2020
Bình an của Thầy
BÌNH AN CỦA THẦY !
Trên đời này, có lẽ ai ai cũng sợ ! Đơn giản là vì con người nhỏ bé quá, mong manh quá, dễ chết quá nhất là với sự đe dọa tính mạng của con virus quái ác đang hoành hành trên toàn thế giới.
Ai ai cũng sợ và sợ nhất là giờ chết đến. Kèm theo đó là sợ mất người yêu, mất danh dự, mất quyền lực, mất của cải vật chất. Thế cho nên, con người rất cần sự bình an. Và, bình an mà con người tìm kiếm phải chăng là bình an giả tạo, bình an phù du. Chỉ có bình an của Chúa Giêsu mới là bình an thật, bình an vĩnh viễn trong cuộc đời của Kitô hữu chúng ta.
Cảm nghiệm được sự bình an của Chúa, ta thấy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi khởi đầu sứ vụ Giáo Hoàng của Ngài, Ngài nói với nhân loại : “Đừng sợ !”. Không chỉ khởi đầu mà suốt cả triều đại Giáo Hoàng của Ngài, Đức Thánh Cha luôn luôn nói với cộng đoàn tín hữu và cả thế giới “Đừng Sợ”.
Thật thế ! Ai nào đó có Đức Kitô Phục Sinh trong tâm hồn sẽ bảo đảm không sợ. Ngược lại, ai chưa có Đức Kitô Phục Sinh sẽ cứ mãi mãi loay hoay tìm kiếm sự bình an trong trần gian và càng tìm càng kiếm thì lại càng bất an vì tất cả ở đời này cũng chỉ là phù vân.
Khi con người sợ thì con người thích bình an và thèm khát sự bình an.
Ta thấy người Do Thái khi chào nhau hay nói “Shalom”. “Shalom” của người Do Thái cũng chỉ là chúc bình an cho nhau như chúng ta vẫn thường chào nhau theo kiểu của con người. Con người cần hơn nữa và trên mọi sự đó chính là sự bình an đến từ Chúa.
Ta thấy mỗi khi Thánh Lễ bắt đầu và kết thúc, ta được chủ tế chào với lời chào Bình an và chúc Bình an của Chúa : “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” … “Anh chị em hãy trao bình an (của Chúa) cho nhau” … “Lễ xong chúc anh chị em về bình an”
Để ý, ta thấy lần nào cũng như lần nấy, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào và chúc các môn đệ : “Bình an cho anh em”. (và hơn một lần Chúa nói Bình an của Thầy không phải như bình an của thế gian). Và, khi có sự bình an của Thầy, ta thấy các môn đệ không còn sợ hãi nữa.
Nếu như trước đây, các môn đệ ru rú đóng kín cửa ở trong nhà vì sợ liên lụy đến con người mang tên Giêsu (không chỉ đóng kín mà còn khóa chặt cửa nữa. Nếu như thời nay thì chắc các môn đệ gắn camera và xem camera luôn luôn để canh chừng có người lạ đến nơi các ông đang trú ngụ nữa) thì khi đón nhận sự bình an các ông thay đổi. Các môn đệ không còn ở trong nhà nữa mà lên đường loan Tin Mừng Phục Sinh.
Điểm rất đặc biệt mà ta phải chú ý nữa đó là khi Chúa hiện ra, Chúa ban bình an thì kèm theo đó là bàn tay với dấu đinh và cạnh sườn với vết đòng đâm thâu. Chúa không hiện ra với một thân xác hoàn mỹ nhưng với con người đau khổ Giêsu trên thập giá. Điều này muốn nói với các môn đệ và cả chúng ta nữa rằng phải qua đau khổ, phải qua cái chết nhục nhã mới đến Phục Sinh và đến vinh quang.
Điều này có nghĩa rằng phải qua đau khổ mới đến vinh quang, qua cái chết mới phục sinh. Và, ta có thể dễ thấy nơi hình ảnh của hạt lúa. Hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không thối đi, không chết đi thì không sinh nhiều bông hạt khác mà chỉ trơ trọi một mình.
Ai nào đó bước theo Đức Kitô trên con đường khổ giá và chết đi cho chính mình thì mới hưởng sự bình an viên mãn.
Con người này nay, ta thấy sung túc, giàu có, quyền lực nhưng vẫn bất an chứ không như ta thấy bên ngoài.
Ta thấy những đại gia, nhà cao cửa rộng cửa kín cao tường và có bảo vệ. Tại sao thế ? Tại vì họ bất an và sợ hãi. Ai nào đó đến vùng nghèo và của anh chị em đồng bào, ta dễ dàng nhận thấy sự bình an của họ. Sự bình an của người nghèo, của dân tộc thiểu số toát ra ngay lối sống của họ. Nhà cửa của họ đôi khi chả có khóa nữa nhưng họ bình an. Họ cũng chả có trang bị vũ khí hay vật gì đó phòng hộ cũng như chẳng có bảo vệ. Nhìn như thế xem thử ai bình an hơn ai.
Xã hội đang xôn xao với chuyện vợ chồng đại gia ở Thái Bình. Nếu như trước đây, xem chừng họ bình an vì họ xây dựng đời họ trong một pháo đài với đầy đủ tiện nghi, quyền lực nhưng đến giờ họ ra sao thì ai ai cũng thấy.
Bình an của thế gian đó là đầy quyền lực, đầy của cải, đầy thế giá, nhà cao cửa rộng … Thế nhưng rồi thực tế tất cả những thứ đó cũng chỉ là phù vân. Ai nào đó chạy theo những thứ đó chắc chắn cũng chẳng bình an, có chăng chỉ là tạm bợ.
Trở lại cuộc đời của ta, ta đã được thanh tẩy, ta đã được nghe lời chứng của các môn đệ nhưng rồi ta có bình an không ? Hay là bình an đó đâu đó đi chơi và không chịu đến nhà của ta.
Còn nhớ lời của một số vị thánh tử đạo khi ra pháp trường. Khi đối diện với cái chết, các Ngài đơn giản : Quan cứ giết tôi càng sớm càng tốt. Giết sớm để tôi mau về với Chúa của tôi hơn.
Tại sao các Ngài can đảm nói như vậy ? Các Ngài nói như vậy vì lẽ các Ngài đã mở lòng đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong cuộc đời để rồi thấy vinh quang của thế gian và của cả cái chết chẳng là gì cả.
Ta cũng thế, khi và chỉ khi ta mở lòng ra thật sự để Đức Kitô Phục Sinh vào ngự trong lòng thì ta mới bình an.
Trong cuộc sống thực tại, ta thấy có những người đi đến đâu là ở đó bất an. Đơn giản là vì họ không có sự bình an của Chúa để rồi đi đâu cũng gây oán thù, đi đến đâu cũng gây chia rẽ và bất hòa cho người khác.
Nhìn lại một chút về cuộc đời của Thánh Phanxicô Átxidi. Khi Thánh nhân khám phá và nhìn ra cây cỏ, muông thú và cả cái chết là bạn thì Ngài bình an. Ngài gọi sự chết là “chị chết” trong khi ai ai cũng sợ cái chết.
Chính vì khát khao sự bình an, tìm kiếm sự bình an và nhất là mang sự bình an đến cho mọi người nên Ngài để lại tâm tư để đời : Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con … xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”.
Ngày hôm nay, ta cũng thầm thì với Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng ta trở nên như khí cụ bình an của Chúa để mang bình an của Chúa cho người khác. Muốn có sự bình an của Chúa, ta hãy xin Chúa cho ta mở lòng mình ra, mở cửa tâm hồn của mình ra để đón nhận Đức Kitô Phục Sinh vào trong đời mình.
2020
Lời trách mắng dễ thương
LỜI TRÁCH MẮNG DỄ THƯƠNG
Yêu ai thì ta hay trách người đó !
Vâng ! Thường thì vậy ! Hễ người ta còn yêu ai đó thì người ta trách người mình yêu. Đáng sợ nhất là khi người ta im lặng. Im lặng với đồng nghĩa là chấm hết để rồi còn trách là còn yêu.
Khi ta sống chung, sống gần và sống với ai đó mà người ta phản ứng bằng cách im lặng và không nói lời nào là ta đủ hiểu tâm trạng cũng như tâm tình của người đó. Như hai vợ chồng, khi còn yêu còn thương là người ta còn đối thoại và thậm chí còn tranh luận cũng như trách móc nhau. Khi tình yêu đã cạn thì có đánh họ cũng chả khai có hành hạ thì họ cũng không thèm nói. Thái độ im lặng mới là thái độ đáng sợ nhất trong cuộc đời con người.
Nhìn vào tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ thì ta thấy tương quan rất khác. Dù các môn đệ bỏ Thầy, chối Thầy nhưng Thầy không bao giờ bỏ các môn đệ của Thầy để rồi ta thấy Chúa không im lặng với các môn đệ. Ta thấy các môn đệ rơi vào cảnh ngộ bị trách yêu : “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy”.
Cũng dễ hiểu thôi ! Niềm tin vào một con người đã chết và vùi trong huyệt mộ mà sống lại xem ra là chuyện hão huyền và chuyện không bao giờ có trong cuộc đời. Các môn đệ kém tin và cứng tin là chuyện rất bình thường. Và từ trước đến giờ chưa nghe nói đến chết sống lại chứ đừng nói đến chuyện thấy.
Điều ta thấy nơi các môn đệ rất dễ thương đó là sau những lần trách móc đó, các ông dường như không lẫy cũng chẳng hờn. Gần nhất đó chính là tông đồ trưởng Phêrô. Phêrô đã bị trách, bị mắng xối xả : “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy … Gà chưa gáy 2 lần thì anh đã chối Thầy 3 lần …” Rồi khi thương Thầy, muốn bảo vệ sinh mạng Thầy thì Phêrô lấy gươm quất ngay tên đầy tớ và tưởng được khen nhưng lại nhận được thái độ không ủng hộ từ phía Thầy.
Nếu như tự ái cũng như tự cao tự đại, có lẽ Phêrô là người bỏ Thầy đi từ lâu lắm rồi, từ cái lúc mà bị nguyền rủa là Satan chứ không đợi đến lúc chối Thầy ở vườn Dầu. Ta lại bắt gặp được tình thương của Phêrô dành cho Thầy sao mà mãnh liệt quá, sao mà nồng nàn quá.
Con người, ai ai trong thân phận làm người, ắt hẳn không tránh khỏi những lúc con tim mềm yếu. Mềm thì mềm thật nhưng yếu chắc chắn là không bởi lẽ sau khi tin nhận Thầy đã sống lại thật thì các tông đồ và nhất là Phêrô đã không ngần ngại thí mạng vì Thầy. Thí mạng đến đỉnh điểm của Phêrô như mọi người đều nghe tương truyền lại là Ngài xin được đóng đinh ngược với Thầy vì không xứng đáng với tình thương của Thầy dành cho mình.
Và, tưởng nghĩ nếu nhu ngày hôm nay, Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng nghe những lời mắng yêu như Thầy đã mắng các môn đệ xưa. Đơn giản là lòng tin của ta vào Chúa Giêsu cũng chả hơn gì các môn đệ và còn thậm chí tệ hơn các môn đệ nữa.
Nhìn vào thực trạng của cuộc sống, không ít Kitô hữu và ngay cả bản thân ta, nhiều lần nhiều lúc ta cũng chẳng để cho Đức Kitô Phục Sinh sống trong đời mình. Ta cũng sẽ chẳng bao giờ dại để đi nói với mọi người rằng tôi không tin Chúa nhưng chính trong cung cách sống và nhất là hành động của ta, tất cả đã nói lên niềm tin của chúng ta.
Đời ta, có khi bị thử thách một chút xíu là ta tìm đủ mọi cách để thoát ra cái khó khăn đó bằng cách chạy theo ma thuật, chạy theo bói toán thay vì đến với Chúa. Hoặc có khi ta đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời bằng thái độ kém tin hay bất tín với Chúa. Có người, chỉ vì vài lý do đơn giản mà cũng chả đâu ra đâu nhưng cũng đã quay lưng với Chúa.
Thái độ sống của chúng ta quá bám víu vào quyền lực, vào danh vọng, về vật chất cũng đủ tố cáo chúng ta về hành vi kém tin vào Chúa hay nói đúng hơn là minh chứng cho chúng ta thờ của cải vật chất và loại trừ Chúa. Mỗi người chúng ta tự kiểm điểm được niềm tin của ta vào Chúa chứ không cần ai khác.
Ngày hôm nay, Chúa cũng trách chúng ta để rồi chúng ta nhìn lại niềm tin cũng như thái độ sống của chúng ta.
Cứ nhìn lại cuộc đời, nhiều lúc người khác bị sóng gió ba đào còn hơn cả chúng ta nhưng họ không hề than thân trách phận. Còn ta, chỉ một chút xíu thôi là ta đã la toáng lễn cũng như không còn tin vào Chúa nữa.
Trong những ngày gần cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh, niềm tin vào Chúa lại được gợi lên cho mỗi người chúng ta. Đặc biệt trong mùa đại dịch này, nhà nhà, người người đang phải đối diện với những khó khăn ngay trước mắt chúng ta thì chúng ta trả lời với Chúa như thế nào về niềm tin của chúng ta vào Chúa.
Chúa còn yêu nên Chúa còn trách và ngược lại, khi còn được trách là khi đó ta thấy mình còn được Chúa yêu. Hãy can đảm, hãy mạnh dạn như các tông đồ xưa và nhất là Phêrô, ta hãy mạnh dạn và can đảm làm chứng về Chúa và cho Chúa.
Gương mẫu mà chúng ta bắt gặp đó chính là thái độ của các môn đệ khi bị điệu ra các hội đường và công nghị. Dù gặp muôn ngàn gian nan thử thách và có khi phải ngồi tù nhưng các môn đệ vẫn xác tín niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
Phần ta, ngày hôm nay, ta không còn gặp phải cảnh bắt bớ tù đày nữa. Ta gặp thách đố niềm tin ngày hôm nay là sống và làm chứng cho sự thật. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để khi nghe lời mắng yêu của Chúa, ta biết cân chỉnh cuộc đời của ta sao cho phù hợp hơm với Thánh ý của Chúa và nhất là xin cho mỗi người chúng ta mạnh dạn lên đường loan báo Tim Mừng Phục Sinh như lời căn dặn của Chúa với các môn đệ ngày xưa.
2020
Đời ta và những mẻ cá lạ
ĐỜI TA VÀ NHỮNG MẺ CÁ LẠ
Trong cuộc sống, người ta hay dùng từ “quá tam 3 bận”. Nôm na được hiểu rằng con số 3 là con số nhiều và cũng là con số tròn đầy.
Thầy Giêsu Phục Sinh ! Trước tiên, theo trình thuật Thánh Kinh, Chúa hiện ra với Bà Maria. Không chỉ Bà Maria thấy Chúa nhưng rồi các môn đệ cũng đã thấy và không chỉ thấy 1 lần mà đến 3 lần như trình thuật hôm nay chúng ta vừa nghe.
Không còn nghe, không còn vu vơ và cũng không phải mù mờ, các môn đệ đã tận mắt ăn uống với Thầy. Không chỉ thế, hôm nay, ta bắt gặp mẻ cá lạ đến với các môn đệ.
Rõ ràng, chỉ ít phút trước, các môn đệ thưa với một chàng thanh niên (lúc đó chưa nhận ra Thầy) nhưng rồi ít phút sau đó các môn đệ đã được mẻ cá tràn trề. Sau khi nhận được mẻ cá lạ, Thánh Phêrô đã chợt nhận ra chàng thanh niên đến với nhóm bạn chài của mình chính là Thầy Giêsu.
Mẻ cá này Thánh Gioan ghi lại 153 con. Con số 153 với người Do Thái cũng là con số tròn đầy. Theo như nhiều nhà chú giải thì bảo đây là con số tượng trưng cho muôn dân muôn nước mà các môn đệ “chài lưới” về cho Thiên Chúa.
Tâm tình của những ngày Phục Sinh này quả là khó nói bởi lẽ trào tràn ý nghĩa cũng như văng vẳng bên tai mỗi người môn đệ của Chúa cũng là những người làm chứng cho Thầy Phục Sinh. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi là trở thành kẻ đi “lưới người như lưới cá” vậy.
Đến giờ này, trong lắng đọng, mỗi người chúng ta đặt mình trước mặt Chúa để ta thấy rằng không phải Chúa hiện ra với ta 3 lần nhưng là 30 lầm, 300 lần trong cuộc đời. Kèm theo đó, Chúa cho chúng ta không phải là 1 mẻ cá lạ mà quá nhiều mẻ cá lạ. Có chăng chúng ta ồn ào, chúng ta kiêu căng, chúng ta cứ tưởng nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta có là của chúng ta, sở hữu là của chúng ta và quyền trên tất cả những thứ chúng ta có là của chúng ta để không nhận ra ơn Chúa trên đời ta.
Chắc có lẽ trong cơn đại dịch này, chúng ta và cả thế giới lại bình tâm lại để nhìn ra đâu ai là chủ, ai là tớ trong cuộc đời này ? Không khéo chúng ta lại bị lầm tưởng thì lại khổ cho chúng ta và cho cả người thân của chúng ta nữa.
Trưa ngủ dậy, “chộp” được câu chuyện kể về cuộc đời của nữ bác sĩ ở Mỹ ra đi vì coronavirus thì dịch ngay. Dĩ nhiên chả phải là nhà ngôn ngữ học hay giỏi sinh ngữ nên chuyện dịch quả là không tưởmg. Thế nhưng thấy tiêu đề bài viết hay quá nên dịch.
Dịch xong, đọc đi đọc lại lại thấy được cuộc đời của con người quả thật là mong manh. Vị bác sĩ này làm việc trên tuyến đầu cũng như là một bác sĩ giỏi. Đang khi chữa bệnh coronavirus cho người khác thì cô lại nhiễm và ra đi.
Điều bi đát là cô ra đi trong trạng thái cô đơn đến tột cùng. Gia đình, đồng nghiệp, bạn bè cũng không có bất cứ một ai bên cạnh. Và rồi hơi thờ từ từ khép lại. Buồn hơn nữa là sau khi nhận tin cô qua đời, gia đình cũng chả nghĩ đến chuyện tổ chức tang lễ vì giờ có tổ chức thì cũng chả ai đi. Quyết định cuối cùng là hỏa táng con, vợ và mẹ của mình thôi chứ không còn lựa chọn nào khác.
Suy nghĩ một chút về khả năng, về trình độ thì ta thấy bác sĩ đó quá tài năng và đức độ nhưng rồi cuối cùng cũng khuất phục trước con virus quái ác. Suy nghĩ như thế để ta thấy đơn giản rằng ngày nào mà ta còn sống phải chăng đó là ơn lạ mà Chúa đã ban cho ta trong cõi đời này vì đơn giản con virus ấy không trừ một ái và không bỏ sót một ai.
Nhìn ở góc cạnh như thế cũng như nhìn lại cuộc đời của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta khi bước chân vào trần gian này thử hỏi có ai mang theo cái gì vào trần gian hay không ? Từ từ nhờ vòng tay yêu thương của Cha Mẹ và nhiều người, ta được khôn lớn, được thành danh và thành tài. Trên hết và trước hết tất cả những gì ta có phải chăng đó là quà tặng hay đúng hơn là mẻ cá lạ mà Chúa ban cho ta không ?
Một gia đình con có duyên quen biết, dắt díu nhau qua Mỹ nhờ anh của Cô bảo lãnh. Từ đó, cả gia đình sum họp bên đó. Nếu bình thường thì ta thấy bình thường nhưng nếu gia đình đó cứ ở mãi VN thì giờ đây sẽ ra sao ?
Một anh thân tình kể lại, có những ngày thèm cơm trứng thịt kho cũng không có mà ăn. Ngày nay tất cả những gì anh có là của Chúa.
Mỗi người chúng ta đều khám phá ra quà tặng, qua mẻ cá lạ mà Chúa ban cho đời ta.
Điều đáng buồn và đáng tiếc là ta chạy theo thế gian, ta chạy theo thói đời để chụp giựt, để hơn thua và tệ hơn nữa là ta đã không đủ tỉnh táo để nhìn ra nhiều và quá nhiều mẻ cá lạ mà Chúa ban cho đời ta. Chúa đã ban cho ta, Chúa vẫn ban cho ta, Chúa sẽ ban cho ta mà ta không chịu nhận ra.
Trong những ngày này, những lúc cả xã hội điêu đứng với con virus quái ác này, ta hãy bình tâm lại, để nhìn lại nhiều mẻ cá lạ Chúa ban cho ta. Và, từ những mẻ cá lạ đó, Chúa mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và nhất là chúng ta hãy lên đường như Thánh Phêrô, như các môn đệ để “lưới thêm cá” cho Chúa như lòng Chúa mong muốn.
2020
Chúa Nhật Lễ Lá Thời Coronavirus: Hiển vinh hay thảm kịch?
Chúa Nhật Lễ Lá Thời Coronavirus: Hiển vinh hay thảm kịch?
Lễ lá tưởng niệm Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem được dân chúng tôn vinh như một vị Cứu Tinh, Đấng sẽ khôi phục vương quốc của Thiên Chúa, cho đến cái chết bi thương, nhục nhã trên thập giá giữa những tiếng thét gào lăng mạ và kết án như một tên tội phạm. Tất cả diễn biến ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã nói tiên tri về Người.
Vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu thức tỉnh tâm trí mọi người qua hành động mang tính ngôn sứ, Người công khai tỏ mình là Đấng Mêsia tiến vào thành của Người để khôi phục vương quyền, để thanh tẩy Đền thờ của Thiên Chúa khỏi những việc thờ phượng bị lạm dụng và làm ra ô uế và ra tay cứu độ.
Vào thành Giêrusalem một cách công khai đầy uy nghi, để mọi người phải chú ý, phải công nhận Người là Vua hoặc không là gì cả. Đức Giêsu biết rõ mình đang đi vào chốn nguy hiểm, đám đông nhiệt thành đấy, nhưng giới chức quyền căm thù Người, quyết giết Người.
Vào thành Giêrusalem trong tâm thái của vị Vua hòa bình, Đức Giêsu sẽ đem lại ổn định và trật tự cho thế giới; vì vương quốc Thiên Chúa là vương quốc ngự trị trong lòng người. Người long trọng tiến vào trong tiếng hô vang dội “Hôsana”, nghĩa là “Xin cứu ngay!” (x.Tv 118,25) mang sắc thái của niềm vui, của hoà bình mà người Do thái thường hát vào dịp lễ Vượt Qua.
Vào thành Giêrusalem Đức Giêsu quyết thực hiện thánh ý Chúa Cha. Người đến không phải để lên án mà để cứu độ, không phải bằng sức mạnh của vũ khí mà bằng sức mạnh của tình yêu.
Tiến vào thành Giêrusalem trong sự vinh hiển, nhưng sự hiển vinh đích thật của Đức Giêsu là thực hiện thánh ý Chúa Cha; Người phải trải qua sự bi thảm của tấn thảm kịch, trong tư cách của một Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa.
Để sau khi mọi sự đã hoàn tất, nhân loại mới hiểu được vì sao Thiên Chúa lại tôn vinh Người Con trên Thánh giá. Vì Thập giá minh chứng tình yêu chiến thắng tội lỗi và những đau khổ của Đức Giêsu có giá trị cứu chuộc, là sự thể hiện cùng tột sự khiêm nhu, sự vâng phục và lòng yêu mến vô bờ của Người Con đối với Thiên Chúa Cha; vì Thập giá Đức Kitô chính là tình yêu Chúa Cha dùng để diễn tả lòng mến với nhân trần, và là nguyên nhân ơn cứu rỗi cho con người, cho những ai tùng phục Người (x.Dt 5,8-9).
Do đó, Vinh quang của người tín hữu là Thập giá Đức Kitô.
Hôm nay, rất nhiều Nhà thờ trên thế giới, ngay cả Vatican cũng phải chọn giải pháp Thánh lễ online để người tín hữu được tham dự trước màn hình và hiệp thông cách thiêng liêng. Nhưng với nhành lá trên tay, chúng ta cùng nhau trải lòng ra nghênh đón Đấng Thiên Sai ngự vào, miệng hô vang “Hôsana”, và sống với Người trong những ngày hồng phúc này.
Không dừng tại đó, chúng ta còn hô vang “Hôsana trên các tầng trời”. Xin cả triều thần thiên quốc hãy kêu cầu cùng Thiên Chúa ra tay giải cứu và giúp đỡ nhân loại trong những ngày đại dịch khốn khó và cùng quẫn này.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR