2024
MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA
14.11 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
Tv 146:7,8-9,9-10; Lc 17:20-25
MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA
Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: “Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.
Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.
Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ đóng kín, câm lặng, chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về nước Chúa đã đến vì Người nhờ ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ, và lời Người đang sưởi nóng con tim của những kẻ khốn cùng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.
Khi trả lời những kẻ không tin, Đức Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Đức Giêsu đã đến phục hưng lại nước Thiên Chúa và Người phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Người đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.
Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.
Con Người đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử, bom khinh khí và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống loài người và luôn luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.
Trước khi biến cố này xảy đến, Đức Giêsu phải chịu xỉ vả, hạ nhục, phản bội bởi thế hệ này và các thế hệ kế tiếp. Tình yêu chắc chắn chiến thắng. Nhưng trước khi chiến thắng hận thù và chia rẽ, Người phải hành động để thuyết phục chứ không dùng bạo lực. Giáo hội cũng phải chịu khổ nhục một thời và các Kitô hữu phải biết kiên trì giữ vững đức tin luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Con Người đến.
Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.
Ngày xưa, người Do thái đương thời với Đức Giêsu cũng luôn mong đợi một Đấng Thiên Sai oai phong lẫm liệt, Ngài đến để thiết lập một triều đại hùng cường, mở mang bờ cõi và đem lại cho dân tộc họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo kiểu bề ngoài.
Niềm hy vọng như thế đã làm chủ suy nghĩ của họ, nên khi Đức Giêsu đến, họ không nhận ra Ngài và khước từ những đặc tính của Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo. Nguyên nhân sâu xa chính là lòng dạ sắt đá của họ. Sự cứng lòng tin đã làm cho tâm hồn họ trở nên u tối, mê muội, nên khó chấp nhận ánh sáng là chính Đức Giêsu. Vì thế, họ đã đang tay giết luôn cả Đấng mang Nước Trời đến cho mình.
Vì biết rõ tâm hồn họ, nên Đức Giêsu đã mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến”. Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo ở đây không thể hiểu theo nghĩa vật lý, tức là mắt thấy, tay sờ được… Nhưng Nước Trời ở đây là chính Ngài. Thực hành những lời Đức Giêsu dạy chính là đi vào mối tương quan thân tình với Ngài và được ở trong Ngài. Sống lời Ngài dạy và đem ra thực hành chính là làm cho Nước ấy được lan rộng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta muốn được nhận ra Chúa thực sự thì phải trở nên nhỏ bé, khiêm nhường. Cần phải lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới với những suy nghĩ và hy vọng mới theo tinh thần Tin Mừng thì mới có thể gặp được Nước Trời.
2024
LÒNG BIẾT ƠN
13.11 Thánh Frances Xavier Cabrini, Đt
St 3:1-7; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Lc 17:11-19
LÒNG BIẾT ƠN
Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong Thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa, đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.
Thánh Frances sinh ở Lombardi, nước Ý vào năm 1850, trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó, thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng Chín 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.
Khi đức giám mục đóng cửa Cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo và bảy phụ nữ khác làm việc ở Cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.
Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.
Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước, căn nhà được hứa để làm Cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức tổng và tự tay gầy dựng Cô nhi viện. Và ngài đã thành công.
Trong 35 năm, Thánh Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý cho người lớn.
Cho đến ngày ngài qua đời ở Chicago, tiểu bang Illinois ngày 22.12.1917, tu hội của ngài đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.
Vào năm 1946, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong Hiển thánh và đặt làm quan thầy của người di dân.
Lòng biết ơn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự. Biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp của con người đối với Đấng Tạo Hoá. Vì Ngài đã ban muôn vàn phúc lộc cho chúng ta: từ không khí để ta hít thở, mặt trời để soi sáng ta, cho nước để ta uống, cho muôn loài muôn vật để ta sử dụng và làm thức ăn. Ngài luôn quan phòng, giữ gìn ta trong mọi nơi, mọi lúc… Thiên Chúa còn ban cho ta biết bao điều cao cả qua cha mẹ, qua anh chị, qua thầy cô, qua bạn hữu, qua tất cả những người đã giúp đỡ và làm ơn cho ta… Thể hiện lòng biết ơn là một nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống con người.
Tạ ơn là tâm tình của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, và của các tông đồ, tâm tình đó đã lấp đầy những trang Tin Mừng.
Chúa Giêsu luôn là mẫu mực của lòng tri ân. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một bài ca tạ ơn liên lỉ dâng lên Thiên Chúa: Ngài tạ ơn Chúa Cha trước khi hồi sinh Ladarô, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài đã cầm bánh và rượu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu rất coi trọng lòng biết ơn trong cuộc sống của con người.
Hôm nay, Thánh Luca nhắc cho ta nhớ lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong hủi, tất cả đều được khỏi bệnh. Nhưng chỉ có một người đến tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Chúa Giêsu không khỏi buồn lòng trước sự vô ơn của con người, nên Ngài đã thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”? (Lc 17, 17-18).
Lời kinh “Magnificat” là lời tạ ơn trọn hảo của Đức Maria dâng lên Thiên Chúa. Đây cũng là lời kinh ca ngợi đẹp lòng Thiên Chúa “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…” (Lc 1, 47-56).
Trong các thư của Thánh Phaolô, thánh nhân cũng nhấn mạnh đến lời tạ ơn. Hơn nữa, ngài luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Ngài nói: “Tôi luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa” (Plm 1, 4). Ngài còn nhắc nhở mọi người “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn” (1 Tx 5, 18).
“Cảm ơn” là tỏ lòng biết ơn với người đã làm điều tốt cho mình. Mỗi khi ta nhận được một ơn huệ gì, thì ta phải biết tạ ơn Chúa và cảm ơn những người làm ơn cho ta. “Cảm ơn” ấy là hai từ mà ta vẫn nói hàng ngày. “Cảm ơn”, lời nói cửa miệng tưởng như có thể nói với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, nhưng nhiều khi ta không biết nói lời cảm ơn.
Trong câu chuyện Lamartine đã kể lại một giấc mơ có nội dung như sau: lần kia có người thợ giày đến nói với ông: “Từ nay xin ông tự đóng lấy giày mà đi”. Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với ông: “Tôi nghĩ đã đến lúc ông hãy tự làm bánh mì mà ăn”. Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ ông hãy nuôi heo giết lấy thịt mà ăn”. Ngay cả người giúp việc cho ông cũng thưa: “Từ nay xin ông tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”.
Khi ông hỏi lý do thì mọi người đều nói, vì ông đã nhận được rất nhiều điều mọi người đã phục vụ ông, mà không bao giờ ông biết nói lời “cảm ơn”. Lamartine sợ toát mồ hôi và kêu lên: “Trời ơi! Nếu mọi người đều nghỉ việc thì tôi chết mất”. Chính lúc đó ông tỉnh giấc, sực nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao, ông vô cùng mừng rỡ. Dù sao giấc mơ cũng là một lời nhắc nhở cho ông rằng, tất cả những điều ông nhận được đều là “hồng ân”, tất cả mọi người đều là “ân nhân” của ông. Ông đã mắc mợ mọi người. Ông đã hiểu ra rằng “người không biết cảm ơn thì không đáng được nhận ơn”. Vì vậy, ông luôn phải biết cảm ơn mọi người về những gì họ đã làm cho ông.
Trong xã hội ngày nay, con số những người biết ơn Chúa, tôn thờ Chúa, vẫn còn là một con số rất khiêm tốn. Còn những kẻ vô ơn thì nhiều vô kể. Chúa luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Thế mà con người ngày càng kiêu ngạo, vô ơn đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Hỏi rằng trong chúng ta có mấy người biết cảm tạ Chúa và cảm ơn anh em? Biết bao nhiêu lần chúng ta than vãn, kêu la, trách móc hết việc này đến việc khác, hết người này đến người kia, Hơn thế nữa, nhiều người còn oán trách cả Thiên Chúa. Vậy, Lời Chúa hôm nay dạy mỗi người chúng ta hãy biết nói lời cảm ơn từ những chuyện nhỏ nhất, bởi vì chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho ta qua vũ trụ vạn vật, qua mọi người trên trái đất này và nhất là qua những người thân cận, những người xung quanh ta.
2024
ĐỊNH HƯỚNG CUỘC SỐNG
12.11 Thánh Josaphat, Gmtđ
St 2:1-8,11-14; Tv 37:3-4,18,23,27,29; Lc 17:7-10
ĐỊNH HƯỚNG CUỘC SỐNG
Thánh Josaphát sinh khoảng năm 1580, tại Ucraina, trong một gia đình theo Chính thống giáo. Cha mẹ làm nghề buôn bán. Vì bận công việc, hai ông bà ít có thời giờ chăm lo giáo dục và huấn luyện lòng đạo đức cho con. Nhưng bù lại, Josaphát đã được hưởng một sự giáo dục đầy đủ về cả trí lẫn tâm, nhờ tiếp xúc gặp gỡ thường xuyên với một linh mục, có lòng đạo đức, nhờ đó Josaphát đã sớm gắn bó với Giáo Hội Chính thống Ucraina, theo nghi lễ Xilavônia hiệp nhất với Rôma. Ngay từ thơ ấu, Josaphát đã hấp thụ nơi linh mục này tinh thần cầu nguyện và hăng hái làm việc tông đồ. Nhiều lần sau khi đi học về, cậu Josaphát thường mang ảnh Chuộc tội ra đứng ở nơi công cộng và rao giảng như một “ông cụ non” về sự thương khó của Chúa Giêsu. Ban đầu nhiều người cho cậu bé là kỳ dị, nhưng dần dà họ như bị thôi miên bởi vẻ mặt rạng rỡ và giọng nói đầy cảm động của Josaphát đến nỗi nhiều người đã bỏ cả công việc để đến nghe thuyết giảng. Đúng là một tông đồ miệng còn hơi sữa!
Năm lên mười bảy tuổi, Josaphát nghe như có tiếng gọi dấn thân phục vụ Chúa đắc lực hơn, nên đã mạnh dạn ngỏ ý xin cha mẹ cho vào tu ở một đan viện. Nhưng ông bà thân sinh vốn ham mê công việc buôn bán, lại muốn con lập gia đình để có người nối dõi tông đường, nên đã cương quyết từ chối ý định của con nhưng sau vì thấy Josaphát một mực từ chối đời sống hôn nhân, nên hai ông bà thân sinh bằng lòng cho con tự do đi theo tiếng Chúa gọi.
Josaphát xin vào đan viện thánh Basiliô ở Vilna, với ý hướng dâng hiến cuộc đời cùng với những hy sinh, phạt xác theo nếp sống đan tu đề cầu nguyện cho Giáo Hội. Những tưởng được an tâm để theo đuổi nguyện vọng, ai ngờ thầy lại gặp cảnh trớ trêu: Đan viện nơi thầy Josaphát ở đã mất sự hiệp nhất từ trong nội bộ. Bề trên của đan viện có khuynh hướng ngả theo phe ly khai, kéo theo một số thầy. Thế là nhà dòng đâm ra chia rẽ, kẻ theo Bề trên, người theo thầy Josaphát, khiến thầy mấy lần bị những người thuộc phe đối nghịch làm khó dễ . Phân vân trước hai ngã đường: Phải trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô hay vâng phục Bề trên? Sau những ngày cầu nguyện và suy nghĩ, thầy Josaphát đã quyết định không đứng về phe ly khai. Thầy mạnh dạn lên tiếng: “Trong trường hợp Bề trên công khai làm trái luật Chúa và Giáo Hội, không ai được phép vâng theo!” Ít lâu sau câu chuyện lục đục này của nhà dòng tới tai Đức Giám mục giáo phận, ngài liền cách chức vị Bề trên ấy, sai đi một nơi hẻo lánh để hồi tâm và đặt thầy Josaphát lên làm Bề trên thay thế.
Sau hai năm trong cương vị Bề trên đan viện, thầy Josaphát được thụ phong linh mục. Ngày đêm cha hăng hái lao mình vào việc củng cố sự hiệp nhất trong nội bộ đan viện và trong Giáo Hội Ucraina đã hiệp nhất với Rôma, kêu gọi những anh em ly khai trở về với Giáo Hội mẹ. Ngài cũng hết tâm chăm lo cho những người nghèo khổ có nơi ăn chốn ở . Người thời bấy giờ quen gọi ngài là “Cha của những người khốn khổ”. Năm 1617, ngài được phong làm Tổng Giám mục
Vì nhiệt tâm tông đồ, năm 1623, Đức Giám mục Josaphát lên đường đi Vitebsk để viếng thăm, ủy lạo và cổ vũ tinh thần hiệp nhất của các tín hữu nơi đây. Những thành công hoạt động tông đồ của vị Giám mục vừa mạnh mẽ vừa nhân hậu này đã khiến những người đối nghịch gọi ngài là “tên bắt cóc các linh hồn”. Họ để lòng thù ghét và thừa dịp ngài đến viếng thăm Vitebsk, họ đã hạ sát ngài ở đây.
Đúng như ngài đã linh cảm trước khi lên đường và khi ấy ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, con biết những kẻ thù nghịch của Chúa sẽ giết con; nhưng con sẵn sàng hiến dâng mạng sống con cho Chúa. Con chỉ xin Chúa một điều là cho họ được ơn trở về với Hội Thánh Chúa”.
Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1867 với tước hiệu” Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội”. Ngài là vị thánh Ðông phương đầu tiên được phong tước hiệu quí hóa này.
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: “Tất cả vì vinh quang Chúa”.
“Tất cả vì vinh quang Chúa”, đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi”. Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
2024
Sống Là Liên Ðới
11.11 Thánh Martinô thành Tours, Tiến Sĩ
St 1:1-9; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 17:1-6
Sống Là Liên Ðới
Trong tác phẩm “Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời”, xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình.
Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học không được làm gương xấu, xúi dục hay nên cớ cho người khác phạm tội bằng bất cứ hình thức nào. Vì đời sống của chúng ta ảnh hưởng đến anh chị em xung quanh.
Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đã lên án gắt gao với các Luật sĩ, biệt phái: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”. Các luật sĩ, biệt phái sống cuộc sống hai mặt: Họ dạy người khác giáo lý về Thiên Chúa, nhưng chính họ lại không thực hành điều đúng đắn và phải làm. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho những người xung quanh, những người thuộc quyền, mà đáng lý ra họ phải là những người đầu tiên làm gương tốt.
Chúa Giêsu lên án những kẻ làm gương xấu: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu.” Gương xấu dễ lây lan ra nhanh như đại dịch, gương xấu ảnh hưởng những người xung quanh, vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Ngày nay chúng ta dễ nhận ra trong thế giới văn minh tiến bộ giúp con người sống đầy đủ tiện nghi, mọi phương tiện sống rất thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích, cuộc sống con người thoải mái hơn. Song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: con người đã lạm dụng tự do, kinh tế thị trường lôi cuốn con người chạy theo cách làm ăn phi pháp, gian dối, tham nhũng, lừa đảo; con người lạm dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, để sống hưởng thụ, thỏa mãn các đam mê…
Trong xã hội, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Chẳng hạn, phương tiện truyền thông khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ – đã không tự làm chủ được bản thân mình, mà sống một cách buông thả theo lối sống phương Tây. Môi trường giáo dục còn khiếm khuyết trong việc giảng dạy, đặc biệt về thi cử. Trong gia đình, đạo đức gia phong, đời sống tôn giáo xuống cấp trầm trọng, vì cha mẹ chỉ lo làm ăn buôn bán, không dạy dỗ con cái nên người hữu ích; cha mẹ làm ăn gian dối, đã gây tổn hại nặng nề cho con cái của họ sau này.
Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc những kẻ làm gương xấu, vì đó là tiếp tay với ma quỉ: “vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.”
Gương xấu là thái độ và thói xấu có ở nơi chúng ta, hoặc do chính chúng ta bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Làm thế nào để diệt trừ các thói xấu?
Về gương mù gương xấu, hôm nay phải đặt cho chúng ta câu hỏi: Bằng cách nào tôi có thể thống nhất cuộc sống của mình? Bằng cách nào để cuộc sống của tôi được nhất quán, được hợp nhất với Tin Mừng, được liên kết mật thiết với Chúa?
Trước hết, chúng ta phải tận diệt gương xấu, nhưng nhớ rằng tận diệt nó không giống như làm cỏ phải nhổ tận gốc. Gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn.
Kinh nghiệm của các nhà Tu đức dạy rằng: Hãy tập luyện những nhân đức đối lập để tẩy trừ các thói xấu. Ví dụ: thói kiêu căng chỉ tiêu diệt được bằng tập sống khiêm nhường.
ĐTC Phanxicô dạy chúng ta phương pháp sống thiêng liêng bằng cách biện phân ơn gọi, nghĩa là biết phân định điều xấu, điều dữ phải loại trừ hoặc xa tránh, còn điều tốt đẹp hãy giữ, hãy làm.
Mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.
Kế đến, chúng ta hãy làm gương tốt cho mọi người xung quanh. Cha mẹ muốn làm gương tốt cho con cái, cho những người xung quanh, thì bản thân chúng ta phải cố gắng sống tốt, làm tốt, đặc biệt sống tốt lành thánh thiện, để làm gương sáng cho người khác, vì “Lời nói như gió lung lay. Gương bày như tay lôi kéo” – “Cha mẹ hiền lành, để đức cho con” là vậy!
Cuối cùng, chúng ta muốn làm gương tốt, loại trừ gương xấu, hãy bắt chước mẫu gương duy nhất là Giêsu Kitô. Chỉ sống theo phúc Âm, sống theo tinh thần luật của Chúa Giêsu và theo gương Ngài mới giúp chúng ta nên hoàn thiện, và bảo đảm dẫn chúng ta tới được nguồn Chân Thiên Mỹ đích thực là Chúa Cha.
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.