2020
Khôn ngoan theo như Chúa dạy
06 21 X Thứ Sáu đầu tháng tuần 31 Mùa TN.
Pl 3,17-4,1; Lc 16,1-8
KHÔN NGOAN THEO NHƯ CHÚA DẠY
Hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn “người quản gia bất lương”. Kết luận về dụ ngôn Chúa dạy cho chúng ta hai điều : Một là người quản gia đó đã có hành động “khôn khéo” nhưng vẫn bị coi là “bất lương”, “được khen” nhưng vẫn “bị sa thải” ; Hai là Chúa cho thấy sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái ánh sáng”, sự “khôn ngoan theo đời này” và sự “khôn ngoan của con cái Thiên Chúa”.
Cách mà người quản lý này chọn để làm là dùng chính tài sản của ông chủ để mua lấy cảm tình của những con nợ của chủ, bằng cách “dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu”.
Người quản lý này thật khéo léo và khôn ngoan, nhưng anh khôn theo kiểu thế gian, bằng những hành động bất lương, gian dối để tìm hạnh phúc ở đời.
Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian xảo, thiếu trung thực của người quản lý. Ngài chỉ khen người quản lý này khôn khéo, biết lo liệu cho tương lai của anh.
Qua dụ ngôn người quản lý khôn khéo bất lương, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết dùng sự khôn ngoan của Chúa ban để tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu. Ngài nhắc nhở chúng ta phải khôn ngoan lựa chọn đâu là hạnh phúc đích thực, đâu là con đường dẫn đưa chúng ta đạt tới Nước Trời.
Sự khôn ngoan đích thực và cần thiết cho chúng ta ở đây là gì? Thưa là những lời Chúa dạy trong Tin Mừng, chẳng hạn:
Khôn ngoan như 5 cô trinh nữ khôn ngoan, biết chuẩn bị dầu đèn đi đón chàng rể (Mt 25,1-13).
Khôn ngoan trong sự lựa chọn ưu tiên là Nước Trời : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).
Khôn ngoan của Tin Mừng mở cho chúng ta một hướng đi tuyệt vời : nếu chịu mất sự sống vì Đức Kitô chúng ta sẽ được lại : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16, 26).
Sự “bất lương” của người quản gia đây là gì. Anh bị người ta tố cáo với ông chủ là anh đã phung phí của cải nhà ông. Thái độ “phung phí của cải nhà ông chủ” của người quản gia cho thấy, anh đã “lạm quyền” của chủ, cách nào đó anh không còn phục tùng chủ, không trung tín và không còn nhớ vị thế của mình chỉ là quản gia. Lẽ ra anh phải biết vai trò của anh, làm quản gia anh được quyền quản lý mọi sự trong nhà, anh phải làm sao cho mọi sự diễn ra tốt đẹp và đem lại ích lợi cho gia chủ. Khi anh “phung phí của cải nhà chủ” có nghĩa là anh đã không còn chu toàn chức năng và bổn phận của anh. Sự “bất lương” của anh là như thế.
Tuy nhiên, anh được chủ khen là “khôn khéo”, vậy sự khôn khéo của anh đây là gì. Anh khôn khéo vì khi biết chủ sắp sa thải, anh đã lấy lòng các con nợ của chủ, bằng cách lấy biên lai ghi giảm số nợ cho họ, nhưng cũng bằng cách này anh đã đẩy con nợ vào chỗ thông đồng với hành vi của anh, nếu anh có bị xử phạt thì anh cũng không phải chịu một mình. Anh đã nghĩ đến nghề nghiệp, đến cuộc sống, đến tương quan của mọi người dành cho anh khi anh thất thế… Và anh đã hành động để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước anh về nhà họ, đó là một việc làm được coi là khôn khéo.
Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.
Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.
Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.
Ước gì mỗi chúng ta khi chu toàn bổn phận Chúa trao, cũng biết chọn tiếng nói của Chúa, tiếng lương tâm. Đừng làm điều gì bán rẻ lương tâm và chống lại ý Chúa. Ước gì chúng ta cũng đứng về phía con cái sự sáng, chịu thiệt thòi ở đời này, chấp nhận vụng về trước thế gian để trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, với dụ ngôn người quản lý khôn khéo, Chúa Giêsu hướng chúng ta đến một sự khôn ngoan đích thực, đó là biết dùng tiền bạc ở đời này để tạo lập cho mình một “gia sản thiêng liêng” : “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” (Lc 16,9).
Chúng ta có biết dùng tiền của ở đời này để mua lấy hạnh phúc vĩnh cửu mai sau hay không? Chúng ta có biết biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời hay không?
2020
Hoán cải
05 20 X Thứ Năm đầu tháng tuần 31 Mùa TN.
Pl 3,3-8a; Lc 15,1-10
HOÁN CẢI
Tin Mừng hôm nay Thánh Luca ghi lại, Những thính giả đến với Chúa Giêsu để nghe giảng không chỉ là những người dân bình thường mà còn có cả những người tội lỗi, Biệt phái, Luật sĩ. Điều đó cho thấy tất cả đều là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người. Do đó, khiêm tốn đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta luôn cần được Chúa xót thương, luôn cần được tình thương tha thứ của Chúa. Từ đó, nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, chúng ta cũng có cái nhìn nhân hậu hơn đối với những bất toàn của người anh em.
Các Biệt phái, Luật sĩ thay vì nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu để đổi mới thành kiến, lối sống thì họ lại kết án : “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Tâm lý con người ở mọi thời đại luôn thích làm quan tòa kết án kẻ khác. Ngày nay, với phương tiện truyền thông đa chiều internet, báo chí, video clip cắt dán để bêu xấu người không một chút thương tiếc.
Các dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7). “Đồng bạc bị mất tìm thấy” (Lc 15, 8-10) đều diễn tả tấm lòng tha thứ của Thiên Chúa trước những yếu đuối của con người. Chúa Giêsu không thỏa hiệp với tội lỗi. Nhưng không chấp nhận thái độ cao ngạo kết án người khác : “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá người này đi” (Ga 8, 7).
Chúa Giêsu cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: Thiên Chúa xem mỗi con người như là một khúc ruột của mình. Ngài thương mỗi người, để ý chăm sóc mỗi người như chỉ có một không hai trên đời. Mỗi người như là một báu vật vô giá, cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi, không hủy diệt, nhưng tìm mọi cách đưa con người trở về.
Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, nhân lành, yêu thương con người. Cho dù, con người có quay lưng, phải bội, Thiên Chúa vẫn thể hiện một tình yêu, tha thứ thật lớn lao. Ngài quảng đại, bao dung tất cả, dang rộng vòng tay yêu thương đón nhận, Ngài như một vị mục tử cần mẫn sẵn sàng tìm kiếm những ai lầm lỡ sống trong mặc cảm tội lỗi, cảm hóa họ trở thành một người đạo đức, lương thiện trong cuộc sống.
Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm kiếm những tâm hồn đã hư mất vì tội lỗi. Ngài không quản ngại đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi người ta sám hối. Ngài len lỏi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống, giao du tiếp đón mọi hạng người.
Thật vậy, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này trong một hoàn cảnh đặc biệt. Các luật sĩ và biệt phái lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà họ gọi là tội nhân.
Trong xã hội Do-thái, có một hàng rào ngăn cách giữa những người được xem là đạo đức và những người bị coi là tội lỗi. Các luật sĩ và biệt phái – những người tự nhận mình là đạo đức – hết sức khó chịu khi thấy Đức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, hạng người tội lỗi mới là đối tượng khiến Chúa phải cất công kiếm tìm: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”.
Con chiên lạc, đồng bạc mất là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta trước mặt Chúa đều là tội nhân. Chỉ những ai – như biệt phái và luật sĩ kiêu ngạo – tự nhận mình là công chính mới tự loại mình ra khỏi tình thương và ơn cứu độ của Chúa.
Tình yêu vô biên của Thiên Chúa là như thế. Cho nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau ngay từ các thành viên trong gia đình, xóm đạo, giáo xứ, giáo khu. Chúng ta hãy đối xử với nhau bằng tình con người, hãy hiệp nhất với nhau trong mọi việc làm. Chúng ta hãy bao dung tha thứ, sửa lỗi cho nhau trước những việc làm sai trái của mình để xứng đáng là người môn đệ của Chúa và hãy đưa tình yêu của Chúa làm chứng tá cho tha nhân giữa cuộc sống thực tại này.
Hoán cải là trở về với Thiên Chúa, nhận ra tình thương tha thứ của Ngài, một Thiên Chúa vẫn tiếp tục nghĩ đến những người bỏ rơi Ngài, một vị Thiên Chúa yêu thương những kẻ không yêu mến Ngài, một vị Thiên Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm những đứa con lạc loài, muốn lìa bỏ Ngài. Và khi tìm được rồi, Ngài lại vui mừng như người mục tử tìm được chiên lạc vác lên vai đem về mời gọi mọi người chia sẻ niềm vui.
2020
Vác thập giá
04 19 Tr Thứ Tư tuần 31 Mùa TN.
Thánh Carôlô Borrômêô, Gm. Lễ nhớ.
Pl 2,12-18; Lc 14,25-33
VÁC THẬP GIÁ
Muốn được ơn cứu mỗi người cần phải tu luyện thật nhiều. Ai muốn theo Chúa Giêsu, làm môn đệ của Ngài, thì giá phải trả là “sống siêu thoát, từ bỏ tất cả những gì mình có”. “Ai muốn”, thì đó là một quyết định rất tự do. Nhưng một khi đã suy nghĩ, đã chọn lựa, chọn theo Chúa Giêsu để làm môn đệ của Ngài, thì đồng thời cũng dứt khoát chấp nhận điều lệ Ngài đưa ra là: “Sống siêu thoát: phải từ bỏ những gì mình có”. Đó là giá phải trả để đạt điều ta muốn, là đi theo Chúa và làm môn đệ của Ngài.
Những lời giảng dạy khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu, cùng với những phép lạ Ngài làm, đã lôi cuốn dân chúng theo Ngài càng ngày càng thêm đông. Trên đường lên Giêrusalem, có dân chúng đông đảo đi theo Chúa Giêsu. Nhân cơ hội ấy Chúa Giêsu dạy cho mọi người biết, không phải chỉ nghe lời Chúa giảng, mộ mến những gì Chúa nói, là đủ để đi theo Chúa, làm môn đệ của Ngài, nhưng còn cần có nhiều điều khác nữa. “ Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Và thường lẽ ta thấy theo sự khôn ngoan, bao giờ chúng ta cũng bỏ cái kém để được cái tốt hơn. Như vậy, qua điều Chúa đòi hỏi, chúng ta nhận ra rằng: tình yêu hay sự quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ, vợ con, anh chị em thì kém giá trị hơn là tình yêu và sự tương quan của chúng ta với Đức Giêsu.
Với cha mẹ, vợ con, anh chị em thì ít quan trọng là thứ yếu so với Chúa Giêsu thì quan trọng và chính yếu. Vì thế, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: nếu sự quan hệ, tình yêu của chúng ta với cha mẹ, vợ con, anh chị em và với chính mình nữa, mà cản trở việc chúng ta theo Chúa, làm môn đệ của Ngài, thì buộc chúng ta phải từ bỏ, nếu không, chúng ta sẽ không xứng đáng đi theo Chúa, làm môn đệ của Ngài. Chúng ta đi theo Chúa là đi con đường Chúa đi, chứ không phải đi con đường theo ý riêng mình muốn. Làm môn đệ của Chúa là sống theo gương Chúa, nên giống Chúa, thi hành sứ mạng của Chúa, chứ không được sống con người tự nhiên của mình, sống theo các sở thích của mình. Làm sao để từ bỏ chính mình và tình yêu sâu đậm chúng ta đã dành cho cha mẹ, bà con ruột thịt được?
Chúng ta nên nhớ rằng: chúng ta cũng như mọi người đều là tro bụi, mau qua, chóng hết, thân phận đời mình như bông hoa, sớm nở chiều tàn. Định mệnh đời mình là hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta phải đi về trời, chứ không phải ăn đời ở kiếp nơi trần gian với cha mẹ, bà con, với những thỏa thích xác thịt được. Chúng ta phải từ bỏ những điều trái luật Chúa, trái ý Chúa. Sự từ bỏ này tạo nên cho chúng ta một sự giằng co: giằng co giữa những đòi hỏi của bản thân, của gia đình với những đòi hỏi của Chúa, giằng co giữa những quyến rũ của trần thế: tiền tài, danh vọng, buông thả, hưởng thụ, với sự trung thành đối với lý tưởng Kitô, lý tưởng Tin Mừng, lý tưởng theo Đức Kitô, và làm môn đệ của Ngài.
Con đường theo Chúa Kitô không phải chỉ từ bỏ mà còn vác thập giá mình nữa, vì vậy chúng ta phải chấp nhận những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống của chúng ta làm hành trang, hy sinh danh và lợi, để sống theo Chúa Kitô, thi hành lời Ngài giảng dạy, giáo huấn Ngài khuyên răn, để từ bỏ mọi sự thế gian, và quan trọng là từ bỏ chính mình mới là từ bỏ tận tuyệt, và để đủ sức vác thập giá mình mỗi ngày, cho xứng đáng theo Chúa Kitô và làm môn đệ Ngài.
Chúng ta cần tập luyện cho mình tinh thần thanh thoát, tinh thần hy sinh từ bỏ, tinh thần chịu khó, can đảm chịu đau khổ, tinh thần khiêm nhường nghèo khó, đi vào con đường hẹp, thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường và tha nhân, để không bao giờ nuông chiều bản thân, dễ dàng chấp nhận sự khó khăn, đau khổ và thiếu thốn. Chúa Giêsu đã đi con đường Thập Giá để cứu chuộc chúng ta.
Chính vì vậy, cuộc sống nào không có thập giá, hay chối bỏ thập giá, thì cuộc sống ấy không phải là cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô. Chúng ta phải có tinh thần siêu thoát, để dễ dàng loại bỏ bất cứ sự gì hay bất cứ ai cản trở chúng ta yêu mến và sống theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Ngài. Vác thập giá của mình mỗi ngày là sẵn sàng đón nhận những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong việc từ bỏ ý riêng, sở thích, ích kỷ, tự ái, đam mê xác thịt mà theo Chúa Kitô.
Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng: Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể xứng đấng làm môn đệ của tôi được. Tuy nhiên, ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”.
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muôn làm môn đệ Ngài thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ Ngài, họ vẫn phải yêu mến người thân; yêu mến chính bản thân mình; và quý mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Chúa muốn những kẻ theo Ngài phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi. Ngài không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ đứng núi này trông núi nọ thường là bỏ cuộc, và những kẻ bắt cá hai tay là kẻ thua thiệt nhất. Đúng như Pierre Charles nói: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.
2020
Khó nghèo
03 18 X Thứ Ba tuần 31 Mùa TN.
Thánh Martinô Porres, Ts (Tr).
Pl 2,5-11; Lc 14,15-24
KHÓ NGHÈO
Thánh Martino được sinh ra vào ngày 9-12-1579 với cái tên Martinô de Porres tại Lima thủ đô nước Cộng Hòa Péru do một cuộc tình duyên lén lút giữa một chàng Hiệp sĩ tên là Don Juan de Porres và một thiếu nữ da đen người Panama tên là Ana Velasquez.
Lúc đầu cuộc tình duyên ấy tưởng sẽ mãi mãi bền chặt nhưng không dè đâu sau khi Ana sinh được người con thứ hai thì Don Juan đã tàn nhẫn bỏ cả ba mẹ con mà ra đi. Lý do ông ra đi là vì ông thấy nước da của con có nhiều phần giống mẹ hơn giống cha.
Từ đó ba mẹ con phải sống một cuộc sống vô cùng cực khổ. Cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất
Rất may Ana là một người đàn bà, một người mẹ biết thương con và lại có tinh thần trách nhiệm cho nên mặc dầu phải sống trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt như thế, bà vẫn để tâm giáo dục các con, cố gắng làm sao để cho các nhân đức được bén rễ vào tâm hồn của các con trước khi những thói hư tật xấu xâm nhập chiếm hữu, làm băng hoại tâm hồn trong trắng của những người con mình.
Năm Martinô lên 8 tuổi Don Juan hối hận – nghỉ lại mối tình cũ, ông chính thức nhìn nhận nhưng đứa trẻ do Ana sinh ra là con của mình. Ông đưa chúng về Santiago de Guagaquil nơi ông công cán phụng mệnh vua Tây Ban Nha. Tại đây Martino được học khai tâm tại trường sơ cấp.
Thế nhưng thời gian này chẳng được bao lâu. Hai năm sau khi ông được đổi đi nhận trọng chức ở Panama, những đứa trẻ bất hạnh lại được trao hoàn về cho người mẹ nghèo khó của chúng.
Về lại Lima, Martino được tiếp tục học văn hóa và học nghề. Nhờ trí thông minh tuyệt vời mà chỉ trong một thời gian ngắn, Martino đã trở thành một người thợ thành thạo như một nhà chuyên nghiệp thời ấy.
Năm 15 tuổi, Martino ao ước được nên trọn lành hơn, nên xin mẹ cho anh được vào tu trong dòng anh em Thuyết giáo. Nhà dòng sẵn sàng đón nhận anh. Sau 7 năm tu luyện Martino được khấn trọng thể trong bậc trợ sĩ tại Tu viện Mân côi ở thành Lima. Từ đó Martino coi Tu viện như một thao trường để anh tập luyện các nhân đức. Martino chu toàn mọi bổn phận một cách mau mắn cho dù nhiều lúc thầy phải làm những việc thật vụn vặt và hèn mọn.
Đây là những nhân đức nổi bất nhất mà thầy đã ra công tập luyện: Đứng đầu là khiêm nhường rồi đến nhẫn nại – hãm mình – vâng lời – đặc biệt là lòng mến Chúa yêu người. Hiếm có một người nào mà lại tập luyện cho mình được nhiều đức tính tốt lành như thế.
Lòng mến Chúa luôn đi đôi với yêu người. Martino coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy Thầy thực hiện việc yêu người .
Thánh Martinô, bạn nghèo của Chúa Kitô, Người đã mang lấy Trái Tim của Chúa để cảm thông và thương mến mọi chúng sinh, cỏ cây sông núi và muôn loài muông thú, để chia vui sẻ buồn, để tận tình săn sóc, giúp đỡ, để hàn gắn nỗi đau trên trần thế và dìu dắt bao tâm hồn lạc hướng về nẻo chính đường ngay. Mang lấy Trái Tim yêu thương của Chúa Giêsu, thánh Martinô luôn tha thiết xoa dịu nỗi đau nơi những người cùng khốn.
Như xưa “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” Thánh Martinô cũng luôn chạnh lòng thương cảm trước những mảnh đời bất hạnh của bao kiếp người khốn khổ, nghèo hèn và những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Thánh nhân sẵn sàng tìm đến với họ, giang rộng vòng tay đón nhận họ. Với bàn tay da màu chất chứa yêu thuơng, thánh nhân đã săn sóc đỡ nâng và xoa dịu vết thương thể xác và tâm hồn họ.
Mang lấy Trái Tim yêu thương của Chúa Kitô, thánh Martinô nhận ra còn lắm người nghèo đang lang thang đầu đường cuối phố và khắp nơi đây đó, họ cần được đón tiếp và được yêu thương, vì chính họ cũng là những con người, những hình ảnh của Chúa Kitô. Với trái tim rộng mở yêu thương, thánh nhân đã thấy Chúa trong trong những con người bất hạnh bị bỏ rơi khinh miệt. Mặc lấy tâm tình của Chúa, thánh Martinô đã nghe những tiếng thở than ai oán và nghe được cả những nấc nghẹn không lời vì khổ đau của bao người.
Thế nên, thánh nhân đã không quản ngại dấn thân phục vụ họ, chẳng quản hy sinh gian khó khi đến với họ. Thánh nhân coi họ như những người bạn, người anh em, sâu xa hơn, những con người cùng khổ ấy chính là Chúa Kitô. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Thánh Martinô là một trong những tấm gương sáng ngời về đời sống bác ái, yêu thương. Bằng một đời sống âm thầm lặng lẽ, thánh nhân đã họa lại chân dung Đức Giêsu khiêm hạ, yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Với những nghĩa cử ấy, thánh nhân đã trở thành hiện thân của lòng Chúa xót thương nhân loại. Và cứ thế, tình yêu thương đồng loại, và muông thú, cỏ cây như vết dầu loang, loang mãi để cho mầm tình yêu vươn nhánh, trổ bông và tỏa hương thơm ngát cho đời sống Giáo Hội, cho mỗi người chúng ta.
Qua gương lành của Thánh Martinô, những mảnh đất tâm hồn cằn cỗi được tình yêu yêu thương ấp ủ để vươn dậy những chồi non đạo hạnh thánh thiện, sống tốt đời đẹp đạo, những tâm hồn bị thương tổn gặp được niềm an ủi và chữa lành, và những tâm hồn băng giá được hâm nóng niềm tin, trở nên nhiệt thành yêu mến và hăng say đời sống chứng nhân. Ngày mỗi ngày húng ta được mời gọi trở nên những Martinô thời đại, sống và làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng tinh thần khiêm tốn phục vụ, bằng chính cung cách sống của mỗi người chúng ta.