2020
Thi hành ý Chúa
03 19 Tr Thứ Năm đầu tháng tuần 1 MV
THÁNH PHANXICÔ XAVIER. Lễ kính
Is 26,1-6; Mt 7,21.24-27
THI HÀNH Ý CHÚA
Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Tây Ban Nha. Năm 1525 Ngài du học Paris, nước Pháp. Nhờ sự hướng dẫn của chân phước Phêrô Favre và thánh Ignatiô, Ngài đã gia nhập Dòng Tên với ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 1537, được thụ phong linh mục ở Rôma. Năm 1541, Ngài đi truyền giáo vùng Á Đông theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Phaolô III. Trong 10 năm truyền giáo tại Ấn Độ và Nhật Bản Ngài đã đi hàng trăm ngàn cây số và rửa tội được khoảng 100 ngàn người. Ngài qua đời năm 1552, tại đảo Xanxian, cửa ngỏ vào Trung Quốc. Năm 1622, Đức Thánh Cha Grêgôriô XV đã phong Ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1904, được Đức Giáo Hoàng Piô X đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Ai trong chúng ta cũng ấp ủ cho mình những ước mơ. Người ước mơ có công danh sự nghiệp. Có người ước mơ được sống sung sướng, giàu sang hạnh phúc. Trên hết mọi ước mơ, đối với người kitô hữu, ước mơ lớn nhất đó là được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Để đạt được ước mơ ấy, Đức Giêsu khuyên chúng ta phải thực hành những lời Người dạy. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (c.21).
Khi nói điều này, Đức Giêsu đã nhắc lại lời sấm trong sách ngôn sứ Isaia trách dân chúng chỉ thờ kính Thiên Chúa trên lý thuyết mà thiếu thực hành “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29,13). Thực hành những lời Đức Giêsu dạy là yếu tố căn bản để chúng ta trở thành môn đệ chân chính và đạt được hạnh phúc trong Nước Trời.
Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc để đo lường sự hoàn thiện của người môn đệ, đó là họ phải sống đúng ý muốn của Thiên Chúa. Sự hoàn thiện ở đây đó là người môn đệ thuộc về Nước Trời bằng cách thi hành ý muốn của Chúa Cha, lắng nghe và thực hành lời của Chúa Giêsu. Những người đã nghe bài giảng trên núi, bây giờ họ bước xuống, với những lời đã đón nhận, họ phải sống lời ấy.
Không phải cứ thưa “Lạy Chúa! lạy Chúa!” thì cũng đồng nghĩa là người đó thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng bất cứ ai, thưa “Lạy Chúa! lạy Chúa!” và thi hành ý muốn của Chúa Cha thì Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được vào Nước Trời. Bởi vì ngay khi họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì điều đó đồng nghĩa với việc họ quy thuận Thiên Chúa, vâng lời Ngài.
Khi yêu cầu người môn đệ “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”, Đức Giêsu đòi hỏi phải sống, phải làm, phải thực hiện trong đời sống, chứ không chỉ hiểu, chỉ biết, chỉ nói suông ngoài môi miệng. Người tuyên xưng Thiên Chúa trên môi trên miệng, hình thức, giả tạo, cho dù họ có cố chứng tỏ điều ấy, cho mọi người biết cách sống của họ như thế, thì điều này không có nghĩa họ được vào Nước trời. Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người. Chúa Giêsu dạy người môn đệ của mình một khi tuyên xưng Thiên Chúa thì cũng phải sống những gì Thiên Chúa muốn. Làm theo ý muốn của Chúa Cha, Nước trời thuộc về những người này. Vậy câu hỏi làm theo ý muốn của Chúa Cha ở đây là gì?
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất dễ hiểu để minh họa cho chúng ta là: nếu chúng ta chỉ nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành thì cũng giống như việc xây nhà trên cát, dễ đổ vỡ khi gặp thử thách. Còn người nghe và biết thi hành lời Chúa thì giống như xây nhà trên đá, vững chắc không sụp đổ khi gặp thử thách. Người Việt Nam có câu “Học phải đi đôi với hành”. Vậy mỗi người chúng ta hãy xét lại, xem mình có đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày không? Để mình có thể chỉnh đốn lại đời sống theo đúng và đẹp lòng Chúa hơn.
Làm theo ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời đó chính là lắng nghe và thực thi lời giảng dạy của Chúa Giêsu, con Thiên Chúa. Những lời mà Đức Giêsu vừa công bố trên núi như Môisê mới.
Thực hành lời Chúa không phải là điều dễ, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống, phải từ bỏ chính mình, có khi phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Cuộc sống xã hội đang từng ngày thayđổi, vì thế Giáo Hội luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình.Vì thế chúng ta luôn được mời gọi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Đồng thời mỗi ngày chúng ta cũng phải hun đúc niềm tin ấy bằng lòng yêu mến, nỗ lực cộng tác với ơn thánh hầu sống trọn những lời Chúa dạy.
Mùa Vọng chính là mùa cho tôi thực hành Lời Chúa dạy. Âm thầm nhưng kiên cường. Như người thợ xây hì hục đào móng, âm thầm xây gạch. Như người nông phu thức khuya dậy sớm, âm thầm gieo hạt, âm thầm cày xới. Để tôi thực sự được gặp Chúa. Được biết đến niềm vui hoàn thành ngôi nhà đẹp đẽ, vững chắc. Được như người nông phu tưng bừng rộn rã trong mùa gặt trĩu nặng kết quả.
2020
Thiên Chúa yêu thương
02 18 Tm Thứ Tư tuần 1 MV
Is 25,6-10; Mt 15,29-37
THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG
Tin Mừng hôm nay, có một học giả Kinh Thánh đã viết: “mỗi giai đoạn trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi dân Ngài”:
Quả vậy, trước hết là phép lạ hoá 5 chiếc bánh và hai con cá ra nhiều cho 5000 người ăn no nê, đa phần là dân ở Caphanaum, mà còn dư 12 thúng bánh đầy. Phép lạ này được coi như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn giảng dạy tại các hội đường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó nữa.
Thứ đến, Chúa hoá 7 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ ra nhiều nuôi sống 4000 người và dư 7 thúng bánh đầy, đánh dấu trong một giai đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền Tirô và Siđôn và miền thập tỉnh. Phép lạ lần này do chính Chúa động lòng thương xót trước một đoàn lũ dân chúng theo Ngài đã ba ngày không có gì ăn.
Sau cùng là bữa tiệc ly tại Giêrusalem, nơi đây đã kết thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian. Đây là một phép lạ vĩ đại để cho mọi người đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian về quê trời, mà không bị đói lả dọc đường.
Với cái nhìn phân tích, phép lạ lần này không trực tiếp chuẩn bị một chân lý cao siêu nào mà chỉ xuất phát từ động lực chính, đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta đối với dân chúng. Tuy nhiên chúng ta có thể coi đó là hình bóng ám chỉ phép Thánh Thể sau này. Con số 4000 người ăn no nê và dư 7 thúng đầy nhắc nhở chúng ta biết: một khi Thiên Chúa ban ơn bao giờ cũng dư dật quá lòng mong tưởng. Con số 7 đó cũng là ám chỉ lòng tốt vô biên không đo lường nổi của Thiên Chúa.
Chiêm ngắm hành động của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay, Ki-tô hữu được mời gọi mở lòng mình ra với mọi người trong dấn thân và phục vụ. Phép lạ sẽ được nhân lên khi con người biết cho đi bằng một tình yêu vị tha không tính toán. Có biết bao con người đã tự nguyện phục vụ những người khuyết tật, người phong hủi, chăm sóc trẻ mồ côi, người già neo đơn hoặc tham gia những hoạt động thăng tiến con người.
Họ có thể là Ki-tô hữu hay ngoài Ki-tô giáo, nhưng họ là những người có lòng nhân, có tình thương, lòng trắc ẩn và phản ánh rõ nét hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống. Không cần là người tài giỏi, giàu có, quyền thế…, nhưng với tất cả khả năng Chúa ban, có thể là rất giới hạn (như bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ), họ đã làm nên những phép lạ xoa dịu những nỗi đau của nhân sinh, đem lại nụ cười, niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống những mảng đời bất hạnh.
Chúa nuôi sống cả mấy nghìn người như thế, đã nói lên Chúa Giêsu đã thông cảm và gần gũi con người. Ngài lo cả đến của ăn thể chất nữa. Đó là ý nghĩa của Thiên Chúa quan phòng đặc biệt trên mỗi người và trên tất cả.
Phép lạ này được đặt vào mùa Vọng cũng nhắc nhở mùa Vọng là mùa Thiên Chúa thương xót dân Người một cách đặc biệt, và phúc cho những ai có lòng xót thương. Thế giới chung quanh ta ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến. Thống kê của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi ngày có khoảng 400.000.000 người phải đi ngủ với bụng đói, không có gì để ăn và 15.000 người phải chết đói hằng ngày. Những người này cần được thương xót tinh thần, vật chất, cần có cơm ăn, áo mặc, cần có nơi trú ngụ, cần tình thương, cần nâng đỡ ủi an.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Người – Đấng tình yêu và đầy lòng thương xót. Mỗi người chúng ta là một kiệt tác của Thiên Chúa với những đặc nét rất riêng để chúng ta sống tình yêu trong tương quan liên đới với tha nhân. Tình yêu Thiên Chúa biểu hiện rất cụ thể qua con yêu dấu của Người – Đức Giê-su Ki-tô. Chiêm ngắm Chúa Giê-su và làm theo Lời Người dạy với hết khả năng tinh thần cũng như vật chất của mình (dẫu có nhỏ bé và giới hạn), Chúa sẽ dùng chúng ta để thực hiện những điều lạ lùng trong cuộc sống.
Như gia đình cậu bé Tani trong câu chuyện trên, thế giới này còn biết bao những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không đủ điều kiện sống đang mời gọi tấm lòng quảng đại của chúng ta. Thế giới còn nghèo chỉ vì lòng người nghèo tình thương. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở thành cánh tay nối dài đem yêu thương của Ngài đến cho cuộc sống.
Khi ta hiểu được tấm lòng đầy yêu thương của Chúa đối với ta cũng như sự trắc ẩn, thổn thức của Ngài trước nỗi đau nỗi khổ của ta, thì chắc chắn tất cả những việc đạo đức, thiêng liêng ta làm bấy nay trở thành cách thế diễn tả tình yêu của ta đáp lại tình thương của Ngài, chứ những điều đó không còn là các luật lệ, quy tắc nặng nề và có tính chất ép buộc mà ta miễn cưỡng làm cho xong.
Xin Chúa giúp mỗi người trở nên giống Chúa một ngày một hơn nhờ việc tham dự vào tiệc Thánh Thể của Chúa, cũng như qua việc chia sẻ sự sống của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người được lớn lên, được trưởng thành trong đức bác ai, sẵn sàng đóng góp phần của mình để phục vụ anh chị em. Đó là chúng ta thực sự sống trong mùa Vọng.
2020
Trở về bên Chúa
01 17 Tm Thứ Ba tuần 1 MV.
Is 11,1-10; Lc 10,21-24
TRỞ VỀ BÊN CHÚA
Bắt đầu bước vào Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa yêu thương và làm những điều thật kỳ diệu nơi loài người. Nhưng, chỉ những ai có một tâm hồn khiêm nhường, tâm hồn khao khát, mong chờ Đấng Cứu Thế đến, mới nhận ra được, mới đón nhận được điều tốt lành của Thiên Chúa mà thôi.
Mầu Nhiệm Nước Trời được Mặc Khải chung cho cả nhân loại, nhưng thấu hiểu và đón nhận được hay không còn tuỳ thái độ của mỗi người. Người được Chúa gọi là Khôn Ngoan, Thông Thái, do dư chút Tự Hào, luôn thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Họ như đứng ngoài, nhìn vào 1 hang động, kiêu hãnh vì thế giới mình thuộc về to rộng hơn hang động chật hẹp, mà không biết đến cả một 1 vũ trụ bao la trên đầu mình, nên chẳng thể lãnh hội Mặc Khải. Còn người Chúa gọi là đơn sơ bé mọn, biết mình chẳng là gì quá lớn so với Tạo Hoá và tạo vật khác, với thái độ Khiêm Tốn, họ mở trí mở lòng mình, nhờ vậy họ thấu hiểu kho tàng khôn ngoan của nhân loại và đón nhận được mặc khải màu nhiệm cao siêu của Nước Trời.
Đức tin thiết yếu là một ân ban nhưng không của Chúa. Điều đó có nghĩa là người ta không thể đạt đến đức tin bằng sự lý luận uyên bác của mình; và điều đó cũng có nghĩa là không phải kẻ thông thái đương nhiên là những người có đức tin hoặc đức tin sâu sắc hơn những người quê mùa dốt nát.
Lời tán tụng của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay xác quyết tính cách nhưng không của đức tin. Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha vì đã giấu không cho những hạng khôn ngoan thông thái biết những điều đó, tức là ơn đức tin, mà Ngài lại mạc khải cho những kẻ bé mọn, khiêm nhu.
Nói đến hạng khôn ngoan thông thái hẳn Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến những Biệt phái và Luật sĩ, những người có học cao hiểu rộng. Chính cái mớ kiến thức về luật pháp và đạo giáo ấy khiến họ cho mình là người nắm giữ chân lý, là người đạo đức và có đức tin sâu sắc hơn người khác. Chúa Giêsu đã không ngừng lên án thái độ huênh hoang tự đắc ấy.
Chọn những người đơn sơ, thất học làm môn đệ, Chúa Giêsu còn kết thân với những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng trong nước Ngài không có sự phân biệt đối xử, không nhất thiết là người thông thái mới có thể trở thành môn đệ của Ngài. Để thuộc về nước Ngài, để trở nên môn đệ Ngài, điều kiện thiết yếu là trở nên bé mọn, khiêm tốn, trút bỏ lối suy nghĩ hẹp hòi của mình.
Quả thực, người có đức tin không còn nhìn, suy nghĩ, lý luận bằng cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi của mình, mà bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ đó họ tìm được ánh sáng và hy vọng ngay trong cuộc sống tăm tối, cảm nhận được sức mạnh trong những mất mát, thua thiệt, nhận ra được lẽ khôn ngoan ngay trong những gì mà thế gian cho là điên dại.
Người có đức tin sẽ sống và yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, yêu đến độ tha thứ cho kẻ thù của mình, yêu đến độ hy sinh chính mạng sống mình.
Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu, sự quan tâm và cứu giúp những người bé nhỏ, khiêm nhường, nghèo nàn. Ngài chỉ mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ.
“Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.”
Còn những kẻ cậy mình là khôn ngoan, những kẻ cho mình là giàu có, có cuộc sống sung sướng chỉ lo hưởng thụ, áp bức cách bất công với những người nghèo, người đau khổ…thì sẽ không được đón nhận những mầu nhiệm của Nước Trời.
Hẳn chúng ta còn nhớ Năm Mục vụ Gia đình 2019 có chủ đề là : “Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn” mời gọi chúng ta biết quan tâm và giúp những gia đình đang có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các gia đình trẻ gặp khó khăn về đời sống hôn nhân của họ.
Trong cuộc sống, gia đình chúng ta luôn nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua Giáo Hội đang đồng hành với mình, để trong mọi hoàn cảnh khó khăn, các gia đình hãy luôn tuyệt đối phó thác vào tình thương của Chúa.
Chúa muốn chúng ta sống cách chân thành, yêu mến hàng xóm láng giềng. Khi sống chan hòa yêu thương với mọi người, mỗi người chúng ta trở thành dấu chứng tình yêu và huyền nhiệm của Thiên Chúa.
Chúng ta quan tâm nhiều hơn đến các gia đình, những người đang sống nghèo khổ, khó khăn. Chúng ta còn có trách nhiệm giúp đỡ, chia sẻ cả tinh thần lẫn vật chất để họ bớt đau khổ và bớt thiếu thốn nữa.
Riêng bản thân mỗi người chúng ta, Chúa muốn giúp chúng ta trở về với chính bản thân của mình nhiều hơn, đặc biệt, sống khiêm nhường, nhỏ bé. Đó là đức tính, lại còn là nhân đức trổi vượt mà Chúa luôn nhấn mạnh tới trong Tin Mừng.
Trong tâm tình mùa Vọng, người tín hữu Công Giáo, chúng ta cùng cầu nguyện cho thế giới, nhân loại và bản thân mình, bớt sự tự hào, tự mãn vì những thành tựu và hiểu biết giới hạn của chính mình, nhưng thêm khiêm tốn, đơn sơ để thấu đạt những Màu Nhiệm Cứu Độ Chúa Giesu Măc Khải: cứu cánh của con người.
2020
Trở thành kẻ lưới người
30 16 Đ Thứ Hai tuần 1 MV.
Lễ kính.
Rm 10,9-18; Mt 4,18-22
TRỞ THÀNH KẺ LƯỚI NGƯỜI
Dừng lại một chút, ta thấy vào một buổi sáng đẹp trời, sau khi giảng cho đám đông dân chúng nghe về Hiến chương Nước Trời, từ trên núi xuống Đức Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê và thấy hai anh em ông Simôn Phêrô đang quăng chài xuống biển. Người liền cất tiếng gọi “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Đi được một quãng, Chúa Giêsu gọi thêm hai người con ông Dêbêdê là Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền. Lập tức, các ông bỏ thuyền và người cha lại mà đi theo Đức Giêsu.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ Giênêzarét (Lc 5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển Kinnerét (Ds 34,11; Gs 12,13) hay biển Tibêria (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê cách Giêrusalem khoảng 100km. Biển hồ Galilê nhận nguồn nước từ sông Giorđan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết.
Biển hồ Galilê là một địa danh rất quan trọng được Đức Giêsu chọn để khởi đầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tại đây Chúa Giêsu đã dẹp yên bão tố, đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ; đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5.000 người. Từ rất lâu, trên biển hồ Galilê đã hình thành một làng chài đánh bắt cá rất thịnh vượng với khoảng 230 chiếc thuyền thường xuyên hoạt động trên hồ. Trước một cảnh sống nhộn nhịp của những ngư dân, chỗ này người vá lưới, phân loại cá, chỗ kia người quăng chài, vậy mà Chúa Giêsu vẫn nhận ra được những ngư dân có tay nghề để chọn gọi và sẽ huấn luyện họ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu thương luôn dành cho chúng ta một dự phóng tương lai tốt đẹp và Chúa biết rõ khả năng “tay nghề” của mỗi người.
Vừa nghe Chúa Giêsu gọi, cả bốn môn đệ đều nhanh chóng ngừng mọi công việc, rời bỏ thuyền và người cha thân yêu để ra đi. Phải chăng các ông là những người nhẹ dạ dễ tin và có vẻ bất hiếu khi bỏ người cha lại trên thuyền? Hành vi của bốn môn đệ thể hiện thái độ dứt khoát, có lẽ trước đó các ông đã thoáng nghe và biết Đức Giêsu nên khi được gọi các ông đã mau mắn đáp lời và đi theo. Khởi đi từ công việc sinh sống hàng ngày, Chúa Giêsu hướng các ông đến một sứ mạng thiêng liêng mà không phủ nhận trách nhiệm đối với gia đình. Từ đây các ông đã thực sự tham gia vào một công việc ý nghĩa và lớn lao hơn, đó là “lưới người như lưới cá”, các ông đã đặt kế hoạch của Thiên Chúa lên trên công việc và bổn phận của gia đình.
Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ trong hai gia đình, nghĩa là giữa họ có mối quan hệ huyết thống. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu không xem nhẹ quan hệ gia đình ruột thịt nhưng đưa dẫn các môn đệ vào một tương quan lớn hơn là gia đình của Thiên Chúa. Đây là một quan hệ bền vững không một thế thực nào có thể phá hủy. Nhờ đó chúng ta càng thấy được ân huệ lớn lao khi được gia nhập vào trong cộng đoàn Hội Thánh có Chúa Giêsu làm chủ. Khi bước theo Chúa, chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khó khăn vất vả nhưng trong Hội Thánh chúng ta luôn được bảo vệ và gìn giữ khỏi mọi sự dữ.
Ở mọi hoàn cảnh sống với nhiều ngành nghề khác nhau, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Thiên Chúa vẫn mời gọi từng phút giây khi mỗi người vẫn đang bận rộn với công việc của mình. Hãy để cho Chúa huấn luyện chúng ta trở thành người thợ lành nghề. Mỗi người hãy nên thánh trong bổn phận hàng ngày. Là bậc cha mẹ, chúng ta hãy chu toàn trách nhiệm với gia đình, giáo dục con cái sống theo Lời Chúa dạy. Là con cái, hãy sống hiếu thảo xứng phận làm con. Là những người lãnh đạo, hãy lưu ý đến lợi ích của cộng đồng, khuyến khích mọi người nỗ lực vun đắp xây dựng sự an bình trong xã hội.
Qua phép Thanh tẩy, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành môn đệ vì chúng ta là chi thể trong một thân thể nhiệm mầu là Đức Giêsu. Chính thánh Phaolô tông đồ đã xác tín về điều này khi nói: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể ấy tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Tất cả chúng ta dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12, 12-13).
Trong bốn môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu chọn gọi có ông Anrê. Nếu theo Tin mừng Gioan, ta thấy lúc đầu Anrê là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Ông đã gặp Đức Giêsu lần đầu tiên khi còn đang ở với Gioan Tẩy Giả. Hôm ấy, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu về Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” và ông Anrê đã đi theo Người. Sau đó Anrê giới thiệu Chúa Giêsu cho anh mình là Simôn cũng được gọi là Phêrô (Ga 1, 35-42). Vì thế môn đệ Anrê mới có biệt danh là “người đầu tiên được gọi”. Sau thời gian sinh hoạt với phái Tẩy giả, Anrê quay trở lại với công việc, cùng với người anh là Simôn tiếp tục đánh bắt cá trên biển hồ Galilê và đã có duyên được Đức Giêsu chọn gọi.
Từ đó Anrê bắt đầu cuộc phiêu lưu mới với Thầy Giêsu rong ruổi khắp nơi rao giảng Tin mừng. Ông hiện diện trong nhiều biến cố quan trọng của Thầy Giêsu. Chính ông đã phát hiện trong đám đông một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con con là chất liệu để Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê (Ga 6, 1-15). Môn đệ Anrê cũng được Chúa Giêsu cho biết những điều quan trọng, biết về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem và về cuộc thương khó sắp xảy đến. Chúa Giêsu cho biết Người sẽ chịu cực hình như hạt lúa chịu mục nát trong lòng đất để nảy sinh một mùa bội thu. Ông Anrê hiểu được sứ mạng của Thầy Giêsu và nhận đó là Tin mừng mà ông sẽ rao giảng. Sau khi Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, môn đệ Anrê dành trọn cuộc đời còn lại để rao giảng Tin mừng ở Tiểu Á và Hy Lạp. Truyền thống vẫn cho rằng thánh Anrê là vị tông đồ của người Hy Lạp. Để làm chứng cho Tin mừng, thánh Anrê xin được đóng đinh trên cây thập giá có hình chữ X, khác với thập giá của Chúa Giêsu. Thánh nhân qua đời ở Patát. Thi hài của ngài được bảo quản tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma và sau đó được di dời về Patát vào năm 1964.
Mừng lễ thánh Anrê tông đồ là dịp để chúng ta nhìn lại ơn gọi nên thánh của chính mình. Thiên Chúa luôn thể hiện tình thương của Người qua việc chọn gọi chúng ta gia nhập vào gia đình Hội Thánh, tham dự vào sứ mạng loan báo Tin mừng. Cuộc sống xã hội hôm nay cần biết bao những ngư phủ nhiệt thành tài giỏi ra đi “lưới người như lưới cá”. Ước gì chúng ta lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và sẵn sàng đáp lời như thánh Anrê tông đồ xưa.