2020
Xin ơn Chúa Thánh Thần
- 5 Chúa nhật
Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ga 20, 19-23
XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN
Cùng với toàn thể Hội Thánh, hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, có lẽ, chúng ta chỉ biết Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa mà thôi. Đối với không ít người Công Giáo, Chúa Thánh Thần như một Đấng xa lạ, thậm chí, Ngài chẳng có ảnh hưởng gì mấy tới đời sống của chúng ta. Nhưng thực ra, Chúa Thánh Thần có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống của Giáo Hội, mà còn trong cả đời sống của mỗi người chúng ta nữa.
Hẳn ta còn nhớ rằng trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các môn đệ. Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài. Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt. Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài. Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới. Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy. Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.
Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.
Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Thánh Gioan ghi nhận: Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Người Việt Nam chúng ta diễn tả một tuyệt vời là nhà cửa. Đã làm nhà thì phải có cửa. Và hai chữ nhà cửa thường đi đôi với nhau. Cửa để đóng và để mở. Đóng để có được một không gian riêng tư và bảo đảm an ninh. Nhưng cũng phải có lúc mở, để người ở trong có thể đi ra và người ở ngoài có thể bước vào, tạo nên sự hiệp thông và gặp gỡ.
Thế nhưng, cửa nhà các môn đệ thì lại đóng suốt vì các ông sợ. Chúa Giêsu hiện ra và nói với các ông rằng: Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con. Đã sai thì phải đi, mà muốn đi, thì việc đầu tiên là phải mở cửa ra, phải phá đi những gì ngăn cản sự hiệp thông và gặp gỡ.
Chúa Thánh Thần đổi mới các tông đồ : Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.
Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nhắc lại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa được diễn tả bằng hình ảnh: sau khi nắn đất sét thành người, Ngài đã thở hơi ban sự sống để nó trở thành người sống. Qua việc thở hơi trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn làm một cuộc sáng tạo mới. Ngài ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các ông nên những con người mới, có đủ khả năng chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Và trong Sách Tông đồ công vụ cho hay trong ngày lễ Ngũ Tuần, người ta thấy một cơn gió lốc ùa vào nhà các tông đồ đang ở và có cái gì giống hình lưỡi của lửa xuất hiện trên đầu mọi người và lập tức các ông được đổi mới. Trước kia các ông u mê dốt nát thì nay các ông được thống suốt giáo lý của Chúa. Trước kia các ông nhát đảm sợ hãi thì nay các ông được can đảm, sẵn sàng rao giảng Tin Mừng, tuyên xưng đức tin và chấp nhận chịu khổ cực và chịu chết vì danh Đức Kitô.
Tiếp đến Chúa Thánh Thần đổi mới Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và không ngừng tác động để canh tân Giáo Hội tuỳ theo nhu cầu thời đại, chẳng hạn như Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Ignatio, Têrêsa… nhờ các ngài Giáo Hội vượt qua được những giờ phút khủng hoảng và đen tối nhất.
Và gần đây hơn, Công đồng Vatican II cũng được coi là một lễ Hiện Xuống mới vì Công đồng này mà Giáo Hội có dịp nhìn lại mình để lau sạch những tì vết và bụi bặm do lịch sử để lại, đồng thời đổi mới Giáo Hội về nhiều phương diện để nhờ đó đi sát với Tin Mừng mà vẫn thích nghi với một thế giới không ngừng biến động và tiến bộ hơn.
Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt. Nếu đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta không nhìn thấy. Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.
Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch sử một cách khác. Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng cay một cách khác. Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của chúng.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cơ hội nhắc nhở mọi người chúng ta suy nghĩ lại về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Chúa Thánh Thần, dù được cầu khấn mỗi khi chúng ta bắt đầu một công việc, nhưng dường như sự kêu cầu này đã trở nên máy móc, và chúng ta không còn ý thức đến sự hiện diện của Ngài trong đời sống của người Kitô hữu chúng ta.
Trong ngày lễ Hiện Xuống, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.
2020
Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Chúa Thăng Thiên Để Ở Cùng
Một sự từ giã về phương diện không gian, để gần gũi theo cách vượt thời gian; một sự chia lìa trong thời gian, để ở lại siêu thời gian.
Đức Giêsu Phục Sinh muốn gặp các môn đệ tại nơi Người khởi sự việc loan báo tin mừng nước Thiên Chúa. Galilê miền đất của dân ngoại đã in đậm dấu ấn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì từ nơi ấy xuất hiện Ánh Sáng thần linh xua tan bóng tối của tội lỗi và tử thần, đập tan quyền lực Satan gông xiềng nhân loại từ bao đời. Bây giờ, cũng nơi ấy, Đức Giêsu Kitô đã cho các môn đệ thấy Người đã “xuyên thủng” cõi đất hạn hẹp, chết chóc này tiến về trời, lên nơi Người đã xuất phát, trở nên cầu nối giữa cõi trời và cõi đất; trở nên trung gian giữa con người và Thiên Chúa; trở nên Con Đường duy nhất dẫn người tin về cõi trời hiển vinh.
Galilê còn là nơi Đức Giêsu Phục Sinh, trong tư cách là Đấng đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ban sứ vụ cho Nhóm Mười Một, để minh chứng họ đích thực là môn đệ, có sứ mạng làm cho công cuộc cứu độ của Đức Giêsu có sự liên tục, trải dài trên toàn cõi đất qua việc loan báo tin mừng, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho những ai tin và dạy họ tuân giữ những điều mà Đức Giêsu đã truyền cho các tông đồ. Như thế, sứ mạng của Đức Giêsu phục sinh được tiếp diễn và bây giờ qua họ, Người sẽ hoàn tất công việc của mình.
Việc trọng đại ấy xảy ra trên một ngọn núi. Người Do thái vẫn coi núi là nơi Thiên Chúa chọn để hiển linh, để ban giới luật và thông tỏ ý định của Người. Đức Giêsu trước khi công khai rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, đã bị satan đưa lên một ngọn núi để cám dỗ Người đi trệch con đường Chúa Cha muốn; khi cho ba môn đệ thân tín thoáng thấy thần tính vinh hiển của Người trên núi Taborê, và trên núi Sọ, Đức Giêsu đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội loài người. Bây giờ, Đức Giêsu phục sinh đưa các môn đệ lên một ngọn núi Thăng Thiên- để ở cùng Giáo hội.
“Mười một môn đệ.” Con số này vừa cho thấy sự khiếm khuyết của Hội thánh, vừa cho biết sự bất toàn của Hội thánh, vì khi “các ông bái lạy Người”, có “mấy ông lại hoài nghi.” Hoài nghi điều gì, ngờ vực vấn đề nào? Tin mừng Mátthêu không nói rõ. Mãi mãi đó là một bí ẩn, nhưng sẽ lộ tỏ dần qua từng thời kỳ của nhân loại, qua những diễn biến của những sự kiện lớn nhỏ của thế giới và Giáo hội, qua những người từng là môn đệ Đức Giêsu.
Vì thế Giáo hội mọi thời phải nắm vững tinh thần và sứ mạng của Đức Giêsu để vượt qua tình trạng hoài nghi này, vừa để làm sáng tỏ các chân lý đức tin để củng cố lòng tin của mình hơn, vừa giúp cho Giáo hội tin tưởng vào lời Đấng Phục Sinh – Lên Trời, luôn ở cùng mình mọi ngày cho đến tận thế.
Bao lâu Giáo hội còn trung thành thực thi mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh – Lên Trời, dạy cho muôn dân những huấn lệnh như chính Người đã dạy, làm phép rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bấy lâu Giáo hội sẽ dễ dàng vượt qua sự hoài nghi ấy. Các môn đệ sẽ nhận ra sự hiện diện của Người, khi họ công bố tin mừng của Đấng Phục Sinh – Lên Trời; khi họ vững tin vào quyền bính tối thượng của Người trên mọi yếu tố vũ trụ.
Tác giả Mátthêu không nói việc Đức Giêsu trao quyền bính cho họ, nhưng nhấn mạnh đến sự quả quyết của Đức Giêsu về sự kết hợp giữa Người với họ. Bao lâu họ còn duy trì chân tính của người môn đệ, kết hợp khắn khít với Đức Giêsu, còn trung thành thực thi sứ mạng của Người, thì chính Người, trong tư cách siêu việt, sẽ bộc lộ quyền năng ấy qua họ.
Vì thế lời rao giảng của Hội thánh không chỉ là trình bày sứ điệp Cứu rỗi của Đức Kitô mà còn phải kiến tạo nên một cộng đoàn có cùng một đức tin, một phép rửa, một lối sống theo Lời Chúa, trong tương quan mật thiết vừa có tính cá biệt, vừa có tính chung nhất, với Đấng đã Phục Sinh – Lên Trời ở ngay trong tâm hồn họ, trong đời sống họ, trong sứ mạng của họ. Đức Giêsu Phục sinh – Lên Trời luôn là điểm trung tâm của Giáo hội và quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội.
Tác giả Mátthêu đã khéo léo đóng khung mầu nhiệm Emmanuen: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, vào lúc Đức Giêsu được sinh ra cho đến ngày Người được Phục Sinh – Lên Trời, là có ý nhắm đến sự Hiện diện của Người trong không gian và thời gian của lịch sử, vừa cho thấy chiều kích mầu nhiệm bao trùm của Người trên toàn thể lịch sử nhân loại và vũ trụ.
Giáo hội không bao giờ cô đơn vì Chúa Kitô tử nạn và phục sinh luôn ở cùng Giáo hội. Người luôn hướng dẫn, nâng đỡ và bầu cử cho Giáo hội trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, giúp Giáo hội đem quyền bính tình yêu của Người đến cho nhân loại.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR
2020
Làm chứng cho Thầy
24.5 Chúa Nhật Chúa thăng thiên
Mt 28, 16-20
LÀM CHỨNG CHO THẦY
Kế hoạch của Thiên Chúa được ghi trong Kinh Thánh không chấm hết cùng với cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Glêsu, mà còn tiếp tục trong Hội Thánh. Sứ điệp Tin Mừng được hoạch định “cho muôn dân”, được rao giảng “bắt đầu từ Giêrusalem”.
“Anh em là chứng nhân của những điều đó”. Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ như vậy. Và trước khi lìa bỏ các ông để “được đưa lên trời”, Người loan báo cho các ông biết rằng, các ông sẽ “nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”, quyền năng mà Cha đã hứa, để hoàn thành sứ mạng vĩ đại vượt quá sức riêng của các ông.
Chúa về trời mang lại cho nhân loại, cho Giáo Hội và cho các tông đồ một mối Phúc lớn lao vì nếu Chúa không ra đi thì Đấng bàu chữa không đến. Chúa về trời, Ngài đã làm tròn lời hứa ban Thánh Thần và trao quyền năng cho các tông đồ, cho Giáo Hội:” Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dậy muôn dân…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 17-20).
Ta thấy rằng với biến cố Thăng Thiên vào “ngày thứ bốn mươi” để bắt đầu cuộc sống mới của Chúa Giêsu vượt qua không gian và thời gian… thì cũng là lúc khởi sự trang đầu tiên của Công vụ Tông đồ! Kết thúc thời gian của Chúa Giêsu Nadarét…là bắt đầu thời kỳ của Giáo hội.
Biến cố Thăng Thiên là điều kiện tất yếu của biến cố Ngũ Tuần, vì Thăng Thiên đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu được tôn vinh. Chính khi Đức Kitô “được tôn vinh”, Người sẽ sai phái Thánh Thần hay Chúa Cha sai phái Thánh Thần nhân danh Người (Ga 14, 26). Tin Mừng Gioan nhấn mạnh nhiều lần: “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39) hay “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.
Thật vây, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). Mặt khác, việc Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa là một giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ một cách thế hiện diện khác của Người, sự hiện diện vô hình và nội tại trong Thánh Thần.
Các môn đệ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Người đã phục sinh. Các ông đã bắt đầu hiểu rằng sự việc phải đi tới đích điểm đó và phải được hoàn thành cách vinh quang. “Cần phải…”. Đây không phải là do định mệnh an bài. Cụm từ đó chỉ có ý nói rằng mọi biến cố tìm được ý nghĩa trong Thiên Chúa và chúng là tiếp nối của một quá khứ cao quý nhất. Một nụ hoa hé nở, một việc kỳ diệu Thiên Chúa làm ở giữa dân Người.
Chúa Giêsu được “đưa lên trời”. Những lời trăn trối cuối cùng của Người là lệnh “sai đi”, và là lời loan báo cho họ một sức mạnh từ trời cao, đó là Thần Khí được ban xuống, Thần Khí mà các Ngôn sứ đã loan báo. Từ nay, những con người ấy sẽ mang trên tay và trong trái tim ơn tái sinh. Các ông sẽ làm lây lan ơn Thiên Chúa, biến đổi cả nhân loại. Chúa Giêsu đi về cùng Cha Người, cốt để các ông ra đi đến tận cùng trái đất.
Sau khi tỏ mình cho các môn đệ nhận ra mình: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà” (c.39). Chúa Giêsu mở tâm hồn cho họ hiểu ý nghĩa của biến cố phục sinh: “Tất cả những gì sách luật Môsê, sách các ngôn sứ và các Thánh vịnh chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (c.44). Tất cả những gì các ông vừa trải qua cùng với Người, đều hiện rõ ý nghĩa dưới ánh sáng của Thánh Kinh, và chính Thánh Kinh được thực hiện hoàn hảo trong mầu nhiệm Vượt Qua: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại rồi phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.
Khi dẫn các môn đệ tới tận Bêtania, giờ đây Chúa Giêsu từ biệt và chúc lành cho các ông là những người kế thừa mình theo cách các thánh tổ phụ chúc lành cho các con vào lúc lìa cõi thế. Và đang khi Ngươi được “đem lên trời” các môn đệ “phủ phục bái lạy Người”, một cử chỉ tôn thờ chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi.
Cuối cùng, các moôn đệ nghe Chúa Giêsu đã nói rõ: “Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới”. Giêrusalem là nơi lúc ấy các tông đồ đang ở, Giuđê xa hơn một chút nhưng cũng quen thuộc vì có nhiều người đã tin Chúa, Samari tuy gần mà xa vì dân miền đó tuy biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài, đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất.
Khi vẽ một bản đồ hành trình làm chứng như thế, ý Chúa Giêsu là hãy bắt đầu làm chứng cho Ngài ngay từ trong nội bộ của mình, rồi từ từ mới lan dần ra. Chúng ta thấy các tông đồ đã thực hiện đúng như thế: nhờ cộng đoàn Giêrusalem sống đoàn kết hiệp nhất, tương thân tương trợ mà người ngoài nhìn vào đã mến phục và xin gia nhập Giáo Hội, thế rồi từ Giêrusalem Giáo Hội lan sang Giuđê, lan sang Samari, lan sang Antiôkia và dần dần tỏa ra khắp thế giới.
Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế.
Việc Chúa Giêsu thăng thiên hay nói một cách cụ thể hơn là Ngài ra đi, trở về, kết hiệp với Chúa Cha để thực hiện lời hứa ban Đấng phù trợ tới cho các môn đệ và cho toàn Giáo Hội là một mầu nhiệm của lòng tin vì hôm nay chấm dứt một giai đoạn Chúa phục sinh hiện diện, chứng minh cho các môn đệ thấy rằng mình vẫn sống giữa các ông (Cv 1, 3).
Việc Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Chúa Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao sứ mạng “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Lễ Thăng thiên được xem như đỉnh điểm của đời sống Đức Giêsu và là khởi điểm sứ vụ của Giáo hội. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội phải tích cực thi hành sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân trước mặt mọi người.
2020
Cần Lắm, Thần Khí Sự Thật
Cần Lắm, Thần Khí Sự Thật
Làm sao để có nhãn quan mới, suy nghĩ mới và sự hiểu biết mới để biện phân, để chọn lựa, để xác tín?
Khi Đức Giêsu loan báo việc ra đi, các môn đệ cảm nhận những việc bi thảm sắp xảy ra, lòng dạ rối bời. Nhưng Đức Giêsu đoan chắc Người sẽ không để họ mồ côi, Người sẽ đến với họ. Họ sẽ thấy Người sống và chính họ cũng sẽ sống. Lúc mắt họ mở ra, tâm trí họ hiểu được, lòng họ bừng sáng, họ sẽ nhìn thấy Người trong cái nhìn mầu nhiệm hiệp thông lạ lùng: “Ngày đó anh em sẽ biết rằng Thày ở trong Cha Thày. Anh em ở trong Thày và Thày ở trong anh em.”
Các điều răn của Đức Giêsu không chỉ là những giáo huấn về luân lý, mà còn diễn tả một mầu nhiệm của sự kết hợp sâu xa trong tình hiệp thông yêu thương, một cách sống “thần linh” do bởi Người luôn giữ các giới răn của Chúa Cha và luôn ở trong Chúa Cha.
Với Chúa Giêsu, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng sự vâng lời chân thành chứ không phải là một thứ cảm xúc, một cách ứng xử. Vì “nếu” các môn đệ yêu mến Thày, họ sẽ vâng lời Thày, như Đức Giêsu đã chứng minh Người rất mực yêu mến Chúa Cha qua sự vâng lời trọn vẹn, và Chúa Cha đã không bỏ rơi Người, thì các môn đệ sẽ nhận được một món quà Thần linh gửi tới từ Chúa Cha, là Đấng Bảo Trợ khác đến ở với họ luôn mãi.
Khi ở với các môn đệ, Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ cho họ. Người biện hộ, bảo vệ họ trước sự chỉ trích, phê phán của người Do thái; Người mặc khải các mầu nhiệm, dạy dỗ, yên ủi họ, giúp họ can đảm, thì giờ đây, Người hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho họ Đấng Bảo Trợ khác là Thần Khí Sự Thật sẽ đến ở trong họ, ở với họ để hướng dẫn và giúp họ có khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh.
Thần Khí Sự Thật đã tỏ mình qua Đức Giêsu. Thần Khí ấy sẽ đưa các môn đệ vào trong “sự thật”, sẽ che chở họ khỏi tinh thần thế gian, sẽ hoạt động trong tâm trí và trong tâm hồn họ, giúp họ đi sâu vào mầu nhiệm Đức Giêsu kết hiệp với Chúa Cha, và nhờ Người, họ được kết hiệp với Đức Giêsu, như Đức Giêsu hằng kết hiệp với họ.
Chỉ có các môn đệ mới biết Thần Khí Sự Thật và mọi hoạt động của Người, còn thế gian thì không. Nhờ đó, họ có nhãn quan mới, suy nghĩ và hiểu biết mới, có được những những kinh nghiệm mới để biện phân, để chọn lựa, để xác tín.
Không những thế, Đức Giêsu còn hứa sẽ đến cùng họ trong một dạng thức khác. Thế gian cứ tưởng là không có Đức Giêsu vì không thấy Người, nhưng các môn đệ vẫn nhận ra sự hiện diện của Người, sự hiện diện của một Đấng đang sống, và vì thế, họ cũng sẽ được sống.
Ở với các môn đệ một cách hữu hình, được cảm nhận qua những giác quan không phải là cách hay nhất, hữu hiệu nhất. Đức Giêsu hé mở cho họ biết về một cách thức hiện diện mới, không gì có thể ngăn cản, không gì có thể chia lìa, vượt trên thời gian và không gian, vượt lên trên cả những quy luật vật lý hạn hẹp của địa cầu. Khi “Ngày đó” đến, họ sẽ biết Đức Giêsu hằng ở trong Chúa Cha, họ được ở trong Người và Người ở trong họ.
Đó là điều sẽ xảy ra sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Dù Đấng Phục Sinh chưa cho họ thấy tất cả sự vinh hiển của Người, nhưng các môn đệ đã được soi sáng để biết mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng.
Nhắc lại việc tuân giữ các điều răn mà Người đã ban cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn họ lấy đức tin mà đón nhận Lời Người. Những ai gắn bó với các giới răn của Người mới có thể nhận được Thần Khí Sự Thật, và mở ra với tình yêu của Đức Giêsu và của Chúa Cha, trong sự kết hợp sâu xa của tình hiệp thông yêu thương thần linh. Đó là những gì Đức Giêsu muốn tỏ cho họ biết.
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận được Chúa Thánh Thần nếu chỉ tin mà không tuân giữ Lời Đức Giêsu, chỉ muốn thấy một Đức Giêsu không có bóng dáng thập giá, không dám coi tất cả mọi sự là rác, là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu và được kết hợp với Người, không muốn trở nên đồng hình đồng dạng trong cái chết của Người, làm sao hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết? (x. Pl 3,8-11).
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR