2020
Trở về
24 08 X Thứ Bảy tuần 29 Mùa TN.
Thánh Antôn Maria Claret, Gm.
Ep 4,7-16; Lc 13,1-9
TRỞ VỀ
Thiên Chúa yêu thương đã ban cho con người có lý trí để nhận biết sự hiện diện của Chúa. Ngài còn nhắc nhở và mời gọi ta hãy trở về với Ngài là nguồn cội, là cùng đích của mọi loài. Lời Thánh vịnh 90 cho chúng ta biết cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ và thân phận con người mong manh và mỏng giòn…
“ Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
Địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Thiên Chúa vẫn là nơi chúng con vào trú ẩn.
Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Người phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi.
Ngàn năm Chúa kể là gì tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
Khác nào một trống canh thôi”.
Thiên Chúa nhắc nhở ta qua những mạc khải, qua lời các ngôn sứ, qua Thánh Tử Giêsu và hôm nay còn nhắc nhở ta qua Giáo hội, qua những biến cố trong cuộc sống hàng ngày. Lời Chúa nhắc nhở ta có lúc gắt gao, mãnh liệt, quở trách nặng nề qua những thất bại trong công việc làm ăn, qua những khó khăn tai ương, những nghịch cảnh và qua cả những yếu đuối, đam mê và tội lỗi.
Cũng có lúc, Chúa nhắc nhở ta bằng những lời thì thầm, nhẹ nhàng và sâu lắng qua quy luật tự nhiên, qua trật tự trong vũ trụ. Nhìn chiếc lá vàng rơi về cội, nhìn dòng nước xuôi về nguồn, ta hiểu được rằng con người cũng phải trở về với gốc tích của mình. Nhìn những áng mây trôi lang thang, ta hiểu được rằng cuộc sống này luôn biến đổi, ngoài Thiên Chúa ra không có gì là trường tồn vĩnh cửu.
Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và tháp Silôê sập đè chết mười tám người. Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này trước: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Tai họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em.
Mỗi ngày trên đường đi làm, ta chứng kiến những tai nạn giao thông có người chết tức tưởi khi tuổi đời còn rất trẻ, có những thai nhi đã phải chết ngay từ trong trứng nước…Đến cơ quan, ta lại đối diện với công việc mưu sinh hàng ngày. Những lúc ta bị người khác hiểu lầm, bị đồng nghiệp xúc phạm, lúc ta phải đối diện với nỗi sợ hãi, trống rỗng trong tâm hồn, ta như thấy mất hướng sống và rơi vào bế tắc. Bạn bè xung quanh ta có những người đã đạt đến đỉnh vinh quang phú quý, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn thế mà chỉ một chút hiểu lầm thì đường ai nấy đi, kéo nhau ra tòa ly dị. Tình đời quả là éo le ngang trái…
Câu chuyện “Cây vả” trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ sống động về ngày giờ của Chúa. Tất cả mọi phút giây dù sống trong vinh hoa phú quý hay bần cùng khốn khó, Chúa đều nhắc ta tìm ý Chúa. Chúa đã dựng nên ta trong tình yêu nên Ngài không nỡ để ta phải mạng vong. Trái lại bằng mọi giá Ngài đã cứu chuộc và cho ta được thông phần hạnh phúc với Chúa. Tuy vậy, Thiên Chúa cũng là Đấng công bình và ngay thẳng, thưởng phạt đúng người đúng việc.
Hàng ngày, Chúa vẫn gửi cho ta những dòng tin nhắn để nhắc ta chuẩn bị tương lai cho một ngày viên mãn. Thái độ của chúng ta là chú ý lắng nghe hay thờ ơ lãnh đạm. Mỗi người chỉ sống một lần nên chúng ta phải sống sao cho ra sống, đừng sống hoài sống phí.
Hơn nữa là con cái Thiên Chúa chúng ta được mời gọi trở về trong vòng tay yêu thương của Cha, trong ngôi nhà ấm áp của tình yêu. Một lần nữa, Giáo hội mời gọi chúng ta dừng lại chiêm nghiệm thân phận con người trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Con người sinh ra không phải để qua đi như cỏ cây hoa lá. Con người chết đi không như một dấu chấm hết mà là để khởi sự tiến sâu vào mầu nhiệm sự sống đích thực vì Thiên Chúa là Chúa của sự sống.
Những ước mong mỗi người chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình mà biết cậy trông vào Chúa. Con người yếu đuối nhưng nhờ sức mạnh của Chúa chúng ta sẽ vượt qua. Chúa Giê-su đã từng chiến thắng cám dỗ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa Cha. Ngài luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha để thêm sức mạnh. Ngài cũng luôn chọn Chúa Cha làm lương thực cho Ngài hơn là những vật chất mau qua.
2020
Đọc dấu chỉ thời đại để sống đức tin
23 07 X Thứ Sáu tuần 29 Mùa TN.
Thánh Gioan Capistranô, Lm.
Ep 4,1-6; Lc 12,54-59
ĐỌC DẤU CHỈ THỜI ĐẠI ĐỂ SỐNG ĐỨC TIN
Trong trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta phải biết nhìn những dấu chỉ thời đại để nhận ra thời giờ của Chúa.
Khi tiên báo về ngày giờ của Chúa sẽ đến, một người trong đám đông dân chúng tiến lại đặt câu hỏi với Chúa Giêsu để biết khi nào thì các sự ấy xảy ra. Chúa Giêsu liền nhắc họ cách đoán biết thời tiết để nhận ra những dấu chỉ. “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”. Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”
Chúa Giêsu cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Đức Giê-su cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc.
Tuy vậ, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Đức Giê-su đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.
Chúa Giêsu lên tiếng khen người Do Thái, họ rất giỏi về thiên văn, đoán biết được các hiện tượng tự nhiên, các điềm lạ dựa vào sự xuất hiện của tinh tú, sự thay đổi của thời tiết, mưa nắng…Thế nhưng họ lại là những kẻ giả hình vì không nhận ra ngày giờ của Chúa. Họ suy nghĩ có lý luận chặt chẽ và thường kiểm chứng bằng khoa học nhưng tiếc thay họ lại thiếu niềm tin.
Quả thật, đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Nhưng người khôn ngoan phải biết nhìn xa trông rộng, nghĩa là không chỉ sắp xếp công làm đồng áng mà còn phải thu xếp được hiện tại và hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. Trong cuộc sống có nhiều người được xem là trí thức học cao hiểu rộng hơn người, họ biết lợi dụng thời thế xã hội mà tiến thân, làm giàu một cách nhanh chóng. Nhưng thực chất đó chỉ là những kẻ khôn ranh, khôn ma, khôn lỏi…. Trái lại có người lại bị liệt vào loại khờ khạo, không biết làm ăn tính toán nên buôn bán thua lỗ, học hành thất bại…Cả hai loại người này đều không có gì đáng bắt chước.
Lời Chúa hôm nay đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta về thái độ sống thế nào để khi thời giờ của Chúa đến chúng ta không phải nuối tiếc. Đôi lúc chúng ta giả vờ hay cố tình lãng quên lời dạy của Chúa. Chúng ta mải mê điên cuồng đuổi theo những gì là phù hoa hư ảo, chạy theo cơn cám dỗ của tiền bạc vật chất, đam mê xác thịt mà không sống và tìm kiếm những giá trị Tin Mừng. Chúng ta say sưa ngủ yên trên những vinh quang đạt được mà quên rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trời đất này sẽ qua đi vì bản chất của nó chỉ là vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta quen sống trong sự giả dối ngu muội, ù lì chìm trong các thói hư tật xấu. Một lần nữa Chúa nhắc nhở chúng ta quan sát những điềm thiêng dấu lạ để nhận biết ngày giờ của Chúa.
Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, các vì tinh tú trăng sao nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống xã hội hàng ngày. Nạn tham nhũng, bất công, nạn bài thiêng tục hóa, nạn phá thai cùng lối sống hưởng thụ thác loạn của giới trẻ…đang là tiếng chuông cảnh báo về ngày tận cùng của thế giới. Đứng trước những vấn đề nhức nhối ấy, niềm tin như bị tê liệt, chúng ta dường như phải “bó tay”. Hãy để cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lương tâm con người. Chúng ta sẽ làm gì để thức tỉnh những con người đang sống trong mê lầm tội lỗi?
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hướng giải quyết đó là phải có thái độ sống công bằng, yêu thương bác ái với mọi người và phải sám hối mỗi ngày. Vì “khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết, anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”. Mỗi người chúng ta luôn phải trả lẽ trước mặt Chúa về thái độ sống của chính mình.
Thiên Chúa đã yêu thương tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa, Ngài ban cho chúng ta có trí khôn để nhận biết điều hay lẽ phải, có trái tim đong đầy tình yêu mến và có ý chí để chọn lựa. Chớ gì chúng ta biết dùng những khả năng Chúa ban nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà có thái độ sống tích cực hơn, biết giữ tâm hồn trong sạch, hành động ngay chính để khi ra trước tòa Chúa, chúng ta không phải hối tiếc vì những gì đã xúc phạm đến Chúa và mọi người.
Ngày nay, có lẽ nhiều người Ki-tô hữu chúng ta cũng đang mang tâm trạng, đi vào vết xe đổ của những người Do thái và luật sĩ xưa. Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Chúng ta là những người Ki-tô hữu chính danh. Chúng tin tin vào Chúa, chúng ta có Chúa ở trong mình. Thế nhưng chính đời sống của chúng ta lại không phản ánh, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em mình. Là người tin có Chúa, thế nhưng khi gặp những nghịch cảnh trong đời sống như ốm đau, thất bại… chúng ta dễ dàng tìm đến thầy bói toán. Là người mang trong mình dòng máu Ki-tô hữu, thế nhưng khi phải đối diện với thử thách, với chủ nghĩa trần tục, chúng ta dễ dàng chao đảo và buông xuôi…
Trang Tin Mừng ngày hôm nay gọi mời chúng ta biết dùng những khôn ngoan, kinh nghiệm của thời cuộc để khám phá, đào sâu và đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Ki-tô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Ki-tô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến.
Và điều sau cùng, người Ki-tô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Ki-tô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công”(Tv 126).
2020
Chối nhưng không bỏ
22 06 X Thứ Năm tuần 29 Mùa TN.
Ep 3,14-21; Lc 12,49-53
Thánh Gioan-Phaolô II, Gh.
Is 52,7-10; Ga 21,15-17
CHỐI NHƯNG KHÔNG BỎ
Ðức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng thứ 264 (1978-2005) của Giáo hội Công Giáo.
Ngài là giáo hoàng người Ba Lan duy nhất cho đến nay và là giáo hoàng đầu tiên không phải dân Ý kể từ thế kỷ 16 (giáo hoàng Adrian VI 1522-1523 dân Hòa Lan). Triều đại 26 năm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dài thứ nhì, chỉ sau Đức Giáo hoàng Piô IX giữa thế kỷ 19 (32 năm, 1846-1878).
Đức Gioan Phaolô II, như một Tiến sĩ, đã xuất bản 5 cuốn sách: “Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng” (tháng 10.1994); “Hồng ân và Mầu nhiệm: kỷ niệm 50 linh mục” (tháng 11.1996); “Trittico romano” – những bài suy niệm dưới hình thức thơ văn (tháng 3.2003); “Hãy đứng dậy, chúng ta cùng đi!” (tháng 5.2004); “Ký ức và Căn tính” (tháng 2.2005).
Ngài qua đời tại Vatican ngày 02.04.2005, lúc 21:37 (gần hết ngày thứ Bảy, bước vào Ngày Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót).
Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08.04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Ngày 28.04 sau đó, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã miễn chuẩn thời gian chờ đợi 5 năm sau ngày qua đời để khởi sự thủ tục phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Thủ tục này đã được chính thức khai mở vào ngày 28.06.2005 do Đức Hồng y Camillo Ruini, Tổng Đại diện coi sóc giáo phận Roma. Và Thánh lễ phong Thánh cho ngài được cử hành vào lúc 10g (3g chiều Việt Nam), ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót 27.4.2014.
Trở về với trang Tin Mừng nói về Chúa gọi Phêrô và chọn ông làm thủ lãnh Giáo Hội, thường gợi lên những câu hỏi như: “Tại sao Chúa báo cho Phêrô hai lần hãy chăn dắt chiên mẹ và một lần hãy chăn dắt chiên con?” Như vậy, có phải là chăn chiên mẹ khó hơn chăn chiên con hay không?
Hoặc giả như chăn chiên con không quan trọng bằng, vì con ngoan hay hư là tại mẹ, nên chỉ cần chăn dắt chiên mẹ đi đúng đường rồi chiên con đi theo là đủ. Ở đây không đi vào chi tiết về chiên mẹ hay chiên con, nhưng qua đoạn Phúc Âm trên mà chúng ta thấy được nhiều quí giá về bài học lãnh đạo trong Giáo Hội rất đáng chúng ta quan tâm.
Trước hết, Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động. Ðặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hỏi ba lần “con có yêu mến Thầy không?”, đáp lại ba lần “có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói “con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.
Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.
“Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô những ba lần như thế, phải chăng để “xí xoá” đi ba lần ông đã chối bỏ Người? Đã hẳn Phêrô yêu mến Thầy, thế nhưng ông đã không dám tỏ ra tình yêu đó bằng hành động, bằng đời sống. Chúa hỏi Phê-rô “có yêu không”, điều đó có nghĩa là Chúa vẫn yêu Phêrô, Chúa đã tha thứ cho Phêrô, Chúa vẫn còn tín nhiệm Phêrô, và muốn ông đáp lại tình yêu của Chúa bằng tình yêu của chính ông. Đó chính là điều kiện để được Chúa tha thứ, và được trao phó sứ mạng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”
Tin theo đạo Chúa không phải chỉ là theo một lý tưởng đạo đức làm người, ăn ngay ở lành như bất cứ tôn giáo nào khác, nhưng trên hết và trước hết, là đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa Giê-su, và hết lòng yêu mến gắn bó với Ngài đến mức sẵn sàng hiến dâng mạng sống để phụng sự và sống theo giáo huấn của Ngài.
2020
Tỉnh thức
21 05 X Thứ Tư tuần 29 Mùa TN.
Ep 3,2-12; Lc 12,39-48
TỈNH THỨC
Với trang Tin Mừng, này, ta thấy Cúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Chúa Giêsu dạy chúng ta “Anh em hãy biết điều này”, đó là biết sự bất ngờ của giờ Chúa đến. “Vì chính giờ phút chúng ta không ngờ thì con Người sẽ đến”. Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để dạy chúng ta hiểu về sự bất ngờ ấy: dụ ngôn về kẻ trộm “Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông sẽ không để nó khoét vách nhà mình đâu”.
Dụ ngôn thứ hai về người quản gia chân chính khôn ngoan, luôn làm tròn trách nhiệm của mình với những người tôi tớ của chủ. “Nhưng nếu anh ta nghĩ chủ còn lâu mới về mà chè chén say sưa, đánh đập tôi trai tớ gái, chủ sẽ loại anh ta như những người thất tín”.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng bằng hình ảnh thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trong tay, Chúa muốn dạy chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa và sẳn sàng đón tiếp Ngài, đó là những đam mê xác thịt và những sự thế gian, cầm đền cháy sáng trong tay là chúng ta phải luôn sống theo đức tin, đức tin của chúng ta luôn phải sáng, luôn tỏa sáng ra chung quanh, chiếu sáng cho mọi người, chúng ta luôn biểu lộ đức tin của chúng ta bằng hành động để, chứng tỏ những điều chứng ta thâm tín, tin tưởng trong lòng, cầm đèn sáng ở tay biểu lộ chúng ta luôn sẳn sàng chờ đón Chúa, như “những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đón chàng rể”, đời sống chúng ta phải luôn tốt đẹp.
Tỉnh thức trông chờ Chúa với tư thế đó, thì Chúa đến bất cứ lúc nào, ngày nào, giờ nào, Chúa cũng hài lòng mời chúng ta vào bàn tiệc, mà chính Chúa sẽ phục vụ chúng ta, đó là phần thưởng Nước Trời Chúa sẽ ban cho chúng ta trong kiếp sống vĩnh cửu.
Nhìn lại cuộc đời, ta ta thấy đời sống chúng ta, những Kitô hữu, là một cuộc hành trình đức tin, chúng ta luôn bảo vệ ơn nghĩa cùng Chúa, biết dùng ơn Chúa mà sống tốt lành như người quản gia trung tín và khôn ngoan, luôn khao khát và chăm chú vào việc đón tiếp Chúa sắp đến cách trung thành kiên nhẫn, chờ đợi trong tư thế tỉnh thức không thiếp ngủ trong đam mê xác thịt, luôn bảo vệ phần rỗi linh hồn mình cho tới khi Chúa đến.
Việc tỉnh thức sẵn sàng cần thiết cho mọi người, nhưng với những người có trách nhiệm phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người khác, thì tư cách sẳn sàng và tỉnh thức là biết chu đáo bổn phận được trao phó cách trung thành và khôn ngoan nữa. Nguyên nhân chúng ta xao lãng việc lo cho phần rỗi của mình, là quên giờ chết của mình sắp đến, nghĩ còn lâu chủ mới về, nên liều mình trong thói hư tật xấu, khiến cho giờ chết đến bất ngờ không kịp chuẩn bị. Chúng ta còn cần tìm biết ý Chúa và thi hành, chứ đừng nói mà không làm, biết ý Chúa để truyền đạt cho những người chúng ta có trách nhiệm về phần rỗi của họ, chứ không như một con chó câm.
Và mỗi người chúng ta, những Kitô hữu, là những người quản lý ơn Chúa, phải dùng mà làm sáng danh Chúa, lo cho phần rỗi mình và anh em đồng loại, không được phung phí, hay dùng theo sự ích kỷ của mình, không theo ý Chúa. Phải biết yêu Chúa và làm mọi sự như một người quản lý trung thành và khôn ngoan, để yêu thương mọi người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì “cho thì có phúc hơn là nhận”. Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
Chúa muối nói với mỗi người chúng ta phải tỉnh thức với một đức tin vững vàng rằng Thiên Chúa đang đến để dẫn đưa ta tới nguồn mạch sự sống đời đời. Nếu ta mất cảnh giác với xác thịt, thế gian và ma quỷ thì rồi cũng sẽ có ngày ta thỏa hiệp và vùi dập tâm hồn mình trong những đam mê thế gian mà lãng quên kho tàng hạnh phúc thiên đàng.