
làm điều tốt, bổ ích cho chính mình cũng như cho anh chị em chung quanh.
Người đồ đệ đích thực của Chúa không thể nào có một thái độ ỷ lại, lười
biếng trong việc tốt và phải dấn thân tích cực hết sức lực mình. Con hãy yêu mến
Thiên Chúa hết lòng, nhưng cũng phải hết sức lực, với hết khả năng trí khôn Chúa
ban cho.
Xin Chúa thức tỉnh mỗi người chúng ta khỏi sự ù lì, lười biếng tinh thần.
Nước Chúa dành cho những kẻ mạnh, cho những ai dấn thân hết mình cho điều tốt.
Xin thương ban cho chúng ta nghị lực kiên trì trong việc tốt, đẹp lòng Chúa, bổ ích
cho anh chị em chung quanh. Xin Chúa cho chúng ta biết hăng say làm việc tốt mà
không cần phần thưởng nào khác hơn là biết chúng ta đang làm tròn ý Chúa.
2024
Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa.
Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời
Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi
ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ
luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn
các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa:
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình
ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với
đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn
chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt.
Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng
thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn
chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn
cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân
như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần
Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi
một tội nhân ăn năn hối cải.
Trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của
tình yêu đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung
vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm,
của quá khứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối
của người ấy mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn
trong tương lai.
Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để
biểu lộ một tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế,
làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không
ngăn cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng
bàn với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn
những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại
của họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện tại,
mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi
sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ có thể trở
nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành động dứt
khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một người thu thuế,
khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm môn đệ Chúa.
Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ Chúa và nghe
Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia tài của mình mà
phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những ai ông đã làm
thiệt hại.
Chúa Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy
nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những
con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người
láng giềng: “Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc”. Như thế, đối
với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho
con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào những
người bị kết án muôn đời.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một
Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót
vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm
xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
Thiên Chúa chia sẻ với mọi người, để họ nhận ra lòng thương xót vô cùng
của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Ô-sê: “Tim Ta rạo rực trong
Ta, cùng với lòng từ bi rung động … Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải là
người, Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi; Ta không đến với ngươi trong cơn thịnh
nộ”. Chính vì Thiên Chúa không vứt bỏ những tội nhân, nhưng còn cảm thấy vui
mừng lớn lao khi tha thứ cho họ, nên Đức Giêsu chăm lo cho họ và đồng bàn với
họ. Những kẻ giả hình công chính phải lo ăn năn trở về, thay vì lẩm bẩm kêu trách.
Như thế, họ sẽ không được chia sẻ sự vui mừng do lòng thương xót Chúa ban.
Dù ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội
lỗi, ăn năn sám hối trở về, Người chỉ cho thấy ai đáp lại lời kêu gọi này thì không
bị cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được vui mừng hưởng lòng thương
xót và ân phúc cứu độ của Ngài.
Qua hình ảnh vị Mục Tử nhân lành vác con chiên đã đi lạc lên vai sau khi
tìm được và niềm vui của bà chủ khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất cho chúng ta
thấy rõ ràng một Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai, không hề có ý định đóng
dấu tội lỗi trong quá khứ cho bất cứ ai, nhưng không ngừng đi tìm kiếm người tội
lỗi và mong họ trở về.
Đây là niềm tự hào và an ủi cho người Kitô hữu, bởi chúng ta được thuộc về
Thiên Chúa tình thương, đồng thời an ủi là vì mỗi người đều là tội nhân trước mặt
Thiên Chúa, nhưng được Ngài yêu thương.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết tin tưởng vào tình thương của
Thiên Chúa, can đảm quay trở về với Người để được Người yêu thương. Đồng
thời, noi gương Chúa, chúng ta không được coi thường, khinh bỉ người tội lỗi, bởi
vì thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Thế nên, xin
cho chúng ta hãy biết tha thứ và đối xử nhân hậu đối với những người tội lỗi như
chính Chúa đã đối xử nhân hậu với chúng ta.
2024
TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA
Tin Mừng hôm nay có thể được chúng ta đọc và suy niệm như là một sự
giảng dạy thêm từ phía Chúa Giêsu, vừa là một sự lĩnh hội sâu xa thêm từ phía con
người chúng ta. Mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi hãy nghiêm chỉnh dấn
thân theo Ngài với một tâm hồn đã được tự do khỏi mọi ràng buộc.
Ai không sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu thì không thể làm môn
đệ Người. Đức Giêsu vượt trên mọi sự, trên cả mối giây gia đình. Gia đình là chỗ
an toàn, ở đó người ta yêu và được yêu. Đức Giêsu không bảo họ quay về chống
đối gia đình, nhưng phải sẵn sàng phục vụ người không bị vướng mắc trở ngại gì,
dù là người thân nhất. Lòng trung thành với Đức Giêsu phải đặt lên hàng đầu, trên
cả mạng sống mình, Người đòi phải từ bỏ hoàn toàn. Do thái coi kẻ bị treo trên
thập giá là kẻ bị chúc dữ. Để nên môn đệ Đức Giêsu, phải chấp nhận bị chúc dữ
đó, từ bỏ tất cả, dù là gia đình mình, phải theo Người tới cùng; không thể hòa
hoãn; đó là giá của vinh quang.
Liền sau những lời quả quyết về điều kiện căn bản cần có để theo Ngài: “Ai
không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể làm môn đệ Tôi”, Chúa
Giêsu kể thêm hai dụ ngôn mới để nhấn mạnh thêm với các môn đệ rằng đi theo
Chúa không thể nào là một hành động nhẹ dạ, nhất thời, tùy hứng nhưng là một
hành động, một quyết định nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm sau khi đã suy
nghĩ kỹ lưỡng, giống như thể người muốn xây một ngọn tháp hay như nhà vua ra
trận. Trên con đường từ bỏ này, chúng ta không lẻ loi một mình mà chúng ta đi
theo Chúa. Có Chúa làm gương đi trước chúng ta. Và không phải chỉ làm gương đi
trước chúng ta mà Ngài còn đến với chúng ta, sống với chúng ta, kết hợp với
chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để có thể thực hiện việc hy sinh từ
bỏ. “Không Thầy chúng con không thể làm chi được”, hãy sống trong tình yêu
Thầy như cành nho kết hiệp với cây nho để trổ sinh hoa trái.
Việc từ bỏ thập giá, đau khổ và cả cái chết nữa không phải là những giá trị
riêng rẽ từ nơi chúng, mà là những phương thế để đạt đến mục đích để giúp ta trở
nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Chúa Giêsu có quyền đòi hỏi nơi mỗi người
chúng ta và muốn mỗi người chúng ta đặt Ngài vào chỗ ưu tiên, đòi hỏi chúng ta
yêu mến Ngài trên hết mọi sự và với hết sức lực của mình, trên cả tình thân gia
đình. Và chỉ khi nào chúng ta dám từ bỏ mọi cản trở để yêu mến Ngài trên hết mọi
sự, để được đồng hoá với Ngài cách trọn vẹn, thì khi đó chúng ta mới biết đặt
những sự vật và con người vào vị trí đúng, biết tôn trọng và yêu thương những sự
vật và con người một cách đúng thật trong tình yêu thánh thiện của Chúa.
Tin Mừng cho biết có rất nhiều người cùng đi với Chúa Giêsu. Tuy cùng
hướng đi trên con đường dẫn đến Giêrusalem, nhưng đám đông không mang cùng
một mục đích với Ngài. Trong khi Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để hoàn tất công
cuộc cứu chuộc qua cái chết khổ nhục trên Thập giá, thì đám đông lại tưởng rằng
Ngài lên Giêrusalem lần này để đánh đuổi ngoại xâm và tái lập vương quốc Israel.
Ðể đánh tan sự chờ đợi sai lầm này, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi những kẻ
theo Ngài hãy suy nghĩ đắn đo, tính toán kỹ lưỡng để xem có đủ nghị lực theo Ngài
hay không: Ngài đòi buộc những kẻ muốn theo Ngài, hãy để cho Ngài chiếm chỗ
đứng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha
mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi
được”.
Việc theo Chúa là một việc khó nhọc, tiêu tốn nhiều sức lực như khi xây cất
hay đánh giặc, do đó người môn đệ phải sẵn sàng dấn thân. Việc theo Chúa không
thể tính toán bao nhiêu, bao lâu, hay bằng những việc gì, nhưng là thái độ quyết
liệt, gạt ra một bên tất cả để bước theo Chúa, nghĩa là đi xây dựng Nước Trời, đi
giao chiến với sự dữ và và cái chết để được chiến thắng hiển vinh. Người đi theo
Chúa phải từ bỏ mọi của cải mình có. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là chôn dấu đi
hay sử dụng nó theo sở thích của mình, nhưng là làm ích cho người khác, nhất là
cho những người nhỏ bé, nghèo hèn.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được lòng can đảm, dứt khoát với tất cả
những gì cản trở chúng ta trên bước đường theo Chúa. Xin cho chúng ta được thực
tâm đi xây dựng Nước Trời và làm chứng tá tình yêu Chúa trước mặt mọi người.
Cần xem xét sáng suốt những khả năng của mình để biết có thể đi tới đích
không. Trước cuộc mạo hiểm như xây tháp hay trận chiến, Đức Giêsu gợi ý cần
ngồi lại suy nghĩ tính toán, phải trả giá bao nhiêu. Điều đó muốn nói rằng người ta
phải xem xét chắc chắn và cần quyết tâm với hết sức mình để tới đích. Phải có
thiện chí và đức tin giúp cho các phương tiện đạt tới đích.
Cũng cần xem xét đánh giá những khuynh hướng và tính tình của mình. Ta
có phải chiến đấu sát cánh với Đức Giêsu không? Và đòi phải có quyết định sáng
suốt sau khi đã xem xét cân nhắc tương quan về phương tiện, hoàn cảnh và thiện
chí của mình.
Nhiều người không thể làm môn đệ của Người vì không sẵn sàng từ bỏ
những mối giây ràng buộc và của cải để theo Người. Tuy nhiên, tất cả mọi người
đều được kêu gọi trở về với Người, người ta có thể theo Người bằng nhiều cách
khác nhau. Cách làm môn đệ đòi hỏi rất gắt gao và muốn được chọn, cần chính
mình phải thực hiện lời khuyên trước và phải cân nhắc cẩn thận những điều thuận
nghịch. Tốt hơn đừng thử đi theo rồi lại từ chối giữa đường.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng theo Chúa trong vai trò là
người môn đệ. Tức là từ bỏ mọi sự, kể cả thứ tình cảm riêng tư, và ngay cả bản
thân của mình để theo Chúa cho trọn vẹn…
Sống siêu thoát là giúp mình khỏi vướng bận vào của cải trần gian để tâm
hồn được thanh thản hầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng được tốt hơn.
Sẵn sàng vác thập giá của mình cách yêu mến, chứ không chỉ tôn thờ thánh
giá của Chúa mà thôi. Luôn chu toàn bổn phận hằng ngày cách trung thành. Tránh
tình trạng vác thập giá cả làng nhưng thập giá của mình thì lại đè đầu cưỡi cổ
người khác và bắt họ vác thay. Bởi vì chính Đức Giêsu đã cứu chuộc chúng ta
bằng thập giá, vì thế, đời môn đệ mà thiếu vắng thập giá, thì hẳn sẽ mất hương vị
và không phải cuộc sống của chúng ta.