2020
Tỉnh thức
Tỉnh thức
Mùa Vọng luôn được nối kết với mùa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Nhưng nếu biến cố đó không gợi lên trong tôi một dư âm nào, việc Chúa sinh ra hay hồng ân cứu độ không mang một tầm quan trọng nào trong đời tôi, thì thử hỏi mùa Vọng có nghĩa lý gì, chẳng qua là một mùa lạnh hay mùa đông.
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào bầu khí Mùa Vọng, mùa tỉnh thức để chờ đợi Chúa đến. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta phải chờ đợi. Có sự chờ đợi làm ta sốt ruột, khó chịu, nhưng cũng có sự chờ đợi làm cho cuộc sống hiện tại trở nên đầy ý nghĩa. Dân Do Thái từ hơn 2000 năm trước đây cho đến nay vẫn sống nhờ vẫn còn chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Sự chờ đợi như tăng thêm sức mạnh để con người can đảm sống cái hiện tại hơn. Biết sống là biết chờ đợi. Chờ đợi làm nên cuộc sống. Sống mà không còn gì để chờ đợi, kể như đã chết!
Ta thấy có bốn lần lời kêu gọi các đầy tớ hãy “canh thức”, grègoreite, “thức ngủ và trong tình trạng sẳn sàng” (câu 34.35.36 và 37). Lệnh hãy canh thức đầu tiên đưa ra khi chủ vừa ra khỏi nhà (c.34), lần thứ hai giả thiết chủ đang đi xa và có thể về bất cứ giờ nào (c.35), lần thứ ba giả thiết chủ đã về tới nhà (c.36), và lần cuối cùng nói cho mọi người: tất cả hãy tỉnh thức (c.37). Vậy hãy canh thức luôn luôn, nhất là trong thời gian của bóng tối.
Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra.
Và ta thấy có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Đức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết: «Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi», và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: «Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống».
Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác. Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (14,38).
Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi ở 13,35 chúng ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình.
Ta thấy khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hứng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông củ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.
Nhìn vào thực tế cuộc sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.
Mang tâm tình Tỉnh thức, chúng ta luôn có thái độ sẵn sàng như Cha Charles de Foucault khuyên nhủ: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”. Nhưng thái độ chủ động trong thức tỉnh chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn dẫn đến cầu nguyện. Thật thế, tỉnh thức phải luôn đi đôi với cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ”(Mc 14,38). Cuộc sống thường ngày chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong những tiện nghi dễ dãi làm ta say mê những thực tại trần thế mà quên đi ngày Chúa đến.
2020
Tỉnh thức
28 14 X Thứ Bảy tuần 34 Mùa TN.
Kh 22,1-7; Lc 21,34-36
TỈNH THỨC
Chúa Giêsu lại loan báo tiếp những dấu chỉ thời đại sẽ xẩy ra, và Ngài quả quyết: “Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã gần”. Như thế dù muốn dù không, ngày cùng tháng tận rồi cũng đến. Ngày đó sẽ là ngày kinh hoàng, như sách bài đọc một diễn tả. Bốn con thú trong sách Đanien nói đến, đều là những con thú hung dữ. Con thứ nhất giống như sư tử, con thứ hai giống như con gấu, lại được lệnh “Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi”, con thứ ba giống như con beo, con thứ tư không nói đến chủng loại, mà chỉ nói đến đặc tính: “Con thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song, răng của nó bằng sắt và rất to, nó ăn, nó nghiền rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại”.
Quả vậy, văn phong của bài thị kiến mà triên tri Đanien tường thuật, giống như những thước phim mà chúng ta đã xem đâu đó trong thời sự thế giới, những cuộc động đất, bão tố, hay những cuộc thảm sát do nhân loại gây ra, và trong viễn tượng tương lai, các nhà khoa học cũng đưa ra những lời cảnh báo nếu con người tiếp tục quay lưng lại với mẹ Vũ Trụ, thì nhân loại sẽ tiếp tục gánh chịu những hậu quả còn kinh hoàng hơn nữa.
Như đã tiên báo đền thờ và thành Giêrusalem sụp đổ, để tiên báo về ngày cánh chung; hôm nay Chúa kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn cây vả, để giải thích cho những điều Ngài đã tiên báo.
“Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Ngày cánh chung chắc chắn sẽ đến; Ngày đó sẽ rất kinh sợ, vì là thời điểm chấm dứt mọi sự. Tuy nhiên, đó cũng là ngày Chúa trở lại trong vinh quang, không chỉ để xét xử con người, mà còn là ngày thu hoạch, là mùa gặt hái …
Tin như thế, chúng ta phải có thái độ sống thế nào để có thể “đứng vững trước mặt Con Người”, và đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa ban cho loài người chúng ta. Đặc biệt, chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày, giờ chết của mỗi người.
Chúa Giêsu đã xuống trần gian và thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại bằng sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại chúng ta niềm hy vọng. Chúa Giêsu sẽ hoàn tất công trình cứu chuộc của Ngài khi Ngài trở lại trong vinh quang ngày quang lâm để đưa nhân loại vào vương quốc vĩnh cửu.
Vâng, thế giới này sẽ chấm dứt, nhưng nhân loại sẽ có một cuộc sống mới vinh quang vì ơn cứu chuộc đã đẩy lui mọi bóng dáng của tội lỗi và tình thương cứu độ của Chúa đổ tràn trên mọi người.
Ngày Chúa quang lâm, hay còn gọi là ngày cánh chung, ngày tận thế chưa biết sẽ xảy ra khi nào, lúc nào. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy biết chuẩn bị, sẵn sàng.
Đứng trước cơn thịnh nộ của Mẹ Vũ trụ, số phận nhân loại chỉ còn trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sách Đanien kể tiếp. Khi Đấng Lão Thành xuất hiện, quyền lực của Ngài vô song, đánh bại sự hung bạo của các con thú dữ, Ngài dành lại quyền xét xử, trao lại cho Con Người.
Quả vậy, những gì sách Đanien tường thuật đã được mạc khải nơi Đức Giêsu. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã công bố bản Hiến Chương Nước Trời, các mối phúc của Ngài bị người đời xem là đi ngược với xu hướng thời đại, thì vào ngày cánh chung, khi sức mạnh của thế gian bị đánh bại, lúc này những giá trị Tin mừng sẽ sáng chói. Những kẻ xưa kia vì Tin mừng, vì các mối phúc, họ phải sống thua thiệt và đau khổ, thì giờ đây sẽ tỏa sáng và vui mừng: “Ngày đó anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được giải thoát”. Chúa Giêsu cho thấy sự trái ngược với hai lối sống. Những kẻ trước kia cậy dựa vào sức mạnh, vào của cải, vào danh vọng, thì giờ phải khiếp sợ. Còn những kẻ trước kia vì Tin mừng, vì các mối phúc phải đau khổ sầu não thì giờ trở nên hân hoan.
Trước hết, chúng ta hãy biết chuẩn bị bằng đời sống đức tin và trung thành với Chúa trong cuộc sống của mình, để phấn khởi đón nhận ơn Chúa đến trong hiện tại và vui mừng đón Chúa đến trong tương lai, đặc biệt vào giờ chết của mình.
Hơn nữa, chúng ta còn phải đẩy lùi tội lỗi, tránh xa những thế lực của sự dữ, satan, ma quỉ, triệt hạ những ngẫu tượng, đẩy lùi những tính hư nết xấu, ích kỷ, tham lam,… trong chúng ta, trong gia đình chúng ta và trong môi trường xung quanh chúng ta.
Những ngày cuối năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình nhìn lại thời gian trôi qua, để thấy rằng, mỗi ngày con người đi gần đến sự chung thẩm, vậy chúng ta phải điều chỉnh cách sống thế nào, để ngày chung thẩm sẽ là ngày hân hoan vui mừng, ngày đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ giải thoát đã đến
Với tất cả tâm tình đó, tốt nhất là chúng ta quyết góp tay xây dựng một thế giới đầy tình người trong đó hận thù, chia rẽ sẽ nhường chỗ cho yêu thương, quảng đại, cảm thông và chia sẻ.
2020
Nhận biết Nước Thiên Chúa
27 13 X Thứ Sáu tuần 34 Mùa TN.
Kh 20,1-4.11-21,2; Lc 21,29-33
NHẬN BIẾT NƯỚC THIÊN CHÚA
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: “Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Các dấu chỉ báo hiệu Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến đều là tai họa: Giáo Hội bị bách hại, chiến tranh loạn lạc, thiên tai khủng khiếp…(Lc 21, 8-28). Đây là những điều người ta không mong đợi. Nếu đời sống đức tin chỉ dừng lại ở các dấu chỉ thì khó lòng chấp nhận những nghịch lý trớ trêu này, nhưng điều cần thiết hơn là qua các dấu chỉ để biết rằng Con Thiên Chúa sắp quang lâm, hầu chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng.
Chúa Giêsu nói về những điềm kinh khủng trên trời dưới đất, về tình trạng khốn đốn của Giêrusalem, và về sự kiện Con Người quang lâm. Nghe thật dễ sợ! Nhưng thông điệp của Chúa Giêsu không nhằm uy hiếp tinh thần chúng ta. Trái lại, Ngài muốn chúng ta an tâm, tin tưởng, vì tất cả những dấu hiệu ấy cho thấy rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”! Dĩ nhiên, để có thể an tâm, tin tưởng được trong tình hình như thế, chúng ta cần có tinh thần luôn sẵn tỉnh thức và một đời sống cầu nguyện được bén rễ sâu trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài biết rằng khi nhìn thấy cây vả và tất cả những cây khác đâm chồi, người ta liền biết mùa hè đã đến, thì cũng vậy khi thấy những biến cố thành Giêrusalem xụp đổ hay những tai ương khốn khó xảy ra thì các môn đệ phải biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Ngày nay vẫn còn có những thảm họa chiến tranh, khủng bố đây đó trên thế giới, cũng như các tai ương, bệnh tật đủ kiểu đủ cách, ta hiểu rằng chính con người đã gây ra đổ vỡ cho thế giới và cho chính bản thân mình. Và vì vậy là những người tin, ta được mời gọi hãy khẩn thiết nài xin mỗi ngày: Xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”
Tâm lý con người thường là sợ ngày Chúa đến. Nhưng như mùa hè đến đem lại sự sinh sôi nảy nở cho cây vả và mọi thứ cây, thì cũng vậy Chúa đã và đang đến trong trần gian này là để thi ân giáng phúc, để chữa lành tất cả những gì đã bị đổ vỡ do tội lỗi con người gây ra, chứ Ngài không đến để phá hủy hay tiêu diệt trần gian này.
Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.
Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.
Sống tinh thần cánh chung ngay trong cuộc sống hằng ngày của mình, trong ý thức rằng cuộc sống này là một hành trình, và mình đang đi về một đích điểm, ở đó Triều Đại Thiên Chúa được hoàn thành cách chung cục. Cánh chung, hay tận thời, thường bị qui gán cho sắc thái thuần túy có tính ‘khủng bố’, đe nạt, và do đó gây khiếp đảm. Nhưng sự thực thì đó là niềm vui: niềm vui của người về đích, của sự đoàn tụ cuối cùng, niềm vui có Chúa, niềm vui vì “sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người” và “sẽ không còn đêm tối nữa” (Kh 22, 4-5).
Nước Thiên Chúa đã có mặt trong trần gian này rồi, nhưng có điều nhân loại chúng ta đang đóng cửa lòng mình lại, đang bưng tai bít mắt mình lại, đang không chấp nhận để Nước Chúa hiển trị trong cuộc đời mình. Bao lâu nhân loại còn từ khước sự hiện diện của Thiên Chúa, thì bấy lâu thế giới này còn xảy ra đủ thứ hỗn loạn và đổ vỡ.
Nhìn lại từng giây phút của một năm, nhiều biến cố buồn vui đã trôi qua nhưng dấu ấn và tình thương của Chúa vẫn còn đọng lại trong cuộc sống ta. Thời gian muốn nói với chúng ta mọi sự sẽ qua nhưng chỉ có Chúa và tình thương Chúa thì vững bền muôn đời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để đọc được ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc sống. Mỗi biến cố xẩy đến là một dấu chỉ mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa ; mỗi biến cố xẩy đến đều ẩn chứa một tiếng nói của Ngài.
Thái độ cần có đối với mọi tín hữu là sẵn sàng để đón chờ Nước Thiên Chúa qua việc tỉnh thức cầu nguyện, sám hối và canh tân đời sống. Các điềm báo trước về cuộc quang lâm của Đức Kitô thật kinh hoàng. Nếu ai thụ động không có sự chuẩn bị chu đáo thì bối rối sợ hãi, nhưng sẽ là niềm vui cho những người biết lo xa vì họ sẽ đứng thẳng và ngẩng đầu bởi sắp được cứu.
2020
Chuẩn bị ngày quang lâm
26 12 X Thứ Năm tuần 34 Mùa TN.
Kh 18,1-2.21-23.19,1-3.9a; Lc 21,20-28
CHUẨN BỊ NGÀY QUANG LÂM
Đức Kitô cũng đã trải qua cuộc hành trình dương thế với bao gian nan thử thách để có thể chu toàn thánh ý Chúa Cha. Và Ngài đã thành công bằng con đường khổ giá. Đấy là con đường duy nhất mà chúng ta cần dõi theo bước Ngài để chuẩn bị đón chờ Ngài đến trong ngày quang lâm.
Mọi vinh hoa trần thế này đều sẽ phải qua đi, Còn chăng chỉ là cái cốt lõi tinh túy trong tâm con người. Một Giêrusalem nguy nga, xa hoa lộng lẫy không lâu sau lời tiên báo của Đức Giêsu đã trở thành đống nát điêu tàn. Chẳng phải chỉ Giêrusalem mà mọi thứ vinh hoa, phú quí trần tục đều cũng đã, đang và sẽ qua đi như vậy.
Chỉ có niềm tin yêu như ánh sao còn sáng mãi trong bầu trời đêm tối dẫn bước người lữ hành mệt mỏi. Giữa muôn ngàn khổ đau biển gầm, sóng vỗ, bão tố cuộc đời, Niềm tin yêu sẽ làm bừng nở một sự sống mới – như con tằm quằn quại vượt ống kén để trở thành một con bướm xinh đẹp, như hạt lúa rữa nát trong ruộng sình lầy để nhú lên một mầm sống mới, như vàng ròng chịu trui luyện trong lò lửa để trở nên chói ngời… chính thế mà niềm tin yêu dẫn dắt con người vượt qua thử thách và bước đi vững chãi qua những gian lao…
Tin Mừng hôm nay loan báo những gì sẽ xảy ra trước ngày Con Người quang lâm. Một Giêrusalem tráng lệ nguy nga, là vinh dự của dân Israel cũng sẽ bị vây hãm, bị tàn phá “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Bởi lẽ, Giêrusalem trên trời mới đích thực là tồn tại vĩnh cửu và không một thế lực nào có thể vây hãm được.
Thánh Luca diễn tả biến cố ngày thành Giêrusalem bị sụp đổ, thật là một quang cảnh rất hãi hùng…Thành bị các đạo binh vây hãm, sẽ có cơn khốn khổ cùng cực xảy ra trên đất này, cơn thịnh nộ giáng xuống, người ta sẽ gục ngã dưới lưỡi gươm. Rồi: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, dưới đất biển gào sóng thét. Khiến người ta sợ đến hồn siêu phách lạc! Và rồi sau cùng thiên hạ sẽ chứng kiến Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Nhưng để vượt qua được mọi sự hãi hùng, khốn khó ấy, Thánh sử Luca khuyên: “ Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Thành Giêrusalem bị tiêu hủy tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa trên nhân loài. Muốn đứng vững để vượt qua biến cố này thì chúng ta phải luôn ở trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu.
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu ở đây có nghĩa chúng ta luôn một lòng kính thờ Chúa, giữ các giới răn Người truyền dạy; Kính chúa yêu người, không bị khất phục bất cứ trước những cám dỗ, mê hoặc nào, dù là tiền tài lợi lộc danh vọng cũng như những lạc thú thế gian…
Sinh tử thì ai cũng một lần nhưng qua cái chết thể xác để chúng ta được hưởng Nước Trời đó là mục đích tối thượng của mỗi người chúng ta chính vì thể qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay Chúa nhắc nhở chúng ta hãy cảnh tỉnh để luôn sống trong tư thể chuẩn bị là phải “đứng thẳng và ngẩng cao đầu”
Israel vẫn tự hào là dân riêng của Giavê, được Ngài chở che phù hộ, nhưng vì sự bất trung của họ mà cơn thịnh nộ đã giáng xuống dân này (c.23b). Họ sẽ bị đi đày khắp các dân nước và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo (c.24). Kinh nghiệm của Israel làm thức tỉnh chúng ta hãy nỗ lực sống xứng đáng hơn với tình yêu Chúa, để luôn luôn được Ngài nâng đỡ phù trì giữa bao hiểm nguy sóng gió của cuộc đời.
Trước Ngày của Con Người, sẽ có những điềm lạ xảy ra (c.25). Điềm lạ phải chăng là những dấu chỉ thời đại mà Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta trước Ngày của Người? “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c.28) là sứ điệp của Đức Kitô nhắn gởi mỗi chúng ta hôm nay. Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào ngay từ bây giờ, để có thể “đứng thẳng” và “ngẩng đầu” thật sự khi Ngài ngự đến?
Chuẩn bị bằng tâm tình tin yêu phó thác với một tâm hồn trong sạch, luôn tha thiết hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chuẩn bị bằng cuộc sống yêu thương chan hòa và sẵn sàng phục vụ mọi người, vì Vua Kitô sẽ ân thưởng hay giáng phạt chúng ta chỉ dựa vào mối tương quan tình yêu này. Ý thức mọi sự vật đều sẽ qua đi theo thời gian, nên chúng ta sống một tinh thần thanh thoát với những gì thuộc trần thế, để chỉ tích lũy kho tàng trên trời, nơi mối mọt không đục khoét và kẻ trộm không thể lấy mất. Sống giữa một thế giới đầy hưởng thụ này, người môn đệ của Chúa phải lội ngược dòng để có thể trung thành với sứ điệp Tin Mừng.