2020
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta
Thiên Chúa và con người hoàn toàn khác nhau. Đơn giản nhất ta biết được đó là Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và con người là vật được tạo thành. Và rồi ta thấy Lời của Thiên Chúa chắc chắn khác lời của con người. Để chứng minh cho Lời khác nhau này, ta dễ tìm thấy nơi Is 55,9 : Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Đã từ lâu lắm rồi, từ tạo thiên lập địa, sau khi con người đánh mất tình nghĩa với Thiên Chúa thì Thiên Chúa vẫn giữ giao ước tình yêu với con người. Giao Ước Tình Yêu của Thiên Chúa được thực hiện nơi chính người Con chí ái của Cha.
Thiên Chúa đã nói với cha ông tự ngàn xưa về tình yêu của Ngài dành cho con người. Cụ thể nhất tình yêu ấy được diễn tả : nhưng trong ngày sau hết, Thiên Chúa nói với nhân loại qua Người Con.
Thật vậy, Người Con chính là dấu chỉ, là Lời mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Chúa Giêsu đến thế gian cũng chỉ là muốn nói, muốn bày tỏ cho con người rằng Thiên Chúa mãi mãi yêu thế gian và cứu thế gian. Điều quan trọng nhất và cốt lõi nhất đó là con người phải nghe và giữ lời Thiên Chúa.
Và điều này, ta lại thấy, lại khám phá nơi Đức Giêsu cách trọn hảo. Chúa Giêsu khi đến thế gian Ngài cũng làm theo những gì Cha nói chứ Ngài không làm theo ý của Ngài : “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”.
Vâng lời Thiên Chúa phải chăng đó là điều quan trọng nhất của cuộc đời những người tin vào Thiên Chúa. Ai nói mình tin Chúa mà không nghe lời Chúa phải chăng là người nói dối ? Nghiệt một nỗi là con người dễ chiều theo xu hướng nghe lời của người phàm hơn là nghe lời của Thiên Chúa. Đơn giản và dễ hiểu rằng lời Thiên Chúa thì đắng đót, lời Thiên Chúa sắc bén tựa gươm đao và như dao xuyên thấu lòng người.
Các tông đồ ngày xưa, ta nhìn vào cuộc đời của các ngài, ta thấy hơn một lần các ngài vấp ngã. Tông đồ trưởng Phêrô còn vấp ngã vì Thấy huống hồ chi là những con người nhỏ bé như chúng ta.
Ta thấy sau khi tin vào Thầy phục sinh, các tông đồ mạnh mẽ : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv 5, 32).
Để nói lời này trước các quan chức thời đó không phải là điều đơn giản. Nói như vậy đồng nghĩa với chuyện rơi đầu là chẳng chơi. Thế nhưng vì tin vào Đức Kitô Phục Sinh nên các tông đồ đã mạnh dạn nói và sống.
Thật vật, để mạnh dạn nói lời Chúa trước quan quyền, trước công chúng không phải là chuyện đơn giản. Đơn giản nhất là chuyện làm dấu Thánh Giá của người Kitô hữu làm hàng ngày. Có khi quên nhưng có khi lại ngại và có khi lại sợ. Có người không dám nhận mình là Kitô hữu để rồi không dám làm dấu.
Ngày nay, ta thấy xã hội phát triển và rồi trên các trang mạng xã hội, ta thấy nhiều người nói mà không biết họ nói cái gì. Nhiều lần nhiều lúc ta thấy các phát ngôn viên, xướng ngôn viên nói những điều chả đâu ra đâu nhưng người ta lại hùa theo. Người ta thường thích cũng như tò mò những lời của người này người kia nói và hơn nữa là đi chia sẻ, phân phát cho nhiều người.
Mỗi ngày trên các trang mạng, những lời nói chả đâu vào đâu thì người ta thích và người ta chia sẻ cho người khác nhanh như chớp. Trong khi đó, điều cần thiết nhất của người Kitô hữu đó chính là Lời Chúa nhưng rồi người ta không chịu đọc, không nghe và cũng không chia.
Xét về chuyện này cũng không khó hiểu lắm vì lời Chúa thì đắng đót chứ không ngọt ngào như lời của con người. Lời của con người ngày hôm nay ta thấy đủ ngôn từ hoa mỹ và có cánh. Những lời này nghe bùi tai và đầy những ước hẹn. Thế nhưng sau những ngôn từ hoa mỹ của con người ta sẽ nhận được gì ?
Lời của Chúa mãi mãi là Lời Hằng Sống, Lời của Chúa mãi mãi là lương thực nuôi sống đời người Kitô hữu. Ai nào đó hấp thụ Lời của Chúa thì đời của người đó được Lời Chúa sinh hoa kết quả và trước hết là dinh dưỡng cho con người đó. Ngược lại, ai nào đó sống theo lời của con người thì cứ quanh quẩn trong kiếp người.
Chuyện quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu đó chính là lắng nghe để sau khi nghe là sống Lời Chúa. Để nghe được Lời Chúa, con người cần phải lắng đọng trong tâm hồn. Giữa cuộc sống ồn ào và náo nhiệt, người Kitô hữu cần phải có cõi lặng để dừng lại và trầm lắng thì mới nghe được Lời Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta giữa bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời và những ồn ào náo nhiệt luôn biết lắng nghe tiếng Chúa trong mọi khung cảnh của đời sống. Và hơn nữa, ta xin Chúa cho ta biết vâng nghe và sống theo Lời mời gọi của Chúa chứ đừng nghe và sống theo tiếng người đời.
2020
Chạm vào những vết thương
Chạm vào những vết thương – Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa
Đức Giêsu đã bị giết chết, các môn đệ co cụm, sợ hãi trước một tương lai tăm tối. Họ không dám đi đâu, làm gì vì “sợ người Do thái.”
Trong sự bế tắc ấy, Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với họ nói: “Bình an cho anh em.” Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của sự bình an, nhưng với sự hiện ra của Thầy, còn mang những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể, đã làm bùng lên trong lòng họ sự vui mừng, phấn chấn. Nỗi mừng vui trọng đại này được Giáo hội lưu lại trong kinh nguyện Mùa phục sinh, như muốn nhắn gửi cho con cái mọi thời về cái tâm bất biến giữa giòng đời vạn biến: “Các môn đệ vui mừng. Halleluia. Vì được nhìn thấy Chúa. Halleluia.”
Những thương tích trên thân thể Đức Giêsu vẫn còn đó, như dấu chỉ cho một tình yêu cao cả và lòng xót thương vô bờ Người dành cho nhân loại, mà các môn đệ có sứ mạng rao truyền: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Các môn đệ thi hành sứ mạng này, không phải để trừng trị, trả thù những kẻ gian ác, nhưng là để công bố sự tha thứ và hòa giải, làm chứng cho Tin mừng Phục sinh, cho ơn Cứu Chuộc nơi Đức Giêsu chứa chan, cho lòng Thương Xót vô biên Người vẫn dành cho con người, từ đời nọ đến đời kia.
Sứ mạng này, các môn đệ sẽ thực hiện cùng với Đấng Phục Sinh luôn ở cùng, như một thẩm quyền tối hậu để hậu thuẫn cho sứ điệp, như một thế lực để duy trì sức mạnh thừa sai, để soi sáng cho tâm trí và làm bừng lên ngọn lửa nhiệt thành.
Sứ mạng ấy đã tồn tại theo thời gian lịch sử, trải qua những sự thử thách ghê gớm giữa sự sống và cái chết, giữa đức tin và khoa học, giữa mầu nhiệm và những vấn đề thuộc bình diện nhân loại. Đừng vội trách Tôma là kẻ cứng tin, như các tông đồ khác, Tôma cũng chỉ hướng tới thập giá, dù ông can đảm: “Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài.” (Ga 11,16)
Rất yêu mến thầy, nên khi thấy thầy chịu chết, ông đau đớn rút vào trong cô tịch. Vì thế, khi Đấng Phục Sinh hiên ra, Tôma đã vắng mặt. Nhưng Tôma thật lòng, dám nói lên sự nghi ngờ vướng mắc của mình và tuyên bố sẽ chẳng tin nếu không được thấy tận mắt, sờ tận tay vào những vết thương của Chúa.
Tám ngày sau, các môn đệ tập hợp lại, lần này có Tôma. Các cửa đều đóng kín. Sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh lần trước vẫn chưa giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi. Họ cần có sức mạnh Chúa Thánh Thần thì mới dạn dĩ xuất hiện trong tư thế là chứng tá cho Đức Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh.
Đức Giêsu biết rõ tâm hồn Tôma, nên lần hiện ra này, Người sẵn sàng để cho ông kiểm chứng “Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.” Tôma sụp xuống trong sự kinh hoàng, thốt lên lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con.”
Không ít lần, trong những thời khắc khủng hoảng tăm tối nhất, người tín hữu vẫn ao ước được Lòng thương xót Chúa chạm đến như tông đồ Tôma. Nhưng những vết thương của Giáo Hội, của các quốc gia, của từng gia đình và của mỗi người gây ra bởi dại dịch Coronavirus chính là những vết thương của Chúa Kitô, và những vết thương ấy phải được nhìn thấy để chạm vào.
Làm sao có thể chạm vào những vết thương của Chúa, khi chúng ta nhắm mắt trước mọi vết thương rách toác của người đồng loại trong trận đại dịch này?
Làm sao có thể hôn kính những vết thương trên Thân Thể Chúa Kitô, đang khi bỏ mặc những vết thương trên thân thể, trong tâm hồn, trong đời sống của những người khốn cùng đang kề bên?
Làm sao có thể tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh chiến thắng sự chết, khi hằng ngày chúng ta vẫn dửng dưng với những cái xấu và ác, mặc nhiên thừa nhận sự gian dối, nạn tham nhũng và không dám nói lên, hoặc đồng tình với những người đang đấu tranh cho sự thật, đang phải trả giá cho công lý?
Làm sứ giả cho lòng thương xót của Chúa là mạnh dạn chỉ ra các vết thương trong xã hội, cho thấy cái cơ cấu của tội lỗi là nguồn gốc của mọi vết thương. Cần lắm một tình yêu liên đới và lòng thương cảm, “xót ai cũng là xót phận mình” mới có thể cùng nhau tìm kiếm những phương thế mới để chữa lành.
Và thuốc chữa lành chính là sống Lòng thương xót Chúa khi bắt tay làm những điều tốt đẹp; khi tìm kiếm chân lý tránh xa sự giả dối; khi biết yêu thương, tìm kiếm sự tha thứ – hòa giải chứ không nuôi dưỡng sự trả thù.
Lạy Chúa Giêsu
Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ.
Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu.
Chúng con đến kêu cầu Chúa giàu lòng xót thương.
Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.
(Lời Bài hát Chúa giàu lòng xót thương của Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Bình an của Thầy
BÌNH AN CỦA THẦY !
Trên đời này, có lẽ ai ai cũng sợ ! Đơn giản là vì con người nhỏ bé quá, mong manh quá, dễ chết quá nhất là với sự đe dọa tính mạng của con virus quái ác đang hoành hành trên toàn thế giới.
Ai ai cũng sợ và sợ nhất là giờ chết đến. Kèm theo đó là sợ mất người yêu, mất danh dự, mất quyền lực, mất của cải vật chất. Thế cho nên, con người rất cần sự bình an. Và, bình an mà con người tìm kiếm phải chăng là bình an giả tạo, bình an phù du. Chỉ có bình an của Chúa Giêsu mới là bình an thật, bình an vĩnh viễn trong cuộc đời của Kitô hữu chúng ta.
Cảm nghiệm được sự bình an của Chúa, ta thấy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng của Ngài, Ngài nói với nhân loại : “Đừng sợ !”. Không chỉ khởi đầu mà suốt cả triều đại Giáo Hoàng của Ngài, Đức Thánh Cha luôn luôn nói với cộng đoàn tín hữu và cả thế giới “Đừng Sợ”.
Thật thế ! Ai nào đó có Đức Kitô Phục Sinh trong tâm hồn sẽ bảo đảm không sợ. Ngược lại, ai chưa có Đức Kitô Phục Sinh sẽ cứ mãi mãi loay hoay tìm kiếm sự bình an trong trần gian và càng tìm càng kiếm thì lại càng bất an vì tất cả ở đời này cũng chỉ là phù vân.
Khi con người sợ thì con người thích bình an và thèm khát sự bình an.
Ta thấy người Do Thái khi chào nhau hay nói “Shalom”. “Shalom” của người Do Thái cũng chỉ là chúc bình an cho nhau như chúng ta vẫn thường chào nhau theo kiểu của con người. Con người cần hơn nữa và trên mọi sự đó chính là sự bình an đến từ Chúa.
Ta thấy mỗi khi Thánh Lễ bắt đầu và kết thúc, ta được chủ tế chào với lời chào Bình an và chúc Bình an của Chúa : “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” … “Anh chị em hãy trao bình an (của Chúa) cho nhau” … “Lễ xong chúc anh chị em về bình an”
Để ý, ta thấy lần nào cũng như lần nấy, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào và chúc các môn đệ : “Bình an cho anh em”. (và hơn một lần Chúa nói Bình an của Thầy không phải như bình an của thế gian). Và, khi có sự bình an của Thầy, ta thấy các môn đệ không còn sợ hãi nữa.
Nếu như trước đây, các môn đệ ru rú đóng kín cửa ở trong nhà vì sợ liên lụy đến con người mang tên Giêsu (không chỉ đóng kín mà còn khóa chặt cửa nữa. Nếu như thời nay thì chắc các môn đệ gắn camera và xem camera luôn luôn để canh chừng có người lạ đến nơi các ông đang trú ngụ nữa) thì khi đón nhận sự bình an các ông thay đổi. Các môn đệ không còn ở trong nhà nữa mà lên đường loan Tin Mừng Phục Sinh.
Điểm rất đặc biệt mà ta phải chú ý nữa đó là khi Chúa hiện ra, Chúa ban bình an thì kèm theo đó là bàn tay với dấu đinh và cạnh sườn với vết đòng đâm thâu. Chúa không hiện ra với một thân xác hoàn mỹ nhưng với con người đau khổ Giêsu trên thập giá. Điều này muốn nói với các môn đệ và cả chúng ta nữa rằng phải qua đau khổ, phải qua cái chết nhục nhã mới đến Phục Sinh và đến vinh quang.
Điều này có nghĩa rằng phải qua đau khổ mới đến vinh quang, qua cái chết mới phục sinh. Và, ta có thể dễ thấy nơi hình ảnh của hạt lúa. Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không thối đi, không chết đi thì không sinh nhiều bông hạt khác mà chỉ trơ trọi một mình.
Ai nào đó bước theo Đức Kitô trên con đường khổ giá và chết đi cho chính mình thì mới hưởng sự bình an viên mãn.
Con người này nay, ta thấy sung túc, giàu có, quyền lực nhưng vẫn bất an chứ không như ta thấy bên ngoài.
Ta thấy những đại gia, nhà cao cửa rộng cửa kín cao tường và có bảo vệ. Tại sao thế ? Tại vì họ bất an và sợ hãi. Ai nào đó đến vùng nghèo và của anh chị em đồng bào, ta dễ dàng nhận thấy sự bình an của họ. Sự bình an của người nghèo, của dân tộc thiểu số toát ra ngay lối sống của họ. Nhà cửa của họ đôi khi chả có khóa nữa nhưng họ bình an. Họ cũng chả có trang bị vũ khí hay vật gì đó phòng hộ cũng như chẳng có bảo vệ. Nhìn như thế xem thử ai bình an hơn ai.
Xã hội đang xôn xao với chuyện vợ chồng đại gia ở Thái Bình. Nếu như trước đây, xem chừng họ bình an vì họ xây dựng đời họ trong một pháo đài với đầy đủ tiện nghi, quyền lực nhưng đến giờ họ ra sao thì ai ai cũng thấy.
Bình an của thế gian đó là đầy quyền lực, đầy của cải, đầy thế giá, nhà cao cửa rộng … Thế nhưng rồi thực tế tất cả những thứ đó cũng chỉ là phù vân. Ai nào đó chạy theo những thứ đó chắc chắn cũng chẳng bình an, có chăng chỉ là tạm bợ.
Trở lại cuộc đời của ta, ta đã được thanh tẩy, ta đã được nghe lời chứng của các môn đệ nhưng rồi ta có bình an không ? Hay là bình an đó đâu đó đi chơi và không chịu đến nhà của ta.
Còn nhớ lời của một số vị thánh tử đạo khi ra pháp trường. Khi đối diện với cái chết, các Ngài đơn giản : Quan cứ giết tôi càng sớm càng tốt. Giết sớm để tôi mau về với Chúa của tôi hơn.
Tại sao các Ngài can đảm nói như vậy ? Các Ngài nói như vậy vì lẽ các Ngài đã mở lòng đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong cuộc đời để rồi thấy vinh quang của thế gian và của cả cái chết chẳng là gì cả.
Ta cũng thế, khi và chỉ khi ta mở lòng ra thật sự để Đức Kitô Phục Sinh vào ngự trong lòng thì ta mới bình an.
Trong cuộc sống thực tại, ta thấy có những người đi đến đâu là ở đó bất an. Đơn giản là vì họ không có sự bình an của Chúa để rồi đi đâu cũng gây oán thù, đi đến đâu cũng gây chia rẽ và bất hòa cho người khác.
Nhìn lại một chút về cuộc đời của Thánh Phanxicô Átxidi. Khi Thánh nhân khám phá và nhìn ra cây cỏ, muông thú và cả cái chết là bạn thì Ngài bình an. Ngài gọi sự chết là “chị chết” trong khi ai ai cũng sợ cái chết.
Chính vì khát khao sự bình an, tìm kiếm sự bình an và nhất là mang sự bình an đến cho mọi người nên Ngài để lại tâm tư để đời : Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con … xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.
Ngày hôm nay, ta cũng thầm thì với Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng ta trở nên như khí cụ bình an của Chúa để mang bình an của Chúa cho người khác. Muốn có sự bình an của Chúa, ta hãy xin Chúa cho ta mở lòng mình ra, mở cửa tâm hồn của mình ra để đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong đời mình.
2020
Lời trách mắng dễ thương
LỜI TRÁCH MẮNG DỄ THƯƠNG
Yêu ai thì ta hay trách người đó !
Vâng ! Thường thì vậy ! Hễ người ta còn yêu ai đó thì người ta trách người mình yêu. Đáng sợ nhất là khi người ta im lặng. Im lặng với đồng nghĩa là chấm hết để rồi còn trách là còn yêu.
Khi ta sống chung, sống gần và sống với ai đó mà người ta phản ứng bằng cách im lặng và không nói lời nào là ta đủ hiểu tâm trạng cũng như tâm tình của người đó. Như hai vợ chồng, khi còn yêu còn thương là người ta còn đối thoại và thậm chí còn tranh luận cũng như trách móc nhau. Khi tình yêu đã cạn thì có đánh họ cũng chả khai có hành hạ thì họ cũng không thèm nói. Thái độ im lặng mới là thái độ đáng sợ nhất trong cuộc đời con người.
Nhìn vào tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ thì ta thấy tương quan rất khác. Dù các môn đệ bỏ Thầy, chối Thầy nhưng Thầy không bao giờ bỏ các môn đệ của Thầy để rồi ta thấy Chúa không im lặng với các môn đệ. Ta thấy các môn đệ rơi vào cảnh ngộ bị trách yêu : “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”.
Cũng dễ hiểu thôi ! Niềm tin vào một con người đã chết và vùi trong huyệt mộ mà sống lại xem ra là chuyện hão huyền và chuyện không bao giờ có trong cuộc đời. Các môn đệ kém tin và cứng tin là chuyện rất bình thường. Và từ trước đến giờ chưa nghe nói đến chết sống lại chứ đừng nói đến chuyện thấy.
Điều ta thấy nơi các môn đệ rất dễ thương đó là sau những lần trách móc đó, các ông dường như không lẫy cũng chẳng hờn. Gần nhất đó chính là tông đồ trưởng Phêrô. Phêrô đã bị trách, bị mắng xối xả : “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy … Gà chưa gáy 2 lần thì anh đã chối Thầy 3 lần …” Rồi khi thương Thầy, muốn bảo vệ sinh mạng Thầy thì Phêrô lấy gươm quất ngay tên đầy tớ và tưởng được khen nhưng lại nhận được thái độ không ủng hộ từ phía Thầy.
Nếu như tự ái cũng như tự cao tự đại, có lẽ Phêrô là người bỏ Thầy đi từ lâu lắm rồi, từ cái lúc mà bị nguyền rủa là Satan chứ không đợi đến lúc chối Thầy ở vườn Dầu. Ta lại bắt gặp được tình thương của Phêrô dành cho Thầy sao mà mãnh liệt quá, sao mà nồng nàn quá.
Con người, ai ai trong thân phận làm người, ắt hẳn không tránh khỏi những lúc con tim mềm yếu. Mềm thì mềm thật nhưng yếu chắc chắn là không bởi lẽ sau khi tin nhận Thầy đã sống lại thật thì các tông đồ và nhất là Phêrô đã không ngần ngại thí mạng vì Thầy. Thí mạng đến đỉnh điểm của Phêrô như mọi người đều nghe tương truyền lại là Ngài xin được đóng đinh ngược với Thầy vì không xứng đáng với tình thương của Thầy dành cho mình.
Và, tưởng nghĩ nếu nhu ngày hôm nay, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng nghe những lời mắng yêu như Thầy đã mắng các môn đệ xưa. Đơn giản là lòng tin của ta vào Chúa Giêsu cũng chả hơn gì các môn đệ và còn thậm chí tệ hơn các môn đệ nữa.
Nhìn vào thực trạng của cuộc sống, không ít Kitô hữu và ngay cả bản thân ta, nhiều lần nhiều lúc ta cũng chẳng để cho Đức Kitô Phục Sinh sống trong đời mình. Ta cũng sẽ chẳng bao giờ dại để đi nói với mọi người rằng tôi không tin Chúa nhưng chính trong cung cách sống và nhất là hành động của ta, tất cả đã nói lên niềm tin của chúng ta.
Đời ta, có khi bị thử thách một chút xíu là ta tìm đủ mọi cách để thoát ra cái khó khăn đó bằng cách chạy theo ma thuật, chạy theo bói toán thay vì đến với Chúa. Hoặc có khi ta đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời bằng thái độ kém tin hay bất tín với Chúa. Có người, chỉ vì vài lý do đơn giản mà cũng chả đâu ra đâu nhưng cũng đã quay lưng với Chúa.
Thái độ sống của chúng ta quá bám víu vào quyền lực, vào danh vọng, về vật chất cũng đủ tố cáo chúng ta về hành vi kém tin vào Chúa hay nói đúng hơn là minh chứng cho chúng ta thờ của cải vật chất và loại trừ Chúa. Mỗi người chúng ta tự kiểm điểm được niềm tin của ta vào Chúa chứ không cần ai khác.
Ngày hôm nay, Chúa cũng trách chúng ta để rồi chúng ta nhìn lại niềm tin cũng như thái độ sống của chúng ta.
Cứ nhìn lại cuộc đời, nhiều lúc người khác bị sóng gió ba đào còn hơn cả chúng ta nhưng họ không hề than thân trách phận. Còn ta, chỉ một chút xíu thôi là ta đã la toáng lễn cũng như không còn tin vào Chúa nữa.
Trong những ngày gần cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh, niềm tin vào Chúa lại được gợi lên cho mỗi người chúng ta. Đặc biệt trong mùa đại dịch này, nhà nhà, người người đang phải đối diện với những khó khăn ngay trước mắt chúng ta thì chúng ta trả lời với Chúa như thế nào về niềm tin của chúng ta vào Chúa.
Chúa còn yêu nên Chúa còn trách và ngược lại, khi còn được trách là khi đó ta thấy mình còn được Chúa yêu. Hãy can đảm, hãy mạnh dạn như các tông đồ xưa và nhất là Phêrô, ta hãy mạnh dạn và can đảm làm chứng về Chúa và cho Chúa.
Gương mẫu mà chúng ta bắt gặp đó chính là thái độ của các môn đệ khi bị điệu ra các hội đường và công nghị. Dù gặp muôn ngàn gian nan thử thách và có khi phải ngồi tù nhưng các môn đệ vẫn xác tín niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
Phần ta, ngày hôm nay, ta không còn gặp phải cảnh bắt bớ tù đày nữa. Ta gặp thách đố niềm tin ngày hôm nay là sống và làm chứng cho sự thật. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để khi nghe lời mắng yêu của Chúa, ta biết cân chỉnh cuộc đời của ta sao cho phù hợp hơm với Thánh ý của Chúa và nhất là xin cho mỗi người chúng ta mạnh dạn lên đường loan báo Tim Mừng Phục Sinh như lời căn dặn của Chúa với các môn đệ ngày xưa.