Của ít lòng nhiều
23 09 X Thứ Hai tuần 34 Mùa TN.
Thánh Clêmentê I, Ghtđ.
Thánh Columbanô, viện phụ.
Kh 14,1-3.4b-5; Lc 21,1-4
Thánh vịnh tuần 2
CỦA ÍT LÒNG NHIỀU
Vào thời xưa cũng như thời này, có những giai tần bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Trình thuật Tin Mừng liên quan đến chuyện dâng cúng có thể khiến nhiều độc giả hỉ hả vì hiệu ứng thời sự của Lời Chúa: Đã có những người tự hào vì dâng cúng số lượng lớn tiền của, vì đã bỏ ra khối lượng lớn ngày công, tài sức cho các công trình nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà mục vụ, …. Cũng có những người ganh tị vì mình không bì kịp với những đóng góp khổng lồ ấy. Lại cũng có người âm thầm, an tịnh, hết lòng trong những hy sinh bé nhỏ cho việc chung bằng cả tấm lòng phục vụ và mến yêu của họ. Để rồi, hôm nay đã rõ, chưa chắc tiền đống công khối luôn có thứ hạng cao ; chưa chắc hạt cám giọt nước chỉ xứng đáng ở chót sổ. Bởi thước đo giá trị công đức này không lệ thuộc vào con số, mà tùy vào mức quảng đại của người dâng cúng.
Chúa quan sát việc người ta dâng cúng vào thùng tiền trong đền thờ, Ngài thấy một bà góa túng thiếu bỏ hai đồng tiền kẽm như mọi người, Chúa liền gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy người đàn bà góa ấy, đã bỏ vào thùng tiền đền thờ nhiều hơn tất cả mọi người. Bà đã cho đi không phải bằng phần dư dả, nhưng đã cho đi tất cả phần sống để nuôi thân. Khi dâng cúng hai đồng cuối cùng, bà đã không nghĩ đến bữa ăn tối hôm nay sẽ ra sao. Việc làm của bà hôm nay đã được Thiên Chúa chúc phúc. Ngài đã nhận thấy nơi bà góa một tấm lòng hảo tâm tuyệt đối, cho đi nhưng không và đặt niềm tin tưởng, với lòng thành phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả.
Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Chúa không dựa vào con số và kích cỡ để đánh giá một sự vật hoặc một hành vi của con người. Chúa dựa vào tấm lòng, Chúa thăm dò mức độ yêu thương, Chúa tìm hiểu cảnh sống, Chúa phân biệt ngọn nguồn từng việc người ta làm để đưa ra một nhận xét, một kết luận. Đối lại, tôi, bạn và anh chị, ta thường khá vội vàng khi quan sát, khá chủ quan khi đưa ra những nhận xét và kết luận. Con mắt và lý trí ta dễ bị “dán” vào những con số và kích cỡ, vào những trang trí hấp dẫn bề ngoài, vào những ngôn từ có trọng lượng tỷ lệ thuận với tính phô trương và khoe khoang.
Về tấm lòng: có ai quảng đại và rộng rãi hơn Thiên Chúa? Ngoại trừ tội lỗi ra, ta có gì là của chính mình? Sức khỏe, tài năng, thì giờ, của cải, người thân, … tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nước, không khí, ánh sáng, vũ trụ, trái đất, … tất cả do Chúa dựng dẵn cho ta hưởng dùng…. Vậy mà ta thường khóa chặt lòng quảng đại mình bằng những ổ khóa lớn bé mang nhãn hiệu thiếu thốn: thiếu thời gian, thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc, thiếu khả năng, thiếu người đồng cảm, … thiếu đủ thứ. Để rồi cuối cùng, Chúa và tha nhân, giáo hội và những người nghèo khổ, bần cùng … cứ mãi ở ngoài vòng quan sát, ở ngoài khả năng mà ta hay biện hộ rằng mình thật là lực bất tòng tâm !!!
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
Với câu chuyện của bà góa hôm nay Đức Ki-tô muốn nhắc nhở ta điều gì? Đó là lòng quảng đại. Nếu giúp đỡ ai, hãy giúp một cách thành tâm, sống hết lòng, hãy dâng theo khả năng của mình. Chúa luôn yêu quý, đánh giá cao khi con người biết dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành. Dù chỉ những sự đơn sơ, mộc mạc nhỏ bé dưới mắt người đời, nhưng đối với Thiên Chúa đã được ghi nhận trên trời.