2020
Khiêm nhường và dũng cảm như Thánh Maccô
25.4 Lễ Thánh Marcô
KHIÊM NHƯỜNG VÀ DŨNG CẢM NHƯ THÁNH MÁCCÔ
Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Máccô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã.
Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Máccô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.
Dựa vào bút pháp của Máccô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Máccô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Máccô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Máccô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
Được Chúa mời gọi, thánh Máccô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67.
Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Máccô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.
Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Máccô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Tin Mừng: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là những lời thánh Máccô kết thúc Tin Mừng của ngài.
Thánh Máccô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô : Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Máccô và Tin Mừng của Ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Sứ mạng của thánh Máccô – cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình – chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Máccô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
Tin Mừng là của Thánh Máccô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Chúa Giêsu. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Máccô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.
Và ta thấy Thánh Máccô thực hiện mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Máccô.
Mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Máccô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta.
2020
Câu hỏi của Chúa – Đáp án của ta
CÂU HỎI CỦA CHÚA – ĐÁP ÁN CỦA TA
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” phải chăng là mấu chốt, là đỉnh cao của Lời Chúa ngày hôm nay với chúng ta.
Đọc và suy niệm Tin Mừng, ta thấy truyền thống Tin Mừng rõ ràng đã gán một tầm quan trọng đặc biệt cho phép lạ hóa bánh ra nhiều, bởi vì đây là phép lạ duy nhất được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đàng khác, bài tường thuật về biến cố này chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong mỗi Tin Mừng: có thể nói bài này là một đỉnh cao trong chương trình của Chúa Giêsu nhằm bày tỏ quyền năng thiên sai của Người và cũng là khoảnh khắc các thính giả phải quyết định tin vào Người. Riêng trong Tin mừng thứ 4, chương 6 là một tổng hợp sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê, là một trong những mạc khải sâu sắc nhất về Chúa Giêsu và cho thấy cách rõ nét nhất chọn lựa đức tin mà con người phải thực hiện là như thế nào.
Thế nhưng rồi khi nhìn vào chi tiết, ta thấy bản văn của Thánh Gioan khác với các bản văn Nhất Lãm ở nhiều điểm.
Trong các Tin mừng Nhất Lãm, ta thấy các tông đồ lưu ý Chúa Giêsu rằng đám đông không có gì ăn cả. Còn ở đây sáng kiến lại phát xuất từ Chúa Giêsu: “Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (c. 6).
Trong các Tin mừng Nhất Lãm, các tông đồ chỉ được nhắc đến như một nhóm; ở đây, ta có Philípphê, rồi Anrê. Chúa Giêsu hỏi Philípphê một câu đơn giản: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5).
Rồi trong một lời bình luận riêng (c. 6), Thánh Gioan giải thích rằng Chúa Giêsu hỏi vậy không phải là ngẫu nhiên. Câu hỏi được nêu ra là để thử Philípphê về đức tin của ông, còn Người thì Người biết Người sắp làm gì. Động từ này khiến ta nhớ tới biến cố Xuất Hành, trong đó Thiên Chúa “thử” dân Ngài: Rõ ràng tác giả giải thích truyền thống Chúa Giêsu nuôi đám đông dưới ánh sáng của truyền thống Kinh Thánh nói về Đức Chúa ban man-na cho dân Ngài ăn trong thời Xuất Hành (Ga 6, 25-40).
Mẩu đối thoại với Philípphê cho thấy thật rõ là con người không có khả năng hiểu được và giải quyết được vấn đề. Riêng Chúa Giêsu thì đang làm chủ tình thế (như ở các dịp khác: 10,18; 11,6-15; 13,1; 18,4; 19,28). Nếu câu hỏi được đặt ra cho Philípphê thì chắc là vì các sự việc đã xảy ra như thế. Còn nếu Philípphê và Anrê được nhắc tới đích danh ở đây hẳn là vì các ông là người Bétxaiđa, tức thuộc vùng Biển Hồ, nơi Chúa Giêsu đang hiện diện, nên các ông biết rõ là vào lúc này, khó mong tìm được lương thực ở vùng này.
Sự can thiệp của Anrê cũng cho ta thấy rằng hoàn cảnh này không có lối thoát về phương diện con người; như vậy, ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Ngoài ra, có nhiều chi tiết nhắc lại Cựu Ước: từ ngữ “em bé” và cụm từ “năm chiếc bánh lúa mạch” đưa ta trở về với 2 V 4,42-44: Êlisa hóa bánh ra nhiều; “cá nhỏ”nhắc đến Ds 11,22: nêu bật sự yếu đuối của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ phân phát bánh và cá; ở đây, chính Chúa Giêsu phân phát (c. 11).
Có nhiều chi tiết khiến bài tường thuật có một màu sắc Thánh Thể. Trước tiên, cử chỉ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và phân phát (c. 11) dường như gợi nhắc đến bữa tối cuối cùng.
Dừng lại một chút, ở đây ta thấy Thánh Gioan muốn gợi lại phép lạ man-na trong sa mạc cho đoàn dân bước đi dưới sự lãnh đạo của Môsê. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ là Môsê tái hiện, Người là Môsê chân chính cao trọng hơn Môsê ngày xưa. Trong sa mạc, người ta chỉ có thể lượm được lượng man-na cần thiết (Xh 16,4.16-18). Ở đây, lượng bánh được ban dồi dào: thu lại được mười hai thúng cũng dồi dào như lượng rượu tại Cana, nhằm chứng tỏ Chúa Giêsu là đích điểm của nỗi niềm chờ mong của Israel. Mười hai là con số hoàn hảo: phép lạ bánh nuôi no nê đám đông, có thể làm no thỏa các thế hệ sẽ đến.
Phép lạ bánh này còn nhắc nhớ đến việc Êlisa cho một đám đông ăn no, vì ở hai nơi đều có các bánh lúa mạch, em bé trai, vấn nạn về số lương thực quá ít so với nhu cầu, sự no nê lạ lùng. Như thế là sự nối tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ Êlisa sang Chúa Giêsu, như từ hành trình đến đích điểm.
Lượt qua một số điểm then chốt của trang Tin Mừng, ta thấy rõ được 2 cung cách giữa 2 bên là Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu như thử hỏi khả năng của con người khi nói “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” nhưng Chúa biết việc Chúa sẽ làm. Còn phần ông Philípphê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Phải chăng lời Philipphê nói khả năng thật của con người.
Ngày hôm qua cũng thế mà ngày hôm nay cũng vậy, khi nhìn vào thế giới, nhìn vào con người, có khi ta cảm thấy buông xuôi vì khả năng con người hạn hẹp. Không chỉ hạn hẹp mà thôi mà con người lại gặp một số người vô cảm.
Trước nạn dịch, mạnh người nào vun vén được thì người đó vun vén, người nào chia sẻ thì chia sẻ.
Hình ảnh những bao gạo và những thùng mì gói chở đến cây ATM gạo và ATM mì đối lập với băng nhóm người trục lợi dụng cụ y khoa vừa bị bắt. Còn đó chưa nói đến những người làm khẩu trang giả, nước giả và thuốc giả.
Những hình ảnh đó làm cho chúng ta nao lòng vì lẽ chúng ta cũng là con người, chúng ta bị giằng co trước lối hành xử của những con người như thế trong cuộc đời. Thế nhưng rồi, chúng ta được mời gọi có niềm tin và sống niềm tin vào Chúa nhất là sống chia sẻ với anh chị em đồng loại.
Mỗi người chúng ta, hãy như là em nhỏ kia, hãy chia sẻ một chút bánh và một chút cá của chúng ta cho anh chị em đồng loại.
Bây giờ phải chăng là lúc thật cần và rất cần tấm lòng của chúng ta. Câu hỏi của Chúa dường như vẫn vang vọng bên tai của mỗi người chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta đáp trả như thế nào đó lại là phần của chúng ta.
2020
Sẻ chia cho người khác
SẺ CHIA CHO NGƯỜI KHÁC
Giống như Môsê xưa đã được Đức Chúa ban man-na nuôi dân Ít-ra-en trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc 40 năm về miền Đất Hứa, Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy Chúa Giêsu nhân bánh ra nhiều, ám chỉ việc Người sẽ Manna Mới là bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng đức tin của Israel Mới là Hội Thánh trên bước đường vượt qua sa mạc trần gian để về Đất Hứa Nước Trời đời sau.
Chắc chắn rằng, phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện không chỉ được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại, mà Tin Mừng thứ IV cũng đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và những nhân vật cụ thể trong phép lạ này. Câu chuyện được xảy ra trên núi, gần bờ biển hồ Galilêa, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng và chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên.
Thời gian của sự kiện là gần dịp lễ vượt qua của người Do Thái, và đối tượng là dân chúng đi theo người rất đông chừng hơn năm ngàn người đàn ông. Hai môn đệ được nhắc đến trong sự kiện này là Philípphê và Anrê: một vị được Chúa Giêsu hỏi thử về việc lấy đâu đủ bánh cho dân ăn, một vị phát hiện ra một em bé mang mấy cái bánh và báo cáo với Chúa Giêsu.
Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi “ngước mắt lên” để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tất cả cùng chia nhau một Tấm Bánh là Mình Chúa Kitô để chúng ta trở nên một thân thể với Người. Tất cả cùng tuyên xưng chung một niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, bởi chúng ta cùng chịu một Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần. Tất cả cùng là con Thiên Chúa, cùng được đón nhận một Tình Yêu Thương, cùng được hướng dẫn bằng Lời Chúa và cùng được chung hưởng niềm vui, hạnh phúc từ một Giao ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa là Cha đã hứa ban cho tất cả chúng ta. Muốn có được sự hiệp nhất trong Giáo xứ – Cộng đoàn, mỗi người phải ra sức chu toàn trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao phó: ra sức củng cố Đức Tin cho nhau.
Đó là, chúng ta phải biết khuyến khích nhau học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu về Chúa, để nhận ra Tình Thương của Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng phải khuyên nhủ nhau làm theo Lời Chúa dạy: làm lành lánh dữ ; biết bảo ban nhau siêng năng lãnh nhận Ơn Chúa ban qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, vì đó là Bí tích Tình Yêu, Bí tích qui tụ tất cả chúng ta trong Tình Yêu của Chúa, Bí tích củng cố Đức Tin cho mỗi chúng ta. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng làm như vậy, chắc chắn Đức Tin của Giáo xứ-Cộng đoàn sẽ được củng cố, sẽ vững mạnh hơn.
Ngày nay, chúng ta được chia sẻ từ một tấm bánh là Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể ; Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta không chỉ bằng Mình Người mà con bằng Lời Người, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ. Đức Tin của chúng ta được củng cố nhờ của ăn mà Thiên Chúa ban cho là chính Con Một Ngài, để chúng ta sống xứng đáng là Con Thiên Chúa hơn. Điều này có nghĩa, chúng ta phải thể hiện Niềm Tin của mình bằng chính đời sống luôn hết sức làm theo Lời Chúa dạy, cố gắng chia sẻ, chăm lo cho những người khác.
Phép lạ vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng để phép lạ có thể xảy ra, Chúa cần chúng ta đóng góp vào đó tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia một miếng bánh nhỏ dù mình đang túng đói, hay một lời nói thứ tha dù cơn giận đang bùng lên. Bạn hãy sẻ chia một chút vật chất cho một người nghèo túng hơn bạn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hãy chia sẻ một chút tha thứ, thì gia đình, cộng đoàn sẽ được hiệp nhất yêu thương bền lâu. Hãy sẻ chia tấm bánh cuộc đời bạn để muôn người được ấm no và đầy tình người.
Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng đang trở nên tấm bánh cho người khác. Vì chúng ta đã được chia sẻ từ một tấm bánh; vì chúng ta đã được chia sẻ từ một Đức Tin. Chính khi chúng ta biết chia sẻ cho nhau niềm Tin, chính khi chúng ta đến đón nhận sự chia sẻ từ một Tấm Bánh, Đức Tin của chúng ta lại càng vững mạnh, lòng yêu mến của chúng ta lại càng được mạnh mẽ hơn và chúng ta cũng được trở nên một với nhau.
2020
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta
Thiên Chúa và con người hoàn toàn khác nhau. Đơn giản nhất ta biết được đó là Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và con người là vật được tạo thành. Và rồi ta thấy Lời của Thiên Chúa chắc chắn khác lời của con người. Để chứng minh cho Lời khác nhau này, ta dễ tìm thấy nơi Is 55,9 : Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Đã từ lâu lắm rồi, từ tạo thiên lập địa, sau khi con người đánh mất tình nghĩa với Thiên Chúa thì Thiên Chúa vẫn giữ giao ước tình yêu với con người. Giao Ước Tình Yêu của Thiên Chúa được thực hiện nơi chính người Con chí ái của Cha.
Thiên Chúa đã nói với cha ông tự ngàn xưa về tình yêu của Ngài dành cho con người. Cụ thể nhất tình yêu ấy được diễn tả : nhưng trong ngày sau hết, Thiên Chúa nói với nhân loại qua Người Con.
Thật vậy, Người Con chính là dấu chỉ, là Lời mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Chúa Giêsu đến thế gian cũng chỉ là muốn nói, muốn bày tỏ cho con người rằng Thiên Chúa mãi mãi yêu thế gian và cứu thế gian. Điều quan trọng nhất và cốt lõi nhất đó là con người phải nghe và giữ lời Thiên Chúa.
Và điều này, ta lại thấy, lại khám phá nơi Đức Giêsu cách trọn hảo. Chúa Giêsu khi đến thế gian Ngài cũng làm theo những gì Cha nói chứ Ngài không làm theo ý của Ngài : “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”.
Vâng lời Thiên Chúa phải chăng đó là điều quan trọng nhất của cuộc đời những người tin vào Thiên Chúa. Ai nói mình tin Chúa mà không nghe lời Chúa phải chăng là người nói dối ? Nghiệt một nỗi là con người dễ chiều theo xu hướng nghe lời của người phàm hơn là nghe lời của Thiên Chúa. Đơn giản và dễ hiểu rằng lời Thiên Chúa thì đắng đót, lời Thiên Chúa sắc bén tựa gươm đao và như dao xuyên thấu lòng người.
Các tông đồ ngày xưa, ta nhìn vào cuộc đời của các ngài, ta thấy hơn một lần các ngài vấp ngã. Tông đồ trưởng Phêrô còn vấp ngã vì Thấy huống hồ chi là những con người nhỏ bé như chúng ta.
Ta thấy sau khi tin vào Thầy phục sinh, các tông đồ mạnh mẽ : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv 5, 32).
Để nói lời này trước các quan chức thời đó không phải là điều đơn giản. Nói như vậy đồng nghĩa với chuyện rơi đầu là chẳng chơi. Thế nhưng vì tin vào Đức Kitô Phục Sinh nên các tông đồ đã mạnh dạn nói và sống.
Thật vật, để mạnh dạn nói lời Chúa trước quan quyền, trước công chúng không phải là chuyện đơn giản. Đơn giản nhất là chuyện làm dấu Thánh Giá của người Kitô hữu làm hàng ngày. Có khi quên nhưng có khi lại ngại và có khi lại sợ. Có người không dám nhận mình là Kitô hữu để rồi không dám làm dấu.
Ngày nay, ta thấy xã hội phát triển và rồi trên các trang mạng xã hội, ta thấy nhiều người nói mà không biết họ nói cái gì. Nhiều lần nhiều lúc ta thấy các phát ngôn viên, xướng ngôn viên nói những điều chả đâu ra đâu nhưng người ta lại hùa theo. Người ta thường thích cũng như tò mò những lời của người này người kia nói và hơn nữa là đi chia sẻ, phân phát cho nhiều người.
Mỗi ngày trên các trang mạng, những lời nói chả đâu vào đâu thì người ta thích và người ta chia sẻ cho người khác nhanh như chớp. Trong khi đó, điều cần thiết nhất của người Kitô hữu đó chính là Lời Chúa nhưng rồi người ta không chịu đọc, không nghe và cũng không chia.
Xét về chuyện này cũng không khó hiểu lắm vì lời Chúa thì đắng đót chứ không ngọt ngào như lời của con người. Lời của con người ngày hôm nay ta thấy đủ ngôn từ hoa mỹ và có cánh. Những lời này nghe bùi tai và đầy những ước hẹn. Thế nhưng sau những ngôn từ hoa mỹ của con người ta sẽ nhận được gì ?
Lời của Chúa mãi mãi là Lời Hằng Sống, Lời của Chúa mãi mãi là lương thực nuôi sống đời người Kitô hữu. Ai nào đó hấp thụ Lời của Chúa thì đời của người đó được Lời Chúa sinh hoa kết quả và trước hết là dinh dưỡng cho con người đó. Ngược lại, ai nào đó sống theo lời của con người thì cứ quanh quẩn trong kiếp người.
Chuyện quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu đó chính là lắng nghe để sau khi nghe là sống Lời Chúa. Để nghe được Lời Chúa, con người cần phải lắng đọng trong tâm hồn. Giữa cuộc sống ồn ào và náo nhiệt, người Kitô hữu cần phải có cõi lặng để dừng lại và trầm lắng thì mới nghe được Lời Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta giữa bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời và những ồn ào náo nhiệt luôn biết lắng nghe tiếng Chúa trong mọi khung cảnh của đời sống. Và hơn nữa, ta xin Chúa cho ta biết vâng nghe và sống theo Lời mời gọi của Chúa chứ đừng nghe và sống theo tiếng người đời.