Đường về Emmau : Xin đừng vô cảm
ĐƯỜNG VỀ EM MAU : XIN ĐỪNG VÔ CẢM
Người xưa có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” ngụ ý đặt lễ nghĩa lên hàng đầu, đặt giá trị tinh thần lên trên giá trị vật chất. Dù trước mặt có mâm cao cỗ đầy nhưng không chào hỏi, mời mọc thì chẳng ai quan tâm động đũa. Lời chào thể hiện sự tôn trọng, thân thiện nên khi gặp nhau, chào trước rồi mới các việc khác tiếp sau. Lời chào được nói ra phải xuất phát từ trái tim sự chân thành, niềm nở cho ta thấy sự kính trọng dành cho người trên.
Tưởng nghĩ chắc có lẽ không chỉ người Việt Nam nhưng đã là người thì bất cứ dân tộc nào cũng coi trọng lời mời, coi trọng lời chào hơn là bữa ăn. Với tâm tình này, ta được mời gọi nhình lại con đường Emmau.
Có lẽ không cần phải dài lời, ta thấy các môn đệ buộc lòng không còn cách nào khác là phải về quê “đuổi vịt cho vợ” vì người mà mình thần tượng, người mà mình theo đuổi bị treo trên cây thập giá. Cái chết đã làm tiêu tan niềm hy vọng của bất cứ những ai đi theo con người mang tên Giêsu. Điều này cũng chả có gì là khó hiểu và cũng chả có gì để phân tích hay bàn tán cũng như suy nghĩ.
Câu chuyện đường về Emmau phải chăng quá quen thuộc với mỗi người Kitô hữu nhất là sau biến cố Chúa Giêsu chết và phục sinh. Trên con đường về quê đó, tâm trạng của hai môn đệ dường như bế tắt và tuyệt vọng. Đang thất tha thất thểu thì bỗng dưng gặp một vị khách bộ hành. Và, ta thử hỏi nếu như đường ai nấy đi thì sẽ là gì kế tiếp. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ đồng hành với người khác trên đoạn đường khác. Ở đây, hành trình Emmau ta lại thấy lóe lên tình cảm giữa người với người và 2 môn đệ. Chính khi 2 môn đệ mời khách bộ hành vào quán trọ cũng là lúc mà họ gặp chính Chúa Giêsu.
Chuyện về Emmau hơn bao giờ hết thấm thía và đúng mọi thời đại và nhất là thời đại ngày hôm nay của nhân loại, của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Cuộc đời hay nói đúng hơn là chuyến hành hương về Giêrusalem của mỗi người chúng ta xem chừng ta không đơn giản. Có những lúc chúng ta đi trong đêm đen của đời sống đức tin, đi trong những đoạn đường chán ngán và vô vọng. Điều hết sức dễ thương đó là Vị Khách Bộ Hành Emmau xưa vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Thế nhưng đáng tiếc thay lòng ta vẫn cứ chộn rộn lo những cái chuyện gì đó chẳng dính dáng gì đến ơn cứu độ của ta.
Để ý một tí, ta thấy các môn đệ buồn bã và nói với Khách Bộ Hành : “Ủa ! Ông kỳ ghê nha ! Ông không biết chuyện gì về cái ông mang tên Giêsu à ?”. Tâm trạng đó nói lên sự tiếc nuối, sự đau đớn khi mất điểm tựa. Và, chính lúc nói lên tâm tình của mình, vị Khách Bộ Hành mới kể chuyện Kinh Thánh cho 2 ông nghe.
Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta đã hơn một lần hay nói đúng hơn là quá nhiều lần chênh vênh. Và, ta thấy càng chênh vênh hơn nữa khi ta không bám víu vào vị Khách Bộ Hành trên đường đi của ta. Cũng không khó hiểu khi đời ta chênh vênh. Thay vì ta mời khách bộ hành mang tên Giêsu vào nhà thì ta mời tiền bạc, địa vị và danh vọng. Những vị khách đó xem chừng chỉ làm cho ta thỏa mãn cái ước muốn tạm bợ để rồng lòng ta vẫn trống vắng và có khi mất niềm tin vào Chúa.
Thực tế nhất là trong cơn đại dịch mà cả thế giới đang gánh chịu, chuyện quan trọng nhất của người Kitô hữu vẫn là niềm tin vào Chúa. Để sống niềm tin, để có niềm tin chắc có lẽ không có cách nào khác là mình mời Chúa vào trong gia đình của mình.
Có những người vui vẻ thốt lên : “Không có Lễ buồn quá ! Không có Lễ chán quá !”.
Xem chừng đó là cảm thức của tự nhiên của một tín hữu quen đi Nhà thờ như một thói quen đạo đức. Thế nhưng, không nên dừng lại ở thói quen đạo đức mà phải đi xa hơn nữa đó là mình hãy bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa giữa những lúc thử thách như thế này.
Chúa ở đâu ? Chúa ở trong lúc mình rước Lễ thiêng liêng, khi mình đọc và suy niệm lời Chúa và nhất là khi mình “nuốt” lời Chúa vào trong đời mình.
Có vài giáo phận thông báo có lễ như bình thường thì cũng nhao nhao lên so sánh. Để làm gì ? Mỗi giáo phận thì Đấng Bản Quyền có quyền ra quyết định cho giáo phận của mình. Và rồi ta vẫn thấy có những ràng buộc kèm theo đó tuân theo quy định của nhà chức trách để rồi cứ phải đứng núi này trông núi nọ.
Vấn đề lớn nhất không phải là được đến tham dự Thánh Lễ tập trung hay không mà là ta có mời Chúa đến trong gia đình chúng ta không ? Ta có tin câu nói : “Ở đâu có 2, 3 người tụ họp và cầu nguyện là có Ta ở đó” không ?
Nếu như vậy thì tại sao ta lại không dành quỹ thời gian nào đó chừng 15 phút đồng hồ để cả gia đình ngồi lại với nhau trước Bàn Thờ Chúa trong gia đình để cùng nhau đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, tìm hiểu Lời Chúa và nhất là để sống Lời Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho con đi và Lời Chúa chính là lương thực cho Kitô hữu. Ta không quên chi tiết là Chúa Giêsu đã kể lại cho 2 môn đệ về những gì xảy ra trong Thánh Kinh để đến lúc bẻ bánh thì lòng các ông bừng cháy sao ?
Và như vậy, mỗi gia đình đều có Lời Chúa nhưng ta có mời Chúa vào trong tâm hồn của chúng ta hay không ? Chúng ta dường như vô cảm với Chúa dẫu rằng miệng vẫn càm ràm “không có Thánh lễ tập trung buồn quá !”
Chúa đã, đang và vẫn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống nhưng rồi ta vẫn vô cảm với Chúa đó thôi. Nếu như ta chân tình với Chúa và mời Chúa vào trong tâm hồn qua việc đón nhận Lời Chúa thì lòng ta sẽ bình an và bừng cháy như 2 môn đệ Emmau.
Xin cho mỗi người chúng ta như 2 môn đệ Emmau xưa là biết mời Chúa vào trong gia đình mình, trong tâm hồn mình. Khi và chỉ khi ta có Chúa thật trong gia đình, trong tâm hồn thì ta mới được bình an. Mỗi người chúng ta có cách lựa chọn cũng như cách đáp trả niềm tin vào Chúa giữa lúc khó khăn của đại dịch này.