2020
Đức Mẹ Sầu bi
Đức Mẹ Sầu bi
Khi Mẹ sống lời tiên tri Simeon: “ Suốt đời Bà, tâm hồn Bà sẽ bị đau đớn như lưỡi đòng đâm thâu qua” (Lc 2,35)
Lưỡi đòng đó là;
- Tội lỗi nhân loại
- Những đau khổ của Đức Kitô
- Khi Đức Mẹ bước theo chân Con mình trên đường khổ giá và đứng dưới chân Thánh Giá để chứng kiến và thông phần đau khổ của Con Mình là Đức Kitô.
- Khi Đức Mẹ dâng tất cả những đau đớn riêng biệt, bất thường và đời thường của mình tức là chính trái tim như bàn thờ đầy lòng mến, đầy khiêm tốn, và cầu nguyện.
“Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người trong dân Israel bị hư hỏng hay được cứu rỗi và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn. Còn Bà một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà”. Trong giây phút đó Mẹ Maria chưa hiểu rõ thế nào là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn. Mẹ đã bất đầu đi trên con đường đức tin trong sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa. Thiên Chúa dùng tiên tri Simeon để loan báo mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa. Có thể lúc đó Mẹ chưa hiểu hoàn toàn Thánh Giá đau khổ thế nào nhưng mẹ cẩn thận ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng. Đây là thái độ thường xuyên của Me. Mẹ không hiểu nhưng không vì thế mà Mẹ chối bỏ , Mẹ luôn giữ trong lòng để suy niệm.
‘Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà’. Thập Giá của Chúa, mầu nhiệm đau khổ bao trùm trên đời Mẹ, trên hành trình đức tin của Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân Thập Giá của Chúa Giêsu trên đỉnh đồi Golgotha. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh Giá đối với Chúa Giêsu như là sự thông chia đau khổ, mặt khác là sự yên ủi cho Ngài. Mẹ tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria đã âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con và lãnh nhận đặc ân được tham dự vào công cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại. Lúc đó Mẹ Maria hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thánh Giá và Mẹ sẵn sàng lãnh nhận lời mạc khải của Chúa Giêsu .
‘Đứng gần Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ Người và thấy môn đệ mình yêu, Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Thưa bà, đây là con bà” và Chúa nói với môn đệ: “Đây là mẹ con. Sau đó môn đệ đón Đức Mẹ về nhà mình”.
Mẹ Maria cũng vậy, dù phải đứng dưới chân thập giá và phải chứng kiến cái chết thảm thương của con Mẹ là Đức Giêsu, nhưng lòng mẹ vẫn ngập tràn niềm tín thác vào quyền năng và tình thương của Đấng Tối Cao. Về mặt xác thịt con người, chắc chắn lòng mẹ không khỏi tan nát, buồn đau, nhưng trong lòng tin, Mẹ vẫn có được niềm hy vọng hướng về tương lai tươi sáng của sự phục sinh vinh hiển của con Mẹ. Vì lẽ đó, hôm nay chúng ta mừng lễ với Mẹ: Vui mừng với Mẹ, vì khi gặp nỗi khổ đau tột cùng là phải chứng kiến cái chết thê thảm của con Mẹ, Mẹ vẫn không để nỗi khổ đau ấy bóp chết con tim yêu mến và ngập tràn hy vọng của Mẹ.
Nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Sâu Bi, Giáo hội nhắc nhớ cho chúng ta biết về giá trị của hạnh phúc, giá trị của niềm hy vọng trong chính nỗi khổ đau và chết chóc. Ngay ở bài đọc 1 trích trong thư gửi tín hữu Do thái hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về niềm hy vọng trong đau thương, hoạn nạn. Tác giả thư Do thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính”. Suy gẫm đoạn lời Chúa này, bấy lâu nay ta không khỏi thắc mắc: Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà xin Cha Ngài khỏi phải chết và rõ ràng tác giả thư Do thái bảo rằng Ngài đã được nhậm lời!
Mẹ Maria chịu đau khổ, sự đau khổ của Mẹ không chỉ là đau khổ thể xác mà còn làm cho tâm hồn Ðức Mẹ nát tan, giày vò vì từ khi nói lời xin vâng, dâng con vào đền thánh,lạc mất con vv.cuộc đời của Ðức Mẹ luôn hướng về cây thập giá. Có thể nói, mọi hành vi của Ðức Mẹ đều chuẩn bị cho con Mẹ là Chúa Giêsu tự hiến tế để cứu chuộc nhân loại. Mẹ hiểu rõ con Mẹ là của Mẹ, do Mẹ sinh ra nhưng không thuộc về Mẹ: “Cha Mẹ, không biết con phải làm việc cho Cha con sao ? Mẹ đã âm thầm giữ kín mọi kỷ niệm.mọi sự việc và suy đi nghĩ lại trong lòng. Mẹ đã hân hoan, vui mừng,ca ngợi tình thương bao la của Thiên Chúa trong ngày truyền tin, Mẹ lại sinh ra nhân loại trong sự đau khổ trên núi Canvê. Mẹ hoàn thành sứ mạng đồng công cứu chuộc của Mẹ. “Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người”
Mẹ Maria đã anh dũng đứng dưới chân thập giá khi con Mẹ bị treo trên cây thập hình nhuốc hổ . Mẹ đứng đó khi nhiều môn đệ và những người thân cận chạy trốn vì sợ hãi,vì sợ chết.Mẹ đã ý thức lời Chúa nói:” Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Mẹ đã nhận lãnh thánh Gioan,đại diện Giáo Hội làm con của Mẹ và như thế, Mẹ đã cho nhân loại thấy rõ cái chết của Chúa là hy lễ cao quí nhất có sức biến đổi thế gian và là nguồn sự sống mới cho nhân loại.Mẹ đau khổ nhưng sự đau khổ của Mẹ góp phần vào công cuộc cứu rỗi nhân loại nhờ Mẹ kết hợp sự đau khổ của Mẹ với sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Sống ở đời này, ai trong chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ. Ta không đau khổ vì điều này thì sẽ đau khổ vì điều khác. Đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công, vì thiên tai, vì nhân tai. Đau khổ vì bị tù đầy, bị kỳ thị, bị khinh khi, miệt thị. Và đau khổ lớn nhất của thân phận nhân loại chúng ta đó là vì sự chết chóc đau thương. Nhưng đứng trước mọi nỗi đau khổ, Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hay đón Đức Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về với tâm hồn mình để Mẹ dạy cho ta con đường tin yêu, hy vọng ngay trong nỗi đau khổ tột cùng.
2020
Lời mời quá khó
Ngày 14 tháng chín Thứ Hai
LỜI MỜI QUÁ KHÓ
Hơn một lần ta thấy Chúa đã xác quyết: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Thế nhưng con đường ấy như thế nào? Phải chăng là một con đường ngợp những cánh hoa. Tôi xin thưa không phải là như thế, nhưng là một con đường vừa khúc khuỷ, vừa nhỏ bé mà ít người muốn đặt chân vào. Và cụ thể hơn nữa, đó là con đường đau khổ, con đường thập giá như lời Người đã xác quyết: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Đó là con đường duy nhất, rẽ ngang vào một lối khác, chắc chắn thế nào chúng ta cũng bị lạc.
Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Đàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống.
Trước khi Đấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hi vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo. Đó chính là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Đức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hi lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).
Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.
Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.
Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).
Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.
Và rồi như lời Chúa mời gọi, ta thấy muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước Trời.
Là Kitô hữu, chúng ta thấy chúng ta không thể chối bỏ thánh giá, mà phải tôn vinh Thánh giá như phương tiện cứu rỗi. Kitô hữu phải hãnh diện về biểu hiệu của Thánh giá. Tuy nhiên người mang danh Kitô không được dừng lại ở thánh giá mà phải vượt qua thánh giá và tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và phục sinh mà Đức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23).
Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không?
Dù muốn dù không thì ta thấy Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.
2020
Danh cực Thánh của Mẹ
12.9 Thứ Bảy
Kính danh cực thánh Đức Mẹ
Gl 4, 4-7; Lc 1, 39-47
DANH CỰC THÁNH CỦA MẸ
Maria là ái nữ của Ông Gioan kim và Bà Anna… Maria không phải là một nữ thần, không phải là nữ hoàng chiến sĩ của thần thoại, không phải là một nhân vật kỳ dị bí ẩn hiện trong sương mù lịch sử cổ đại. Bà là một con người, một cá nhân duy nhất được chúc phúc và tôn vinh, nhưng Bà vẫn chỉ là một con người
Khi đến lúc đọc về Đức Maria Vô Nhiễm thì bạn nên luôn nhớ rằng ta tiếp xúc với một con người khả ái đang sống. Ta không lạ khi người Công giáo thành viên của Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì vậy “những người còn lại trong dòng dõi Đức Maria” đã kính trọng danh thánh của Mẹ mình đến mức độ ấy.
Bài ca nhập Lễ mừng Danh Cực Thánh Đức Bà Maria trích từ thánh vịnh (45) là một chứng tá hùng hồn cho biết lý do tại sao chúng ta ca tụng danh xưng tuyệt mỹ này:
Phú hào trong xứ đến cầu ân xin Công Nương đoái nhìn họ: Bà được dẫn tới Quân Vương, cùng các trinh nữ theo sau hầu cận. Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước, vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung… Thần Thiếp xin nức lòng ca ngợi, truyền tụng Danh thơm Đức Vua.”
Mẹ Thánh Chúa Kitô đem chúng ta đến trình diện với Ngài. Mẹ trình lên Ngài những nhu cầu và kiến nghị của chúng ta; Mẹ là khí cụ Lòng Thương Xót của Ngài và Mẹ có toàn quyền sử dụng “Kho Tàng Ân Sủng” mà Ngài đã dành được cho chúng ta trên Đồi Canvariô; Mẹ an ủi tâm hồn ta và qua sự lo lắng từ mẫu, Mẹ ban cho con cái của Mẹ bất cừ thứ bình an và hạnh phúc nào mà chúng ta biết được trong thung lũng đầy nước mắt này không gì hơn là bình an của Chúa Kitô. Chúng ta có thể ra sức bảo tồn sự bình an này trong tâm hồn đau khổ và mỏi mệt của chúng ta, nhưng Đức Bà vẫn sẵn sàng và tha thiết chia sẻ liên tục bình an ấy cho chúng ta.
Vâng, danh thánh Maria, một danh xưng ngắn ngủi và đơn sơ ấy đối với chúng ta chứa đựng cả một trời ân sủng. Trong danh xưng Thần Linh [Maria] ấy có một sức quyến rũ mạnh mẽ và ngọt ngào kỳ diệu đến nỗi chỉ cần nói lên thì lòng người cứng cỏi cũng trở nên mềm dịu, và câu văn chỉ cần viết danh xưng này cũng trở thành tuyệt tác. Và trong tin tưởng cũng như xác tín, ta có thể nói rằng : “không ai trìu mến và tôn kính kêu danh thánh Maria mà lại không được ban cho một số ân sủng xứng đáng.”
Tên Maria là võ khí hiệu lực, là thuẫn vững chắc, bênh chữa ta khỏi thù địch hãm hại hồn xác.
Biết bao kẻ vượt biển bị gió bão như vùi dập, biết bao kẻ sắp rơi vào tay kẻ cướp, quân thù, đã thoát khỏi tai nạn ấy, vì đã tin tưởng kêu tên Maria. Biết bao kẻ sắp xiêu lòng trước những cơn cám dỗ mãnh liệt, đã được ơn cứu thoát, vì đã tin tưởng kêu tên Maria. Trên giường bệnh, trong cơn hấp hối, người ta được mạnh sức cậy trông lòng Thương xót Chúa, khỏi mắc mưu quỷ cám dỗ, vì đã tin tưởng kêu tên Mẹ Maria.
Ngày 8 tháng 9, thánh nữ Anna hiểu rằng bà sắp sinh Người Con bà hằng ước nguyện. Bà sấp mình cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho con mình. Lúc đó, Mẹ Maria được Chúa cho xuất thần rất cao cả, không thấy được mình sinh vào trần gian như thế nào. Lúc ra khỏi cơn xuất thần ấy, Mẹ đã thấy mình đẹp đẽ nằm trên tay thân mẫu mình. Thánh nữ Anna được gìn giữ khỏi mọi đau đớn thông thường nơi các bà mẹ sinh con.
Các thiên thần hầu cận Mẹ, cùng với vô số thiên thần khác tháp tùng, đến tỏ niềm tôn kính Mẹ. Họ hát lên một khúc ca thiên đàng, rồi bắt đầu phục vụ Mẹ.
Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ cho các thiên thần biết rằng từ đời đời Người đã tác tạo cho Mẹ và cho Ngôi Con danh hiệu Maria và Giêsu. Trong hai danh hiệu đó, Người được thoả lòng hoàn toàn. Rồi Người phán: “Danh hiệu Maria phải được hiển vinh lạ thường. Những ai thành thực sốt sắng kêu cầu danh hiệu ấy sẽ được ban nhiều ân sủng. Những ai kính cẩn đọc lên sẽ được ủi an. Mọi người đều tìm được trong danh hiệu ấy phương dược trị liệu bệnh tật mình; được ánh sáng soi đường; được kho tàng cứu giúp sự túng nghèo. Danh hiệu Maria làm run sợ hoả ngục và đạp nát đầu cựu xà Satan”. Chính Chúa đặt danh hiệu ấy cho Mẹ.
Càng thực tâm nhiệt thành tôn kính danh hiệu Maria rất dịu ngọt của Mẹ, con càng đi trên đường của Mẹ. Con nên biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Danh hiệu ấy không biết bao nhiêu đặc ân. Mẹ không thể nghĩ đến hay nghe đọc đến mà lại không dâng lời cảm tạ Chúa.
Trên trời dưới đất, đừng kể tên Chúa Giêsu, thì chẳng có tên nào trọng, đáng kính và linh ứng cho bằng tên Ðức Mẹ. Thánh Giêrônimô nói rằng: “Tên Maria chẳng phải cha mẹ hay người thế gian đặt cho Người, nhưng chính Thiên Chúa soi lòng ông thánh Gioakim và bà thánh Anna đặt tên ấy cho Mẹ Maria”.
Maria, một tên rất linh thiêng. Nghe tên Maria, các thánh trên trời đều vui mừng, ma quỉ đều khiếp sợ Người, thế gian được cậy trông.
Tên Mẹ quyền phép chừng nào! Tên Mẹ có quyền mở cửa thiên đàng, đóng cửa hoả ngục, Tên Mẹ có quyền buộc trói ma quỷ, và ban mọi ơn lành cho người thế. Chúng con quyết từ nay năng tin tưởng kêu tên Mẹ. Chúng con đã thoát bao cơn nguy hiểm, đã chống trả được bao chước cám dỗ, đã tránh được nhiều tội, và được nhiều ơn lành xác hồn, tất cả đều nhờ Mẹ.
Tên Maria là võ khí hiệu lực, là thuẫn vững chắc, bênh chữa ta khỏi thù địch hãm hại hồn xác.
Biết bao kẻ vượt biển bị gió bão như vùi dập, biết bao kẻ sắp rơi vào tay kẻ cướp, quân thù, đã thoát khỏi tai nạn ấy, vì đã tin tưởng kêu tên Maria. Biết bao kẻ sắp xiêu lòng trước những cơn cám dỗ mãnh liệt, đã được ơn cứu thoát, vì đã tin tưởng kêu tên Maria. Trên giường bệnh, trong cơn hấp hối, người ta được mạnh sức cậy trông lòng Thương xót Chúa, khỏi mắc mưu quỷ cám dỗ, vì đã tin tưởng kêu tên Mẹ Maria.
2020
Tự biết mình
11.9 Thứ Sáu
1Cr 9, 16-19. 22b-27; Lc 6, 39-42
TỰ BIẾT MÌNH
“Hãy tự biết mình” là lời khuyên có ý nghĩa rất sâu xa từ ngàn xưa của các bậc minh triết. Đức Lão Tử sinh khoảng thế kỷ thứ VI trước CN, từng viết trong Đạo Đức Kinh : ” Tri nhân giả trí; tự tri giả minh.” (Biết người là trí (khôn); biết mình là sáng suốt), nhằm đề cao đức tính tự biết bản thân, thành thật nhận định trung thực phẩm chất của chính con người mình, nên được gọi là “minh”.
Còn cái biết về kẻ khác là cái tri thức của giác quan hay kinh nghiệm, không cần có bản lãnh sáng suốt vượt trên tư ngã.. Triết gia Hy lạp Socrates (399 – 470 TCN) cũng nổi tiếng với phương ngôn “Hãy tự biết mình” và tự khẳng định rằng : ” Có một điều tôi biết chắc chắn là tôi không biết gì cả”, ý nói cái biết thế giới hiện tượng không phải là cái biết đích thật, tức không phải chân lý. Vậy tự biết mình có nghĩa là:
Biết bản thể thiêng liêng của mình:
“Con biết con là ai đó chăng?
Con ôi, lý đạo ráng tầm phăn;
Con là không phải tâm phàm xác,
Con vốn chơn thần Thượng Đế ban.”
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với nội tâm để có thể nhận ra những ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm, những đam mê, những ham muốn đang điều khiển con người mình hầu mỗi ngày biết “lấy cái xà ra khỏi mắt mình”, để cảm thông, tha thứ cho nhau và nhất là có thể “thấy rõ và lấy cái rác ra khỏi mắt của anh em” mình.
Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân.
Thực tế, ta rất dễ dàng phê phán và nhìn thấy những khuyết điểm của người khác nhưng thật khó nhận ra những lầm lỗi thiếu sót của bản thân. Bởi vì, mang thân phận con người chúng ta rất dễ bị các yếu tố tình cảm chi phối, nên cái nhìn rất dễ lệch lạc. Khi vui ta nhìn mọi cái theo lăng kính màu hồng, khi buồn ta nhìn mọi thứ đều màu xám, khi hứng khởi thì mọi thứ đều màu xanh… Khi nhìn vào chính lòng mình ta lại bị lăng kính cái “tôi” chi phối. Do đó “cái tôi” càng lớn ta càng thấy mình tốt đẹp, trong sáng, hoàn hảo. Càng có địa vị, có uy tín ta càng khó nhìn ra và chấp nhận những lầm lỗi khuyết điểm của mình.
Để biết mình cần chúng ta đi sâu vào thinh lặng nội tâm để nhận ra sự hiện diện diện của Thiên Chúa, để lắng nghe sự dạy dỗ của Ngài, để được Ngài soi sáng tâm can hầu nhận ra những tội lỗi, những khuynh hướng xấu đang đè nặng tâm hồn, làm mờ mắt tâm linh, làm ta phải xa cách Thiên Chúa, xa cách tha nhân và xa lạ với chính mình. Biết mình giúp ta nhận ra những ưu điểm để phát huy và những nhược điểm để khắc phục. Biết những giới hạn của mình sẽ giúp ta bao dung, cảm thông trước những giới hạn của người khác, nhìn nhận và tôn trọng những tài năng và khác biệt của tha nhân để giúp nhau thăng tiến, cùng nhau kiến tạo cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập yêu thương. Sự biết mình chân thực sẽ giúp ta đủ sáng để nhìn đúng những thiếu sót của tha nhân; giúp ta đủ chân thành, khiêm tốn và yêu thương giúp nhau hoán cải để trở nên hoàn thiện mỗi ngày.
“Hỡi người, hãy tự biết mình”, đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. “Hãy sám hối” trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.