Câu hỏi của Chúa – Đáp án của ta
CÂU HỎI CỦA CHÚA – ĐÁP ÁN CỦA TA
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” phải chăng là mấu chốt, là đỉnh cao của Lời Chúa ngày hôm nay với chúng ta.
Đọc và suy niệm Tin Mừng, ta thấy truyền thống Tin Mừng rõ ràng đã gán một tầm quan trọng đặc biệt cho phép lạ hóa bánh ra nhiều, bởi vì đây là phép lạ duy nhất được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đàng khác, bài tường thuật về biến cố này chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong mỗi Tin Mừng: có thể nói bài này là một đỉnh cao trong chương trình của Chúa Giêsu nhằm bày tỏ quyền năng thiên sai của Người và cũng là khoảnh khắc các thính giả phải quyết định tin vào Người. Riêng trong Tin mừng thứ 4, chương 6 là một tổng hợp sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê, là một trong những mạc khải sâu sắc nhất về Chúa Giêsu và cho thấy cách rõ nét nhất chọn lựa đức tin mà con người phải thực hiện là như thế nào.
Thế nhưng rồi khi nhìn vào chi tiết, ta thấy bản văn của Thánh Gioan khác với các bản văn Nhất Lãm ở nhiều điểm.
Trong các Tin mừng Nhất Lãm, ta thấy các tông đồ lưu ý Chúa Giêsu rằng đám đông không có gì ăn cả. Còn ở đây sáng kiến lại phát xuất từ Chúa Giêsu: “Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (c. 6).
Trong các Tin mừng Nhất Lãm, các tông đồ chỉ được nhắc đến như một nhóm; ở đây, ta có Philípphê, rồi Anrê. Chúa Giêsu hỏi Philípphê một câu đơn giản: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5).
Rồi trong một lời bình luận riêng (c. 6), Thánh Gioan giải thích rằng Chúa Giêsu hỏi vậy không phải là ngẫu nhiên. Câu hỏi được nêu ra là để thử Philípphê về đức tin của ông, còn Người thì Người biết Người sắp làm gì. Động từ này khiến ta nhớ tới biến cố Xuất Hành, trong đó Thiên Chúa “thử” dân Ngài: Rõ ràng tác giả giải thích truyền thống Chúa Giêsu nuôi đám đông dưới ánh sáng của truyền thống Kinh Thánh nói về Đức Chúa ban man-na cho dân Ngài ăn trong thời Xuất Hành (Ga 6, 25-40).
Mẩu đối thoại với Philípphê cho thấy thật rõ là con người không có khả năng hiểu được và giải quyết được vấn đề. Riêng Chúa Giêsu thì đang làm chủ tình thế (như ở các dịp khác: 10,18; 11,6-15; 13,1; 18,4; 19,28). Nếu câu hỏi được đặt ra cho Philípphê thì chắc là vì các sự việc đã xảy ra như thế. Còn nếu Philípphê và Anrê được nhắc tới đích danh ở đây hẳn là vì các ông là người Bétxaiđa, tức thuộc vùng Biển Hồ, nơi Chúa Giêsu đang hiện diện, nên các ông biết rõ là vào lúc này, khó mong tìm được lương thực ở vùng này.
Sự can thiệp của Anrê cũng cho ta thấy rằng hoàn cảnh này không có lối thoát về phương diện con người; như vậy, ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Ngoài ra, có nhiều chi tiết nhắc lại Cựu Ước: từ ngữ “em bé” và cụm từ “năm chiếc bánh lúa mạch” đưa ta trở về với 2 V 4,42-44: Êlisa hóa bánh ra nhiều; “cá nhỏ”nhắc đến Ds 11,22: nêu bật sự yếu đuối của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ phân phát bánh và cá; ở đây, chính Chúa Giêsu phân phát (c. 11).
Có nhiều chi tiết khiến bài tường thuật có một màu sắc Thánh Thể. Trước tiên, cử chỉ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và phân phát (c. 11) dường như gợi nhắc đến bữa tối cuối cùng.
Dừng lại một chút, ở đây ta thấy Thánh Gioan muốn gợi lại phép lạ man-na trong sa mạc cho đoàn dân bước đi dưới sự lãnh đạo của Môsê. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ là Môsê tái hiện, Người là Môsê chân chính cao trọng hơn Môsê ngày xưa. Trong sa mạc, người ta chỉ có thể lượm được lượng man-na cần thiết (Xh 16,4.16-18). Ở đây, lượng bánh được ban dồi dào: thu lại được mười hai thúng cũng dồi dào như lượng rượu tại Cana, nhằm chứng tỏ Chúa Giêsu là đích điểm của nỗi niềm chờ mong của Israel. Mười hai là con số hoàn hảo: phép lạ bánh nuôi no nê đám đông, có thể làm no thỏa các thế hệ sẽ đến.
Phép lạ bánh này còn nhắc nhớ đến việc Êlisa cho một đám đông ăn no, vì ở hai nơi đều có các bánh lúa mạch, em bé trai, vấn nạn về số lương thực quá ít so với nhu cầu, sự no nê lạ lùng. Như thế là sự nối tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ Êlisa sang Chúa Giêsu, như từ hành trình đến đích điểm.
Lượt qua một số điểm then chốt của trang Tin Mừng, ta thấy rõ được 2 cung cách giữa 2 bên là Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu như thử hỏi khả năng của con người khi nói “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” nhưng Chúa biết việc Chúa sẽ làm. Còn phần ông Philípphê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Phải chăng lời Philipphê nói khả năng thật của con người.
Ngày hôm qua cũng thế mà ngày hôm nay cũng vậy, khi nhìn vào thế giới, nhìn vào con người, có khi ta cảm thấy buông xuôi vì khả năng con người hạn hẹp. Không chỉ hạn hẹp mà thôi mà con người lại gặp một số người vô cảm.
Trước nạn dịch, mạnh người nào vun vén được thì người đó vun vén, người nào chia sẻ thì chia sẻ.
Hình ảnh những bao gạo và những thùng mì gói chở đến cây ATM gạo và ATM mì đối lập với băng nhóm người trục lợi dụng cụ y khoa vừa bị bắt. Còn đó chưa nói đến những người làm khẩu trang giả, nước giả và thuốc giả.
Những hình ảnh đó làm cho chúng ta nao lòng vì lẽ chúng ta cũng là con người, chúng ta bị giằng co trước lối hành xử của những con người như thế trong cuộc đời. Thế nhưng rồi, chúng ta được mời gọi có niềm tin và sống niềm tin vào Chúa nhất là sống chia sẻ với anh chị em đồng loại.
Mỗi người chúng ta, hãy như là em nhỏ kia, hãy chia sẻ một chút bánh và một chút cá của chúng ta cho anh chị em đồng loại.
Bây giờ phải chăng là lúc thật cần và rất cần tấm lòng của chúng ta. Câu hỏi của Chúa dường như vẫn vang vọng bên tai của mỗi người chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta đáp trả như thế nào đó lại là phần của chúng ta.