2020
Nên trinh trong như Mẹ
08 24 Tr Thứ Ba tuần 2 MV.
LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng.
St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-36
NÊN TRINH TRONG NHƯ MẸ
Bà Eva đã nghe lời dụ dỗ của con rắn, là Sa-tan, và cùng ông Adam bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa. Sa-tan đã phá hỏng tuyệt phẩm được Chúa dựng nên giống hình ảnh Người và được ban cho tự do, nhưng không dùng ân huệ tự do ấy mà tuân phục Người. Kết đoạn trích sách sáng thế, có câu: “Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh”.
Vâng, Evà là mẹ của chúng sinh, mẹ của loài người đã được sinh ra trong tình trạng mất ân nghĩa với Chúa. Bởi thế, thánh vịnh 51, câu 7 viết: “Mẹ con đã thai con trong tội”. Lời Chúa tuyên chiến với Sa-tan, cũng là lời hứa cứu độ con người từ sau khi con người phạm tội: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.
Nếu đã có một Eva bất tuân Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho một người nữ là Đức Maria tuân phục Thiên Chúa và thực hiện ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa. “Người phụ nữ” ấy là Đức Maria mà Thánh Phao-lô gọi là người nữ đã được ơn tiền định từ khởi thủy. Mẹ Maria đã vâng phục Thiên Chúa và để cho Thiên Chúa thực hiện ý định cứu rỗi của Người ngang qua cuộc đời Mẹ, là: sinh ra Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Nhờ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, sinh ra bởi lòng Mẹ Maria, mà chúng ta được phục hồi ơn nghĩa tử của Thiên Chúa.
Chính vì thế thánh Phao-lô nói: “Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô”.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng cho nhân loại một đóa hoa rạng ngời luôn tỏa hương thơm ngát là Mẹ Maria. Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho đời một đóa hoa luôn thanh thoát, cao quý bởi tình yêu hiến dâng cho Chúa để phục vụ cho đời. Tạ ơn Chúa và nguyện cầu cùng Mẹ giúp chúng ta biết trở thành một đóa hoa thơm ngát dâng tặng cho đời và ca tụng Thiên Chúa.
Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được mừng vào đúng chín tháng trước ngày sinh nhật của Mẹ Maria.
Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin.
Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ai năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”
Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Tiền định của Đức Maria, như tất cả chúng ta, trong tương quan với tiền đình của Chúa Con. Chúa Kitô là chổi non mọc lên để đạp dập đầu con rắn xưa, theo sách Sáng Thế (x. St 3 , 15) là Con Chiên không tì vết (x. Xh 12, 5 , 1 P 1 , 19) tự hiến tế để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.
Với tiên đoán về cái chết cứu cứu chuộc của Ngài, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và mọi tội lỗi khác. Trong chiến thắng của Adam mới, đó cũng là của Eva mới, mẹ của những người đã được cứu chuộc. Do đó Đức Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Sa-tan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).
Mẹ Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu – Con Một Người. Để Mẹ được xứng đáng với thiên chức đó hơn, Mẹ đã được Người ban cho đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”. Nhờ đó, Mẹ đã không bị truyền tội tổ tông do Adam và Eva gây ra ngày trước. Tuy nhiên, việc lãnh nhận đặc ân đó không phải ngẫu nhiên mà chính là nhờ hai tiếng “xin vâng”. Chính sự vâng phục Thiên Chúa đã đưa Mẹ rời khỏi hàng tội nhân của tội nguyên tổ và trở thành người diễm phúc nhất trong tất cả phụ nữ.
Đức Maria là Mẹ của Giáo hội và là Mẹ của tất cả chúng ta. Mẹ đã để lại cho chúng ta những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo để chúng ta cũng nhận được ân sủng của Chúa ban như Mẹ. Mẹ đã sống một cuộc sống mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện. Mẹ mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, và trung thành sống theo ý Chúa như lời Mẹ thưa cùng Thiên thần Chúa trong bài Tin mừng hôm nay: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”
2020
Quyền năng Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài
07 23 Tr Thứ Hai tuần 2 MV.
Thánh Ambrôxiô, Gmtsht. Lễ nhớ
Is 35,1-10; Lc 5,17-26
QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA VÀ ƠN THA THỨ CỦA NGÀI
Một trong các người viết tiểu sử về thánh Ambrôsiô nói rằng: Vào ngày Phán xét chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của những người cùng thời. Ngay cả các bậc vua chúa cũng nằm trong số những người chịu những hình phạt thần linh nặng nề vì đã cản đường của Ambrôsiô.
Vào năm 33 tuổi, thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự – một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị Giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, có tới 3 lạc giáo muốn tiêu diệt Giáo hội. Vị cố Giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Ariô chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị – người Công giáo hay người của phe Ariô? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nảy và chọn lựa Giám mục mà không cần phải xô xát.
Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, “Bầu Ambrôsiô làm Giám mục!” Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, “Ambrôsiô là Giám mục!”
Khi thánh Ambrosiô định qua nước Pháp làm phép Rửa tội vua Valentinianô II, thì hay tin vị vua trẻ này bị ám sát bởi kẻ soán quyền là Eugenius. Ngài đã khóc ông vua bé nhỏ này và trong đám tang ngài đã nói đến cái chết của một vị tử đạo được rửa tội trong máu của mình. Eugenius, tên tiếm quyền, là một kẻ ngoại đạo trong trái tim hắn, và hắn thề sẽ tái hồi phục lại nền ngoại giáo. Nhưng chẳng bao lâu hoàng đế Theodosius đã đem quân sang tiêu diệt hắn vào mùa xuân năm 391.
Sau đó ông đã xin vị thánh Giám mục cử hành Thánh lễ tạ ơn cho cuộc chiến thắng, nhưng chỉ sau đó vài tháng ông qua đời tại Milan, có thánh Ambrosiô ở bên giường, và ông chết khi thốt lên tên của Ambrôsiô. Chính thánh nhân đã phải thú nhận: “Ngay cả khi cái chết làm tan rữa thân xác của hoàng đế, ông vẫn mãi mãi là người lo cho Hội Thánh nhiều hơn lo cho chính sự an nguy bản thân của ông. Tôi yêu mến ông, và tôi xin Chúa sớm đưa ông về thiên đàng!”. Thế rồi chỉ hai năm sau, đức Giám mục Ambrôsiô cũng ra đi để hai tâm hồn vĩ đại của một hoàng đế và một Giám mục mãi mãi ở bên nhau!
Đức Giám mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng 12, là ngày ngài “bị” tấn phong Giám mục.
Và ta thấy Thiên Chúa tình yêu vẫn luôn hiện diện sống động ngay trong thế giới hôm nay, qua mỗi con người và từng biến cố hay qua các dấu chỉ thời đại. Thế nhưng có mấy người biết nhìn ra sự hiện diện thân thương của Ngài.
Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha, Ngài đến trần gian để thi thố lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Lời giảng dạy kèm theo các phép lạ Chúa làm đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa luôn ở với Ngài.
Tin Mừng hôm nay là một trình thuật tuyệt vời diễn tả về Ơn tha thứ và niềm tin cộng đồng. Đó là một trình thuật phép lạ có dụng ý giáo huấn, trong đó phép lạ được thực hiện như một dấu chỉ của ơn tha thứ. Và cao điểm của bản văn cho thấy Chúa Giêsu có quyền tha tội.
Với bút pháp sắc sảo, nghệ thuật khéo léo, thánh Luca đã dẫn mỗi người chúng ta cùng đi vào trải nghiệm của niềm tin cộng đồng, để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bởi đó, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lòng của mỗi chúng ta cũng được khơi lên tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta cũng muốn bảo nhau rằng: “Hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”!
Thật vậy! câu chuyện lạ kỳ khi xưa, người bại liệt được chữa lành mà những người từ khắp các làng mạc miền Galilê, GiuĐê, và Giêrusalem đã chứng nghiệm, vẫn là câu chuyện lạ kỳ của mỗi chúng ta hôm nay, nếu chúng ta biết lắng đọng lòng mình để chiêm ngưỡng.
Hãy thử nhìn vào khung cảnh: Thầy Giêsu đang giảng dạy nơi một căn nhà tư gia quá nhỏ bé, so với lượng người đông đảo từ khắp các miền lân cận đổ về, bao gồm rất nhiều hạng người, trong đó có mặt cả những con người xem ra rất thế giá đạo đức và thông thái như các vị luật sĩ, biệt phái.v.v. Họ chăm chú lắng nghe và được chứng nghiệm quyền năng diệu kỳ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.
Điều gì ở nơi thầy Giêsu đã cuốn hút những người từ khắp các làng mạc đổ về ? Điều gì đã khiến cho anh bại liệt tin rằng Thầy Giêsu có khả năng chữa lành căn bệnh nan giải của anh ? Và hơn nữa, điều gì khiến cả những người khiêng anh đã tin, đã cùng nhau tìm cách vượt qua rào cản của đám người đông đúc để sáng kiến đưa người bại liệt từ trên mái nhà xuống gặp được Chúa Giêsu ?
Đứng trước niềm tin cộng đồng, lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đã thể hiện. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”.
Điều đáng nói hơn ở đây là Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chữa lành cho người bại liệt, nhưng Ngài đã chọn phép lạ chữa lành như một dấu chỉ của ơn tha thứ: “Để các ông biết ở dưới đất này con người có quyền tha tội… Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà”.
“Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Phải chăng niềm tin của người bại liệt được chữa lành đã được chứng nghiệm thêm ? Và cùng với trải nghiệm được chữa lành nơi thân xác, anh đã thật hạnh phúc để cảm nhận ơn tha thứ nơi tâm hồn.
Như một sự tác động lan tỏa trong niềm tin cộng đồng, việc chứng nghiệm người bại liệt được chữa lành đã làm cho tất cả mọi người đều sửng sốt, và cảm nhận sự tác động của Thiên Chúa, họ “tôn vinh Thiên Chúa” và bảo nhau “hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”.
Đó là những chuyện lạ kỳ của ơn tha thứ, và chính họ đã gặp được Đấng có quyền tha tội. Thật là một điều kỳ diệu khiến cho giới luật sĩ và biệt phái phải thắc mắc trong lòng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?”
Quả vậy, ơn tha thứ chỉ có thể được Thiên Chúa ban cho mà thôi, và ơn đó cũng chỉ được đón nhận từ niềm tin. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết tin vào Chúa, tìm cách đến với Chúa, để cảm nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Để chúng ta cũng được Chúa chữa lành những căn bệnh tâm hồn, hầu chúng ta tôn vinh Chúa mỗi ngày, hăng hái đứng dậy, đổi mới, và bước đi trong ân sủng của Thiên Chúa như lòng Ngài mong muốn.
2020
Xót thương như Chúa thương xót
05 21 Tm Thứ Bảy đầu tháng tuần 1 MV
Is 30,19-21.23-26; Mt 9,35-10,1.5a.6-8
THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA THƯƠNG
Hôm nay, ta thấy ngôn sứ Isaia trình bày Thiên Chúa tựa như một người cha: rất gần gũi để sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của con cái mình. Ngài luôn ở bên để bảo vệ chăm sóc phần xác cũng như phần hồn. Ngài cũng hằng quan tâm lo dạy dỗ, hướng dẫn con cái bước đi trên con đường chân lý. Tận thâm tâm Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ khi con cái biết ăn năn và hết lòng chữa lành sau khi nghiêm khắc sửa dạy khi con cái đi sai đường.
Và rồi ta cũng thấy Chúa Giêsu quan sát và thấy dân chúng lầm than vất vưởng như bày chiên không người chăn dắt và Ngài đã chạnh lòng thương đám đông này.
Thật ra thì dân chúng có người lãnh đạo, nhưng điều thua thiệt cho họ là họ lại bị sống dưới sự thống lãnh của những kẻ độc tài, kiêu ngạo, hình thức, dối trá là những Luật Sĩ và Pharisiêu. Vì thế, họ bị những người này dẫn đi sai đường trật lối, bởi vì người đang dẫn dắt họ chính là những mục tử dổm.
Chính vì thế, khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã sống hoàn toàn khác với những người lãnh đạo thời bấy giờ, để làm hiện lên dung mạo một vị Mục Tử nhân lành, biết từng con chiên của mình, con nào ốm đau, Ngài chữa trị, con nào gãy chân, què tay, Ngài băng bó, con nào đi lạc, Ngài đi tìm…, nói chung, Ngài đã “ngửi thấy mùi của từng con chiên” để yêu thương chúng xứng với nhân phẩn của từng con.
Và ta cũng thấy Chúa Giêsu một lần nữa thi hành sứ vụ Mục Tử của mình khi “chạnh lòng thương” để chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và giải thoát họ khỏi những sự kiềm chế của tội lỗi.
Kế đó, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ ra đi thi hành cùng một sứ vụ như Ngài và đồng thời trao ban cho các ông những quyền năng cần thiết để hỗ trợ việc rao giảng như khả năng chữa bệnh, trừ quỷ, khuất phục thiên nhiên…Tuy nhiên, vì Ngài biết rõ sự nguy hại của kẻ kiêu ngạo, nên không quên nhắc các ông: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót Chúa qua ánh mắt: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” và nơi việc làm:
Ngài dạy dỗ dân chúng: “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.”
Ngài chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”.
Ngài lo cho dân ăn qua phép lạ Bánh hóa nhiều.
Ngoài ra Ngài còn lo tương lai cho dân: chọn gọi và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục công việc của Ngài vì: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.”.
Mùa vọng là dịp tốt để chúng ta nhìn lại mà cảm nhận sâu xa tình Chúa yêu ta.
Với tình yêu thương vô biên, ta thấy Chúa muốn các tông đồ tiếp tục sống và làm chứng. Ngài mời gọi họ lên đường, tìm đến với những “con chiên lạc nhà Israel” và chữa lành cho họ như Ngài đã làm. Hôm nay, mỗi tín hữu chúng ta cũng được Chúa Giêsu sai đi : để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, để chữa lành thế giới khỏi mọi bệnh tật, để giải phóng con người khỏi những xích xiềng của thời đại mới và loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi nơi con người sinh sống.
Khi nhìn vào thực tại của cuộc đời, ta thấy công việc này thật lớn lao và đầy thách đố, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà con người đang bị thu hút nhiều bởi sức mạnh của ác thần, chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ và đang đánh mất dần cảm thức về Thiên Chúa. Nhưng, tin vào quyền năng và sức mạnh của Chúa ban, chúng ta sẽ chiến thắng.
Vấn đề đặt ra cho mỗi người chúng ta là chúng ta có ra đi với con tim thổn thức chạnh thương của Chúa khi tiếp xúc với con người hay không ? Chúng ta có mang lấy ánh nhìn của Chúa mà nhìn thế giới này hay không ? Và sau cùng là chúng ta có để Chúa làm chủ và hoạt động trong sứ vụ của chúng ta hay không ? Ước gì mỗi tín hữu đều mang lấy quả tim, cái nhìn của Chúa mà đi đến với thế giới hôm nay.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ như Chúa Giêsu là phải có tình yêu thương, trách nhiệm và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng thấp hèn cho mình, nhưng tất cả để cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha mau ngự trị.
Và mỗi người chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết không ngừng cảm tạ, chúc tụng lòng thương xót Chúa bằng tâm tình sám hối ăn năn chân thành và nỗ lực canh tân đời sống bằng những việc làm thiết thực: lần chuỗi lòng thương xót;siêng năng tham dự thánh lễ; nhất là tích cực làm việc bác ái để loan truyền lòng Chúa thương xót.
Có thế, Mùa Vọng mới thực sự là Mùa của tình thương, sự tha thứ, bao dung. Được như thế, chúng ta sẽ có những móm quà trân quý để dâng lên cho Chúa Hài Đồng trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.
2020
Xin Chúa chữa lành cho ta
04 20 Tm Thứ Sáu đầu tháng tuần 1 MV
Thánh Gioan Đa-mát, Lmtsht.
Is 29,17-24; Mt 9,27-31
XIN CHÚA CHỮA LÀNH CHO TA
Đôi mắt rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.(tiếng Anh con mắt (eye) và tôi I đều đọc cùng một âm: ai) Vì vậy nó cũng được coi như một phần không thể thiếu của một con người! Con mắt xác định cho người ta biết quang cảnh và đồ vật chung quanh, biết hình dáng của những người thân yêu, nó xác định cho ta bước đi mà không bị vướng vấp, té ngã. Nó còn là “cửa sổ” của tâm hồn…Vì vậy mù mắt là một đại họa đối với con người.
Người mù hẳn là người bị đứng ngoài lề xã hội. Vào thời y khoa còn kém, người mù phải chịu cảnh tăm tối suốt đời.Nỗi đau của người mù cũng ảnh hưởng trên cả đất nước.Chính vì thế khi nói đến thời đại hạnh phúc của Đấng Mêsia, Isaia nhiều lần nhắc đến chuyện người mù được sáng mắt (Is 35, 5; 42, 7).Trong bài đọc 1 ta vừa nghe (Is 29, 18), ngôn sứ Isaia viết:“Mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm, và sẽ được nhìn thấy.”
Được nhìn thấy bằng đôi mắt nghĩa là được mở ra với thế giới bên ngoài.Tiếp xúc bằng mắt vẫn có cái gì vượt trội hơn tiếp xúc bằng tay hay tai.Khi chữa lành những người mù và những tật bệnh khác, Chúa Giêsu khai mở thời đại thiên sai (Mt 11, 2-6). Ngài cho thấy Nước Thiên Chúa nay đã đến.
Chúa Giêsu đến thế gian khai mở một kỷ nguyên mới. Ngài đã mang đến cho con người biết Chân lý và Sự Thật. Ngài đã dẫn đưa con người ra khỏi nơi tăm tối của tử thần và bước vào nguồn sáng của sự sống. Vậy chúng ta hãy đến với Ngài để con mắt chúng ta luôn được “ bảo quản” trong sáng mà bước đi trên con đường lữ thứ không bị vấp ngã.
Ta thấy Chúa Giêsu không muốn cho đám đông dân chúng biết phép lạ Ngài làm. Bởi đó khi hai người mù xin Ngài cứu giúp ở chỗ đông người thì Ngài không đáp lại gì cả. Khi về tới nhà, Ngài mới cứu chữa họ. Cứu chữa họ xong, Ngài “nghiêm giọng” bảo họ “đừng cho ai biết.” Lý do: Chúa Giêsu không muốn người ta tin theo Ngài chỉ vì phép lạ.
Khi hai anh mù gọi Chúa Giêsu là Con vua Đavít (c. 27),họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai. Bởi thế họ hy vọng Ngài sẽ cho họ quà tặng của thời thiên sai.“Xin thương xót chúng tôi” là xin đưa chúng tôi ra khỏi cảnh mù lòa.Đức Giêsu đã muốn chữa hai anh một cách kín đáo, tại nhà của Phêrô. Ngài không chữa cho họ ngay lập tức, nhưng lại hỏi họ một câu rất lạ: “Các anh có tin là tôi có thể làm được điều ấy không?” (c. 28). Chỉ khi họ tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Ngài, Chúa Giêsu mới mở mắt cho họ bằng một lời và một chạm nhẹ (c. 29). Niềm vui quá lớn khiến họ không giữ được lặng thinh (c. 31).
Chúa nhấn mạnh tới lòng tin: trước khi làm phép lạ, Ngài hỏi “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Sau khi làm phép lạ, Ngài nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”
Chúa Giêsu bảo họ đừng cho ai biết, “nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Ngài trong khắp cả vùng”: xem ra họ không vâng lời Chúa Giêsu. Nhưng các nhà chú giải nghĩ rằng Mát Thêu viết câu này cho tín hữu trong Giáo Hội thời kỳ sau khi Chúa Giêsu sống lại. Trước khi Chúa Giêsu sống lại thì Ngài muốn giữ “bí mật Messia” kẻo người ta theo Ngài chỉ vì phép lạ. Nhưng sau khi Ngài đã sống lại rồi thì không cần giữ bí mật ấy nữa, trái lại càng phải “bật mí” để cho nhiều người biết Ngài
Mù quáng vẫn là cơn cám dỗ khủng khiếp nhất của con người. Mù quáng chính là không còn nhận thức và chấp nhận sự mù lòa của mình. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã lên án thái độ mù quáng của Biệt Phái, họ cuộn mình trong nấm mồ tăm tối của những thành kiến và mớ kiến thức hạn hẹp của con người để khước từ ánh sáng của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống xô bồ nhiều lo toan này, lắm khi cái bóng của tiền bạc, thú vui, danh vọng quyền lực làm cho cặp mắt ta hoá mù không thấy được Chúa hiện diện nơi tha nhân nữa. Tôi có thao thức, khao khát được chữa lành bệnh mù này không? Giáo Hội luôn nhắc nhở chúng ta rằng chính Đức Tin là phương thế để ơn Chúa có thể chữa lành tật bệnh linh hồn cho tôi.
Trang Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta biết về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu, Ngài đến để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người đau khổ.
Ngang qua đó, Chúa Giêsu muốn mời gọi mỗi chúng ta cần có tấm lòng yêu thương như Ngài. Có khi chúng ta không có cái gì về vật chất để chia sẻ cho người nghèo, nhưng chúng ta có tình yêu ngang qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười….
Hình ảnh của những người mù vui mừng hân hoan vì được Chúa Giêsu chữa cho sáng mắt cũng là điểm gợi ý cho chúng ta rằng: Cần năng đến với Chúa để được Ngài mở con mắt đức tin cho mình. Khi con mắt đức tin được sáng, hẳn chúng ta sẽ được hạnh phúc vì nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời và sống với nhau như anh chị em trong đại gia đình.