THẬP GIÁ NỞ HOA
23Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
– Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-giô, Giám mục.
– Kinh Tiền Tụng thương khó I.
– Các bài đọc Lời Chúa: Ds 21,4-9; Ga 8,21-30.
THẬP GIÁ NỞ HOA
Chúa Giê-su đã tự mạc khải Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Con rắn bằng đồng được Mô-sê giương cao lên trong sa mạc là dấu hiệu chữa lành cho những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Chúa Giê-su nhận hình ảnh đó ứng nghiệm vào mình để nói lên rằng Ngài nhất thiết phải chịu tử nạn mới thi triển được hết mức quyền năng cứu độ của Thiên Chúa và mới có thể triệt tận căn nọc độc của tội lỗi. Nếu như chỉ trên cây thập giá Đức Giê-su mới tỏ mình ra là Con Thiên Chúa, thì cũng chỉ khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người mới được ơn cứu độ.
Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Như vậy, khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại để xác định một điều: “Tôi hằng hữu” và “Nếu các ông không tin tôi các ông sẽ chết trong tội lỗi các ông.” “Đấng hằng hữu” hay “Ta có” là danh xưng của Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel qua ông Mô-sê (Xh 3,14). Các kinh sư và Pha-ri-sêu đều biết rõ điều đó. Đồng thời qua kinh nghiệm lịch sử dân tộc, các ông cũng biết “Thiên Chúa là Đấng giải phóng” (Xh 3, 1 – 20). Người giải phóng con người (đặc biệt là Israel) khỏi ách nô lệ, cũng đồng nghĩa với việc người giải phóng họ khỏi tội lỗi – Bởi vì chính tội lỗi đã làm cho họ trở thành nô lệ.
Vì vậy, khi Chúa Giêsu khẳng định Người là “Đấng hằng hữu”, và ‘nếu ai không tin Người sẽ chết trong tội’ thì Người đã khẳng định chính Người là Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho người Do-thái, đặc biệt là các kinh sư và Pha-ri-sêu rất tức tối. Đó cũng là lý do mà họ đã lên án Chúa Giêsu lộng ngôn phạm thượng và tìm cách giết người. Sự bảo thủ, cố chấp, óc thiên kiến, tự tôn và lòng vị kỷ đã làm cho họ không thể nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Messia – là Thiên Chúa, Đấng cứu độ.
Tin vào Chúa Giêsu là hoàn toàn tín thác, cậy dựa và làm theo lời Ngài. Như vậy tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để vác Thập giá theo Chúa. “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ như Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ với những hào lũy vững chắc; từ bỏ mẹ cha, anh em, những người thân thuộc với tất cả những gì là bảo đảm cho cuộc sống an toàn cố định của ông để dấn thân vào cuộc một cuộc phiêu lưu theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Thậm chí ông còn sẵn sàng dâng hiến bảo vật thiêng liêng cao quí của lòng ông là đứa con trai duy nhất trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng trung tín. Và ông đã trở thành ‘người cha đông con’, thành tổ phụ của dòng dõi những kẻ tin.
Ngày hôm nay, người Ki-tô hữu bước theo Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường hành trình đức tin, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì chúng ta tin vào chân lý Người dạy : “Hạt lúa rơi xuống đất có chấp nhận bị mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24); Tin vào lời hứa của Người: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10, 29 – 30)”
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi một lựa chọn là một sự từ bỏ: từ bỏ cái xấu để chọn cái tốt, từ bỏ cái tốt để chọn cái tốt hơn; và mỗi một từ bỏ là một hy sinh. Hy sinh là chấp nhận mất mát, thiệt thòi. Có những hy sinh chỉ là vật chất bên ngoài như thời giờ, của cải, sức khỏe… nhưng cũng có những hy sinh đòi ta hy hiến cả cõi lòng mình, khiến cho ta đau đớn, vì đó là ‘đứa con yêu quí’ của lòng ta. Có những hy sinh vì cá nhân, có những hy sinh vì gia đình, vì tập thể… nhưng nói chung, hy sinh nào cũng mang đến sự phong nhiêu cho nhân loại. Người Ki-tô hữu đi trong cuộc hành trình đức tin là chấp nhận sống hy sinh từ bỏ; như Đức Ki-tô đã hiến mạng sống mình để đưa nhân loại về với Thiên Chúa, cùng đích của tình yêu và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Chúa Giêsu, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Ki-tô hữu.
Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài. Chúng ta không tuyên bố, đả kích Chúa Giêsu, nhưng cuộc sống của chúng ta đi ngược lại những điều Ngài dạy. Mùa chay, mùa chúng ta duyệt xét lại lòng mình để làm một cuộc sám hối tận căn. Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Chúa Giêsu vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Chúa Giêsu, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta.