2020
Bụt nhà sao thiêng ?
31.8 thứ hai
Thứ Hai tuần XXII Thường niên
1Cr 2, 1-5; Lc 4, 16-30
BỤT NHÀ SAO THIÊNG ?
Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: “Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương của mình”, đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi.
Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.
Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các tiên tri được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị tiên tri đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các tiên tri: đối đầu với những giá trị sẵn có, Ngài tỏ thái độ như các tiên tri: Ngài nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào. Ngài nổi giận trước sự giả hình của những người Biệt phái. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu Tổ phụ Abraham mà người Do Thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.
Sau khi đọc sách xong, Chúa Giêsu cuộn sách trả lại và ngồi xuống giảng giải. Ngài khẳng định: “ Hôm nay lời kinh thánh mà các ông vừa nghe đã ứng nghiệm” ( c.20). Như thế là một cách Chúa Giêsu giới thiệu mình chính là Đấng Mêsia, Đấng đến từ Thiên Chúa mang phúc lành cho toàn dân và hôm nay ơn cứu độ đã đến. Mọi người đều tán thành những lời ấy ( c.22). Họ tỏ ra hiểu được sứ điệp của lời Người vừa đọc và như sẵn sàng chuẩn bị đón chào con người của Ngài, là người vừa thốt ra lời hay ý đẹp.
Và tưởng chừng dến đây, ta tưởng rằng việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu đã thành công ngay bước khởi đầu, ngay ngày “ ra quân”, thế mà họ lại xầm xì “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”. Một câu hỏi như muốn lột trần Đức Giêsu bằng con mắt tự nhiên ghen tỵ của họ. Họ thức tỉnh chính họ rằng: con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước họ chỉ là con người bình thường trong một gia đình lao động mà họ biết rất rõ veà thân thế và sự nghiệp. Đức Giêsu đã đọc được điều đó trong lòng họ, trong thái độ của họ nên Ngài vạch trần tỏ tường ghen tỵ ấy bằng một lời khẳng định : “ Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” ( c. 24). “ Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga,11).
Đó là số phận của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước và cũng là điềm báo cho số phận sau này của Đức Giêsu. Ngài bị chính dân Ngài chối bỏ, giết chết bằng cách đóng đinh trên Thập Giá. Sống ngôn sứ là dám chết cho lời chứng của mình và cái chết là lối chứng hương hồn và sống động nhất. Như các ngôn sứ trong Cựu ước, như Gioan Tẩy Giả và nhất là như Chúa Giêsu Đấng đã gióng lên tiếng yêu bằng cây Thập giá vinh quang. Đó là lối đường yêu thương của Thiên Chúa: Yêu đến cùng (Ga 13,1).
Từ câu 25-27, Chúa Giêsu đưa ra dẫn chứng : Trong Cựu ước, những ai thuộc đoàn dân Chúa mà từ chối ơn lành, thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ ấy cho dân ngoại như Êlia đã giúp bà goá Xa-rep-ta, như Êlisa đã chữa Naaman xứ Xyria. Những ví dụ này đánh động lòng chai cứng của người Do Thái, nhưng họ cứ chai lì trong sự bướng bỉnh, cố chấp nên thay vì họ thay đổi, sám hối, ăn năn thì họ lại tỏ ra phẩn nộ, điên cuồng. Họ đồng phản ứng bằng cách: dứng dậy và lôi Chúa Giêsu ra khỏi thành, đưa lên đỉnh núi để tiêu diệt một con người dám nói lên sự thật, như gai nhọn đâm vào lòng họ.
Ta thấy họ muốn dập tắt tiếng nói lương tâm bằng hành vi giết chết một con người tiên tri. Nhưng họ không làm được vì giờ của Ngài chưa đến, vì con dường cứu độ của Ngài chỉ kết thúc ở Giêrusalem chứ không ở Nagiaret và Chúa Giêsu cứ tiếp tục con đường sứ vụ của Ngài “Ngài băng qua giữa họ mà đi” (c.30). Ngài vẫn hiên ngang ra đi loan báo Tin Mừng, dù bị chống đối, phản kháng.
Trong cuộc sống chúng ta hay có cái nhìn hay còn gọi là “bệnh thành kiến” về con người. Thành kiến là căn bệnh chung của nhiều người, có khi trở thành kinh niên bất trị. Thành kiến cũng có khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người. Nên trong Kinh Thánh Cựu Ước cho biết lý do: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được”(Giêrêmia 17,9).
Khi người ấy quen quá, gần quá, thân cận quá, thì chúng ta không nhận cái tài năng của họ, hoặc khi có một vĩ nhân về quê hương, chúng ta lại có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê hương hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo thì coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ, nên bảo họ “ Ngôn sứ có rẻ rúng thì cũng chính là ở quê hương mình và trong gia đình mình thôi” ( Mt 13, 58).
Là thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mện tiên tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại. Một Giáo Hội không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai trò tiên tri của mình.
2020
Lời thật mất lòng
Ngày 29 tháng Tám
- Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Jr 1, 17-19; Mc 6, 17-29
LỜI THẬT MẤT LÒNG
Lễ kỷ niệm thánh Gioan Tẩy giả bị hành quyết được cử hành để kỷ niệm ngày khánh thành một nhà nguyện trong hầm mộ ở Sébaste, Samarie, nơi tôn kính thánh nhân từ nửa đầu thế kỷ IV; đến thế kỷ V, lễ được cử hành ở Jérusalem, và tại các Giáo hội phương Đông cũng như ở Roma từ thế kỷ VI, với tước hiệu thánh Gioan bị hành quyết hoặc khổ nạn.
Trang Tin Mừng hôm nay, vua Hêrôđê mới nghe thấy danh tiếng của Chúa Giêsu nổi lên thì đã hoang mang lo sợ. Có tật giật mình, vua nghe thì sợ hãi cho rằng ông Gioan mà ông cho chém đầu đã sống lại để bắt tội vua chăng? Não trạng của người Do Thái bấy giờ cho rằng người sống lại có khả năng tuyệt vời, có quyền làm phép lạ. Vua sợ là phải, vì đã nhúng tay vào vụ giết người oan nghiệt trong Tin Mừng hôm nay.
Bởi sự thường nếu sai một li đi một dặm, ông thỏa hiệp với thú vui trong tiệc tùng, vì trót nhẹ dạ thề hứa nên sợ mất mặt với quan khách. Một cô gái nhảy được tán thưởng và thế là số phận vị Tẩy Giả bị quyết định. Tội này kéo theo tội khác, từ chỗ ngang nhiên cướp vợ anh mình, gây ra oán hận hờn căm nơi bà Hêrôđia với ông Gioan Tẩy Giả vì bị “cản mũi kỳ đà”, nên đã gây nên cái chết không án cho người vô tội.
Cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả được Tin Mừng Máccô, và hai Tin Mừng nhất lãm còn lại cũng vậy, tường thuật lại trong một bối cảnh đặc biệt, đó là những thắc mắc liên quan đến Chúa Giêsu: (Mc 6, 16). Và để làm sáng tỏ những thắc mắc này, tác giả Tin Mừng đã kể lại thật chi tiết cái chết của Gioan. Như thế, cuộc đời của Gioan gắn liền với cuộc đời của Chúa Giêsu biết bao. Vì thế, trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng thánh Gioan là người đi trước loan báo Đức Kitô cả trong cách sinh ra lẫn trong cách chết đi. Thậy vậy, khi vừa được sinh ra, bố Giacaria của Gioan đã nói rằng: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. (Lc 1, 76)
Và với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta “chứng kiến” thánh Gioan hoàn tất thật trọn vẹn sứ mạng của mình, vì ông không chỉ đi trước chuẩn bị cho những lối bước của Đức Chúa bằng lời rao giảng và phép rửa, nhưng bằng cả cái chết nữa, và xét cho cùng, bằng cả cách mình được sinh ra nữa.
Đó là hậu quả gây ra nỗi sợ hãi bất an của vua. Ông bị ám ảnh bởi cơn ác mộng về người công chính đã bị ông sát hại. Hôm nay, ông mới chỉ nghe đồn chứ chưa gặp Ngài mà đã run sợ. Sau này ông có cơ hội gặp Ngài mà cũng chẳng đổi thay được chuyện gì. “Vua Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả” (Lc 23, 8-10). Ông muốn gặp vì tò mò, không thiện chí nên không giải quyết được gì và thêm thất vọng.
Tin Mừng hôm nay là một thảm kịch diễn ra trong một bữa tiệc, kết thúc thật là bi thảm với cái chết oan nghiệt của Gioan Tẩy Giả. Ông đã bị bỏ tù vì dám quở trách Hêrôđê Antipa về tội ngoại tình lộ liễu. Cuối cùng ông đã phải chết cách bi thảm vì sự thật. Trình thuật này khiến ta nghĩ đến số phận đang chờ đón Chúa Giêsu, báo trước cho thấy cuộc khổ nạn, cái chết và cuộc an táng sau này của chính Ngài. Ông Gioan là chính hình ảnh phản ánh Chúa Giêsu, đến độ mới chỉ nghe danh tiếng Chúa Giêsu, vua Hêrôđê đã bị ám ảnh, mường tượng đó chính là hiện thân của Gioan Tẩy Giả trỗi dậy nên mới quyền năng như thế.
Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của thánh Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Chúng ta có thể đọc lại từ từ và ghi lại những suy nghĩ và tâm tình mà trình thuật gợi ra cho chúng ta. Thánh Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và có thể nói, thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…
Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, bởi vì Người là Con Chiên Vô Tội. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, đối diện với Người sẽ là Sự Dữ và Sự Chết tuyệt đối, bởi lẽ Người là Sự Thiện và Sự Sống tuyệt đối. Người tự nguyện trở thành nạn nhân của Sự Dữ để hủy diệt Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.
Cả cuộc đời và cả cái chết của ông Gioan đều báo trước cho sứ mạng Tiền Hô, tiền hô cả khi sống và cả lúc chết cho Đấng Cứu Thế. Cái chết của vị Ngôn sứ cuối cùng nói lên số phận của các Ngôn sứ là thế đó. Mở đầu và kết thúc đoạn Tin Mừng này đều nhắc tới Chúa Giêsu, cho thấy cái chết của ông Gioan như mối liên hệ, là báo trước cho cái chết của Chúa Giêsu. “Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Chúa Giêsu.” Gioan Tẩy Giả phải chết, Chúa Giêsu cũng phải lãnh án tử, nhưng trổi vượt, vì chính Người đã sống lại từ cõi chết.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy dám sống sự thật trong xã hội mà chúng ta đang sống. Một xã hội vẫn còn đó có biết bao nhiêu chuyện bất chính và tội ác, nhưng rồi chẳng thấy mấy ai dám lên tiếng để cảnh báo hay để chống lại, có vẻ như mọi sự đang im hơi lặng tiếng.
Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết can đảm sống cho sự thật, biết xây dựng cho nhau qua sự góp ý và mạnh dạn chỉ ra những lỗi lầm thiếu sót, những sai trái trong đời sống đời thường cũng như trong công tác tông đồ.
Ngày nay chúng ta cũng được đồng hóa, nên một với Chúa, giống như Chúa. Xin cho chúng ta can đảm sống Đức Tin, trung thành với chân lý như Gioan, để chúng ta dám hy sinh cả mạng sống mình mà giúp anh em đến với Chúa, tin nhận Chúa và làm chứng cho sự thật.
2020
Hoán cải như thánh Augustino
HOÁN CẢI NHƯ THÁNH AUGUSTINO
Mỗi vị thánh đều có phong cách, lối sống đặc thù, riêng biệt. Thánh vì được Chúa dọi chiếu xuyên suốt toàn con người, được Chúa biến đổi không ngừng con người ấy trở nên giống hệt như Chúa qua những nhân đức Người đã sống, đã truyền dậy. Nói như Thánh Phaolô tông đồ: “Hãy mặc lấy Đức Kitô“. Thánh Augustinô đã cởi bỏ con người cũ, đã mặc lấy chính Đức Kitô. Cuộc đời của Ngài đã hoàn toàn thay đổi .
Việc kính nhớ thánh Augustin, một trong bốn tiến sỹ lớn của Giáo hội la tinh, qua đời tại Hippone ngày 28 tháng 8 năm 430, đã xuất hiện trong sách các phép thế kỷ thứ III, và ở Roma từ thế kỷ XI.
Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste (nay là Souk-Ahras, Algéric) ở châu Phi thuộc Roma. Là công dân Roma, con một người cha không công giáo tên Patricius và một bà mẹ công giáo tên Mônica, Augustin trước học văn phạm ở Madanre, đến năm 371, đi sang Carthage thủ phủ châu Phi Roma để theo học triết lý – Mê say đọc Hortensius của Cicéron, Augustin khám phá triết học và đam mê đi tìm chân lý.
Vì nhu cầu nuôi sống gia đình ông buộc lòng nhận dạy tu từ học ở Carthage. Thời gian đó ông theo lạc thuyết Manichée trong chín năm, mong tìm được chân lý nơi tôn giáo này. Trước tiên, ông bị mê hoặc bởi giáo thuyết này tưởng có thể giải thích sự tranh chấp giữa Thiện và Ác, cái đẹp và những điều lộn xộn nơi thế giới, nhưng rồi ông thất vọng.
Năm 383, Augustin bỏ Carthage sang Roma trước khi đến Milan lúc đó là thủ phủ đế quốc Roma phương Tây, tại đây ông cũng dạy tu từ. Mẹ Ngài là bà Mônica đã đến tìm gặp ông ở đây, và cũng chính tại đây, đường chuyển biến tinh thần của Augustin kết thúc nhờ thánh giám mục Ambroise mở đường cho Ngài hiểu Kinh thánh và một thứ tân Platon thuyết có vẻ đáp ứng niềm khát mong chân lý nơi Ngài. Giờ đây Augustin đã sẵn sàng cho bước nhảy tới Chúa, tức là trở lại.
Một giai thoại nhiều người biết xảy ra trong vườn nhà Ngài ở Milan đã được thánh nhân kể trong quyển Tự Thuật: “Tâm hồn đau đớn, con tim tan nát, tôi đang khóc, bỗng tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng hát của một người con trai hay con gái không rõ. Tiếng hát không rõ nhưng nghe lặp nhiều lần: Tolles, lege. Tolles, lege (Cầm lên, đọc đi ! Cầm lên, đọc đi !). Vậy nên tôi vội vã đến chỗ Alypius ngồi, tôi cầm lấy cuốn sách của Thánh Tông đồ, mở ra và im lặng đọc khúc đầu tiên bắt gặp: Đừng chè chén say sưa, đừng chơi bời dâm đãng, cũng đừng cải cọ ghen tuông. Trái lại hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng (Rm 13,13) … Chính lúc này, như có một luồng sáng tỏa lan hồn tôi phá tan mọi bóng tối nghi ngờ” (XIIII,12). Tám tháng sau, thánh Ambroise rửa tội cho Ngài trong đêm Phục sinh đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng tư năm 387.
Thánh Augustinô đã được Chúa biến đổi hoàn toàn. Từ một chàng thanh niên hư hỏng, trụy lạc, coi như là đã bị loại ra khỏi xã hội. Thánh nhân đã mặc lất tâm tình của Chúa Kitô. Thánh nhân đã làm một cuộc trở lại tận căn, sám hối, ăn năn như Phêrô đã chối Chúa 3 lần,Chúa nhìn Phêrô, Phêrô nhìn Chúa, Chúa đã thứ tha cho Phêrô tội tầy đình ông đã phạm. Còn Augustinô là người ngoại, đã được ơn hoán cải do lời cầu nguyện tha thiết và do những giọt lệ của bà thánh Monica,
Augustinô đã gặp Chúa, đã thay đổi nếp sống của mình, đã lột bỏ con người cũ và mặc lấy Đức Kitô. Augustinô đã trở nên con người mới hoàn toàn. Augustinô đã làm lại con người của mình ngay từ đầu. Giờ phút Đức Cha Ambrosiô ban phép rửa tội, thêm sức cho Ngài đã trở nên giờ cứu độ cho Ngài. Giờ ấy là giờ Đức Kitô được tôn vinh qua cái chết và sống lại của Chúa.
Augustinô về với Chúa năm 430, hưởng thọ 76 tuổi. Thánh nhân đã được Chúa rước về trời để mãi mãi cùng với các thánh và các Thiên Thần diện kiến và ca tụng Chúa không ngơi.
Với trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu nói với quần chúng và môn đệ. Chúng ta có thể tự hỏi: Vì sao nói với những người này, Chúa lại có những lời chỉ trích Ký lục và Biệt phái? Có thể coi những lời phê bình này như để dẫn nhập đưa vào phần giáo huấn môn đệ. Có lẽ đúng hơn nên nghĩ rằng tác giả Matthêô viết bài Tin Mừng này cho Hội Thánh.
Và rồi trong thế giới Dothái Kitô giáo của người, không khỏi có những người hay ít ra không khỏi có khuynh hướng muốn tổ chức Giáo hội theo kiểu mẫu Dothái; và hàng tư tế Ðạo Mới có vẻ sắp bắt chước hàng tư tế đạo cũ. Do đó đoạn văn này vẫn cần thiết cho Hội Thánh, và chúng ta nên hiểu nó muốn nói gì với mình.
Ký lục và Biệt phái trước tiên được công nhận như những người có quyền ngự tòa Môsê. Tức là họ giữ quyền giáo huấn và trông coi Luật pháp. Ðịa vị này không nhỏ. Tòa của Môsê ngày xưa đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố Luật pháp và làm lễ ký kết giao ước giữa Chúa với Dân. Và núi Sinai thuở ấy có mây trời bao phủ và sấm chớp nổ vang trên chóp đỉnh. Tòa của Môsê được tham dự vào uy phong của Thiên Chúa. Dân khi ấy hãi hùng khiếp sợ. Họ chấp nhận mọi điều Môsê nói thay mặt Chúa.
Ta thấy Thánh Matthêô nhận thấy họ có hai cách: hoặc họ dạy Luật pháp mà không thi hành; hoặc họ thêm thắt vào Luật pháp đến nỗi họ dạy truyền thống loài người chứ không phải Luật Chúa nữa. Với cách trên họ là những con người giả hình; nhưng vì họ rao truyền Lời Chúa, chúng ta vẫn phải thi hành nhưng đừng bắt chước cách ăn ở của họ.
Chính nết xấu này là điều phải tránh trong Giáo Hội Chúa Kitô. Không những nó phân rẽ hàng ngũ Dân Chúa, nhưng nhất là nó muốn choán chỗ của chính Người. Ta thấy người có nết xấu đưa mình lên như thế, không lưu tâm làm vinh Danh Thiên Chúa nữa nhưng chỉ muốn vơ mọi danh dự về cho mình. Và từ chỗ này, người ấy muốn trở thành luật cho người khác và cầm giữ người khác dưới quyền đô hộ của mình. Một xã hội không loại trừ nết xấu đó sẽ không còn lòng mến Chúa và không còn tình anh em. Nó không thể là Giáo hội của Ðức Kitô.
Thế nên khi Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: các con chớ cho gọi mình là Thầy, là Cha, là người chỉ đạo, Người chỉ muốn chúng ta từ bỏ nết xấu đó để ý thức lại quyền của Thiên Chúa ở trên mọi người. Có hướng về Thiên Chúa, người ta mới là anh em với nhau và Giáo hội mới là Hội Thánh.
Và điều này hết mọi người phải thi hành, cả tư tế lẫn giáo dân. Có thi hành, tư tế mới giảng đạo chứ không giảng mình và mới khỏi “bó những gánh nặng mà đặt trên vai người khác, còn chính mình lại không muốn tra ngón tay lay thử”. Vì thường ách của Chúa thì nhẹ, còn gánh người ta bó mới nặng! Còn giáo dân, khi theo gương khiêm hạ của Ðức Kitô, sẽ dễ tìm thấy bình an giữa mọi người và xây dựng được cộng đoàn bác ái.
2020
Kiên nhẫn & kiên nhẫn
27 tháng Tám
Thứ Năm
Thánh Mônica
KIÊN NHẪN VÀ KIÊN NHẪN
Hc 26, 1-4. 16-21; Lc 7, 11-17
Lượt lại một chút về hoàn cảnh cuộc đời thánh Monica. Chính vì hoàn cảnh mà Monica gặp phải nên đã có thể biến ngài thành một người vợ hay cằn nhằn, một nàng dâu chua chát và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Khi còn nhỏ, bé Monica đã có lần lẻn vào hầm rượu uống lén rượu. Người đầy tớ gái trong cơn bực bội đã gọi cô là “đồ say rượu”. Từ đó cô quyết sống tự trọng và bền tâm tập luyện nhân đức.
Mặc dù cô là một Kitô hữu, cha mẹ cô đã gả cô cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nảy và phóng túng. Ngoài ra thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người và đạo đức.
Thế nhưng rồi ông Patricius, chồng bà, cũng hết sức cộng tác cùng bà trong việc dạy dỗ các con cái. Sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Bà cũng thường khuyên bảo các phụ nữ hai điều cần thiết để giữ gìn bình an trong gia đình: Một là luôn nhớ đến lời giao ước hôn nhân mình đã đảm nhận, hai là biết thinh lặng khi chồng nổi nóng. Ông Patricius chết năm 371, sau khi chịu rửa tội được một năm.
Thánh nữ Monica là một phụ nữ giàu những năng lực nội tâm, được khơi dậy một cách mãnh liệt bởi một đức tin sâu xa, nhưng không phải không kinh qua những thử luyện. Bà ít nhất có ba người con vượt qua được ngưỡng cửa ấu nhi. Người con cả, Augustinô Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Cha và Mẹ Augustinô đều nhất trí cho con học lớp tòng đạo. Nhưng có lẽ các ngài còn chưa dứt khoát lo cho con được rửa tội ngay. Vào lúc cha chết, Augustinô mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage.
Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình trong thời học đạo, đã đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng, dan díu với một cô gái và không trung thành với thời kỳ học tòng đạo của mình. Bà đã mạnh mẽ từ chối không cho con được tiếp tục sống trong nhà mình vì sự phản bội đó. Cho tới khi, trong một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustinô sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài quyết sống gần con, ăn chay và cầu nguyện cho con.
Khi 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy văn chương và thuật hùng biện. Một tối kia, Augustinô nói với mẹ là anh ra bến tàu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustinô đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, thánh Monica vẫn nhất định bám sát con tới tận Milan.
Ở đây, Augustinô chịu ảnh hưởng bởi một Giám mục, Ðức cánh Monica. Bà Monica chấp nhận lời hướng dẫn của Đức Giám mục trong mọi chuyện và có lòng khiêm nhường từ bỏ các thực hành đạo đức thân quen đã trở thành bản tính thứ hai của bà (xem đoạn trích ở dưới). Bà trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.
Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô trong những năm anh dạy học. Vào lễ Phục sinh năm 387, Ðức cha Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô và một vài người bạn của anh. Tất cả bọn họ họp thành một nhóm bạn hữu hết sức yêu thương giúp đỡ nhau để sống đạo. Thánh nữ Monica cũng tỏ ra là một người mẹ khôn ngoan, có một ảnh hưởng tốt đối với nhóm. Kinh qua nhóm đó, Augustinô đã có được một kinh nghiệm sống cộng đoàn mà ngài thật sự quí chuộng.
Augustinô và các bạn mình một hôm thảo luận với nhau xem điều gì đem lại cho con người hạnh phúc. Thình lình mẹ Monica tới và tham gia vào cuộc thảo luận. Mẹ đã bộc lộ rõ tất cả chiều sâu tâm linh của mình. Khi cả nhóm nhất trí rằng để được hạnh phúc, thì con người buộc phải có được điều mình ước muốn. Mẹ Monica liền nêu lên một sự phân biệt quan trọng: “Nếu người ấy ước ao có được những điều tốt lành, thì người ấy mới hạnh phúc; còn nếu người ấy chỉ ước ao điều xấu, thì dù họ có được bất cứ điều gì họ ước muốn, nhưng họ vẫn chỉ là con người khốn khổ, đáng thương. Augustinô lập tức công nhận mẹ mình là một triết gia bậc thầy, và ví mẹ với triết gia Cicerô! Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi châu.
Dù không ai để ý tới, nhưng thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustinô, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết còn có gì mẹ phải làm tại đây không hay tại sao mẹ còn phải ở lại đây nữa, vì mọi điều mẹ trông đợi ở trần gian này đều đã được hoàn tất?” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn ghê gớm trong chín ngày trước khi từ trần.
Ngoài thánh Augustinô ra, chúng ta thấy bà còn một người con trai tên là Navigius, đôi khi xuất hiện trong bút tích của thánh Augustinô. Bà còn một người con gái là Perpetua, sau này trở thành bề trên của một tu viện các nữ tu.
Trở về với Tin mừng, trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: “Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá”. Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.
Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm “Buồn Nôn”: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả”.
Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.
Xin cho mỗi người chúng ta biết vâng phục Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã vâng phục.