2020
Yêu Thương Kẻ Thù
10.9 Thứ Năm
1Cr 8, 1b-7. 11-13; Lc 6, 27-38
Yêu Thương Kẻ Thù
Năm 2005, Thế Giới Phẳng cùa Thomas Friedman viết được trao giải thưởng ‘Cuốn Sách Hay Nhất’ trong năm do Thời báo Kinh Tế Financial Times và ngân hàng kinh tế đa quốc gia Goldman Sachs Business bình chọn.
Hiện nay “thế giới phẳng” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng, thân thiết, hiểu nhau hơn và chặt chẽ hơn trước kia.
Thế nhưng, sự thật không phải vậy khi những tranh chấp, mặc cả, đấu đá… vẫn diễn ra hàng ngày trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị… theo dòng thời sự thế giới. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo bản tính tự nhiên, con người ta dễ dàng niềm nở, đối xử tốt với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào.
Và ta thấy Chúa Giêsu bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải vui vẻ, thân thiện với người mình ác cảm, hay phải tha thứ cho người đã lừa dối, vu khống, gây hại cho mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy ngay trong gia đình đã có những tranh chấp, cãi vã; hàng xóm cũng kiện tụng, đánh nhau; thế giới thì không ngừng chiến tranh, khủng bố…
Theo dõi tin tức thời sự, chúng ta thấy không ngày nào mà không có những vụ trả thù, nổ bom tự sát, bắt cóc, thủ tiêu con tin …. Tình hình chiến sự ở Syria và Ukraine thời gian gần đây ngày càng leo thang trầm trọng.
Đâu là nguyên nhân và đâu là phương thế có thể hòa giải thế giới và đem lại bình an cho con người?
Kinh thánh cho biết: từ khi nguyên tổ phạm tội thì sự dữ đã nhập vào thế gian. Sự ghen tương, thù hận, giết chóc đã xảy ra ngay sau đó giữa hai anh em Cain và Abel. Và cứ thế, lịch sử con người tiếp diễn với các cuộc tàn phá, và tàn sát. Sự thù hận không thể chấm dứt nếu con người muốn lấy máu trả nợ máu.
Trước Chúa Giêsu 6 thế kỷ, Đức Phật đã dạy ‘lấy oán báo oán, oán chất chồng; lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan’. Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta yêu thương, tha thứ cho kẻ thù không đơn thuần là một phương kế nhưng là một đòi hỏi bắt buộc đối với những ai muốn làm môn đệ của Ngài và làm con Cha trên trời. Với Chúa Giêsu, tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha và những ai được mời gọi làm con Thiên Chúa phải yêu người như Thiên Chúa đã yêu.
Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha yêu thương ban mưa thuận gió hòa cho cả người công chính cũng như kẻ bất lương.
Ngài còn dạy các môn đệ phải biết yêu thương kẻ thù. Yêu kẻ thù là chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.
Chúa Giêsu đã dạy yêu thương và Ngài đã sống điều Ngài dạy. Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”
Yêu thương, tha thứ quả là điều vô cùng khó. Chỉ nguyên việc không tìm cách trả đũa kẻ gây ra những đau thương bất hạnh cho mình đã là khó, nói chi đến việc làm ơn, cầu nguyện cũng như chúc phúc cho những kẻ thù nghịch với mình.
Khó nhưng đó lại là tiêu chuẩn thực hành của người Kitô Hữu. Khó nhưng không phải là không làm được. Trong Giáo Hội đã từng có biết bao vị thánh làm được điều mà Chúa đã dạy. Đó là thày phó tế Stêphanô. Trước giờ chết, thày đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu xin nhận lấy linh hồn con”; và “xin đừng chấp tội họ”. Thánh tử đạo Việt Nam Emmanuel Lê Văn Phụng đã nói với các con của mình rằng: Các con đừng tìm cách báo thù; quay sang các bạn hữu, ngài nói: “Các bạn hãy tha thứ vì chính tôi đã tha thứ”.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
Chúa Giêsu kêu gọi người phải Ki-tô hữu phải vượt thắng những tình cảm tự nhiên, những suy nghĩ tự nhiên, những phản ứng tự nhiên của một con người… để sống yêu thương như Chúa yêu, hy sinh, phục vụ như Chúa đã làm; để trở nên hoàn thiện như Cha Trên Trời là Đấng trọn toàn.
2020
Ngày chung tận
Ngày 9 tháng Chín Thứ Tư
Thánh Phêrô Claver, linh mục
Is 58, 6-11; Mt 25, 31-40
NGÀY CHUNG TẬN
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50, có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe. Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống. Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh. Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu. Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ. Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có. Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không?
Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không? Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto. “Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cảvà theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất”.
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm: “Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsubằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.” Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Trang Tin Mừng hôm nay tập trung về diễn tiến trong cuộc phán xét chung. Đây là quang cảnh thu gọn của cuộc đại phán xét. Cuối bài giảng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu từ chương 5 đến hết chương 7, Thánh sử đã loan báo về sự phán xét đối với những môn đệ chân chính và khẳng định Đức Tin KiTô Giáo là một hành động được tóm tắt bằng Tình Yêu đối với tha nhân.
Dụ ngôn về “ cuộc phán xét chung” là một trong chuỗi dụ ngôn có nội dung nói lên cách thức chuẩn bị biến cố cánh chung như thế nào và sự tỉnh thức Chúa đòi hỏi mỗi người.
Câu 31 mở đầu việc ngự đến trong vinh quang của Con Người có các Thiên Thần theo sau hầu hạ. Trước mặt Con Người là một đám đông hỗn độn gồm cả chiên lẫn dê. Và chính Con Người sẽ là người phân xử, tách biệt và lựa chọn: chiên ở bên này và bên kia là dê. Ở câu 32, tác giả đã nêu lên sứ vụ mục tử của Con Người. Người hiểu rõ và biết được sự khác nhau giữa chiên và dê. Đây là lúc vị mục tử sẽ phân loại bầy chiên dê hỗn tạp này, trong uy quyền và công bằng trong xét xử. Tiêu chuẩn của việc phân loại dựa trên lòng yêu mến của thần dân đối với Vua là cách đối xử của họ với anh em mình ( c.40 và 45). Phần thưởng hay hình phạt đều dựa trên cách đối xử ấy.
Mở đầu lời nói mà Đức Vua dành cho những người thuộc bầy chiên mà Người chăn dắt rằng: “ Những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từthuở tạo thiên lập địa ( c. 34). Cách xưng hô của Đức Vua đủ cho chúng ta biết những người bên phải là người được Chúa Cha tuyển chọn và yêu thương. Họ được chúc phúc “ vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. ( c. 35-36). Đức Vua kể hàng loạt việc tốt, việc lành mà họ đã cư xử với những người anh em đồng loại mà được Ngài kể như là làm cho chính Ngài “ mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
( c.40 ).
Chính Ngài xác định người anh em bé nhỏ là hiện thân của Ngài trên trần gian. “ Người anh em bé nhỏ” mà chúng ta thấy Chúa nêu lên là: Người đói khát, người không có áo mặc, người không có nơi trú chân, người đau bệnh và người bị tù đày. Họ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, bị xã hội khinh khi, ruồng bỏ… Chính Chúa ở trong họ. Chính Chúa cần đến sự giúp đỡ, ân cần của chúng ta khi họ bị đói khát, bị bỏ rơi, bị xem thường. Chính Chúa cần chúng ta khi họ lang thang trên vỉa hè, đường phố trong những đêm giá lạnh, cô đơn. Chính Chúa cần đến chúng ta khi họ đang phải chống trả với những căn bệnh thời đại, bất trị. Chính Chúa cần chúng ta khi họ bị quên lãng trong chốn tù đày, bị xã hội gắn cho một cái mác “ đi tù về…” và họ sống trong mặc cảm không sao vươn lên để làm lại cuộc đời.
Từ câu 41-45, Thánh sử cũng chỉ lập lại những sự kiện, những câu hỏi đối đáp như trên, nhưng tình thế lật ngược 1800 chỉ vì cách cư xử khác biệt của “những kẻ bên trái”. Danh từ những người được chúc phúc , được chuyển thành “quân bị nguyền rủa” và nơi chốn cũng thay đổi từ “ Vương quốc dọn sẵn” nay trở thành “chốn lửa đời đời, nơi dành cho Ác Quỷ và đồng bọn”.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài. Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Dụ ngôn kết thúc trong câu 46 đủ nói lên “cõi đi về” của mỗi người tuỳ theo cách họ cư xử với anh em đồng loại khi còn sống. Suốt dụ ngôn, chúng ta không hề thấy một lời van xin hay một cử chỉ thương xót. Lúc này chỉ còn sự công bằng, thưởng phạt mà thôi.
Hôm nay đây chúng ta biết rõ Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta. Chúng ta biết được những tiêu chuẩn nào Ngài sẽ phán xét, chúng ta đã chuẩn bị gì cho giây phút chúng ta ra hầu tòa Chúa chưa? Hãy nhớ rằng giây phút Chúa gọi ra khỏi đời này chúng ta sẽ không còn thay đổi gì được nữa, chúng ta không còn giây phút nào tự bào chữa đâu. Hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng.
2020
Sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a
Ngày 8 tháng chín Thứ Ba
Sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a
Mk 5, 1-4a Mt 1, 1-16. 18-23 Hoặc: Mt 1, 18-23
Giáo hội mừng kính ngày sinh nhật Đức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Đông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Chọn ngày mùng 8 vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng 12 (chín tháng trước).
Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ là niềm vui lớn lao của toàn thể nhân loại, vì là ngày mừng kính mầu nhiệm khởi đầu của ơn cứu chuộc, như lời thánh Anrê Giám mục thành Crêta nói: “Chúng ta mừng kính việc Mẹ Thiên Chúa sinh ra như mầu nhiệm khởi đầu, còn tận cùng là việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm.
Quả vậy, Đức Trinh Nữ được sinh ra, nuôi dưỡng và khôn lớn, để chuẩn bị làm Mẹ Thiên Chúa.” Nhờ đó, chúng ta được hai mối lợi: một là được tới Chân Lý, hai là được thoát khỏi cảnh sống nô lệ cho lề luật. Điều đó xảy ra thế nào và bằng cách nào? Chắc chắn ánh sáng tới thì bóng tối lui đi, và ân sủng đem lại tự do cho con người: ngày lễ trọng hôm nay chính là ranh giới, đem Chân Lý đến tiếp vào những hình bóng loan báo cũ, và lấy các điều mới đến thay cho những cái xưa.
Vì vậy, mọi tạo vậy hãy đồng ca và nhảy mừng, và cùng nhau hoan hỷ trong ngày này. Hôm nay trời và đất hãy cùng nhau mừng lễ. Dưới thế và trên trời hãy cùng nhau mở hội. Vì chưng hôm nay đã thiết lập đền thánh cho Đấng Tạo Dựng mọi loài, và nhờ một sự an bài mới mẻ và tuyệt diệu, một tạo vật đã nên nhà mới đón tiếp Đấng tạo hóa.”
Giáo Hội không mừng ngày sinh của các thánh. Ngày sinh của con cái Ađam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt, và cái di sản thảm khốc của tội lỗi mà chúng ta mang theo khi vào đời. Nhưng trong lịch sử phụng vụ Công giáo, chúng ta thấy có ba lễ mừng sinh nhật: của chính Đức Giêsu, của Trinh nữ Maria, và của thánh Gioan Tẩy Giả.
Lý do là vì chỉ có ba vị xứng đáng được mừng ngày sinh nhật, vì các ngài không vướng mắc tội tổ tông truyền, được thánh hóa ngay từ lúc nằm trong lòng mẹ, việc chào đời của các ngài là một biến cố vui mừng đặc biệt. Riêng với Đức Trinh Nữ Maria, những lễ kính ngài là “Những lễ kính nhớ biến cố sinh ơn cứu rỗi, trong đó Chúa Giêsu và Mẹ maria đi liền với nhau, như lễ sinh nhật Đức Maria ngày mà hy vọng và vầng hồng cứu rỗi ló dạng trên trần gian”
Bởi vậy, ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Giáo hội hân hoan ca tụng: “Lạy Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, việc Mẹ sinh ra loan báo niềm vui cho cả thế gian. Vì từ lòng mẹ phát sinh mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Đấng xóa bảo án phạt mà ban phúc lành, tiêu diệt sự chết và ban sự sống đời đời cho chúng con.”
Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Đức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng kính đạo của Kitô hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Cũng như nhiều câu truyện khác trong Tin Mừng, câu truyện trên cho thấy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Maria ngay từ đầu.
Thánh Augustinô nối kết việc sinh hạ của Đức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Đức Maria: “Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nảy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi.”
“Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu trinh khiết của Chúa Cha đã nảy sinh từ gốc Giêsê”.
2020
Hiểu ý nghĩa ngày Sabát
7.9 Thứ Hai
1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11
HIỂU Ý NGHĨA NGÀY SABAT
Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện như sau: một ông bố hỏi chàng thanh niên đến xin cưới con gái của mình: Anh có thể cho con gái tôi tất cả những gì nó mong ước hay không? Chú rể tương lai mau mắn đáp lại bố vợ của mình rằng: Thưa bác, chắc chắn rồi. Nàng nói rằng tất cả những gì nàng mong ước chính là cháu đây.
Câu chuyện trên đây phần nào giúp chúng ta hiểu điều mà Đức Giêsu muốn dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài hỏi: “Ngày Sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”
Theo những người luật sĩ và biệt phái thì ngày Sabat là ngày nghỉ “không làm gì cả”. Tuy họ có chấp thuận một số việc được làm trong ngày Sabat nhưng phải tùy trường hợp nào đó rất cụ thể, thì con người mới được phép làm.
Nếu như thế, thì người luật sĩ và biệt phái quá câu nệ vào việc tuân giữ luật ngày Sabat, nên quên mục đích của ngày ấy là nhằm lợi ích cho con người. Sở dĩ có ngày Sabat là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để giúp dân chúng có nhiều thời gian thờ phượng Chúa. Điều đó cũng là để mang lại lợi ích cho họ mà thôi.
Ông bố vợ tương lại trong câu chuyện trên cũng ngộ nhận như những người biệt phái và luật sĩ trong Tin Mừng hôm nay. Ông quá đặt nặng vấn đề tiền bạc của cải mà quên rằng điều con gái ông mong ước chính là chàng thanh niên, người yêu của nàng.
Người luật sĩ và biệt phái quá chú tâm vào việc giữ luật đến nỗi quên mất lề luật đặt ra chỉ vì lợi ích cho con người. Yếu tố con người mới là quan trọng, là chủ chốt, là mục đích để hướng tới.
Lễ nghỉ của đạo Do Thái là ngày Sabat, lễ nghỉ của người Công Giáo là ngày Chúa Nhật. Chúa muốn chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự Thánh Lễ, học hỏi giáo lý, suy niệm Lời Chúa, làm việc tông đồ, thực hành bác ái và nghỉ ngơi dưỡng sức.
Như vậy, ngày Chúa Nhật cốt để tôi luyện lòng trí chúng ta đến tâm tình mến Chúa và lòng yêu thương con người. Cho nên, nếu có trở ngại cho đức bác ái yêu thương thì luật buộc nghỉ lễ cũng phải nhượng bộ cho tình thương ấy.
Mở đầu vớí câu 6, Thánh sử giới thiệu một ngày làm việc của Chúa Giêsu : Ngài vào hội đường và giảng dạy. Đó là công việc của vị ngôn sứ và cũng vì việc này mà Ngài được Chúa Cha uỷ thác xuống trần. Ngài không nói lời của Ngài nhưng là lời phát xuất từ Chúa Cha và chính Ngài là Ngôi Lời hằng hữu muôn đời. Ngài nói lên tiếng nói Tình Yêu Thiên Chúa muốn chia sẻ hạnh phúc với con người.
Bài giảng của Chúa Giêsu hôm nay được gắn kết với hành động. “Ở đó có một người khô bại tay phải”: Bàn tay con người là dụng cụ lao động để kiếm sống. Bàn tay cũng là cách diễn tả tâm trạng: vui buồn, chúc phúc, thề hứa và cũng để cầu nguyện thờ lạy. Tay anh bị khô bại nên mất đi hết hiệu lực trên và đó là một thiệt thòi, một lỗ hỗng trong cuộc sống của anh. Hôm nay anh là nhân vật chính. Anh là nơi để Thiên Chúa thi ân giáng phúc nhưng anh cũng là nguyên nhân để người Pharisêu phản đối và tố cáo một con người: Chúa Giêsu. Họ đang rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho anh không, chỉ để tố cáo.
Trong đầu chương 6, người pha-ri-sêu chỉ dám mon men đến xem xét và lên án các môn đệ của Chúa Giêsu phạm luật sa-bát: bứt bông lúa. Nhưng hôm nay, họ đã cố ý rình mò hành vi của ông thầy và muốn tiêu diệt “Tận gốc”. Chúa Giêsu hiểu được tâm địa của họ, Ngài muốn dạy cho họ về luật yêu thương, luật để cứu sống để chữa lành, đối lại cách sử dụng luật của họ, luật được đặt thêm ra trong luật Môsê, chỉ để hại nhau, để lên án tố cáo và để giết chết.
Vì thế, Ngài nói với người bại tay: “ Anh chỗi dậy ra đứng giữa dây!” ( c.8). Hình ảnh chỗi dậy như rũ bỏ giữ luật vì luật, giữ luật theo nghĩa đen trong hằn học, bực bội mà thiếu vắng tình yêu đồng loại. Lần này, Chúa Giêsu đi trực tiếp vào vấn đề và quyết định nói rõ, nói thẳng cho họ biết cốt lõi và tinh thần của luật: “ Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?”
Chúa Giêsu muốn đưa ngày sa-bát về ý nghĩa nguyên thuỷ của nó “ Ngày sa-bát được lập ra vì người ta…” (Mc 2, 27) vì bổn phận bác ái trổi vượt trên hình thức tuân giữ ngày nghỉ. Đàng khác, Ngài cũng nhận là Ngài làm chủ ngày sa-bát (Mc 2, 28) khi làm việc lành, việc thiện trong ngày sa-bát là chúng ta bắt chước Thiên Chúa yêu thương tạo dựng vũ trụ, và Thiên Chúa còn tiếp tục cai quản vũ trụ và ban sinh khí cho con người. Ngày sa-bát đích thực là ngày con người sẽ nghỉ ngơi như Thiên Ch và cộng tác với Ngài, hiệp thông với tâm tình của Ngài.
Sau khi đã giáo huấn và nhắc nhở họ về mục đích của ngày sa-bát, Chúa Giêsu đã rảo mắt nhìn họ tất cả. Một cái nhìn như nhắc nhở sự trở về, sự thức tỉnh lương tâm chai lỳ khô cứng của họ. Chúa Giêsu liền bảo người bại tay: “ Giơ tay ra!” Anh ta làm theo và tay anh được lành. (c. 10). Lời Ngài có uy quyền trên bệnh tật và lời Ngài đã chứng minh Tình Yêu Thiên Chúa qua hành vi cụ thể chữa lành. Việc chữa lành của Chúa Giêsu đã đưa anh khô bại tay trở về cuộc sống đời thường nhưng lại là lúc làm cho mầm mống ghen tỵ, hiềm khích của người pha-ri-sêu gia tăng. Thánh sử Luca viết tiếp, họ giận điên lên và bàn nhau xem có làm gì được Chúa Giêsu không ( c.11). Một kế hoạch được lập ra. Một âm mưu được khởi đầu chỉ vì lòng ghen ghét.
Thái độ của người pha-ri-sêu xưa cũng là hành vi của chúng ta ngày nay. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi công sở, nhà máy, trường học, chúng ta vẫn có nhiều âm mưu diệt trừ lẫn nhau: một lời nói xấu, gièm pha, một hành vi phản đối hoặc thái độ “ mackeno”. Thậm chí một vài người có hành vi loại trừ Thiên Chúa như: tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo hội như : đặt điều vu khống, bắt bớ, bách hại những người ngay lành, thấp cổ bé miệng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em…
Xin Chúa cho chúng ta biết ngày nào cũng là ngày niềm vui của hân hoan trong tình yêu Chúa và tình mến anh chị em, đồng thời cũng biết dùng luật yêu thương để xóa bỏ hận thù.