2021
Ðề phòng thái độ giả hình
21 14 Tr Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên.
Thánh Piô X, Giáo hoàng, lễ nhớ.
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, Linh mục (U1838), Tử đạo.
R 2,1-3.8-11;4,13-17; Mt 23,1-12.
Ðề phòng thái độ giả hình
Giáo hoàng Piô X tên là Giuseppe Sarto, sinh tại làng Riese, miền Venice nước Ý.
Piô X là một người rất thông minh, cần mẫn và sáng trí. Ngài xuất thân từ một gia đình bình dân sinh sống tại Venexia nước Ý và là con trai thứ hai trong gia đình gồm mười anh chị em.
Thân phụ ngài là một nông dân nghèo và đồng thời kiêm thêm nghề đưa thư, và mẹ ngài là một thợ may quần áo nữ.
Ngay khi còn nhỏ, cũng giống như cha mẹ, ngài rất đạo đức và luôn ước ao được làm Linh Mục. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình quá eo hẹp thiếu thốn, ước muốn thánh thiện đó hầu như chỉ là một giấc mơ bất thành mà thôi.
Khi được mười một tuổi, Beppo – cái tên cúng cơm người ta thường dùng để gọi ngài – hằng ngày phải đi bộ bảy cây số đến học tại trường La-tinh ở Castelfranco để kết thúc được chương trình trung học phổ thông và để theo học triết và thần học, mãi cho tới khi ngài được nhận vào Chủng Viện ở Padua. Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858. Ngài được bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ Tomholo.
Sau đó, linh mục Sarto được đề cử làm linh mục quản xứ nhà thờ chính tòa, tổng đại diện và làm giáo sư tại Đại Chủng Viện Treviso. Ngài làm kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Treviso năm 1875.
Sau 5 năm liền làm cha tổng đại diện ở Treviso, Giáo hoàng Lêô XIII đã chọn và tấn phong linh mục Sarto làm Giám mục Mantua vào năm 1884. Giám mục Sarto điều khiển giáo phận Mantua mãi cho tới năm 1893.
Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, ngày 15 tháng 6 năm 1893, ngài được phong làm Hồng Y Giáo Chủ Venice. Triều đình Ý trước tiên đã từ chối chuẩn nhiệm (exequatur) ngài với lý do là việc bổ nhiệm ngài là việc của triều đình Áo–Hung. Đức Cha Sarto phải đợi đến 18 tháng sau mới nhận được giáo phận mới của mình.
Trong cơ mật viện được mở ra ngày 1 tháng 8 năm 1903, Hồng y Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Piô X.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hoàng Piô X là một trong những Giáo hoàng vĩ đại đã canh tân Giáo Hội nhiều nhất, đúng với khẩu hiệu của ngài đã chọn khi lên ngôi Giáo hoàng: “Đổi mới tất cả trong Đức Kitô”.
Ngay từ đầu, Giáo hoàng Piô X đã quan tâm một cách đặc biệt đến chương trình mục vụ trong Giáo Hội. Ngài tìm cách quân bình giữa thế giới tân tiến và truyền thống Kitô giáo. Nhưng trước hết, ngài chăm lo đến việc canh tân nội bộ Giáo Hội, đúng với khẩu hiệu của ngài: “Đổi mới tất cả trong Đức Kitô”.
Thật khó có thể kể ra đây hết những việc Đức Pio X đã làm trong cuộc đời của Ngài. Tuy nhiên sau khi đọc lại cuộc đời của Ngài người ta không thể không lưu ý đến những bài học thật sống động làm cho mọi người phải để tâm suy nghĩ:
Trước hết ngài được sống trong một gia đình đạo đức và chính ngài cũng rất yêu quí gia đình của mình. Chính gia đình này đã làm nên một người con thánh thiện cho Giáo Hội.
Đức Piô X là người luôn để lòng chăm lo cho đời sống Giáo Hội đặc biệt là các linh mục. Theo ngài, trước hết các Linh Mục phải lo sống thế nào để có được Chúa Giêsu trong chính mình, nếu họ muốn mang Chúa đến cho những kẻ khác.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu.
Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Ngôn hành bất nhất, hữu danh vô thực, đạo đức giả hình, thật-giả trong xã hội hiện nay đang là một vấn nạn khẩn thiết và rất đáng lo ngại cho xã hội và cũng như cuộc sống của giáo hội. Những biểu hiện của những vấn nạn trên là dùng những lời hay ho, hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài để che đậy những gì không tốt, không đúng với bản chất nó là.
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả…Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào…”
Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.
2021
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
20 13 Tr Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên.
Thánh Bê-na-đô, viện phụ, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
R 1,1.3-6.14b-16.22; Mt 22,34-40.
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Với ơn Chúa người ta có thể làm được mọi sự miễn là con người biết cộng tác hữu hiệu với ơn Chúa. Thực vậy ơn Chúa đã hướng dẫn Bênađô tìm kiếm những giá trị cao siêu nhất, đã hun đúc Ngài thành một tu sĩ chiêm niệm thời danh và thành một chiến sĩ nhiệt thành hoạt động cho Giáo hội.Bênađô sinh ra trong một lâu đài tại Fontaine-les-Dijon năm 1090. Nhờ sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu và gia giáo. Bênađô sau này đã trở thành người bạn bặt thiệp biết xử sự khôn ngoan với mọi người. Trong số 7 anh em, Bênađô là thứ ba ; cậu được gia đình chiều đãi hơn cả vì có tư cách nết na và đạo hạnh hơn các anh em. Đàng khác Bênadô còn được bà thân mẫu A-let quý mến cách riêng vì một câu chuyện chiêm bao có liên quan tới con bà. Câu chuyện mộng mị đó như sau:
Một tối kia bà Alét mơ thấy trẻ Bênadô đang nô đùa, bỗng hoá thành một con chó cất tiếng sủa vang. Bà đem hiện tượng chiêm bao đó kể lại cho mọi người nghe và ai nấy đều nghĩ đó là điềm báo sau này sẽ trở thành một nhà giảng thuyết đại tài.
Tới tuổi khôn, Bênadô được cha mẹ cho theo học tại trường các thầy kinh sĩ ở Chatillon-sur-Seine. Nhờ sự rèn cặp của các thầy, Bênadô đã dần dần bỏ được tính rụt rè và câu nệ thái quá. Tính nhút nhát đó đã khiến cậu rất sợ hãi khi phải ra trước công chúng; vì thế mà có lần Bênadô đã phải bực mình kêu lên: “Thà rằng tôi chết đi còn hơn nói trước công chúng hay đến trước mặt một người ngoại quốc”. Năm 16 tuổi, giữa lúc cuộc đời đang lên với nhiều hứa hẹn thì thân mẫu của Bênadô từ trần khiến cậu phải trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần khiến Bênadô càng trở nên thầm lặng và suy tư. Nhưng rồi người ta thấy chàng thiếu niên cương quyết đó chống lại mọi thử thách và quyến rũ của gia đình để vào dòng Xi-tô. Không những thế Bênadô còn lần lượt lôi cuốn được các anh em và cả ông thân sinh cùng nhiều người khác theo gương mình vào dòng.
Người ta kể lại rằng: Ngày kia người em út của Bênadô là Nivard đang chơi đùa với các trẻ em thì người anh cả bảo cậu rằng: “Các anh đi đây và nhường lại cho các em cả gia nghiệp, em có bằng lòng không?” Người em đáp lại: “Em không muốn thế, sao các anh chiếm nước trời còn để đất đai lại cho em”. Ít lâu sau người em cũng vào dòng.
Bênadô từ ngày dấn thân vào đời sống mới, luôn luôn tự hỏi mình: “Hỡi Bênadô, người vào đây để làm gì?”. Để nhắc nhở mình sống đúng với lý tưởng đã chọn, câu hỏi vắn tắt làm như phương châm cho đời sống, đã giúp thầy Bênadô siêng năng làm việc và làm một cách chu đáo. Một hôm các thầy xin Bênadô nghỉ ngơi để cho các thầy khác gặt lúa bởi vì thấy thầy yếu và không quen. Nhưng thầy khóc lóc xin Chúa cho mình có thể gặt lúa với anh em. Năm 1115 thầy được cử làm tu viện trưởng Clairvaua, một chi nhánh của dòng Xi-tô. Đây là một dịp để thầy hy sinh hãm mình nhiều hơn, dù yếu đuối và sức khỏe rất mỏng manh, thánh nhân cũng không chịu thua kém ai trong sự ăn uống kham khổ. Ngài còn mắc chứng đau bụng kinh niên.
Tuy nhiên, Ngài cũng cố gắng theo các buổi phụng vụ như mọi người khác. Chỉ khi nào không chịu nổi cơn đau Ngài mới bỏ cộng đồng.
Nhận thấy tu viện trưởng Bênadô là người có đầy nhân đức và uy tín nên Đức Giám mục Guillaume de Champeaux truyền chức linh mục cho Ngài và ủy đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Tuy thích sống trầm lặng trong tu viện nhưng Ngài đã vâng lời ra đi vui vẻ. Nhờ đức khiêm nhường sâu thẳm, Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Hết nhiệm vụ, Ngài lại trở về nhà dòng phục vụ. Nhờ thánh nhân, nhà dòng thêm số và hợp thời. Trong 38 năm làm bề trên, Ngài lập thêm được 68 tu viện chi nhánh của Cơ-lec-vô. Ngài cũng viết nhiều tác phẩm để bênh vực đức tin, truyền bá lòng yêu mến Chúa và đức bác ái. Từ bé, Ngài vốn có lòng tôn sùng mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người thì bây giờ Ngài cũng năng suy niệm mầu nhiệm ấy. Nhận thấy thánh nhân là người có trí thông minh và tài giảng thuyết cũng như giảng hòa nội bộ. Năm 1145 – Ngài kịch liệt phản đối vua ở miền nam nước Pháp. Lúc còn thanh niên, Ngài rất sợ ra trước công chúng nhưng nhờ ơn Chúa, nay Ngài cảm thấy cương quyết và can đảm nhiều.
Một hôm Ngài tới miền Sens để gặp A-bê-la người mê trí thức và khoa học đời, trước mặt cả cộng đồng giáo sĩ, Ngài phản đối A-bê-la: “Một người công giáo lầm lạc còn nguy hiểm hơn là người theo tà giáo”. Bênadô không phản đối việc trau dồi tri thức nhưng cha nhận đó là phương tiện truyền giáo, Ngài nói: “Người ta không khuất phục tà giáo bằng khí giới nhưng bằng biện luận”. Sau cùng cha Bênadô đã góp phần vào việc tranh đấu bảo vệ mồ thánh Chúa khỏi tay người Hồi giáo. Tuy thành công và danh tiếng nhiều nhưng thánh nhân vẫn khiêm tốn. Đôi khi không làm phép lạ và người ta hỏi thì Ngài chỉ trả lời: trông cậy ở Chúa và Chúa làm còn tôi không có gì đâu.
Sau khi tận tụy và nỗ lực làm việc cho sáng danh Chúa, thánh nhân đã qua đời tại Cơ-lec-vô ngày 20 tháng 8 năm 1153 lúc ba giờ chiều ngày thứ năm, thọ 63 tuổi.
Mười năm sau, các tu viện trưởng họp lập án xin tuyên thánh cho cha Bênadô. Ngày 18 tháng 1 năm 1174, đức Alexangdro III chuẩn phê án. Và năm 1830 Đức Piô VIII tôn phong Ngài lên hàng tiến sĩ Giáo hội.
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu biết hai giới răn quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Người phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40). Lời tuyên bố này giống như lời của một vị tôn sư tối cao, chấm dứt được sự tranh luận lâu nay của các hệ phái Do Thái về điều răn nào trọng nhất trong bộ Luật Mô-sê.
Có ba bậc mến Chúa là mến Chúa hình thức, mến Chúa thông thường và mến Chúa hết lòng như sau:
Mến Chúa hình thức: Một số người chỉ giữ những việc đạo như mười điều răn, đi lễ Chúa Nhật, xưng tội rước lễ… vì sợ bị mắc tội nặng phải sa hỏa ngục. Còn những tội nhẹ như: chửi nhau, tục tĩu, ăn cắp vặt, gian dối, tham lam… thì họ không quan tâm chừa cải. Những người này giống như những đứa trẻ chỉ học hành hay làm các việc nhà vì sợ cha mẹ rầy la trừng phạt, nên dễ dàng đi chơi khi cha mẹ vắng nhà. Đó là những người “chỉ mến Chúa ngoài môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Chúa” mà người Pha-ri-sêu trong Tin mừng hôm nay là bằng chứng.
Mến Chúa thông thường: Một số người khác cố gắng sống đạo nghĩa là giữ các giới răn để sau này được lên thiên đàng. Nhưng vì tình mến Chúa không nhiều, nên đến khi buộc phải hy sinh bản thân thì họ lại làm như các môn đệ trong cuộc khổ nạn của Chúa: Kẻ thì “hèn nhát chối không biết Thầy là ai” (Si-mon Phê-rô); Kẻ thì “bỏ Thầy để chạy thoát thân” (các môn đệ khác); Thậm chí có kẻ còn “liên kết với các đầu mục Do thái để bán nộp Thầy” (Giu-đa Ít-ca-ri-ốt)…
Mến Chúa hết lòng: Chúng ta phải liệu sao để có đức “Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi người và mọi sự khác trên đời. Chúa Giê-su cũng đòi môn đệ phải yêu Thầy hơn yêu cha mẹ và con cái (Mt 10, 37-39), và nếu cần còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu Thầy (x. Ga 15, 13). Tông đồ Gio-an mến Thầy nên đã can đảm bán sát khi Thầy bị xét xử tại dinh Thượng Tế và bị hành hình trên đồi Can-va-ri-ô.
Thánh Phao-lô thể hiện lòng yêu Chúa tột đỉnh khi nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8, 35). Đúng như lời Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chúng ta cần xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta đạt tới lòng mến Chúa hết lòng như vậy.
Yêu người như yêu bản thân mình: Đây là tình yêu nhân bản vị tha của Do thái giáo: Như Tô-bi-a cha đã khuyên Tô-bi-a con: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,16), và “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12).
Ngoài ra còn phải yêu thương hết mọi người, dù là người thân hay người xa lạ, dù là bạn hay thù như lời Chúa dạy: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho. Ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,27-31). Mỗi tín hữu chúng ta cần phải xin Chúa giúp thực tập đức ái theo từng bước như vậy.
2021
TIỆC CƯỚI – ÁO CƯỚI
19 12 X Thứ Năm Tuần XX Thường Niên.
(Tr) Thánh Gio-an Ơ-đơ, Linh mục.
Tl 11,29-39a; Mt 22,1-14.
TIỆC CƯỚI – ÁO CƯỚI
Lễ kỷ niệm thánh Gio-an Ơ-đơ (Jean Eudes) qua đời ở Caen, miền Normandie ngày 19 tháng 8 năm 1680, được phong thánh năm 1925, nhắc chúng ta nhớ lại một thời kỳ đậm nét giáo phái Jansénisme.
Sinh tại Ri, gần Argentan vùng Normandie năm 1601, Jean Eudes là anh cả trong bảy anh em. Buổi đầu Jean theo học trường các cha dòng tên ở Caen, về sau nhập tu hội Oratoire do Cha Bérulle lập ở Paris.
Thụ phong linh mục năm 1625, cha bắt đầu công tác mục vụ giữa những ngưòi bị dịch hạch trong vùng Argentan, nhiều lần suýt chết. Về sau giữa khoảng năm 1623 đến 1675, cha phụ trách các công tác giáo xứ. Năm 1639, được chỉ định làm bề trên tu hội Oratoire ở Caen, cha vẫn tiếp tục công việc truyền giáo cho giới bình dân, giảng thuyết cho các giáo sỹ miền Normandie và Bretagne.
Năm 1643 cha Jean Eudes thành lập hội dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đặt tên là các linh mục dòng Ơ-đơ (les Pères Eudistes), tại Caen, để điều khiển các chủng viện và đào tạo linh mục. Vậy là cha thành lập đại chủng viện Caen, và sau này thêm các đại chủng viện Lisieux, Coutances, Rouen, Evreux, Rennes. Năm 1642, cha thành công trong việc tổ chức viện nữ tu Đức Bà Bác ái để phục hồi các cô gái lầm lỡ. Trong thế kỷ XIX, từ viện này sẽ phát xuất hội dòng Chúa Chiên lành ở Angers.
Giữa bao bộn bề thánh Ơ-đơ vẫn không ngừng tuyên truyền việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đặc biệt là từ năm 1641. Vì thế, Đức thánh giáo hoàng Piô X đã tuyên bố ngài là “người khởi xướng, là tiến sỹ và là tông đồ của Thánh tâm Chúa Giê-su và Mẹ Maria”. Thánh Jean Eudes (Gioan Ơ-đơ) qua đời tại Caen năm 1680, thọ bảy mươi chín tuổi sau khi từ bỏ chức bề trên tổng quyền hội dòng của người.
Giữa một thời kỳ lòng đạo đức trong Giáo hội bị chế ngự bởi sự ngu dốt của các tín hữu cũng như giáo sỹ và sự mê tín, Chúa đã sai thánh Jean Eudes đến để loan báo “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (lời nguyện trong ngày)
bài đọc trích một đoạn trong cuốn Luận về Thánh tâm diệu kỳ của Chúa Giêsu trong đó giải thích ý nghĩa của lòng sùng kính này như sau: “Thánh tâm không những chỉ để cho bạn, nhưng còn muốn ở trong bạn, sống trong bạn và thống trị trong đó …Người muốn rằng tất cả những gì ở trong Người cũng được sống và thống trị trong bạn; Thần linh của Người trong tinh thần bạn, Tâm hồn Người trong tâm hồn bạn, ngõ hầu các lời chí thánh Người đươc thực hiện cho bạn. Hãy tôn vinh Chúa và mang Người trong mình; ước chi đời sống Chúa Giêsu xuất hiện rõ rệt nơi bạn”
Trong hoàn cảnh tôn giáo thế kỷ XVII, kết quả của phong trào truyền giáo này, thực đáng trân trọng: đã có một sự canh tân đức tin và thực hành đạo đích thực nhớ công cuộc của các chủng viện và tu sỹ các hội dòng mới. Ngày nay thánh Jean Eudes vẫn còn kêu gọi chúng ta: “bởi vì các bí nhiệm của Chúa Giê-su vẫn chưa trọn vẹn hoàn tất … Bởi vì Con Thiên Chúa có ý định đặt một sự tham gia và làm như một sự phát triển và tiếp nối với các bí nhiệm của Người trong ta và trong toàn thể Giáo Hội của Người”
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài.
Chúa Giê-su trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau: Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Sau đó Thiên Chúa đã mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau người ta tối thiểu phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giêsu rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời và còn bị phạt trong hỏa ngục muôn đời.
Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.
Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
2021
CỦA CẢI VÀ SỨC HÚT
17 10 X Thứ Ba Tuần XX Thường Niên.
Tl 6,11-24a; Mt 19,23-30.
CỦA CẢI VÀ SỨC HÚT
Sau câu chuyện người thanh niên buồn rầu bỏ đi, Chúa Giêsu tiếp tục nói chuyện với các môn đệ. Ngài phán: “Người giàu khó mà vào Nước trời”. Câu tuyên bố này làm các môn đệ hết sức bỡ ngỡ nên đã nói: “Vậy thì ai mới có thể được cứu độ ?” Nhưng Chúa Giêsu an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.
Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên lưu ý: người thanh niên giàu có cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh không chịu từ bỏ, nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi sự, nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời.
Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu.
Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc. Thế nhưng, lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.
Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.
Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha.
Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Chúa Giêsu Ki-tô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc – tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.
Cuối bài Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Chúa Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat).
Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29)
Như đã nói: Tiền của có sức hút và mê hoặc con người – ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Đức Giê-su đã nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.
Trong tương quan với cuộc sống, tiền của luôn là phương tiện cho cuộc sống, nhưng nếu để của cải chi phối nó trở nên mục đích và cứu cánh, trở thành chủ chi phối cuộc sống của mình và mình trở thành nô lệ chúng, Chúa Giêsu cảnh báo: “Không được làm tôi hai chủ…” (Mt 6,24; Lc 16,13).
Xin đừng để tiền bạc làm mờ tối tâm hồn chúng con, cho chúng con biết dùng của cải mà mua nước Trời. Chúng con chỉ tùy thuộc vào Chúa…