2021
BIẾT CHÚA
26Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
– Kinh Tiền Tụng thương khó I.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 20,10-13; Ga 10,31-42.
BIẾT CHÚA
Trước thảm họa là khổ đau và tội lỗi của nhân loại, ta thấy Chúa Giêsu đã được Đức Chúa Cha sai đến trên trần gian làm người cứu chữa và đem lại sự sống mới cho nhân loại. Chúa Giêsu ý thức rất rõ sứ mệnh với tất cả những gì mà Ngài phải gánh chịu Ngài đón nhận với tất cả tâm tình yêu mến, phó thác toàn thân cho Chúa Cha, hoàn toàn để cho Chúa Cha hành động và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Chúa Giêsu đã nói : “Cha Ta hằng luôn làm việc và Ta cũng luôn làm việc” (Ga 5,18). Thiên Chúa hằng luôn làm việc, Ngài làm việc gì? Ngài không ngừng trao ban tình thương và sự sống cho mọi loài Ngài đã tạo dựng nên. Vì Ngài chỉ cần rút hơi thở là tất cả trở về cát bụi hư vô (Giob 34,14). Ngài chăm sóc muôn loài, muôn vật: chim trời, cá biển, hoa cỏ đồng nội… (Mt 6, 26 – 30) bằng một tình yêu muôn thuở. Như Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng hằng luôn làm việc : Người không ngừng loan báo cho con người rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, Người chạnh lòng xót thương những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, khổ đau vì bệnh tật, tội lỗi… Người làm việc không mệt mỏi vì chạnh thương con người “như đàn chiên không người chăm sóc” (Mt 9, 39). Người chia sẻ và cảm thông với mọi nỗi vui buồn sướng khổ của con người.
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: “Giận mất khôn”, người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói.
Ta thấy Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là cứu cánh duy nhất của cuộc đời và chúng ta cần Người để được cứu độ. Từ nhận thức đó tôi khao khát được biết Người, mà muốn biết Người tôi phải tìm hiểu, tiếp xúc với Người, cùng sống với Người trong cuộc sống, lắng nghe Người nói gì với tôi, làm gì cho tôi. Tôi phải dành thời gian để đối thoại với Người, cùng Người bàn bạc, nhận định và xin ý kiến của Người.
Để biết Người, tôi phải nghe và đọc Kinh Thánh vì Người là trung tâm của mạc khải Kinh Thánh. Đặc biệt trong Tin Mừng, tôi sẽ được chiêm ngắm con người của Đức Giê-su Kit-tô: Tôi sẽ được nghe Người nói, nhìn những việc Người làm… Và điều quan trọng nhất là tôi phải đặt niềm tin nơi Người, tôi sẽ thấy Người vẫn tiếp tục hành động trong cuộc sống của tôi như xưa kia Người đã hành động. Đó là những hành động đầy chăm sóc và thương yêu. Hãy để cho giáo huấn của Người và tình yêu của Người biến đổi trái tim tôi, để đi đến xác quyết tôi sẽ là môn đệ của Người, để tiếp tục gieo rắc tình yêu của Người cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
2021
LUÔN LUÔN LẮNG NGHE – LUÔN LUÔN THẤU HIỂU
25Thứ Năm Tuần V Mùa Chay
LỄ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬP THỂ, lễ trọng
– Trong Thánh Lễ, phần Kinh Tin Kính, quỳ gối khi đọc câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần… và đã làm người”.
– Không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Is 7,10-14;8,10; Hr 10,4-10; Lc 1,26-38.
LUÔN LUÔN LẮNG NGHE – LUÔN LUÔN THẤU HIỂU
Thiên Chúa Nhập Thể làm người là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ngôi Hai làm người để cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời. Công trình cứu độ đựơc khởi đầu cách âm thầm, giản dị tại một làng quê nghèo, với một thôn nữ bình thường chẳng mấy người biết tới.
Sứ Thần đến Nazareth và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28). “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, “tình thương nhập thể của Thiên Chúa” (Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Trước lời cầu ngỏ của thần sứ, Mẹ đã thưa: “Xin vâng – Fiat”. “Xin hãy thực hiện nơi tôi những điều Chúa muốn”. Mẹ hoàn toàn tự do để lựa chọn giữa việc chấp thuận hay chối từ nhưng sự từ chối đã không xảy ra. Lời thưa xin vâng của mẹ có một ý nghĩa sâu xa mà Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn vào đó như một quy chuẩn căn bản để thực hiện sự khiêm tốn nội tâm. Khiêm nhường ở đây không phải chỉ đơn thuần là một đức tính nhân bản như trong xã hội hiện nay người ta vẫn hay đề cao.
Ta thấy nền tảng của sự khiêm tốn nơi mẹ chính là sự tự hư vô hóa chính mình để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm ngự. Mẹ thuộc trọn về Chúa, không còn giữ lại chút gì cho mình và đãhoàn toàn để cho Thiên Chúa điều hướng. Cha Tennyson, một nhà tu đức đã nói: “Khiêm nhường là căn rễ của mọi nhân đức, là cửa ngõ đưa dẫn đến sự hoàn thiện”. Thánh Phêrô trong thư thứ nhất của Ngài cũng đã dạy chúng ta: “Anh em hãy trang điểm mình bằng sự khiêm nhường, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho ai sống khiêm nhường” (1P5,5).
Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Thiên Chúa chọn những ai sống đẹp lòng Ngài. Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9, 12. 16), và cũng vì Maria đẹp lòng Thiên Chúa. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Thiên sứ nói với Đức Maria: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu Xh 40, 34 nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”.
Việc Thánh Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu. Luca so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa. Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Chúa Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria thì có “Thiên Chúa hiện diện ” trong Mẹ. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.
Lắng nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Sứ và Maria, ta thấy Đức Maria đã tự do đáp tiếng “Xin vâng”. Trong Hiến Chế Lumen Gentium số 56, Công Đồng Vatican II đã giải thích ý nghĩa quan trọng của câu chuyện Truyền Tin và sự ưng thuận tự do của Đức Maria: “Các thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài.
Thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria ; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”.
Khi so sánh với Evà, các Giáo phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”. Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Lần Thứ 18 năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ rằng: Trong biến cố Truyền Tin, Đức Maria trao ban bản tính nhân loại cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ với lời tự do chấp nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa”. Dưới chân Thánh Giá, nơi thánh Gioan, Đức Maria đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn mình : “Hỡi bà, này là con bà”. Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố Nhập Thể, Mẹ đã trở thành Mẹ loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ.
Cuộc đối thoại Truyền Tin là khoảnh khắc Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một đến giữa chúng ta, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài đối với trần gian. Giây phút Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân. Một lời thật ngắn nhưng âm vang cả đời. Một lời vừa biểu lộ sự hiến dâng cộng tác tích cực, vừa thể hiện niềm yêu mến tin tưởng phó thác. Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23).
Trong lĩnh vực tôn giáo, “Đức Vâng Lời” lại còn quan trọng hơn gấp bội phần. Đức vâng lời được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa. Tiếng Chúa qua Lời Chúa và các giới răn. Thực hành lời Chúa và tuân giữ các giới răn của Chúa một cách trọn vẹn là chúng ta đang giữ nhân đức vâng lời.
Đức vâng lời còn được thể hiện qua việc vâng nghe sự dạy bảo của các vị bề trên coi sóc linh hồn chúng ta. Đó có thể là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, linh mục hay cha mẹ anh chị của chúng ta. Đối với các cộng đoàn dòng tu, vâng lời các vị bề trên không chỉ là nhân đức mà còn thực hiện một trong ba lời khấn.
Việc tuân giữ đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi không hiểu ý bề trên (như trường hợp của Đức Mẹ) hay khi sự vâng lời đó đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là phải đổ máu (như trường hợp các thánh tử đạo). Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng luôn và trong mọi hoàn cảnh hãy thưa với Thiên Chúa như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, nhân loại đã bước sang một trang sử mới là trang sử Cứu Thế. Ngày hôm nay, để viết lên những trang sử đẹp, rất cần nhiều tiếng thưa xin vâng trong gia đình, Giáo Hội và xã hội. Xin Chúa giúp mọi người chúng ta biết noi gương Mẹ, chấp nhận hy sinh để luôn thưa xin vâng trong những điều đẹp ý Chúa. Amen.
2021
TIN NHẬN CHÚA GIÊSU
24Thứ Tư Tuần V Mùa Chay
– Kinh Tiền Tụng thương khó I.
– Các bài đọc Lời Chúa: Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,31-42.
TIN NHẬN CHÚA GIÊSU
Người Do-thái luôn tự hào là con cháu Áp-ra-ham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Áp-ra-ham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sa-ra, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Áp-ra-ham theo huyết thống, còn những việc Áp-ra-ham đã làm thì họ không làm. Áp-ra-ham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Áp-ra-ham đích thực.
Tin Mừng hôm nay tiếp tục cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Do Thái. Nhưng là những lời Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin Ngài, có nghĩa không phải nói với toàn thể dân chúng. Người Do Thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Rôma thế mà lòng kiêu hãnh dân tộc của họ vẫn không chấp nhận bị nô lệ: “Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ” (Ga 8, 33).
Ở đây, Chúa Giêsu nhắc họ về một tình trạng nô lệ nguy hiểm hơn nhiều: nô lệ cho nết xấu, cho tội lỗi; nguy hiểm hơn vì: nó khó nhận biết, đang bị nó trói buộc mà vẫn tưởng mình tự do; nó là viên thuốc độc bọc đường: người ta phạm tội mà vẫn cảm thấy vui khoái, an nhiên tự tại.
Chúa Giêsu khẳng định: Ai muốn làm môn đệ của Chúa, thì phải ở lại trong lời của Ngài. Thật vậy, người môn đệ phải sống theo Thầy, nên giống Thầy, và cùng với Thầy thi hành sứ vụ. Nhưng chúng ta là những con người thường sống theo tự nhiên, chiều theo những cám dỗ của ma quỷ, thế gian, xác thịt đi ngược với đường lối của Thiên Chúa, làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt, làm nô lệ cho tội, vì Chúa Giêsu đã nói: “ Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”.
Bởi vậy chúng ta cần ở lại trong lời của Chúa, nghe và thi hành lời Chúa: chính việc ở lại trong lời của Chúa, chúng ta mới thông hiểu sự thật là các chân lý của Chúa, các chân lý này là ánh sáng dẫn dắt chúng ta sống đúng với phẩm giá con cái Thiên Chúa, con cái của sự tự do.
Sống đúng với phẩm chất là môn đệ của Chúa Giêsu, vì được nên giống Chúa Giêsu, là con chí ái của Chúa Cha, luôn nói và làm như Chúa Cha đã nói, đã làm. Lời Chúa còn là sức sống nuôi dưỡng sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn ta, là sức mạnh giúp ta chiến đấu với ba thù để không bao giờ làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt hay làm nô lệ cho tội nữa, nhưng được tự do sống theo ý Chúa. Khác với nhóm Biệt phái, họ xưng mình là con cái Abraham nhưng họ đã làm những việc Ông Abraham không làm, đó là tìm cách giết Chúa Giêsu. Họ tự hào họ chỉ có một Cha là Thiên Chúa, nhưng họ lại sống phản nghịch với Ngài, như Chúa Giêsu nói: “giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến Tôi, vì Tôi phát xuất từ Thiên Chúa”.
Trong thực tế họ không tin nhận Chúa Giêsu, nên họ không phải là con cái Thiên Chúa. Chúng ta nhận thức mình là con cái Thiên Chúa là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải sống đúng phẩm chất, đúng danh nghĩa ấy, nếu không chúng ta chỉ mang danh mà không sống thực. Chúng ta phải sám hối tội lỗi để trở về với phẩm giá là con cái Thiên Chúa, con cái của sự tự do, là phải biết tin nhận Chúa Giêsu, biết lắng nghe và sống lời Ngài, không phạm tội nữa, vì phạm tội là từ chối Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.
Những người Do Thái tự phụ này không thể nào thăng tiến trên con đường đức tin. Bởi vì họ chỉ mượn danh nghĩa con cái Thiên Chúa, bà con của Abraham để hưởng lợi mà thôi. Họ cho mình là người trong nhà, nhưng thực ra họ là những người con xa lạ, người con hoang theo như từ ngữ của đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Người Do-thái luôn tự hào là con cháu Áp-ra-ham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Áp-ra-ham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sa-ra, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Áp-ra-ham theo huyết thống, còn những việc Áp-ra-ham đã làm thì họ không làm. Áp-ra-ham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Áp-ra-ham đích thực.
Chúa Giêsu chờ đợi những người Do Thái mới tin Chúa, như đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Hãy noi gương của Thiên Chúa và của Abraham mà phát triển mối tương quan đức tin với Ngài: “Nếu các ngươi là con cái của Thiên Chúa Cha, thì chắc chắn các ngươi sẽ yêu mến Ta. Nếu các ngươi là con cái của Abraham thì các ngươi hãy thi hành công việc của Abraham mà tin lời Ta”.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng đến với những người chống đối tôn giáo chúng ta, sẵn sàng đối thoại với họ, để trình bày cho họ biết Thiên Chúa và Chân Lý của Ngài, không sợ thất bại nhưng hi vọng giúp ích cho nhiều người khác. Chúng ta cần thông cảm với người tội lỗi, cần nhẫn nại với người khô khan nguội lạnh và cầu nguyện cho họ. Chúng ta sẵn sàng giúp đỡ cho những người yếu đuối, nhờ đó chúng ta mới lôi kéo được nhiều người trở về làm con Thiên Chúa, làm môn đệ của Chúa Giêsu, là biết lắng nghe và sống lời Chúa dạy.
Lôi kéo nhiều người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, không còn làm tôi ma quỷ, thế gian, xác thịt mà sống đạo tốt hơn cho xứng đáng với ơn rửa tội họ đã lãnh nhận, đã được cứu chuộc nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu. Chúng ta luôn biết cầu nguyện cho mình và mọi anh em của chúng ta, để mọi người được trở về với Chúa trong mùa chay, sống đúng với danh nghĩa là Kitô hữu của mình, và trung thành sống theo lời Chúa, mãi mãi là môn đệ Chúa Giêsu.
2021
THẬP GIÁ NỞ HOA
23Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
– Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-giô, Giám mục.
– Kinh Tiền Tụng thương khó I.
– Các bài đọc Lời Chúa: Ds 21,4-9; Ga 8,21-30.
THẬP GIÁ NỞ HOA
Chúa Giê-su đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Chúa Giê-su nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Đức Giê-su mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Như vậy, khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại để xác định một điều: “Tôi hằng hữu” và “Nếu các ông không tin tôi các ông sẽ chết trong tội lỗi các ông.” “Đấng hằng hữu” hay “Ta có” là danh xưng của Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel qua ông Mô-sê (Xh 3,14). Các kinh sư và Pha-ri-sêu đều biết rõ điều đó. Đồng thời qua kinh nghiệm lịch sử dân tộc, các ông cũng biết “Thiên Chúa là Đấng giải phóng” (Xh 3, 1 – 20). Người giải phóng con người (đặc biệt là Israel) khỏi ách nô lệ, cũng đồng nghĩa với việc người giải phóng họ khỏi tội lỗi – Bởi vì chính tội lỗi đã làm cho họ trở thành nô lệ.
Vì vậy, khi Chúa Giêsu khẳng định Người là “Đấng hằng hữu”, và ‘nếu ai không tin Người sẽ chết trong tội’ thì Người đã khẳng định chính Người là Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho người Do-thái, đặc biệt là các kinh sư và Pha-ri-sêu rất tức tối. Đó cũng là lý do mà họ đã lên án Chúa Giêsu lộng ngôn phạm thượng và tìm cách giết người. Sự bảo thủ, cố chấp, óc thiên kiến, tự tôn và lòng vị kỷ đã làm cho họ không thể nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Messia – là Thiên Chúa, Đấng cứu độ.
Tin vào Chúa Giêsu là hoàn toàn tín thác, cậy dựa và làm theo lời Ngài. Như vậy tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để vác Thập giá theo Chúa. “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ như Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ với những hào lũy vững chắc; từ bỏ mẹ cha, anh em, những người thân thuộc với tất cả những gì là bảo đảm cho cuộc sống an toàn cố định của ông để dấn thân vào cuộc một cuộc phiêu lưu theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Thậm chí ông còn sẵn sàng dâng hiến bảo vật thiêng liêng cao quí của lòng ông là đứa con trai duy nhất trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng trung tín. Và ông đã trở thành ‘người cha đông con’, thành tổ phụ của dòng dõi những kẻ tin.
Ngày hôm nay, người Ki-tô hữu bước theo Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường hành trình đức tin, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì chúng ta tin vào chân lý Người dạy : “Hạt lúa rơi xuống đất có chấp nhận bị mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24); Tin vào lời hứa của Người: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10, 29 – 30)”
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi một lựa chọn là một sự từ bỏ: từ bỏ cái xấu để chọn cái tốt, từ bỏ cái tốt để chọn cái tốt hơn; và mỗi một từ bỏ là một hy sinh. Hy sinh là chấp nhận mất mát, thiệt thòi. Có những hy sinh chỉ là vật chất bên ngoài như thời giờ, của cải, sức khỏe… nhưng cũng có những hy sinh đòi ta hy hiến cả cõi lòng mình, khiến cho ta đau đớn, vì đó là ‘đứa con yêu quí’ của lòng ta. Có những hy sinh vì cá nhân, có những hy sinh vì gia đình, vì tập thể… nhưng nói chung, hy sinh nào cũng mang đến sự phong nhiêu cho nhân loại. Người Ki-tô hữu đi trong cuộc hành trình đức tin là chấp nhận sống hy sinh từ bỏ; như Đức Ki-tô đã hiến mạng sống mình để đưa nhân loại về với Thiên Chúa, cùng đích của tình yêu và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Chúa Giêsu, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Ki-tô hữu.
Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài. Chúng ta không tuyên bố, đả kích Chúa Giêsu, nhưng cuộc sống của chúng ta đi ngược lại những điều Ngài dạy. Mùa chay, mùa chúng ta duyệt xét lại lòng mình để làm một cuộc sám hối tận căn. Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Chúa Giêsu vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Chúa Giêsu, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta.