2021
ĐỪNG GIẢ HÌNH
ĐỪNG GIẢ HÌNH
Với cái nhìn của Chúa Giêsu, các luật sĩ và những người Pha-ri-sêu là những người chỉ sống theo vẻ bề ngoài: bề ngoài trên môi miệng, bề ngoài với việc làm, và bề ngoài trong tương quan với người khác. Ngang qua việc vạch rõ lối sống cụ thể của một nhóm người, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình, để nhận ra rằng, sống theo vẻ bề ngoài ở trong mọi lãnh vực, ở mọi nơi và ở mọi cấp độ, là một căn bệnh phổ biến và nan y của mọi người, trong đó có chính bản thân chúng ta.
Chúa Giêsu rất “nhạy cảm” với căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài và đã nhiều lần nhắc nhở các môn đệ; và hôm nay trong bài Tin Mừng, Ngài lại tiếp tục cảnh báo “các môn đệ” và cả đám đông nữa về căn bệnh này ngang qua những con người cụ thể là luật sĩ và Pha-ri-sêu.
Thay vì phô trương, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Không phải để thi thố sự khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo. Trong những lời chúng ta vừa trích dẫn, Chúa Giêsu dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha: Cha của anh hiện diện nơi kín đáo; Cha của anh thấy trong kín đáo. Như thế, Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình.
Và chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi Thập Giá của Chúa Giêsu. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm ngắm, mới có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động.
Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh vẻ bề ngoài của loài người chúng ta bằng lời nói, nhưng bằng chính cách sống nữa; như Ngài nói về mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng sự sống của mình”. Và phương thuốc tận cùng của Ngài là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Ngài không còn là gì nữa: thân xác, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó Căn Tính đích thật của Ngài lại rạng ngời nhất. Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì sẽ được chữa lành (Ds 21, 4-9; Ga 3, 14-15).
Ta thấy, Lời Chúa Giêsu không phải chỉ lên án những thái độ, hành động, cử chỉ, tâm tính của người Pha-ri-sêu, mà còn là “Lời Hằng Sống” , bởi vì Lời Chúa không bị giới hạn theo không gian và thời gian, mà là Lời Chân Lý.
Tâm tính “pharisieu” không chỉ ở những người Biệt Phái, mà là ở con người nhân thế mọi thời đại. Kể cả người nghèo và người giàu, người lao động bình dân hay tri thức. Trong cá tính con người đều có tính “Biệt phái”, dù là Quốc Gia nào, dân tộc nào, chúng ta đừng tường chỉ có dân tộc Do Thái. Ngay cả người Kitô Hữu ngày nay vẫn có “tâm tính Pha-ri-sêu”.
Ta thấy rằng căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Ví vậy, người bước theo Đức Kitô- Giêsu là người phải tự hạ, nghĩa là “loai bỏ” tâm tính Pha-ri-sêu”ra khỏi tính cánh của chúng ta. Như thế, chúng ta mời bước theo Đức Kitô trên mọi nẻo đường đời.
Phần thứ hai : Khiêm tốn tự hạ Thánh Martin de Poress, là vị thánh khiêm nhường, bởi vì câu Lời Chúa (Mt 23, 12) là câu Lời Cháu, mà thánh nhân đã sống triệt để. “Ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống “.
Thánh Vịnh 130 là đoạn Thánh Vịnh ngắn nhất, nhưng nói về sự khiêm nhường cách đầy đủ nhất.
Vâng, tất cả mọi hình thức đều qua đi, nghĩa là đều giả trá, chỉ duy có một mình Thiên Chúa mới tựa “núi đá” vững bền cho chúng ta tựa nương.
Tin Mừng hôm nay, (Mt 23, 1 -12) Chúa Giêsu cho chúng ta chân lý đó.
Theo đó, Lời Chúa hôm nay có thể có hai ý chính:
Thứ nhất : Chúa Giêsu lên án những người biệt phái Pha-ri-sêu (câu 2 – 7)
Thứ hai : Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng theo cách giả hình của họ. ( câu 8 -12)
Chúng ta thấy, phần thứ nhất và phần thứ hai “tương phản” nhau rõ rệt, phần thứ nhất, Chúa Giêsu chỉ rõ những hành vi “tự đắc” của những “ráp-bi” Do Thái, họ thích khoe khoang, và mang tính cao ngạo, đức tính nầy hình như không chỉ riêng những” ráp -bi” Do Thái, mà dường như là nhân tính phàm nhân khi hấp thụ một “dạo đức” xã hội. Từ đó, chúng ta thấy con người nhân thế khi có của, có tiền, có địa vị xã hội, hoặc học thức thường xem thường đồng loại của mình.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu.
2021
YÊU THƯƠNG DẬP TAN HẬN THÙ
27/2 Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
St 26:16-19; Tv 119:1-2,4-5,7-8; Mt 5:43-48
YÊU THƯƠNG DẬP TAN HẬN THÙ
Đọc Tin Mừng, ta thấy những giá trị đích thực trong giáo huấn yêu thương và công bằng của Chúa Giêsu:
Thời Cựu ước, luật yêu thương được hiểu là không hại người anh em, phải yêu thương đồng loại “ngươi không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (LV 19, 18).
Và ta thấy trong sách Huấn Ca, tác giả cũng nhắc nhở dân rằng không được oán hờn, giận dữ anh em mình, vì nến ghét đồng loại. Nhìn chung, trong Cựu ước luật yêu thương là yêu thương những người đồng bào –nghĩa là những người Do Thái. Còn những người khác là ngoại bang, là kẻ thù, không được thương và cũng không được giúp đỡ; phải tránh xa (Đnl 20, 13-17; 23, 4-5; 25, 17-19). Luật công bằng cũng hiểu là: “mắt đền mắt, răng đền răng”.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Chúa Giêsu rất thông hiểu về luật lệ Do Thái, có lẽ chính vì hiểu rất rõ những điều còn thiếu sót trong luật lệ Do Thái, nên Chúa Giêsu đã kiện toàn và làm trọn vẹn Luật Yêu Thương một cách độc đáo và triệt để. Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: ‘Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con’” (Mt 5,43-44). Thánh Phaolô cũng tiếp lời giáo huấn của Chúa Giêsu khi nói: “Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ… Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát hãy cho nó uống. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12:14, 20-21).
Và ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải khước từ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù nữa, bởi vì: “Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Ngài mời gọi các môn đệ hãy tha thứ vô điều kiện: “Không phải chỉ tha 7 lần nhưng là 70 lần 7”.
Giáo luật yêu thương của Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”. Luật yêu thương của Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù.
Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan và tránh được vòng luẩn quẩn của bạo động và chiến tranh. Chọn lựa con đường bất bạo động không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay là chọn lựa của kẻ yếu thế, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý; chọn lựa con đường bất bạo động, và không trả thù là sự am hiểu thấu đáo và lòng tin tưởng rất lớn nơi khả năng yêu thương và được yêu thương tận đáy thâm sâu của mỗi con người; chọn lựa con đường yêu thương hòa bình đòi hỏi sự kiên nhẫn, chấp nhận chịu thua thiệt, bị đàn ác…nhưng có thể mở ra một chuyển đổi mới cho một trật tự mới.
Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đó là một chân lý! Đức Khổng Tử cũng đã dạy học trò: “Dĩ đức báo oán”, nghĩa là phải làm điều tốt để đáp lại điều xấu của kẻ thù của mình. Đức Phật Thích Ca suốt đời tìm cách giải thoát con người khỏi đau khổ, cũng dạy các đệ tử như sau: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”.
Và Thánh Gandhi của dân tộc Ấn độ, đã nêu ra học thuyết “bất bạo động” làm phương thế đấu tranh và đã giải phóng được nước Ấn thoát khỏi ách khỏi ách thống trị của thực dân Anh, cũng nói như sau: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ cho nhau”. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác.”
Học biết yêu thương, tha thứ và hơn nữa là cầu nguyện cho kẻ thù là điều chắc chắn không đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được. Chúa Giêsu đã làm điều đó và cũng nhiều môn đệ của Chúa Giêsu đã noi theo. Xin Chúa cho mỗi người chúng con mỗi ngày biết học nơi Chúa giáo luật biết yêu thương và cầu nguyện cho người khác-ngay cả những người xem ra đối kháng, chống đối và thậm chí bách hại chúng con.
2021
CHÍNH KHI THỨ THA LÀ KHI …
26/2 Thứ Sáu trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Ed 18:21-28; Tv 130:1-2,3-4,4-6,7-8; Mt 5:20-26
CHÍNH KHI THỨ THA LÀ KHI …
Trong xã hội, công lý và luật pháp buộc tội khi một người nào đó phạm tội bằng hành vi cụ thể. Giết người, dù ở thời nào và ở đâu đều là tội nặng.
Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay còn vượt trên công lý và luật pháp nữa. Nói khác, luật Chúa thì đi xa hơn, vì Chúa ngăn chặn ngay từ nguyên nhân, nguồn gốc đưa đến sự phạm tội.
Chính vì lẽ đó, “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục” (Mt 5,22).
Và nnhư vậy, để khỏi bị Thiên Chúa luận phạt, chúng ta phải có lòng quảng đại tha thứ. Tha thứ là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5,23-24)
Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.
Người môn đệ được Chúa mời gọi phải sống công chính hơn những người biệt phái. Người biệt phái giữ luật rất chu đáo và tỉ mỉ và không bỏ sót một điều luật nào trong các khoản luật đã được đề ra, nhưng đáng tiếc là họ giữ luật một cách máy móc và hình thức, giữ luật chỉ vì luật mà không đi vào chiều kích nội tâm. Chúa Giêsu biết rõ cách sống và giữ luật của họ.
Chính vì thế, Ngài căn dặn các môn đệ của Ngài giữ các lề luật với tâm tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác như chính mình. Luật yêu thương mà Chúa Giêsu truyền dạy cần thực hiện cách cụ thể là sống hòa thuận và biết tha thứ: “Vậy, nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh em, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23 – 24). Lễ vật cao quý và đẹp lòng Thiên Chúa nhất, đó là cuộc sống đong đầy tình yêu, vì thế để có của lễ đẹp lòng Thiên Chúa thì chúng ta phải sống chan hòa tình yêu thương với anh em mình, yêu thương phải phát xuất từ chính trong tâm của mình, không hời hợt bên ngoài, hay ở đầu môi chót lưỡi.
Trong cuộc sống của mỗi người, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình, không thiếu những lúc chúng ta sống khó hòa hợp với người khác, nhưng Chúa dạy chúng ta phải đi bước trước đến với tha nhân, đi bước trước đến với người nói hành nói xấu ta, đi bước trước đến với người làm ta đau khổ, với tính xác thịt con người thật là một điều quá khó, nhưng với tình yêu mến Chúa và trong tình mến, người môn đệ sống đức công chính Chúa dạy chúng ta hãy noi gương Chúa, khi ta chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Thánh Gía, khi chung quanh Thánh Gía đông vô kể những người bất bình, những người sỉ nhục Chúa, cả những người đóng đinh và coi thường Chúa : “Ông có phải là Thiên Chúa thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi”, họ đang vui vẻ và hả hê cười nói, vì đã giết được Chúa, thì chính lúc đó Chúa dạy một bài học yêu thương và tha thứ cao tột đỉnh, Chúa ngước mắt lên trời và thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ”. Chính bài học này đã dạy chúng ta tha thứ không phải là nhát đảm mà là anh hùng, tha thứ không phải là thua thiệt mà được gấp ngàn lần.
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5, 21). “Chớ giết người” đó là một điều luật đã có từ thời Cựu ước và đến thời Tân ước Chúa Giêsu đã kiện toàn luật này một cách trọn hảo hơn, không phải chúng ta chỉ lo tránh giết người, mà còn phải sống với mọi người trong bầu khí chan hòa tình yêu thương, và phải tránh không phẫn nộ, không chửi mắng người anh em, và trong tư tưởng không có ác ý hại người, không có ý dèm pha chỉ trích, không loại trừ người anh em khi người anh em có tội. Chúa Giêsu cấm ngay từ trong trứng nước, ngay từ trong tư tưởng của người môn đệ Chúa, phải giữ trọn lề luật với tâm tình yêu thương, thương người như chính bản thân mình.
Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không?
Ta thấy trong thực tế cuộc sống : tha thứ là cách chúng ta hàn gắn lại những vết thương lòng cho mình và cho tha nhân. Tha thứ cũng là cách để bắt đầu lại tương quan tốt đẹp chúng ta với anh chị em mình.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết giữ tâm hồn, môi miệng cẩn trọng để khỏi sa vào tội “giết người không gươm” và nhất là chúng ta biết yêu thương và tha thứ cho nhau, như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta.
2021
CẦU NGUYỆN
25/2
Thứ Năm trong tuần thứ Nhất Mùa Chay
Et 138:1-2,2-3,7-8; Mt 7:7-12
CẦU NGUYỆN
Tin mừng khuyến khích chúng ta hướng về Chúa luôn để cầu nguyện. Đức Kitô đã bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không vô ích vì Thiên Chúa là Cha tốt lành hơn mọi người cha trần gian, Ngài trả lời cho những điều chúng ta xin. Nếu chúng ta kiên tâm, vững chí, bền lòng cầu nguyễn, chúng ta sẽ được đoái thương. Chính Đức Ki-tô đã quả quyết thế.
Tuy nhiên, chúng ta biết không phải mọi thứ luôn luôn được như vậy. Biết bao lần chúng ta xin mà chẳng thấy cho, tìm mà không thấy, gõ cửa mà chẳng mở. Chúng ta biết rõ rất nhiều người với đức tin chân thành mạnh mẽ – và có lẽ đó cũng là trường hợp của chúng ta – trong suốt nhiều năm cầu khẩn Chúa … và chẳng được đoái thương. Họ cầu nguyện cho người thân yêu được khỏi bệnh. Họ cầu nguyện cho người yêu trở về đường ngay nẻo chính . . . và chẳng thấy gì. Có phải họ cầu nguyện vô ích chăng? Có phải Đức Ki-tô đã nói quá khi Người quả quyết: “Hễ ai xin thì nhận được”. Có phải thời đó Người đã hứa mà thời nay Người không thể giữ lời hứa chăng?
Chúng ta biết rõ đây không phải là trường hợp biệt lập, nếu chúng ta khảo sát cẩn thận những lời của Đức Giê-su trong toàn bộ nội dung để soi sáng cho nhau. Lúc đó, người ta có thể tóm tắt những lời dạy của Đức Giê-su vào ba điểm sau:
Trước hết, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng mỗi khi chủng ta hướng về Cha Người, Chúa Cha lắng nghe chúng ta và đáp tời chúng ta. Ngài không làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta. Bản văn thánh Mát-thêu đã nổi bật lên hàng đầu điều chúng ta kêu cầu.
Thứ đến Chúa Giêsu cũng xác nhận Thiên Chúa không luôn luôn phải đáp lời và không cần phải ban cho những gì chúng ta cầu khẩn. Ngài đáp lời bằng ban cho những điều tốt hơn những gì chúng ta khẩn cầu. Ngài luôn luôn biết điều gì tốt hơn cho chúng ta.
Sau cùng, Chúa Giêsu nhấn mạnh cho chúng ta rằng chỉ có một lời cầu nguyện luôn luôn được đoái thương là lời : Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Quên lời cầu nguyện cuối cùng này thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là không tưởng, và người ta cầu nguyện chẳng được gì.
Có những trường hợp chúng ta xin những điều tốt điều hay cho chúng ta mà Chúa vẫn chẳng nhận lời. Chẳng hạn như chúng ta xin cho con được trúng sổ số để con lấy tiền giúp cho những người nghèo khổ, để con giúp cho việc xây dựng nhà thờ này, nhà thờ kia. Phải, dưới cái nhìn của chúng ta thì việc chúng ta xin thật là tốt. Thế nhưng dưới cái nhìn của Chúa thì lại khác. Có thể là Chúa đã thấy trước được rằng, nếu chúng ta được trúng số, có thể chúng ta không giữ lời hứa, hay có thể Chúa thấy rằng, nếu chúng ta có làm những công việc kia, khi chúng ta có tiền, thì chúng ta lại sinh ra kiêu căng, khoe khoang…vv. Chính vì thế mà Chúa đã không cho chúng ta trúng số.
Như vậy, muốn cho lời hứa kia của Chúa được thực hiện, thì điều chúng ta xin phải là điều hợp với ý của Chúa. Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa để mà xin? Muốn biết được ý Chúa, cách tốt nhất đó là chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn chúng ta.
Hơn ai hết, Chúa Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài biết rất rõ ý muốn của Thiên Chúa. Vậy khi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn những lời cầu xin của chúng ta thì những lời cầu xin của chúng ta rất trúng ý của Thiên Chúa. Và nếu đã trúng ý của Thiên Chúa, chắc chắn là chúng ta sẽ được Chúa nhận lời.
Chúng ta cần phải lưu ý trong việc cầu xin, để được Chúa nhận lời là, Chúa chúng ta là người Cha rất nhân từ và yêu thương chúng ta vô cùng. Bởi đó, khi ban ơn cho chúng ta thì bao giờ Ngài cũng ban những ơn lợi nhất, tốt nhất cho chúng ta, theo sự hiểu biết khôn ngoan vô cùng của Ngài. Do đó, những điều chúng ta xin mà không được Chúa nhận lời, thì chỉ vì đó là những điều không tốt, không lợi cho chúng ta, theo cái nhìn của Chúa.
Thiên Chúa không bao giờ sai lầm, Thiên Chúa thông minh vô cùng. Trong gia đình chúng ta chi cho con cái những gì tốt đúng và có lợi, dù lúc ấy con cái chưa biết và chưa hiểu ý của người cha mình. Nhưng mai sau này lớn khôn chúng mới thấy tình thương kia hải hà bao la.
Ta nghĩ đến một em bé thích chơi bò cạp là điều cha mẹ không thể cho phép mà còn bị cấm, bị phạt nữa. lúc ấy chúng không hiểu và còn than phiền chúng ta không tốt, hay không hợp thời với tuổi nhỏ, hay không chịu chơi… Nhưng mà sau khi hiểu ra chúng mới thấy cha mẹ tốt và biết ơn.
Vậy thì Thiên Chúa Cha ở trên trời lại không biết dành phần tốt nhất cho con cái mình ư ? (c.11). Vật tốt của tốt là điều Chúa ban cho chúng ta. Chúa không cho điều gì xấu cả. Bất cứ điều gì chúng ta đang có trong ý Thiên Chúa là tốt. Còn nếu chúng ta cho là không tốt thì đó là do ý kiến “trẻ con” của chúng ta mà thôi. Hồi còn bé cứ bị cha mẹ bắt đi ngủ sớm… chúng ta coi đó là một cực hình. Nhưng nay có sức khỏe.
Hãy an tâm đừng trách móc Chúa nữa, Chúa sẽ chọn phần tốt nhất cho ta, những gì có lợi cho ơn cứu rỗi cuối cùng của chúng ta. Hãy cúi đầu thờ lạy ý định ngàn đời của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong đời chúng ta.
Mỗi người chúng ta hãy cầu xin với Chúa Thánh Thần, để xin Ngài đến với chúng ta, hầu soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong việc cầu xin. Như thế, chắc chắn lời cầu xin của chúng ta bao giờ cũng được Chúa nhận lời, đúng như lời Ngài đã hứa : “Ai xin thì sẽ được”
Và để cho Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, điều chúng ta cần phải làm và có thể làm ngay giờ này, đó là đẹp bỏ những cản trở cho việc Ngài đến. Mà cản trở đầu tiên đó là tội lỗi. Chúng ta hãy dẹp bỏ những cản trở đó đi bằng lòng thống hối ăn năn của chúng ta.