2020
Đời ta và những mẻ cá lạ
ĐỜI TA VÀ NHỮNG MẺ CÁ LẠ
Trong cuộc sống, người ta hay dùng từ “quá tam 3 bận”. Nôm na được hiểu rằng con số 3 là con số nhiều và cũng là con số tròn đầy.
Thầy Giêsu Phục Sinh ! Trước tiên, theo trình thuật Thánh Kinh, Chúa hiện ra với Bà Maria. Không chỉ Bà Maria thấy Chúa nhưng rồi các môn đệ cũng đã thấy và không chỉ thấy 1 lần mà đến 3 lần như trình thuật hôm nay chúng ta vừa nghe.
Không còn nghe, không còn vu vơ và cũng không phải mù mờ, các môn đệ đã tận mắt ăn uống với Thầy. Không chỉ thế, hôm nay, ta bắt gặp mẻ cá lạ đến với các môn đệ.
Rõ ràng, chỉ ít phút trước, các môn đệ thưa với một chàng thanh niên (lúc đó chưa nhận ra Thầy) nhưng rồi ít phút sau đó các môn đệ đã được mẻ cá tràn trề. Sau khi nhận được mẻ cá lạ, Thánh Phêrô đã chợt nhận ra chàng thanh niên đến với nhóm bạn chài của mình chính là Thầy Giêsu.
Mẻ cá này Thánh Gioan ghi lại 153 con. Con số 153 với người Do Thái cũng là con số tròn đầy. Theo như nhiều nhà chú giải thì bảo đây là con số tượng trưng cho muôn dân muôn nước mà các môn đệ “chài lưới” về cho Thiên Chúa.
Tâm tình của những ngày Phục Sinh này quả là khó nói bởi lẽ trào tràn ý nghĩa cũng như văng vẳng bên tai mỗi người môn đệ của Chúa cũng là những người làm chứng cho Thầy Phục Sinh. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi là trở thành kẻ đi “lưới người như lưới cá” vậy.
Đến giờ này, trong lắng đọng, mỗi người chúng ta đặt mình trước mặt Chúa để ta thấy rằng không phải Chúa hiện ra với ta 3 lần nhưng là 30 lầm, 300 lần trong cuộc đời. Kèm theo đó, Chúa cho chúng ta không phải là 1 mẻ cá lạ mà quá nhiều mẻ cá lạ. Có chăng chúng ta ồn ào, chúng ta kiêu căng, chúng ta cứ tưởng nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta có là của chúng ta, sở hữu là của chúng ta và quyền trên tất cả những thứ chúng ta có là của chúng ta để không nhận ra ơn Chúa trên đời ta.
Chắc có lẽ trong cơn đại dịch này, chúng ta và cả thế giới lại bình tâm lại để nhìn ra đâu ai là chủ, ai là tớ trong cuộc đời này ? Không khéo chúng ta lại bị lầm tưởng thì lại khổ cho chúng ta và cho cả người thân của chúng ta nữa.
Trưa ngủ dậy, “chộp” được câu chuyện kể về cuộc đời của nữ bác sĩ ở Mỹ ra đi vì coronavirus thì dịch ngay. Dĩ nhiên chả phải là nhà ngôn ngữ học hay giỏi sinh ngữ nên chuyện dịch quả là không tưởmg. Thế nhưng thấy tiêu đề bài viết hay quá nên dịch.
Dịch xong, đọc đi đọc lại lại thấy được cuộc đời của con người quả thật là mong manh. Vị bác sĩ này làm việc trên tuyến đầu cũng như là một bác sĩ giỏi. Đang khi chữa bệnh coronavirus cho người khác thì cô lại nhiễm và ra đi.
Điều bi đát là cô ra đi trong trạng thái cô đơn đến tột cùng. Gia đình, đồng nghiệp, bạn bè cũng không có bất cứ một ai bên cạnh. Và rồi hơi thờ từ từ khép lại. Buồn hơn nữa là sau khi nhận tin cô qua đời, gia đình cũng chả nghĩ đến chuyện tổ chức tang lễ vì giờ có tổ chức thì cũng chả ai đi. Quyết định cuối cùng là hỏa táng con, vợ và mẹ của mình thôi chứ không còn lựa chọn nào khác.
Suy nghĩ một chút về khả năng, về trình độ thì ta thấy bác sĩ đó quá tài năng và đức độ nhưng rồi cuối cùng cũng khuất phục trước con virus quái ác. Suy nghĩ như thế để ta thấy đơn giản rằng ngày nào mà ta còn sống phải chăng đó là ơn lạ mà Chúa đã ban cho ta trong cõi đời này vì đơn giản con virus ấy không trừ một ái và không bỏ sót một ai.
Nhìn ở góc cạnh như thế cũng như nhìn lại cuộc đời của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta khi bước chân vào trần gian này thử hỏi có ai mang theo cái gì vào trần gian hay không ? Từ từ nhờ vòng tay yêu thương của Cha Mẹ và nhiều người, ta được khôn lớn, được thành danh và thành tài. Trên hết và trước hết tất cả những gì ta có phải chăng đó là quà tặng hay đúng hơn là mẻ cá lạ mà Chúa ban cho ta không ?
Một gia đình con có duyên quen biết, dắt díu nhau qua Mỹ nhờ anh của Cô bảo lãnh. Từ đó, cả gia đình sum họp bên đó. Nếu bình thường thì ta thấy bình thường nhưng nếu gia đình đó cứ ở mãi VN thì giờ đây sẽ ra sao ?
Một anh thân tình kể lại, có những ngày thèm cơm trứng thịt kho cũng không có mà ăn. Ngày nay tất cả những gì anh có là của Chúa.
Mỗi người chúng ta đều khám phá ra quà tặng, qua mẻ cá lạ mà Chúa ban cho đời ta.
Điều đáng buồn và đáng tiếc là ta chạy theo thế gian, ta chạy theo thói đời để chụp giựt, để hơn thua và tệ hơn nữa là ta đã không đủ tỉnh táo để nhìn ra nhiều và quá nhiều mẻ cá lạ mà Chúa ban cho đời ta. Chúa đã ban cho ta, Chúa vẫn ban cho ta, Chúa sẽ ban cho ta mà ta không chịu nhận ra.
Trong những ngày này, những lúc cả xã hội điêu đứng với con virus quái ác này, ta hãy bình tâm lại, để nhìn lại nhiều mẻ cá lạ Chúa ban cho ta. Và, từ những mẻ cá lạ đó, Chúa mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và nhất là chúng ta hãy lên đường như Thánh Phêrô, như các môn đệ để “lưới thêm cá” cho Chúa như lòng Chúa mong muốn.
2020
Chúa Nhật Lễ Lá Thời Coronavirus: Hiển vinh hay thảm kịch?
Chúa Nhật Lễ Lá Thời Coronavirus: Hiển vinh hay thảm kịch?
Lễ lá tưởng niệm Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem được dân chúng tôn vinh như một vị Cứu Tinh, Đấng sẽ khôi phục vương quốc của Thiên Chúa, cho đến cái chết bi thương, nhục nhã trên thập giá giữa những tiếng thét gào lăng mạ và kết án như một tên tội phạm. Tất cả diễn biến ứng nghiệm lời các ngôn sứ đã nói tiên tri về Người.
Vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu thức tỉnh tâm trí mọi người qua hành động mang tính ngôn sứ, Người công khai tỏ mình là Đấng Mêsia tiến vào thành của Người để khôi phục vương quyền, để thanh tẩy Đền thờ của Thiên Chúa khỏi những việc thờ phượng bị lạm dụng và làm ra ô uế và ra tay cứu độ.
Vào thành Giêrusalem một cách công khai đầy uy nghi, để mọi người phải chú ý, phải công nhận Người là Vua hoặc không là gì cả. Đức Giêsu biết rõ mình đang đi vào chốn nguy hiểm, đám đông nhiệt thành đấy, nhưng giới chức quyền căm thù Người, quyết giết Người.
Vào thành Giêrusalem trong tâm thái của vị Vua hòa bình, Đức Giêsu sẽ đem lại ổn định và trật tự cho thế giới; vì vương quốc Thiên Chúa là vương quốc ngự trị trong lòng người. Người long trọng tiến vào trong tiếng hô vang dội “Hôsana”, nghĩa là “Xin cứu ngay!” (x.Tv 118,25) mang sắc thái của niềm vui, của hoà bình mà người Do thái thường hát vào dịp lễ Vượt Qua.
Vào thành Giêrusalem Đức Giêsu quyết thực hiện thánh ý Chúa Cha. Người đến không phải để lên án mà để cứu độ, không phải bằng sức mạnh của vũ khí mà bằng sức mạnh của tình yêu.
Tiến vào thành Giêrusalem trong sự vinh hiển, nhưng sự hiển vinh đích thật của Đức Giêsu là thực hiện thánh ý Chúa Cha; Người phải trải qua sự bi thảm của tấn thảm kịch, trong tư cách của một Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa.
Để sau khi mọi sự đã hoàn tất, nhân loại mới hiểu được vì sao Thiên Chúa lại tôn vinh Người Con trên Thánh giá. Vì Thập giá minh chứng tình yêu chiến thắng tội lỗi và những đau khổ của Đức Giêsu có giá trị cứu chuộc, là sự thể hiện cùng tột sự khiêm nhu, sự vâng phục và lòng yêu mến vô bờ của Người Con đối với Thiên Chúa Cha; vì Thập giá Đức Kitô chính là tình yêu Chúa Cha dùng để diễn tả lòng mến với nhân trần, và là nguyên nhân ơn cứu rỗi cho con người, cho những ai tùng phục Người (x.Dt 5,8-9).
Do đó, Vinh quang của người tín hữu là Thập giá Đức Kitô.
Hôm nay, rất nhiều Nhà thờ trên thế giới, ngay cả Vatican cũng phải chọn giải pháp Thánh lễ online để người tín hữu được tham dự trước màn hình và hiệp thông cách thiêng liêng. Nhưng với nhành lá trên tay, chúng ta cùng nhau trải lòng ra nghênh đón Đấng Thiên Sai ngự vào, miệng hô vang “Hôsana”, và sống với Người trong những ngày hồng phúc này.
Không dừng tại đó, chúng ta còn hô vang “Hôsana trên các tầng trời”. Xin cả triều thần thiên quốc hãy kêu cầu cùng Thiên Chúa ra tay giải cứu và giúp đỡ nhân loại trong những ngày đại dịch khốn khó và cùng quẫn này.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Tin vào đời sau
29.3 Chúa nhật V MC
Ga 11, 1-45
TIN VÀO ĐỜI SAU
Chúa Giêsu nghĩ gì về cái chết? Theo Cựu Ước, người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác, vì đó là quan niệm của người Hy Lạp. Còn người Do Thái thì cho rằng chết là mất hết sự sống. Với phép lạ cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc tìm hiểu xem sự sống và sự chết là gì, nhưng điều chính yếu Ngài muốn gởi gấm, muốn xác quyết: Ngài chính là sự sống lại và là sự sống.
Sống và chết là hai việc hoàn toàn mâu thuẫn, chống đối nhau. Tâm lý con người ai cũng muốn sống và không muốn chết: ham sống sợ chết là tâm lý tự nhiên của con người. Lòng ham sống thúc đẩy con người phải bám vào nhiều thứ, nhất là của cải, tiền bạc, chẳng hạn như ông nhà giàu trong Tin Mừng: thâu hoạch lúa thóc đầy tràn, ông phải xây thêm nhà kho, tự cho đời sống mình như thế thật là bảo đảm, tha hồ ăn chơi sung sướng. Nhưng Chúa bảo ông: thật là hạng khờ dại, vì đêm nay ông chết, của cải có bảo đảm được mạng sống ông không? Ông còn nắm giữ được của cải không? và quả thực ông đã vỡ mộng khi đối diện với cái chết. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30 ngàn người chết, bao nhiêu người bị Chúa cho là “hạng khờ dại”, vì lúc chết, tay buông xuông, người ta không còn có thể bám vào một vật gì cả: “Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì”. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”
Và rồi qua cái chết của Ladarô nói lên thân phận mong manh kiếp người
Cuộc đời của Lazarô cũng mong manh như thế. Đang nửa chừng xuân, đang tuổi còn dồi dào sức sống, Ladarô vội vã từ giã cuộc đời, để lại vô vàn đau thương tiếc nuối cho thân nhân cũng như bè bạn.
Đó là một mất mát vô cùng lớn lao mà không gì trên đời bù đắp nổi. Mất gì người ta cũng có thể kiếm lại được và có thể tậu lại cái mới tốt hơn; còn mất mạng sống là mất tất cả và dường như chẳng còn cách nào phục hồi lại được!
Cái chết của Lazarô là một sự kiện tự nhiên. Con người sinh ra rồi chết, đó là chuyện tự nhiên chắc chắn, điều hòa khác nào thời tiết vần xoay. Nhưng trong cái tất định ấy, trong cái tất yếu kia, một người can thiệp vào và chế ngự được chúng. Con người ấy đầy từ bi và quyền năng, Người là Thiên Chúa.
Sự can thiệp của Chúa Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa không xa xôi, không hờ hững với tạo vật. Chúa đã nhập thể. Người muốn có con tim biết xúc động, xao xuyến. Người bị đánh động bởi số phận con người, bởi tình nghĩa, bởi nỗi buồn phiền của bạn hữu. Bây giờ Người biểu dương quyền năng và cho Lazarô sống lại. Điều này cho thấy rằng tuy vẫn trung tín với mình trong sự tôn trọng định luật thiên nhiên, nhưng Thiên Chúa có thể lấy quyền năng mình thay đổi chúng để phụng sự những kẻ Người yêu mến.
Khi Lazarô chết đi, bà con họ hàng vô cùng thương tiếc. Cho dù Lazarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai người chị là Matta và Maria vẫn còn ngậm ngùi thổn thức… Ngay cả Chúa Giêsu khi đến thăm mộ cũng không cầm được nước mắt trước cái chết của người thanh niên còn xuân trẻ nầy.
Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại, kèm theo sự kiện chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ… chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng sẽ phải chết và được sống lại với Chúa. Khi nói về sự sống lại thì nhiều người anh chị em chúng ta có lẽ nghe khó tin. Mới đây tập hợp điều tra về niềm tin của những người công giáo bền Italia về sự sống đời sau sau cái chết, kết quả cho biết rằng, mặc dù đa số tin có Thiên Chúa, nhưng khi được hỏi về niềm tin của họ vào sự sống đời đời thì họ tỏ vẻ do dự. Quan tâm của họ về sự sống đời đời xem ra như càng ngày càng ít đi, dường như có hai hoàn cảnh làm cho con người dễ xa lìa Thiên Chúa, quên đi cuộc sống đời đời. Đó là khi con người giàu sang, quyền quí hoặc khi gặp cảnh cùng cực thái qúa. Giàu quá dễ bị cám dỗ quên Chúa và nghèo quá cũng làm con người tuyệt vọng.
Mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy được nét đẹp tuyệt vời và đầy cảm động ấy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy Ngài, là Con Thiên Chúa, nhưng đã khóc bên nấm mồ của Ladarô. Từ đó, chúng ta khám phá ra bản tính con người của Ngài. Chính bản tính con người ấy làm cho Ngài trở nên giống chúng ta. Bởi vì Ngài đã từng chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi, chịu đớn đau, cho nên Ngài sẽ hiểu chúng ta hơn, khi chúng ta lâm vào những cảnh huống như thế, như người xưa đã bảo: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Và như vậy, Ngài hiểu rõ thân phận chúng ta. Và chính sự hiểu biết này đem lại cho chúng ta hiềm vui mừng và hy vọng.
Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa. Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép lạ cho ông Lazarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống” (Ga 5, 24).
Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta ơn cứu độ, cũng như biểu lộ được tình yêu tuyệt vời Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì không ai yêu hơn người liều mạng sống mình vì bạn hữu.
Qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu đã loan báo cho con người một tin mừng: cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận cùng nữa mà là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô trong cõi vĩnh hằng. Vì thế, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi”. Hoặc như thánh Phaolô đã nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”.