2020
Hy sinh
HY SINH
Trang Tin Mừng hôm nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con làm chứng về Thầy”. Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan, là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế, các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn, như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trước khi đền thờ và thành Giêrusalem bị tàn phá, thì các tín hữu thời đó đã bị bách hại. Cũng vậy, trước khi đến ngày cánh chung, mặc dù chúng ta không biết rõ ngày nào, thì Hội Thánh ở trần gian cũng bị đau khổ, thử thách và bách hại. Vì thế, đoạn Tin Mừng hôm nay Thánh Sử Luca đưa ra một giáo lý về sự đau khổ và bách hại có liên quan đến ngày cánh chung: “nhưng trước khi những tất cả sự ấy xảy ra…” Chúa Kitô đã qua khổ nạn mà tới vinh quang, thì nhiệm thể của người là Hội Thánh cũng phải qua thử thách mới phát triển và hoàn thành, như Tertulien nói: “ máu tử đạo sinh ra người có đạo”. Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ. “ Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy”.
Như vậy, những đau khổ, thử thách, bách hại, là những cơ hội để các môn đệ của Chúa Giêsu làm chứng cho Người, đó là chức năng thuần túy của nhóm 12, họ làm chứng cho người giữa những bách hại, làm chứng Người đã sống lại và Người là Thiên Chúa. Việc làm chứng đồng nghĩa với việc “tử đạo” cho các thế hệ về sau. Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, và chỉ có thế, Nước Trời mới đến được trần gian này.
Nhưng rồi giữa cơn bách hại người tông đồ vẫn cảm thấy được an ủi vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện, vì được tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, và được có cơ hội để là chứng cho Chúa Giêsu bằng những lời lẽ hùng hồn, bằng những cực hình đau khổ, và cả cái chết Chúa Giêsu còn nói: “vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người ghen ghét”, như vậy, cuộc bách hại có thể xãy ra ở mọi nơi mọi lúc, vì thế gian từ chối sứ điệp của Tin Mừng Chúa Kitô, cuộc bách hại còn xãy ra trong bầu khí thân thương là gia đình, đó là trường hợp người thân cản trở, chống đối nhau trong việc đón nhận và sống Tin Mừng Chúa Kitô.
Vì thế, người tông đồ khó tránh được sự bách hại và rất dễ sa ngã, nên cần phải kiên trì, can đảm, giữ vững tinh thần và đức tin, trung thành với Chúa đến cùng, với lòng tin tưởng phó thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu an ủi “ anh em đừng lo lắng sợ hãi chi, vì có Thánh Thần của Chúa Cha hỗ trợ”, và Chúa Giêsu cũng nói “ chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”(Lc 21, 15), Chúa Giêsu lại còn bảo đảm một cách chắc chắn rằng; Thiên Chúa sẽ săn sóc các chứng nhân của Người cách tận tình, cho đến “ một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”(Lc 21, 18).
Như thế, các môn đệ, các tông đồ, các chứng nhân của Thiên Chúa, của Đức Kitô rất vững dạ an tâm, can đảm trong sứ mạng và trung thành với Thiên Chúa trong đức tin và lòng yêu mến của mình.
Làm chứng cho Đức Kitô, theo thánh sử Luca là một chức năng thuần túy của nhóm 12 (Lc 24,48). Bị bách hại là số phận thường tình của người tông đồ, người tông đồ của Đức Kitô cần ý thức rõ ràng và nắm bắt điều đó một cách chắc chắn, vì nhờ đó mà Nước Trời mới đến được trong hoàn vũ, cũng như Chúa Giêsu phải chịu đau khổ mới bước vào vinh quang. Như vậy người tông đồ bao giờ cũng sẳn sàng đón nhận đau khổ, thử thách và bách hại, một cách can đảm, trung thành với đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, không những vậy còn đón nhận trong niềm vui và hãnh diện vì được chịu đau khổ vì Đức Kitô.
Điều này thúc bách chúng ta can đảm trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời sống, để giữ vững đức tin trong đời sống thường ngày để được sự sống đời đời. Chúng ta phải luôn cảnh giác các giáo phái khác trên thế giới, những quyến rủ xấu xa của thời đại văn minh, hưởng thụ, trọng vật chất, những thứ đó làm sa sút đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa đầy quyền năng, yêu thương quan phòng và cuộc sống hạnh phúc mai sau trên Nước Trời. Không những thế, đức tin của chúng ta còn dấn thân xây dựng hòa bình thế giới bằng việc phúc âm hóa môi trường, và còn hy sinh sống bác ái với mọi người, để tình yêu Thiên Chúa được lan tỏa.
Trong thực tế, muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
ReplyForward |
2020
Của ít lòng nhiều
23 09 X Thứ Hai tuần 34 Mùa TN.
Thánh Clêmentê I, Ghtđ.
Thánh Columbanô, viện phụ.
Kh 14,1-3.4b-5; Lc 21,1-4
Thánh vịnh tuần 2
CỦA ÍT LÒNG NHIỀU
Vào thời xưa cũng như thời này, có những giai tần bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Trình thuật Tin Mừng liên quan đến chuyện dâng cúng có thể khiến nhiều độc giả hỉ hả vì hiệu ứng thời sự của Lời Chúa: Đã có những người tự hào vì dâng cúng số lượng lớn tiền của, vì đã bỏ ra khối lượng lớn ngày công, tài sức cho các công trình nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà mục vụ, …. Cũng có những người ganh tị vì mình không bì kịp với những đóng góp khổng lồ ấy. Lại cũng có người âm thầm, an tịnh, hết lòng trong những hy sinh bé nhỏ cho việc chung bằng cả tấm lòng phục vụ và mến yêu của họ. Để rồi, hôm nay đã rõ, chưa chắc tiền đống công khối luôn có thứ hạng cao ; chưa chắc hạt cám giọt nước chỉ xứng đáng ở chót sổ. Bởi thước đo giá trị công đức này không lệ thuộc vào con số, mà tùy vào mức quảng đại của người dâng cúng.
Chúa quan sát việc người ta dâng cúng vào thùng tiền trong đền thờ, Ngài thấy một bà góa túng thiếu bỏ hai đồng tiền kẽm như mọi người, Chúa liền gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy người đàn bà góa ấy, đã bỏ vào thùng tiền đền thờ nhiều hơn tất cả mọi người. Bà đã cho đi không phải bằng phần dư dả, nhưng đã cho đi tất cả phần sống để nuôi thân. Khi dâng cúng hai đồng cuối cùng, bà đã không nghĩ đến bữa ăn tối hôm nay sẽ ra sao. Việc làm của bà hôm nay đã được Thiên Chúa chúc phúc. Ngài đã nhận thấy nơi bà góa một tấm lòng hảo tâm tuyệt đối, cho đi nhưng không và đặt niềm tin tưởng, với lòng thành phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả.
Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Chúa không dựa vào con số và kích cỡ để đánh giá một sự vật hoặc một hành vi của con người. Chúa dựa vào tấm lòng, Chúa thăm dò mức độ yêu thương, Chúa tìm hiểu cảnh sống, Chúa phân biệt ngọn nguồn từng việc người ta làm để đưa ra một nhận xét, một kết luận. Đối lại, tôi, bạn và anh chị, ta thường khá vội vàng khi quan sát, khá chủ quan khi đưa ra những nhận xét và kết luận. Con mắt và lý trí ta dễ bị “dán” vào những con số và kích cỡ, vào những trang trí hấp dẫn bề ngoài, vào những ngôn từ có trọng lượng tỷ lệ thuận với tính phô trương và khoe khoang.
Về tấm lòng: có ai quảng đại và rộng rãi hơn Thiên Chúa? Ngoại trừ tội lỗi ra, ta có gì là của chính mình? Sức khỏe, tài năng, thì giờ, của cải, người thân, … tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nước, không khí, ánh sáng, vũ trụ, trái đất, … tất cả do Chúa dựng dẵn cho ta hưởng dùng…. Vậy mà ta thường khóa chặt lòng quảng đại mình bằng những ổ khóa lớn bé mang nhãn hiệu thiếu thốn: thiếu thời gian, thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc, thiếu khả năng, thiếu người đồng cảm, … thiếu đủ thứ. Để rồi cuối cùng, Chúa và tha nhân, giáo hội và những người nghèo khổ, bần cùng … cứ mãi ở ngoài vòng quan sát, ở ngoài khả năng mà ta hay biện hộ rằng mình thật là lực bất tòng tâm !!!
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
Với câu chuyện của bà góa hôm nay Đức Ki-tô muốn nhắc nhở ta điều gì? Đó là lòng quảng đại. Nếu giúp đỡ ai, hãy giúp một cách thành tâm, sống hết lòng, hãy dâng theo khả năng của mình. Chúa luôn yêu quý, đánh giá cao khi con người biết dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành. Dù chỉ những sự đơn sơ, mộc mạc nhỏ bé dưới mắt người đời, nhưng đối với Thiên Chúa đã được ghi nhận trên trời.
2020
Thanh tẩy tâm hồn
20 06 X Thứ Sáu tuần 33 Mùa TN.
Kh 10,8-11; Lc 19,45-48
THANH TẨY TÂM HỒN
Theo Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh: đền thờ là nơi thánh, là chốn thần linh hiện diện và là nơi con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh. Trong Do Thái giáo, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người. Cũng như các ngôn sứ khác, Chúa Giêsu tỏ lòng tôn kính sâu đậm đối với đền thờ. Nơi đó Người đã được dâng hiến (Lc 2, 22-39), đã gặp gỡ Chúa Cha (Lc 2, 41-50). Đối với Người, đền thờ là nhà Thiên Chúa, nhà để cầu nguyện, nhà Cha của Người. Vì người ta đã biến nó thành nơi buôn bán, gian lận, nên Người đã có những bức xúc và thái độ bùng nổ cơn nóng giận như trong bài Tin Mừng hôm nay.
“Chúa Giê su vào đền thờ. Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán…” (45). Ngôn sứ Malaki đã nói trong chương 3 về hành vi này như sau: “Đấng mà các người tìm kiếm thình lình tiến vào đền thờ của Người, để thanh tẩy” hàng tư tế và dân chúng, để việc phụng tự đi đúng bổn phận của nó là cử hành theo ý Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Giê su không đến để quan sát đền thờ, nhưng Người có hành vi thanh tẩy tức khắc đi kèm. Một hành vi mang tính tiên tri “đuổi những kẻ buôn bán”, vì đền thờ là nơi giảng dạy (47) và để nghe lời Chúa. Như vậy, Đấng đến nhân danh Chúa sẽ đòi lại và chiếm hữu nhà Cha Người, đưa nhà Cha Người về đúng chức năng là nơi thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa.
Chúa Giêsu hạch tội những người buôn bán đã bày biện ở sân đền thờ những con vật dùng làm của lễ hiến tế. Chúa Giêsu không phủ nhận việc hiến tế lễ vật dâng lên Thiên Chúa theo tập tục Môsê, vì chắc hẳn gần đền thờ sẽ có những phố, những cửa tiệm cung ứng mọi vật dụng cần thiết cho việc lễ tế. Còn trong sân đền thờ chỉ có những gia đình có liên hệ với các tư tế hoặc chính thân nhân của các tư tế mới được buôn bán. Như vậy, họ lợi dụng chức vụ để thực hiện việc mưu sinh kiếm lợi cho bản thân và gia đình, chứ không để phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài.
Thấy thế, Chúa Giêsu nổi nóng và xua đuổi họ với câu trích dẫn sách ngôn sứ Isaia 56, 7 và Giêrêmia 7, 11 “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”. Người tố cáo các nhà cầm quyền tôn giáo đã làm băng hoại, làm biến chất mục đích của nhà Cha Người và họ quên rằng : Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được (16, 13). Vì thế, qua việc buôn bán này, họ đã phạm hai điều bất trung với sứ vụ tư tế của họ, đó là: xao lãng việc phụng thờ Thiên Chúa cho đúng mức và ơ hờ việc dưỡng nuôi dân Chúa.
Trong khi người Do Thái chỉ chú trọng đến đền thờ vật chất, còn Chúa muốn nói đến đền thờ trong tâm hồn. Chúa Giêsu không phủ nhận việc xây dựng và gìn giữ đền thờ dành để tôn vinh Thiên Chúa nhưng Người nhấn mạnh phải xây dựng đền thờ tâm hồn trong sạch dành riêng cho Thiên Chúa.Trong đời sống thiêng liêng, thân xác và linh hồn chúng ta cũng là đền thờ, nơi Chúa ngự trị.
Ý thức điều đó, chúng ta phải dọn dẹp, giữ gìn sạch tội, hãm dẹp các đam mê xấu, canh phòng ngũ quan, sống tiết độ, luyện nhân đức…Chúng ta đừng biến tâm hồn mình thành nơi chợ búa, bày bán tham sân si, tích chứa thù hận ghen ghét và nhất là tội lỗi. Chỉ khi chúng ta tin và sống mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa chúng ta mới thực sự xây dựng ngôi đền thờ vững chắc.
Lời Chúa hôm nay cũng cảnh tỉnh thái độ sống đạo hình thức của chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng thờ kính Chúa trên môi trên miệng. Chúng ta đến với Chúa với một tâm hồn tham lam ích kỷ, chất chứa trong lòng sự ghen ghét, hận thù. Chúng ta chưa đủ can đảm “dọn dẹp đền thờ tâm hồn mình” bằng các bí tích và ân sủng của Chúa. Chúng ta ưa thích diện trên mình những bộ quần áo hàng hiệu, dùng trang sức xa xỉ đắt tiền nhưng lại để tâm hồn lem nhem, hoen ố bởi danh vọng lạc thú và những đam mê thấp hèn. Chúng ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm nhân phẩm để đổi lấy sự nổi tiếng, để được tiếng khen của người đời.
Với khát vọng xây dựng tâm hồn mình thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa ngự trị, đồng thời dành nhiều giờ để cầu nguyện, Mẹ Têrêsa Calcutta khuyên chúng ta; “Bạn sẽ không gặp được Thiên Chúa nơi ồn ào, bạn chỉ thấy được Người nơi thinh lặng của tâm hồn”. Vì thế bao lâu chúng ta giữ tâm hồn mình trong sự tĩnh lặng, chúng ta sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra kho tàng sự sống đích thực khi biết để lòng trí mình hướng về Thiên Chúa trong cầu nguyện và sống yêu thương.Khi chúng ta chỉ lo tìm kiếm những của cải vật chất trần gian, Thiên Chúa sẽ bị gạt ra bên ngoài.
Hàng ngày, Người giảng dạy trong đền thờ (47a). Đây chính là việc dưỡng nuôi dân mà Chúa Giêsu thực hiện mỗi khi Người lên đền thờ. Và vì sự nhiệt tâm này mà Người phải thiệt thân “Các thượng tế, kinh sư và các thân hào trong dân tìm cách giết Người”. Lúc này, họ không còn che giấu manh tâm độc ác nữa vì Người đụng đến túi tiền của họ. Họ sẵn sàng loại trừ Người để ứng nghiệm lời thày Thượng Tế nói : Thà một người chết thay cho toàn dân… “Nhưng họ không biết phải làm sao vì toàn dân say mê Người” (48).
Vì Chúa Giê su có ảnh hưởng lớn trên dân chúng, nên người Pharisieu chưa ra tay thực hiện mưu đồ được, nói đúng hơn theo Tin Mừng Gioan thì “Giờ của Người chưa đến”. Hình ảnh của người Pharisiêu hoàn tòan đối lập với dân chúng. Dân thì say mê nghe lời Người, còn họ đã không muốn nghe, lại còn ngăn cản Lời đến với người khác. Họ không những không muốn hoán cải, không muốn vào Nước Trời, mà còn xúi giục, làm gương xấu cho người khác, để người khác cũng chẳng vào được Nước Trời.
Ngày nay, tâm hồn mỗi Kitô hữu là một đền thờ, đền thờ thiêng liêng nối dài thân thể Chúa Kitô “Giáo Hội là đền thờ Thiên Chúa được thiết lập trên nền tảng là Đức Kitô. Người là Đầu và là Đá Góc Tường” (1Cr 3,10-17). Trong đền thờ này, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa mà không phân biệt người Do Thái hay dân ngoại như trong đền thờ Giêrusalem xưa. Mỗi Kitô hữu là đền thờ Thiên Chúa với tư cách là chi thể của Chúa Kitô và thân xác chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Thật vậy mỗi người chúng ta phải cộng tác vào việc phát triển đền thờ ấy trong đức tin và đức ái. Nhưng nhiều khi chúng ta đã khiến đền thờ tâm hồn của mình ra ô uế vì những lợi lộc gian tham nơi trần thế, vì những hành vi xảo quyệt lừa gạt anh em, đôi khi còn có ý định đánh lừa cả Thiên Chúa. Có những khi chúng ta tán tận lương tâm, từ chối Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình mỗi khi ta phạm tội, làm mất lòng Chúa. Lúc đó, chúng ta đã trao nộp đền thờ tâm hồn cho ma quỷ, thế gian và xác thịt cùng những thú vui, đam mê của nó.
2020
Tín thác
19 05 X Thứ Năm tuần 33 Mùa TN.
Kh 5,1-10; Lc 19,41-44
TÍN THÁC
Trang Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau biến cố Chúa Giêsu lên Giêrusalem lần cuối. Giữa bầu khí tung hô nồng nhiệt của dân chúng, Chúa Giêsu lại tỏ ra sầu buồn, thương khóc cho thành Giêrusalem.
Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu khóc thương họ vì hai lý do: một là vì họ đã “không nhận ra những gì đem lại bình an” cho họ ; hai là vì họ đã “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm”. Quả vậy, việc nhận ra được hồng ân và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời từng người và việc nhận biết ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đó là một hồng ân lớn về đức tin.
Điều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem lại ơn lành. Theo quan niệm Kinh thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Đức Maria.
Thiên Chúa quyền năng không đầu hàng trước sự khước từ của con người, bởi vì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúng ta có thể nhận thấy bàn tay quan phòng ấy của Chúa trong sự sụp đổ của Yêrusalem vào năm 70. Do biến cố này, các tín hữu tiên khởi tản mác đi khắp nơi và nhờ thế Tin mừng được loan báo cho mọi dân tộc khác. Nhìn lại sự sụp đổ của Yêrusalêm và Tin mừng được loan đi khắp nơi, chúng ta lại càng xác tín hơn vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ ngay cả sự khước từ của con người cũng có thể biến thành khởi điểm cho một hồng ân cao cả hơn.
Giáo Hội đã chẳng gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc sao ? Đó phải là xác tin của chúng ta khi nhìn vào các biến cố lịch sử. Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cùng với thánh Phaolô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể tiêu diệt được Giáo Hội.
Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà “Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta”. Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xảy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Đức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: “Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người”. Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Chúng ta có dám tin Thiên Chúa điều khiển cuộc đời chúng ta không? chúng ta có dám tin Thiên Chúa đem lại suối nguồn bình an cho cuộc đời chúng ta không? Chúa vẫn viếng thăm và hiện diện nơi mỗi hoàn cảnh sống, nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ nhưng chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Chúng ta có sẵn sàng mở lòng đón nhận thời giờ ân sủng mà Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ trên cuộc đời mỗi người chúng ta hay không? Làm sao mỗi chúng ta nhận ra thời điểm Thiên Chúa đến thăm mình?
Thế giới hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng thử hỏi không có Thiên Chúa thì ai ở được với ai ! Nhân loại sẽ bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Và rồi nhìn lại mỗi người, ta thấy ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh tôn giáo nổ ra khắp nơi. Cũng bởi vì con người chưa nhận ra Thiên Chúa tình thương, chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi người cũng như trong lịch sử thế giới hôm nay.
Sẽ tới ngày quân thù ngươi . . sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở trong ngươi, và sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào nữa vì ngươi đã không nhận biết thời giờ Thiên Chúa đến viếng thăm người.
Chúa báo trước cảnh Giêrusalem sụp đổ bình dịa xảy ra vào năm 70 dưới gót giày của quân Rôma. Sự sụp đổ của Giêrusalem báo trước ngày phán xét. Giêrusalem và con cái thành nầy được Chúa chọn nhưng đã bất trung, không nhận biết Chúa nên phải chịu một hình phạt ghê gớm.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời chúng ta và Ngài sẽ chi phối những chọn lựa của chúng ta. Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền. Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc. Nếu không thì nước mắt của Chúa Giêsu vẫn còn rơi trước sự cứng lòng tin của nhân loại hôm nay. Và nước mắt tình yêu, tha thứ của Chúa vẫn còn nhỏ xuống trên sự phản bội, bất trung của con người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mau mắn đón nhận lời giáo huấn của Chúa và ra sức thi hành để được cứu độ. Cần loại bỏ sự tự kiêu, ích kỷ và thay vào đó là thái độ khiêm nhường để nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình. Có thế, chúng ta mới mong được ơn cứu độ của Thiên Chúa.