2020
Sống giây phút hiện tại
2 27 Đ Thứ Năm tuần 32 Mùa TN.
Thánh Josaphat, Gmtđ. Lễ nhớ
Plm 1,7-20; Lc 17,20-25
SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Thánh Giosaphat, vị Giám mục theo lễ điển Ðông phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất Giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống giáo về hợp nhất với Rôma.
Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo hội Ðông phương ở Constantinople và Giáo hội Tây phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống giáo ở Kiev và năm Giám mục Chính Thống giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi thượng Hội đồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng Hội đồng.
Hàng triệu Kitô hữu đã không đồng ý với các Giám mục về sự hiệp thông với Công giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử đạo. Giữa những xáo trộn ấy, thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.
Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong Giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.
Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một Tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!
Khi là vị Giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, đức Giám mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói Giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, đức Giám mục Josaphat phải chấn chỉnh lại Giáo hội qua các thượng Hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.
Bất kể công việc và tiếng tăm của đức Giám mục Josaphat, những người Chính Thống giáo ly khai đã bầu một Tổng Giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho đức Giám mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị trưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án đức Giám mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.
Vào tháng mười 1623, đức Giám mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, “Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết.”
Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, “Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô và các Giáo Hoàng kế vị.”
Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức Giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống đức Giám mục Josaphat và Giáo hội Công giáo, cốt để chọc tức.
Biết được thâm ý của họ, đức Giám mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức Giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.
Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: “Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!” Sau tiếng hô to, “Hãy giết tên theo Giáo Hoàng,” bọn họ đánh đập đức Giám mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.
Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào tòa Giám mục để can gián và cứu những người trong tòa Giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc đức Giám mục Josaphat, trong khi người Công giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.
Lẽ thường ta vẫn thấy sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị Giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức Tổng Giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hoà giải với Rôma.
Vào năm 1867, đức Giám mục Josaphat là vị Thánh đầu tiên của Giáo hội Ðông phương được Rôma tuyên phong Hiển thánh.
Tin vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. “Chúa lại đến”, đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.
Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi.
Và ta tháy đó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu.
Và khi ai nào đó sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
2020
Lòng biết ơn
11 26 Tr Thứ Tư tuần 32 Mùa TN.
Thánh Martinô, Gm. Lễ nhớ.
Tt 3,1-7; Lc 17,11-19
LÒNG BIẾT ƠN
Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Trên đường đi Giêrusalem mừng lễ vượt qua và chịu chết ( Lc18, 35), khi Ngài đi tới một làng ở giữa ranh giới Samari và Galilê, Đức Giêsu gặp mười người phong cùi đón gặp Ngài. Từ xa, họ lớn tiếng kêu xin: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Lời van xin nức nở của những người đang đau khổ đến cực độ, nỗi đau chẳng biết kêu xin ai, vì mọi người đều bất lực, mà còn trốn tránh trách nhiệm, đuổi người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng, ra khỏi lề cuộc sống, những người này như không được làm người nữa, nỗi đau tâm lý còn nặng nề gấp bội phần nỗi đau thể lý.
Những người phong cùi sống trong nỗi thất vọng như tuyệt đối, thì may thay, họ gặp được một vị cứu tinh để cậy trông, van nài, đó là Đức Giêsu: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Chúa Giêsu đáp lại lời kêu xin không phải chữa lành ngay, nhưng Ngài bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Họ đi với lòng tin cách can đảm, không sợ phá luật Môsê, vì họ còn bị phong cùi.
Ý Chúa Giêsu thì muốn nói với Giáo Hội và xã hội: phải chịu trách nhiệm với các bệnh nhân này, không được xua trừ và phủi tay trước nỗi đau của đồng loại, và xóa tan mặc cảm trong tâm hồn của bệnh nhân, và đồng thời Chúa cũng thử luyện lòng tin của họ, để giúp cho đức tin của họ được lớn mạnh. Những người phong cùi đi trình diện cũng là một hành vi biểu lộ lòng tin của họ, tin vào lời Chúa dạy, đang khi đi thì họ được sạch, đây là hiệu năng của đức tin. Một người trong họ, là người Samari, thấy mình được khỏi bệnh cùi cách lạ lùng, anh tin chính Đức Giêsu đã chữa anh, anh vượt khỏi luật trình diện, anh quay trở lại gặp Chúa Giêsu, phủ phục trước dưới chân Ngài để cám ơn Ngài và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, anh tỏ lòng biết ơn cách chân thật và nhìn nhận Đức Giêsu là một con người vượt trên mọi người, là Đấng cứu thế, qua thái độ phủ phục và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?” Chúa Giêsu có ý xác nhận mười người đều được lành, và là lời thầm trách chín người Do thái kia, vì vụ luật trình diện mà không đến tạ ơn Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói: “tôn vinh Thiên Chúa” mà mạc khải Ngài là Đấng Cứu Thế đến để giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi và sự chết. Sau cùng Chúa Giêsu nói với anh Samari: “Đứng dậy về đi lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chúa Giêsu muốn xác nhận hiệu quả của đức tin, đức tin đem lại sự sống: thể xác được khỏi bệnh, linh hồn được thanh tẩy.
Chúa Giêsu chữa bệnh cho người Do thái và cả người Samari, Chúa mời gọi ta khi phục vụ cần nêu cao tinh thần phổ quát, không phân biệt đối tượng trong việc đối xử, kể cả người làm hại mình. Chúa Giêsu chữa bệnh phần xác và cả phần hồn, nên khi ta được ơn phần xác thì cũng nhớ biến đổi phần linh hồn nữa, là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu. Những người phong cùi Do thái vụ luật trình diện không trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta cũng được rất nhiều ơn Chúa, nhưng vì bổn phận, các sinh hoạt của đời sống thường ngày, nên không đến với Chúa trong giờ đạo đức, chúng ta không vượt thắng trở ngại vì chúng ta quên mất nguồn gốc của các ơn ta được là chính Thiên Chúa, chúng ta quý ơn Chúa mà không quý Chúa, là Đấng đã làm nên tất cả, chúng ta thường vô ơn với Chúa.
Nhiều lúc chúng ta tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với một người nào đó đã làm ơn cho mình, dù là một việc nhỏ nhoi, nhưng chúng ta lại quên đi những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta lớn lao biết nhường nào. Nhiều người không quan tâm đến việc bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa qua việc thờ phượng Người và đã không cảm tạ Người mỗi khi được nhìn thấy một ngày mới tươi đệp. Lại có người không dám nói cho người khác về Thiên Chúa và về ơn mà Người ban cho chúng ta. Cũng có người biết ơn sự giúp đỡ tận tình của bạn bè hay một ai đó, mà lại không hề biết cảm động và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ hay anh chị em mình. Thật là những nghịch lý không đẹp lòng Chúa.
Lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ lòng biết ơn. Cho nên từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn khắc ghi công ơn của những người đã cho ta cuộc sống này. Như thế, lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh cuộc đời ta, chỉ là chúng ta không để ýnhận ra thôi. Đừng bao giờ quá bận rộn đến quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu đời chỉ là chuỗi những lời oán than về bất công và thua thiệt mà ta đã gặp phải, mà không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm, một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay.
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Người đời thường phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, lừa thầy phản bạn, bất hiếu với mẹ cha. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
2020
Lễ cung hiến Đền Thờ Laterano
LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ THÁNH GIOAN LATÊRANÔ
Nhà thờ chính tòa Rôma do hoàng đế Contantinô xây năm 320.
Thánh đường là nơi qui tụ dân Chúa, là nơi các tín hữu tới cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Thánh đường là nơi Chúa ngự, là nơi Mình Máu Thánh Chúa luôn hiện diện, là nơi dân Chúa lãnh nhận muôn vàn ơn huệ, muôn vàn hồng ân của Chúa.
Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh tòa của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám mục Rôma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Rôma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Ðền thờ này do công của hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.
Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên. Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Rôma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Đức Giáo Hoàng, với tư cách là Giám mục Rôma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thờihHoàng đế Rôma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm Phục sinh và mừng lễ Vượt Qua tại đây.
Ngày nay, đền thờ Latêranô vẫn vút cao, vẫn đứng sững như muốn nói với mọi người Thiên Chúa luôn yêu thương dân người. Ngày nay, vẫn có đoàn đoàn lớp người tới dự Thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Hàng năm, ngày thứ năm Tuần Thánh Ðức Thánh Cha vẫn tới cử hành lễ với hàng linh mục Rôma, với các Hồng y, Giám mục và ngài diễn tả lại hành động, cử chỉ của Chúa Giêsu xưa nơi nhà tiệc ly là Rửa chân cho các Tông đồ.
Mỗi khi mừng kính lễ cung hiến đến thờ Latêranô, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến thừa tác vụ Phêrô nơi Đức Giáo Hoàng. Chính ngài là người thay mặt Chúa để lãnh đạo dân của Người trong toàn Giáo Hội. Đồng thời, thấy được vị đại diện Chúa chính là nguyên lý của sự hiệp nhất tín hữu khắp nơi trên trần gian này.
Từ đó, Giáo Hội hướng chúng ta về việc tôn phục trong lòng mến đối với Đức Giáo Hoàng là mục tử tối cao của Giáo Hội, đồng thời cũng trải rộng tâm tình ấy với Đức Giám Mục Giáo Phận và các linh mục là những người được cắt đặt để hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta trong đời sống đức tin.
Ngoài tinh thần siêu nhiên, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình hãy để tâm chăm sóc nhà thờ là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa. Là nơi Dân Chúa tụ họp mỗi khi dâng thánh lễ và cử hành các Bí tích Kitô giáo. Đây cũng là nơi để mọi người có thể đến đó mà cầu nguyện với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo….
Nhưng thiết nghĩ, vấn đề quan trọng hơn cả, đó là: mỗi khi mừng kính kỷ niệm cung hiến đền thờ Latêranô, hơn bao giờ hết, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về chính mình để ý thức rằng: mỗi người chúng ta chính là những viên đá sống động để xây nên đền thờ Thiên Chúa. Mỗi người cũng chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Mỗi một tín hữu Kitô và mỗi một thụ tạo đều phải được cung hiến để trở thành đền thờ cho Thiên Chúa. Ðây chính là ý nghĩa đích thực mà Giáo Hội muốn gợi lại trong ngày lễ hôm nay và đây cũng chính là ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã nêu bật khi đuổi những người buôn bán và bọn đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chúa Giêsu không chỉ thanh tẩy một nơi phụng tự, Ngài đến để khử trừ các thần tượng giả trá ra khỏi tâm hồn con người. Ngài đã từng tuyên bố: “Không ai có thể làm tôi hai chủ một lúc” (Mt 6, 24).
Nơi nào tiền bạc ngự trị thì nơi đó không còn chỗ cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết trước rằng, người ta sẽ xua đuổi Ngài ra khỏi đền thờ và treo Ngài trên thập giá. Ngài liền thách thức họ: “Hãy phá hủy ngôi đền thờ này và trong 3 ngày Ta sẽ xây lại” (Ga 2, 19). Lúc ấy không ai hiểu được ngôn ngữ của Chúa Giêsu, về sau, sau khi Chúa Giêsu sống lại. Thánh Gioan tẩy giả đã nhớ lại câu nói của Chúa Giêsu và hiểu rằng: Ngài muốn nói đến ngôi đền thờ là thân xác của Ngài.
Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu thông ban qua Phép Rửa tất cả mọi tín hữu Kitô cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đã tuyên bố: “Anh em không biết rằng, anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trị trong anh em sao” (1Cr 3, 16). Nói như thế không có nghĩa là chối bỏ những ngôi nhà thờ bằng gỗ đá. Niềm tin chỉ được thể hiện cách trọn vẹn khi các tín hữu được quy tụ và thờ phượng một cách công khai. Ðây vốn là nhu cầu thiết yếu của niềm tin Công Giáo. Các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta luôn thấy được nhu cầu cần thiết ấy, cho nên dù có vất vả lầm than và nghèo đói đến đâu, người ta vẫn quảng đại đóng góp để xây cất Thánh Ðường.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn mà có lẽ ngày lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta chính là xây cất những Ngôi Thánh Ðường sống động, những Ngôi Thánh Ðường không nhất thiết phải xây bằng gỗ đá mà phải bằng cả cuộc sống của người tín hữu Kitô chúng ta.
Với tất cả tâm tình và trong ý nghĩa thiêng liêng ấy thì Giáo Hội phải được xây dựng trước tiên trong gia đình, nơi công sở, ngoài phố chợ, trong bất cứ nơi nào có sự gặp gỡ và trao đổi giữa người với người. Có như thế thì Giáo Ðường mới thực sự là nơi gặp gỡ để thờ phụng Chúa và có như thế thì con đường nào cũng sẽ dẫn về Giáo Ðường.
2020
Biết cách sử dụng
07 22 X Thứ Bảy đầu tháng tuần 31 Mùa TN.
Pl 4,10-19; Lc 16,9-15
BIẾT CÁCH SỬ DỤNG
Ta đang sống trong một thế giới mà tiền của đóng một vai trò rất quan trọng, vì chủ nghĩa duy vật hưởng thụ đang thống trị và điều khiển xã hội về nhiều phương diện. Con người cũng thường đánh giá người khác dựa trên thế lực tiền của. Vì thế, người có nhiều tiền của dễ trở thành người có địa vị và danh giá. Đây quả thật là một thảm họa cho thời đại hôm nay!!!
Để tránh lạm dụng tiền của, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Ngày mỗi ngày ta thấy tham nhũng nhan nhản trong cuộc sống. Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng “thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?”. Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?
Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. “Không ai có thể làm tôi hai chủ”: của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.
Tiền của chỉ có giá trị tạm thời mau qua và rất nhỏ so với những ân huệ thiêng liêng lớn lao mà Chúa tặng ban. Nhưng Chúa cũng muốn chúng ta hãy “trung tín trong việc rất nhỏ” ấy (c.11), từ đó có thể trung thành với những ân sủng cao quý Chúa ban cho mỗi người trong từng hoàn cảnh, để làm vinh danh Chúa.
Có một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Tiền của là một đầy tớ tốt và là một ông chủ xấu”. Chúng ta suy nghĩ gì về nhận định trên?
Còn Chúa Giêsu thì nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (c.13a). Lời Chúa hôm nay thật cụ thể sống động cho thời đại chúng ta. Bởi lẽ nhiều người đã xem tiền của như ông chủ của đời mình, để rồi sẵn sàng để tiền của điều khiển cuộc đời mình, và cũng vì tiền của mà đánh mất phẩm giá và mất đi các mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống.
Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định thật rõ ràng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c.13b). Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người cùng với muôn tạo vật trong vũ trụ mênh mông này. Ngài còn là Người Cha giàu tình yêu thương nhân ái, luôn quan tâm chăm sóc từng người chúng ta bằng muôn vàn ân sủng của trời cao. Thế nên, chỉ mình Thiên Chúa là Ông Chủ duy nhất của đời ta, Ngài điều khiển và nắm giữ vận mạng của từng người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là tôn thờ, yêu mến và vâng phục thánh ý Ngài trong từng biến cố của đời ta.
Ta hãy ý thức để tự mình điều khiển tiền của theo cách Chúa muốn và mang lại hiệu quả tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Đừng bao giờ để tiền của vượt quá giới hạn của nó, nhưng chúng ta hãy làm chủ tiền của và sử dụng chúng theo ý muốn của chúng ta cách chính đáng.
Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.
Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.
Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.
Lời Chúa hôm nay chính là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta trong việc sử dụng tiền của ở đời này. Ngài mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của. Vì tiền của cũng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban, nên chúng ta phải biết đặt tiền của vào đúng vị trí của nó như Thiên Chúa muốn. Đó là sự khôn ngoan cần thiết khi chúng ta sử dụng tiền của trong cuộc sống thường ngày.
Khi ta biết dùng tiền của Chúa ban để làm những việc tốt hữu ích cho bản thân và tha nhân là cách thức đẹp lòng Chúa nhất, “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (c.9a). Tiền của chỉ là những phương tiện giúp ta có điều kiện thực thi lòng bác ái đối với tha nhân, và đó là những nén bạc ta đang ký gởi nơi Thiên Chúa, để sau này ta được “đón rước vào nơi ở vĩnh cửu” (c.9b).