2020
Tin vào Đức Kitô
21.4
TIN VÀO ĐỨC KITÔ
Ga 3, 7-15
Ông Nicôđêmô, trong trình thuật Tin mừng hôm nay, đã tìm đến với Chúa Giêsu với một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng và khao khát chân lý. Chúa Giêsu đã không phụ tấm lòng chân thành của ông khi Ngài hé mở cho ông thấy một phần những thực tại Nước Trời. Có đặt mình vào vị trí của Nicôđêmô, ta mới thấy rõ tâm hồn ông đẹp như thế nào! Đường đường là một bậc thầy trong dân, ông lén lút đến gặp Chúa Giêsu – một người thua kém ông xa về địa vị xã hội – để được “thụ giáo”.
Đã vậy, Người này trong khi giảng giải lại hay thêm vào những câu khó nghe đại loại như: “Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao?” (Ga 3,10) Đó là chưa kể những hệ luỵ tồi tệ sẽ xảy đến nếu như cuộc gặp gỡ này bị phanh phui.
Ngày xưa, dân Israel trong sa mạc khi bị rắn độc cắn họ chẳng thể tìm ra phương cách nào để chữa trị. Chính Đức Chúa đã cứu chữa họ, Ngài truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng và treo lên để ai bị rắn cắn nhìn lên con rắn đồng ấy sẽ được cứu sống. Ngày nay, mỗi người sau khi sa ngã phạm tội, chẳng thể nào tự mình đứng lên được nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Thiên Chúa giàu lòng xót thương, luôn mời gọi chúng ta nhìn lên Thánh Giá để cảm nhận được tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, từ đó, Ngài kêu gọi những ai đang sống trong tội lỗi, hãy ăn năn sám hối trở về để được hưởng ơn cứu độ.
Qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc (Ds 21, 4-9), để mạc khải Người là Đấng Cứu Độ trần gian cũng phải được gương cao trên cây thập giá, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Quả thế, sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, con người bị cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa và phải chết. Nhưng vì yêu thương con người, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người chịu khổ nạn, chịu chết trên thập giá và phục sinh để đưa con người trở lại hiệp thông với Thiên Chúa và được sống hạnh phúc muôn đời.
Chúa Giêsu nhắc nhớ ta về sự sống trên cao và đòi buộc ta phải được tái sinh vào đời sống ấy. Một trong dấu chỉ cho thấy ta thuộc về cộng đoàn những con người được tái sinh vào đời sống mới đó là ta biết quảng đại chia sẻ vật chất với những người nghèo và tâm hồn không quá nặng nề về vật chất mà phải biết để mọi sự làm của chung như cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi đã làm, chứ không giành giật tất cả vào lòng mình (Cv 4, 32-37).
Sự chân thành của Nicôđêmô làm ta nhớ lại trình thuật truyền tin cho Đức Maria. Đứng trước một tin động trời là mình sẽ có thai, Đức Maria đã đơn sơ hỏi sứ thần Gabriel rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1, 34) Và với tâm hồn chân thành đó, sứ thần đã giảng giải cho Đức Maria biết mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Cũng vậy, nếu lòng ta thực sự khát khao chân lý, Chúa sẽ chẳng để ta phải thất vọng bao giờ.
Đức Kitô phục sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo, là nguyên lý sống còncủa Giáo hội Chúa Kitô. Phủ nhận sự kiện Đức Kitô phục sinh không những sẽ làm cho tòa nhà Giáo hội lung lay, mà còn phá hủy tận gốc đức tin và niềm hy vọng được sống đời đời của người Công giáo và Kitô giáo. Nếu Đức Kitô không sống lại thì toàn bộ giáo lý của Ngài, những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, những phép lạ Ngài thực hiện, nói chung tất cả cuộc đời của Ngài, công cuộc nhập thể và cứu chuộc của Ngài đều trở thành vô nghĩa và dối trá!
Trong thư thứ nhất của ngài, thánh Phêrô viết : “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1, 3-4).
Tin vào Chúa Giêsu là gì nếu không phải là thực hành những điều Ngài truyền dạy trong cuộc sống yêu thương vô vị lợi, chấp nhận hy hiến bản thân mình vì tình yêu, nhờ Thần Khí hướng dẫn. Bởi vì không có tình yêu đích thực nếu không có hy sinh. Ai mong muốn hưởng hoa thơm trái ngọt của tình yêu mà không chấp nhận hy sinh, thì đó chỉ là sự mong muốn ảo tưởng và hão huyền của lòng ích kỷ. Và Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã dạy: “Không có tình yêu nào cao quí bằng tình yêu của kẻ hiến mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13)
Vâng, để được tái sinh con người cần phải tin vào Đức Kitô, chấp nhận hy hiến bản thân, từ bỏ chính mình, chết đi cho tội lỗi và những thói hư tật xấu; như hạt giống gieo vào lòng đất, chấp nhận sự mục nát , thối rữa để làm phát sinh mầm sống mới, sống một cuộc đời mới, đơm hoa thơm, kết trái ngọt làm phong phú đất trời đem lại sự sống cho cuộc đời. (Ga 12, 24)
“Tin vào Đức Giêsu”, không đơn giản chỉ là một lời khuyên, nhưng là một sự cần thiết để có được “sự sống đời đời”. Thế nên, chúng ta có thể hiểu được tại sao điệp khúc: “Ai tin vào người Con thì được sống” cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan, nhất là từ chương III trở đi. Vì quả thật, đó là điều quan trọng nhất của Tin Mừng, như lời ngài viết: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).
Hành trình đức tin chúng ta luôn là như vậy. Chúng ta cũng vượt qua bóng tối của sự chết đến ánh sáng. Nhưng khi đã có ánh sáng rồi, liệu chúng ta có đức tin không? Thánh Bernard de Clairvaux nói rằng “đó vẫn là một cái bóng nhưng nó có lợi”. Đối với con mắt chúng ta, một ánh sáng quá chói sẽ làm chúng ta có thể bị mù như thể chúng ta đột ngột đi từ một nơi rất tối đến một nơi khác quá sáng.
Như Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cùng chết với Đức Kitô để được cùng sống lại với Người. Xin Thần Khí tình yêu và sự bình an của Đức Kitô Phục sinh ở cùng mỗi người chúng ta, dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống mới của người con cái Chúa.
2020
Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ ĐÓN NHẬN ƠN TÁI SINH
Ta thấy Thánh Kinh không bao giờ nói rằng Adam và Eve đã cắn một miếng táo để rồi bị Chúa phạt. Chúa nào vớ vẩn khi phạt chuyện con người lỡ ăn miếng táo. Nếu nhìn như vậy thì con người tầm thường hóa lòng thương xót của Chúa và “đề cao” sự ích kỷ của Thiên Chúa.
Trái cây mà họ đã ăn từ cây biết điều thiện và điều ác không bao giờ được xác định trong Kinh Thánh. Qua nhiều thế kỷ, các họa sĩ đã đơn thuần dùng trái táo do thói quen và truyền thống. Trái cấm mà ông bà nguyên tổ đã ăn không liên quan gì đến loại trái cây nào. Vấn đề ở đây là Ađam và Eve đã không vâng lời Thiên Chúa.
Tội nguyên tổ là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả tội đầu tiên của cha mẹ đầu tiên của chúng ta. Là những con người đầu tiên của nhân loại, tội của họ gây ra không chỉ cho họ, nhưng còn cho con cháu họ. Nó được gọi là “nguyên tổ” bởi nó là tội đầu tiên mà con người phạm phải. Đó là tội bởi là một hành động cố tình và và tự do chống lại ý định của Thiên Chúa.
Hậu quả của tội nguyên tổ rất nghiêm trọng. Trong lãnh vực thiêng liêng, tội của họ cũng được truyền đến đời con cháu để rồi ta phải nhận lấy tội của họ như chúng ta phải nhận hệ gen của chúng ta.
Với chúng ta, tội nguyên tổ không phải là việc chúng ta phạm tội trong khi chúng ta ở trong dạ mẹ của chúng ta. Đúng hơn, nói điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhận một khuynh hướng nghiêng chiều về tội. Khi bạn được sinh ra, bạn không có những bệnh sơ sinh như bệnh sởi hay bệnh thủy đậu, nhưng chúng ta được sinh ra với tình trạng dễ bị tổn thương và nhạy cảm với những bệnh hiểm nghèo. Khi cha mẹ của bạn đưa chúng ta đến bác sĩ nhi khoa, bác sĩ đã tiêm vắc-xin cho bạn, những thứ vắcxin ấy giúp cơ thể bạn chống lại những bệnh đó mỗi khi bạn bị chúng đó tấn công.
Tội nguyên tổ giống như người được sinh ra mà không có khả năng chống cự cám dỗ. Khi Chúa tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên, Ngài đã phú cho họ ơn thánh hóa, vốn giúp con người nên thánh thiện. Dẫu rằng ơn thánh hóa không làm cho bạn sạch tội, nhưng ơn thánh hóa giúp bạn mạnh mẽ trong tâm hồn để có thể chiến đấu các cám dỗ phạm tội và điều xấu.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Chúa Giêsu, nghĩa là Nước Thiên Chúa, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho người tín hữu chúng ta được tái tạo và được phục hồi phẩm giá của mình, từ tình trạng tội lỗi, nô lệ ma quỉ, và phải chết đời đời, sang tình trạng của ơn sủng. Nay, nhờ được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua mầu nhiệm chịu chết và sống lại, được đón nhận sự sống của Chúa Thánh Thần, và đặc biệt, được trở thành con cái của Thiên Chúa, và được gia nhập vào Hội Thánh Chúa.
Sinh ra bởi ơn trên nghĩa là, đến lúc nào đó trong đời, chúng ta phải hiểu rằng sự sống của chúng ta đến từ bên ngoài thế giới này, từ một nơi và một nguồn nằm ngoài dạ mẹ, và ở đó có sự sống thâm sâu hơn cũng như ý nghĩa thâm sâu hơn. Và thế là chúng ta phải có hai lần sinh ra, một lần cho chúng ta sự sống sinh học (sinh ra trong thế giới này) và một lần cho chúng ta sự sống cánh chung (sinh ra chúng ta trong thế giới của đức tin, linh hồn, tình yêu, và thần khí).
Trang Tin Mừng hôm nay ta thấy Chúa Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu bảo ông “phải được sinh ra bởi ơn trên”. Nicôđêmô hiểu theo nghĩa đen và ông phản đối, một người trưởng thành không thể nào chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa. Thế nên, Chúa nói lại câu này theo ẩn dụ, cho Nicôđêmô biết rằng lần tái sinh của một người thì không như lần đầu, không phải bởi xác thịt, nhưng là “bởi nước và Thần Khí”. .
Ơn tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, giúp chúng ta được sống một đời sống mới. Bởi thế, chúng ta phải triệt để sống xứng đáng với ơn làm con cái Chúa, phải xa lánh tội lỗi, từ bỏ nết xấu, chiều theo những đam mê bất chính; vì những điều đó dễ làm chúng ta đánh mất ơn làm con cái Chúa. Hãy luôn sống như con cái của sự sáng.
Và rồi dưới sự tác động của Thánh Thần, chính Lời Chúa và Mình Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ của Chúa, mới có thể tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình mới của Chúa : “Các ông cần phải được, Đức Giê-su nói, sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. Bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới.
Vì được tái sinh bởi “nước và Thánh Thần”, nghĩa là trong chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động. Vì thế, chúng ta luôn luôn giữ vững ơn nghĩa của Chúa, biết vâng phục ơn Chúa Thánh Thần soi sáng qua tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, sống theo chân lý, sống theo sự thật.
Tâm tình của Cha Tiến Lộc thật dễ thương : Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh …
Ai nào đó chưa biến đổi cuộc đời mình, ai nào đó chưa nảy sinh tình đệ huynh đồng nghĩa rằng họ đã chưa gặp Đức Kitô trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta nhìn lại cung cách sống của chúng ta để chúng ta nhìn chúng ta có gặp Chúa thật hay không ? Lời đáp trả là của mỗi người chúng ta.
2020
Lời trách mắng dễ thương
Yêu ai thì ta hay trách người đó !
Vâng ! Thường thì vậy ! Hễ người ta còn yêu ai đó thì người ta trách người mình yêu. Đáng sợ nhất là khi người ta im lặng. Im lặng với đồng nghĩa là chấm hết để rồi còn trách là còn yêu.
Khi ta sống chung, sống gần và sống với ai đó mà người ta phản ứng bằng cách im lặng và không nói lời nào là ta đủ hiểu tâm trạng cũng như tâm tình của người đó. Như hai vợ chồng, khi còn yêu còn thương là người ta còn đối thoại và thậm chí còn tranh luận cũng như trách móc nhau. Khi tình yêu đã cạn thì có đánh họ cũng chả khai có hành hạ thì họ cũng không thèm nói. Thái độ im lặng mới là thái độ đáng sợ nhất trong cuộc đời con người.
Nhìn vào tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ thì ta thấy tương quan rất khác. Dù các môn đệ bỏ Thầy, chối Thầy nhưng Thầy không bao giờ bỏ các môn đệ của Thầy để rồi ta thấy Chúa không im lặng với các môn đệ. Ta thấy các môn đệ rơi vào cảnh ngộ bị trách yêu : “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”.
Cũng dễ hiểu thôi ! Niềm tin vào một con người đã chết và vùi trong huyệt mộ mà sống lại xem ra là chuyện hão huyền và chuyện không bao giờ có trong cuộc đời. Các môn đệ kém tin và cứng tin là chuyện rất bình thường. Và từ trước đến giờ chưa nghe nói đến chết sống lại chứ đừng nói đến chuyện thấy.
Điều ta thấy nơi các môn đệ rất dễ thương đó là sau những lần trách móc đó, các ông dường như không lẫy cũng chẳng hờn. Gần nhất đó chính là tông đồ trưởng Phêrô. Phêrô đã bị trách, bị mắng xối xả : “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy … Gà chưa gáy 2 lần thì anh đã chối Thầy 3 lần …” Rồi khi thương Thầy, muốn bảo vệ sinh mạng Thầy thì Phêrô lấy gươm quất ngay tên đầy tớ và tưởng được khen nhưng lại nhận được thái độ không ủng hộ từ phía Thầy.
Nếu như tự ái cũng như tự cao tự đại, có lẽ Phêrô là người bỏ Thầy đi từ lâu lắm rồi, từ cái lúc mà bị nguyền rủa là Satan chứ không đợi đến lúc chối Thầy ở vườn Dầu. Ta lại bắt gặp được tình thương của Phêrô dành cho Thầy sao mà mãnh liệt quá, sao mà nồng nàn quá.
Con người, ai ai trong thân phận làm người, ắt hẳn không tránh khỏi những lúc con tim mềm yếu. Mềm thì mềm thật nhưng yếu chắc chắn là không bởi lẽ sau khi tin nhận Thầy đã sống lại thật thì các tông đồ và nhất là Phêrô đã không ngần ngại thí mạng vì Thầy. Thí mạng đến đỉnh điểm của Phêrô như mọi người đều nghe tương truyền lại là Ngài xin được đóng đinh ngược với Thầy vì không xứng đáng với tình thương của Thầy dành cho mình.
Và, tưởng nghĩ nếu nhu ngày hôm nay, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng nghe những lời mắng yêu như Thầy đã mắng các môn đệ xưa. Đơn giản là lòng tin của ta vào Chúa Giêsu cũng chả hơn gì các môn đệ và còn thậm chí tệ hơn các môn đệ nữa.
Nhìn vào thực trạng của cuộc sống, không ít Kitô hữu và ngay cả bản thân ta, nhiều lần nhiều lúc ta cũng chẳng để cho Đức Kitô Phục Sinh sống trong đời mình. Ta cũng sẽ chẳng bao giờ dại để đi nói với mọi người rằng tôi không tin Chúa nhưng chính trong cung cách sống và nhất là hành động của ta, tất cả đã nói lên niềm tin của chúng ta.
Đời ta, có khi bị thử thách một chút xíu là ta tìm đủ mọi cách để thoát ra cái khó khăn đó bằng cách chạy theo ma thuật, chạy theo bói toán thay vì đến với Chúa. Hoặc có khi ta đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời bằng thái độ kém tin hay bất tín với Chúa. Có người, chỉ vì vài lý do đơn giản mà cũng chả đâu ra đâu nhưng cũng đã quay lưng với Chúa.
Thái độ sống của chúng ta quá bám víu vào quyền lực, vào danh vọng, về vật chất cũng đủ tố cáo chúng ta về hành vi kém tin vào Chúa hay nói đúng hơn là minh chứng cho chúng ta thờ của cải vật chất và loại trừ Chúa. Mỗi người chúng ta tự kiểm điểm được niềm tin của ta vào Chúa chứ không cần ai khác.
Ngày hôm nay, Chúa cũng trách chúng ta để rồi chúng ta nhìn lại niềm tin cũng như thái độ sống của chúng ta.
Cứ nhìn lại cuộc đời, nhiều lúc người khác bị sóng gió ba đào còn hơn cả chúng ta nhưng họ không hề than thân trách phận. Còn ta, chỉ một chút xíu thôi là ta đã la toáng lễn cũng như không còn tin vào Chúa nữa.
Trong những ngày gần cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh, niềm tin vào Chúa lại được gợi lên cho mỗi người chúng ta. Đặc biệt trong mùa đại dịch này, nhà nhà, người người đang phải đối diện với những khó khăn ngay trước mắt chúng ta thì chúng ta trả lời với Chúa như thế nào về niềm tin của chúng ta vào Chúa.
Chúa còn yêu nên Chúa còn trách và ngược lại, khi còn được trách là khi đó ta thấy mình còn được Chúa yêu. Hãy can đảm, hãy mạnh dạn như các tông đồ xưa và nhất là Phêrô, ta hãy mạnh dạn và can đảm làm chứng về Chúa và cho Chúa.
Gương mẫu mà chúng ta bắt gặp đó chính là thái độ của các môn đệ khi bị điệu ra các hội đường và công nghị. Dù gặp muôn ngàn gian nan thử thách và có khi phải ngồi tù nhưng các môn đệ vẫn xác tín niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
Phần ta, ngày hôm nay, ta không còn gặp phải cảnh bắt bớ tù đày nữa. Ta gặp thách đố niềm tin ngày hôm nay là sống và làm chứng cho sự thật. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để khi nghe lời mắng yêu của Chúa, ta biết cân chỉnh cuộc đời của ta sao cho phù hợp hơm với Thánh ý của Chúa và nhất là xin cho mỗi người chúng ta mạnh dạn lên đường loan báo Tim Mừng Phục Sinh như lời căn dặn của Chúa với các môn đệ ngày xưa.
2020
Kinh nghiệm hay là ơn ?
KINH NGHIỆM HAY LÀ ƠN ?
Trong cuộc sống, cần lắm kinh nghiệm của con người.
Như một người lái xe, rất cần kinh nghiệm trong đường trường – dài – dốc – nguy hiểm.
Như một người làm bánh, cần có kinh nghiệm làm sao cái bánh của mình ngon hơn bánh người khác.
Như một người nấu nồi bún bò, cần phải cho và gia giảm chút gì đó gia vị để nồi bún ăn vào để người khác nhớ.
Chính xác là như vậy !
Thế nhưng rồi, bên cạnh và bên dưới kinh nghiệm đó, người tài xế, người nấu ăn cũng sẽ phải chân nhận rằng phải nhờ ơn Trên nếu không phải là người Kitô hữu và tất cả do ơn Chúa với người Công Giáo. Đơn giản là khi xe lăn bánh, đố tài xế nào biết được những tình huống bất ngờ mà không bao giờ xảy đến trong kỳ sát hạnh, nhất là chả bao giờ biết ai nào đó bất ngờ từ trong hẻm lao ra hay những cung đường nguy hiểm. Để thoát chết, phải chăng là nhờ ơn Chúa. Cũng thế, các ngành nghề khác cũng vậy, kinh nghiệm là một phần nhưng ơn Chúa là điều cần thiết hơn cả. Những ai hơn một lần hút chết hay vượt qua khó khăn sẽ cảm nhận được điều này hơn ai hết.
Và trong những ngày hiện ra với các môn đệ, ta bắt gặp Chúa Giêsu đến với các môn đệ trong hoàn cảnh sống rất đời thường. Nếu như Chúa Giêsu không ra bờ biển để cùng ăn cùng uống và nhất là làm phép lạ cho các môn đệ e rằng là điều thiếu sót và việc phục sinh không tròn đầy.
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề đánh bắt cá, nhóm môn đệ và nhất là Phêrô chắc có lẽ có bề dày hiếm có. Thế nhưng rồi ta lại thấy dù có bề dày, dù có kinh nghiệm nhưng chưa hẳn là đủ yếu tố để có mẻ cá to. Kinh nghiệm phải chăng là điều kiện cần với các môn đệ. Để hoàn thành mẻ cá đó, các môn đệ cần lắng nghe lời của Thầy để thả lưới bên phải mạn thuyền và đó là điều kiện đủ.
Thật thế ! Cuộc đời của chúng ta, quá nhiều lần chúng ta cứ mãi mê với kinh nghiệm, với tài năng để rồi điều quan trọng nhất và chính yếu nhất vẫn là ơn Chúa, quyền năng của Chúa và do Chúa. Thử nhìn lại hành trình đã qua của 30, 40, 50 năm cuộc đời, đã bao lần ta cứ tưởng rằng ta đạt được điều này điều kia do tài năng sức lực của ta nhưng hình như không phải. Muôn muôn đời vẫ đúng với tâm tư : “Làm bởi bay còn ban bởi Ta”. Có những lúc ta cảm thấy cuộc đời ta như bế tắt, cuộc đời ta như đi vào ngõ cụt nhưng rồi Thiên Chúa lại dẫn ta đi theo lối của Chúa mà thậm chí ngay lúc đó ta cũng không hiểu và có khi ta còn ai oán Chúa nữa.
Với kinh nghiệm, với tài sức tuyệt vời của nhân loại, ta lại thấy con người đang loay hoay suốt cả ngày đêm vất vả để rồi đến nay vẫn hoàn toàn tay trắng và trắng tay trước con virus mà không ai thấy. Điều này đang diễn ra trong cuộc sống cho thấy rằng dù công nghệ cao, kỹ thuật giỏi nhưng con người vẫn lúng túng và có khi chán nản. Để đối đầu với sự dữ đang lan tràn, dĩ nhiên con người cần đầu óc tinh xảo nhưng cũng đừng quên nài xin ơn Chúa.
Kinh nghiệm và bài học xưa mà Phêrô cùng các môn đệ có vẫn còn có giá trị mãi đến ngày hôm nay với nhân loại và với mỗi người chúng ta nhất là trong hoàn cảnh hiện tại.
Nhiều lần nhiều lúc ta cũng như các môn đệ đã phải trắng tay. Để được mẻ cá lạ ấy, điều căn cốt vẫn là lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Nếu như đêm hôm đó, các môn đệ cứ khư khư theo kinh nghiệm thì chẳng có con cá nào. Lời Chúa vẫn văng vẳng bên tai chúng ta nhưng dường như chúng ta không chịu nghe mà thích đi nghe những lời của thế gian, lời của gian dối, lời của những ngôn từ hoa mỹ tâng bốc lẫn nhau.
Đời ta cũng thế, không có cách nào khác là lắng nghe và thi hành điều Chúa mời gọi chúng ta. Để được như các môn đệ, ta hãy lắng đọng tâm hồn để giữa những lao xao của cuộc sống ta luôn nghe tiếng Chúa và thi hành lời Chúa trong đời ta.